T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Rước Xuân vào nhà

clip_image002

Nước Non Ngàn Dặm – Ảnh: Lê bá Đương

Nghiêng vai trút hết đời dang dở

Để lúc xuân tàn bớt tiếc thương

(Ngọc Phi)

1.

Có lẽ, cái thời khắc những người tha hương hay vọng tưởng về quê nhà nhất là thời khắc cuối năm, khi âm hưởng cuộc chuẩn bị đón xuân mới náo nức rộn rã từ nửa vòng quay trái đất bên kia theo đường truyền internet, đường điện thọai viễn liên quốc tế (nay đã rất rẻ chỉ còn vài xu một phút gọi) làm xao xuyến tấm lòng kẻ không may mắn được cùng với thân nhân ruột thịt đốt nén nhang đầu năm cầu cho gia đạo an hòa, quanh năm đủ ăn, đủ mặc. Giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, cả năm chỉ có 3 ngày tết để gia đình xum họp, vui vầy, xóa bỏ mọi buồn phiền của năm cũ. Rồi sau đó lại lăn xả vào cuộc tranh sống, bon chen khắp nẻo mưu sinh, mong cho ngày tết năm tới chóng đến để lại được một lần nữa xum vầy.

Trong cái xao xuyến ấy, cộng thêm với tâm trạng của người xa quê hương mười mấy năm chưa được ăn cái tết quê nhà, tôi để lòng mình chùng xuống khi nghe lại một bài hát khá cũ.

. . . . .

Mẹ hay chăng mùa Xuân vui đã sang
Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm
Mẹ thấy chăng phố vui chân người về
Mẹ thấy chăng thôn xóm rực đèn treo
Nụ cười bỗng tươi trên môi đã khô cằn
Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về
Mẹ mừng mái tranh từ bao năm quạnh vắng
Đã có thêm người thân
. . . . . . . . . . .

(Rước Xuân Về Nhà – Nhật Ngân)

Bài hát viết về những ngày tháng xa xưa, khi cuộc chiến tranh tưởng như vừa chấm dứt, khi những cuộc chia ly tưởng chừng như đã vĩnh viễn trở thành quá khứ, khi những nỗi đau tưởng chừng như chỉ còn trong cơn ác mộng sau giấc ngủ trưa muộn màng. Mẹ hay chăng khổ đau xưa đã chìm. Mẹ thấy chăng phố vui chân người về. Nhưng không phải như vậy. Từ bấy đến nay bao nhiêu mùa Xuân vui đã sang, nhưng những điều mà bài hát muốn kể lể hình như vẫn còn nguyên vẹn đó. Những oan nghiệt sau khi tiếng súng chấm dứt vẫn còn ám ảnh tâm tư những người một thời chôn vùi tuổi trẻ của mình trong những trại tập trung dựng nên bởi chính những đồng bào của mình nay ở bên phía kẻ thắng trận, những người đã từng liều chết rời bỏ đất nước ra đi để mong tim cái sống trong cái chết, những người đã thề chỉ trở về khi đất nước hòan tòan được tự do, dân chủ và không còn bóng người cộng sản chễm chệ trên ngôi vị kẻ trị vì.

Hàng năm, trong lúc ở quê nhà rộn rã chuẩn bị đón mùa xuân truyền thống, thì ở những mảnh đất xa quê hương hàng trăm ngàn người Việt nam cũng xôn xao chuẩn bị hành trang về nước hưởng tết với gia đình. Mẹ thấy chăng phố vui chân người về. Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về. Người ta trở về quê hương vào lúc năm cùng tháng tận là một sự việc thật bình thường. Cũng hệt như những người trong gia đình buổi sáng túa ra đi làm, đi học, đến cuối ngày trở về nhà tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi. Nhưng oan nghiệt cứ kéo theo những oan nghiệt cho một dân tộc đã từng quá khổ đau vì chiến tranh, vì xung đột ý thức hệ, vì những cách biệt không thể hàn gắn giữa bên này và bên kia bờ biển Thái bình dương. Cả hai bên đều khóac cho cuộc trở về ấy những ý nghĩa rất xa lạ với tâm tư của người đang háo hức được gặp lại cha mẹ, anh chị em, con cháu sau một thời gian cách biệt. Những quan niệm thiển cận, độc ác ấy chỉ làm sâu thêm hố ngăn cách vốn đã rất sâu giữa người Việt trong và ngòai nước. Cuộc phân ly nào rồi cũng sẽ phải có ngày hội ngộ. Qúa khứ và những nỗi đau tuy không thể một sớm một chiều rũ bỏ, những cũng không phải là thực tế nếu người ta để cho quá khứ và những nỗi đau làm hư mất hiện tại, càng thiếu công bằng nếu để chúng làm hư mất đi cả tương lai. Mặt khác, việc trở về của người Việt tha hương không hề mang ý nghĩa thừa nhận một chế độ vẫn còn bám víu vào những ảo tưởng một thời để biện minh cho sự độc tài tòan trị của mình. Trong chiến tranh, giữa tên bay đạn nổ, người ta bị buộc phải chọn bên để đi theo. Thậm chí, có người còn bị buộc phải chọn cả hai bên, như người dân ở những vùng xôi đậu, sáng Quốc chiều Cộng. Đó là điều không ai chối cãi, vì đó là vấn đề của sống và chết. Nhưng ngày nay, chiến tranh không còn nữa, hiểu theo nghĩa không còn máu đổ thịt rơi, một sự lựa chọn nào đó không nhất thiết phải mang nhãn hiệu cộng sản hay quốc gia theo như ý nghĩa thông thường nữa. Nếu trong chiến tranh, người ta đã phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có cả tình cảm riêng tư, gia đình của mình, thì ngày nay, hơn 30 năm sau ngày cuộc chiến chấm dứt, nỗi lòng của người con xa nhà phải được trân trọng trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Hãy nghe lại câu hát cũ. Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về. Mà lại là quay về trong cái thời khắc tuyệt vời nhất của một năm để rước xuân vào nhà.

2.

Không phải đợi tới năm cùng tháng tận, khi những nụ hoa xuân vừa chúm chím ngòai ngõ, kẻ tha hương mới nghĩ đến trở về. Tâm tư hướng vọng quê nhà ấy thấp thóang trong từng giờ làm việc phụ trội trong ngày, trong tuần, mong có được chút đồng tiền dư dả gởi về giúp đỡ người thân, gởi về giúp những kẻ mồ côi, tật nguyền, những người đồng bào kém may mắn hơn mình. Không chỉ tâm tư hướng về quê nhà, có người đã chọn lựa cụ thể con đường của mình trở về quê hương. Đúng hay Sai, ai là người có thể phán xét? Mỗi người, trong tư thế của mình, có cách thế riêng để trở về. Như lời một nữ ca sĩ nổi tiếng của miền Nam trước đây, ra đi từ những ngày đầu 1975, nay về đứng trên những bục sân khấu quê nhà trước sự ủng hộ nhiệt tình của khán gỉa. Với người nghệ sĩ, như nàng danh ca của 40 năm sân khấu, đem nghệ thuật phục vụ đồng bào là điều nhất thiết phải Đúng. Họ nhìn thấy chân lý lóng lánh trên những khuôn mặt thỏa mãn của khán gỉa khi thưởng thức thứ nghệ thuật hảo hạng mà họ đã hết lòng phục vụ. Họ thấy hạnh phúc và hãnh diện vì khỏang cách sâu thẳm kẻ trong nước người ngòai nước đã không ngăn cản được họ đến với đồng bào mình cũng như không ngăn cản được đồng bào trong nước đến với người nghệ sĩ sinh sống ngòai đất nước. Nhưng vẫn có những người nghệ sĩ chọn cho mình con đường khác. Họ chỉ hát khi được đứng giữa bầu trời cao lồng lộng, không có những rào chắn của kiểm duyệt, giấy phép, những con mắt cú vọ của giới chức văn hóa thông tin. Với họ, quê hương là nơi mà con chim nó có thể hót khi muốn hót, có thể dấu mỏ nằm ngủ khi không có hứng thú cất tiếng líu lo. Ít nhất, người nghệ sĩ sinh sống ngòai đất nước đã có được sự lựa chọn ấy.

Nếu người ta không thể lấy một thứ khuôn thước nhất định nào đó để phán xét việc ra đi hay trở về của người nghệ sĩ trình diễn, vốn là giới thường hay gây ồn ào trên bề mặt của dư luận, thì cách thế nhận định sự kiện những người già nua, tuổi tác lặng lẽ quay trở về sinh sống ở quê hương trong những năm tháng cuối đời lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Đã hết rồi cái thời người ta có thể buông một câu kết tội ngắn gọn mà không sợ lương tâm cắn rứt hay tự xấu hổ với chính mình. Đã đành là nguyên nhân khiến bao người liều mình bỏ nước ra đi vẫn còn đó, tức là những kẻ mang danh nghĩa cộng sản vẫn còn ngự trị, nay trở về tức là chính mình phủ nhận cái lý do mình bỏ nước ra đi ngày nào. Nhưng quê hương cũng là quê hương của mình, nơi ấy có mồ mả cha ông, có căn nhà tổ tiên bao năm hương khói và khi phải nhắm mắt nằm xuống, chẳng ai muốn thui thủi một mình lạnh lẽo nơi xứ lạ quê người, quanh năm hiu hắt không chút khói của nhang, chút ấm của nến. Người già nào mà không sợ hãi sự cô đơn, sợ hãi khỏang cách khó vượt của hàng rào ngôn ngữ và cái vắng lặng của căn nhà thênh thang trong một ngày điển hình: con đi làm, cháu đi học, ngó ra hàng xóm chung quanh chỉ thấy rặt những bãi tuyết trắng xóa không một bóng người qua lại, mà nếu có chăng, cũng không phải là người cùng chủng tộc để có thể vỗ vai bỗ bã đôi ba câu chuyện làm quà thân thiện. Hòan cảnh lịch sử của đất nước đã khiến những đời người tan tác như bầy chim vỡ tổ, nay tìm lối quay về căn nhà xưa cũng là điều bình thường. Cái không bình thường chính là những lời bỉ thử ngoa ngắt của người bên này, những thái độ đãi bôi trơ trẽn của kẻ bên kia. Hai đối cực ấy chỉ biểu lộ thứ tâm địa hẹp hòi (của bên này) và trục lợi (của bên kia). Chúng chẳng giúp ích gì được cho nhân dân. Trái lại, chỉ làm dầy thêm những oan nghiệt lẽ ra có thể tránh được.

3.

Dịp Tết Bính Tuất năm 2006 , tôi đã ngỏanh nhìn “Nước Non Ngàn dặm” mà nghĩ chuyện trở về hay ra đi và bùi ngùi tự hỏi:

“Nước non ngàn dặm . . . ra đi.

Nước non ngàn dặm . . . trở về.

Cái hình ảnh nước non cách xa ngàn dặm (thực ra thì còn xa hơn thế nữa) ấy đã theo từng bước chân người Việt đi khắp mọi nẻo đường của thế giới.

Và mỗi năm, cứ vào khoảnh khắc thiêng liêng năm cùng tháng tận, trên những chấm rất nhỏ (nhưng rất chằng chịt) của tấm bản đồ thế giới, hình ảnh nước non ngàn dặm lại hiện ra mồn một giữa bàn thờ nghi ngút khói hương mừng đón giao thừa của từng gia đình, từng cộng đồng người Việt.

Ai dám bảo những hình ảnh quen thuộc ấy không phải là hình ảnh quê hương?”

(Nước Non Ngàn Dặm . . . Ra Đi – T.Vấn – 26-01-2006)

“Nước non ngàn dặm ra đi” cũng là tên một đỏan khúc trong trường ca Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy. Đỏan khúc này nói lên tâm trạng của nàng công chúa Huyền Trân vâng lệnh vua cha vào đất Chàm để làm vợ vua Chàm Chế Mân, đổi lại nước Việt được Chế Mân dâng hai Châu Ô và Châu Lý như là món quà sính lễ. Thân gái dặm trường, ra đi không biết đến ngày quy hồi cố hương, nhưng mỗi bước đi là mỗi bước ngỏanh lại, nhìn về mảnh quê nhà xa tít. Nhưng nàng vẫn hiểu rằng, đường thiên lý xa vời cũng đâu có dài bằng tấm lòng thương cha nhớ mẹ của đứa con vì nước phải ra đi:

Nước non ngàn dặm ra đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người.

(Nước non ngàn dặm ra đi – Phạm Duy)

Những hệ lụy cay nghiệt của một giai đọan lịch sử đã khiến đất nước trở thành nước non ngàn dặm ra đi đối với hơn 3 triệu người Việt hiện đang sinh sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Khỏang cách ấy không chỉ như ngàn dặm dài trên mỗi bước đi của công chúa Huyền Trân mà còn bao gồm cả một đại dương mênh mông thăm thẳm. Nhưng dẫu vậy, cũng như nỗi lòng công chúa Huyền Trân trong lịch sử, tấm lòng thương nhớ cha mẹ anh em chốn quê nhà vẫn còn dài hơn cả bao dặm đường sông, đường biển, đường bộ, đường bay cộng chung cả khỏang cách của lòng người. Vì thế, mới có những cuộc trở về. Nhờ thế, chia ly đã lại trở thành hội ngộ. Từ nước non ngàn dặm ra đi đến nước non ngàn dặm trở về là một cuộc hành trình của những yếu tố cơ bản nhất tạo nên con người Việt Nam, con người của ca dao chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Tất cả ý nghĩa của ra đi và trở về chỉ đơn giản như thế.

Nếu không thế thì làm sao giải thích được sự kiện “mỗi năm, cứ vào khoảnh khắc thiêng liêng năm cùng tháng tận, trên những chấm rất nhỏ (nhưng rất chằng chịt) của tấm bản đồ thế giới, hình ảnh nước non ngàn dặm lại hiện ra mồn một giữa bàn thờ nghi ngút khói hương mừng đón giao thừa của từng gia đình, từng cộng đồng người Việt.”

Mọi lý lẽ tranh cãi chỉ tồn tại trên những trang giấy. Cây đời ngòai kia giữa lòng cuộc sống vẫn cứ xanh tươi như nó phải xanh tươi. Mặc cho những lời bỉ thử, mặc cho những luận điệu chính trị đãi bôi, mùa xuân đất nước vẫn cứ theo chu kỳ thời gian mà trở về.

Vậy thì điều duy nhất nên làm lúc này là hãy rước xuân vào nhà.

T.Vấn

26-01-2008

©T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search