T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: (Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975) chiến tranh đã chấm dứt chưa?

 

(Rồi hết chiến tranh – Tranh của Trần Thanh Châu)

Bây giờ là Tháng Tư. Nơi xứ người thì đất trời đang vào Xuân. Còn ở quê nhà mùa khô đã bắt đầu từ lâu, kèm theo với cái nóng bốc lửa. Mùa Khô. Mùa Mưa. Những âm vang của một thời chiến tranh. Hẳn những người chiến binh năm xưa nay vẫn còn nhớ.

Nhưng chiến tranh đã chấm dứt hẳn chưa?

1.

Đối với người Mỹ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam khiến hơn 58 ngàn con em của họ phải trở về trên những chiếc hòm kẽm có phủ quốc kỳ 3 màu xanh đỏ trắng thì, một cách chính thức, nó đã chấm dứt ngày 23 tháng 4 năm 1975 khi Tổng Thống Gerald Ford dõng dạc tuyên bố trước hàng ngàn sinh viên (với sự tham dự của đông đủ phóng viên truyền thanh truyền hình quốc tế) của trường Đại Học Tulane ở thành phố New Orleans thuộc Tiểu bang Louisiana: “Đối với Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc . . .”.

Đối với hai bên tham chiến ở Việt Nam, thì chỉ một tuần sau lời tuyên bố nói trên của vị Tổng thống Mỹ, chiến tranh cũng đã được coi như là chấm dứt (ít nhất là trên ý nghĩa không còn tiếng súng nổ) vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi lá cờ vàng ba sọc đỏ bị kéo xuống khỏi nóc Tổng Thống Phủ Việt Nam Cộng Hòa cùng với lời đầu hàng tuyên đọc bởi vị tổng thống cuối cùng của nền cộng hòa.

Từ Luân Đôn, phóng viên của đài phát thanh lừng danh (thời bấy giờ) BBC phát đi một bản tin với câu kết thúc thật nhẹ nhõm rằng thế là đã xong một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam.

Đối với người lính miền Bắc, nỗi ám ảnh đi B (tức bị thuyên chuyển vào trong Nam để chiến đấu) cũng đã chấm dứt từ ngày ấy.

Đối với người lính miền Nam, tuy vẫn còn bao ẩn ức, nhưng cũng tự an ủi mình rằng hòa bình rồi, bỏ súng, cởi áo trận về làm người dân dã, xây dựng lại cuộc đời.

Nhưng có thật là chiến tranh đã chấm dứt từ những ngày ấy?

2.

Bao nhiêu bút mực đã đổ ra cho 30 năm cuộc chiến tranh tương tàn, thì cũng bấy nhiêu bút mực (thậm chí còn hơn nữa) hiện đang đổ ra cho hơn 30 năm sau cuộc chiến. Ai cũng ảo tưởng rằng từ nay (sau ngày hết chiến tranh) đất nước đã quy về một mối, đã “sạch bóng ngoại bang“, chỉ còn những người Việt với nhau như những anh em ruột thịt trong gia đình có chung một người mẹ Việt Nam. Nhưng chẳng may, trong thực tế, lại là “cả nước đã quy về một mối, một mối hận thù một mối đau thương” (thơ Nguyễn Chí Thiện). Và từ lòng người (Việt Nam) một dòng sông chia cắt thành hình, giống hệt như giòng Bến Hải ngăn rẽ hai miền Nam Bắc những ngày chiến tranh.

Chúng ta đã qua một thời binh lửa. Và thời binh lửa cũng đã qua nhưng hơn 30 năm sau vẫn còn những điều phải nói về những ngày binh lửa ấy. Vết thương cũ vừa kéo da non, chưa kịp lành miệng hẳn thì lại bị cào rách. Cứ thế kéo dài từ năm này qua năm nọ. Và có thể, cứ thế mà truyền từ thế hệ này cho đến thế hệ nối tiếp. Vì năm nào mà chẳng có tháng 4, và tháng 4 nào mà không có ngày 30, theo ý nghĩa ngày đó không phải là ngày chấm dứt một cuộc chiến tranh, mà là ngày mở đầu, ngày đánh dấu một giai đoạn “cả nước quy về một mối, một mối hận thù một mối đau thương”.

Nhưng ai là người phải chịu trách nhiệm về thảm kịch 31 năm sau chiến tranh, và có thể sẽ là 35 năm, 40 năm, 60 năm sau chiến tranh?

Những ngón tay từ bên ngoài (nước) chỉ về bên trong, và – không có gì ngạc nhiên – những ngón tay từ bên trong (nước) chỉ lại ra bên ngoài. Đơn giản là vì đất nước bây giờ đã “sạch bóng ngoại bang” nên không còn Tây hay Mỹ để đổ tội lên đầu đế quốc.

Tôi có cảm tưởng như sẽ không bao giờ có một lối thoát cho những bế tắc hiện nay. Bởi vì, ở trong nước, ngay cả những người có tư tưởng dân chủ, không bằng lòng sự ngự trị độc tôn của đảng Cộng sản, vẫn cho rằng sự đối đầu với chế độ cộng sản ở trong nước của cộng đồng người Việt Hải Ngoại – cầm đầu bởi những viên chức “thua trận” của VNCH – là một sự đối đầu nhằm “phục hồi danh nghĩa cho cái thực thể chính trị (Việt nam Cộng Hòa – T. Vấn nhấn mạnh)ấy, qua đó lôi kéo những thành phần khác vào quỹ đạo của mình, xây dựng lực lượng, hy vọng có được cơ hội trở về tái tạo cơ đồ” (Lữ Phương: Chiến tranh Việt Nam: chủ quyền quốc gia, xung đột ý thức hệ và hòa giải dân tộc. Diễn đàn Talawas. 30-5-2005). Nói gì đến những người đã từng một thời cầm súng ở một bên chiến tuyến. Nói gì đến những người cầm quyền ở trong nước, đang bám vào bất cứ cái phao tuyên truyền nào có thể bám được.

Bởi vì, ở ngoài nước, vẫn còn những người chỉ sống bằng quá khứ, thứ quá khứ vang bóng một thời (và không có gì khó hiểu khi phần lớn những người này chưa hề một lần nếm mùi cải tạo, chưa hề biết đến bao hiểm nguy nhọc nhằn của vượt biên, chưa hề đau nỗi đau mất vợ, mất con trên biển cả), không ngớt đao to búa lớn, mắt trả mắt, răng đền răng.

3.

Tôi đã nhiều lần nhìn những hình ảnh các cựu chiến binh từ cuộc chiến Việt Nam ôm nhau xóa bỏ mọi hận thù. Nhưng, thật mỉa mai, những cựu binh ấy chỉ là những cựu binh trong quân đội Mỹ và quân đội miền Bắc. Hình ảnh “hòa giải” giữa hai kẻ thù cũ được đưa lên trang nhất những tờ báo quốc doanh ở trong nước (Việt Nam), những tờ báo lớn và cũng nặng về quảng cáo thương trường của nước Mỹ, như một dấu hiệu thật đẹp đẽ cho một thời kỳ mới, thời kỳ sống chung hòa bình và cùng nhau phát triển. Chẳng bao lâu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thế giới (chứ không phải Việt Nam) mau chóng nhận ra rằng, tuy người Mỹ thua cuộc chiến tranh (Việt Nam), nhưng chủ nghĩa tư bản đã thắng (ở Việt Nam). Trên cơ sở những thị trường mới cần khai thác cho những công ty kinh doanh của Mỹ và nguồn thuế lợi tức tuy chưa phải là béo bở nhưng đầy hứa hẹn, người Mỹ đã bắt tay lại với kẻ cựu thù.

Phía Việt Nam, trước nguy cơ bị mất quyền lãnh đạo vì đất nước ngày một lún sâu vào nghèo đói, lạc hậu, mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho những cuộc nổi dậy của nhân dân, giới chức lãnh đạo đã không còn lựa chọn nào khác ngoài đổi mới cấu trúc kinh tế chỉ huy, một sự đổi mới nhằm cứu vãn vai trò chính trị độc đảng, chứ không phải nhằm cứu vãn cuộc sống khốn khổ của người dân như lâu nay đảng vẫn thường rêu rao (đất nước ngày nay có thay da đổi thịt cũng chỉ là một sự ăn theo, kẻ có cơm (giới cầm quyền), người có cháo (quần chúng nhân dân). Và, cũng như người Mỹ, người cộng sản choàng vai qua ôm kẻ cựu thù cũng chỉ nhằm hưởng chút “văn minh” của chủ nghĩa tư bản.

Cho nên, không lạ gì khi tôi vẫn chưa nhìn thấy hai kẻ cựu thù có liên hệ máu mủ (vì cùng một bọc trứng của Mẹ Âu Cơ đẻ ra) ôm nhau giải hòa sau hơn 30 năm cuộc chiến chấm dứt.

Tôi cũng không hy vọng gì nhìn thấy hình ảnh ấy xẩy ra trong một tương lai gần.

4.

Cũng thời điểm này năm ngoái, việc trở về Việt Nam sinh sống của một nhạc sĩ tiếng tăm ra đi từ tháng 4 năm 1975 đã gây khá nhiều những tranh cãi, nhất là với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Đối với người nhạc sĩ nói trên, ông tin rằng sự trở về của mình là một hành động khép lại quá khứ, nhìn về tương lai. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng nhà nước Việt Nam đã chìa tay ra rồi (ông ám chỉ nghị quyết 36), cho nên bây giờ là lúc phải chọn con đường về với quê hương.

Ở một nghĩa nào đó, thì sự việc ông trở về và được nhà nước Việt Nam hoan nghênh, dành cho mọi sự dễ dãi (tuy vẫn giới hạn) là một biểu tượng của sự hòa giải giữa hai cựu thù. Một bên, là người nhạc sĩ đã từng đi theo kháng chiến (dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản), rồi bỏ kháng chiến về thành, viết những bài hát “phản động”, rồi một lần nữa, chạy trốn ra khỏi nước, tiếp tục viết những bài ca kết án người anh em bên kia. Và một bên, đã từng lên án người nhạc sĩ bằng những lời lẽ nặng nề nhất dành cho kẻ thù (không ai biết số phận của ông ra sao nếu ông không nhanh chân chạy ra khỏi nước những ngày cuối tháng 4 năm 1975).

Nhưng, ai cũng nhìn thấy cái dụng ý của nhà nước Việt Nam trong trường hợp người nhạc sĩ tiếng tăm này. Qua ông, giới cầm quyền trong nước nhìn về cái túi tiền và tiềm năng của cộng đồng người Việt hải ngoại. Về phía người nhạc sĩ, ông hiểu rằng 80 triệu người dân trong nước vẫn là khối thưởng ngoạn âm nhạc to lớn hơn nhiều khi so sánh với 3 triệu người Việt hải ngoại sống rải rác khắp nơi trên thế giới.

Cũng như hai cựu thù Mỹ- Việt, cuộc hòa giải giữa người nhạc sĩ và chính quyền cộng sản cũng chỉ đặt trên cơ sở trục lợi (lẫn nhau)???

5.

Mới đây nhất, có một sự kiện rất đáng chú ý ở trong nước, nhưng nhà cầm quyền đã vội cho chìm xuồng.

Người nhạc sĩ nhắc đến ở trên, trước khi chính thức ổn định cuộc sống tại quê nhà, ông đã có những hợp đồng phổ biến và trình diễn kho tàng sáng tác âm nhạc đồ sộ của mình với một công ty kinh doanh văn hóa phẩm trong nước. Và ngay sau khi được sự cho phép của nhà nước, công ty này đã liên tục tổ chức nhiều đêm đại nhạc hội dành cho riêng ông ở nhiều thành phố lớn trong nước (phía Nam), giá vé tham dự đạt tới mức cao kỷ lục (5 trăm ngàn đồng (VN)/1 vé). Tất cả đều đạt được sự thành công vang dội, cả về mặt tài chính lẫn nghệ thuật. Ngoài ra, một công ty khác cũng đã mua 10 nốt nhạc đầu trong một bài hát nổi tiếng của người nhạc sĩ với giá 100 triệu đồng (VN). Những sự kiện vừa nêu, chưa từng xảy ra trong mọi hoạt động văn hóa văn nghệ ở Việt Nam. Vì thế, chúng gây một phản ứng ngược nơi những người hoạt động âm nhạc trong nước, thu gọn lại là những người đã từng một thời ở về phe đối nghịch với người nhạc sĩ. Họ cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị quên lãng, trước sự ưu ái của quần chúng trong nước dành cho người nhạc sĩ này. Từ mặc cảm bị bỏ rơi (bởi quần chúng , họ đã công khai bầy tỏ sự ấm ức, bất mãn trước những gì người nhạc sĩ “phản động”, nay trở về được hưởng. Đúng hơn, đó là tâm trạng ganh tị, hờn dỗi, rồi tin rằng bao năm hy sinh gian khổ cho cách mạng để đến bây giờ họ bị đối xử không bằng “một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống cộng, với giọng điệu sặc mùi hiếu chiến. Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về! hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến thế!” (Nguyễn Lưu – Báo Đầu Tư – 13-03-2006). Người công khai nêu lên luận điểm “phản tuyên truyền” trên là một hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam, ngành lý luận, đã từng đoạt giải thưởng về sáng tác (âm nhạc), về lý luận, về phê bình. Bài viết có nhiều dẫn chứng sai lầm rất ấu trĩ, khó có thể tin được tác giả của nó đã từng đoạt nhiều giải thưởng lý luận, phê bình, nhưng có những đoạn văn khiến tôi phải suy nghĩ khi liên tưởng đến việc những cựu thù (Nam, Bắc Việt Nam) đến nay vẫn chưa bắt tay nhau giải hòa:

” . . . Đất nước đang đổi mới, chúng ta chấp nhận việc khép lại quá khứ để xây dựng tương lai, nhưng việc ấy không đồng nghĩa với việc bỏ quên tất cả, từ những hy sinh gian khổ đến những bài học máu xương . . .

. . . Tôi đọc Nam Cao và tâm đắc với nhận xét: Những thằng chuyên ác chỉ có thể hết làm việc ác nếu chúng không còn đủ sức để làm ác. Bây giờ, P.D. cũng là như vậy. Một Việt Nam đang vươn lên, môi trường này đang sống động và có vị thế mới đã có thể làm mềm lòng mọi kẻ vốn kỳ thị với dân tộc này, tất nhiên đủ sức làm “kẻ chạy đi” mong được trở về . . .” (Nguyễn Lưu – Báo Đầu Tư – 13-03-2006).

Tôi tin rằng tác giả bài báo nói trên đủ hiểu biết để nhận định được rằng, sự thành công của người nhạc sĩ từ hải ngoại trở về là do chính tài năng của ông, và rằng, trong sáng tác và thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật không thể đem công trạng (cho đất nước) hay chính kiến để thay thế cho tài năng và xúc cảm. Chẳng qua cũng chỉ là vì cái hàng rào ngăn cách ở trong lòng người, hệ qủa của bao nhiêu năm chiến tranh phe quốc phe cộng, rồi trong nước ngoài nước, cái hàng rào ấy đã làm cho con người ta mụ đi vì hận thù.

Đó mới chỉ là có vài người lên tiếng, còn bao nhiêu người nữa đứng trong bóng tối gật gù, ngầm tán thưởng, sợ công khai nói ra thì lại mang tiếng là ganh tị, hẹp hòi.

Phía chính quyền cố tình cho chìm xuồng vụ việc, là vì sợ cái bẫy “khúc ruột ngàn dặm” không còn hiệu nghiệm (?).

Đau xót thật, vì, dẫu cho có là cường điệu, chắc cũng không xa sự thật bao nhiêu.

6.

Trở lại câu hỏi: Chiến tranh Việt Nam (đối với người Việt Nam) đã thực sự chấm dứt chưa, nếu trả lời: RồI, thì hẳn nhiên không ai có thể chối cãi được.

Nhưng nếu câu trả lời là: CHƯA, cũng không hẳn đã sai.

Vì nếu thực sự chiến tranh đã chấm dứt rồi, thì cái ngày 30 tháng 4 hàng năm đã chẳng cứ ám ảnh chúng ta mãi như thế !

T.Vấn

(Tháng 4- 2006)

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search