T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Kỳ thị hay không kỳ thị?

clip_image002

Hôm cuối tuần trước, có việc đi lên phía Bắc thành phố, khu vực có đông người Mỹ gốc châu Phi, tôi gặp một đám biểu tình. Họ không đông lắm khỏang 500 người. Có cả người da trắng, người gốc Hispanic, nhưng phần lớn là người da đen. Qua biểu ngữ, qua những tiếng la hét bằng loa cầm tay, tôi biết họ đang phản đối sự việc một thiếu niên da đen 17 tuổi, trong tay không có vật gì gây được nguy hiểm ngòai gói kẹo Skittles, bị một người Mỹ da trắng bắn chết với lý do mà ông ta cho là tự vệ.

Câu chuyện đã trở thành hot news trên tòan nước Mỹ cả hai tuần lễ nay. Những cuộc biểu tình tương tự đã xẩy ra ở nhiều nơi khác, kể cả ở thủ đô DC của nước Mỹ. Các chương trình truyền hình, truyền thanh hàng ngày ra rả một đề tài lập đi lập lại.

clip_image004

Câu chuyện xẩy ra như thế nào?

Chiều ngày 26 tháng 2 năm 2012, thiếu niên người da đen Trayvon Martin, 17 tuổi, đang đi bộ từ một cửa hàng tạp hóa về nhà trong khu biệt lập ra vào có cổng đóng hẳn hoi ở thành phố Sanford, tiểu bang Florida. Cậu ta vừa ngồi nhà xem một trận đấu bóng rổ trên truyền hình, bỗng thèm trà đá và kẹo Skittles, nên chạy vội đi mua.

Trên đường về nhà, Trayvon chạm trán tay phụ trách an ninh khu phố người Mỹ trắng tên George Zimmerman, 28 tuổi. Anh chàng quá sốt sắng với trách nhiệm được giao này thấy cậu bé da đen mặc chiếc áo khóac trùm kín cả đầu có vẻ khả nghi, nên gọi số 911 để báo cáo với cảnh sát. Rồi bất chấp lời khuyên của cảnh sát là không nên đối đầu với kẻ khả nghi, Zimmerman bỏ xe trên đường, đuổi theo Trayvon. Kết quả là sau cuộc đối đầu mà chi tiết còn rất mù mờ, George Zimmerman bắn chết Trayvon Martin.

Cô bạn gái của Trayvon Martin cho biết chi tiết là cô nói chuyện điện thọai với Trayvon mãi đến khi cậu ta bị bắn ngã, rằng cậu ta tỏ vẻ sợ hãi vì bị George đuổi theo. Băng ghi cú điện thọai khẩn cấp của cảnh sát có tiếng kêu cứu của một ai đó trước khi nghe tiếng súng nổ và một âm thanh không rõ, tựa như một câu nói mang vẻ miệt thị chủng tộc của George Zimmerman.

Sau đó, Zimmerman nói với cảnh sát rằng anh ta bắn Trayvon sau một cuộc xô xát.

clip_image006

Trayvon Martin                      George Zimmerman

Sự việc chỉ trở nên một đề tài được cả nước chú ý đến và bàn thảo sôi nổi khi Zimmerman được cảnh sát tha cho về nhà, cây súng bắn chết Trayvon cũng không bị tịch thu. Cảnh sát thành phố Sanford giải thích rằng, căn cứ vào một điều luật trong luật Hình sự của tiểu bang Florida cho phép một công dân được phép dùng võ lực để tự vệ trong trường hợp cảm thấy và có lý do để tin rằng nếu mình không dùng võ lực (chết người) để đối phó với đối tượng thì chính mình sẽ trở thành nạn nhân. Trường hợp bắn chết Trayvon Martin của George Zimmerman là khít với định nghĩa của điều luật này.

Trước dư luận của cả nước, kể cả của vị tổng thống da đen Obama, sự việc vượt khỏi tầm kiểm sóat của tiểu bang Florida. Viên cảnh sát trưởng thành phố Sanford, người ra lệnh tha Zimmerman, đã phải tạm thời rời khỏi nhiệm vụ để các cơ quan liên bang và tiểu bang điều tra.

Tổng thống Obama, trong một tuyên bố của mình, đã cho rằng, sự kiện này buộc “người Mỹ phải tự tra vấn chính mình”. Như muốn nhấn mạnh hơn nữa, ông còn nói “Nếu tôi có một đứa con trai, thì nó sẽ trông rất giống Trayvon Martin”.

Hơn hai tuần lễ nay, câu chuyện nói trên đã là đề tài chính của các Talk Shows, kể cả đài phát thanh NPR (National Public Radio), có tiếng là đứng đắn và rất chừng mực trong các vấn đề liên quan đến chủng tộc. Có thể nhìn thấy rõ một điều: sự kiện một người da trắng bắn chết một người da đen tự nó có sức hấp dẫn đặc biệt với công luận Mỹ. Nếu cũng câu chuyện trên, nhưng ngược lại, giả dụ Trayvon Martin là người da trắng, George Zimmerman là người da đen, câu chuyện có lẽ sẽ đi theo một hướng khác.

Còn bây giờ, không khí cả nước Mỹ sôi sục với điều mà một số nhà họat động xã hội da đen cho là tính cách nạn nhân của sự kỳ thị màu da của cậu bé Trayvon Martin.

Có sự kỳ thị hay không từ hành động giết người của George Zimmerman đang còn là đề tài tranh cãi. Sự việc nặng nề đến độ nó lôi cuốn cả những nhà họat động tôn giáo, các nhà lập pháp vào cuộc. Gia đình của George Zimmerman đã phải tạm mai danh ẩn tích vì sợ trả thù. Luật sư của George Zimmerman khẳng định rằng thân chủ của ông không phải là người kỳ thị chủng tộc, hành động bắn chết Trayvon xảy ra là kết quả của sự tự vệ mà thôi.

Là những người Việt tị nạn sống trên đất Mỹ từ mấy chục năm nay, dường như chúng ta ít khi đặt vấn đề kỳ thị (người da trắng kỳ thị người da màu – đen, vàng, đỏ, nâu . . .). Có lẽ, do may mắn, chúng ta ít thấy trường hợp những người da vàng là nạn nhân của những hành vị bạo lực tương tự. Nếu có chăng, chỉ là dưới hình thức những sự việc có tính cách dân sự hay xã hội.

Hồi gia đình tôi dọn đến sống ở thành phố Wichita được vài năm, do công việc tương đối ổn định, nên chúng tôi cũng cố mua một căn nhà nhỏ để trước gọi là an cư, sau mới đến lạc nghiệp. Căn nhà đầu tiên chúng tôi mua ở một khu trộn lẫn cả người lao động lẫn người đã về hưu. Người chủ cũ đã rất đắn đo khi bằng lòng bán căn nhà cho chúng tôi, không phải vì giá cả, mà là vì một vấn đề khác. Chỉ sau này, khi có dịp gặp lại, ông ta mới tiết lộ cho tôi biết, khi ấy thì tôi đã không ngạc nhiên. Chúng tôi đã đối đầu với một sự lạnh nhạt hơn bình thường ở những người hàng xóm. Đối diện nhà tôi là nhà một bà Mỹ đen, đã có lần gọi cảnh sát vì tôi đậu xe trên đường, dù chỗ đậu đó ở ngay trước sân nhà mình. Bà ta cho rằng chiếc xe đậu như vậy làm khó khăn cho bà mỗi khi bà cần lùi xe từ garage xuống đường. Sở dĩ tôi biết được là nhờ viên cảnh sát thông cảm, giải thích lý do họ đến nhà tôi và khuyên tôi, nếu có thể, tránh đậu xe dưới đường. Bên phải nhà tôi là một cặp vợ chồng Mỹ trắng già, đã về hưu. Ngay ngày đầu tiên dọn đến, tôi thấy mấy người thanh niên (có lẽ con cháu của họ) chở cây, ván, xi măng về dựng một hàng rào gỗ làm cách biệt hẳn nhà tôi với nhà cặp vợ chồng Mỹ già. Vài ngày sau, khi cắt cỏ phần sân nhà tôi dính liền với sân nhà ông bà cụ, tôi có dùng chổi hất những cộng cỏ vụn lên sân cỏ – dĩ nhiên là ở phần sân của tôi -. Bỗng nhiên, tôi thấy ông cụ Mỹ cao lớn từ trong nhà mở cửa chạy ra, khuôn mặt giận dữ, bảo tôi không thể làm như vậy được. Dù rất bực bội trong lòng, nhưng tôi cũng cố mềm mỏng nói vài câu xin lỗi, và hứa sẽ không làm như thế nữa. Bên trái nhà tôi cũng là một cặp vợ chồng Mỹ trắng già, đã về hưu, trông có vẻ dễ chịu hơn. Sau gần 5 năm sống ở khu vực đó, chúng tôi đã tạo được một thứ tình cảm láng giềng với hai gia đình người Mỹ trắng hai bên. Họ đã thấy được những con người thật bên trong màu da vàng và mái tóc đen. Ông già Mỹ trắng bên trái , mỗi khi ngồi xe cắt cỏ sân sau, ông ta tự động cắt luôn cho sân nhà tôi mà không chịu nhận lại tiền xăng, dù chúng tôi đã hết sức nài nỉ. Từ đó, họ biết ăn và mê món chả giò bà xã tôi làm thỉnh thỏang đem biếu họ gọi là trả công cắt cỏ cho ông chồng. Còn cặp vợ chồng “khó chịu” ở bên phải nhà tôi, dần dà đã thay đổi hẳn thái độ. Họ nhiều lần mời gia đình tôi dự những dịp anniversary mà họ tổ chức. Họ nhớ đến cả ngày sinh nhật của hai con gái tôi. Kể cả khi chúng tôi đã dọn ra khỏi khu láng giềng cũ, mỗi năm, đúng ngày sinh nhật của các con tôi, chúng nhận được thiệp chúc và quà tặng của hai vợ chồng này gởi qua bưu điện. Ngày ông già mất vì chứng Alzheimer, gia đình tôi là gia đình người da màu duy nhất có mặt trong tang lễ của ông. Còn bà Mỹ đen ở đối diện thì ít khi ra khỏi nhà nên chúng tôi ít gặp mặt. Một thời gian sau khi chúng tôi dọn đến, chúng tôi không còn thấy bà và mấy đứa con gái của bà nữa. Họ dọn đi khỏi hồi nào chúng tôi không được biết.

Câu chuyện riêng của gia đình tôi cho thấy phảng phất dấu vết của sự kỳ thị trong một thành phố nhỏ, nhưng chỉ dừng lại ở những biểu lộ nhỏ nhặt hàng ngày và sự kỳ thị ấy – nếu đúng là sự kỳ thị – cũng nhanh chóng biến mất qua những giao tiếp có tính cách xã hội.

Ở nước Mỹ, khi nói đến kỳ thị chủng tộc, thường người ta liên tưởng ngay đến việc người da trắng kỳ thị người da màu, mà họ gọi là Minority. Có lẽ là do lịch sử của sự kỳ thị phát xuất từ sự khinh rẻ người da đen của người da trắng, khi người da đen còn là thiểu số và người da trắng là đa số. Nay, tính cách đa số (người da trắng), thiểu số (người da màu) không còn rõ ràng nữa, vì dân số người da màu (bao gồm người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc châu Á, người Mỹ gốc Hispanic) chiếm tỉ lệ lớn hơn người da trắng trong tổng số dân sống trên nước Mỹ.

Trong thực tế, chúng ta đã từng nghe nói đến sự kiện người Mỹ da đen kỳ thị người Mỹ châu Á hay người Mỹ gốc Hispanic. Có lẽ cũng là Minority, nhưng người Mỹ gốc châu Phi ở trên đất Mỹ từ lâu đời, còn người Mỹ gốc châu Á hay Hispanic thì chỉ mới đây thôi.

Thú vị hơn nữa, tôi còn nghe nói đến việc người Mỹ gốc châu Á (mà cụ thể là người Mỹ gốc Việt) kỳ thị người Mỹ gốc châu Phi, cả người Mỹ gốc Hispanic. Người Mỹ gốc Việt ít khi muốn ở trong những khu vực có nhiều người Mỹ gốc châu Phi (gọi nôm na khu Mỹ đen), cũng không muốn ở khu có nhiều người Mỹ gốc Hispanic (gọi nôm na khu “Mễ”). Thậm chí, trong giới làm Nail, khi mở tiệm, thường chọn khu “Mỹ Trắng”, không chọn khu “Mỹ Đen”, có lẽ do khách Mỹ trắng “sộp” hơn, thường đi làm móng tay móng chân, và tiền Tip cũng hậu hĩnh hơn chăng?

Sự kiện trên có những lý do xã hội và kinh tế của nó, nhưng nhìn trên bề mặt, liệu có thể nói đó là biểu hiện của sự kỳ thị không?

Nhiều năm trước, khi xẩy ra vụ bão Katrina ở New Orleans, trong một bài viết trên trang diễn đàn Talawas, tôi có nhắc đến việc những gia đình người Mỹ gốc châu Phi thường đông con, thiếu vắng đàn ông trong nhà, phương tiện sống thường là nhận phúc lợi xã hội, nên khi họan nạn xẩy ra, những gia đình ấy thường bị động, không đủ khả năng xoay trở với thực tại, nên thường là những nạn nhân đầu tiên. Trận bão Katrina đã bộc lộ rất rõ những thực tại ấy, nên lúc ấy, có dư luận kết án chính quyền ông Bush Con là bỏ rơi người Mỹ gốc châu Phi.

Có một độc giả, sau khi đọc bài của tôi, đã phản biện bằng nguyên một bài viết khác, cho rằng tôi có ý tưởng “kỳ thị người Mỹ gốc châu Phi” trong bài viết của mình khi nhận định người Mỹ đen chỉ biết ăn Welfare, không đóng góp cho xã hội. Tôi không hề có ý phủ nhận những đóng góp về mọi phương diện, nhất là lãnh vực nghệ thuật và thể thao của người Mỹ gốc châu Phi. Tôi chỉ trình bày những dữ kiện, qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho hãng dịch vụ về thuế H&R Block, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như nói đến ở trên trong giới người Mỹ gốc châu Phi. Chẳng qua, khái niệm “Khu Mỹ Đen”, “Khu Mễ” đã bàng bạc trong cách nhìn kinh tế (và một phần mang tính cách xã hội – tội phạm, băng đảng, sử dụng ma túy v..v.. ) về những người cùng Minority như mình, nên người Việt chúng ta có lúc không tránh khỏi điều mà vị độc giả của tôi cho là “kỳ thị” chăng?

Dù sao, tôi cũng cám ơn vị độc giả nói trên, bài viết của ông mang tên “Trông người lại ngẫm đến ta”, cũng giúp chúng ta “tự cảnh giác” trong những suy nghĩ nhiều khi bị ảnh hưởng bởi những quán tính xã hội khó cưỡng lại.

Quả đúng là, nhân câu chuyện cậu bé da đen bị bắn chết, chúng ta ngẫm lại mình, và có người không tránh khỏi câu cảm thán “Cũng may, mình là người châu Á, chứ không mãi Mỹ đen!”.

 

T.Vấn

28 tháng 3 năm 2012

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search