MỘ HOA – PHÚT GIÂY NGẪU HỨNG (TẬP THƠ)
LỜI TỰA
Thế là xuân về, muôn hoa rực rỡ, sắc hương ngào ngạt. Em vui trẩy hội, thướt tha áo lụa, mắt biếc rạng ngời, má đào hồng thắm. Gã du tử ngẩn ngơ giữa đời, lòng tự hỏi: “Xuân về em trẩy hội hay em trẩy hội mà xuân sang?”; lòng tự hỏi lòng, làm sao mà phân biệt được đây? câu hỏi ngàn đời của những gã du tử làm thơ.
Xuân sắc biếc hồng, hạ xanh cây cội, thu vàng lá bay, đông trinh bạch tuyết, bốn mùa luân phiên thay đổi, trời đất giao hoà, lòng người hứng khởi là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ. Người ta bảo hiện nay lạm phát thơ, ừ thì có nhiều thật nhưng chẳng sao cả. Có mặt đất rộng thì mới xuất hiện cây cao bóng cả, mới biết đỉnh núi mù sương. Giữa biết bao sỏi đá, biết đâu sàng lọc ra sẽ nhặt được viên ngọc long lanh. Gã du tử rong ruổi miền phương ngoại, xa nguồn cội nhưng suối nguồn vẫn chảy tràn trong tâm tưởng. Cội rễ quấn quýt trong từng ý. Cội nguồn là nguồn cảm hứng cho gã du tử làm thơ, khi sợi tơ tâm hồn rung lên thì viết xuống, viết hối hả, viết cấp tập kẻo sợ không kịp thì ý sẽ tan. Cuộc sống rộn ràng tất bật cũng không làm cho tâm hồn gã chai sạn được, ấy cũng nhờ ý thơ, mộng thơ, tình thơ, tâm thơ vậy!
Người ta vẫn tranh luận: “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, “ Nghệ thuật vị nhân sinh”, làm sao mà có thể phân biệt rạch ròi, chia chẻ nghiệt ngã như thế được! Gã không có mục đích, chẳng biết giới hạn, cũng đâu biết khái niệm phân chia, không định đề mục… Khi cảm hứng dâng cao thì tuôn trào ra đầu ngọn bút, có thể viết ở nơi làm việc mưu sinh, có khi ngồi một mình ở quán cà phê, khi dạo chơi trong thiên nhiên, thậm chí ngay cả lúc lái xe.
Con người ta sinh ra ai mà không yêu quê hương đất nước của mình, ai mà không tự hào về Dân tộc mình, ai mà không thương cha mẹ mình, rồi còn bao nhiêu mối thâm tình khác: tình yêu nam nữ, tình bạn bè thân hữu, tình yêu thiên nhiên… Khi cảm xúc bay bổng thì viết ra, làm sao định đề mục phân chia vị nghệ thuật hay vị nhân sinh? Đất nước mình hư hao, dân tộc mình khổ đau, quê hương mình nhiều hiểm nguy vì quan quyền vô minh, tham lam, tàn độc… người nghệ sĩ phải lên tiếng nói vì dân, vì nước tất nhiên phải sử dụng nghệ thuật mà thể hiện, vậy thì làm sao mà phân biệt “Vị nghệ thuật” hay “ Vị nhân sinh” đây?
Cái đẹp vốn mong manh nhưng hiện hữu, ca ngợi cái đẹp thì đã bao hàm nhân sinh trong đó, đề cao nhân sinh tức cũng là cổ vũ cái đẹp!
Cuộc sống hôm nay quay cuồng trong cơn lốc của thời đại khoa học kỹ thuật, kỹ nghệ, điện toán… phát triển cao độ. Con người sống với mạng ảo, thế giới ảo, mạng xã hội… văn hoá đọc dần dần mai một, sự thưởng thức nghệ thuật, văn chương, ca từ… cũng suy vi. Khoa học kỹ nghệ cho con người đời sống vật chất tiện nghi, thoải mái nhưng nó không thể thay thế tâm hồn được. Con người có cả phần thân xác và tâm hồn, thiếu một thì hỏng, nghiêng lệch một bên thì hư. Đời sống hôm nay dù có hiện đaị như thế nào đi nữa thì khi đọc một bài thơ hay, xem một bức tranh đẹp người ta vẫn thăng hoa như thường. Không thể bảo cuộc sống hiện đại thì cái đẹp hiện đại đẹp hơn cái đẹp cổ điển, không thể bảo mặt trăng hôm nay đẹp hơn mặt trăng ngàn năm trước, càng không thể nói tình yêu hiện đại hay hơn tình yêu muôn năm trước!
Cái đẹp dù mong manh nhưng hiện hữu trong từng khoảng khắc sanh diệt. Gã du tử ca ngợi đất nước mình, đau với nỗi đau dân tộc mình, hoài vọng về nguồn cội tổ tiên, tự hào về cha ông, ca ngợi tình yêu, tình đời… Thơ viết bằng cảm xúc thật, chữ nghĩa không bóng bẩy, thiếu trau chuốt, vụng bày tỏ… nhưng tất cả đều lưu xuất từ trái tim.
Gã du tử dù có rong ruổi chân trời góc biển vẫn nhớ về quê hương nguồn cội, hình bóng mái chùa, bến nước, giòng sông, tiếng chuông chiều… vẫn lung linh trong tâm tưởng. Vầng trăng trên những đô thành hiện đại, hào nhoáng vẫn lung linh không khác gì vầng trăng cổ tích tự ngàn xưa.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 3/2020