T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH: Trả lời chung về chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu

 

(Trại tù Yên Bái – tranh: Trần Thanh Châu)

Chuyên mục Tù Khúc của trang T.Vấn & Bạn Hữu đã nhận được sự hưởng ứng rất đáng khích lệ từ phía độc gỉa (cựu tù cải tạo và không-phải-cựu-tù cải tạo), từ giới sáng tác (hoặc /và hát tù khúc), và sự tiếp tay nhiệt tình của các cơ quan truyền thông.

Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi: ý kiến, thắc mắc (qua e-mail, điện thọai) liên quan đến những vấn đề nội dung của chuyên mục, việc đóng góp bài vở, tài liệu (nhạc audio, nhạc phổ, lời) và cả việc tiếp tay phổ biến những tù khúc đã sưu tầm được đến nhiều người, nhiều giới khác nhau.

Để trả lời chung, chúng tôi xin được trình bày những vấn đề trên như sau:

1. Về nội dung chuyên mục Tù Khúc

Do ngay từ tên gọi, nội dung chính của chuyên mục này là những ca khúc được viết trong tù của những người tù cải tạo. Chúng tôi nhấn mạnh đến chi tiết “viết trong tù” để tự giới hạn công việc sưu tầm và phổ biến của chuyên mục. Như đã được trình bày trong bài giới thiệu từ ngày đầu của công trình, Tù Khúc giữ vai trò là chứng nhân lịch sử nhiều hơn là một sản phẩm nghệ thuật của một thời kỳ, do đó, chỉ những ca khúc viết trong thời kỳ tác giả ở trong các trại cải tạo mọc lên như nấm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên khắp 3 miền đất nước chúng ta mới nên gọi là Tù Khúc. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, các tác giả Tù Khúc có thể vào tù vì nhiều “tội danh” khác nhau: quân nhân công chức VNCH, Phục quốc, lực lượng “phản động”. Vì chi tiết này không ảnh hưởng đến giá trị chứng nhân lịch sử của Tù Khúc, nên chúng tôi thấy không cần phải có sự phân biệt.

Lẽ tất nhiên, tuy hầu hết những Tù Khúc đều đã được hát ở trong thời gian tác giả ở tù, và cả khi tác giả đã ra khỏi tù, bởi nhiều người hát khác nhau nhưng chúng ta không thể nào có phần âm thanh bài hát được hát trong tù. Điều này có lẽ không cần giải thích thêm. Do đó, tất cả những Tù Khúc đều được ghi lại (bằng âm thanh), sau khi tác giả, người hát đã ra tù, -chính xác hơn, khi họ đã đặt chân được đến những miền đất tự do,- một cách chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp. Ở đây, chúng tôi xin trả lời một câu hỏi: Tiến trình của chuyên mục Tù Khúc là: Sưu tầm, phổ biến và lưu trữ. Vậy có sự chọn lọc hay không?

Chọn lọc hàm nghĩa có sự thẩm định. Đây quả là một khía cạnh tế nhị của công việc. Trước hết, chúng tôi không có tư cách, không có khả năng thẩm định (giá trị hay, dở) của các tác phẩm Tù Khúc. Mặt khác, như từ đầu, chúng tôi khởi xướng công trình không phải vì giá trị nghệ thuật của các tác phẩm.

Ngày xưa, chỉ với cây đàn thùng tự chế bằng những tấm ván cửa, những bài Tù Khúc đã được những người hát không chuyên trình bày một cách mộc mạc, không khổ công tập luyện, không hòa âm, không phối khí, chỉ những gam đàn rải theo giữ nhịp cho giọng hát suy dinh dưỡng thả hồn mình, lòng mình, nỗi buồn của mình, nỗi hận của mình hòa với những tâm hồn đồng cảnh, đồng điệu ngồi bó gối xung quanh. Trong không gian ấy, thời gian ấy, Tù Khúc đã gây được cảm xúc cao nhất nơi người nghe. Như vậy, ở một nghĩa nào đó, hầu hết những bài Tù Khúc đều đã có một giá trị nghệ thuật nhất định vào một không gian, thời gian, và (khán) thính giả nhất định.

Ngày nay, chúng ta nghe lại những tù khúc ấy, dù được hòa âm phối khí đầy đủ, người hát có thể là ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng cảm xúc năm xưa chưa chắc đã nguyên vẹn, có xúc động chăng chỉ là những nhắc nhớ về một thời khốn khó và những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Mặt khác, theo thiển ý của chúng tôi, nghe một ca sĩ thời danh hát Tù Khúc, cảm xúc thực sự của người đã từng sống qua tù đày khó mà trọn vẹn. Ngược lại, cũng cùng bài hát ấy, người hát là một người cựu tù (chắc chắn không thể hát hay bằng ca sĩ chuyên nghiệp) hay thân nhân của cựu tù, cảm xúc ở người nghe (đã từng sống qua tù đày) hẳn sẽ trọn vẹn hơn. Thí dụ như bài tù khúc mà rất nhiều người biết đến: “Hai Hàng Cây So Đũa” của hai anh Nguyễn Trọng và Nguyên Huy. Có nhiều ca sĩ hải ngọai hát bài này. Nhưng cá nhân chúng tôi lại cảm thấy xúc động hơn rất nhiều khi nghe chị Minh Hòa (một người vợ tù cải tạo) hát với phần nhạc đệm, hòa âm không chuyên nghiệp lắm. Hãy tưởng tượng, người vợ tù dắt con đến trại thăm chồng, thăm cha lần cuối trước khi vượt biên. Khi chia tay, nhìn bóng chồng gầy gò khuất sau dẫy nhà thăm nuôi lòng đã quặn đau vì không biết đến bao giờ cha con chồng vợ mới gặp lại, đã vậy, đứa con còn ngây thơ hỏi: mẹ ơi đến bao giờ/lên thăm ba lần nữa/mắt em nhòa hơi mưa /. Tôi chủ quan nghĩ rằng, phải là người vợ tù, đã từng sống qua cảnh tượng “đầm đìa nước mắt” (chứ chẳng phải chỉ “nhòa hơi mưa”) ấy, mới diễn tả được trọn vẹn cảm xúc của lời và nốt nhạc.

Nhưng không phải tất cả những bài tù khúc khác có được số phận “may mắn” như bài bài Hai Hàng Cây So Đũa và một số bài khác. Thậm chí, vì sự tốn kém của việc thực hiện một băng nhạc (Tù Khúc) với phần hòa âm, phối khí tạm nghe được, nên không phải tác giả nào cũng có thể có được dĩa nhạc thu tương đối chuyên nghiệp của riêng mình. Thí dụ như dĩa nhạc 13 bài Tù Khúc của Vũ Cao Hiến do anh Đinh Quốc Trực, một người bạn thân của Hiến thực hiện, theo lời anh Tạ Quang Hòang, chỉ là dĩa nhạc tự thâu lấy ở nhà với người đệm đàn là con trai của chính Đinh Quốc Trực.

Chúng tôi không phủ nhận yếu tố tính nghệ thuật cao ở phần thu âm nhạc Tù Khúc sẽ giúp phổ biến tác phẩm rộng rãi hơn đến với mọi giới quần chúng, qua đó chuyển tải ý nghĩa của nội dung bài hát. Chúng tôi chỉ trình bày một thực tế để xin phép được xem nhẹ “phần chọn lọc” những tác phẩm tù khúc mà chúng tôi nhận được từ thân hữu, từ những cựu tù, từ độc gỉa.

Trở lại câu hỏi: Có sự chọn lọc hay không? Xin thay chữ chọn lọc bằng sắp xếp thì có lẽ chúng tôi dễ trả lời hơn. Lẽ tất nhiên phải có sự sắp xếp, hợp tình hợp lý và trong khả năng mà chúng tôi có thể thực hiện được.

Cũng trong phần nội dung của chuyên mục Tù Khúc, chúng tôi rất hoan nghênh những bài viết liên quan đến Tù Khúc, hoặc những mẩu hồi ức của tác giả, của người hát Tù Khúc, về hòan cảnh, thời gian, không gian ra đời một tác phẩm tù khúc, những giai thọai, những hệ lụy chung quanh việc sáng tác và hát một tác phẩm tù khúc nào đó. Chúng tôi tin rằng với những nội dung đó, người nghe sẽ dễ dàng cảm nhận những tình cảm mà người viết, người hát đã gởi gấm trong bài nhạc. Mặt khác, những gì chúng ta có được ngày hôm nay, có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho những người làm công việc nghiên cứu Tù Khúc trong tương lai.

2. Về việc đóng góp và phổ biến Tù Khúc

Chúng tôi rất trân trọng đón nhận mọi sự đóng góp của quý độc gỉa, các cựu tù, về bài vở liên quan đến Tù Khúc (như trình bày trong phần Nội Dung ở trên), về những sưu tập nhạc Tù Khúc (âm thanh, nhạc phổ, lời). Xin gởi về địa chỉ e-mail: T.Van@prodigy.net.

Hoặc vào chuyên mục: Tù Khúc (https://t-van.net/?author=22) trên trang Web T.Vấn & Bạn Hữu (https://t-van.net/).

Trường hợp quý độc giả vì những lý do nào đó, không tiện/không thể gởi sự đóng góp qua e-mail, xin gởi bằng đường bưu điện về:

Trương Văn Vấn

5111 S.Custer St

Wichita, KS 67217

Sự đóng góp của quý độc giả, các thân hữu, các cựu tù là yếu tố quyết định sự thành công của nỗ lực mà anh em chúng tôi đang cố sức thực hiện.

Việc phổ biến Tù Khúc và những nội dung của chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu là một trong những mục đích của công trình. Càng nhiều người, nhiều giới, biết đến và sẵn sàng tiếp tay phổ biến qua các phương tiện kỹ thuật (E-mail, Websites, Blogs .. .) càng tốt. Quý bạn nào muốn download những bài nhạc, copy những bài viết, xin cứ tùy nghi. Chỉ cần ghi nguồn của tài liệu. Hoặc nếu quý bạn gặp trở ngại khi muốn làm những việc trên, xin cứ e-mail cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gởi tài liệu bằng CD, bằng giấy đến quý bạn.

Cuối cùng, một câu hỏi quan trọng và buốt lòng vì thực tế lạnh lùng:

Liệu công trình sưu tập và phổ biến Tù Khúc của trang T.Vấn & Bạn Hữu sẽ có chung số phận với những nỗ lực trước đây của một vài anh em cũng mang hòai bão như chúng tôi ngày hôm nay?

Quả thực, nhóm chủ trương thực hiện chúng tôi không dám hứa chắc một điều gì về sự thành công của nỗ lực lần này. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không bỏ lỡ một cơ hội (có thể gọi là cuối cùng) để làm điều cần thiết phải làm, điều lẽ ra phải làm từ lâu, trước khi nói lời chia tay với trần gian. Nhiều người trong anh em chúng tôi đã phải đau lòng thú nhận rằng chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa. Nay đã đến lúc “về thu xếp lại”. Và phải thu xếp cho xong mới yên lòng mà “lên tàu”. Kẻo lại không biết ăn làm sao, nói làm sao với những người bạn tù đã khuất, với những Vũ Cao Hiến, những Trần Gia Tỏan, những Đinh quốc Trực.

Nhưng chúng tôi thực sự cảm thấy yên lòng hơn, tự tin hơn, vì, so với trước đây, ngày nay chúng ta đã có những phương tiện tương đối hòan hảo trong tay. Chúng ta có thế giới mạng nối nhau trong tích tắc. Chúng ta có khả năng gởi và chuyển những tài liệu (Tù khúc, bài viết . . .) lên thế giới ảo thông qua trang mạng (nhiều trang mạng) để hàng triệu người khác cùng nghe, cùng đọc, cùng biết. Nói cách khác, mọi thứ đều ở trong tầm tay, vấn đề chỉ còn là bắt tay vào việc. Chúng tôi đã bắt tay vào việc, đã đạt được những kết quả khích lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục bắt tay vào việc với lòng tin tưởng nơi sự cộng tác của nhiều anh em khắp nơi bấy lâu vẫn nuôi một khát vọng như chúng tôi.

Về khả năng lưu trữ, chúng tôi tin rằng việc lưu trữ tài liệu trong thế giới ảo bền vững và lâu dài hơn thế giới “thật”. Chúng sẽ còn đó, bao lâu còn có sự chăm sóc, duy trì của người trách nhiệm. Riêng trang Web T.Vấn & Bạn Hữu đã có “hậu duệ” đầy đủ khả năng để sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ kế thừa khi cần thiết. Vả lại, việc nhân rộng chuyên mục Tù Khúc nơi những trang Web bạn là một bảo đảm vững chắc cho mục đích lưu trữ mà chúng ta đang nhắm tới.

Liệu như thế đã đủ chưa “để trả lời một câu hỏi”?

T.Vấn & Bạn Hữu

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search