T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Minh Hiền: TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN VÕ PHIẾN (1925-2015)

Nhà văn Võ Phiến vừa qua đời ngày 28 tháng Chín năm 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi. Để tưởng nhớ đến một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Việt Nam cận và hiện đại, với văn nghiệp đồ sộ trải dài  từ trong nước thời gian trước tháng 4 năm 1975 cho đến sau này ở hải ngọai, Trang T.Vấn & Bạn Hữu sẽ thực hiện chuyên mục “Tưởng niệm nhà văn Võ Phiến” kể từ hôm nay.

Trong chuyên mục này, ngòai bài vở viết về Võ Phiến và Tác Phẩm của các thân hữu cộng tác, TV&BH sẽ giới thiệu lại các bài viết đã và sẽ đăng trên các phương tiện truyền thông điện tử trong và ngòai nước để công việc tưởng niệm nhà văn được trang trọng và phong phú, xứng đáng với sự đóng góp to lớn của ông cho văn học nước nhà.

Nhân dịp này, Trang văn học TV&BH xin được kính gởi tới gia đình nhà văn Võ Phiến lời chia buồn chân tình trước sự mất mát không thể tránh khỏi.

Chúng tôi cũng kính mong được sự cho phép và lượng thứ của các tác giả và trang mạng về những bài viết tưởng niệm nhà văn Võ Phiến của quý vị mà TV&BH sẽ đăng lại nơi chuyên mục này.

T.Vấn

Ngày 29 tháng 9 năm 2015

 

Trần Minh Hiền: TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN VÕ PHIẾN (1925-2015)

vo phien
Võ Phiến là một trong những nhà văn Việt nam mà tôi yêu thích và đọc nhiều, học hỏi và ngưỡng mộ cùng với : Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyên Sa, Võ Hồng, Mai Thảo … Tôi thích nhất là đọc tuỳ bút của ông, vừa gần gũi vừa rất sâu sắc. Ngòi bút của ông đa dạng, bút pháp của ông vững chắc và điêu luyện và đặc biệt tư tưởng của ông rất thâm trầm và sâu xa. 90 năm sống ở cuộc đời ông đã để lại một di sản văn chương đồ sộ và có giá trị lâu dài cho hậu thế . Nhà Văn Võ Phiến tên khai sanh là Đoàn Thế Nhơn, bút danh khác là Tràng Thiên, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1925 ở Phù Mỹ, Bình Định, vừa tạ thế lúc 7 giờ tối ngày thứ hai 28/9/2015 tại Advanced Rehab Center, Tustin, Santa Ana, California hưởng thọ 90 tuổi . Ông ra đi nhưng những tác phẩm của ông sẽ còn lại với đời và văn chương Việt Nam . Ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, 9 tập tuỳ bút, nhiều tập truyện ngắn, một tập thơ và nhiều tác phẩm phê bình tiểu luận. Ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc của Miền Nam vào năm 1960 với tác phẩm Mưa Đêm Cuối Năm. Đặc biệt ông đã cho xuất bản 7 bộ sách về văn học Miền Nam 1954-1975 chú trọng về tiểu thuyết, thơ, kịch, ký và tuỳ bút. Có thể nói ít có nhà văn nào có sức sáng tác bền bĩ và mạnh mẽ như Võ Phiến, dường như viết là việc rất dễ dàng đối với ông.

Hãy nghe chính ông tâm sự:
“Thật ra tôi viết nhiều môn loại quá, thơ có, tuỳ bút có, truyện ngắn có, truyện dài có, tiểu luận có, v.v. thì những món đó so sánh với nhau nó không có cái tiêu chuẩn chung để mà so sánh.
Mà cái lúc viết thì vào giai đoạn nào mình chuyên về cái gì thì mình thích cái đấy; rồi có lúc khác hơn, có khi hàng năm bảy năm không đụng tới nó, nó đã nguôi ngoai, đối với nó cái cảm tưởng của mình lại không chính xác nữa.
Hồi mình viết đương hào hứng nhứt, viết hết bài này tới bài kia, thì mình tha thiết, mình cứ quan tâm, tới lúc mình tình cờ mà mình không có dịp viết về nó năm bảy năm thì mình hổng còn thích nó nữa. Mình nói nó, bây giờ mình nói chung thì nó bất công.”
Hôm nay vĩnh biệt ông, thay vì khóc thì tôi xin cùng cười với ông cho tài dí dỏm, thông minh hóm hỉnh của ông với đoạn văn sau của chính ông:
“Nội một thứ tiếng Việt, tiền nhân đã ghép được lắm tiếng ngộ nghĩnh: bạn cột chèo, bạn kèo dù, bạn nối khố, bạn làng bẹp….
Trong khi ấy ở hai bộ tự điển kể trên, vào hôm thơ thẩn nọ, kẻ tan tác bạn bè đã thẩn thờ tìm mãi không gặp một loại bạn gần gũi: “bạn đời”.
Bạn đời, cả hai tiếng cùng là gốc Việt cả, thông dụng cả, hàng ngày kẻ già người trẻ, có học hay không có học, đều xài đều đều. Vì lẽ gì nó không được phép chen vào từ điển?
Tiếng ấy tầm thường vô vị quá chăng? Bạn với đời, cả hai đều là tiếng Việt, không có gốc Tây gốc Tầu cao sang, nôm na xoàng xỉnh quá?
Còn chú ý vào cái nghĩa: Hai tiếng ấy ghép lại để xác định mức lâu dài thì nghĩa ấy sao bằng cái nghĩa “bạn trăm năm”. Nghĩa rõ đến thế, đời dài đến thế, nhất thôi!
Bảo ghép chữ để nhấn mạnh vào tính khắng khít thì liệu “bạn đời” có hơn “bạn sinh tử”? Chú ý vào cái khắng khít thâm tình thì có “bạn tri kỷ”, “bạn tâm đầu”; vào cái khắng khít thể xác đã có “bạn chăn gối” v..v..
Nếu bảo “bạn đời” là bạn sống đời lâu dài với nhau thì e không ổn: Vợ chồng kẻ thọ người yểu, kẻ nam người nữ, kẻ trong cánh cửa người ngoài quan san, kẻ sách đèn người canh cửi…đâu có gắn bó với nhau trăm năm, đâu phải lúc nào cũng cận kề trong gang tấc được. Đâu có đồng nghề đồng nghiệp, đồng thân phận? Tiếng “đời” trong bạn đời quả thực mông lung. Không kết hợp họ chặt chẽ nồng nàn bằng bao nhiêu tiếng ghép khác!
Nếu bảo “bạn đời” là bạn sống đời lâu dài với nhau thì e không ổn: Vợ chồng kẻ thọ người yểu, kẻ nam người nữ, kẻ trong cánh cửa người ngoài quan san, kẻ sách đèn người canh cửi…đâu có gắn bó với nhau trăm năm, đâu phải lúc nào cũng cận kề trong gang tấc được. Đâu có đồng nghề đồng nghiệp, đồng thân phận? Tiếng “đời” trong bạn đời quả thực mông lung. Không kết hợp họ chặt chẽ nồng nàn bằng bao nhiêu tiếng ghép khác!
Có phải vì vậy nó rơi ra ngoài từ điển? Vì sao? mặc! Số phận nó nó chịu vậy. Riêng tôi, tôi mết nó. Tôi nghe nó tưởng vu vơ, mơ hồ mà lại man mác mà đằm thắm, mà thấm thía. Cứ thế nó tồn tại, mong nó tồn tại dài lâu hơn tờ sách.
Bạn: đó là người dưng nước lã: Không có quan hệ thân tộc, không cùng dòng máu. Nói về cái gần, gần nhất với bất cứ người nào cũng là cha với mẹ: song thân. Đâu có ai thân hơn? Cùng chăn gối sao bằng cùng máu huyết? Ấy vậy mà đây đó thiên hạ lại xơn xơn tuyên dương kẻ phối ngẫu: Pháp gọi vợ là cái nửa bổ đôi của chính mình (ma moitié) Anh lại vượt lên; người Ăng-lê bảo: Đấy là cái nửa tốt nhất của tôi đấy (my better half) Cha với mẹ nào đã tự bổ mình, chẻ mình ra làm con?
Anh, Pháp ra rít vợ chồng đến thế vẫn thua Việt Nam. Kẻ phối ngẫu, người Việt Nam kêu nhau là “mình”. Chính mình. Kẻ này chính là người kia, nguyên con, không chẻ không tách gì cả. Vợ chồng tuy hai mà một. Cặp kè với mình. Chính thị là mình đấy!
Đến đây chợt giật mình thấy đã trượt ra ngoài tự điển! trượt như thế phải thôi: Mình chỉ lật sách xem chơi không phải xem thiệt. Xem chơi đưa tới nghĩ chơi. Xin đừng ai cho là nghĩ thiệt!”
***
Một lần nữa xin quỳ lạy thắp nén hương từ biệt ông. Trong khi mọi người đang khóc cho ông thì có lẽ ông có quyền mỉm cười vì tác phẩm của ông sẽ còn sống mãi muôn đời.

​T​rần minh H​iền

Orlando ngày 29 tháng 9 năm 2015

 

©T.Vấn 2015

 

Phụ Lục :

(Nguồn : Báo Người Việt)

WESTMINSTER (NV) – Theo tin từ gia đình, nhà văn Võ Phiến đã qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi.

clip_image002
Nhà văn Võ Phiến.

Qua điện đàm, bà Võ Phiến cho tòa soạn Người Việt biết thời gian gần đây nhà văn Võ Phiến yếu dần theo tuổi già, đã qua vài lần vào bệnh viện, và cách đây mấy ngày đã được đưa về một Rehab Center để tĩnh dưỡng.

Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.

Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà…; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v… Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.

Gia đình cho biết thi hài nhà văn Võ Phiến sẽ được quàn tại Peek Family, chương trình tang lễ sẽ được thông báo sau. (P.X.Đ)

Bài Mới Nhất
Search