T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Y Thư : lời từ biệt (Phát biểu của Trịnh Y Thư trong tang lễ nhà văn Võ Phiến hôm 3/10/2015 tại OC, CA)

Thị Trưởng Tạ Đức Trí và phu nhân đến viếng nhà văn Võ Phiến và chia buồn với tang quyến ngày thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 (Nguồn: Damau.org)

Trước hết xin cho tôi gửi lời chia buồn chân thành và sâu xa nhất đến chị Võ Phiến cùng tang quyến. Sự ra đi của anh không hẳn chỉ là cái tang riêng của gia đình, để lại sự thương tiếc khôn nguôi trong lòng những người thân thuộc, bằng hữu, văn hữu, độc giả xa gần, mà còn là cái tang chung của dân tộc.

Kính thưa quý vị,

Hôm nay chúng ta đến đây để nói lời từ biệt với nhà văn lớn nhất của văn học VN vào thời hiện đại: Nhà văn Võ Phiến. Nhìn vào toàn bộ trước tác và dịch thuật của ông ai cũng phải công nhận văn nghiệp của ông quả là đồ sộ và đã có không ít giấy mực viết về ông trong nhiều năm qua. Những tác phẩm ông để lại là khối gia sản văn hoá vô cùng quý giá, mãi mãi nằm trong kho tàng văn hoá dân tộc cho dù chúng bị đối xử tàn tệ bởi một tập đoàn thống trị phi nhân bản. Đó là những tác phẩm khi đọc lại ở bất kì không gian thời gian nào cũng thấy thú vị, lôi cuốn, và đôi khi còn bật ra những khả thể mới lạ không thấy lúc mới đọc lần đầu. Ông là nhà văn của thời đại, một thời đại cực kì nhiễu nhương và tang tóc của dân tộc, và ông đã hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn của nhà văn là nói được tiếng nói của thời đại mình. Thế nhưng bên cạnh cái yếu tố thời đại bàng bạc trong mỗi tác phẩm, ông còn để lại cho hậu thế những suy ngẫm sâu sắc mà một trong điều này là định nghĩa thế nào là một nhà văn. Đối với ông “nhà văn là kẻ ‘phải lòng’ với cuộc sống và bất cứ giờ phút nào cũng bị cuộc sống thu hút, lấy sự cảm nhận mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh làm cái sinh thú của mình.” Chẳng riêng gì nhà văn, bất cứ ai muốn cuộc sống mình thăng hoa, phong phú hơn đều nên áp dụng câu nói này của ông vào bản thân.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi còn tại thế có lần nói: “Không có chút gì thái quá nếu chúng ta bảo các nhân vật của VP đã dồn hết sinh lực vào thị giác.” Chẳng những thị giác thôi mà tất cả các giác quan khác đều được ông tận dụng để kiến dựng một thế giới mà trong đó âm thanh, hình ảnh xói sâu vào tâm hồn người đọc. Thật ra cái thế giới ấy – được miêu tả chi li tưởng như soi bằng kính hiển vi – chỉ là phần ngoại cảnh, chẳng có gì hệ trọng. Chính những rung động tâm hồn, những cảm xúc nội tại mới là cái gì đáng nói. Ông bảo, “mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.” “Nó phải đi vào tâm hồn người đọc, phải gây cảm xúc nơi người đọc.” “Cái nhìn [lên sự vật] biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ, cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.” “Người ta không rung động, không đắm đuối vì trái xoài, vì trận mưa; người ta chỉ rung động đắm đuối trước một biểu hiện tâm hồn.”

Ẩn giấu bên trong con người “thàng hậu” ấy là một tâm hồn sâu thẳm cực kì bén nhậy và tinh tế. Đọc tác phẩm của ông tức là gián tiếp tiếp cận với tâm hồn ấy, và bởi thế chẳng bao giờ chúng ta biết chán.

Vâng, Võ Phiến là người tha thiết với cuộc sống. Chúng ta có thể thấy điều đó từ những câu thơ này của ông:

Trót đến đây rồi lại hoá lần khân
Lại tuyên bố: Đời với ta … cũng hợp.
Rồi dễ dãi, ậm ờ: E rất hợp
Không chừng e có thể ở nghìn năm
Hoặc có khi cao hứng khoan tâm:
“Cùng Vũ Trụ cặp kè luôn, e… cũng được.”
Vừa lúc ấy chuyến xe đời đang nhẹ lướt
Bỗng leng keng chuông báo cuối đường!

Thưa anh Võ Phiến, anh đã đi đến cuối con đường của anh. Chúng em những kẻ còn ở lại chẳng biết nói gì hơn một lời tạ ơn, tạ ơn lòng yêu quê hương và những đóng góp to tát của anh đối với đất nước, tạ ơn con đường anh khai phá cho những kẻ đi sau như chúng em kế thừa, tạ ơn mối thịnh tình anh dành cho tất cả mọi người thân sơ, tạ ơn một tâm hồn cao quý, một nhân cách hiền hoà luôn luôn làm tấm gương cho chúng em noi theo. Xin từ biệt anh.

Và xin cảm ơn quý vị.

Bài Mới Nhất
Search