T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Về cái chết của một nhà thơ

clip_image002

Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh/

suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn/

để muốn tùy tiện lăn long lóc thế nào thì long lóc /

( Chuyện Di Tề- thơ Hữu Loan -1988 )

1.

Nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ bất hủ ” Màu tím hoa sim “, vừa mới qua đời, hưởng thọ 95 tuổi.

Những ngày sau trận địa chấn kinh hoàng ở Haiti, vùi thây hơn 200 ngàn người chỉ trong khỏanh khắc của định mệnh, khiến hơn một triệu người sống sót lâm vào cảnh địa ngục cả thể xác lẫn tinh thần, thì thêm một cái chết nữa, của một người thọ đã đến 95 tuổi, ở một phần đất hiu quạnh của một đất nước nhiễu sự, thì chắc gì đã khiến người ta thêm mũi lòng?

Dù ông ta là một nhà thơ, nhưng thơ phú liệu có giúp ích được gì không, khi người ta hàng ngày phải đối đầu với những khó khăn của đời sống, của công ăn việc làm, của bao trăn trở trước những vấn nạn chưa tìm được câu trả lời của một thực tại Việt Nam rối rắm, mà người xa quê hương cũng như kẻ trong nước vẫn ngày đêm khắc khỏai?

Lịch sử một đất nước, cũng như lịch sử một nhân lọai, có những giai đọan chấn thương quyết liệt để lại những dấu ấn khó quên trong tâm thức những thế hệ chẳng may phải kinh qua cơn chấn thương ấy. Có lẽ điều đáng nói nhất về cái chết của nhà thơ là ở vị trí của ông, thái độ của ông, nhân cách của ông, trong một giai đọan chấn thương của đất nước Việt Nam. Nói đến ông, là nói đến giai đọan lịch sử ấy, là nói đến nỗi đau chung của ít nhất 2 thế hệ đã kinh qua những ngày tháng đen tối nhất đời mình. Ông sống gần một thế kỷ (02/04/1916 – 18/03/2010), sáng suốt cho đến cả những ngày cuối cùng của cuộc đời, để là một nhân chứng sống cho những não trạng lịch sử mà rất nhiều thế hệ mai sau sẽ còn nhắc đến, bàn luận, tranh cãi.

2.

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh tại quê ở làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông học thành chung ở Thanh Hóa, sau đó đi dạy học và tham gia Mặt trận bình dân năm 1936, tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa).
Năm 1943, ông về gây dựng phong trào Việt Minh ở quê và khi cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Uỷ viên Văn hóa trong Uỷ ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tham gia quân đội Nhân dân Việt nam, phục vụ trong Đại đoàn 304. Sau năm 1954, ông làm việc tại Báo Văn nghệ trong một thời gian.
Trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do nhà văn Phan Khôi chủ trương. Ông sáng tác những tác phẩm lên án thẳng thắn và quyết liệt đến những tiêu cực của các cán bộ cộng sản nịnh hót
, đố kỵ, ám hại nhau v.v… như tác phẩm Cũng những thằng nịnh hót và truyện ngắn Lộn sòng. Trong tác phẩm của mình, ông coi mình là nạn nhân của xã hội cộng sản và phê phán xã hội này một cách kịch liệt.
Sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan phải vào trại cải tạo vài năm. Cuối đời ông sống tại quê nhà.
(Nguồn: Wikipedia.org)

Bài thơ Màu Tím Hoa Sim là bài thơ khóc người vợ trẻ (người vợ đầu) đã qua đời trong lúc ông đang trên đường chinh chiến. Hãy nghe ông kể:

Ba tháng sau (ngày cưới), tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lấy tấm áo bị nước cuốn đi nên trượt chân té xuống sông chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em đi vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi! Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi. (Hữu Loan và Hoa Sim – Tự truyện Hữu Loan).

Người vợ trẻ đã chết. Đó là điều bi thảm. Nhưng bi thảm hơn nữa, ông không được tự do khóc cho nỗi đau của đời mình:

Nỗi đau ấy tôi phải giấu kín trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn… Dường như càng kìm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm tư gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong tôi được dịp bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng. Hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi, chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra:
Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh…
…Tôi về không gặp nàng…

(Hữu Loan và Hoa Sim- Tự truyện Hữu Loan).

Kể từ đây, với nỗi đau người vợ chẳng may vắn số, và nỗi uất ức đã bị cấm đóan không được công khai khóc thương cái chết của chính vợ mình, cuộc đời nhà thơ Hữu Loan đã bắt đầu một khúc ngoặt quan trọng, quyết định chỗ đứng của ông trong một giai đọan lịch sử nhiễu nhương, góp phần tạo những huyền thọai chung quanh bài thơ , để rồi người đời tiếp tục truyền tụng bài thơ ấy hơn 50 năm nay (1), được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành nhạc (2), rồi trở thành bài thơ đắt giá nhất lịch sử văn học Việt Nam với sự kiện năm 2004, Công ty Vitek VTB ở Việt Nam đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của ông với giá 100 triệu đồng (tiền Việt nam thời gía 2004) (3).

Con đường đi kháng chiến chống Pháp, giành độc lập cho quê nhà là con đường mà bất cứ người thanh niên yêu nước nào cũng phải lựa chọn. Hữu Loan cũng là một trong số những người trai yêu nước ấy. Ông đã say sưa lao theo lý tưởng của người trai thời lọan. Nhưng, với cái chết của “người vợ bé bỏng”, đồng thời cũng là cơ hội để ông nhìn ra bộ mặt lừa phỉnh của những người khởi xướng kháng chiến. Lý tưởng của họ không phải là giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của ngọai bang, mà là sự áp đặt chủ nghĩa ngọai lai Cộng sản trên đất nước sau khi giành được quyền cai trị.

Ông kể: “Đó là cái thời 1955 ‒ 1956 khi phong trào Văn nghệ sĩ chống Ðảng bắt đầu bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, và đồng thời chống những Văn nghệ sĩ bồi bút đang tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca tụng Ðảng để kiếm chút cơm thừa canh cặn của chế độ. Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải làm về Ðảng, ca tụng Ðảng, ca tụng cộng sản, ca tụng cái buôn bán chiến tranh. Bởi vì cái đánh nhau là cái dễ kiếm chác lắm. Mà kiếm chác ở cái chiến tranh ấy thì khó kiểm tra lắm cho nên những cái bọn ăn bẩn ấy bao giờ cũng chủ trương chiến tranh, buôn bán chiến tranh. Mà tôi thì tôi thấy cái đấy là cái khổ dân nhất nên tôi chống hết sức. Lúc giờ người ta đang một tí là đề cao Hồ Chí Minh, hai tí là đề cao Hồ Chí Minh… trong khi tôi lại đề cao cái Tình Yêu. Tôi khóc người Vợ tử tế với mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó khóc như vậy, nó cho là khóc cái tình cảm riêng . . . (Hữu Loan và Hoa Sim – Tự truyện Hữu Loan).

Thế là ông mạnh dạn phủi tay với cách mạng. Ông về quê, đi cầy, đập đá, thồ xe kiếm sống qua ngày. Ông hăng hái tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, sánh vai cùng với những Phùng Quán, Trần Dần, Hòang Cầm, Nguyễn hữu Đang . . . đòi hỏi tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ, để rồi bị trù dập, bị theo dõi (thậm chí âm mưu ám sát ), rồi bị tù đày. Tuy vậy, ông vẫn sống, sống mạnh sống hùng, không quy lụy, không đầu hàng. Và rồi “Cuộc đời đẩy đưa, định mệnh dắt tôi đến với một người phụ nữ khác, sống cùng tôi đến ngày hôm nay. Bà tên Phạm Thị Nhu, cũng là một người phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Bà vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố điền chủ của Việt Minh.”

Cũng chính theo lời kể của Hữu Loan, cha mẹ bà Nhu là địa chủ nhưng rất giàu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Đã nhiều lần ông bà cho tá điền gánh gạo đến giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ dân nghèo. Đợt cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, ông bà bị đấu tố, bị nhục mạ, rồi bị chôn sống chỉ để hở “có cái đầu lên thôi. Xong, họ cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu cho đến chết.Bà Nhu, lúc bấy giờ mới 17 tuổi, được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà đi lang thang, không ai dám chứa chấp hay thuê mướn làm công, vì “cách mạng” cấm không cho giúp đỡ con cái địa chủ cường hào. Từ xa, biết được câu chuyện thảm thương xảy ra cho gia đình người địa chủ tốt bụng, ông đã lặn lội về xã xem cô con gái họ sinh sống ra sao. Ông gặp cô lang thang rách rưới đi lượm mót củ khoai cái bắp còn sót đâu đó trên đồng làm thức ăn qua ngày. Tấm lòng nhà thơ quá xúc động, ông quyết định đem cô về quê mình, bất chấp mọi lịnh cấm của cách mạng ông lấy cô Nhu làm vợ. Từ bấy đến nay, trải bao sóng gió vùi dập của những cơn lốc cách mạng, họ vẫn ở bên nhau cho đến giây phút nhà thơ nhắm mắt lìa đời, quây quần chung quanh là 10 người con và hơn 30 đứa cháu nội ngọai.

clip_image003

Năm 1988, sau hơn 30 năm “ở ẩn”, từ chối những “ve vãn, mời mọc gia nhập hội nhà văn“, cương quyết không chịu tham gia học tập, kiểm điểm, không làm đơn xin khôi phục lại đảng tịch, ông tái xuất giang hồ, theo chân nhóm văn nghệ sĩ tỉnh Lâm Đồng làm cuộc hành trình dài gần một năm trời đi dọc suốt ba miền đất nước đòi hỏi tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do xuất bản và đổi mới thực sự.

Năm 2007, trong một cử chỉ nhằm gián tiếp phục hồi cho nhóm Nhân văn Giai Phẩm, nhà nước Việt Nam quyết định trao giải thưởng văn học nghệ thuật cho nhà văn nhà thơ: Hòang Cấm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán. Riêng Hữu Loan, tuy có tên trong danh sách đề cử của Hội đồng chấm giải, nhưng vào giờ chót đã bị lọai ra mà không ai được biết lý do. Có lẽ, nhờ vậy, nhân cách sáng ngời của Hữu Loan vẫn trọn vẹn cho đến giây phút cuối cùng.

3.

Nhà thơ đã nằm xuống, nhưng vẫn còn đó những vấn đề lịch sử mà nhắc đến tên ông, người ta không thể không nghĩ đến, thí dụ như cuộc Cải Cách Ruộng Đất làm chết oan hơn 500 ngàn người chưa được những kẻ trách nhiệm sòng phẳng với lịch sử, như sự lỗi thời và tội làm trì trệ đất nước của chủ nghĩa Cộng sản chưa được đảng cầm quyền thực tâm nhìn nhận .

Vì thế, viết về cái chết của nhà thơ, không phải chỉ nói đến một nhân cách rực rỡ vừa lịm tắt , mà còn là sự nhắc nhở nỗi hổ thẹn của một chế độ chưa bao giờ là sự lựa chọn của tòan dân. Bao lâu những chấn thương lịch sử ấy chưa được chữa lành, ngòai giá trị văn học vĩnh cửu của bài thơ Màu tím hoa sim, cái tên Hữu Loan đi kèm theo ấy còn gợi nhắc đến một thời kỳ bi thảm nhất của đất nước chúng ta.

T.Vấn

(1)Theo những câu chuyện truyền khẩu, sau khi làm bài thơ Màu tím hoa sim, Hữu Loan qúa đau khổ nên sinh bệnh. Một người lính cận vệ của ông (có lẽ lúc đó ông đã giữ chức Chính trị viên Tiểu đòan) đem áo bẩn đi giặt, thấy bài thơ ấy trong túi, bèn chịu khó chép lại. Thời gian sau, khi đòan quân di chuyển ngang qua huyện nhà (người vợ chết), anh ta trao bản sao bài thơ ấy cho bà mẹ vợ ông. Từ đó, bài thơ được truyền đi từ người nọ sang người kia, mà không một ai, kể cả Hữu Loan, biết được số phận vừa bi vừa tráng của nó sau này.

(2) bài thơ đã được phổ nhạc với :

-Những đồi hoa sim – Dzũng Chinh (Đây là bài nhạc phổ mà Hữu Loan cho rằng gần gủi hơn với tâm tình của ông , nổi tiếng nhất với giọng ca Phương Dung)

-Áo anh sứt chỉ đường tà – Phạm Duy (Nổi tiếng nhất với giọng ca Thái Thanh, Elvis Phương)

-Chuyện hoa sim – Anh Bằng (Nổi tiếng nhất với giọng ca Như Quỳnh)

-Màu tím hoa sim – Duy Khánh (Duy Khánh hát giao duyên cùng bài thơ qua giọng ngâm Hồng Vân)

(3) Theo lời viên giám đốc công ty Vitek (Viet Technology Corporation), công ty của ông chọn bài thơ này trong số rất nhiều bài thơ viết về chiến tranh, vì đó là “tiếng lòng của một người lính chiến khóc vợ“. Mặt khác, cũng theo ông, thì việc mua bản quyền bài thơ cũng là một hình thức bảo vệ sản phẩm văn hóa, công ty Vitek sẽ lưu giữ và phổ biến bản chuẩn nhất để tác phẩm khỏi bị mai một. (Theo Thy Nga, phóng viên RFA).

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search