T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam :NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(25) – ONLY YOU (Chỉ cần có anh trong đời), SMOKE GETS IN YOUR EYES (Khói thuốc làm lệ rơi) – THE PLATTERS

clip_image002

Kỳ này, trước khi bước vào việc giới thiệu những ca khúc ngoại quốc phổ thông nổi tiếng được đặt lời Việt, chúng tôi xin trình bày về việc thay đổi thứ tự những phần còn lại. Trước đây, chúng tôi dự tính sẽ giới thiệu những ca khúc phổ thông nổi tiếng được đặt lời Việt trước năm 1975, tiếp theo là những ca khúc nổi tiếng trong phim (movie songs) hoặc trích từ nhạc phim (soundtracks) được đặt lời Việt, và sau cùng là những ca khúc phổ thông được đặt lời Việt sau năm 1975. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, chúng tôi nhận thấy chẳng những việc đặt lời Việt cho các ca khúc phổ thông nổi tiếng trước năm 1975 đã không luôn luôn theo thứ tự thời gian phổ biến của ca khúc ngoại quốc, mà còn có những ca khúc nổi tiếng từ thập niên 1950, 1960… mãi tới sau 1975 mới được đặt lời Việt.

Vì thế, chúng tôi quyết định xuôi dòng thời gian một cách liên tục; nghĩa là sẽ giới thiệu tất cả mọi ca khúc phổ thông nổi tiếng được đặt lời Việt từ trước năm 1975 cho tới nay, theo thứ tự phổ biến của các ca khúc nguyên thủy, và phần sau cùng của loạt bài sẽ những ca khúc nổi tiếng trong phim, hoặc trích từ nhạc phim.

Bên cạnh đó, vì những nguyên nhân khách quan (nhà xuất bản, cơ sở thực hiện, phát hành băng, đĩa nhạc, các trang mạng âm nhạc…), không ít ca khúc ngoại quốc phổ thông được đặt lời Việt đã không hề ghi tên tác giả lời Việt; gặp trường hợp này, chúng tôi đành phải ghi tác giả “khuyết danh”, và gửi lời cáo lỗi tới các vị ấy.

* * *

Hai trong số những ca khúc ngoại quốc phổ thông được phổ biến sớm nhất tại miền Nam Việt Nam, vào khoảng cuối thập niên 1950, là Only You Smoke Gets in Your Eyes do ban The Platters trình bày.

The Platters được thành lập năm 1953 tại Los Angeles, và cho tới nay vẫn tiếp tục trình diễn với những thành viên mới; tuy nhiên với đa số người yêu nhạc, chỉ có The Platters của hai thập niên 1950, 1960 mới là The Platters “chính hiệu con nai vàng”. Một cách chính xác, là The Platters của khoảng thời gian từ năm 1955 – năm họ thu đĩa Only You, bản đầu tiên lên Top 10, cho tới năm 1969, khi Herb Redd, “thành viên sáng lập” cuối cùng rời bỏ ban này.

clip_image004

The Platters của thập niên 1950 gồm 5 thành viên Mỹ gốc Phi châu, trong đó Tony Williams hát giọng tenor chính, và giọng phụ Zola Taylor là bóng hồng duy nhất.

The Platters chuyên hát nhạc “rhythm and blues” (R&B), và được ghi nhận là ban hợp ca thành công nhất trong thời kỳ đầu của “rock-and-roll”.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài kỳ trước, “rock and roll” được hình thành tại Hoa Kỳ vào thập niên 1940, và phát triển mạnh trong thập niên 1950, là sự phối hợp của ba thể loại: “rhythm and blues” (R&B) của người Mỹ gốc Phi châu, western music và country music.

Trong ba thể loại nói trên, country music là thể loại được nhiều người ưa chuộng nhất (có lẽ vì đa số dân Mỹ là người gốc Âu châu), nhưng nếu xét về cả giai điệu lẫn lời hát, R&B là thể loại phong phú nhất.

Trong hơn 20 thể loại của nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ, jazz được xem là thể loại “cao” nhất, nhưng cũng vì thế, số lượng người thưởng thức bị giới hạn; kế tiếp là R&B (rhythm and blues), vốn được xem biến thể của nhạc blues. Trong khi những thể loại khác có lúc thịnh lúc suy, thì R&B chưa bao giờ đi xuống, mà sau ¾ thế kỷ vẫn tiếp tục là một trong những thể loại quan trọng nhất tại giải âm nhạc Grammy, được ưa chuộng nhất đối với mọi thành phần nghe nhạc. Hiện nay, nếu lướt qua các danh sách ca khúc sống mãi với thời gian, chúng ta sẽ thấy một phần không nhỏ thuộc thể loại R&B. Từ What’d I Say (Ray Charles, 1959) tới My Girl (The Temptations, 1964), Respect (Aretha Franklin, 1967), từ Hello (Lionel Richie, 1983) tới Hero (Mariah Carey, 1993), từ Unbreak My Heart (Toni Braxton, 1996) tới I Will Always Love You (Whitney Houston, 1999)…

Tại Anh quốc, R&B cũng trở thành một thể loại phổ biến, điển hình là các ca khúc của các ban The Rolling Stones, The Animals, The Who…

Video:

Lionel Richie – Hello – YouTube – 1984

Unbreak My Heart – Toni Braxton LYRICS – YouTube

Whitney Houston – I Will Always Love You – Lyrics -YouTube

Trở lại với The Platters, ca khúc đầu tiên của họ được vào Top 10 của bảng xếp hạng toàn quốc của tạp chí Billboard là bản Only You (And You Alone), một sáng tác của nhà viết ca khúc Buck Ram (1907-1991), cũng là ông bầu của The Platters.

clip_image006

Buck Ram (1907-1991)

Được tung ra vào tháng 7 năm 1955, Only You đã lên No.1 trong bảng xếp hạng thể loại R&B, và No.5 của mọi thể loại (Billboard Hot 100). Tại Anh, Only You lên tới hạng 5, và tại Úc, hạng 19.

Only you
Only you
can make this world seem right
Only you
can make the darkness bright
Only you and you alone
can thrill me like you do
and fill my heart with love for only you

Only you
can make this change in me
For it’s true
you are my destiny
When you hold my hand, I understand
the magic that you do
You’re my dream come true
my one and only you, only you

Only you and you alone
can thrill me like you do
and fill my heart with love for only you

Only you
can make this change in me
For it’s true
you are my destiny
When you hold my hand, i understand
the magic that you do do
You’re my dream come true
my one my one my one and only you

Phụ lục (1): Only You, The Platters

01 – The Platter – Only You

Bốn tháng sau, The Platters đạt thành công rực rỡ hơn nữa với bản The Great Pretender, cũng do Buck Ram sáng tác. Tại Hoa Kỳ, The Great Pretender đứng No.1 trong cả bảng xếp hạng thể loại R&B lẫn bảng xếp hạng mọi thể loại. Ca khúc này cũng đứng No.1 ở Úc, còn tại Anh quốc, đứng No.5.

Video:

The Platters – The Great Pretender – HD (1955)

Đứng No.1 liên tục trong 11 tuần lễ ở Hoa Kỳ, The Great Pretender được xem là thành công lớn nhất trong sự nghiệp của The Platters (hiện nay,The Great Pretender đang đứng hạng 360 trong danh sách “500 Greatest Songs of All Time” của tạp chí ca nhạc Rolling Stone, và luôn luôn nằm trong danh sách 50 ca khúc hay nhất của thể loại R&B), nhưng với giới yêu nhạc phổ thông, càng về sau, Only You càng được ưa chuộng và phổ biến hơn; được nhiều ca sĩ Mỹ và ngoại quốc thu đĩa, và được hát trong hàng chục cuốn phim (nhưng có điều… thú vị là trong cuốn phim hài kịch tình cảm có tựa là Only You (1994), lại không có ca khúc Only You).

Tại Việt Nam, Only You được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Chỉ Cần Có Anh Trong Đời, và được thu âm với tiếng hát Khánh Hà.

Chỉ Cần Có Anh Trong Đời

Người tình đó, chỉ cần có em trong đời
Có em, là đời chói chan ân tình
Dựa vào nhau, dựa vào vai mềm
Mới biết hết bao sướng vui
Sưởi ấm tim ta, bằng tình, tình nồng lứa đôi
Có em mới làm anh biết câu yêu người
Biết bao sướng vui, trời đã nối duyên tơ mình
Bàn tay nắm, bàn tay, chân bước thênh thang
Đường tình mặn mà thơm ngát
Người là mơ, đã thực là một người tình đó thôi.

(Hiện nay, trên các trang mạng âm nhạc trong nước còn có một ca khúc khác, cũng mang tựa đề Chỉ Cần Có Anh Trong Đời, và trong số các ca sĩ trình bày cũng có cả Khánh Hà, nhưng không ghi tên tác giả, và nhạc & lời hát hoàn toàn khác với Chỉ Cần Có Anh Trong Đời của Phạm Duy)

 

clip_image008

 

Phụ lục (2): Chỉ Cần Có Anh Trong Đời (Phạm Duy), Khánh Hà

02- CHI CAN CO ANH TRONG DOI

Qua năm 1956, The Platters được mời xuất hiện trong cuốn phim ca nhạc đầu tiên của thể loại “rock and roll” có tựa đề Rock Around the Clock, và đã trình bày hai ca khúc Only You The Great Pretender trong phim này.

Hai năm sau, The Platters đã đạt thêm hai thành tích để đời khác: tháng 4 năm 1958, ca khúc Twilight Time của họ đứng No.1 trong cả bảng xếp hạng thể loại R&B lẫn bảng xếp hạng mọi thể loại, đồng thời đứng No.1 ở Úc, No.3 tại Anh; và tới tháng 10 cùng năm, ca khúc Smoke Gets in Your Eyes do họ thu đĩa đã đứng No.3 trong bảng xếp hạng thể loại R&B, No.1 trong bảng xếp hạng mọi thể loại, và đứng No.1 ở cả Úc lẫn Anh quốc.

Vì ngày ấy, bản Twilight Time không mấy phổ biến tại Việt Nam, trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới Smoke Gets in Your Eyes.

The Platters không phải những ca sĩ đầu tiên thu đĩa Smoke Gets in Your Eyes.

Nguyên đây là một nhạc khúc vũ thiết hài trong vở ca nhạc kịch Show Boat (1927) của nhà soạn nhạc Jerome Kern (1885-1945). Tới năm 1933, nhạc khúc này được Otto Harbach (1873-1963) đặt lời hát với tựa Smoke Gets in Your Eyes để sử dụng trong vở ca kịch Roberta.

clip_image010 clip_image012

Jerome Kern (1885-1945) Otto Harbach (1873-1963)

 

Smoke Gets in Your Eyes

They asked me how I knew
My true love was true
Oh, I of course replied
Something here inside cannot be denied
They said someday you’ll find
All who love are blind
Oh, when your heart’s on fire
You must realize
Smoke gets in your eyes
So I chaffed them and I gaily laughed
To think they could doubt my love
Yet today my love has flown away
I am without my love
Now laughing friends deride
Tears I can not hide
Oh, so I smile and say
When a lovely flame dies
Smoke gets in your eyes
Smoke gets in your eyes

Qua năm 1934, Smoke Gets in Your Eyes được dàn nhạc jazz Paul Whiteman thu đĩa, và đứng No.1 trên bảng xếp hạng nhạc phổ thông. Năm 1935, vở Roberta được hãng phim RKO đưa lên màn bạc với nữ diễn viên kiêm danh ca Irene Dunne (1898-1990), và cặp diễn viên vũ huyền thoại Fred Astaire & Ginger Rogers. Cuốn phim thành công rực rỡ, và lẽ dĩ nhiên, hai cảnh “ăn tiền” nhất trong phim là cảnh Irene hát bản Smoke Gets in Your Eyes, và cảnh Fred Astaire & Ginger Rogers vũ theo nhạc khúc này.

clip_image014

Video:

Irene Dunne – Smoke Gets in Your Eyes – YouTube

Năm 1941, sau khi được nhạc trưởng kiêm nhạc sĩ dương cầm Teddy Wilson soạn hòa âm và thu đĩa, Smoke Gets in Your Eyes trở thành một nhạc khúc rất được giới đàn dương cầm ưa chuộng.

Tới năm 1946, Smoke Gets in Your Eyes được Nat King Cole thu đĩa; thời gian này, Nat King Cole còn đang hát và đàn dương cầm trong các ban nhạc jazz, cho nên đĩa Smoke Gets in Your Eyes của ông cũng không phổ biến cho lắm trong giới nghe nhạc phổ thông.

Năm 1952, vở Roberta được đưa lên màn bạc lần thứ hai, lần này do hãng phim MGM thực hiện, với tựa đề mới là Lovely to Look At (để tránh rắc rối về bản quyền với hãng RKO). Vai chính được trao cho Kathryn Grayson (1922-2010), một nữ diễn viên có giọng opera soprano rất truyền cảm; tuy nhiên, so với cuốn phim thứ nhất (Roberta), Lovely to Look At chỉ thành công tương đối.

Video:

Smoke Gets in Your Eyes Kathryn Grayson – YouTube

Phải đợi tới năm 1958, qua nghệ thuật trình bày của The Platters, Smoke Gets in Your Eyes mới thực sự trở thành một ca khúc phổ thông với số đĩa hát bán ra hàng triệu.

Phụ lục (3): Smoke Gets in Your Eyes, The Platters

03-Smoke Gets In Your EyesThe Platters

Về mức độ phổ biến tại miền nam Việt Nam trước đây, so với những ca khúc ngoại quốc lời Anh cùng thời của Doris Day, Connie Francis, Elvis Presley, Neil Sedaka, Paul Anka, và ngay cả với bản Only You của The Platters trước đó, Smoke Gets in Your Eyes đã không được nhiều người biết tới.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, mặc dù được người Anh người Mỹ liệt vào hàng ca khúc phổ thông (popular song), Smoke Gets in Your Eyes do The Platters thu đĩa vẫn ít nhiều mang âm hưởng nhạc jazz, thể loại tương đối hơi “cao” và mới lạ so với trình độ thưởng thức của đa số thính giả Việt Nam. Thứ hai, vì trình độ Anh ngữ giới hạn, hoặc vì không có cơ hội đọc nguyên văn lời hát, người nghe đã không thấu đáo ý nghĩa của ca khúc vốn được xưng tụng là một trong những ca khúc có lời hát hay nhất từ trước tới nay.

Nhưng với những ai thưởng thức được thể loại nhạc jazz thì chỉ cần nghe qua giai điệu của Smoke Gets in Your Eyes sẽ ưa thích ngay, và nếu hiểu được cả lời hát, càng cảm thấy thú vị hơn.

Phụ lục (4): Smoke Gets in Your Eyes, Nana Mouskouri

04 – Smoke Gets in your eyes – Nana Mouskouri

Smoke Gets in Your Eyes được nhạc sĩ Lữ Liên, thân phụ của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Khánh Hà… đặt lời Việt với tựa Khói Thuốc Làm Lệ Rơi.

clip_image016

Khói Thuốc Làm Lệ Rơi

Ta tuy chớm yêu lầm lỗi
Bởi trách nhau hờn dỗi
Khiến cho tình chia phôi
Vắng nhau về chung lối
Bóng anh đã xa vời
Xưa tình đến như một sớm
Mình bỗng nhiên mù quáng
Trái tim lửa tình yêu
Nhớ nhung hồn khô héo
Khói thuốc làm lệ rơi
Tình nồng thắm, tình yêu ta thầm mê đắm
Vững tin người mình yêu trăm năm
Rồi một sớm tả tơi nghe hồn tan vỡ
Xót xa tình vỗ cánh bay
Bỗng ngày chợt mắt vương niềm đau
Bạn thấy ta vội dấu
Giữa khi đời còn tươi
Nhớ thương lòng còn vương vấn
Khói thuốc làm lệ rơi

Phụ lục (5): Khói thuốc làm lệ rơi (Lữ Liên), Khánh Hà

05 – KHOI THUOC LAM LE ROI

Sau hết, chúng tôi xin có đôi lời bàn “trà dư tửu hậu” về bản lời Anh nguyên tác và bản lời Việt của Lữ Liên. Xin nhấn mạnh: “bàn” chứ không “bình”!

Cho dù bản thân chỉ là người nghe nhạc chứ không viết nhạc, chúng tôi cũng có thể nhận ra một điều: đặt lời Việt cho một ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc, nhất là của Âu Mỹ, khó hơn đặt lời cho một bản nhạc Việt; và giữa việc đặt lời Việt cho một ca khúc ngoại quốc và một nhạc khúc ngoại quốc, thì đặt lời cho một ca khúc khó hơn.

Khó, bởi vì muốn đặt lời Việt cho đạt, trước hết phải có trình độ ngoại ngữ tương đối để hiểu được nội dung ca khúc ngoại quốc ấy. Nhưng chỉ hiểu mà thôi thì chưa đủ, cần phải có sự rung cảm, và sau cùng, phải có khả năng đặt lời Việt sao cho không chỉ xuôi tai mà còn chuyển đạt được tâm tình của tác giả ca khúc nguyên thủy.

Thành công điển hình là các bản Về mái nhà xưa (Come Back to Sorrento), Giàn thiên lý đã xa (Chèvrefeuilles que tu es loin) của Phạm Duy, Lá mùa thu (Les Feuilles Mortes) của Nguyễn Đình Toàn, Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza) của Vũ Xuân Hùng, Donna (Donna) của Trần Tiến, v.v…

Tuy nhiên về sau này, không phải tất cả mọi ca khúc “nhạc ngoại quốc lời Việt” đều được đặt lời theo nguyên tắc nói trên, mà có những bản được đặt lời Việt với nội dung hoàn toàn khác hẳn, chẳng hạn bản Trưng Vương khung cửa mùa thu (Tell Laura I Love Her) của Nam Lộc, có những bản chỉ lấy một vài ý trong ca khúc nguyên thủy, mà thí dụ điển hình chính là bản Khói Thuốc Làm Lệ Rơi (Smoke Gets in Your Eyes) của Lữ Liên.

Thú thật, ngày ấy bản thân chúng tôi chỉ nghe thoáng qua chứ chưa có dịp đọc tận mắt lời hát nguyên thủy bằng tiếng Anh, nên khi nghe Khánh Hà hát:

…Bỗng ngày chợt mắt vương niềm đau
Bạn thấy ta vội dấu
Giữa khi đời còn tươi
Nhớ thương lòng còn vương vấn
Khói thuốc làm lệ rơi

thì cho rằng cô gái khóc vì bị tình phụ, nhưng khi được bạn hỏi đã trả lời “Khói thuốc làm lệ rơi”!

Tới khi được đọc nguyên văn lời hát tiếng Anh, mới biết cô gái không cay mắt vì khói thuốc mà vì khói …từ trong tim:

Trước đây, khi được bạn bè cảnh giác “tất cả những ai đang yêu đều mù quáng, bởi khi lửa tình cháy trong tim, bạn phải biết, khói bốc lên làm mờ đôi mắt” (All who love are blind – Oh, when your heart’s on fire – You must realize – Smoke gets in your eyes), cô chỉ cười.

Nay tình bỏ ra đi, bị bạn bè chế nhạo vì những giọt nước mắt đọng trên mi, cô mỉm cười đáp lại “khi một ngọn lửa tình đẹp vụt tắt, khói bay lên đôi mắt (When a lovely flame dies – Smoke gets in your eyes) làm lệ rơi.

Theo cảm quan của riêng chúng tôi, phân nửa cái hay của lời hát nằm trong hai câu cuối ấy: khi một cuộc tình đẹp tan vỡ, người ta tiếc nhớ, nhưng không bao giờ ân hận.

Phụ lục (6): Smoke Gets in Your Eyes (Piano), Richard Clayderman

06-SmokeGetsInYourEyes-RichardClayderm_

Phụ lục (7): Smoke Gets in Your Eyes (Guitar)

07-SmokeGetsInYourEyes-VariousArtist

Hoài Nam

 

 

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): Only You, The Platters

Phụ lục (1): Only You, The Platters

Phụ lục (2): Chỉ Cần Có Anh Trong Đời (Phạm Duy), Khánh Hà

Phụ lục (2): Chỉ Cần Có Anh Trong Đời (Phạm Duy), Khánh Hà

Phụ lục (3): Smoke Gets in Your Eyes, The Platters

Phụ lục (3): Smoke Gets in Your Eyes, The Platters

Phụ lục (4): Smoke Gets in Your Eyes, Nana Mouskouri

Phụ lục (4): Smoke Gets in Your Eyes, Nana Mouskouri

Phụ lục (5): Khói thuốc làm lệ rơi (Lữ Liên), Khánh Hà

Phụ lục (5): Khói thuốc làm lệ rơi (Lữ Liên), Khánh Hà

Phụ lục (6): Smoke Gets in Your Eyes (Piano), Richard Clayderman

Phụ lục (6): Smoke Gets in Your Eyes (Piano), Richard Clayderman

Phụ lục (7): Smoke Gets in Your Eyes (Guitar)

Phụ lục (7): Smoke Gets in Your Eyes (Guitar)

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search