T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Giọt lệ cho sự bất trắc của đời sống

clip_image002

Hôm thứ sáu 29 tháng 7 năm 2011 vừa rồi, một tuần lễ sau cuộc thảm sát vô nghĩa vô lý ở Oslo, Norway, 77 nạn nhân đã được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Như vậy là người chết đã được chôn cất. Nhưng sau khi lớp đất cuối cùng và những giọt nước mắt phủ đầy nấm mộ người chết, liệu những nỗi đau có được chôn cất? Liệu những tra vấn về sự bất trắc của đời sống có chịu tạm nằm yên, không ray rứt tâm tư người còn sống? Người sống ấy có thể là thân nhân họ hàng của 77 nạn nhân đã chết, hay người sống ấy là những người tận mắt chứng kiến cuộc thảm sát, hay người sống ấy là hàng tỉ con người ở khắp nơi trên thế giới, đọc cái tin về hành động điên cuồng của một kẻ cực đoan mà bỗng rùng mình vì sự mong manh của kiếp người, vì khả năng hủy diệt của những thế lực độc ác trong thời đại này bỗng trở nên to lớn và đáng sợ hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân lọai.

Điều đáng sợ nhất ở hành động của anh thanh niên người Norway 32 tuổi này là thái độ của anh ta sau khi đã lạnh lùng xả súng giết người, trẻ già trai gái không phân biệt, có nghĩa là bất cứ ai ở trong tầm mắt. Kẻ sát nhân thú nhận rằng “hành động giết người này quá đáng thật, nhưng là sự quá đáng cần thiết phải được làm”. Ý anh ta muốn nói, đó là cách anh ta truyền đạt thông điệp của mình đến xã hội.

Thông điệp của Anders Behring Breivik – kẻ sát nhân vô cảm – là gì?

Bản “tuyên ngôn” dầy hơn 1500 trang mà kẻ sát nhân đã gởi qua e-mail đến hàng trăm người trước khi ra tay mở màn cuộc thảm sát, tiết lộ rằng anh ta muốn phát động cuộc cách mạng xã hội chống lại một châu Âu đã bị ô nhiễm vì những làn sóng người di dân gốc Hồi giáo tràn vào và chính sách mở cửa, khoan nhượng của các chính quyền châu Âu, nhất là chính quyền Oslo nằm trong tay đảng Lao Động hiện nay. Vì vậy, mà anh ta đặt xe bom ở khu vực các trụ sở chính quyền thuộc thành phố Oslo, làm 8 người chết và nhiều tòa nhà hư hại. Và chỉ hai tiếng đồng hồ sau khi quả bom phát nổ, giả dạng như một viên cảnh sát, kẻ sát nhân đã tấn công một trại hội thảo chính trị dành cho thanh niên ở một hòn đảo bên ngòai thành phố, giết chết thêm 69 nạn nhân, phần lớn đều là những người trẻ tuổi, thuộc nhiều sắc tộc, tôn giáo, thành phần xã hội khác nhau.

Trong các xã hội dân chủ, người ta có rất nhiều phương tiện khác nhau và được quyền tự do nói lên quan điểm của mình về tất cả mọi vấn đề mà người ta quan tâm. Nhưng, dùng những phương cách đầy bạo lực và tội ác như thế này để phát biểu quan điểm của mình thì qủa thật . . . điên cuồng, bệnh họan.

“ . . . Thời nào cũng có những người điên, những kẻ sát nhân. Nhưng người điên, kẻ sát nhân trong thời đại kỹ thuật tuyệt đỉnh này đã là mối đe dọa lớn nhất, khó tiên đóan nhất và hậu quả sự điên khùng của họ khó lường nhất”.

Thế giới này có quá nhiều những người điên. Người điên nhân danh một đất nước như vị tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, thay vì ưu tiên cho các vấn đề dân sinh trong nước, lại dồn nỗ lực vào việc thách đố cả thế giới bằng cách thử nghiệm việc chế tạo bom nguyên tử, để mặc cho nhân dân đói rách, bệnh tật. Người điên nhân danh một niềm tin tôn giáo như ở Iraq, lấy sự bất an, chết chóc, khủng bố người khác làm thành tích để cho linh hồn mình được sống bình an đời đời . . .” (trích: Thời của những kẻ sát nhân. T.Vấn).

Nay chúng ta có thêm người điên ở Oslo, mới 32 tuổi, nhân danh một trật tự xã hội mới, để sẵn sàng xả súng giết người mà không hề ân hận.

clip_image006

Tất cả những gì mang bản chất “cực đoan” đều là mầm mống của những tai họa. Thế giới đã chứng kiến bao tội ác khó tha thứ của những tín đồ “Hồi giáo Cực Đoan”. Và bây giờ, gần 100 người dân hiền hòa vô tội lại trở thành nạn nhân của tên “chống Hồi giáo Cực Đoan”. Dùng “cực” này để chống lại “cực” kia, liệu có thể là giải phảp giúp giải quyết được vấn đề, hay chỉ làm cho mọi sự trở nên rối tinh rối mù hơn?

Sau mỗi một tội ác xẩy ra, cái nghịch lý là kẻ gây tội ác lại được dư luận quan tâm nhiều hơn là chính nạn nhân của hắn. Sự sống bỗng nhiên bị tước đọat, tiếng kêu than được cất lên, nấm mồ được vùi lấp. Rồi thôi. Nỗi đau bây giờ đã thuộc về quá khứ với xã hội. Còn kẻ gây tội ác, vì hắn vẫn hiện hữu – dù hiện hữu trong những nhà tù kiên cố – hắn vẫn được coi là có mặt trong cuộc sống bất trắc này. Và cũng mỉa mai hơn nữa, sự bất trắc ấy có phần tiếp tay của hắn làm cho tính bi kịch trở nên thêm trầm trọng.

clip_image008

Chúng ta đã nhiều lần nhỏ nước mắt khóc cho những cuộc đời bỗng dưng bị tước đọat, nhất là những cuộc đời non trẻ đang chuẩn bị tạo dựng tương lai cho mình, góp phần làm giàu có, làm đẹp đẽ thêm xã hội. Sau khi những nạn nhân mới nhất của bạo lực thế kỷ được chôn cất, đôi mắt ướt lệ có thể đã tạm được lau khô, nhưng không có nghĩa đây là lần nhỏ lệ cuối cùng của nhân lọai cho sự bất trắc của đời sống. Đáng sợ hơn nữa, ai là người có thể an tâm rằng, mình (hay những người thân yêu của mình) sẽ không phải là nạn nhân của tội ác kế tiếp?

Mặt đất này bao la, nhưng đâu là chỗ an lành để cho chúng ta ẩn trốn?

T.Vấn

30 tháng 7 năm 2011

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search