T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: MỘT CÁCH BÌNH THƠ

_MG_1430_1

Ảnh (Lưu Na)

(THẨM THƠ NGY LỘC – CHÉN THƯƠNG ĐAU)

 VÀI Ý NGHĨ VỀ BÌNH THƠ

 – Muốn phê bình sâu sắc một bài thơ thường ta nên tìm hiểu rõ cuộc đời của tác giả qua lý lịch, qua cảc bài viết, hồi ức, các bài thơ đã đăng.

– Là thơ Việt, người bình phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ.

– Người bình thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho sự bình thơ; vì nếu chỉ bình theo cảm tính thì e bài bình không được chính xác, đầy chủ quan và có nhiều khi vô tình gây ảnh hưởng tiêu cực đến bài thơ.

– Bình mà chưa gì người đọc đã đoán trước nhà bình thơ sẽ khen bài thơ thì không nên. Phải bình như thế nào để tránh cho người đọc phát biểu: – Chưa đọc bài bình cũng biết trước bài thơ này sẽ được khen thôi!

– Người bình thơ nên nhớ rằng không cứ phải giới thiệu bài thơ nào cũng khen 100%. Một bài thơ hay như thế nào đi nữa cũng phải có một khuyết điểm nhỏ cần nêu ra cho chính xác, cho cân bằng giữa ưu và khuyết.

Bình bài thơ nào cũng khen đôi khi đưa đến phản ứng nghịch (side effects) đối với những độc giả khó tính: Chê độc giả NGU, không biết thưởng thức, phải cần nhà bình thơ lựa thơ và giải nghĩa giùm. Hãy để độc giả tự tìm và tự thưởng lãm, đừng chỉ dạy!

– Cách cảm nhận của người bình vẫn chủ quan, chưa chắc hoàn toàn đúng. Đừng như nhà khoa học sau đây nghiên cứu về con cào cào (châu chấu):

” Nhà khoa học bắt con cào cào bỏ lên bàn rồi vỗ bàn một cái, con cào cào phóng đi. Ông vội vàng gục gật đầu,ghi ghi…

Lần kế, ông ngắt râu cào cào và vỗ bàn, cào cào phóng đi. Ông lại ghi ghi, nhíu mày suy tư…

Hôm nọ nhà khoa học ngắt 2 càng (chân lớn) con cào cào rồi cũng vỗ bàn một cái: Con cào cào vẫn nằm tại chỗ. Ông vỗ thêm một lần nữa, cào cào vẫn nằm im…

Ông với la to lên:

– Tìm ra rồi, tìm ra rồi…

Đây là PHÁT KIẾN VĨ ĐẠI của ông ta:

“Con cào cào trở nên ĐIẾC khi bị mất hai càng”

Nhà bình thơ đừng nên cho rằng chủ kiến riêng mình là luôn đúng.

– Cũng đừng đóng “hòm” trước rồi chặt chân xác chết cho vừa cái “hòm”. Có nghĩa là đừng đưa ra tiêu chí chủ quan riêng mình rồi ép bài thơ được bình phải hợp theo. Không nên áp đặt như vậy

 

THỬ BÌNH MỘT BÀI THƠ

 Xin được áp dụng những ý nghĩ trên bình thử bài thơ sau đây để làm rõ ý.

Đây là bài thơ: CHÉN THƯƠNG ĐAU của tác giả Ngy Lộc đăng trên Facebook.

CHÉN THƯƠNG ĐAU

1.CHIỀU MƯA PHỐ VẮNG

Mưa!

Mưa!

lạnh buốt phố người!

Giọt rơi theo giọt

buồn trôi thành dòng!

Ngày qua.  cùng sợi sầu tuôn

Trong tôi còn lại

nỗi buồn này đây!

 

2.TIẾNG MƯA

Tiếng than?

Mưa lạnh réo tình!

Mơ ơi phố ấy

nhớ mình điếng tâm!

Thoảng  hương xưa

nhớ thịt nồng!

Rên tình đêm đó

long đong đời này!

Nhớ ai

kéo đám mây trời

Một màu xám xịt!

hồng tôi đâu rồi?

 

  1. CHÉN THƯƠNG ĐAU

Phù vân?!

Mặc

Nắng tan!

Rượu đầy cứ uống!

ngày tàn có sao?

 

Bể dâu!

Nầy chén đắng trào

Uống đi!

uống cả thương đau

nhe người?!

(Thơ NGY LỘC )

*

BÌNH THƠ

Đọc được một bài thơ hay như gặp được một giai nhân; thưởng thức được nó giống như ôm ấp được người đẹp vào lòng, rất “khoái lạc”.

Sau khi tìm biết (qua điện thư) về lý lịch trích ngang, tâm tư của tác giả, đọc một số bài viết, hồi ức và thơ của Ngy Lộc, tôi thử bình bài thơ CHÉN THƯƠNG ĐAU của ông theo cách bình của riêng mình.

Điều đầu tiên có thể nói bài thơ thuộc loại thơ truyền thống, hội đủ ba điều kiện vần- nhạc- họa được trình bày mới mẻ về hình thức: “Lục bát ngắt dòng”.

“Ngắt dòng”, là ngắt những câu lục bát truyền thống ra thành nhiều dòng thơ ngắn, rồi xuống hàng theo nhịp thơ, theo nhịp nhạc hoặc theo dòng suy tưởng, cảm xúc của tác giả bài thơ.

“Ngắt dòng” trong bài còn có tác dụng nhấn mạnh, làm rõ ý thêm.

Mỗi dấu chấm (.) là một nhịp nhạc.

2.

Bài thơ (bài lớn) gồm 3 khổ, mỗi khổ có một tên riêng (bài nhỏ). Ba khổ nầy liên hoàn nhau giống như ba mắt của một chuỗi xích.

Ta hãy lần lượt xét từng mắt xích, từng khổ (bài nhỏ) của bài thơ (bài lớn).

 

 KHỔ 1

 Mưa!

Mưa!

lạnh buốt phố người!

Giọt rơi theo giọt

buồn trôi thành dòng!

Ngày qua.  cùng sợi sầu tuôn

Trong tôi còn lại

 nỗi buồn này đây!

Cơn mưa chiều trong phố làm động tâm tư tác giả. Buồn!

Khổ này giống như dẫn nhập, không mấy quan trọng. Chỉ là nguyên nhân đưa đến nỗi buồn, nỗi nhớ của khổ sau.

 

KHỔ 2

 Tiếng than?

Mưa lạnh réo tình!

Mơ ơi phố ấy

nhớ mình điếng tâm!

Thoảng  hương xưa

nhớ thịt nồng!

Rên tình đêm đó

long đong đời này!

Nhớ ai

kéo đám mây trời

Một màu xám xịt!

hồng tôi đâu rồi?

Tiếng mưa lạnh rơi như tiếng than thở, tiếng réo gọi khiến tác giả nhớ đến đêm mưa năm nào. Ở đây tác giả muốn nhắn người đọc nhớ đến những câu thơ :

“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách / Sắc bất ba đào dị nịch nhân”[Mưa không có then khoá mà giữ được khách / Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta.(Ðàm Thận Huy – Nguyễn Giản Thanh)]

Từ đó dẫn đến các câu thơ diễm tuyệt của Nguyên Sa: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt /Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa /Anh lạy trời mưa phong toả đường về /Và đêm ơi xin cứ dài vô tận”.

Đêm đó vì mưa người tình ở lại, cuộc tình đi “tới bến” như lời thơ của Lính Phuơng mô tả

Búp sen hai đóa nằm trên ngực

Quỳnh hương em ẩm ướt đợi chờ

Vạt cỏ non tơ mùa hạnh phúc

Thất tiết đêm nằm ủ giấc mơ

(Về Trường An gặp Đoàn Phu Nhơn- Linh Phương)

Tác giả không giải thích rõ (don’t Tell) chỉ biểu hiện ra (Show) những từ: thịt nồng, rên tình. để độc giả tự đoán, tự đưa ra kết luận, đúng theo thủ pháp Show do not Tell (Biểu hiện, không giải thích dài dòng)(1)

Chính kỷ niệm đêm đó đã theo đuổi mãi tác giả suốt cuộc đời luân lạc; buồn xa quê hương, buồn mất người thương.

Muốn hiểu rõ những điều này, ta phải nhớ lại những bài thơ tâm đắc của tác giả như đã đăng

Tháng tư muôn mảnh đời tan vỡ

Khóc hận tình nhau cuộc bể dâu

Biệt ly. ừ đã. còn đâu nữa!

Tóc xõa. ngực ngoan. chăn chiếu nhầu

(Bài tình buồn tháng tư – Ngy Lộc)

Người đi. không lời từ biệt

Buồn ơi. tím biếc dòng sông!

Quê hương ta ơi. thôi nhé!

Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

Rặng cây quê hương. mờ bóng

Có còn gặp lại được không?

(Quê Hương thương nhớ – Ngy Lộc)

 

Em đứng đó bóng rầu dáng mỏng

Thuyền ra khơi … chắc mãi không về!

Xác em nhỏ trôi theo dòng bão lũ

Được tin người … tim nhé … cố yên!

Và đêm dài … đêm nhé … hãy ngoan!

(Chuyện dòng sông quê tôi – Ngy Lộc)

Khổ 2 này cũng chưa phải là điều tác giả muốn nói; nó chỉ giải thích nỗi buồn nhớ của khổ 1. Tổng hợp hai khổ này có công dụng đưa đến phần quan trọng nhất của bài thơ (bài lớn): Khổ 3

KHỔ 3

Khổ này quan trọng nhất và cũng là lý do tác giả lấy tên khổ nầy đặt tên cho toàn bài thơ liên hoàn (bài lớn). Cái “hồn thơ” nằm tại khổ này

Phù vân?!

Mặc

Nắng tan!

Rượu đầy cứ uống!

ngày tàn có sao?

 

Bể dâu!

Nầy chén đắng trào

Uống đi!

uống cả thương đau

 nhe người?!

Sự đau khổ do cuộc dâu bể (thương hải tang bồng) mùa xuân năm nao, sự khốc hận do việc chia lìa đã tạo cho tác giả tình cảm dửng dưng, “bất cần”. Sự “bất cần” mà thi nhân cố tạo ra để mong quên đi việc khổ đau.

Được không?

Bất cần về không gian (Phù vân, bể dâu), bất cần về thời gian (nắng tan, ngày tàn, đêm đến). Mặc tất cả, rượu hãy uống đi người.

Trong khổ 3 này, nếu ta chú ý thì sẽ thấy tác giả cũng lại sử dụng thủ pháp “Show do not Tell” (Biểu hiện, không giải thích dài dòng)  mà tác giả triển khai thông qua: Thơ nén , thơ mở  và “Do not Tell”.

 THƠ NÉN

– Phù vân: Đám mây thoáng nổi lên rồi tan ngay, thường dùng để ví cái không lâu bền, có được rồi lại mất đi ngay. Nhà Phật thường nhắc đến bằng hai chữ “vô thường”.

Hai chữ này khiến ta nhớ đến thơ Đổ Phủ: “Thiên thượng phù vân như bạch y / Tu du hốt biến vi thương cẩu…” (Mây nổi trên trời như áo trắng.  Thoắt biến thành hình con chó xanh).   Bạch vân – Thương cẩu là  Thực và Hư tương tác, tương sinh.  Thực đến từ hư và hư đến từ thực.

– Bể dâu: Từ điển tích “Thương hải tang bồng”: – Bãi biển biến thành ruộng dâu; dùng để ví sự thay đổi của cuộc đời. Hai chữ này khiến ta nhớ đến thơ Nguyễn Du: “Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Truyện Kiều).

Hoặc bài thơ SÔNG LẤP của cụ Tú Xương:

Sông xưa rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

(SÔNG LẤP – Tú Xương)

DO NOT TELL

Do not Tell = không giải thích, để tự độc giả đoán

– Nắng tan, ngày tàn; Người đọc sẽ tự đoán biết mưa gây nỗi sầu; mưa xong, tác giả buồn nhớ, uống rượu từ chiều đến đêm.

– Uống cả thương đau: Người đọc sẽ đoán ra uống rượu càng làm đau thương thêm, chứ không giảm.

@ VỀ HAI CHỮ: NGƯỜI VÀ NHE

Theo tôi, hai chữ: NGƯỜI và NHE là quan trọng nhất, nó là “con bài tẩy”

– VỀ CHỮ NGƯỜI

Chữ NGƯỜI  đầy “ấn tượng”, có thể là tha nhân nhưng cũng có thể là tôi ơi (tự thân tác giả).

Tha nhân có thề là người bạn, người tình đã xa khuất, đã mất. Bằng chứng là trong bài thơ: “Chiều nghiêng chén” tác giả đổ rượu để khóc người bạn mất tích sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ước có bạn. cùng nhau đối ẩm

Rượu ly tràn. đủ ấm đời nhau!

Bốn mươi năm. mây tan mất dấu

Nghiêng chén này. hận cuộc bể dâu!

(Chiều nghiêng chén – Ngy Lộc)

Và trong bài “Chuyên dòng sông quê tôi” để thương nhớ người tình bị vùi xác trong sông nước (do mong vượt thoát?) với các câu thơ:

Xác em nhỏ trôi theo dòng bão lũ

Được tin người … tim nhé … cố yên!

Và đêm dài … đêm nhé … hãy ngoan!

( Chuyện dòng sông quê tôi – Ngy Lộc)

Vậy chữ NGƯỜI ở đây mà tác giả uống rượu với có thể là người bạn thật, người bạn “ảo” đã mất, hay cái “tôi ơi” của tác giả.

Người bạn thật có thể than: Đời phù vân, bể dâu, và nhắc đêm đến rồi. Tác giả trả lời: Mặc, cứ uống.

Cũng có thề là bạn ảo, là tác giả tự than, tự nhắc rồi tự trả lời.

– VỀ CHỮ NHE

Đây là chữ “đắc địa”.

NHE: Từ đặt ở cuối câu để:

– dặn dò, ra lệnh giao hẹn: uống đi nhe, quên đi nhe!

– hỏi (nghi vấn) : uống nhe? ăn nhe?

Cụm từ:

—  “uống cả thương đau” là đau khổ thêm chứ không phải giảm, hết.

— “uống cả thương đau nhe người”: vừa có nghĩa:

.  người (anh / mầy, ta / tôi) hãy uống, đau khổ thêm đi.

. tôi uống cả thương đau (đau khổ thêm) _nhe em ? (người tình đã khuất); _ nhe anh? (người bạn khuất bóng);_ nhe  ta? (tự thân).

Theo tôi nghĩ đây là “độc ẩm” (uống rượu một mình với bóng hình trong tâm), quên đất trời (mặc tất cả) và tác giả hỏi (trong tâm) đến người tình đã xa khuất:_”Anh uống để thêm thương đau nhe em?”

Như ta biết, nét độc của bài THƠ HAY là phải đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường: _Nghĩa là mạch thơ tối kỵ bị để lộ ra. Nhà thơ phải cách nào để đến câu cuối cùng, điều mình muốn nói, muốn nhắn nhủ mới lộ ra gây bất ngờ cho người đọc. Bất ngờ càng lớn, ngược lại với những đoán định, thì sức lay động càng mãnh liệt.(2)

Trong bài thơ này, đến mãi câu cuối (hai chữ cuối) “con bài tẩy” mới đuoc lật ra:  “Độc ẩm với người tình đã khuất” làm độc giả bất ngờ:_ Nó đã đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường.

ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM

Qua những nhận xét trên, ta có thể tóm tắt ưu và khuyết điểm của bài thơ như sau:

1.Ưu điểm

– Thơ sử dụng từ ngữ hàm súc, kiệm lời, ý tại ngôn ngoại, lưng lửng không nói hết.

– Đảm bảo được nguyên tắc “mạch kỵ lộ” của thi pháp thơ Đường

– Bài thơ đã khiến độc giả dự phần vào chứ không thụ động thưởng lãm nhờ thủ pháp sử dụng thủ pháp Show do not Tell.

  1. Khuyết điểm

Đối với thiểu số người khó tính, cái gọi là tri thức hiện đại, hoặc hậu hiện đại thì thơ hay đối với họ phải có những đặc điểm sau đây:

– Phải có tính Ẩn dụ ( Phúng dụ), Ngụ ngôn …

– Phải khai thác hoặc sử dụng thủ pháp lạ hóa của lối viết tiểu thuyết phương Tây (Ví dụ phong cách nhà văn Kafka…)

– Phải mở ra cho trí tưởng tượng những vấn đề thú vị về văn chương và ma thuật của ngôn ngữ. (Gs Dương Diên Hồng -Tây Ninh)

Bài thơ này không có được những đặc điểm đó, chỉ dùng những từ giản dị, ai cũng hiểu. Đó là khuyết điểm.(?!)

KẾT LUẬN

Đây là một bài thơ (liên hoàn) làm “buốt tim” người !

Nguyên Lạc  

 01/2018

 

Ghi chú:

(1) BÀN VỀ THỦ PHÁP SHOW, DO NOT TELL – Nguyên Lạc:

https://t-van.net/?p=32285

(2) THƠ HAY TỨ TUYỆT – Nguyên Lạc:

http://vannghequangtri.blogspot.com/2017/09/tho-hay-tu-tuyet-nguyen-lac_8.html

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search