T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Ðông (1)

Nguyen-Van-Dong_02

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (ngồi) chụp tại tư gia của ông năm 2014 cùng các ca sĩ Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, Kim Anh , Michael, nhạc sĩ Trần Quốc Bảo (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp) (Trích lại từ báo NV)

Giới Thiệu: Bản tin của nhật báo Người Việt cho biết: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác  (giả tình khúc nổi tiếng “Chiều Mưa Biên Giới”, vừa qua đời lúc 4 giờ 30 sáng Thứ Hai, ngày 26 Tháng Hai (tức 7 giờ 30 tối 26 Tháng Hai theo giờ Việt Nam) tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi . . .”.

Qua Bản Tin, chúng ta được biết cấp bậc cuối cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trong QLVNCH là Đại Tá. Sau 1975, ông đi cải tạo gần 10 năm nhưng không xin xuất cảnh theo diên HO, mà ở lại trong nước.

Cũng theo Bản Tin trên báo Người Việt:

“Về gia đình riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, theo nhạc sĩ Trần Quốc Bảo thì “Hầu như những người thân đều biết cô Nguyệt Thu là vợ của thầy Đông. Hai thầy cô lấy nhau từ khi nào thì không rõ nhưng chắc chắn một điều là sau khi thầy ra khỏi tù cải tạo năm 1985, cô Thu một tay quán xuyến một cửa hàng bán bánh mì, giò chả tên Nhiên Hương tại nhà đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, và lo lắng chăm sóc cho thầy không rời nửa bước.”

“Với thầy Đông, tôi chỉ biết nói rằng tôi kính phục ông nhất hai điểm, đó là tài hoa và tư cách,” nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cảm nhận.

Chủ nhiệm đặc san Thế Giới Nghệ Sĩ nói thêm, “Được biết, do không có con cháu, nên trong cáo phó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có ghi ‘không nhận vòng hoa, phúng điếu’ vì sợ sau này không có người trả lễ.”

Nhân dịp này, để tưởng nhớ đến công lao đóng góp to lớn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho nền âm nhạc Việt Nam, chúng tôi xin trích đăng lại chương nói về nhạc sĩ trong tập sách “Âm Nhạc Của Một Thời” của Lê Hữu (Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu tái bản dịp cuối năm 2017 vừa qua).

Vì bài khá dài, chúng tôi sẽ chia làm 2 kỳ.

Xin kính mời quý độc giả theo dõi.

TV&BH

clip_image002

Anh như ngàn gió

ham ngược xuôi theo đường mây…

(“Mấy dặm sơn khê”, Nguyễn Văn Ðông)

Hôm ấy, tôi còn nhớ, một chiều hè năm 1969, chúng tôi ngồi ở một quán nước quen dọc bờ biển Nha Trang. Bên cạnh tôi là H., người bạn học cũ. Ðã lâu lắm chúng tôi mới gặp lại nhau kể từ ngày rời xa mái trường cũ ở một thị trấn miền cao nguyên đất đỏ. H. cho biết anh sắp sửa nhập ngũ, thì giờ rảnh rỗi như thế này sẽ chẳng còn được bao lâu nữa. Anh có người yêu ở thành phố biển này. Tôi thì vẫn lang thang trên sân trường đại học, tấm giấy chứng chỉ hoãn dịch trong tay vẫn còn hiệu lực.

Trên mặt bàn là những chai bia đã cạn và câu chuyện cũng đến lúc cạn đề tài. Chúng tôi ngồi im lặng, cùng phóng tầm mắt nhìn ra vùng biển bao la trước mặt, chờ mặt trời lặn để ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi biển trong lúc tiếng nhạc bập bùng vọng ra từ một góc quầy.

Người đi giúp núi sông

hàng hàng lớp lớp chưa về

hàng hàng nối tiếp câu thề

giành lấy quê hương

“Bài gì vậy?” H. quay sang tôi, hỏi.

“‘Hàng hàng lớp lớp’,” tôi trả lời.

“Tên gì lạ vậy?”

“Gọi tắt là vậy,” tôi cười, “tên đầy đủ là ‘Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp’.”

H. lặng thinh, có vẻ chăm chú lắng nghe. Lời ca tiếng nhạc khi réo rắt, khi trầm bổng.

Còn đây đêm cuối cùng

nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha

ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em

“Giọng Hà Thanh phải không?” H. lại hỏi. “Còn giọng nam?”

“Hùng Cường.”

“Thiệt sao?” giọng hỏi thoáng chút ngờ vực.

Tôi hiểu, anh bạn tôi đâu biết rằng, ngoài những bài “tủ” như “Vọng ngày xanh” (Khánh Băng), “Ông lái đò” (Hiếu Nghĩa), “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn)…, ca sĩ Hùng Cường–một nghệ sĩ cải lương khá nổi tiếng thời ấy–với chất giọng ténor khoẻ khoắn, còn hát rất “tới” ít bài tân nhạc khác nữa, đặc biệt là những bài của Nguyễn Văn Ðông.

Bài hát chúng tôi đang nghe là của Nguyễn Văn Ðông.

Anh bạn tôi đã nương theo câu hát ấy mà đi vào cuộc chiến. Anh đã nhập vào hàng hàng lớp lớp những đoàn người nối tiếp câu thề giành lấy quê hương.

Mùa hè năm sau, tôi cũng “lên đường nhập ngũ tòng quân”, nghĩa là chỉ sau anh bạn H. một năm. Bạn bè tôi kẻ trước người sau lục tục vào lính. Chiến cuộc ngày càng leo thang, ngày càng trở nên khốc liệt…

H., anh bạn cùng ngồi với tôi buổi chiều ấy, cùng nghe với tôi bài nhạc ấy, cùng ngắm nhìn với tôi cảnh hoàng hôn trên bãi biển ấy, đã không còn nữa. Anh đã nằm sâu dưới lòng đất. H. đã hy sinh trong chiến trận ít năm sau đó, như biết bao người lính khác, như hơn một nửa bạn bè tôi đã nằm xuống trên khắp các mặt trận trong cuộc chiến nghiệt ngã ấy. Chiến tranh như con quái vật khổng lồ đã nuốt chửng bao nhiêu bè bạn tôi, anh em tôi.

Ðã nhiều năm, nhiều năm trôi qua, hình ảnh một chiều nào biển xanh cát trắng và những câu hát của Nguyễn Văn Ðông giữa biển trời mênh mông ấy vẫn còn đậm nét trong ký ức tôi, mặc cho những lớp sóng của thời gian như từng đợt sóng biển cứ hàng hàng lớp lớp xô nhau, xô nhau tràn mãi vào bờ, rồi lại rút xuống trong con nước thủy triều của buổi hoàng hôn.

I. Người lính Nguyễn Văn Ðông

Anh bạn tôi khi còn sống đã thích bài nhạc ấy vì hai lẽ: thứ nhất, đấy là một bài nhạc lính khá hay, gợi nhiều cảm xúc; thứ hai, nội dung bài hát khá “hợp tình hợp cảnh” đối với anh ta vào lúc ấy.

Chỉ nghe cái tựa thôi, “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”, người ta cũng biết được rằng đấy là bài tình ca viết về lính, viết cho lính.

Người đi giúp núi sông / hàng hàng lớp lớp chưa về… Không chỉ là chưa về, trong số hàng hàng lớp lớp những người đi giúp núi sông ấy, đã có biết bao người đi không bao giờ về lại nữa. Trong số những người đi mãi không về ấy có anh bạn của tôi, người “yêu” câu hát ấy của Nguyễn Văn Ðông, trong lúc tôi và những người lính khác đã may mắn hơn anh, đã sống sót trở về sau cuộc chiến; và hơn thế nữa, đã được định cư trên miền đất tự do này để nhớ về những đồng đội cũ đã hy sinh hay còn ở lại trong nước, kéo dài cuộc sống lây lất, âm thầm của những người lính già trong buổi hoàng hôn của đời người.

Trong số những người lính vẫn còn ở lại trong nước ấy có người lính Nguyễn Văn Ðông, tác giả “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”. Ông hiện sống ở Saigon, và hầu như không còn viết nhạc nữa. Ðiều này không có gì lạ, đối với một nhạc sĩ vốn sở trường và khá nổi tiếng về những bài “nhạc lính”. Không chỉ vì chiến tranh đã đi qua, hiện trạng đất nước chắc không phải là môi trường thuận lợi giúp ông tìm lại được nguồn cảm hứng để tiếp tục sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh trưởng tại Saigon (nguyên quán thuộc tỉnh Tây Ninh). Ngay từ thời niên thiếu, năm 14 tuổi, ông đã có cơ hội học hỏi về âm nhạc từ các giáo sư người Pháp tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Ðây cũng là nơi ông sáng tác ca khúc đầu tay năm 16 tuổi, “Thiếu Sinh Quân hành khúc”, được trường chính thức sử dụng làm bài “Đoàn ca” trong các sinh hoạt tập thể. Ông vừa là thành viên của dàn quân nhạc gồm trên 40 “nhạc sĩ” thiếu niên do một nhạc trưởng người Pháp điều khiển, từng biểu diễn nhiều buổi hòa nhạc trong các lễ duyệt binh long trọng, vừa là thành viên ban nhạc nhẹ của trường, sử dụng thuần thục nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandolin, guitare hawaïenne.

Ngoài sự nghiệp sáng tác, có thể kể ra được những nét chính về hoạt động âm nhạc của chàng nghệ sĩ “tay súng, tay đàn” Nguyễn Văn Ðông:

Từ năm 1958, là Trưởng Ðoàn Văn Nghệ Vì Dân (gồm các nghệ sĩ và ca nhạc sĩ tên tuổi như Kiều Hạnh, Kim Cương, Khánh Ngọc, Minh Diệu, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, Quách Đàm, Mai Ly, Kim Lan, Kim Oanh, Trang Thiên Kim, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Thu Hồ, Hoài Linh, vũ sư Trịnh Toàn…).

Đồng thời, ông còn là Trưởng ban nhạc Tiếng Thời Gian của đài phát thanh Sài Gòn, quy tụ các ca nhạc sĩ quen thuộc thuở ấy như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Tâm Vấn, Minh Diệu, Hà Thanh, Anh Ngọc, Quách Đàm, Mạnh Phát, Thu Hồ, Trần Văn Trạch… (Từ năm 1962, được tăng cường thêm các ca sĩ Thái Thanh, Thanh Thúy, Minh Tuyết, Duy Khánh, Nhật Trường, Thanh Vũ, Hùng Cường… và ban nhạc Y Vân).

Từ năm 1960 đến 1975, cùng với Huỳnh Văn Tứ, một người bạn và nhà doanh nghiệp ở Sài Gòn, ông đứng ra thành lập các hãng dĩa và băng nhạc ContinentalSơn Ca (được sự cộng tác của các nhạc sĩ tân và cổ nhạc Nghiêm Phú Phi, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Y Vân, Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm…) với nhiều chương trình âm nhạc chọn lọc. Ðây cũng là trung tâm băng, dĩa nhạc đầu tiên thực hiện một số album cho các ca sĩ. Một số ca sĩ “thành danh” trong làng ca nhạc trước năm 1975 như Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung, Hà Thanh… đều nhờ sự dìu dắt và giới thiệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Nghệ Thuật của các hãng dĩa này.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sử dụng các bút danh Vì Dân, Phượng Linh, Phương Hà… cho các thể loại và chủ đề nhạc khác nhau. Ít người được biết, với các bút danh trên, ngoài những sáng tác về tân nhạc, ông còn viết nhạc nền cho trên 50 vở tuồng cải lương thuộc loại kinh điển ở miền Nam như “Mưa rừng”, “San hậu”, “Nửa đời hương phấn”, “Sân khấu về khuya”, “Tiếng hạc trong trăng”… và hàng trăm chương trình “tân cổ giao duyên”, một hình thức “phối hợp nghệ thuật” giữa tân và cổ nhạc khá phổ biến trong đại chúng vào thời ấy.

“Là chàng trai trẻ độc thân,” ông nói, trong một bài phỏng vấn, “với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến ấy…” (1)

Sau những “bước nhẹ tênh” ấy là cánh cửa mở rộng cho “chàng trai trẻ độc thân” Nguyễn Văn Ðông đặt những bước chân đầu tiên lên “đoạn đường chiến binh”, để từ đó dấn thân vào cuộc sống mới đầy hứng thú và sôi động trong những năm dài quê hương chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Chàng lính trẻ ấy từng phục vụ tại các đơn vị tác chiến, từng đóng quân tại các vị trí được xem là “điểm nóng” của các cuộc giao tranh như chiến khu Ðồng Tháp Mười, vùng Tam Giác Sắt…, từng tham dự những trận chiến khốc liệt tại các địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái (Tân Thành)…, từng được ân thưởng nhiều huy chương về các chiến tích, trong đó có “Bảo quốc huân chương” là huân chương cao quý nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Hầu như khắp bốn vùng chiến thuật, nơi đâu cũng in hằn dấu chân người lính Nguyễn Văn Ðông, đúng như “Mấy dặm sơn khê”, tên một bài nhạc khá nổi tiếng của ông (nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông không phục vụ ở Cục Tâm Lý Chiến như nhiều người lầm tưởng). Ông đã cầm súng chiến đấu vì yêu quê hương này, vì yêu dân tộc này. Ông đã yêu đời lính như yêu mảnh đất này, như yêu đồng đội mình, như yêu người mình yêu… Hình ảnh người lính chiến thể hiện qua dòng nhạc của ông xem ra cũng không khác gì lắm với hình ảnh “người lính Nguyễn Văn Ðông”, cũng áo anh mùi thuốc súng, cũng ngược xuôi theo đường mây, cũng tóc tơi bời lộng gió bốn phương. Mặc dầu không hề tơ vương khanh tướng, vì người đi giúp nước nào màng danh chi, nhưng do lòng “tận trung báo quốc” và các thành tích chiến đấu, phục vụ, ông cũng leo dần lên mãi những nấc thang binh nghiệp với chức vụ sau cùng là sĩ quan Tham mưu Cao cấp Bộ Tổng Tham Mưu. Có lẽ Ðại tá Trần Văn Trọng (là nhạc sĩ Anh Việt, tác giả “Bến cũ”, “Thơ ngây”…) và ông được kể là những người lính có cấp bậc cao nhất trong số các nhạc sĩ phục vụ trong quân ngũ.

Sau “ngày tàn chiến cuộc” năm 1975, như số phận của hàng hàng lớp lớp sĩ quan trong quân đội, ông đã phải lầm lũi đi vào những trại tập trung, những lò cải tạo để trả giá cho các thành tích trong quân ngũ và trong hoạt động âm nhạc.

Không rõ ông đã “học tập” được những gì, có điều là cơ thể ông đã “tiếp thu” đủ loại mầm bệnh trong những năm “cải tạo” ấy khiến sức khỏe ông có lúc suy kiệt đến trầm trọng. Chứng phong thấp, căn bệnh quái ác, đã khiến các đốt xương ngón tay của ông sưng tấy lên, các ngón tay co quắp đến gần như không còn cử động được nữa.

“Anh xem này,” ông nói với người bạn tù ở cùng trại Suối Máu, giọng bùi ngùi. “Bàn tay tôi như thế này là coi như ‘phế bỏ võ công’ rồi, làm sao còn chơi đàn được nữa!”

Tay đã thế, chân lại càng tệ hơn, các khớp xương đầu gối biến dạng và đau nhức đến mức ông phải nằm điều trị nhiều năm trong các bệnh viện ở Sài Gòn trước khi rời bỏ đôi nạng gỗ để đi đứng được bình thường trở lại.

Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn

Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn

Như là câu hát trong bài “Về mái nhà xưa” của ông, sau đúng 10 năm “học tập cải tạo”, tác giả bài nhạc ấy đã về lại sau cuộc chiến, về lại sau những năm đọa đầy, về lại với một thân xác đầy tật bệnh, với một tâm hồn đầy thương tích. Xa lạ trước cuộc sống mới, trước một xã hội có lắm đổi thay sau cuộc bể dâu, ông bày tỏ lòng hối tiếc về những năm dài lãng phí, không tìm được chút cảm hứng nào cho hoạt động âm nhạc, không đóng góp được chút gì có ý nghĩa cho đời. Ðối với con người nghệ sĩ tài hoa, đầy sức sáng tạo, và có thói quen làm việc không ngưng nghỉ, không mệt mỏi như ông thì, nói như ông, đấy quả là một sự “hối tiếc vô bờ”.

“Vì sao ông không xin định cư ở nước ngoài trong lúc có đủ điều kiện của người tù cải tạo?” Trả lời câu hỏi này, ông cho biết, “Do những căn bệnh ngặt nghèo tưởng như ‘hết thuốc chữa’ và do tinh thần suy sụp đến tột cùng, có lúc tôi đã nghĩ rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nên chẳng còn thiết tha đến bất cứ chuyện gì, chỉ mong sao tâm trí được thảnh thơi ở cuối đời.”

Vậy mà, nhờ “thần dược” hay nhờ… phép lạ, ông vẫn sống sót được đến ngày hôm nay. Vợ chồng ông có một cửa hàng tạp hóa nhỏ (nơi gia đình ông cư ngụ), là nguồn thu nhập chính cho “kinh tế gia đình”. Tuy sức khoẻ có sa sút, tuy cuộc sống có chật vật, “người lính Nguyễn Văn Ðông” vẫn có lúc quên đi nỗi đau của riêng mình, vẫn có lúc để lòng mình nghiêng xuống những số phận rủi ro, những số kiếp hẩm hiu của bao người kém may mắn hơn mình. Những bản tin tôi đọc được ở trong, ngoài nước nói về các công tác cứu trợ những mảnh đời rách nát, những kiếp người lầm than, vẫn nhắc đến bàn tay nhân ái, trái tim nhân hậu của người lính, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông.

clip_image004

“Người lính Nguyễn Văn Đông”, 1971

Lê Hữu

(Còn tiếp một kỳ)

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search