T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lê Mai Lĩnh và bản tuyên ngôn thế kỷ: Sắn

 

1.

Khi giới thiệu bài tù khúc “Sương Biên Thùy” của hai anh Trọng Minh và Lê Trần, tôi đã nhân đó nhắn một mẩu tin “tìm trẻ lạc” về nhà thơ Sắn, tức Chính Sắn, tức Sương Biên Thùy, một người thơ xuất hiện trên làng văn làng báo miền Nam từ những năm 1960s, tác giả bài thơ Sắn bất hủ mà bất cứ anh em tù cải tạo các trại Lào Kai, Thanh Phong, Vĩnh Phú, Gia Rai, Xuân Lộc đều đã ít nhất một lần nghe, một lần xúc động và nhớ mãi, nhớ hòai dù có thể không thuộc được một câu thơ nào trong bài thơ tuyên ngôn Sắn khá dài ấy. Nhớ luôn cả cái giọng đọc thơ sang sảng phát ra từ thân xác tù nặng chưa hơn 40 kí lô thịt hơi, từ đôi mắt sâu chất chứa biết bao uất ức phẫn nộ. Bởi vì nhà thơ Sắn đọc thơ không chỉ bằng miệng, mà còn bằng cả thân thể, bằng cả đôi mắt, đôi tay. Từ ấy,đối với những người tù quen biết anh, cái tên Chính Sắn đáng nhớ hơn bút danh Sương Biên Thùy quen thuộc của làng thơ văn miền Nam năm xưa.

Mới đây, qua anh Việt Long của đài RFA, tôi đã tìm được “trẻ lạc” Chính Sắn, tức Sương Biên Thùy, tức Lê Văn Chính. Đến bây giờ, tôi mới biết nhà thơ Lê Mai Lĩnh cũng chính là Chính Sắn của mấy chục năm trước nơi trại tù Z30 A Xuân Lộc. Với cái tên Lê Mai Lĩnh, anh đã xông pha trường văn trận bút hải ngọai từ ngày đặt chân lên đất Mỹ tháng 4 năm 1994 và được nhiều bạn văn bạn viết gọi anh bằng những cái tên rất đặc trưng “Chính Sắn”: Kẻ sĩ thời đại, Tên cao bồi hai súng, Nhà ái quốc lưu vong, Nhà thơ can trường khí phách, Tên ném lựu đạn đẹp mắt v..v.. Những cái tên diễn tả thật chính xác con người Chính Sắn mà chúng tôi được biết.

Trong tác phẩm “Chân dung Lê Mai Lĩnh” gồm 42 tác giả viết về anh (Cội Nguồn 2005), mỗi người đều có những nhận xét của riêng mình về người thơ Lê Mai Lĩnh, nhưng tôi lại thích nhất đọan anh tự nói về mình như sau: “Được tha ra khỏi trại (mà bản thân gọi là đã đắc đạo), “xuống núi” từ ngày 30-11-1983. Để mưu sinh giữa nhà tù lớn từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bản thân đã chơi những trò chơi như sau: phụ thợ hồ, vịn thợ mộc, vá và bơm xe đạp (và mọi thứ xe lỉnh kỉnh khác), phụ bếp, bếp trưởng, chùi cầu tiêu, bỏ mối cà phê, thuốc lá , bia lên cơn (tục gọi là bia sinh tố), rượu Gò Vấp, rượu ông gìa bật ngửa, gạo, nếp, các thứ đậu (xanh đen đỏ), buôn bán ve chai, buôn hương bán phấn (nhang đèn và phấn bảng học trò ), nuôi heo, nuôi gà, nuôi chó, nuôi mèo , nuôi dê, trồng nho, làm chủ quán nhậu.

Sau ngày phái đòan Mỹ phỏng vấn xong, đốt quán nhậu, sống bằng nghề vay nợ (trình độ vay nợ sau đại học), làm thơ, viết văn, và uống rượu . . . cho tới giờ lên máy bay (12 giờ đêm ngày 10-04-1994). Đang lúc kéo cái bị lác, áo quần vung vãi . . . công an cửa khẩu lại hỏi xin tiền. Lúc đó mới tỉnh ra biết mình là cha bộ đội . . .”.

Văn là người. Lời xưa nói chẳng hề sai. Con người ta có hai trạng thái dễ dàng bộc lộ con người thực của mình. Khi “lên voi”, có quyền hành sinh sát trong tay và khi “xuống chó”, ở dưới đáy cùng mọi thứ, chẳng có gì để mất ngòai con người của chính mình. Chúng tôi gần gủi Lê Mai Lĩnh ở trạng thái thứ hai, và đọan văn “tự bạch” ở trên mô tả thật chính xác tác giả bài thơ Sắn lịch sử, bản tuyên ngôn “vinh danh” những kẻ cầm quyền sau 1975 ở Việt Nam.

 

2.

Sắn tức là củ khoai mì, theo cách gọi của người miền Nam. Trước tháng 4 năm 1975, người miền Nam biết củ khoai mì vốn chỉ là món ăn chơi, chờ bữa cơm chính cho tạm đỡ cơn đói lòng. Dù vậy, lúc ấy củ khoai mì là củ khoai mì theo hình dạng tròn, dài, da trắng mượt mà, luộc lên mùi thơm phức nếu là khoai mì nếp. Và người miền Nam chỉ ăn và chỉ biết củ khoai mì nếp.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người dân thành thị miền Nam lần đầu tiên nhìn thấy cây sắn, biết hom sắn là gì và đã nếm mùi ăn sắn thay cơm. Dạo ấy, báo chí quốc doanh, đài phát thanh ra rả những bài “nghiên cứu” về sự bổ dưỡng của sắn, của lá sắn, về hàm lượng protein cần thiết cho cơ thể con người mà sắn có thể cung cấp, nhưng dường như họ quên nói đến hay không biết sắn mang độc tính có thể làm chết người nếu ăn nhiều hoặc cơ thể yếu không có sức đề kháng.

Chúng tôi, những người tù cải tạo – nhất là những người được “may mắn” học tập ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa – đã biết được điều ấy không qua sách vở, mà là ở chính những ngày tháng dưới đáy cùng của địa ngục trần gian. Chúng tôi đã được ăn bo bo vỏ cứng, bắp đá, khoai lang, bột mì thô Ấn độ nhưng sắn lát (sắn cắt từng miếng mỏng, phơi khô) là món ăn kinh hòang nhất, đáng nhớ nhất.

Mỗi ngày 3 bữa sắn lát luộc chấm với nước muối. Buổi sáng non nửa chén sắn lát trước khi ra ruộng. Buổi trưa, lưng hai chén sắn lát lấy sức cho buổi lao động chiều. Buổi chiều, lại lưng hai chén sắn lát dằn bụng qua đêm chờ nửa chén sắn buổi sáng. Cứ thế ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ. Mà sắn đâu phải là sắn nếp của miền Nam, nhiều chất bột và ngọt ngào. Sắn miền Bắc có nhiều lọai, lọai “cao cấp” nhất cũng vẫn không bằng sắn miền Nam. Đặc biệt có lọai sắn dù, củ nhỏ nhiều xơ, có những đường chỉ xanh dọc thân chứa đầy độc chất HCN, không có nhiều bột, không mùi vị, ăn vào miệng như nhai vỏ cây. Lọai sắn này dễ trồng, không cần nước và cho sản lượng cao, dân chúng cắm hom xuống đất bỏ đó, đến mùa thu họach ra đào đem về, chặt ra từng lát, phơi khô rồi đem đóng nghĩa vụ lương thực cho nhà nước. Giới tiêu thụ chính của nguồn lương thực này là gia súc và tù cải tạo.

Dù sắn lát là thứ lợn chê chó ỉa, nhưng vì đói kinh niên nên thêm được mẩu sắn nào mừng mẩu sắn ấy. Những buổi ra đồng làm ruộng, mắt người tù láo liên tìm những củ sắn chuột còn vương vãi đâu đó sau mùa thu họach. Có hôm, do lao động tốt, hòan thành chỉ tiêu sớm được cán bộ cho phép đi nhặt những củ sắn vuơng vãi ấy gom lại nấu chung cho cả đội năm bẩy chục người “bồi dưỡng”. Cơ thể yếu ớt do thiếu dinh dưỡng lâu ngày dễ bị những bệnh mà người bình thường không bao giờ mắc phải. Nồi sắn “bồi dưỡng” nấu vội, ăn vội cho kịp giờ về trại trở thành tai họa. Độc chất (dù với hàm lượng rất nhỏ cũng đủ) hòanh hành cơ thể gầy yếu người tù. Có người về, đêm ói mửa ra mật xanh mật vàng. Nhẹ hơn, thì đầu váng vất, mắt nổ hoa, bụng quặn thắt, lúc nào cũng muốn vô nhà cầu. Ở trại Phong Quang năm 1978, sau buổi bồi dưỡng sắn nhân một dịp lễ, đội văn nghệ chúng tôi khai bệnh quá nửa vì ói, mửa, đau bụng, kiết lỵ. Đội bên cạnh có hai người chết vì không kịp đưa đi cấp cứu, dù liều thuốc cấp cứu trị ngộ độc do sắn rất đơn giản: một ly nước đường hay mật pha đậm.

Có sống qua những ngày như thế, mới hiểu được, hiểu hết bản tuyên ngôn vinh danh Sắn của nhà thơ Sắn Lê Văn Chính, người đã thay mặt anh em vinh danh Sắn, biểu tượng của một thời chưa hề có tương đương trong tòan bộ lịch sử đất nước:

. . . . . . . . . . .. .
Sắn đã nuôi ta sống
Sắn đã hại đời ta say
Ôi những bữa ăn đắng cay
Những sắn. Toàn sắn


Sắn sớm, sắn trưa, sắn chiều, sắn cải thiện
Sắn trao đổi áo quần, sắn trộm cắp dấu diếm
Sắn nhờ thuốc thẳng, sắn lượm lặt hàng hiên
Sắn thừa mứa chó chê,người đói nghèo nhặt nhạnh
Sắn củ ngon, sắn lớn bành ky
Sắn đuôi chuột, sắn trong đống vỏ
Sắn gì cũng không chê không bỏ
Ta cứ ăn vào đầy bao tử được là hay
Đời tù no đếm được từng ngày
Ôi hạnh phúc qua đêm, bụng không cồn cào là tốt
Hỡi sắn, mày đã nuôi ta suốt bốn mùa
Sắn tươi ngọt bột nhiều ăn ngon khoái chí
Sắn chặt khúc phơi khô, nặng mùi nắng ăn vào
khó chịu
Sắn dzui từng sợi ăn có mùi chua
Tất cả đều thua
Sắn làm bột cho bánh ăn là nhất


Hỡi sắn, lương thực quý giá vô song
Mà ông cha ta đã phụ bạc
Mầy phải được phục hồi danh dự không thể khác
Mầy phải đưọc nâng lên hàng đúng chỗ
Lá, cũng chứa nhiều chất bổ
Ôi sắn thần tiên đã đi suốt cuộc trường chinh
Với Đảng Quang Vinh mấy mươi năm sống còn


nhờ cây sắn nuôi mình
Sắn Vĩ Đại
Sắn muôn năm
Sắn đời đời ghi nhớ
Sống Mãi Trong Sự Nghiệp Của Chúng Ta


Hỡi sắn,
Có người dại khờ quên mầy nhiều chất bổ
Họ dùng sửa bột, bắp xay, gạo đỏ để nuôi gia súc
Và nhiều thứ thịt họ không thèm ăn
Đem đổ xuống Đại Dương tránh dòi bọ lân la lúc nhúc

Hỡi sắn,
Niềm tự hào của Đảng ta
Nhờ mầy,
Thế giới biết tên Việt Nam – Hồ Chí Minh
Và nhân dân có sắn ăn ngon bá thở
Ơn của người ta nhớ mãi trong mình

. . . . . . . . . .

(Lê Mai Lĩnh – Sắn)

(Bấm vào đây để đọc nguyên văn bài thơ Sắn và nghe giọng đọc của tác gỉa)

 

3.

Nhà thơ Sắn của chúng ta từ ngày ra tới hải ngọai, đã không bỏ lỡ thời gian và cơ hội quý báu để phát huy khả năng độc đáo của mình. Những bài thơ làm trong tù được trí nhớ tuyệt vời của anh ghi lại. Những bài thơ tình cháy bỏng, đầy nhựa sống, chứng nhân cho những ngày tháng làm lại cuộc đời. Hai mảng thơ về hai đọan đời gắn liền với sự sống chết của nhà thơ đã được gom lại trong ấn phẩm rất đẹp “Thơ Lê Mai Lĩnh” gồm hơn 40 bài thơ lọc lựa lại từ một gia tài thơ tưởng chừng vô tận. Ngòai thơ, Lê Mai Lĩnh còn họat động rất hăng hái trong các lãnh vực khác, viết tiểu luận, viết bài đăng báo, diễn thuyết . . . Anh đã xuất bản, hoặc một mình hoặc tham gia các tuyển tập viết chung với nhiều người. Tất cả, không dưới 12 đầu sách. Tuy tuổi đã lớn, sức khỏe kém, nhưng anh vẫn còn nhiều dư định cho tương lai.

Trang T.Vấn và Bạn Hữu, ngòai việc giới thiệu bài thơ bất hủ Sắn và giọng đọc thơ hào sảng của Lê Mai Lĩnh trong chuyên mục Tù Khúc, sẽ lần lượt giới thiệu tòan bộ tập thơ Lê Mai Lĩnh với hai mảng thơ trong tù và thơ tình, cùng với một số bài phóng bút rất đặc trưng con người tác giả.

T.Vấn và Bạn Hữu

Tháng 9 năm 2012

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search