T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: HẦM!

clip_image002

Làng, chừng vài chục nóc gia, ban ngày lỏng khỏng toàn người già và trẻ con. Một vài con bò gầy trơ xương, đôi ba con chó ốm và dăm con gà mất mẹ kêu chiu chít. Đó là quang cảnh của làng. Cứ như thể cái hồn cốt khỏe mạnh tươi tắn của người và vật bay đâu mất tiêu, chỉ còn lại cái bóng vật vờ.

Tối đến, còn buồn hơn nữa. Các ông già vẫn phải lọ mọ lên phố chợ ngủ nhờ, những đứa trẻ chui vào các hóc nhà đầy muỗi, dù ngủ được hay không cũng phải nằm im không được la khóc. Đèn không thắp, ngay cả bàn thiên trước sân cũng không có một đóm nhang. Chỉ còn lại các bà mà số phận khổ đau đã cột chặt ở cái đất này, là còn thao thức lắng nghe từng tiếng động.

Nhà nào cũng nằm dưới tầm đại bác. Mỗi khi đạn rót vào mật khu, nó rung lên, vặn mình kêu lắc rắc. Những tấm ngói không lớn hơn một bàn tay, gọi là ngói vảy (có lẽ giống vảy cá) cứ xệch xạc, chỏng chơ. Chỉ cần một cơn gió mạnh hay một cơn mưa lớn là tất cả trôi tuột xuống đất.

Đó là một người đàn bà trông già sụ. Già đến nỗi bảo một trăm tuổi ai cũng tin, ngoại trừ cái giấy khai sinh của cậu con trai. Giấy ghi: tên họ mẹ Nguyễn thị Mười, sinh năm 1922. Tính ra chưa đủ sáu mươi nên dù là con một, cậu cũng không được miễn dịch.

Thế là, ban ngày nếu không bị tóm quẳng vào mặt trận, thì ban đêm cũng bị bắt đưa lên mật khu, để rồi trở lại làng tải gạo tải muối và bị lính Đại Hàn phục kích giết chết. “Thời loạn, sinh con trai làm gì, khổ thân con tôi quá!” bà nghĩ.

Không thấy mặt nó, bên này hỏi nhảy núi rồi hả? Nhà bà theo Việt cộng, coi chừng bị đốt. Bên kia thì vặn vẹo, sao để nó đi theo Mỹ ngụy, phải gọi về ngay! Có “một cái hũ mắm treo đầu giàn” cứ thấp thỏm lo đánh rơi, lại bị tra hỏi mãi như thế, bảo sao bà không già trước tuổi.

Chưa đánh hết một vồng khoai bà đã mệt rũ. Quẳng cuốc, bước vào nhà, bà nằm vật xuống giường, thở rốc. Những miếng ngói không còn nằm đúng chỗ, để ánh nắng chiếu xuống như đèn pin soi vào mặt. Cũng may là trời đang nắng, bà hãy còn nấn ná. Chứ nếu mưa thì cực ơi là cực. Che chỗ này, lại dột chỗ nọ. Suốt ngày cứ mãi loay hoay. Để nước ngập nhà thì cái hầm…

Bà mệt mỏi không nghĩ tới nữa, đứng dậy đi xuống bếp. Bà nhóm lửa, lấy gạo nấu cơm.

Trong khi đợi cơm chín, bà ra vườn hái rau. Những ngọn rau không được chăm bón trông cằn cỗi, dai như cỏ.

Luộc rau xong, bà đi rảo một lần nữa quanh nhà, ngó trước trông sau, mới vào bếp. Bà lấy một cái bát sành, dỡ hết cơm trong nồi ra, bỏ thêm vào một ít muối mè. Rồi như sợ bị ai cướp, bà vội bưng dấu ở đầu giường.

Qua khe cửa, bà lại chăm chú nhìn ra sân, trước khi vén tấm mền rách, gõ ba tiếng vào một tấm ván. Lập tức, một bàn tay đưa lên, đỡ lấy cái bát sành đầy cơm.

Đó là lúc bà gõ vào ván, còn khi thì buổi sáng, khi giữa đêm, hễ nghe ra ba tiếng cộc cộc là bà vội vàng đỡ lấy cái hũ đựng đầy phân và nước tiểu.

Bà cẩn thận rũ lại mền, xuống bếp. Trong nồi còn sót một ít cơm, bà ngồi ăn một mình. Gọi là ăn cơm nhưng thực ra bà ăn toàn rau.

Thế là xong bữa. Sáng cũng thế, chiều cũng thế. Bà không dám nấu cơm cho phần mình, sợ có người hỏi sao ăn khỏe thế. Cũng không dám kho cá, thịt, chiên xào, sợ lính đi soát nhà bắt được mùi từ dưới hầm bay lên.

Sợ khôn, sợ dại! Gì bà cũng sợ! Giống như nuôi giấu cán bộ trong nhà. Còn hơn thế, giống như một người đàn bà nuôi giấu cái hoang thai trong bụng. Nhưng đã là mẹ, trước những rình rập cướp mất con, có sợ, có khổ đến mấy bà cũng cứ nuôi.

Bà đã nuôi cậu con của mình như thế đằng đẵng mười bốn năm. Và cũng trong mười bốn năm đó, cậu con trai độc nhất của bà chưa khi nào nhìn thấy ánh mặt trời. Anh quen với bóng tối đến nỗi khi được mẹ bảo, hòa bình rồi thôi lên đi con, thì anh ngã bổ nhào lúc ra khỏi hầm. Rồi vì phải cuộn tròn trong hầm như một con nhộng, anh không thể nằm duỗi chân ra được. Anh lại nhớ cái mùi đất ẩm, mùi mồ hôi, mùi phân, mùi nước tiểu lưu cửu…khiến anh trằn trọc suốt đêm.

Anh lại đòi mẹ chui xuống hầm!

Nhưng mẹ bảo:”ba mày mất lúc mày còn nằm trong bụng tao, rồi nuôi mày trong hầm mười mấy năm, là chỉ mong có ngày hòa bình để mày được tự do đi ra đi vào, làm ăn, giờ mày cứ đòi chui xuống đó là sao, hả?”

“Tui đâu biết là sao, anh nói, tui chỉ muốn ở luôn dưới đó thôi!”

“Vậy là con giết mẹ rồi, con ơi”, bà khóc.

Bà đi gánh đất, thui thủi một mình lấp lại hầm.

Bà đâu biết mười bốn năm trong hầm như nằm trong huyệt mộ. Từ một người khỏe mạnh, đen đúa, anh trở nên bạc thếch, mềm oặt như cộng bún. Anh sợ nắng, sợ gió, sợ tiếng động. Nhất là sợ gặp phải người lạ. Ngoài mẹ, anh chẳng muốn nhìn thấy ai.

Nhưng mẹ anh không thể để anh mãi như thế được. Anh phải mạnh khỏe lên, coi sóc nhà cửa ruộng vườn. Rồi phải cưới vợ sinh con nữa chứ. Đã ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà.

Khi mới ra khỏi hầm, anh như người rừng, tóc mười mấy năm không hớt dài tới lưng, râu ria mọc tua tủa. Bà mua xà phòng, lấy xơ mướp, phải mất cả buổi mới kỳ cọ tắm rửa được anh. Rồi bà kêu thợ hớt tóc tới cạo mặt, ngoáy tai. Lại mua sắm quần áo mới, nên trông anh cũng ra dáng.

Nhìn thấy con cũng đâu có khác gì trai tráng trong làng, bà mừng quá. Để ăn mừng, bà làm gà, mua rượu mời bà con lối xóm tới chung vui. Nhưng anh cứ ru rú, thò thụt. Ai hỏi nói gì cũng ấp a ấp úng như ngọng nghịu.

Anh cứ đóng kín cửa, ngồi bó gối, gục đầu. Anh có thể ngồi yên một chỗ suốt ngày suốt đêm. Anh đã chết cái dáng ngồi như thế mười mấy năm rồi mà. Có người khuyên đưa anh đi khám bệnh, nhưng bà bảo:”nó ăn được, ngủ được, thì bệnh gì mà khám! ”Lại có người nửa đùa nửa thật, bảo tại thiếu hơi đàn bà đó thôi. Cưới vợ cho nó là tươi tỉnh lại ngay!

“Thật là đúng ý mình quá”, bà nghĩ. Bà liền nhờ họ hàng, người quen biết mai mối gấp gấp kiếm vợ cho anh. Cũng không khó lắm, khi đàn ông trong làng chết trận quá nửa, để lại những góa phụ hãy còn trẻ.

Vợ anh là một chị góa chồng, chưa có con. Dù anh là trai tân, nhưng thế cũng được. Mẹ anh rất vui. Trong đám cưới, chú rể phụ bảo đi thì anh đi, bảo lạy anh lạy, nhưng bảo cầm tay cô dâu để đeo nhẫn vào thì anh run đến nỗi chiếc nhẫn rơi đánh keng. Rể phụ phải quỳ mọp xuống đất mới tìm thấy nó dưới gậm giường.

Ai cũng tưởng rồi đâu cũng vào đó. Nhưng không phải vậy. Trong đêm động phòng anh cứ ngồi thu lu một góc. Chị vợ chờ mãi chẳng thấy anh động tĩnh gì, ngồi dậy ôm lấy anh. “Sao vậy anh?” chị thỏ thẻ. Anh lại càng co rút hơn nữa. “Em đây mà, em là vợ mới cưới của anh đây, sao mà buồn dữ vậy?” Anh vẫn không nói. Chị ôm chặt anh hơn, phả hơi thở nóng rừng rực vào anh, nhưng anh vẫn cứ run. Chị mạnh dạn hôn cổ anh, má anh, rồi môi anh. Nhưng anh vùng vằng gạt ra, rồi nằm cuộn tròn như lúc còn nằm trong bụng mẹ. Chị rấm rức nằm bên anh như nằm cạnh đứa con nhỏ, chỉ có điều không cho nó bú mà thôi.

Đêm sau, chị cởi áo, kéo đầu anh áp sát vào ngực. Chị lại rủ rỉ:”nó thơm và còn săn cứng lắm đó, anh! Hôn thử một chút đi!” Chị cố ấn cái núm vào môi, nhưng anh phều phào phun ra. Chị luồn tay xuống dưới thì anh bật khóc quều quào. Đến nước này, chị đành mặc lại áo, chán nản mở cửa bước ra sân.

Đêm trong lành và yên tĩnh. Những vì sao nhấp nháy như trêu ngươi. Chị nhớ lời của một con bạn:”trông mặt thằng chả khờ như thế, làm ăn được gì mà lấy!” Rồi chị lại nhớ tới chồng cũ, nhớ những lúc anh ta giày vò chị một cách điên cuồng những khi hiếm hoi được về phép. Người chị nóng ran, ấm ức. Chị cứ đi đi lại lại mãi trong sân.

Lúc ấy có tiếng động sau hè. Chị nghĩ chắc mẹ chồng đi tiểu. Sợ mẹ thấy, chị ngồi xuống một bên hiên, tựa lưng vào cột.

Nhưng chờ mãi chẳng thấy mẹ chồng vào. Rồi có tiếng tằng hắng. Chị nghi là kẻ trộm. Nhiều nhà trai mới cưới dâu, ai củng ngủ mê, nên trộm vào nhà khoắng hết cả vòng vàng là chuyện thường.

Tuy sợ, chị cũng đứng lên nghe ngóng. Chị tựa lưng vào vách, men theo từng bước. Khi quặt ra sau hè, chị nghe có tiếng thở. Chưa kịp la lên, chị đã bị một bàn tay bịt lấy miệng, rồi một tay khác kéo quần; mọi sự diễn ra cuồng dại như chồng chị ngày nào.

Trong khi đó, anh nằm còng queo ngủ tới sáng. Và mẹ anh thì mơ một ngày không xa sẽ có cháu bồng!

4/2014

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search