T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: DỤC TÌNH HUYỀN ẢO CỦA KIỆT TẤN

image_200_1_180

Có lần tôi bảo, đọc ông đôi lúc tôi tưởng như đọc Bồ Tùng Linh. Ông hỏi tại sao? Tôi giả nhời, vì hai người “liền giao hoan cực kỳ thích thú”. Ông vẫn tưởng tôi đùa, nên trong truyện Vườn chanh miệt biển gửi tặng tôi, ông có ghi chú riêng:” truyện có hương vị Liêu Trai”.*

Trong truyện đó, khi ẩn khi hiện một người con gái ngồi đàn, có mái tóc bạch kim, nhưng chỉ là bóng dáng của những yêu nữ năm xưa, chứ không phải những con chồn tinh tu luyện lâu năm cần tinh khí đàn ông để thành người, hay những con ma dưới mồ hoang mả lạnh ấm ức vì chết mà chưa được ai yêu!

Cái mà ông đôi lúc giống họ Bồ, chính là cách ông kể chuyện “giao hoan cực kỳ thích thú” khiến cho Nguyễn Mộng Giác “hơi thở phải rướn cong”, Đoàn Nhã Văn “nghe thấm thía ở mỗi từng tế bào”…

Chuyện ông lăn lóc với một em bán nước mía trên bờ cỏ. Chuyện Diane, trước khi từ biệt, ngồi kết tóc (chàng) xe lông (nàng) để làm tặng vật. Chuyện sớm đưa Louise, tối rước Danyèle khiến các nàng ghen tơi bời hoa lá. Chuyện một em đĩ xấu ai cũng chê (trừ chàng vì say) không đụng tới, sáng thức dậy nằm nghe em khóc tỉ tê.

Bảo rằng đó là những cuộc tình mê đắm dứt không ra cũng chưa hẳn. Lại càng không phải những cuộc tình ướt át, gay cấn não nùng. Đó là những cuộc chơi (gái) của tuổi mới lớn, tuổi mà ông tưởng chừng mình là một con hải cẩu đực đang mùa động dục.

Với nhiều người, đó là những chuyện tầm phào, nghe qua rồi bỏ. Nhưng ông không bỏ. Ông nói tới nói lui, nói dài dài. Nói một mình và nghe một mình. Trên tầng thứ 15 một cao ốc ở Paris, trong nhà thương điên, trong tàn canh gió lạnh đêm hè, trong mùa đông tuyết trắng mênh mông.

Bởi vì, họ không phải là “những người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Mà là những dòng Cổ Chiên, những Hậu giang, Tiền giang bát ngát tràn bờ, dưới cái nắng phương nam rực rỡ.

Như Tuyết, miệng nói quỷ nà, anh xạo hoài nhưng vẫn cùng anh lăn lóc trên bờ cỏ mà không sợ “rớt xuống sông ướt cái quần nilon”. Như Hương, chỉ một lần trong con tàu cũ, được nghe khen đẹp là sướng rụng rời, rồi đó mây mưa tơi tả mặc cho áo quần ướt như chuột lột. Như Diane, Louise, và cả Danyèle, dù anh mít ướt hay khóc nhè đâu có chê anh là (annam) mít mà khinh khỉnh ngó lơ. Họ xáp vào anh, cứ như mùa nước nổi, với phù sa dục tính lớp lớp đục ngầu…em nào cũng ngực tròn căng, cũng một đóa hoa mướt rượt sẵn sàng nở ra dưới những ngón tay ông. Em nào cũng đẹp hết xẩy, cũng “mê ly ối mê ly đời ta” để cho ông chát, chát…xình!

Xình rồi, ông ngắm nàng tắm truồng dưới trăng. Cụ Nguyễn Du tả Kiều khỏa thân “rõ ràng trong ngọc trắng ngà/dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đẹp thì đẹp thật nhưng sao mà lạnh lẽo quá, cứ như tượng chứ không phải người. Chả bù với ông:”Thân thể Tuyết trắng muốt, ngực Tuyết no tròn, đứng sững tuyệt đẹp. Canh khuya dế kêu rỉ rả. Khi nàng xối nước ào một cái thì lũ dế im tiếng. Khi nàng kỳ cọ thì tiếng dế lại trổi lên. Tiếng em kỳ cọ trên thân ngà nghe sao mà dâm tuyệt”

Ông tả rùng rợn huê tình như vậy đó, thảo nào người ta cứ muốn đẩy ông vào cái ngôi đền văn học xập xụi thấp lè tè. Ở đó, người ta để sẵn cho ông một bệ thờ bên cạnh các nữ (dâm) thần đang ngồi lột truồng các nhân vật của mình ra mà gọi đích danh từng cái một, bảo cái này làm thế này, cái kia làm thế nọ!

Thế thì giết đời nhau đấy biết không! Ông là Kiệt (mà không Trụ), ông dâm (nhưng không hoang vô độ), ông tự nguyện mang lấy cái nghiệp vào thân, nghiệp “binh đĩ”, nhưng không phải là ông thần trắng đôi lông mày!

Cái ông khác bọn “chơi rồi bỏ” là ở chỗ: tình ông như Biển Hồ, bao nhiêu nước đổ vào ông đều nhận hết. Đối với ông, một em Tuyết viết thư sai chính tả tùm lum và một em Cúc sắp thi trung học cũng chẳng có ai hơn ai thua. Và một em đĩ xấu đen xấu đỏ nằm khóc tỉ tê cũng đâu có hèn kém so với một em tóc vàng sợi nhỏ thuộc thơ J. Prévert làu làu.

Ai ông cũng yêu nồng nàn, yêu điên dại, mê đắm như nhau. Với ai cũng là tình đầu, với ai cũng sẵn sàng yêu đến chết.

Ông thường bảo chỉ biết tình dục chứ chưa hề biết tình yêu. Thì đúng vậy. Ông rất ghét kiểu tình yêu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Hay “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ áo nàng xanh anh mến lá sân trường”. Yêu như thế thì chết sướng hơn. Đã yêu là phải “giao hoan cực kỳ thích thú”. Bồ Tùng Linh chỉ gói gọn trong sáu chữ (vàng?), để người đọc tha hồ tơ tưởng, còn ông thì sôi nổi kể ra đủ vành đủ kiểu, với những gò tình, những nụ hoa thầm kín ướt át… Cho nên cái dục tình của ông tuy diễn ra trên bờ cỏ, trên tấm ván, bên lu nước, trên sàn nhà vẫn là đỉnh cao (không phải trí tuệ) của những cuộc mây mưa huyền ảo.

Thực ra, mọi cuộc tình trọn vẹn đều đưa đến cái đỉnh cao cực kỳ thích thú đó. Không phải chỉ make love một cách cộc lốc thô thiển mà là giao hoan với tất cả vẻ đẹp của xác thân lồng lộng phơi mở. Ở đó, không phân biệt rạch ròi đâu là tình yêu, đâu là tình dục. Cả hai hòa trộn vào nhau, nâng đỡ nhau để cùng “đi tới bến”. Cái bến đó cũng có thể gọi là “đáo bỉ ngạn” của nhà Phật.

Cái làm cho ông không trở thành một Don Juan, chính là trong yêu có thương. Vì thương nên nhớ. Nhớ như nhớ nhà mà không cần châm điếu thuốc.

Trong các truyện của ông, truyện Cuối năm bên đường rầy, tôi cho là ngộ nhất mà cũng cảm động nhất.

Truyện kể, ông theo mấy ông anh trời đánh đi nhót. Trong bóng đèn mờ, lần đầu tiên cậu Tú Kiệt được cạ chân mình giữa hai chân em vũ nữ, thấy sao mà nó mê tơi đến như vậy. Rồi áp sát vào ngực nàng, nghe lênh đênh mùi sữa, liền từ bỏ các ông anh để theo nàng bước chân vào cổng thiên đường.

Cái cổng ấy là một mái tôn xập xệ bên đường rầy, nơi có bà mẹ già và đứa con 6 tháng đang ngủ. Mặc kệ, chàng vẫn cứ xáp tới, thì nàng nhỏ nhẹ hãy khoan, gần đến Tết, xin anh lì xì cho em ít nhiều. Thế là chàng đùng đùng nổi giận. Giận nàng sao dám đòi tiền trước, giận mình cả ngố tưởng nàng mê tít mình mới đưa về nhà!

Khi nguôi ngoai, chàng thấy mình hết sức hồ đồ, nghề của nàng là phải vậy thôi, trong cuộc chơi, cho dù chơi (đĩ), nàng phải biết nắm đằng chuôi. Biết bao kẻ mã thượng gấp mười chàng vẫn cứ chơi rồi xù. Đứa con 6 tháng tuổi là bài học khiến nàng nhớ đời. Chàng liền trở lại, rón rén đút bì thơ đựng cả một xấp tiền của ông anh cho qua khe cửa, rồi lặng lẽ bỏ đi.

Bên tai còn vọng lại câu nói của nàng, thống thiết như tiếng còi tàu: “Anh cũng thấy đó, má em thì đui mù, con em thì còn nhỏ xíu, trăm điều chỉ trông cậy ở một mình em. Ngày mai là ngày cuối năm, em tính đi chợ Tết mua cho con em một bộ đồ mới và vài hộp sữa. Nếu còn tiền, em mua thêm chút đỉnh bánh kẹo và một cặp dưa hấu về chưng cho có với người ta ba bữa Tết”!

Cảnh đời mà người ta thường lện án là trụy lạc sao lại chơn chất thiệt thà đắng cay đến như vậy. Nhớ truyện Tối ba mươi của Thạch Lam tả cảnh hai ả giang hồ loay hoay bày bát hương để nhớ đến quê nhà. Cũng hay, cũng xót xa nhưng không thấm thía bằng.

Tôi muốn nói, chính vì cái tình thương nhân hậu của ông, mà những chuyện ông kể cho dù có bịa ra vẫn cứ như thật. Nó biến thành thịt da máu huyết của ông. Nó khiến ông trở thành “ông phật của lòng em”, ông phật của em bán nước mía, của nàng vũ nữ có bà mẹ mù và đứa con 6 tháng. Một ông phật không mặc áo cà sa mà lại khoác lên mình tấm áo choàng tình dục huyền ảo.

Bởi vì, những chuyện thật trần trụi đó, qua giọng kể thiết tha của ông, nó bỗng trở nên lộng lẫy đến không ngờ. Cứ tưởng như Lưu Nguyễn nhập thiên thai trở về kể cho lũ con cháu đang giương mắt ếch ngồi nghe. Người ta khen ông gan cóc tía, dám động đến những chỗ cấm kỵ, những chỗ mà chỉ cách một sợi tóc là rơi tòm ngay xuống cái vực dâm bôn tục tĩu.

Thì đó, Bồ Tùng Linh, gần như truyện nào cũng có giao hoan cực kỳ thích thú mà các cụ xưa đâu có bảo là dâm thư như Kim Bình Mai. Chuyện giao hoan chỉ là mượn màu son phấn để vẽ nên cái khuôn mặt của cuộc đời. Đời của quỷ ma, đời của chính mình, dù rằng bị khinh khi, dù lận đận, nhưng được làm người trên cõi thế vẫn là một hạnh phúc đáng ước ao.

Kiệt Tấn cũng vậy, năm tuổi đã phải chạy giặc, thấy xác chết nổi đầy sông. May mắn được ra nước ngoài thì lại trở thành kẻ không còn nước mà trở về. Bạn bè kẻ chết, kẻ đi tù. Thân mình thì thất nghiệp, đành phải để vợ đi làm trong nhà hàng có thằng chủ ưa bốc hốt. Quẩn chí, khật khùng phải vào nhà thương điên.

Thì thôi, còn chuyện gì để nói, ngoài mấy chuyện gió trăng của tuổi mới lớn. Đành bồng ẵm nâng niu, ngồi vuốt ve mơn trớn mà giải độc cho chính mình. Trong những câu chuyện đó làm sao khỏi dâm. Không dâm thì nhạt như nước ốc. Có điều dâm mà không tục, nghe ông kể mà không thấy ngứa lỗ tai. Không sượng trân như xem phim cấp ba cấp bốn. Không mắc cỡ như xem các trang ướt nhẹp của các nữ sĩ đang vùng lên.

Rốt lại, theo ông, chuyện ong bướm mây mưa của tuổi trẻ là chuyện đáng làm, nên làm. Và sống cũng chỉ có ngần ấy thôi, không xu phụ a dua theo bầy này, đảng nọ. Không có gì quý hơn cái bông hoa thầm kín của các nàng. Không Mác, không Lê, không Nga, không Mỹ. Thà yêu nhau trên bờ cỏ rồi rớt xuống sông còn hơn bắn giết nhau, làm tù làm tội nhau. Cái tâm thiền, tâm phật của ông là vậy đó. Chính vì chữ tâm ấy mà cái dục của ông trở nên đẹp huyền ảo,

Khuất Đẩu

9/2014

* Trong Đêm cỏ tuyết, NXB Hội Nhà Văn, 2014

 

©T.Vấn 2014

 

Phụ Lục :

Đêm cỏ tuyết

Kiệt Tấn

 

Anh nói với em nhiều tiếng thâm trầm

Nằm đêm nghĩ lại nát bầm lá gan.

Ca Dao

 

Tôi dắt Tuyết xuống bờ đê. Mùa gặt đã qua từ lâu, ruộng khô chỉ còn lác đác một vài gốc rạ. Trăng lưỡi liềm kín đáo ngọt ngào. Tình nhân yêu nhau, trăng yêu tình nhân, từ muôn thuở. Nhưng có chắc tôi yêu Tuyết? Có lẽ. Nhưng điều đó nào có quan trọng gì với tôi lúc này. Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.

Tôi tìm một lùm cây có bãi cỏ kéo Tuyết ngồi xuống. Trước mặt là con rạch nhỏ. Nước nhiều hay ít, tôi không để ý. Có lấp lánh ánh trăng hay không, tôi cũng không biết. Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất: Tuyết.

Khi nãy trên đường từ cầu Bắc chạy về, Tuyết biểu tôi dừng vespa, vì nàng mắc lắm rồi. Trước đó hai đứa tôi ăn cháo trắng hột vịt muối, uống trà đá ly cối, hèn gì. Tôi còn đang loay hoay dựng xe thì Tuyết đã chạy ù xuống ruộng. Xong, nàng ngồi chồm hổm mà giải thủy tỉnh bơ. Tôi bị kích thích, tim đập mạnh như bước hụt, chới với. Chẳng phải riêng tôi. Mấy chiếc xe hơi chạy ngang, thắng gấp, tiếng bánh xe cày trên mặt đường rít nghe ê răng. Không có tai nạn. Cũng may. Khi sắp trở vào thành phố Vĩnh Long, tôi quẹo xe ở ngã ba và trực chỉ hướng Cần Thơ. Tôi đậu xe lại ở gần ruộng dưa gang và dắt Tuyết xuống bờ đê. Tuyết ngoan ngoãn đi theo, thỉnh thoảng cười rúc rích. Còn tôi thì chẳng biết gì đến cười nói, thần kinh bị kích thích căng thẳng, có lẽ mặt tôi lúc đó hắc ám lắm.

Tôi tìm lùm cây khuất, từ mặt đường ngó vào không thấy phía sau. Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình. Mê mẫn, sung sướng, hạnh phúc. Cứ gọi là hạnh phúc, dù tôi chẳng có định nghĩa nào về hạnh phúc. Cả người tôi cháy thành một khối đê mê. Tôi đã biến mất.

Sau cơn cảm xúc mãnh liệt, tôi vội vã, hấp tấp. Loay hoay, luống cuống, bộp chộp. Tôi trật ngã, thiếu chút nữa lăn xuống rạch nước. Tuyết kịp nắm vai áo tôi giữ lại.

Và cơn dục tình của tôi đã được thỏa mãn. Khi đó tôi mới nghĩ tới hôn nàng. Tôi áp môi trên má nóng hổi của Tuyết và hít chùn chụt. Nàng vuốt ve lưng tôi, trách mát: “Anh này đồ quỉ! Đã chưa?” và nàng cười rúc rích. Tôi ngồi dậy. Ánh trăng mát mẻ trên thân thể nàng thật tuyệt vời và hấp dẫn. Mùi ân ái còn thoang thoảng. Tuyết hối tôi:

– Thôi mình đi về, không có chị Tư chỉ la em. Hồi nãy xin phép đi có một giờ mà đi quá mạng, hết lên cầu Bắc rồi lại ghé đây.

Tôi cố tình chọc Tuyết:

– Em nóng ruột thì ra đón xe đò về trước đi.

Nàng la:

– Đồ quỉ! Thôi đừng cù nhây, đưa em về sớm, mơi mốt chị Tư còn cho phép đi chơi. Tối nay thứ bảy đông khách mà quán chỉ có mình chỉ với con Liên, lo hổng xuể.

Tôi vừa cặp xe vào hông quán, quả nhiên chị Tư Tùng đã cất tiếng:

– Dữ thần hông! Đi đâu mà mất biệt làm chị lo muốn chết. Cậu chở nó đi đâu vậy?

Tôi phịa đại:

– Thì cũng chạy gần gần đây thôi. Nhưng hồi nãy lên tới cầu Tân Bình thì xe bị bể bánh…

– Thôi cậu đừng có nói dóc. Cái tuồng đó tui rành quá mà!

Rồi chỉ vào bánh xe sơ-cua gắn trên chiếc vespa, chị hỏi:

– Vậy chớ cái gì đây? Còn mới tinh mà nói bể.

Tôi giả lả:

– Thôi mà chị. Em biết trễ sợ chị la nên nói gỡ gạc vậy thôi, chị thông cảm.

– Ai mà dám la cậu. Mà thôi mấy người cũng lớn hết rồi, muốn mần gì đó thì mần. Hồi nãy tui sợ không biết có tai nạn dọc đường gì không mà đi lâu quá, cả hơn hai tiếng đồng hồ nên mới nói vậy … Cậu cũng biết tui thương con Tuyết lắm, coi nó như em ruột, gia đình không có nên …

Lúc đó khách quen tới, chị đon đả chạy ra chào khách. Tôi thừa dịp thoát thân, chạy qua phía bên kia quán, kéo ghế ngồi ở bàn đặt cạnh bờ sông. Gió từ bên cù lao An Thành thổi qua mát mẻ. Những dề lục bình chỉ còn là những khối đen lững lờ trên dòng nước. Nhìn Tuyết chạy lăng xăng khui nước, chặt dừa, xay rau má, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc mến thương. Thỉnh thoảng nàng liếc tôi và cười ỏn ẻn, đồng lõa. Chập sau nàng đem tới cho tôi một ly cối nước cam-sô-đa với hai tròng đỏ hột gà nổi lờ đờ:

– Anh uống đi, bổ lắm!

– Bổ là có chuyện nữa!

– Đồ quỉ!

Chị Tư cưng Tuyết cũng phải. Nhan sắc nàng cũng đại khái thôi, nhưng thịt da mơn mởn dễ nhìn, cười lúm đồng tiền có duyên tuy hai răng trước có kẽ hở. Nàng hay cười nói vui vẻ nên kéo khách cho chị Tư cũng bộn – trong đó có tôi. Khi đó tôi vừa đậu xong tú tài đôi, về Vĩnh Long nghỉ hè. Ban ngày tôi họp bạn đánh đàn, đi thăm người yêu nữ sinh, hoặc ngủ li bì. Ban đêm tôi la cà. Chị Tư thì tôi biết từ hồi còn học đệ tứ, thuở tôi bắt đầu mặc quần đa-cờ-rông láng coóng, thắt dây nịt nhỏ, chải đầu trét bi-dăng-tin, đi giầy mỏ vịt. Hồi đó xuống quán là để uống nước dừa, ăn cơm gà rô-ti, tán dóc với bạn bè. Và theo dõi đàn anh tán gái để chờ ngày xuống núi hành đạo (hay hành lạc?) Nói quán nghe rườm rà chớ thiệt ra đó chỉ là một cái chòi bằng thiếc khi giương thì mở ra bốn phía, khi sập xuống thì kín mít. Tuyết nằm ngủ bên trong với Liên, trên một diện tích khoảng hai thước nhơn hai thước. Quán nằm phía cuối chợ cùng với ba quán khác, hai quán bán cơm, một quán bán nước cạnh tranh với chị Tư. Bàn ghế bắc xung quanh quán, không có vị trí nhất định. Tôi thường xuống quán rà rà để được ngửi mùi nem nướng hay thịt bò xào. Mùi thơm ngọt ngào sực nức, khói tỏa mịt mù mà thú vị biết bao! Tôi không ăn vì sợ ăn sẽ đâm ngán cái thú ngửi mùi đó. Tôi như một cô hồn thưởng thức đồ cúng. Tôi hạnh phúc mà không hay. Có lẽ nhờ vậy mà hạnh phúc. Khi hay, hạnh phúc tan biến.

Sống như con nít ngây thơ, ngơ ngác, lúc nào cũng khám phá, khám phá nào cũng tuyệt vời. Tôi khám phá đàn bà như con nít trước một rương đồ chơi bí mật. Lắm lúc tôi cười, nhiều khi tôi khóc. Tôi mê đàn bà, tôi tội nghiệp tôi, thằng ngốc tử. Tôi tội nghiệp các nàng đã trót yêu thằng ngốc tử.

Dĩ nhiên, nếu chỉ ngửi thôi thì làm sao sống nổi. Tôi cũng có ăn. Tôi khoái nhất món hủ tiếu “đầu trọc”. Không phải ăn vô rồi là rụng tóc trọc đầu, mà bởi món này do một ông chệt đầu trọc gánh đi bán dạo, gõ nhịp lắc-cắc-cụp trên hai miếng tre ngắn đã lên nước. Hủ tiếu khô của ông có nước sốt gì nâu nâu sền sệt chan lên ăn là hết sẩy. Xế trưa tôi một tô, Tuyết một tô, ních vô là thấy hạnh phúc nằm trong tầm tay, đâu cần gì phải đi hành hương xa xôi trắc trở. Lại thêm giọng cười rúc rích của Tuyết giữa trưa nắng rạng rỡ miền Nam, với ngần ấy thứ mà không ngửi thấy hạnh phúc thì dù có tu chín kiếp cũng coi như huề cả làng. Chị Tư không thích hủ tiếu nên thường làm một tô mì hai vắt, cũng mì khô có nước sốt mầu nhiệm đó chan lên. Chị buôn bán nhưng tánh chị thật thà. Da chị ngăm đen, môi dầy, mũi lân và… đa tình. Tụi tôi biết vậy nên dụ dỗ kép Thế xuống quán. Kép này là một tay tứ chiếng giang hồ, lấy đĩ làm vợ, cao lớn đẹp trai, có nụ cười lém lỉnh như Gene Kelly. Chị Tư chíp lắm. Mà khi chị đã chịu đèn rồi thì tụi tôi dễ bề làm ăn với Tuyết và Liên. Có quá quắt thì chị cũng làm ngơ. Có chở đi quá giờ thì chị cũng xí xóa. Dẫu giận mấy, có “anh Thế” xuống là xong ngay. Thành thử tôi cũng được rảnh chưn rảnh tay “một mình thong thả mần ăn, khỏe quơ chài kéo mệt quăng câu giầm…”

Lúc đầu tôi xuống quán bên kia. Một tối Tuyết ngó tôi nheo mắt cười tình mấy cái là tôi di cư luôn qua quán chị Tư. Tuyết làm bộ hỏi:

– Anh ghé chơi một chút rồi dọt qua bên kia hả?

– Không, anh lấy cơm tháng ở đây luôn.

Nàng cười rúc rích:

– Anh giỏi tài ba xạo!

Tôi cũng chỉ biết nhăn răng ra cười trừ. Rồi tôi tán tỉnh Tuyết ra sao tôi cũng không nhớ rõ. Tôi vốn đã ít nói. Mà cuộc trao đổi văn nghệ giữa một cậu tú mới toanh và một em bé bán nước dừa chắc cũng không có câu nào đáng đi vào văn học sử. Nhưng hai đứa cũng khắng khít nhau ra rít, đâu cần gì phải vô vọng cổ hay thao thức viết thư tình. Có lần tôi tò mò hỏi Tuyết:

– Em có yêu anh không?

– Em hổng biết, nhưng em khoái anh?

– Khoái ở chỗ nào?

– Tại anh có hàm răng bẹt-lông, cười có duyên thấy ghét.

Perlon là hiệu kem đánh răng đang được quảng cáo thời đó, với một nụ cười duyên dáng và hàm răng đẹp. Tôi có ngó vô kiếng cười thử, thấy răng cửa của mình lớn và hơi gie ra đằng trước, không có gì đáng ca ngợi. Anh tôi bảo mày hô ống điếu (?) nên cười có duyên ngầm (!). Chắc tại tôi có cái duyên “ống điếu” nên Tuyết đâm mê.

Còn tôi, tôi thèm muốn Tuyết. Yêu? Gọi thế nào cũng được. Có đặt tên cho tình cảm hay không thì nó cũng vậy thôi. Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Nếu ép tôi bỏ bớt một thứ, có lẽ tôi sẽ giữ lại tình dục. Tôi thường ngạo mấy cô tình nhân khi các nàng từ chối tình dục: “Em yêu anh bằng linh hồn, còn xác thịt em để cho người khác? Nếu vậy hãy cho phần thứ hai, anh xin trả lại em tình yêu”. Kết quả tôi lại bị rầy: “Anh khôn thấy mồ!” Té ra yêu bằng linh hồn là ngu lắm sao? Tôi bị rầy là nàng đã hiểu. Xong. Thành thử tôi chỉ có một tình yêu duy nhứt không có tình dục: đó là lúc tôi học tú tài một ở Mỹ Tho và yêu Hoa. Không phải tôi thánh thiện mà vì lúc đó tôi chưa thành quỉ. Chưa gặp dịp, có lẽ.

Cùng lúc dâm lụy với Tuyết, tôi lại thánh thiện với Ánh, người yêu nữ sinh. Tôi tới nhà Ánh ngồi chơi, rất mực là thư sinh ngoan ngoãn. Nói chuyện gì tôi cũng không nhớ rõ. Nhưng nghĩ cũng phục tôi luôn. Nói gì mà nói nhây hàng giờ, ngày này qua ngày nọ, mà không sờ mó mân mê gì cả. Phục lăn. Nhưng xét ra cũng chẳng có gì đáng phục. Tôi đã no nê dục tình với Tuyết, hơi sức đâu mà mơ ước chuyện gì khác. “Phàm một con hải cẩu…” nhưng tiếc thay tôi chưa bằng được con hải cẩu. Tôi chẳng bao giờ hẹn Ánh nơi tối tăm nào khác, bên lùm bên bụi hay (người hẹn cùng ta tới) bên lùm chuối…

Mỗi tuần tôi phải dắt Ánh đi xem phim Ấn Độ một lần, với bà má vốn mê phim Ấn Độ. Tôi thường bẻ một chùm bông thiên lý đem theo. Khi trên màn ảnh hoàng tử và công chúa bắt đầu nắm tay nhau ca múa và lắc lắc cái bụng cà ri là tôi ngủ gật với mùi thơm ngầy ngật của hoa lý ở đầu mũi. Nhưng tôi được an ủi lúc ra về. Ánh theo má đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Trăng lên cao, ngọn dừa dật dờ lấp lánh, dáng Ánh gầy gầy, bóng Ánh ngã trên đường nhẹ hổng như vết chim bay. Tôi nghĩ nàng chỉ cần đập cánh là có thể bay lên trời, bỏ tôi lại cõi trần gian dâm dật này cho Tuyết với đôi mông trắng mát. Có lẽ tôi sẽ khóc, nhưng rất bằng lòng. Tình thực tôi cũng chẳng giấu giếm gì Ánh. Tôi nói tôi ngủ với mấy cô bán quán. Ánh không tin và cho rằng tôi nói vậy để lấy le. Đến một hôm, Ánh bắt gặp tôi chở Tuyết chạy ngang nhà, nàng mới bắt đầu ngờ vực là tôi nói … thiệt.

Mà trong cái tỉnh nhỏ xíu nầy, đi một vòng là gặp nhau hết, nói gì đi quanh quẩn năm này tháng nọ. Một đêm gần Tết, tự dưng Tuyết nổi hứng thay áo dài mới xanh lè quê một cục, nhứt quyết đòi tôi chở đi chơi. Tôi thấy Tuyết vui nên cũng chiều ý. Tôi chạy lòng vòng lạng quạng. Bỗng Tuyết đòi đi nhà thờ gần cầu Cái Cá. Nhà của Ánh ngay dưới dốc cầu. Tôi bấn quá, mà từ chối thì sợ em buồn. Tết nhứt rồi, ai nỡ làm vậy. Nhưng lỡ Ánh bắt gặp, chạy ra níu áo rồi mới tính sao đây? “Di nhân nan! Di nhân nan!” Gần tới cầu tôi nảy ra sáng kiến (nhờ ơn trên?) Tôi khóa ga xăng, giả bộ xe lên dốc không nổi. Tôi biểu Tuyết xuống và đi bộ qua cầu vô nhà thờ trước chờ tôi. Chùi bu-di xong xe sẽ vọt ngon lành như trước, tôi qua sau. Tôi rất ghét nói dóc. Nhưng nói dóc với Tuyết tôi không thấy lương tâm bị cắn rứt một chút nào hết. Làm như thể…

Tuyết bỏ gia đình đi hoang năm mười sáu tuổi. Tuyết cùng một tuổi với tôi. Gia đình Tuyết ở Gò Công. Tôi không rõ lý do ra đi của nàng, hay nàng đã kể rồi mà tôi không nhớ. Tôi cũng chẳng để ý. Ôm được Tuyết, vật lộn với Tuyết trên bờ cỏ đối với tôi là quá đủ. Nếu có ai dọa sao chổi xẹt xuống làm tan băng hà ở Bắc cực, nước sẽ dâng lên cao ba thước khắp địa cầu, tôi cũng coi như pha. Chỉ cần bụi cỏ đen và đôi vú trần của nàng, kỳ dư tôi chẳng ăn nhập gì với quả đất quay nhanh hay chậm. Tôi là một vệ tinh vô danh tiểu tốt quay chung quanh ngực và mông nàng, quay điên cuồng và hạnh phúc. Cho đến ngày nổ tung trên trục quay, hay đến lúc tôi lạc quỹ đạo đâm sầm vào hành tinh mẹ và cả hai đều bốc cháy tan tành, trả lại bụi sao cho ngân hà, cho nguyên thủy, cho khai thiên lập địa, không có âm, không có dương, không có tôi, không có nàng, không có đam mê, không có dâm luyến, tôi với nàng chỉ là một. (Bởi duyên cớ nào khiến ta thành hai?).

Khi trước tôi ở nhà má tôi, gần rạp hát. Mùa hè năm đó tôi dời đô về nhà ba tôi ở dốc Cầu Lộ cho dễ bề hành hiệp. Nhà ba tôi là tiệm mộc nên giường chõng tha hồ. Đi chơi khuya về thấy mùng giăng sẵn, giở lên không thấy ai là cứ chun vô ngủ. Tối tối tôi đi đón Tuyết về. Có lúc trời nóng gặp ba tôi còn ngồi ngoài hàng ba phơi bụng hút ống vố, nàng khẽ cúi đầu:

– Dạ, chào bác.

Ba tôi cười khì khì đồng lõa, hỏi vớ vẩn:

– Tiết đó hả? Lóng rày bán khá không cháu?

– Dạ khá.

Cháu khá mà bác coi bộ thằng Kiệt nó hơi xanh.

– Dạ… Tuyết ấp úng.

Tôi đỡ lời:

– Tuyết có cho tui uống cam-sô-đa hột gà hoài đó chớ.

Tuyết quay lại la tôi:

– Đồ quỉ!

Một bận tờ mờ sáng chúng tôi còn mê mệt ôm nhau ngủ thì ba tôi lay dậy:

– Mau mau! Vọt! Má mầy tới!

Tôi còn đang lính quýnh, ba tôi kéo Tuyết chạy ra nhà sau, giấu nàng trong cầu tiêu. Tôi giả bộ ngủ tiếp. Má tôi (có lẽ ai mét) ập vào kinh lý. Bà giở mùng thấy thằng quý tử say ngủ chèo queo một mình nên yên bụng ra về. Tôi ra cầu tiêu kiếm Tuyết. Sau hồi chới với chúng tôi ôm nhau cười ngất. Nàng hỏi:

– Sao má anh khó quá vậy?

Tôi vớt vát:

– Chắc bả canh ông già chớ đâu phải rình anh.

– Vậy mà làm em cũng hết hồn.

Ba tôi trấn an:

– Ôi! Hơi sức nào mà lo! Bề gì đã có tao đứng mũi chịu sào. Cùng lắm là bả bắt thằng Kiệt về nhà dưới ngủ, không cho ngủ ở nhà tao nữa.

– Ý! Đâu có được.

Tôi phản đối tức khắc. Nhưng cũng may, mọi việc vẫn cứ tiếp diễn như trước, đêm đêm tôi đi đón Tuyết về. Đêm nào tôi ngủ quên thì Tuyết tự động ngồi xe xích lô về. Tuổi mười tám sao hăng quá sức, đêm nào cũng như đêm nấy. Tôi thấy đời tôi quá đầy đủ, không dư không thiếu một chỗ nào hết. Đôi khi quá hăng say, tôi đã được một anh thợ của ba tôi lưu ý:

– Thầy Sáu ác quá! Cái đi-quăng bữa nay giao cho người ta mà thầy làm sao ố hết trọi, báo hại tui phải cạo sơn lại.

Rồi anh chỉ mấy vết vân vân trên mặt gỗ sơn làm tôi cũng hơi quê, nhưng cũng hãnh diện ngầm, sự hãnh diện ích kỷ của con thú đực.

Một đêm, xảy ra chuyện “trục trặc” với Lộc, anh tôi. Tuyết giận, lẵng lặng bỏ về.

Buổi trưa tôi xuống quán gặp Tuyết đang ngồi ăn cơm với chị Tư và Liên. Chị Tư mời lơi:

– Cậu Kiệt ăn cơm.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi kéo ghế xáp vô bàn ăn liền. Để kiểm điểm, tôi gọi thêm một dĩa phá lấu. Tôi gắp một miếng ngon bỏ vô chén của Tuyết. Tuyết cũng gắp lại cho tôi một miếng và cười rúc rích. nàng cười là coi như tôi đã được tha thứ. Như vậy là huề. Tôi được thể kể thêm chuyện tiếu lâm cho mọi người cười cho vui bữa.

Ăn xong Tuyết kéo tôi ra bàn gần bờ sông ngồi hóng mát. Tuyết đi thẳng vào chuyện đêm qua:

– Sao hồi hôm anh làm kỳ vậy? Em mắc cở muốn chết.

Mặt Tuyết đỏ gấc, cả vành tai cũng đỏ.

– Em thương anh mà sao anh làm kỳ vậy?

Tôi sượng trân, không biết trả lời sao. Tôi ấp úng:

– Anh cũng thấy kỳ thiệt… Nhưng chuyện xảy ra quá bất ngờ, anh đâu có muốn như vậy. Em giận anh lắm hả?

Nàng ngẫm nghĩ một hồi rồi lắc đầu. Tôi cảm động nắm lấy tay nàng. Nàng liếc tôi mỉm cười:

– Thôi bỏ qua chuyện đó. Mà anh đừng có làm vậy nữa nghen. Em thương anh chớ đâu có thương anh Lộc , bộ anh không biết sao?

– Anh biết chớ…. Thôi anh xin lỗi em.

Tôi nói tôi biết chớ thiệt ra tôi chẳng biết khỉ mẹ gì hết. Tôi là thằng ngốc tử. Cho đến bây giờ, khi tổng kết tình hình quốc tế, tình hình quốc nội và tâm lý ái tình đời mình, tôi cũng chẳng biết là tôi có yêu ai không nữa. Tôi đam mê, nhiều lúc muốn tự vận thì có. Yêu? Còn phải hỏi lại. Biểu tôi định nghĩa tình yêu tôi cũng bí luôn.

Sau lúc con thuyền tròng trành, tôi và Tuyết trở lại khắng khít nhau như trước. Như không có chuyện gì xảy ra. Tôi lấy thêm một quyết định sáng suốt: Nếu thằng cha anh tôi còn dở trò lạng quạng là tôi sẽ quyết liệt mời hắn đi chỗ khác chơi. Bằng võ lực nếu cần. “Ối thôi tôi mời cậu đi ra cho lẹ, nếu còn ở đây ắt sanh tử với tôi!” Hắn cũng nằm lòng câu hát đó.

Sau nhà tôi là một sàn nước, trên có để mấy cái lu. Thợ thuyền thường mặc quần xà lỏn tắm lộ thiên trên sàn nếu làm biếng tắm sông. Lần nào Tuyết về với tôi cũng quá nửa đêm, lối xóm ngủ hết. Tuyết tắm lộ thiên. Tôi có cái thú đứng ngắm Tuyết tắm. Thân thể Tuyết trắng muốt, ngực Tuyết no tròn, đứng sững đẹp tuyệt. Đã bao lần tôi ngã chết trên đó. Mà rủi có chết luôn tôi cũng không hối tiếc. Canh khuya dế kêu rỉ rả. Khi nàng xối nước ào một cái thì lũ dế êm tiếng. Khi nàng kì cọ thì tiếng dế lại trỗi lên. Có nhạc, có mỹ nhân, nghê thường là đó. Nếu Tuyết biết ăn nói văn chương và biết khảy đờn, tôi sẽ ngờ nàng là hồ ly tinh. Ôi con hồ ly yêu dấu. Tiếng em kỳ cọ trên thân ngà nghe sao mà dâm tuyệt!

Tôi khổ sở nhứt là lúc mỗi tháng Tuyết treo cờ đỏ hưu chiến mấy ngày. Vào thời kỳ này đàn bà hay quạu cọ mà tôi còn quạu hơn Tuyết. Tôi đứng ngồi không yên như bị táo bón, nhăn nhăn nhó nhó như khỉ ăn ớt. Khi nàng hạ cờ xuống là tôi mừng quýnh như con nít má đi chợ về. Nàng lại có dịp la tôi: “Đồ quỉ, làm gì dữ vậy?” Nàng treo cờ, tôi khổ sở. Nhưng nàng không treo cờ, lại là một nỗi bận tâm khác. Một lần nàng nói nhỏ với tôi:

– Sao tháng này em trễ quá, có hơn hai tuần rồi. Lỡ em cấn rồi làm sao hả anh?

Đã không lo, trái lại tôi còn thấy vui:

– Cấn rồi thì mang bầu.

– Mang bầu kỳ chết.

– Mang bầu thỉ đẻ chớ kỳ gì.

– Đẻ rồi làm sao?

– Đẻ rồi thì nuôi chớ làm sao.

– Anh nầy nói nghe dễ ợt. Lấy cái gì mà nuôi đây chớ?

Tôi đặt tay lên vú nàng:

– Thì lấy cái nầy…

Nàng hất tay tôi ra:

– Đồ quỉ!

Thấy tôi cười khì khì nàng cũng tủm tỉm cười theo, hai má đỏ rực.

Cách tuần sau, một đêm tôi thiếp ngủ, khi giựt mình không thấy Tuyết bên cạnh, tôi hơi lo sao đêm nay nàng không về. Trưa hôm sau xuống quán thấy có một mình chị Tư. Tôi hỏi Tuyết đâu.

– Tuyết nó đang nằm trong quán

Tôi chui vào quán thấy Tuyết nằm co quắp. Tôi đỡ Tuyết dậy hỏi:

– Em bịnh hả?

Tuyết xanh ẻo thều thào:

– Em mệt.

Chị Tư nói thêm:

– Tuyết nó bị thuốc hành nên mệt.

Cách đây mấy bữa tôi nghe chị Tư bàn lén với Tuyết về vụ đó. Tôi nắm vai Tuyết lắc lắc:

– Em phá thai phải không?

Tuyết cúi đầu không nói. Cơn giận đột nhiên bốc dậy trong tôi bừng bừng. Tôi xáng Tuyết một bạt tai ngã chúi vô góc quán rồi đứng dậy. Tuyết gục đầu, nước dãi nàng chảy ra ở miệng. Biểu diễn xong màn tạc-dăng nổi giận, tôi nhảy lên vespa rồ ga phóng thẳng. Chạy lòng vòng một hồi rồi trực chỉ ngã ba Cần Thơ. Chui vô một cái nhà sàn gọi bia ra uống. Bà chủ quán còn trẻ. Mặc quần áo xốc xếch, một tay bồng nách thằng con lem luốc, một tay bào nước đá. Tôi vụt hối hận chua xót. Tôi bỏ chai bia rồi phóng xe trở lại quán chị Tư. Nghe tiếng xe đậu lại, Tuyết lồm cồm bò dậy ra đứng vịn ở cửa quán. Mắt nàng đỏ hoe. Tóc tai bù xù. Tôi ăn năn quá đỗi. Tôi chỉ muốn chạy thẳng ra bờ sông và nhảy ùm xuống dòng nước đục (không phải để tự vận). Tôi muốn lội băng qua con sông lớn, tới cù lao An Thành bên kia. Tôi leo lên đó trốn hết mọi người, ẩn dật ở cù lao, biến thành con xà niên hay con dã nhơn gì đó. Cho không còn ai nhận ra tôi, cho Tuyết không còn bao giờ nhận ra tôi, gã bạch diện thư sinh sau cái bộ mặt lông lá. Môi Tuyết khô queo, tay nàng run rẩy. Trời nắng chang chang. Hai đứa ngó nhau rưng rưng nước mắt.

Rồi mùa hè qua. Nắng hết vàng rực. Phượng vỹ hết đỏ. Dế hết còn gáy ở sàn nước. Tuyết hết còn khỏa thân tắm lộ thiên. Và tôi cũng bị đuổi ra khỏi nghê thường. Hai đứa vẫn còn khắng khít, nhưng nàng ở lại quán, còn tôi lên Sài Gòn bước vào đại học. Sau khi đậu tú tài, tôi thi rớt liên miên. Thi công chánh: rớt. Thi trường điện: rớt! Thi sư phạm: rớt! Thi quân y: đậu. Và đậu hạng nhứt, ngành nha khoa. Ba tôi vốn ghét nghề “nhổ răng và thiến heo” của đám hành nghề dạo trong xóm nên ông chửi tôi tàn canh gió lạnh vì tôi thi đậu ngành nhổ răng. Ông nói:

– Tao với má mầy gia tài còn có mấy cái răng ăn cháo bộ mầy tính học về nhổ luôn cho hết hả? Rồi bà con đau bụng đẻ, rước mầy tới mầy nhổ răng cho chết luôn hay sao? Mầy học cái nghề gì mà ác ôn quá vậy?

Tôi nản quá nên bỏ ngành quân nha. Tôi lêu bêu vào năm đầu đại học khoa học. Tôi lạc lõng mất hướng. Tôi chỉ mong cuối tuần để vọt về Vĩnh Long. Có lúc kẹt xe, tôi về tới thành phố thì trời đã tối mò. Tôi ghé nhà Ánh trước vì gần bến xe. Nhà nàng ngủ sớm (ông già làm thầy giáo). Một tay gõ cửa mà tay kia tôi còn lận theo khúc bánh mì thịt chưa kịp ăn. Chị nàng ra mở cửa la lên:

– Ánh ơi! thằng Kiệt nó về.

Ánh chạy ra mừng rỡ. Tôi ghé vào nói chuyện láp dáp một chút rồi vọt, hẹn bữa sau trở lại. Tôi kêu xe lôi đi thẳng xuống quán. Trên đường tôi tạt ngang báo cho ba tôi biết tối nay tôi ghé ngủ nhà để ổng cho đem mùng ra tối về có mà giăng. Thấy tôi về Tuyết cũng mừng lắm. Lại một tô hủ tiếu “đầu trọc”, một ly cam-xô-đa hột gà. Và tôi lại chết thiếp trên ngực hồ ly, bằng lòng, hạnh phúc.

Có dạo bận học quá, cả tháng không về được, tôi nhận được thư Tuyết. Nàng viết: “… Anh biết hông, mỗi bữa chiều em bắc ghế ra ngồi trước quán ngó ra đường thấy người ta đi qua đi lại, em nhớ anh thấy mồ. Chừng nào anh học thuộc bài hết rồi thì anh mau mau về đây cho em thả mãn…”.

Trong thơ nàng kèm theo một tấm hình sau lưng có viết mấy chữ: “Em xin tặng anh một đá hoa hồng để làm kỳ nhiểm. Tuyết.”

Kỳ nhiễm? Hay kỷ niệm? Tôi đoán lờ mờ. Chữ nghĩa không làm tôi bận tâm, nhưng khi nhìn tôi đâm lo. Thường thì mấy cô nữ sinh cầm nhánh bông hay đóa hoa để làm duyên khi chụp hình. Đàng nầy Tuyết cầm hẳn chậu bông đưa thẳng ra một bên, phía trên có cụm hoa hồng bằng nhựa màu. Tôi chỉ sợ nàng mỏi tay buông ra bất tử thì đổ nợ. Thà nàng giả bộ leo lên máy bay ló đầu ra chụp hình như anh tôi mà coi bộ còn khá hơn. Chớ cầm chậu bông kiểu này là kiểu chết con người ta. Bữa nọ thằng bạn lục bóp tôi, lôi ra tấm hình Tuyết, ngắm xong, đọc xong, nó bèn ngửa mặt lên trời cười hô hố, chảy cả nước mắt nước mũi. Tôi quê quá nên từ đó giấu biệt hình nàng.

Trở lại việc học vấn của tôi. Trong cái rủi mà còn có cái may. Một bữa nọ, nhờ phất phơ trong Chợ lớn tôi gặp một thằng bạn cũ khá thân. Nó kéo tôi về nhà ở đường Da Bà Bầu tán dóc. Khi mở hộc tủ kiếm cây viết, nó chợt à một tiếng rồi lôi ra một xấp giấy đưa cho tôi. Đó là đơn xin du học Canada. Nó nói tao quá tuổi rồi xin không được, mầy nhỏ hơn tao hai tuổi, đậu hai tú tài hạng bình nên xin có hi vọng lắm. Tôi nhắm mắt điền đơn, nạp đại rồi quên bẵng. Ba tháng sau, đùng một cái tôi được mời khám sức khỏe, làm thủ tục xuất dương: tôi đã được chọn. Tôi cầm tấm giấy mời chới với. Có bao giờ tôi nghĩ tới hay mơ ước chuyện xuất dương. Nhà tôi đủ ăn, ba má tôi dốt nát. Tôi là một thứ cao bồi hương thôn. Dù tôi có bận quần jean’s cỡi bò đi chăng nữa, là cũng để chà lết ở miệt vườn. Thế giới của tôi có cù lao An Thành, có cây đa Cửa Hữu, có cái miễu Bà, có cầu Cái Cá, có bến xe đò. Và có cái quán nước của chị Tư Tùng. Và trong quán nước có Tuyết, dĩ nhiên. Tôi không muốn đi đâu hết.

Tấn thối lưỡng nan. Ông anh thứ ba (không phải Lộc) của tôi biết vậy nên đặc cách cho một lâu la của anh dắt tôi đi làm hết mọi giấy tờ. Thành thử tôi kẹt cứng. Tôi chẳng biết gì về Canada hết ráo, từ nguồn gốc cho tới ngôn ngữ. Má tôi hỏi: “Nghe anh Ba mầy nói mầy sắp đi Cá Bá Đại há? Nghe nói ở đó ngập nước quanh năm, mầy qua bên đó mần chi vậy?” Tôi bí. Phải chi bà hỏi ở chợ Vĩnh Long có mấy cái quán cóc, quán nào bán cơm quán nào bán nước, quán nào có mấy cô, tên gì, mấy tuổi… Tôi bảo đảm sẽ trả lời rót rót, đúng đến chín chục phần trăm.

Nhưng rồi mọi việc cứ tuần tự diễn tiến, theo một trật tự bất kham. Bánh xe du học cứ lăn tới và kéo tôi ra cái cứ địa “cao bồi hương thôn”, mặc tình cho tôi trì kéo lại. Còn ba tháng nữa sẽ xuất dương, rồi hai tháng, rồi một tháng, rồi nửa tháng. Rồi chỉ còn một tuần lễ. Tuyết có theo dõi tình hình quốc nội do Lộc báo cáo nên nàng cũng khăn gói lên Sài Gòn để gặp tôi, vì tuần chót tôi kẹt luôn ở thủ đô để lo giấy tờ, thủ tục, thông hành, hối đoái v.v… Một tối, nàng hẹn gặp tôi trước rạp Khải Hoàn, không phải để coi hát, mà là để giã biệt. Đúng hẹn, tôi dắt Tuyết qua chợ Thái Bình ngang rạp hát. Nàng đi guốc mộc xanh, bận quần sa-teng trắng, áo xá xị màu hường lợt. Lần đầu tiên tôi để ý nàng vẽ mắt đen, tô son lợt và đeo bông tòn teng. Coi cũng hấp dẫn lắm. Nhưng tôi thích Tuyết tắm truồng xối nước ở sàn nhà hơn. Tuy nhiên tôi cũng khen nàng một câu lấy lòng.

Tôi đề nghị nàng kiếm gì ăn cái đã, vì lúc đó đã hơn mười giờ đêm mà tôi chưa ăn gì từ chiều. Nàng đồng ý. Tôi hỏi nàng muốn ăn gì, nàng đáp tùy ý anh, em không đói. Không có hủ tiếu đầu trọc, tôi đề nghị nàng ăn mì ở một cái xe đẩy trong chợ. Xe cẩn kiếng đủ màu kể lại sự tích Tam Quốc có Quan Công mặt đỏ, sau nồi xúp nghi ngút là một xì thẫu bụng phệ, không trọc đầu nhưng tôi tin tưởng. Tôi kêu một tô mì đặc biệt có mì và hoành thánh trộn lẫn. Còn nàng, một chai xá xị Con Nai. Bụng đói nên tôi cúi gằm đầu ăn một mách gần hết mới ngửng lên gợi chuyện:

– Em lên đây hồi nảo?

– Hồi chiều hôm qua.

– Lên đây em ở đâu?

– Ở đậu nhà bà dì con Liên trong chợ Bàn Cờ. Còn anh, bữa nào thì đi Da… Da… Cá Đại, hay cái gì Da Da đó?

– Bữa nay thứ ba. Còn đúng một tuần nữa thì anh đi. Đi Gia Nã Đại.

– Cái gì Gia?

– Gia Nã Đại.

– Ờ, vậy hả? Gia Nã Đại! Cái tên gì kỳ thấy mồ, nói muốn trẹo bản họng. Nghe nói bên đó đất thấp nước ngập dữ lắm phải hông?

Không biết ai đồn cắc cớ như vậy. Tuyết cũng hỏi một câu y chang như má tôi. Tôi giải thích: Em đừng có lộn Gia Nã Đại với xứ Hòa Lan. Nàng càng mù tịt nên tôi lảng sang chuyện khác.

Em có tính ở lại Sài Gòn để đưa anh lên máy bay luôn không?

– Ý, đâu có được! Chị Tư bị cúm hổm rày nằm liệt địa. Quán chỉ có mình con Liên coi, bê búi lắm. Sáng mai em phải về. Hơn nữa…

Nàng ngập ngừng:

– … Hơn nữa gia đình anh, em chỉ biết có ba anh và anh Lộc. Má anh lại khó nữa, khi không em nhào vô đưa anh đi coi kỳ chết.

Thiệt ra nếu nàng đòi đưa tôi ra tới tận phi trường mới là đổ nợ. Vì hôm đó sẽ có Ánh tiễn tôi, chương trình đã in như vậy rồi, cáo phó đâu có kịp nữa. Tôi dò dẫm:

– Em về dưới rồi tính làm cái gì ăn?

– Thì bán quán chớ làm cái gì?

– Bộ em tính bán quán hoài sao?

– Không bán quán chớ anh biểu em làm cái gì bây giờ?

Tôi ỡm ờ:

– Thì chờ anh học thành tài về nước cưới em.

Nàng ngó tôi hoài nghi:

– Anh đừng có nói giả ngộ. Bản mặt anh mà cưới em.

Tôi kênh kênh:

– Thiệt chớ! Em mà dám chờ thì anh cũng dám cưới cho mà coi.

Nàng nghiêm mặt (ít khi tôi thấy nàng nghiêm như vậy) làm thằng nhỏ hơi teo:

– Hồi thở giờ em có biểu anh cưới em lúc nào đâu mà bữa nay anh phát thinh nói kỳ cục vậy?

Mắt nàng hoe đỏ. Tôi sợ nàng khóc bất tử nên gạt ngang:

– Em không tin thì thôi anh không nói nữa.

– Nàng ngó tôi ngần ngừ:

– Mà em hỏi thiệt, anh có thương em hông?

– Có nói em cũng không tin nên anh không nói.

Nàng nài nỉ:

– Hồi nào tới giờ em đâu có hỏi, bữa nay em mới hỏi thiệt anh chớ có thương em hông đó?

– Thương chớ, thương đứt ruột.

Thấy nàng chưa chịu tin, tôi đưa một ngón tay lên thề:

– Đứa nào nói láo cho ông Táo đội nồi cơm.

– Anh thiệt là ba xạo!

Nàng cười, tôi cũng cười theo. Nàng cười là tôi đỡ lo. Nàng cười là tôi đã được tha thứ, chấp nhận. Tôi nắm tay nàng ngó trân trân:

– Bữa nay em đẹp lắm… Anh muốn ngủ với em một đêm chót.

Nàng ngần ngừ:

Bộ anh tính đem em về ngủ nhà anh hả?

– Anh tá túc nhà anh Ba. Má anh cũng ngủ ở đó… Anh về nhà em được không?

Ý, nhà dì con Liên em đâu có quen. Hơn nữa nhà có chút xíu, dì ngủ trên gác còn em ngủ bộ vạt ở dưới với mấy nhỏ. Anh tới đó làm quỉ đâu có được.

Chợt ngó lên trời tôi đề nghị:

– Hôm nay có trăng lưỡi liềm, hay anh chở em dạo một vòng ra Bình Điền, ở đó có cây cối…

Nàng gạt ngang:

– Ở dưới mình khác, ở đây khác. Anh làm bậy bạ lính bắt là hết có đi Gia Cái Đại luôn đó. Anh ẩu tả, bữa đó ở Cầu Bắc về anh thiệt thành quỉ… Em mà níu anh không kịp là anh lọt tuốt xuống mương rồi!

Nàng cười rúc rích. Lời Tuyết nói vô tình càng kích thích tôi mãnh liệt. Tôi nhớ rõ lắm, tôi nhớ rõ hết, tôi nhớ đóa hoa thầm kín của nàng lần đầu tiên dưới bàn tay tôi mân mê, sục sạo, tôi nhớ bụi cỏ đen, tôi nhớ ánh trăng mát mẻ trên thân dưới lồ lộ của nàng. Tôi thèm muốn điên cuồng, tôi thèm thuồng muốn chết. Tôi cúi đầu tiu nghỉu, như những lần Tuyết treo cờ đỏ hưu chiến. Nàng ngó tôi một hồi coi bộ không êm. Nàng kêu tính tiền, trả tiền rồi nói:

– Thôi mình về anh, khuya rồi.

Thấy tôi cứ ngồi đực mặt ra đó, nàng nắm tay tôi kéo đi, nói nhỏ:

– Thì anh về với em, về Bàn Cờ.

Tôi riu ríu theo nàng. Về tới đầu xóm, nàng biểu tôi dừng xe lại, tắt máy, rồi dắt xe theo nàng. Đi quanh co một hồi tới một căn nhà lợp tôn nàng ra dấu là đã tới. Tôi dựng xe, theo nàng đi vòng cửa sau mở khóa vào nhà. Bên trong chỉ có một bóng đèn nhỏ thắp tù mù. Bốn phía vắng lặng. Nàng chỉ lên gác, đưa một ngón tay lên môi ra dấu cho tôi giữ im lặng. Tôi tuột giày ra. Nàng nắm tay tôi dắt vào nhà tắm nhỏ hẹp, bên trong kê một cái lu nước và một cái khạp thấp. Nàng khép cửa lại tối om, tôi không thấy gì hết. Tôi nghe tiếng sột soạt. Tôi cũng trút bỏ quần áo theo nàng. Tôi mở hờ cửa cho ánh sáng đỏ lọt vào. Ánh sáng đỏ trên da lụa càng tăng thêm kích thích, tôi muốn cắn lên đó. Tôi mở rộng cửa phòng tắm cho ánh sáng tù mù vào đầy. Tôi hạnh phúc muốn phát điên. Tôi sắp nổ tung như một bóng đèn quá cường độ. Tư thế bất tiện mà tuyệt vời. Ngực nàng rung rinh, đôi bông tai nàng lắc lư, đôi mắt nàng khép hờ mở nửa cánh thiên đường cho tôi lọt vào (và lạy trời cho tôi đừng lọt ra nữa). Trong trận mưa dục tình tôi hôn nàng khắp mình mẩy (tôi chưa hề hôn nàng như vậy). Hai đứa ôm riết, không muốn rời, không nỡ rời, không chịu rời. Tuyết! Tuyết! Tuyết!

Buổi chiều hôm sau đứng một mình ở bao lơn, tôi chợt nhận thức Tuyết đã lọt khỏi tầm tay tôi biệt mù. Nàng đang ở đâu đó bên bờ Tiền Giang có gió mát, trăng thanh, hay đang nằm dật dựa trong quán. Nàng đang chặt dừa, xay rau má xôn xao giữa đám khói tỏa mịt mù của sườn nướng. Tôi chợt lo sợ vu vơ. Tôi lo sẽ không bao giờ còn gặp lại nàng nữa.

Nhà anh tôi ở đường Hùng Vương, cạnh đường rầy xe lửa. Bên kia đường là dãy bàng cao, rất cao, lá lớn xào xạc. Buổi chiều sắp hết, trời chạng vạng. Cơn mưa chiều vội vã đến, rồi vội vã đi. Gió không có hướng nhất định, lay lắc lá bàng, nước rơi lộp độp. Tôi chợt sợ hãi, ruột quặn thắt. Bên tôi không có Tuyết, không có Ánh. Mai mốt đây không có người tình quán nước, không có người yêu nữ sinh, chắc tôi không sống nổi (tôi nghĩ vậy). Trong cơn bàng hoàng, đầu tôi chợt lởn vởn bài thơ tôi muốn viết tặng người yêu và người tình:

Tôi đã khóc như thành đô đã khóc

Mưa chiều nay đánh đắm ngõ đi về

Dãy bàng cao u đọng chút sầu tê

Và rỏ lệ như lòng tôi đã khóc

 

Tôi sẽ chết như hoàng hôn đã tắt

Mây bay đi không cuốn được u hoài

Chớm đêm về mưa gió sẽ chia tay

Cho lá nhớ mưa buồn dâng ướt mắt…

Rồi tôi đi du học. Những năm lang thang ở xứ người, tôi đã yêu những cô gái khác, ôm ấp những bộ ngực khác, mân mê những bụi cỏ sắc màu khác, chết giấc bên cạnh những hồ ly khác. Tôi quên bẵng Tuyết. Có lúc tôi yêu đời, có lúc tôi muốn tự vận. Nhưng may mắn tôi còn sống sót về nước sống giai đoạn bi thương của xứ sở – cùng những hồ ly khác nữa của quê hương, giữa cái chết và cái sống dằng co mỗi giờ mỗi phút.

Ngày về, một nửa những người khi trước đưa tiễn tôi lên đường đã ra đón tôi. Có ba tôi, có má tôi, có Ánh, có Lộc .v.v.. Dĩ nhiên không có Tuyết. Mọi người kéo về nhà anh Ba tôi ăn mừng. Tôi mệt quá lăn ra ngủ một giấc, mơ thấy những chuyện trên trời dưới đất. Bữa chiều, tôi đang đứng bên đường rầy xe lửa, chợt ba tôi tới bên cạnh tôi hỏi:

– Ờ Kiệt, mầy còn nhớ con nhỏ Tiết không Kiệt?

Tôi giựt mình:

– Nhớ chớ ba. Tui nhớ chớ. Bộ nó còn bán quán hả?

Ba tôi lắc đầu:

– Nó đã đi lấy chồng.

Tim tôi chợt nhói. Ba tôi nói tiếp:

– Tội nghiệp! Con nhỏ đó có lòng lắm. Nó ghé thăm tao hoài và bận nào nó cũng hỏi thăm mầy.

Hai năm trước, lúc đi lấy chồng nó có lợi nhà mình lựa mua cái tủ ba buồng chở về Tân Bình. Chồng nó có tuổi, góa vợ, buôn bán coi mòi cũng khá. Năm rồi nó mang bầu nhưng rủi ro có chửa ngoài tử cung. Khi hay được đem vô nhà thương thì trễ quá cứu không kịp…

Mình mẩy tôi vụt lạnh ngắt, xây xẩm. Tôi băng qua bên kia đường Hùng Vương, đi dọc hết dãy bàng cao rồi chui vào một quán nhỏ. Bên ly bia tôi ngồi khóc lặng lẽ. Tôi muốn dằn cơn khóc mà nước mắt cứ vọt ra. Tay bưng mặt, tay ôm bụng, tôi tưởng chừng như ruột gan mình đang đứt ra từng đoạn một. Tôi giận tôi, tôi giận đời sống, tôi giận đủ thứ. Sao đành để Tuyết nhận chịu bất công như vậy? Trong lúc nàng đi lấy chồng đàng hoàng (không phải với thằng giỏi tài ba xạo như tôi), muốn làm ăn đàng hoàng, muốn có con đàng hoàng thì nàng lại lăn đùng ra chết. Chết tức tửi. Dãy bàng cao còn đó, bài thơ học trò tôi tính tặng nàng hãy còn đó, dù chẳng bao giờ nàng đọc, có đọc cũng chẳng bao giờ nàng thích:

Đốt hoàng hôn vỡ thành theo khói thuốc

Ai dày vò mà khói thuốc cong queo

Gió cuốn vội vàng mây phải bay theo

Và tôi gục ngã như hoàng hôn giẫy chết

Nhưng không phải tôi, mà là “nàng đã gục ngã như hoàng hôn giẫy chết”. Tôi thương Tuyết bạc phước của tôi, tôi nghĩ tới những người con gái bất hạnh. Không bao giờ tôi còn được cái thú viết vớ va vớ vẩn để tặng nàng như thuở còn là học trò nữa. Tuyết ơi là Tuyết ơi!

Thôi nhé em về yên Xóm Cỏ

Sự đời đã trải cuộc yêu đương

Nhớ nhau vẫy bút làm mưa gió

Cho nắm xương tàn được nở hương[1][1]./.


Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/


[1][1] Trần Huyền Trân

Bài Mới Nhất
Search