T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đỗ Xuân Tê và tác phẩm “Một Thời U Ám“

clip_image002

1.

Tác giả Đỗ Xuân Tê, cây bút một thời rất chăm chỉ, rất xông xáo của T.Vấn & Bạn Hữu vừa cho ra mắt thân hữu và bạn đọc của anh một tập sách gồm những bài viết đã từng xuất hiện trên TV&BH và các trang mạng văn chương khác. Tôi nhấn mạnh “một thời rất chăm chỉ, rất xông xáo” vì, dạo sau này, anh đã không còn “chăm chỉ, xông xáo” như xưa. Theo anh cho biết, cánh tay phải thường xuyên đau nhức đã không cho phép anh ngồi miệt mài gõ chữ trên bàn phím nữa. Có thể cũng là vì tuổi tác, vì sự mệt mỏi – cả tinh thần lẫn thể xác- mà những người ở tuổi thất thập cổ lai hy khó có ai tránh khỏi. Và cũng có thể đến lúc anh cần thời gian để “về thu xếp lại”, thu vén chút gia tài chữ nghĩa cuối đời. Đỗ Xuân Tê, như bất cứ người viết nào, hẳn cũng mong muốn có được một tác phẩm in (giấy), như một vật chứng cầm được, sờ được của đứa con tinh thần của mình.

Anh Đỗ Xuân Tê đã chọn cái tên rất thích hợp cho tuyển tập những bài viết của mình: Truyện Của Tôi – Một Thời U Ám.

Bìa sách được trình bày khá nhuyễn. Và ăn ý với tên sách, với nội dung sách. Một màu đen (u ám) làm nền. Trên cái nền đó, nổi bật hàng chữ trắng “Truyện Của Tôi”. Quả đúng như tên gọi, 21 câu chuyện làm nên nội dung tập sách cũng chính là những câu chuyện mà cuộc đời tác giả đã kinh qua xuyên suốt Một Thời U Ám.

2.

Mở đầu tập sách, trong “Đôi dòng dẫn chuyện”, Đỗ Xuân Tê viết:

Tháng tư và hệ lụy của nó, trước sau vẫn là một sự kiện buồn. Nhiều tác giả đã viết về biến cố này – bằng máu và nước mắt – qua các trải nghiệm cá nhân, được đăng tải phổ biến rộng rãi sau 30-4.

Là người trong cuộc sau cơn xoáy của lịch sử, cũng là nạn nhân của một sự trả thù vô tiền khoáng hậu, tác giả tập truyện đã viết lại bằng ngòi bút không chuyên qua các chuyện tưởng như hư cấu nhưng thật sự có dựa theo ký ức đa phần của chính cá nhân, người thân, đồng đội, đồng tù, và thân hữu – cũng là nhân chứng ít nhiều dính líu đến thế cuộc xoay vần trong nửa sau của thế kỷ trước.

Nếu như đừng có tháng tư, thì chắc các truyện này đã không được viết và tập sách này chẳng có lý do để ra mắt bạn đọc . . .

Là một người bạn đồng tù với anh Đỗ Xuân Tê trong một thời gian dài và khắc nghiệt tại trại tù Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), tôi đồng tình với những điều “dẫn chuyện” của anh. Không có tháng 4 năm 1975 với sự thất trận của miền Nam và những hệ quả không thể tránh khỏi của biến cố ấy, không phải chỉ không có một Đỗ Xuân Tê với tư cách là tác giả của hàng trăm bài viết về mọi đề tài mà phần lớn là về số phận của những người bị bứng ra khỏi gốc rễ quê hương, những người trải gần hết quãng đời tuổi trẻ của mình trong các trại tù từ Nam ra Bắc, mà còn không có rất nhiều cây viết khác, những người ít nhiều cũng chia sẻ “một thời u ám” với Đỗ Xuân Tê.

3.

Biến cố tháng 4 năm 1975 đã đẩy một số không nhỏ người Việt ra khỏi đất nước, qua nhiều thời điểm khác nhau, bằng nhiều hình thức khác nhau: di tản, vượt biên, đoàn tụ gia đình, con lai, HO v.v.

Từ ngày ra sinh sống ở hải ngọai, nhiều người (Việt) mới bắt đầu “cầm bút”. Mục đích của việc cầm bút thì có nhiều: ghi lại những gian nan thống khổ của một quãng đời đầy sóng gió từ chiến tranh cho đến tù tội, trang trải nỗi lòng của mình về vận nước hưng vong, những băn khoăn về một sứ mạng đã không chu tòan v…v. Hoặc đơn giản hơn, viết về gia đình, về bạn hữu, về con cái, về đời sống nơi xứ người, hoặc những hòai niệm quá khứ v…v. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật máy tính (giá cả phải chăng, dễ sử dụng, nhu liệu tiếng Việt trong tầm tay) và thế giới Internet mở rộng (càng ngày càng nhanh, càng rẻ) là mảnh đất mầu mỡ để ai cũng có thể có cơ hội “cầm bút”. Thế là một trào lưu những “cây viết mới” (nhưng không trẻ) nở rộ. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, không giống như những cây viết mới (và trẻ) như trước đây, phần lớn những người viết mới (nhưng gìa) sau này, không hề có tham vọng sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ. Có lẽ họ biết mình hơn ai hết. Vả chăng, thời gian có còn bao lâu nữa đâu để mong có ngày cái danh hiệu nhà văn cao quý được đứng trước tên của mình.

Nhưng không phải ai, trong điều kiện thuận lợi như đã nói ở trên, cũng có thể “cầm bút” viết nên những trang viết tương đối thuyết phục được người đọc ở lại với mình đến dòng chữ cuối cùng. Phần lớn, họ đều phải đã có sẵn “năng khiếu văn chương”, hoặc ưa thích văn chương (có nghĩa là đã đọc nhiều sách báo), hoặc ít nhất, có một “phong cách văn chương” qua lời ăn tiếng nói, qua sự giao tiếp với giới văn chương, chẳng hạn.

Thế nên, việc anh Đỗ Xuân Tê trở thành một cây viết xuất hiện tương đối khá đều đặn trên các trang báo (giấy, điện tử) hải ngoại, không hề làm ngạc nhiên những người đã từng quen biết anh. Xuất thân là một sĩ quan ngành CTCT của QL/VNCH, anh đã đảm trách nhiều chức vụ quan trọng liên quan đến các hoạt động văn hóa văn nghệ của ngành CTCT ở trung ương, ít nhiều máu văn nghệ cũng đã tiềm ẩn trong người anh, nếu không bẩm sinh thì cũng do “lây lan” khi hàng ngày làm việc, giao tiếp, với những người thuộc giới văn hóa văn nghệ chuyên nghiệp.

4.

Đến nay, bằng vào số vốn liếng tích lũy được nhờ “một thời u ám” đã kinh qua, cộng thêm với máu văn nghệ vừa tiềm ẩn vừa do “lây lan”, Đỗ Xuân Tê đã tạo được cho mình chút vốn liếng chữ nghĩa tương đối tròn trịa cho một cây bút nghiệp dư. Mỗi người, khi cầm bút, đều có một mục đích của riêng người ấy. Với Đỗ Xuân Tê, viết là để tìm sự cảm thông, chia sẻ nơi người đọc về “một thời u ám” mà rất nhiều người hẳn cũng đã từng bị thời đoạn nhiễu nhương ấy bao phủ, chi phối, hành hạ – như anh. Và với tập sách nhỏ này, Đỗ Xuân Tê đã đạt được điều mình mong ước.

Tập truyện “Một Thời U Ám” của Đỗ Xuân Tê dầy 274 trang, gồm 21 câu chuyện (có thật – Ở những chỗ có liên quan đến người còn sống đây đó, tác giả đã viết khác đi một vài chi tiết nhỏ, đổi tên, thay họ, hoặc viết tắt . . . ), về những cảnh đời, những số phận, rất quen thuộc với những ai từng sống qua “một thời u ám”, nhưng cũng rất riêng với mỗi con người, mỗi hoàn cảnh trong các câu chuyện. Bằng một giọng văn chân phương, tròn trịa, không khúc mắc, không triết lý (mà một số cây bút không còn trẻ thường hay sa đà), những câu chuyện đã được Đỗ Xuân Tê kể lại như chúng đã xẩy ra, không dụng công làm văn chương, không ngôn ngữ cường điệu tạo cảm giác, không kỹ thuật kết cấu để đẩy lên những “cao trào”. Có lẽ anh tự tin rằng, mỗi câu chuyện, tự nó đã đủ sức để giữ chân người đọc trên những trang sách của mình.

Sách do nhà xuất bản Giao Chỉ ấn hành. Và tác giả nhấn mạnh ngay trong trang đầu dẫn chuyện. “Sách in không bán, chỉ để tặng (cho bạn bè và bất cứ độc giả nào có nhu cầu cần đọc), như một hình thức lưu dấu về một thời u ám khó quên nhân bốn mươi năm nhìn lại.”

Mọi liên lạc để nhận sách xin gởi về:

thaoxdo@yahoo.com (tác giả chịu cước phí bưu điện)

T.Vấn & Bạn Hữu xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Một Thời U Ám” của Đỗ Xuân Tê đến quý độc giả trang nhà.

T.Vấn

Ngày 22 tháng 3 năm 2016

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search