T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: VĂN DĨ TẢI CÁI GÌ?

Kiệt Tấn. Đinh Cường

Kiệt Tấn (qua nét vẽ Đinh Cường)

Trong một lần ra mắt sách tại một quán cà phê nhỏ ở Sài Gòn, có một nữ tiến sĩ giảng viên trường đại học đã hỏi khó Kiệt Tấn: “văn anh muốn truyền tải thông điệp gì?”.

Ông nửa đùa nửa thật giả nhời rằng: “Tôi đâu phải chủ tịch nước mà thông điệp này nọ. Tôi chỉ là anh xe đò, gặp gì chở nấy!”.

Ai nghe cũng phải “bượt” cười*.

Cách đây 100 năm mà hỏi thế các cụ mắng cho: “Hỏi vớ vẩn! Văn dĩ tải đạo chớ tải gì nữa!?”

Cụ Nguyễn Đình Chiểu tuy đã mù nhưng cũng quắc mắt lên:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!

Nhưng hơn 50 năm trước, cụ Hồ (chủ tịch nước đấy nhé) bảo trong thơ nay phải có lửa. Còn Tố Hữu chẳng những phải có lửa mà còn có máu. Các nhà văn nhà thơ cộng sản đều thuộc nằm lòng cái thông điệp đầy máu lửa đó nên văn thơ các vị ấy toàn chở xác chết, cứ như những chiếc xe chở xác qua phường Hòa Lạc trong năm đói Ất Dậu.

Họ răm rắp theo đảng, rất đúng luật giao thông, tức là lề phải (chứ không theo lẽ phải).

Kiệt Tấn đương nhiên là không theo lề phải, mà cũng chẳng lề trái, ông cứ tà tà đi giữa đường như Bùi Giáng bị gậy đi giữa dòng xe cộ nghênh ngang.

Sài Gòn, Chợ Lớn đôi nơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn!

Ông bảo, gặp gì chở nấy, gạo cũng được mà dao găm mã tấu cũng O.K luôn.

Nhưng, đó là cà rỡn với nữ tiến sĩ chứ ông “khôn bỏ mẹ” (nhời ông), ông toàn chở những người đẹp không hà. Lúc ở quê ông chở Tuyết (bằng xe vespa), lên Sài Gòn thì theo các ông anh trời đánh chở các em đĩ (bằng xe jeep), sang Pháp hết chở người em Dianne xóm học về nhà cắt tóc se lông…, lại vào nhà thương điên chở Evelyne ra công viên ngồi mút cà rem, sang Canada chở một lúc hai nường da trắng khiến các cô em nổi ghen tơi bời, rồi lại lộn về Việt Nam cho dù không còn trẻ, chở một em gọi mình bằng ông Phật. Chiếc xe ấy cứ thênh thang trên đường như chiếc Mê Ly bụi đời của họa sĩ Lập Ngôn.

Nhưng, cũng có lúc ông dừng lại bên đường, ngồi nhặt từng chiếc lông của con vịt vàng bé nhỏ bị xe nhà binh Pháp cán, đem đi chôn rồi ngồi khóc tỉ tê đến cả buổi, chở bà bán cà rem ở trường tiểu học để nghe bà lắc chuông kêu leng keng, chở cụ bà Bắc kỳ di cư lẩn thẩn hỏi thăm nhà ông Đa ở đâu, chở bà bán đậu phụng lép ở bến phà Rạch Miễu…Và, chở mẹ ruột ở Bạc Liêu có nụ cười tre trúc đi lên chùa.

Ngoài người sống ông còn chở cả những hồn ma, hồn của những người bị giết bằng cái dao cùn đến nỗi khi bị ném xuống sông có kẻ còn ngóc đầu lên hỏi sao mầy không chịu mài dao, hồn của người bạn tên Gia mới 20 tuổi mà phải nằm giữa hai hàng bạch lạp…

Cũng trong buổi ra mắt sách đó, ông đã khóc (thật) khi bảo rằng, tôi chỉ có một chữ muốn viết là THƯƠNG mà thôi.

Đó chính là lập trường nhân bản của ông, là kim chỉ nam, là định hướng cho xã hội loài người đi lên chứ không phải định hướng xã hội chủ nghĩa đi xuống.

Nhưng cũng chính vì cái chữ Thương dịu ngọt ấy mà có lúc ông bị các nhà nữ quyền đòi đâm đơn đi kiện. Kiện ông, kể chuyện chơi đĩ với bao nhiêu trò dâm bôn tục tĩu, coi phụ nữ như một thứ đồ chơi. Trong khi các nhà văn nam như Nguyễn Mộng Giác, Đoàn Nhã Văn thì bốc ông lên tận giời nào là khỏa thân cuộc đời, nào là hơi thở phải rướn cong!

Ông không cãi, ông bảo rằng nếu phải bênh ai thì ông bênh đĩ và tình yêu mà không có tình dục thì thà chết sướng hơn. Nên những chỗ mà các nhà văn khác thập thò không dám bước vào vì tự cho mình mang một sứ mệnh “tải đạo” thì ông cứ tỉnh bơ đi ra đi vào cho đã đời du côn. Vì những chuyện ấy đã có từ khi chưa có chữ viết nhưng đã có lời.

Sáng giăng em ngỡ tối giời

Em ngồi em để cái sự đời em ra

Sự đời như cái lá đa

Đen như mõm chó chém cha cái sự đời!

Cái sự đời ấy (tiếng nói dân dã mà sao hay tuyệt) đúng là đen như mõm chó nếu nhìn dưới con mắt “tải đạo”, nhưng dưới cái nhìn “bênh đĩ”của Kiệt Tấn thì đó là “nụ hoa tình ái mướt rượt” là “động hoa vàng” “ối mê ly mê ly đời ta, chát chát xình”.

Ông không viết dâm thư vì cho rằng mình không đủ sức và đủ tài. Nhưng bảo rằng văn không dâm thì nhạt thếch, cũng như yêu mà không làm tình thì chết sướng hơn. Có điều dâm mà không tục, dâm bình thường như cuộc sống bình thường, chuyện ấy vẫn diễn ra sáng trưa chiều tối.

Cho nên, lẽ ra ông giả nhời với nữ tiến sĩ, rằng thì là, cái đạo mà bần tăng (ông tự xưng) muốn chuyển tải, chính là sống hay viết phải có tình thương. Mà tình thương phải có tình dục hay ngược lại tình dục cũng phải có tình thương.

Như vậy cái “Đạo” để tải của ông đơn giản quá, dễ hiểu quá. Nhưng hành đạo thì không dễ chút nào. Ông bảo chỉ có mấy động tác vào ra lên xuống cứ lập đi lập lại mãi làm sao không chán. Phải viết sao để người đọc chẳng những không chán mà còn thấy“đã” là cả một kỹ thuật của người đi dây trên thác Niagara, chỉ sơ sẩy một sợi tóc là rơi xuống vực, là “tiêu đời” ngay. “Đã”, có nghĩa rằng, nình ông thì khỏi phải nói, còn nếu như nình bà, ai chẳng muốn được ông yêu như Tuyết, như Dianne, như Evelyne…

Cụ Nguyễn Du binh đĩ Kiều, Bồ Tùng Linh binh đĩ chồn, Kiệt Tấn binh đĩ ta đĩ tây, tuy mỗi thời mỗi khác, nhưng đều chung một chữ THƯƠNG. Tuy có lời ong tiếng ve của các nhà đạo đức (giả), nhưng cái Đạo định hướng con người, không lấy Bác Đảng làm đầu mà lấy chữ Thương, ấy mới thực là cái Đạo mà các nhà văn nên tải.

Cổ nhân bảo văn tức là người. Chưa hẳn đúng với mọi người, nhưng với Kiệt Tấn thì không sai một ly ông cụ. Tôi may mắn được ông cùng với vợ chồng người bạn ra thăm chơi đầm Môn, tuy đã gần 80 tuổi và dù đã bị bắt buộc phải chọn Paris làm quê hương, ông vẫn là một lão nông đậm chất Bạc Liêu, ăn ít, nhưng uống rất nhiều. Lúc nào ông cũng thủ một chai, thỉnh thoảng nhấp một ngụm, cứ như đi với Dianne lâu lâu ghé môi hôn nàng đánh chụt một cái cho đỡ thèm. Ông nói ít, nhưng rất dí dỏm. Biển Đầm Môn gần như không có sóng, ông bảo tắm Đầm Môn không thích bằng tắm với “đầm”. Khi thấy ông đứng ngoài nắng, người bạn gốc bắc bảo hãy vào chỗ có bóng dâm, ông bảo tôi chỉ thích “dâm”! Qua đó, tôi biết ông hãy còn yêu tiếng Việt dù rằng đã gần nửa thế kỷ ông không còn nói tiếng mẹ đẻ. Vì yêu cho nên ông tinh tường hồn cốt của từng chữ, hiểu được cái lắt léo, cái ỡm ờ của Hồ Xuân Hương, cái “nói dzậy mà không phải dzậy” của dân  Nam kỳ lục tỉnh.

Anh bạn tôi bảo, có lần trông thấy một cụ bà bán chổi, anh ấy muốn mua bằng được cả bó nhưng không ai cho đem vào quán, thế là anh không chịu ăn uống gì, cứ ngồi khóc. Có rất nhiều giai thoại về chuyện “thương người” của ông. Như chuyện ông đem cả chiếc áo lông mới mua của vợ tặng một người không quen đang rét giữa mùa đông Paris!

Trong số những “khúc ruột ngàn dặm”, ông là người mà cuống rốn vẫn chưa lìa, người và văn của ông không hề có chút gì Tây (tuy yêu có vẻ giống Tây). Cách đây 20 năm, ông được coi như một hiện tượng trong nền văn học “bị quê hương ruồng bỏ”. Có người bảo nhất định ông sẽ đi vào văn học sử. Ông cười, không dám đâu, vào không biết lối ra thì bỏ mẹ!

Chuyện ông có đi vào văn học sử hay không thì để hậu xét. Có thể có mà cũng có thể không tùy theo cái định hướng XHCN này còn hay mất.  Nhưng văn của ông đã và sẽ đi vào lòng người đọc, là cái chắc. Như vậy là vui rồi, phải không ông bạn già?

 Khuất Đẩu

Noeel 2017

* chữ của Tản Đà

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search