T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 130)

clip_image002_thumb.jpg

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.

Bà mẹ vợ tôi, người gốc Long Xuyên, khi nói đã tự ý đổi “y” thành “i” ở cuối chữ; đôi khi nghe cũng dễ bị hiểu lầm lắm (?):
“Tịm chúng tôi có báng đủ các lọi đồng hồ đeo tai.”
“Tiệm chúng tôi có bán đủ các loại đồng hồ đeo tay.”
(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

Chữ Việt, chữ Hán

 Chữ yếm của người Việt, của cái giải yếm che ngực có thể do từ “yếm” của chữ Hán là che đậy?

Giai thoại nhà chùa

Hôm ấy Thầy chùa đi cúng cho dân, ở nhà không may bị hỏa hoạn cháy chùa. Thầy chùa buồn lắm vì không những mất chùa mà còn cháy cả cuốn kinh mà thầy đã dụng công chép tay từ nhiều năm nay, thầy chùa còn đang đứng nhìn đống tro nóng thì bỗng nhiên con chó chạy lại cắn vát áo chùng của thầy cứ thế lôi đi như muốn mách điều gì. Ra đên gốc cây Dâm Bụt thì con chó bới bới cho Thầy thấy quyển Kinh. Thì ra khi chùa cháy, sư đi vắng, con chó đã chạy được quyển kinh dấu ra đấy.

Từ đó thầy chùa ra lệnh : Nhà chùa không được giết chó là vậy .

(Đông Ngọc Hoa – Vài sự tích xưa)

Điếu thuốc lá

 Điếu thuốc lá là một trong những truyện ngắn hay nhất của Khái Hưng, cho thấy nét đa dạng trong ngòi bút của ông và tính chất mập mờ của con người. Thằng nhỏ mười tuổi muốn thử xem ông thầy bói mù có thật sự đoán biết tất cả những gì xẩy ra chung quanh mình hay không, nó bèn thử giấu điếu thuốc lá dang hút dở của ông thầy bói. Đầu đuôi chỉ có vậy. Nhưng Khái Hưng đã tạo ra một kiệt tác.

Sự bí mật mà thằng bé muốn khám phá, là đôi mắt mù, chúng ta biết rõ từ đầu, y hệt như chuyện chú tiểu Lan là con gái: bí mật Columbo. Nhưng truyện vẫn lôi cuốn không thể cưỡng lại được, bởi các sự kiện kinh hoàng nối tiếp nhau, từ lớn đến nhỏ: việc ông thầy bói trúng khiến quan Tổng đốc thoát khỏi nạn “làm ma không đầu” đến khi ông nhót trúng quân cờ, càng làm tăng ma lực hấp dẫn của ông. Chân dung người thầy bói, được trình bày qua cái nhìn ghê gớm của đôi mắt mù, với các động tác chớp nhoáng và trúng đích của một người không nhìn thấy. Cuộc đấu trí giữa đứa trẻ lên mười và người thầy bói kỳ tài đầy kinh nghiệm. Sự bí mật trong ý nghĩ và thành tích của ông Cửu Thầy.

Tất cả đều từ bình thường biến sang kỳ lạ, khiến cho người đọc có cảm tưởng chính mình là kẻ bị bịt mắt dẫn vào một không gian rùng rợn của núi Văn Dú hay một hang động bí mật nào mà sáng tối đối chất và cộng tác để tạo nên một sức ép, một sự căng thẳng chưa từng có.

(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)

Tây

Tây : riêng

(phép công là trọng niềm tây xá nào)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Họ dân gian

 Trong số “trăm họ” hiện được dùng, có chừng 30 họ là gốc Việt hoàn toàn, lúc đầu vốn là họ bộ tộc. Chúng tôi nói “họ” Việt mà không nói “người” Việt vì đến nay, mấy ai có thể chứng minh là thuần “gen” hav “máu” Việt.

Ngược dòng lịch sử, Việt tộc bị người Hán xâm chiếm, vào khoảng thế kỷ thứ IV tntởc Công Nguyên. Tử năm 1069, người Việt tiếp tục Nam tiến, chiếm toàn thể nước Chiêm Thành năm 1693 và chiếm đóng phần đồng bằng phía đông Cam Bốt tức Thủy Chân Lập năm 1759. Phần khác, nước ta từng bị nhà Hán và các triêu đại Trung quốc sau đó đô hộ cả ngàn năm, một số quân lính sang đất Giao Chỉ rồi ở lại lập gia đình sanh con đẻ cháu. Mặt khác nữa, nước ta đã từng đón nhận nhiều người Hoa đến tị nạn hoặc di trú.

Đó là lý do lịch sử của một số họ Việt gốc Hoa như Khổng, Lưu, Trương, Mai, Lâm, Lữ, Nhan, Sử, Tăng, Trịnh, Vương, v..v… hoặc gốc Miên như Thạch, Sơn, Danh, Kim, Lâm là năm họ nhà Nguỵễn đã ban cho, hoặc gốc Chàm như Chế, Chiêm, v.v… hoặc họ của đồng bào thiểu số (trong nước hiện gọi là “dân tộc”) như Linh, Giáp, Ma, Đèo, Kha, Diêu, Vi, Quách, Nông, Chữ, Ngân, Ông, Trà, Lang, Lục, Sầm, v.v…

(Tên họ người Việt – Nguyễn Vy Khanh)

Tiểu học

 Bậc Tiểu Học 6 năm:
– Lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin)
– Lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)
– Lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire)
– Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)
– Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (9)
– Lớp Nhất (Cours Supérieur)
Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire)  Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược.  Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cái ý tứ trong tiếng nói miền Nam còn thấy thể hiện qua xưng gọi người làm, người giúp việc trong nhà. Người miền Nam tránh gọi người giúp việc trong nhà là người làm, hay đứa ở đợ, con đầy tớ mà gọi là “bạn”.

Người ăn, người ở, hay bầy trẻ (thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu, có Bình Nguyên Quân (nước Triệu), Mạnh Thường Quân (nước Tề) trong nhà bao giờ cũng có mấy ngàn thực khách, đó là người ăn, người ở).

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Nhớ món ngon Sài Gòn

Hủ tíu Thanh Thế

Người bồi bàn bưng mâm ra để tô hủ tíu trên bàn, mùi nước lèo xông lên mũi, nếm thử ‘nghe’ được mùi thơm của nước lèo, thêm chút gia vị vào và cầm đũa ngay. Hủ tíu Thanh Xuân thì phải có rau tần ô, rau cần tàu, giá sống. Hủ tíu Phạm Thị Trước hay Thanh Thế cũng thế, nhưng không có rau tần ô. Riêng hủ tíu Gà Cá thì chỉ có giá sống.

Tuy nhiên, các thứ hủ tíu nếu thiếu vài miếng tóp mỡ và cải bắc thảo thì hình như thiếu mất cái gì đó. Nước lèo vừa ngọt của xương, vừa béo của chất tủy từ ống xương, thoang thoảng chút mùi của con mực, tôm khô, hào khô và củ cải. Những thứ ấy quyện vào nhau thành một thứ nước lèo hấp dẫn.

Hủ tíu bình dân thì có những xe hủ tíu bán dạo. Từ mờ sáng đến khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng rao…lòng thấy nao nao!

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (2)

 Tờ báo kinh tế đầu tiên: Nông Cổ Mín Đàm ra ngày 1/8/1901 (số đầu tiên)

Tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là tờ Nông Cổ Mín Đàm nghĩa là “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”. Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio – một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt…

Ông Trần Chánh Sắt, một trong những chủ bút của tờ Nông Cổ Mín Đàm

 Nông Cổ Mín Đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ quốc ngữ. Số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kì. Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản.

Tờ báo này ra đời theo một nghị định của Quan Tổng thống Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Ban đầu, trụ sở của tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Một thời gian sau, trụ sở thay đổi liên tục, cuối cùng tọa lạc tại số 12 đường Cap St–Jacques, Sài Gòn.

 (SNg Paris – Một tài liệu hiếm)

Chữ nghiã lơ mơ lỗ mỗ

Cũng con gà trống hoa mơ
Nó đi đạp mái hói trơ cả đầu
Hói thì hói có sao đâu
Nếu không đạp mái tóc, râu làm gì?

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nói chữ

Dần dần trên mâm rượu, thằng nào ngà ngà đến độ say, thì người ta nói nó “lên chữ”, “đủ chữ” rồi, mấy câu như “chưa vô mấy hớp lên chữ” hay “ thôi nghen, vậy là đủ chữ rồi đó, tui dề (về) a ”.

Nói chữ, xổ Nho, người miền Nam có trọng tuổi ỡ hải ngoại ngày nay chắc không quên mấy tiếng đó. Nói chữ, xổ nho khi người ta nói đến đạo lý, cái khôn ở đời, hay xử thế, xử sự mà dùng tiếng Hán Việt như “Kiến ngãi bất vi vô dõng dã”, “Tào khang chi thê bất khả hạn đường”, “chuyện Qua Lý phải tường” vân…vân… Người bình dân rất trọng người có học, ai mà nói chữ nói nghĩa thì được người đời gán cho “một bụng chữ nghĩa” hay ông đó mở miệng ra là “câu văn tự”. Anh nông dân xổ nho thì có lúc trắng trợn rỏ ràng như “ Ngồi vô trường án, vổ ván cái rầm…”, có khi thì cao siêu mơ hồ như “U minh Rạch Giá thị quá sơn trường, dưới sông cá lội, trên rừng cọp tha”. Nhưng ngày nay nếu ai đó có xổ Nho mà chêm câu “Phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc ”. Câu nói nầy có lẽ không có trong sách vở đạo Nho. Vốn nó từ Tam Quốc Chí mà 7 ra. Trương Phi vì mê uống rượu, ghét Lã Bố mà đánh vạ Tào Báo, ba vợ Bố. Báo oán hận mở cửa thành Từ Châu cho quân Bố vào. Mất thành, Trương Phi chạy gặp Lưu Bị khóc lóc đòi tự tử vì làm mất thành Từ Châu, không bảo vệ hai chị dâu. Lưu Bị mới nói “Phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc”. Câu nói nầy thiếu đạo lý, chỉ là đầu môi của bọn gian hùng tranh bá đồ vương như Lưu Bị. Thì tui xin thưa rằng đó là sai mà phải đổi lại “Huynh đệ như thủ túc, phu thê như tâm phúc”… hay câu “Bần cư náo thị vô nhơn vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm” thì tui xin chỉnh một chút “Bần cư cận xứ vô nhơn đáo, phú tại viễn phương hữu khách cầu”. Nó thích hợp với đời sống, xã hội thời đại hơn.

Đó cũng là nho chùm mỹ tửu như ai…

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Đếch 

Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nước ta có sách, báo viết bằng chữ quốc ngữ. Ít lâu sau có thêm thơ mới, tiểu thuyết.

Vũ Trọng Phụng đã đưa nhiều “phương ngữ Bắc kì” vào Số đỏ (1936) : cần đếch gì, mẹ kiếp, có xấu cái đếch ông đây này.

(Chửi thề, văng tục ! – Nguyễn Dư)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search