T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Phớt tình, tình theo

Lồng Đèn – Tranh: Mai Tâm

Khi tôi bước vào bàn tiệc, hơn mười đôi mắt trợn tròn nhìn tôi với vẻ kinh ngạc.

-Xin lỗi! tôi đến trễ vì hôm nay đông khách quá.

Đưa tay kéo cổ áo bị trễ xuống, tôi mỉm cười tươi tắn. Vài tiếng lao xao nổi lên:

-Ai! ai mà lạ vậy ta?

-Nếu gặp chị ngoài đường, chắc tôi không nhận ra. Xin lỗi… lúc này, chị lạ quá.Cứ như là người nào khác vậy.

Tôi nghiêng đầu, vuốt nhẹ đuôi tóc ôm sát ót, cười ròn rã một cách tự nhiên:

-Ồ! có sao đâu, người ta còn nói tôi lột xác nữa kìa. Ha! ha!!! . Thật sự, tôi cũng cảm thấy như thế.

-Ủa! lúc này chị làm ở đâu và làm gì mà… đông khách?

-Tôi làm việc cho một trung tâm thẩm mỹ. Tôi thật sự vui và thích công việc mới này.

Mọi người im lặng nhìn tôi với ánh mắt soi mói. Cái nhìn như muốn bóc từng mảng thịt da của người đối diện. Nếu bình thường, chắc tôi đã nóng mặt vì ngượng ngùng. Nhưng bây giờ, ngay phút giây này, tôi lại tận hưởng cái cảm giác thoả mãn lạ lùng chưa từng có.

-Chừng nào Bối trở về hả chị?

Tôi nhún vai, trả lời bằng giọng thờ ơ:

-Dạ! cũng… không biết nữa.

-Thiệt?

-Bộ từ trước đến giờ tôi hay nói dối lắm sao?

-Không phải, tại vì…

Câu nói bỏ lửng không làm tôi khó chịu, mà lại càng tăng thêm sự thích thú trong lòng. Bữa tiệc tiếp tục trong bầu không khí ồn ào với những câu chuyện rôm rả, nhưng những ánh mắt đổ dồn về tôi vẫn không thay đổi. Thắc mắc. Ngờ vực. Hoang mang.

Tôi đứng lên, đi về phía phòng vệ sinh, bấm điện thoại nhắn tin cho chị Bích Toàn “Kết quả đúng y như chị dự đoán”, trong khi phía sau tôi có tiếng thì thào:

-Kiểu này chắc tiêu thằng Bối!

 

***

-Em đã đổi việc làm mới rồi hả, sao không báo cho anh biết?

Tôi nháy mắt với chị Bích Toàn:

-Ùm! đâu có gì quan trọng, anh bận tâm làm gì, cứ đi chơi cho thỏa thích.

-Anh định… đổi vé máy bay, về sớm hơn một tuần.

-Thôi! chi cho tốn tiền. Vả lại, anh chẳng từng nói, ở bên đó vui hơn, còn về đây chỉ có hai vợ chồng, ra vào nhìn mặt nhau hoài bắt chán sao?

-Ơ!…ơ…

-Thôi! em cúp máy đây. Em có việc phải đi gấp.

-Em… anh muốn…

Tôi tắt máy, nằm lăn xuống thảm, cười sảng khoái.

-Em đã tin lời Toàn nói chưa?

-Tin. Quá sức tin nữa chứ.Nếu không có chị, chắc giờ này em đang ủ rũ, ra vào trông ngóng. Nhớ lại những lần trước, em thấy mình dại dột, phí thời gian, tiêu hao sức khỏe vì buồn bã. Cám ơn chị đã mở mắt cho em, giúp em chọn cách sống vui vẻ, tích cực, không để cho người khác nắm giữ niềm vui, nỗi buồn của mình.

-Có gì đâu mà cám ơn. Giúp được em hay bất cứ người phụ nữ bất hạnh nào, Toàn đều cảm thấy rất hạnh phúc.

Tôi nhổm dậy, nghiêng đầu nhìn chị Bích Toàn:

-Em có chút thắc mắc muốn hỏi chị?

-Thắc mắc gì? Có phải là… chị đủ tài, đủ sắc, sao đến giờ này vẫn không chịu lập gia đình? Thật sự, có nhiều người theo đuổi, trong đó có những người rất chân thành, nhưng Toàn không cảm thấy rung động trước người đàn ông nào.

Nhìn đôi mắt tròn xoe của tôi, chị Bích Toàn đưa ngón tay gõ nhẹ vào trán tôi.

-Nè! đừng nghĩ  Bích Toàn này bất bình thường như nhiều người đã đồn đãi nha. Có thể, vì Toàn là người cứng rắn và khô khan tình cảm, mà cũng có thể vì Toàn bị ám ảnh tâm lý từ hồi còn nhỏ. Nhớ lúc ba mẹ mất, Toàn mới mười lăm tuổi. Lúc ấy, Toàn sống với người chị ruột, lớn hơn Toàn mười tuổi. Cuộc hôn nhân bất hạnh của chị Ly đã để lại một ấn tượng hãi hùng trong lòng Toàn. Ông anh rể đẹp trai là một người  đàn ông hào hoa. Với ngoại hình hấp dẫn, anh ta tha hồ lăng nhăng tình cảm, nhưng lại cấm vợ không được ghen. Chị của Toàn bầm dập với nhiều trận đòn, vì cái tội dám đi bắt ghen làm mất mặt anh ấy. Lòng Toàn đau như cắt khi nhìn thấy chị mình bầm môi, tím má, có khi chảy máu mồm vì người chồng vũ phu, tàn nhẫn. Mỗi lần như thế, Toàn phải xiết chặt nắm tay để ghìm cơn nóng giận. Lần cuối cùng thì Toàn không dằn được khi anh nắm tóc chị Ly, kéo xền xệt dưới mặt đường, còn chị thì cố bò lết theo sức kéo của anh cho bớt đau. Bằng tất cả sự căm giận dồn nén từ bấy lâu nay, Toàn nhảy lên, tung một cú đá vào lưng anh ta. Trong khi anh chới với ngã xuống, Toàn bồi thêm hai cú đấm vào mặt anh, máu mũi ứa ra. Những người hàng xóm, từ đầu vẫn im lặng chứng kiến, đồng loạt ồ lên, vỗ tay ủng hộ. Có lẽ, quá bất ngờ trước hành động của Toàn -vì từ trước đến nay, ít người biết Toàn đã học võ từ lúc tám tuổi, Toàn luôn nhớ lời ba căn dặn, học võ là để tự vệ, chứ không phải để áp đảo người khác-  nên anh không chống trả nổi, chỉ lồm cồm ngồi dậy, sải chân chạy. Toàn vừa nhón gót rượt theo, chị Ly nắm áo Toàn vừa khóc, vừa nói “Em không được đánh anh Lương”. Các bà trong xóm nhao nhao “Để con Toàn đánh nó một trận cho bỏ tật ăn hiếp vợ”. Sợ Toàn nghe lời xúi giục, chị gào lên “Chuyện gia đình chị, để chị giải quyết, em không được hỗn với anh Lương?”.

Anh Lương trở về nhà sau hai ngày biệt dạng.Và chỉ qua một đêm, sáng hôm sau, chị Ly dúi vào tay Toàn một ít tiền, cúi đầu nói khẽ  “Em cầm tiền mua vé xe đò về Long Xuyên ở với cậu Tám đi”. “Là ý  của chị hay anh Lương?”. Tránh đôi mắt hằn hộc của Toàn, chị Ly ấp úng “Xin lỗi em, chị phải bảo vệ hạnh phúc gia đình của chị”.“Hạnh phúc? Chị nói thật hay tự dối gạt mình? Bị đánh đập hàng ngày cũng hạnh phúc à? Sao chị có thể chấp nhận thứ hạnh phúc lạ đời đó?”. Chị Ly nói trong tiếng tắt nghẹn “Số phận chị đã được an bài như thế rồi. Vả lại, các con chị không thể thiếu cha, em hiểu không? Em thương chị thì đừng ở đây nữa”.“Thì ra!em bị đuổi đi chỉ vì dại dột bệnh vực chị của mình”. Toàn cố kìm nước mắt, bỏ chạy, sau khi vất những tờ giấy bạc xuống sàn nhà. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Nhờ vậy mà Toàn được theo gia đình cậu Tám đi vượt biên.

-Chị đừng trách chị Ly tội nghiệp.  Mỗi người một số phận chị à!

Nét mặt chị Bích Toàn đanh lại:

-Toàn ghét những người đàn bà cam phận, thiếu quyết tâm vượt qua số phận. Khi mình thua từ bước đầu thì sẽ thua suốt cuộc đời. Toàn thích em, vì em chịu nhìn lại chính mình và dám thay đổi.

-Cũng nhờ có chị mở mắt, chứ trước kia em cũng đã từng đầu hàng số phận. Dựa theo cách sống của  chính mình, mẹ luôn dạy dỗ em “Khi có gia đình, phải săn sóc, chìêu chuộng chồng từ miếng ăn, giấc ngủ, không  được làm trái ý chồng”, nên dù bất mãn chuyện gì em cũng làm thinh chịu đựng. Chẳng hạn trong năm nay, đây là lần thứ ba Bối về Việt Nam, nhưng không bao giờ anh ấy nói với em.Chỉ một ngày, trước khi lên đường, Bối mới bảo em sắp xếp hành trang cho anh.Điều này làm em cảm thấy bị tổn thương. Và khi em đặt câu hỏi thì Bối quát tháo một cách giận dữ. Em không muốn cãi vã, nên cố gắng nhịn nhục, và suốt thời gian Bối vắng nhà, em sống trong tâm trạng ngờ vực, buồn bã, chán nản. Chán nản đến nỗi không muốn nhìn vào gương, để khỏi phải nhìn thấy mình trong đó với khuôn mặt nhợt nhạt, tóc tai lùi xùi được cột túm lại bằng một sợi dây thun màu xám xịt.  Cho đến khi đi theo Việt Hằng, nghe chị nói chuyện về đề tài “Ý chí vượt qua số phận”và ngưỡng mộ chị, một  người phụ nữ  xinh đẹp, mạnh mẽ, tự tin.  Chính chị đã làm cho em thức tỉnh để nhận ra mình đã đánh mất bản thân kể từ ngày lấy chồng. Rồi em nhớ đến câu nói của Bối như dao cứa mỗi khi em muốn mua một món trang sức hay một chiếc áo đắt tiền “Đồ ra đồ, người ra người. Những thứ này chỉ tổ tốn tiền, chứ không làm cho em sang trọng và đẹp đẽ hơn đâu”. Câu nói cay độc đó nhận chìm em trong mặc cảm thân phận. Ngược lại, cũng bằng một câu nói, nhưng chị  đã  đánh thức em sau cơn ngủ mê “Toàn rất thích khuôn mặt của em. Thật ra, mắt, mũi, miệng của em không có gì đặc biệt, nhưng nó lại kết hợp hài hòa để tạo thành một nét rất lạ. Hôm nào, ghé qua trung tâm thẩm mỹ của Toàn đi, Toàn sẽ trang điểm cho, để em nhìn thấy nét độc đáo của mình”.  Thú thật, em không tin lời chị, nhưng vì tò mò nên em muốn thử. Và sau những đêm soi mình trong bóng đêm với những phân vân, ngần ngại, em quyết định làm một cuộc cách mạng.  Quả thật, em không dám tin người phụ nữ xinh đẹp với mái tóc được cắt tỉa khéo léo, với khuôn mặt trang điểm sắc sảo, với chiếc áo đầm  ngắn, màu hồng đậm, bó sát thân hình thon thả để lộ cặp chân dài thẳng tắp trong tấm gương trước mặt  chính là em. Thật là một sự thay đổi tuyệt vời. Có đôi lúc, em hoang mang tự hỏi, sự thay hình, đổi dạng này có quá đáng không? Nhưng em lại nhớ lời chị nói, làm đẹp bản thân không đồng nghĩa với việc đánh mất đạo đức. Làm đẹp bản thân nhưng vẫn làm tròn trách nhiêm người vợ, chăm sóc chồng con chu đáo thì đó là cách giữ gìn hạnh phúc gia đình tuyệt hảo nhất.

Chị Bích Toàn nheo mắt cười đắc ý:

-Trời! không ngờ cô học trò của tôi thuộc bài làu làu. Nhưng khoan đã, phải chờ xem kết quả có xảy ra đúng như Toàn dự đoán không rồi hãy khen. Bây giờ, hãy vào trong thử bộ quần áo này rồi hai chị em mình ra phố dung dăng, dung dẻ cho thiên hạ lé mắt chơi.

Tôi bước theo chị  Bích Toàn mà trong đầu vẫn nhớ như in lời khuyên bảo của chị  sau khi nghe tôi bộc lộ niềm tâm sự “Em hãy nhớ,  mình làm đẹp là cho  chính mình, chứ không vì ai hết, nên phải bỏ ngoài tai cái luận điệu cũ rích, có chồng rồi còn muốn ai nhìn nữa mà diện. Bởi vì, khi biết mình đẹp, em sẽ cảm thấy tự tin hơn. Đó cũng là một trong những phương cách giữ chồng. Điều quan trọng là đừng để cho người đàn ông của em nhìn thấy em lụy vì tình.  Em phải xác định rõ ràng, tôi yêu anh và có thể hy sinh tất cả vì anh, nhưng tôi sẽ không lụy vì anh, nếu anh không biết xem trọng tình nghĩa vợ chồng.  Một mai, có lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, đừng ôm gối khóc thầm mà hãy đứng dậy, chưng diện thật đẹp, lái xe ra phố nhìn thiên hạ, để thấy trong thiên hạ cũng có người dừng lại ngắm mình, tức khắc nỗi buồn sẽ biến mất.  Đừng tự đày đọa khi mình đã bị người khác đày đọa.  Hãy thử suy nghĩ theo cách nghĩ của Toàn. Biết đâu, em sẽ khám phá ra chính con người của mình có những ưu điểm mà mình không biết hoặc bỏ quên.

Và tôi đã tin chị Bích Toàn như một tín đồ ngoan đạo.Tôi theo chị đi khắp nơi để xem trình diễn thời trang, dự những lớp dạy trang điểm, học cách đi, cách đứng, cách giao tiếp để trở thành người phụ nữ duyên dáng. Những khám phá mỗi ngày cho tôi niềm vui và sự tự tin đến nỗi tôi đã từng nghĩ, nếu một ngày nào đó Bội nói với tôi “Anh muốn ly dị”, như bạn bè đã từng hù dọa tôi, mỗi lần nghe tin Bối về Việt Nam một mình, tôi sẽ bình tĩnh trả lời với nụ cười thản nhiên, lạnh lùng “Nếu anh thật sự muốn điều đó, ngay bây giờ mình có thể đến văn phòng luật sư”.

Tôi không hình dung được thái độ của Bối, nhưng trong lòng lại cảm thấy nhẹ nhàng chứ không nặng nề, lo âu như trước kia.

 

***

Đúng như chị Bích Toàn quả quyết, Bội trở về nhà sớm hai tuần chứ không phải một tuần như đã nói. Nhờ chuẩn bị tinh thần trước, nên tôi không chút bối rối khi thấy Bối ngồi xem TV nơi phòng ăn, lúc vừa bước vào nhà.

-Ồ! anh về sớm sao không báo trước để em đi đón?

Tôi tựa lưng vào bàn, hai chân bắt chéo, một tay khoanh trước ngực, một tay cầm ly nước đưa lên môi. Đôi mắt Bối không rời khỏi tôi, người vợ đã chung sống hơn năm năm mà giờ đây -có lẽ- anh cảm thấy lạ lẫm với ngoại hình quá mới mẻ.

-Vì anh muốn dành cho em sự bất ngờ.

Dọn một nụ cười duyên dáng, tôi nheo mắt:

-Bất ngờ cho anh hay bất ngờ cho em?

Bằng ánh mắt nghiêm nghị, Bối hỏi tôi:

-Sao em đổi việc làm mà không hỏi qua ý kiến của anh?

Tôi ngửa mặt nhìn lên trần nhà, nói bằng giọng nhẹ nhàng:

-Vậy! mấy lần về Việt Nam, có khi nào anh hỏi ý kiến của em không?  Đừng lặp lại câu nói “em là vợ hay là mẹ mà muốn kiểm soát tôi”. Xưa như trái đất rồi anh ơi!

Bối tái mặt, hỏi gằn:

-Em muốn trả đũa anh?

Tôi vẫn ngọt ngào với nụ cười tươi:

-Không phải trả đũa mà là “thực thi sự công bằng”.

Khác với sự tưởng tượng của tôi, Bối không nổi giận như vẫn làm như thế mỗi khi có điều gì không hài lòng. Anh đổi thái độ mềm mỏng:

-Đúng như bạn anh nói. Em thay đổi nhiều. Phải công nhận, bây giờ em rất đẹp.

Tôi đoán không sai khi Bối đặt câu hỏi về việc làm mới của tôi trong lần gọi điện thoại về, trong khi tôi chưa hề nói với anh về sự thay đổi đó. Ngoài người bạn đã từng chắt lưỡi báo động “kiểu này chắc tiêu thằng Bối” trong bữa tiệc hôm nọ còn ai nữa.Tôi mỉm cười khoan khoái, không những không trách móc, mà còn thầm cám ơn anh ta.

-Lúc này em chịu khó ăn diện ghê!

Tôi nhìn thẳng vào mắt Bối, nói rõ ràng từng câu, từng chữ:

-Bấy lâu nay em hà tiện, không dám mua, không dám sắm cho bản thân mình, trong khi anh lấy tiền về Việt Nam vung vít, tiêu pha cho người khác. Nghĩ lại, em thấy mình thật dại, nên bây giờ em phải “thực thi sự công bằng”.

-Anh không xài tiền cho ai hết. Anh cũng không làm điều gì có lỗi với em. Chỉ là anh muốn gặp gỡ, vui chơi với đám bạn cũ.

Cái lối phủ nhận quyết liệt, đỏ mặt tía tai, theo thói quen mỗi khi bị ai gán cho Bối những việc anh không làm, nên tôi tin là anh nói thật, nhưng vẫn cứng giọng:

-Chuyện anh làm chỉ có anh biết. Chưa chắc mẹ và các chị bên nhà biết  được, còn em thì lại càng mù tịt. Nói thật, bây giờ em không tin ai hết mà chỉ tin chính mình và sống cho mình. Em sẽ làm những gì em muốn và thích, như anh đã từng làm như thế. Đó là em đang “thực thi sự công bằng”.

Bối nhìn tôi với một chút bàng hoàng.Vẻ hung hãn thường ngày bỗng dưng biến mất, Bối  nhìn tôi một cách e dè.

Cũng từ ngày ấy, Bối đối xử với tôi mềm mỏng hơn, lịch sự hơn. Tôi không hiểu trong đầu Bối suy nghĩ gì khi đôi lần tình cờ bắt gặp anh đang ngắm tôi bằng ánh mắt dịu dàng, ẩn chứa sự hài lòng trong đó.

Có lần, tôi nghe Bối trả lời cho người bạn gọi sang từ Việt Nam “Chắc không về được đâu. Đi hoài có ngày mất vợ mày ơi!”.Chị Bích Toàn cười dòn trên điện thoại khi nghe tôi kể lại.

-Toàn đã bảo rồi mà, theo tình tình bỏ, bỏ tình tình theo. Bây giờ em đã tin chưa? []

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

Bài Mới Nhất
Search