T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 5)

Những nhà văn miền Nam

Theo sự tìm tòi của Nguyễn Văn Trung gần đây, bộ môn tiểu thuyết xuất hiện ở trong Nam sớm hơn ngoài Bắc chừng ba, bốn chục năm.

Vũ Ngọc Phan không hề biết; ông nói về Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn…như những người đi tiên phong, mà không kể đến những Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắc, Trương Duy Toản, Trần Chánh Chiếu v.v..

Sau lớp tiên phong, đến lớp nhà văn tiền chiến các cây bút trong Nam cũng không được chú ý bao nhiêu. Trong bộ Nhà văn hiện đại có 79 tác giả, gốc Nam Kỳ cũ được 4 người. Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân có 46 tác giả, người Nam chỉ được một cặp ông bà Song Hồ (*).

(Phụ chú: (*) Đông Hồ chứ không phải Song Hồ)

 

Giòng hay dòng

Thụy Khuê, nhà phê bình văn học, với bài viết “Nhất Linh, Giòng Sông Thanh Thủy” . Trong bài bà đổi tên tác phẩm Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh từ Giòng thành chữ Dòng với lời chú thích như sau:

“Nguyên tựa của Nhất Linh là Giòng Sông Thanh Thủy, chúng tôi sửa lại là Dòng Sông Thanh Thủy cho đúng chính tả”.

Đọc lời chú thích đó chúng tôi phân vân tự hỏi Thụy Khuê theo chính tả nào và chính tả nào là đúng? Viết “Dòng” đúng chính tả vậy viết “Giòng” có là sai chính tả hay không? Nếu chữ “giòng” viết nhỏ trong một câu văn ta không chú ý nhưng nếu đã thành tên một tác phẩm in chữ lớn ngoài bìa như Giòng Dõi (Học Phi), Bên Giòng Lịch Sử (Linh mục Cao Văn Luận), Giòng Lệ Thơ Ngây ( Thanh Nam), Dòng Sông Đinh Mệnh (Doãn Quốc Sỹ) là sự tự do lựa chọn của các tác giả, chúng ta chấp nhận cả hai mà không coi là sai.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

 

Phỉ phong

Ngần ngừ nàng mới thưa rằng

Thói nhà băng thuyết chất hằng phỉ phong

(Kiều – Nguyễn Du)

Rau phỉ và rau phong. Chỉ nhà nghèo ăn hai thứ rau “tập tàng” này.

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

 

Trích…“Tập làm văn”

Đề tập làm văn: Miêu tả về bố

Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.

 

Một lần thì kín, chín lần thì hở

Trong tiếng Việt, bên cạnh những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa là nghĩa đen (Ví dụ: Trời nắng, cỏ gà trắng thì mưa) hoặc nghĩa bóng (Ví dụ: Gió Sơn Tây trúc cây Hà Nội).

Câu Một lần thì kín, chín lần thì hở” có hai nghĩa đen lẫn nghĩa bóng:

Nghĩa đen: Người khéo gói một lần là kín, người vụng gói nhiều lần vẫn hở.
Nghĩa bóng: Việc làm vụng trộm nhiều lần sẽ bị phát hiện, không thể giấu giếm được.

(Phan Trọng Hoa – Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ)

 

Tiếng Việt dễ mà lại khó

Hỏi : Bác Nguyên ơi…làm phiền bác cho em hỏi tiếp câu này bác ơi. Số là trưa nay em có xem chương trình cải lương trên TV của SBTN. Trong trích đoạn hát nói về Bao Công; “Người phụ nữ mù vì bị hàm oan, có kêu đứa con đi gọi Bao Công để nói chuyện. Đứa con lúc đầu không chịu đi nên người Mẹ tức giận nói câu “Ngu phu chi tử”.

Chữ Nho “Ngu phu chi tử” đây nghĩa là gì vậy bác? Cám ơn bác thêm lần nữa ạ.

Đáp : Đây làm gì biết chữ nho chữ táo! clip_image002

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Văn chương Quốc ngữ

Năm 1887, văn chương sáng tác đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ là cuốn tiểu thuyết tâm lý ái tình Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản chỉ có 32 trang, được nhà xuất bản Jean Linage xuất bản tại Sài Gòn.

Sau Nguyễn Trọng Quản, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt là Hồ Biểu Chánh từ năm 1912 đên 1931 có tới 18 tiểu thuyết, và U Tình Lục viết bằng 1790 câu thơ lục bát.

Ở ngoài Bắc, mãi đến thập niên 20 mới có những tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ. Hai tác phẩm đánh dấu cái mốc của giai đoạn này là Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách cùng xuất hiện năm 1925.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

 

Ăn vóc học hay

“Ăn vóc” có nghĩa là ăn khoẻ. Thực ra, vóc là một từ Việt gốc Hán mà âm Hán Việt hiện đại là úc, có nghĩa là thơm, ngon. Vậy tất nhiên là vóc cũng có cùng nghĩa đó và ‘’ăn vóc’’ tất nhiên có nghĩa là ăn ngon. Cũng là úc, có nghĩa là dáng dấp, dung mạo, thì người ta sẽ dễ dàng thấy rằng (ăn) vóc ~ úc là thơm, ngon.

Tóm lại, vóc trong “ăn vóc học hay” là một từ cổ và từ cổ này có nghĩa là thơm, ngon.

Vậy “ăn vóc học hay” không có nghĩa nào khác hơn là ăn ngon, học giỏi. Đây là một thành ngữ dùng để nói về những người học trò mà cái sự học xứng đáng với cái sự ăn, nghĩa là sự dùi mài kinh sử xứng đáng với sự nuôi nấng chu đáo của cha mẹ.

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

 

Sống, mái

Người Bắc gọi gà trống là gà sống. Gà sống là chồng gà mái.

Vậy mà “một trận sống mái” lại có nghĩa khác là “một mất, một còn”.

Chứng tỏ ở đâu có “sống mái” là có…“một mất một còn”.

{Biết đâu lại đúng! – Thì cũng thường thôi…)

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

 

Xa lắc…

Để tả cái xa lơ, xa lắc của Cao Bằng, một tỉnh thượng du Bắc Việt, người dân quê có câu hát:

Cao Bằng, Cao Bẳng, Cao Băng

Cao lên tỉnh Lạng, cao bằng ngọn tre

Để chỉ cái không thể mường tượng của một vùng đất hoang vu, hoang dã thành ngữ có câu:

“Chó ăn đá gà ăn muối, khỉ hogáy

Khi mà ho, cò mà gáy là những gì chưa ai thấy và nghe.

 

Tiếng Tầu, tiếng Việt

Nghĩa tiếng Tầu đôi khi…hiểu lầm nhau. Như:

Lang thang với Tầu là dáng áo dài lòa xòa, phất phơ. Với Việt hiểu là…”đi phất phơ”.

Triền miên với Tầu là quấn quýt nhau. Với Việt hiểu là…”kéo dài mãi không dứt”.

Thủy tinh với Tầu là tinh thể silic loại tốt. Pha lê là tinh thể silic loại…xòang.

Với Việt thì ngược lại: Pha lê mới tốt. Thủy tinh là đồ…ve chai.

(Eo ôi! Phiền! Sẵn trớn nói bừa, e nhầm to)

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

 

Ca dao và lịch sử

Qua nhiều tiểu luân, nhiều tác giả đã viết:

Khi biết Đào Duy Từ vào Nam theo chúa Nguyễn, Trịnh Tráng lẻn cho người mang lễ vật đến tặng Đào Duy Từ để chiêu dụ. Tương truyền còn “làm” bài ca dao nhắn gửi:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng anh tiếc lắm thay

Cũng qua ca dao, Đào Duy Từ thoái thác chúa Trịnh:

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng, như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra

Nhưng theo một tài liệu khác thi để thoái thác, Đào Duy Từ nhớ đến tích đời Đường có Trường Tịch và Lý Sư Đạo có hoàn cảnh tương tự như vậy. Trương Tịch làm bài thơ Tiết phụ ngâm trả lời câu có câu đầu: “Quân tri thiếp hữu phu” (Em có chồng, chàng đã biết) và câu chót là: “Hận bất tương phùng vị giả thi” (Phải chi gặp gỡ lúc chưa chồng).

 

Chữ nghĩa tiếng Việt

Thời nhà Nguyễn có cuộc di dân, họ mang tiếng “vào”…vào miền Nam. Tiếng “vào”, người miền Bắc vay, mượn thổ ngữ của người Mán, Mèo thượng du Bắc Việt.

Người trong Nam kêu là “vô” (âm ngữ miền Nam đọc là “dô”).

Hiểu theo nghĩa là người miền Nam vẫn giữ cổ ngữ Việt mà họ đã mang theo.

 

Kỳ phùng địch thủ

Nghĩa là hai đối thủ tương đương với nhau.

Chữ “kỳ” đây trong tiếng Hán viết như kỳ trong “tượng kỳ” (cờ tướng) và “phùng” là gặp nhau. “Kỳ phùng” là cuộc gặp gỡ lạ thường, khác thường.

Khởi thủy “kỳ phùng địch thủ” chỉ cho hai tay đánh cờ tướng không mà thôi.

(Duy Lý – báo Tự Do)

 

Truyện cực ngắn hay truyện chớp

Thổi sáo

Từ đó về sau, mỗi lần làm tình với chồng, Mỵ Nương lại nhớ tiếng sáo của Trương Chi.

 

Mua vui cũng được một vài trống canh

Câu thơ trên không hẳn để chỉ cho Truyện Kiều với Nguyễn Du, mà phần lớn các truyện Nôm tại Việt Nam đều kết thúc bằng ý thơ tương tự.

Trong Nhị độ mai: “Biết bao lời kệch tiếng quê / Thôi thôi bất quá là nghề mua vui.”

Trong Bích câu kỳ ngộ: “Cũng xin góp một hội cười / Cùng mua mấy trống canh vui gọi là.” Trong Phù dung tân truyện: “Lời quê chắp chảnh nên câu / Chép làm một truyện để sau mua cười.”

(Nguyễn Hưng Quốc – Tâm sự…phê bình)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search