T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Người chết không nói…

     

       Lão có người bạn trẻ vừa chết!

Chết không hẳn là hết chuyện, bởi nhẽ các cụ nho gia ta xưa có câu kinh điển sinh vi quá khách, tử vi quy nhân, thiên địa nhất nghịch lữ, đồng bi vạn cổ sầu mà người bạn trẻ diễn nôm là sinh ra là khách qua đường, chết là người trở về, đất trời chỉ là quán trọ, thương thay cho hạt bụi ngàn năm. Người bạn trẻ của lão còn góp nhóp thêm rằng cuộc đời chỉ là quán trọ, thân phận của lữ khách trong nỗi thăng trầm là được hay mất. Đứng giữa hai con đường, tha nhân không thể cùng một lúc đi hai ngả mà phải chọn một.

Giữa hai con đường như ngày thường và ngày lễ. Người bạn trẻ nhè chọn…ngày Tết để chết. Giữa địa táng và hỏa táng lại chọn…lò thiêu. Vì sau khi thiêu nhà táng cho vào máy nghiền, chỉ còn chất calcium, đen hay trắng, không mùi vị. Cốt xương chả là gì hết, chỉ là chất âm, trở về với nguyên tố đất, nước, gió, lửa, thưa bạn đọc.

Bạn đọc ngẫn ngãn rằng “người” là giống gì mà nhiều sự quá thể vậy!

Dạ xin thưa, người bạn trẻ qua đây khí hơi trễ tràng: Số là 75, giang hồ nửa gánh giang sơn một chèo nơi long chầu hổ phục Long Giao. Sau mò ra tới tận núi rừng Việt Bắc. Vào lại Nam. Hết tạm cư chốn đất lành chim đậu Chí Hòa. Đến ngụ cư ở thổ ngơi địa linh nhân kiệt Phan Đăng Lưu. Vì tội gián điệp và tuyên truyền phản cách mạng.

Lộng ngôn về người bạn trẻ ư: Đại loại người thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự. Bởi thông thiên bác cổ thế: Thế nên trong chốn làng văn xóm chữ kêu réo người là “Tự điển sống”. Văn sách thêm chút nữa: Đại thể người bạn trẻ là dân làm văn, làm báo, nên bạn đọc cho là có hơi nhiễu chuyện cũng chả sai quấy là bao.

Bạn đọc lễnh đễnh thêm “người” thông thiên bác cổ thế nào chăng?

Ừ thì như tháng trước, người bạn trẻ ghé Thạch trúc gia trang, nhân năm hết Tết đến, bèn đốt điếu thuốc, tiện tay khui chai rượu lỳ một lam làm một ly. Nho táo, nho nhe với chữ nhất bẻ đôi không biết! Vậy mà câu “Tửu lạc vong bần”, lão phang ngang bửa củi là uống rượu với…lạc rang húng lìu, chạy trời không khỏi nắng nghèo là cái chắc. Người bạn trẻ câm như thóc ngâm và nhìn lão như nhìn người cõi trên.

Đang khi vui lọ đàn phách mà đã sớm về với thiên cổ, lão khăn gói gió đưa thăm người bạn trẻ chết…trẻ ở nhà quàn Vĩnh Phước. Bước vào tiền sảnh, cạnh bộ “sa lông” là cái giá vẽ, có bảng yết thị “Cáo phó”, đập vào mắt lão cái pháp danh: Chân ngã.

Lão bật ngửa người chịu chết nghĩ không ra mới hôm nào chân nam đá chân xiêu, vừa nằm xuống chưa nóng chỗ. Chưa kịp để tha nhân cái quan định luận đã thửa được cái pháp danh làm chiếu khán lên niết bàn ngay. Hay thật. Thật là hay chứ đâu có đùa.

Bước tới bàn thờ, nhìn bức ảnh chân dung người bạn trẻ. Mặt như cuốn tự điển đeo kính trắng bự sự trông cũng kinh điển lắm. Chợt nhớ năm xưa người bạn trẻ dặn dò lệ cúng bái của người Khổng Khâu là vái người sống ba vái, vái người chết hai vái. Nom dòm thấy chết chắc rồi, bèn kính cẩn vái hai vái. Bước qua nơi người bạn trẻ nằm an giấc nghìn thu. Dòm nom thấy người bạn trẻ đội mũ vàng, mặc tăng bào nhà Bụt cũng mầu vàng. Lão có “cảm giác” người bạn trẻ của lão chả…văn nhân tí nào.

Không những chả văn nhân, văn vẻ mà lão còn bị tra tấn chữ nghĩa với pháp danh Chân ngã. Chả là vì đau chân há miệng, lão há miệng thở ra vì lão tuổi Thân nên đeo cái “ngã” của Tôn Ngộ Không: Ngã chấp, ngã mạn, ngã tham, ngã ái, ngã dục, ngã sân, ngã si…ngã gì gì đi chăng nữa, chung sự cũng là…vô ngã. Nên lão cứ an nhiên tự tại để mình phiêu lãng quên mình lãng du. Với vô ngã, hậu sự lão chả vất vả với cái pháp danh. Đang phiêu bồng đến nơi chốn này, hiền thê bạn đi tới đưa một xấp giấy nói là “Di cảo” mà người bạn trẻ trăn trối đưa tận tay lão. Ủa chuyện gì thế này? Lão trở ra tiền sảnh có bộ “sa lông” và ngồi xuống tụng như tụng kinh. Hóa ra, di cảo của bạn là dẵm lại lối mòn xưa cũ với tử vi quy nhân, hiểu theo người bạn trẻ là…người chết trở về.

Mới đây non tuần, ngồi ngoài vườn chén tạc chén thù. Khi không lão đan lồng nhốt kiến tới Vũ Bằng những ngày còn sinh thì, hiểu là những trần ai khoai củ mà nhà văn phải hứng chịu khi còn sống nhăn. Người bạn trẻ vặc lão là theo tự điển Paulus Của “sinh thì” là…chết ngắc. Sốt tiết, lão ra cái điều trên thông thiên văn, dưới thuộc lòng địa lý như ai, bằng vào sự thể ai cũng phải chết qua câu “Hạc nội mây ngàn”. Người bạn trẻ nhấm nhẳng rằng ý câu này là nay đây mai đó, không biết bao giờ mới gặp nhau. Người bạn trẻ dỗi, không tửu lạc vong bần với lão nữa và cút về. Ấy vậy mà cũng chịu khó ngoái cổ lại nhắn nhe “rình sinh thì”, theo tự điển Alexandre de Rhodes là…sắp chết hay…gần chết. Người bạn trẻ về rồi, lão điện thoại hai, ba ngày chả thấy tăm hơi đâu.

Nên lão nghĩ dại lỡ…hạc nội mây ngàn thì…chả biết bao giờ mới gặp nhau.

***

“…Bút Nam Tào, dao thầy thuốc, hiểu theo nghĩa tha ma mộ địa Nam Tào giữ sổ sống chết con người ta. Dao thầy thuốc là con dao xắt thuốc bén ngót, chỉ việc sắc bén, rõ ràng, không có chuyện che giấu. Hiểu theo nghĩa chung sự là tôi chết. Đã chết thật rồi. Nằm chết như mơ, mình không manh áo nên có gì phải giấu giếm.

Nhập gia tùy tục mà gia đây lại là…nhà quàn, vì mấy ai tới nhà quàn vào ngày Tết. Thế nên tiện nội eo sèo nhân thế với họ hết sức mà không đổi được qua tuần sau. Nếu tôi còn sống, tôi sẽ nói với tiện nội tôi rằng thôi, đáo giang tùy khúc, người Việt ta đâu khúc mắc chuyện Tết tiếc. Vả lại, từ lễ nhập quan đến lò thiêu, nhà đòn phải tống táng người chết trước đi trước, hậu sự với người sau đi sau. Chịu thôi. Với lại, ai đó nói rằng mơ thấy chết là may, thấy đẻ đái mới sợ. Tết nhất, tới nhà quàn ngắm người chết mà thấy mình còn sống nhăn răng cạp đất, thì may mắn là cái cẳng.

Khách khứa đang lục tục đến, đúng cái lúc tôi đang ngứa ngáy với bộ “com lê” còn mới. Chán thật, bởi tiện nội chẳng biết gì sất cả, vì cứ theo giáo điều nhà Bụt người chết phải mặc quần áo cũ. Không nên mặc quần áo mới. Vì như vậy, làm như ra cái điều vẫn còn luyến tiếc những phù hoa phù vân của đời tục lụy nên chẳng chịu về cõi cực lạc cho khổ. Cũng như trong đám ma, đừng có gào lên khóc lóc níu kéo người chết. Vì hương linh người chết bị giằng co, vướng víu không siêu thoát được, mà ở lại cũng không xong. Nào đâu có xong, vì tôi đang muốn đục tụi nhà quàn một quả. Thằng người tôi nằm trong áo quan tự thấy dị hợm gì đâu. Tôi ngượng: Vì lỡ chết rồi làm sao mà kèo nhèo được. Nhà quàn một ngày như mọi bữa, họ tô son đánh phấn thằng người chết tôi giống y chang đàn bà con gái. Là nam nhân, tôi ngượng là thế. Mọi người đến chào hỏi tôi, người nào cũng buồn nhiều hơn vui làm như nhà mình có đám nên ai nấy đều ngậm tăm. Trừ hàng ghế cuối, có hai ông đang rì rầm nói chuyên văn chương thiên cổ sự:

– Nghe nói Vũ Bằng làm cho Việt Tấn Xã?

– “Lúy” về Việt Nam rồi hả?

Hai ông yên ắng, ngồi thẳng, hai tay trên gối, mặt nghiêm và buồn.

Ha! Nói chuyện văn chương thiên cổ sự còn ai trồng khoai đất này. Tôi đây chứ ai. Trước kia cụ Vũ nhằm vào cái tuổi bất chi lão tương chi, là bạn vong niên, vong đây là quên, cụ Vũ tâm đắc là nên quên tuổi tác. Vì vậy với danh bất chính ngôn bất thuận, cụ cứ huynh đệ tương giao cho đúng nghĩa…bạn vong niên. Nhưng tôi là kẻ hậu bối phải tương kính tri tân, thêm bằng hữu mãn thiên hạ tri kỷ năng kỳ nhân, từ đó thiên cổ chi mê tôi với cụ Vũ tri giao quái ngã. Nhà cụ ở số 476 đường Trịnh Minh Thế. Cách xa cầu Tân Thuận, không phải dưới chân cầu như Tạ Tỵ viết. Cụ Vũ là người trọng tình bằng hữu, một ngày tới thăm, cụ đi vắng. Tôi để giấy lại. Ngay hôm sau cụ mò tới nhà để đáp lễ, cũng không ngoài chuyện…tương kính tri tân.

Cụ là người sành về việc ăn uống như cụ Nguyễn Tuân. Như khi tôi hỏi chuyện cụ Nguyễn với tịch bất chính bất tọa, với thịt thái không vuông không ăn, chiếu trải không vuông không ngồi. Ngẫu hứng là cụ Nguyễn luận rằng ăn phở, phải húp hết nước “xuýt” mới là người sành ăn. Cụ Vũ cho rằng đấy là cách cụ Nguyễn làm dáng không phải lối. Vì thiên hạ xấu miệng sẽ cho là xấu ăn, xấu thói. Mà thói thường, người Hà Nội ngàn năm văn vật có thói quen khi ăn để phần thừa lại chút ít. Lại nữa, năm nay là năm con ngựa, theo cụ Vũ không nên…cạn tàu ráo máng như ngựa…”.

Khiếp! Người bạn trẻ của lão di cảo, di ngôn gì mà hành ngôn hành tỏi hàn lâm quá thể. Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, lão bèn đào sới ra là trong khi thiên hạ sự mặc quần áo Tây, Nguyễn Tuân mặc áo gấm huyền, đội khăn; mùa nực cầm cái quạt đánh chó chết để phe phẩy. Đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa, mà chỉ ăn có hai chân thôi, còn cả con chim thì ngoắt phổ ky lại bảo đem cất giùm vào bếp. Trộm thấy chả nên mang chuyện “văn chương quán nhậu” vào nơi chôn cất con người ta. Lão trở lại với những trang di cảo:

“…Trên bàn thờ cạnh áo quan, ảnh chân dung tôi …lộng kiếng thếp vàng. Chẳng bản lai diện mục thằng người nằm trong áo quan tí ti ông cụ nào. Ảnh cũ, hồi tôi mới nhập thế cục bất khả vô văn tự vào Văn Khoa. Trẻ măng, chưa có râu.  Chẳng biết khi khách vãng lai đi qua, nhìn thằng người chết lần cuối, có nhận ra thiên cổ chi mê tôi không. Có tới ba cái tôi: “tôi” xác chết trong áo quan, “tôi” trong chân dung, và “tôi”, người chết rồi nhưng vẫn còn âu sầu nhân thế với nhất hữu ly biệt, thiên lý tống tiễn…Chẳng biết “tôi” nào là tôi thật, tôi giả.

Lão ngộ chữ tới…thăm viếng. Tôi đã câu đọng chữ thừa với lão rồi: Thăm viếng là đi thăm người sống. Viếng là đi viếng người chết. Mà viếng người chết không nên vác cái máy ”Canon” to đùng. Vì rằng tiện nội thấy cái máy có ống kính như nòng súng khẩu “cà-nông” là như lân thấy pháo. Y chang, tiện nội tôi nói lão bắt vào ống kính vài tấm nơi vãng cảnh, vãng phần. Tôi nghe lão ngộ chữ bấm tách tách.

Ngó lão ngộ, tôi lại nhớ tuần trước ngồi ngoài vườn chén chú chén anh nghe lão búi xúi về cụ Vũ với Thương nhớ 12. Hốt nhiên tôi nhớ một lần hỏi cụ nhân vật một thương hai nhớ trong tác phẩm. Cụ hóm hỉnh cười và hứa kể khi có dịp. Nhưng theo thiên cổ chi mê tôi hóng hớt chuyện văn chương thì đây là một chuyện tình đẹp của Hà Nội một thoáng hương xưa. Vì nhân vật “Quỳ” là cảm hứng cho những trang văn của cụ.Tuy nhiên sau này tôi hong hanh hay biết gia cang cụ Vũ:

Cụ nghiện á phiện nặng, nhưng may nhờ bà Quỳ săn sóc, khuyên nhủ. Cụ đã cai được, rồi viết tự truyện mang tên Cai. Bà xinh đẹp và đảm đang, hơn cụ bảy tuổi, đã có chồng. Sau khi có mấy mặt con bị chồng phụ rẫy, bà về với cụ. Đây là người mà cụ tri giao quái sầu đa mộng, thiên hạ hà nhân bất mộng trung. Vì bà Nguyễn Thị Quỳ là người đã góp phần tạo nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo.

Chuyện này xọ qua chuyện kia, lão cũng à uôm ra cuối sách có ghi chú Vũ Bằng đã miệt mài ròng rã mười năm trời mới viết xong cái mười hai tháng thân phận một kiếp người. Năm 1954, di cư vào Nam, để lại vợ ở Hà Nội. Bà Quỳ vượt sông Bến Hải tìm chồng. Vì chồng cũ mất, bà Quỳ trở ra Bắc lại. Sau vài năm, Vũ Bằng lấy bà Phấn, bà là một cô gái miền Nam lên Sài Gòn làm ăn, là người nấu cơm tháng cho Vũ Bằng…

Chuyện nhà Vũ Bằng nhiêu khê thế đấy. Và chuyện nhà táng cũng vậy vậy thôi:

“…Thằng người tôi nằm trong áo quan chờ đem đi thiêu. Sư cụ áo vàng, sư trẻ áo nâu và đoàn hộ niệm lục tục tới đọc kinh cầu siêu cho tôi được siêu thoát để lên niết bàn. Mặc dù tôi đã có pháp danh…Chân ngã, chân như nhưng vẫn còn nặng nợ với một kiếp phù sinh. Mà đoàn hộ niệm thì liệu oản đọc kinh, tùy theo chùa lớn, chùa nhỏ, nên hộ niệm nhiều hay ít. Sau đấy, sư cụ áo vàng ngồi chủ trì, sư trẻ áo nâu đăng đàn giảng giải cho thân nhân người quá cố thông hiểu, thông cảm cho giữa sự sống và cái chết. Sư trẻ hoằng pháp rằng: Rằng từ thưở khai thiên lập địa, ông Bành Tổ nhân trung dài sáu tấc, đến 800 tuổi cũng chết nhăn răng nữa kìa. Huống chi cái thằng tôi đang ngập hệ lụy u mê ám chướng nằm kia.

Tôi nằm đây và đang phiêu diêu với “sinh ký dã, tử quy dã”. Vậy chứ quy về đâu?

Hay là hãy bản lai diện mục với những người vãng sinh trước. Thế là hồn vía tôi chui qua tường sang phòng bên cạnh để thăm hỏi. Ông phòng bên cạnh cho biết vừa “lâm sàng” đã có “Người cõi âm” đợi sẵn, nắm tay ông bay trong hành lang ngập ánh sáng xanh lè, trắng lóa mắt. Ông lạc một vùng quá độ, vừa là đời này, vừa là một nơi nào khác. Nơi nào khác là căn nhà cũ của bố mẹ ông vào đời trước. Lúc này ông mới nhìn toàn bộ cuộc đời mình với cảnh giới này nối tiếp cảnh vật nọ, theo dòng thời gian với sự việc xảy ra. Rồi “Người cõi âm” đưa ông tới nghĩa địa chỉ nơi sinh phần của ông. Ông hỏi gì cũng không nói vì “Người cõi âm” mặc áo chùm từ đầu đến chân như muốn dấu mặt. Lát sau, “Người cõi âm” đưa ông về phòng, vừa lúc tôi chui qua nên “Người cõi âm” hãi quá …biến mất tiêu.

Nghe vậy, tôi mở cửa sổ vào phòng khác cho chắc ăn. Ông phòng này cho hay đang nằm trên bàn mổ với dao, kéo, búa, kìm để thông tim thì…hồn ông lìa khỏi xác thành quả bong bóng bay lơ lửng trên trần phòng mổ vì tim…ngừng đập. Ông nhòm xuống thấy rõ mồn một thằng da đen đè ông ra đấm đá lên ngực ông nhưng ông nhất định không chịu…thở. Bác sĩ bắt mạch rồi lậu bậu nói ông chết rồi. Lát sau lao công nhà thương mang xe đẩy ông xuống nhà xác, ông bay theo…Ở đây ông gặp “Người cõi trên” chết trước ông mấy ngày. Nom dòm thấy quả bong bóng, “Người cõi trên” nói quá khứ vị lai ông là thằng bé thổi bong bóng xanh xanh, đỏ đỏ trong gánh xiệc. Nghe lạ, ông hỏi với vị lai nếu mà tái sinh thì tiền duyên hậu kiếp ông có hay hớm gì không? “Người cõi trên” dòm nom quả bong bóng làm như suy nghĩ gì lung lắm rồi vừa định thiên cơ bất khả lậu, thì… thì vì tôi quên cài cửa sổ, gió thổi bung ra. Quả bong bóng bay lên giời mất đất.

Thế là tôi để hồn đi hoang lẽo đẽo đi theo mấy cụ ông, cụ bà đã quy tiên từ đời Tam hoàng Ngũ đế nào rồi và đang vất vưởng quanh đây như tôi. Trong đó có một cụ ông phong thái rất an nhiên tự tại và thoáng đãng. Thiên cổ chi mê làm lễ vấn danh, cụ cho hay cụ là Thần hoàng làng Xũ. Tôi lẫn ngẫn trông thấy nhưng cũng kịp thưa thốt rằng cụ rằng đã lên niết bàn chưa? Trên ấy có vui chăng? Cụ thần hoàng thong dong trả lời lên mãi, nhưng ở lâu không được, vì chán lắm. Chán như đám ma này, nhà đám và khách hết đi vào phòng ăn nhà quàn lại đi ra. Bởi tang ma điếu đám ở làng quê xưa khác bây giờ vì có phường bát âm tò te tí te. Tang gia thuê người khóc mướn tỉ tê, tê tái…vui lắm. Tiếp đến tang chủ ngả con sề đánh chén ngay bên cạnh áo quan, tiết canh lợn, lợn luộc chấm mắm tôm, rượu đế làng Vân uống tì tì…Uống đến say khướt, nhiều khi mấy bác đạo tỳ đánh nhau u đầu sứt trán cẩn thận rồi mới chịu khiêng người chết ra cánh đồng làng chôn.

Đoàn hộ niệm lao xao sửa soạn đi về. Sư cụ áo vàng là đồng môn với lão, đi qua chỗ lão ngồi dừng lại nói: “Anh Hùng về nhớ viết truyện đám tang này và tập tục tang ma người Việt để dành cho mai này”. Lão dạ vâng vì mải nhìn sư trẻ áo nâu cõng ông Bành tổ nhân trung dài sáu tấc bước ra cửa. Lão ngồi xuống ôm khư khư tập di cảo…

Và rồi với nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng cổ nhần sầu, cụ thần hoàng dẫn tôi về con đường mòn xưa cũ ra gò mả đồng làng Xũ. Cụ chỉ cho tôi bốn đô tuỳ, minh tinh nhà táng là giầy thừng võng áo quan bằng hai đòn gánh tre gộc. Vịn quan tài có một anh trai đội khăn vành quấn rơm như cái rế đội nồi, áo sô gai vải bố, chân trần, chống gậy vông. Bỗng có chị gái chùm khăn mấn, áo lộn sống sổ gấu, lăn đùng ra giữa đường, giãy đành đạch như đỉa phải vôi, khóc lóc thảm thiết và níu áo người ta không cho bước qua. Thấy lạ nên sắc mắc. Cụ cho biết ấy là con dâu hay con gái lớn nằm cản người ta đem bố mình đi chôn.

Bèn ngẫn ngẫn chôn ở đâu? Cụ hóng mắt tít mù trên gò mả, khật khưỡng là mấy bác đô tuỳ vai xẻng, vai cuốc đi trước để đào huyệt. Trong khi chờ đợi mọi người vực chị gái dậy đi tiếp. Bỗng thấy có người dắt theo con chó đen đi theo đám tang từ đằng sau. Lại đú đậm cho rõ. Cụ cười cái hậc ấy là chó đen quen ngõ. Nếu nhà đám có chó đen dẫn theo thì sau ngày mở cửa mả, đêm về hồn vía người chết theo hơi hướng chó tìm về nhà thì sẽ không bị lạc. Vì thế các cụ ta xưa có câu quáng quàng như chó nhà táng là vậy. Nhưng đừng dẫn chó trắng. Vì hồn người chết sợ lắm. Vì chó trắng cắn ma. Bèn gặng hỏi tới nữa ngày mở cửa mả.

Mà cớ sự này phải hỏi lão ngộ chữ mới xong. Ủa mà từ nãy giờ lão ta đi đâu vậy? Tôi không thấy! Mà tiện nội đưa cho lão tập lai cảo chưa? Tôi cũng không hay! Tôi phải đi tìm lão mới được, chắc lại ra ngoài ngắm khói huyền bay lên cây đây…

Khi không miệng lưỡi lão ngứa ngáy. Đợi người bạn trẻ ra, lão sẽ rủ ra ngoài để nhớ nhà trong điếu thuốc. Nhưng đợi mãi không thấy tăm hơi đâu, nên hặm hụi tiếp…

Đào huyệt chôn xong, ba ngày sau làm lễ mở cửa mả. Không như ở đất tạm cư, tôi không thấy sư ông gõ chuông, rắc gạo, đi vòng vòng quanh mộ. Bèn hỏi. Cụ cho hay tập tục chôn cất tùy theo thổ ngơi, làng Xũ cụ ma chay là thỉnh thầy cúng. Vì thầy cúng khác sư làng là hay vẽ chuyện để có chuyện để mà kể. Cụ kể lể là trước khi nhập quan, thầy cúng lấy dao bầu mổ lợn thọc vào trong quan tài gạch ba khía vẽ bùa. Mỗi đầu quan tài mỗi “chém” nhẹ tưng ba nhát nữa vì gỗ mang từ rừng về hôn ma còn vất vưởng nên chém cho chết để trừ tà ma. Nhân có dao bầu, tang chủ thọc tiết lợn để cúng thầy. Con lợn trơ mắt ếch ra vì khi không mình bị mang ra ngả thịt, vì vậy mới có câu “trơ trơ như sỏ lợn nhìn thầy cúng” là thế đấy. Lễ mở cửa mả thầy cúng bày bộ tam sên gồm trứng, con cua luộc, miếng thịt lợn. Và một con gà sống thiến còn…sống. Con gà được buộc giây vào chân được thầy cúng dắt đi quanh mả rải gạo cho gà mổ, tay vung vẩy bó nhang, ta bắt quyết, mồm âm ỉ “Hồn nay ở chốn non bồng, qua đây hồn hãy vui lòng ghé chơi”. Sau đó nhà đám lũ lượt đi về, bỏ mặc gà muốn đi đâu thì đi. Gà đợi làm lễ lâu mệt khờ người, lại bị bỏ bơ vơ giữa đồng không mông quạnh, nên ngơ ngơ không biết đi đâu. Thấy mặt tôi ngáo ệch trông thấy, thấy vậy cụ diễn nghĩa câu văn ngữ trên chỉ người lúc nào cũng ngơ ngáo như thiên cổ chi mê tôi, như…gà mở cửa mả.

Chôn cất theo các cụ tuế toái thật. Lão ngước mắt lên cáo phó để nhớ ngày, giờ lễ hỏa táng. Để có mặt cho đầy đủ lễ bộ, phép tắc. Tiếp, lão lúi húi với những chữ là chữ:

Trở lại ông Bành Tổ chôn cất thế nào cho phải phép? Chứ từ hồi sinh tiền, tôi nói với tiện nội tôi rằng chết đem thiêu rẻ, gọn, sạch. Có người bảo nóng quá. Nóng thì có nóng thật, 4000 độ F chứ đâu có bỡn. Nhưng chết rồi, nóng, lạnh khỉ gì nữa.

Mặc tôi vật lộn với cửa tử của lò thiêu, hai ông cuối dẫy hàng ghế vẫn còn râm ran:

– Nghe nói trước Vũ Bằng hoạt động gián điệp cho Hà Nội?

– Vâng, mới ăn phở Hà Nội với “lúy” tháng trước.

Mặt buồn hiu hắt, tay bó gối, ngồi thẳng băng, hai ông trong tĩnh lặng.

Hơ! Vì mấy năm sinh hoạt báo chí, văn học, tôi không thấy cụ Vũ có hoạt động nổi, chìm nào đâu. Nếu có, chắc không tránh khỏi an ninh…thăm viếng như trường hợp Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Lương, nhóm Trình Bày, ký giả Phan Nghị, v…v…

Thế là lão được thể “móc nối” nhà báo Hồ Nam. Ông nhà văn, nhà báo viết báo thác loạn ngôn ngữ chuyện…”điệp viên” rất vạ vật như sau:

“…Sau 75 tôi thường đươc Vũ Bằng đưa đi ”nhậu” với Tam Lang món nhậu thường là cá lóc nướng chui ở Cầu ông Lãnh hay Đuông chiên bơ ở chợ Cũ. Trong lúc rượu ngà ngà tôi có hỏi Vũ Bằng về chuyện Vũ Bằng làm ”gián điệp”. Vũ Bằng cười trả lời tôi rằng người cử Vũ Bằng đi Nam làm gián điệp là thượng tướng Chu Văn Tấn giờ đang bị giam lỏng huống chi tên Vũ Bằng ”cắc ké kỳ nhông”.

Ngoài “văn chương quán nhậu”,  ông còn thêm đoạn văn dĩ tải đạo khác…

“…Trần Ngọc Tư một trong những người tổ chức thu thập bài vở của anh em văn nghệ sĩ viết từ trong nước gửi ra hải ngọai đã nói với tôi rằng khi công an cộng sản ”phá án” vụ này đã đến nhà định bắt nhưng thấy Vũ Bằng đang hấp hối đã không bắt vì sợ vào tù chết trong đó mang tiếng nên chỉ lấy cung ở nhà và trong cáo trạng vụ án này đọc trước tòa có tên Vũ Bằng tác giả bài ”Cái tai sứt của thằng cùi phuơng Bắc”.

Thế rồi Vũ Bằng chết và cộng sản Hànội ”đổi mới” con trai Vũ Bằng ”chạy chọt” sao đó Vũ Bằng được truy tặng huy chương chống Mỹ cứu nứớc. Trong hồi ký của Tô Hòai, tác giả đã sác nhận Nam Cao nhận chỉ thị của Đảng viết truyện ngắn Đôi Mắt đã công kích Vũ Bằng chẳng ra làm sao…”.

Chợt nhớ ra mình đang ở nhà đám, và đám ma đang ở tao đoạn thế này đây:

“….Tôi chết rồi quớ quáo không biết đi về đâu, nên lụi đụi theo người muôn năm cũ. Vừa vặn người nhà đòn đẩy ông trước cửa phòng tới lò thiêu. Cụ thần hoàng dẫn tôi đi theo cái hòm đem đốt là gỗ vàng tâm. Cụ “vén tay áo sô đốt nhà táng giấy” chỉ cho tôi thấy: Phu nhà đòn đẩy linh cữu vào lò. Người trong lò lôi xác ra nhét vội vào hòm “foam”. Đợi thủ tục lễ nghi xong. Người bên ngoài điều chỉnh nhiệt độ. Và bấm nút. Với người ngợm mỗi ngày rơi rụng lác đác như lá mùa thu, gặp thời buổi gạo châu củi quế, hôm nay đốt thêm một khách vãng lai nữa. Phu nhà đòn bắt thêm mớ bạc bèn bia rượu và chẳng quên chửi thê, nên…vui như Tết.

Vui hơn nữa có hai gã đạo tỳ thuộc diện Bắc kỳ 2 nút ngồi uống bia. Bỗng chúng hè nhau bỉ thử thằng tôi chẳng ra làm sao cả. Gã đạo tỳ “mặt cúm chó” khơi mào:

– Thằng mà em làm thịt hôm qua chắc là sĩ quan chiến tranh chính trị nên miệng nó cứ ngoác ra, mồm không đóng lại được. Em sợ nó nói nhiều, nói dai không bằng…nói dại nên em lấy kim chỉ khâu bố cái mồm nó lại để nó…không nói nữa.

– Khiếp bỏ mẹ! Nói mẹ là Ngụy tù cải tạo cho được việc. Vì tuyên truyền chống phá cách mạng nên bị biệt giam là đúng quá rồi. Cả năm bị cùm. Nhòm thấy “cái hàng” như cái conex là co chân lại. Bố phải lấy rượu bóp nát hai đầu gối nó mới chịu nằm yên ngay ngắn cho. Mẹ! Chết rồi còn tiếc thương, tiếc nhớ những ngày tù tội.

– Cái hàng là cái gì hở.

– Hở hang gì. Cái hàng là…cái hòm. Khỉ ạ!

Gã mặt non choẹt, mặt “bức xúc” thấy rõ:

– Bác tin có địa ngục không?

Thiên cổ chi mê tôi nhìn cụ mắt tròn dấu hỏi. Cụ thần hoàng làng Xũ cười mủm mỉm và…lắc đầu. Gã đạo tỳ “mặt hoa trâu tháng đẻ” xưng “bố” ra mặt dậy bảo:

– Dào, vẽ chuyện. Bố dậy cho mày nghe nhá, nhà Bụt đâu có chuyện hỏa táng với địa táng. Mà giả thử có tống vào lò thiêu là biết ngay. Chết rồi còn nóng lạnh chó gì nữa. Ngay cả chôn xuống đất rồi lớ quớ chui xuống địa ngục bị Diêm vương nhúm được nhét vào vạc dầu cũng vậy thôi. Vì vậy mày cứ uống bia, chửi thề thỏa mái như bố đây. Chết hết chuyện, làm chó gì có âm ty với địa ngục.

Ngẫm chuyện đời thường, trộm thấy hai gã đạo tỳ Bắc kỳ này biết quái gì đạo Bụt với niết bàn, địa ngục, và chân tướng của cái chết với co quắp, há miệng. Thế nên thiên cổ chi mê tôi thưa gửi với cụ thần hoàng là nhà Bụt đã thực chứng “Hiện tượng khi người sắp chết” rất thần thức từ thần khí tới diện tướng. Bởi do căn duyên và nghiệp quả của mỗi người, mỗi cái chết đều có hiện tướng khác nhau. Nếu gần chết từ từ nhắm mắt lìa đời nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ bình thường thì sẽ lên niết bàn. Còn người chết một là mắt mở, hai là miệng hả, ba là mũi bầm đen, bốn là người ngợm co quắp thì chắc như cua gạch là sẽ bò xuống địa ngục. Cụ lắc lắc đầu, mở mắt, hả miệng mà rằng khi nào tôi ra ngoài thông khói, cụ sẽ thông hanh cho tôi tường mọi nhẽ của nghiệp chướng.

Với chết rồi đi về đâu? Chợt nhớ lại ngày nào, thiên cổ chi mê tôi cưỡng từ đạt lý với lão ngộ chữ, với ngã hữu thốn tâm vô dự ngữ, tạm hiểu là ta có tấc lòng chưa ngỏ được. Ấy là “sinh ra là qua đường,…thương thay cho hạt bụi ngàn năm”.

(…) Khi không dàn máy trong nhà quàn văng vẳng từ nhạc cổ điển êm dịu sang điệu…sa mạc nghe chỉ thấy toàn cát là…cát bụi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai muôn hình hài lớn dậy – Ối! Cát bụi ngập đầy, vết chân nào xóa bỏ một kiếp rong chơi – Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi trở về làm cát bụi…”.

Lão cà cộ ra và ngẩng đầu ngó chừng chả thấy máy móc nào đâu, nên ngẫm ngợi người bạn trẻ có bốc nhằng quá chăng!? Rồi đành cơm niêu nước lọ tiếp:

“…Chẳng lẽ thằng chết cãi thằng khiêng, tôi bỏ mặc hai gã đạo tỳ và cụ thần hoàng trước cửa tử với địa ngục và niết bàn. Đủng đoảng thế nào chẳng biết nữa tôi lại gửi thưa với cụ là qua kinh A di đà nếu thiểu dĩ thiện căn, phúc đức nhân duyên khó sanh bỉ quốc. Kinh viết rằng nếu thần thức xuất ở ngực tái sinh về cõi người. Nếu hiện tướng xuất đầu gối tái sinh vào súc sinh. Thấy cụ im thin thít như thịt nấu đông, thiên cổ chi mê tôi tụng tiếp: Bởi nghiệp báo của duyên nghiệp với sự tái sinh qua viễn kiến nhà Bụt. Nếu như thần thức xuất thần ở đầu thì vãng sinh về cõi Bụt. Nếu như hiện tướng xuất thần ở bụng thì kiếp lai sinh vào ngạ quỷ.

Nghe thủng xong, cụ háy háy mắt rủ rê tôi ra ngoài. Cụ nhón một điếu thuốc hít lấy hít để. Thông hơi thông điếu xong, cụ dậy rằng những luân hồi, nhân quả vừa rồi qua giấc ngủ êm như mơ rồi khơi khơi lên niết bàn. Còn người mắt mở, miệng hả để nháo nhào xuống địa ngục. Thì nhẽ ấy là chuyện truyền khẩu nhân gian, vì vậy cụ chết vào giờ trùng mới hóa thân là thần hoàng là thế. Thế nên qua nhân gian với những gì mắt thấy tai nghe từ đời này qua kiếp khác để lưu tử truyền tồn. Nếu thân xác từ từ xạm đen, xanh xám rồi rên rỉ, mặt nhăn nhó, quằn quại thân mình thì cái chết bắt đầu từ chân. Nếu trên thân lạnh trước rồi dần dần lạnh xuống hay ngược lại. Như có bài kệ đã nói: Nghiệp lành, dưới lạnh trước nên thân xác chết từ bụng lên. Còn nghiệp dữ thì trên lạnh trước, thân xác chết từ đầu xuống.

Làm hết điếu thuốc chùa có mùi nhang, cụ đủng đỉnh tiếp: Sau 49 ngày, hồn xuất để đầu thai là người, là súc vật. Hay vãng sinh là Bụt, là ma do tu nghiệp, tu học mà ngài Tam tạng Trần Huyền Trang đưa vô lượng kiếp vào Tam tạng kinh. Chứ nghiệp chướng vô khả vô bất khả ấy không có trong kinh, luận của nhà Bụt! Khi không tôi vấn cụ với tích 49 ngày. Cụ dậy là ngay cả 100 ngày. Cụ là thần hoàng cũng không hay biết nữa là. Mà đâu cần đợi đến thất thất lai tuần, vi có người đầu thai trong vài tiếng đồng hồ sau khi chết, nhất là lính thú chết ngoài trận địa. Vì họ không chịu được cảnh hồn họ lang thang ngoài chiến địa với máu me. Họ muốn nhập xác liền. Có lẽ lý do này giải thích được hiện tượng chúng sinh …sinh đẻ nhiều sau chiến cuộc. Nhưng cũng có nhiều người mấy trăm năm sau mới tái sinh. Như có linh hồn ăn cháo lú rằm thán bẩy từ thời cụ Tiên Điền Nguyễn Du mà bây giờ mới trở lại cõi tục lụy như Thiền sư Phạm Thiên Thư chẳng hạn.

Rồi thì khi không lưỡi đá miệng thiên cổ chi mê tôi bẩm với cụ: Xũ nghĩa là gì? Cụ cười cái bép: Xũ là…cái hàng. Rồi cụ thăng. Văng vẳng, lửng lơ giữa đất trời như sáo diều cốc: Hàng là hòm…Hòm là quan tài…Quan tài là áo quan…Áo quan là….

Lững thững vào nhà quàn, tôi dùi xùi chết kèn trống, sống dầu đèn đến cụ Vũ với nhân sinh bách tuế vi kỳ, với đời người lấy trăm năm làm hạn, không.như chuyện ruồi bu vừa rồi. Nhưng lại ruồi bâu kiến đậu tới cụ Vũ có ông con bên cạnh.

Đời người lấy trăm năm làm hạn qua bằng hữu thì trong khoảng thời gian 1981-1984, cụ có liên lạc với “Văn bút hảI ngoại” để nhận quà cáp của Trần Tam Tiệp ở Paris là Tổng thư ký “Hội văn bút Việt Nam hải ngoại” khi đó. Vì vậy cụ Vũ có tên trong bản cáo trạng của vụ án Những tên biệt kích cầm bút. Nhưng cụ Vũ về với thiên cổ 4 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4 năm 1984 tại Sài Gòn nên cụ…thoát. Nếu không cụ cũng phải ra tòa với những người khác đêm mồng 1 tháng 5 năm 1984. Có hai người thoát như cụ là Dê Húc Càn Dương Hùng Cường và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Hai người này chỉ thoát khác cụ Vũ là họ chết trong…tù…”.

Gấp tập di cảo lại, lão cứ xoay xỏa chuyện Vũ Bằng lùi xùi với những người phía bên kia thì như xẩm vớ được gậy. Lão vớ được trong Chân dung nhà văn của Tô Hoài.

“.. Trong kháng chiến, Nam Cao từ Hà Nam lên Việt Bắc, đã gặp vợ chồng Vũ Bằng đương tản cư ở vùng trung du Quế. Nam Cao kể lại cho tôi nghe truyện Đôi mắt,  Nam Cao viết đúng như chuyện gặp Vũ Bằng, chỉ có nhân vật chính được đặt tên là Hoàng. Nam Cao viết truyện ngắn ấy ở xóm Vàng Kheo, thoạt đầu đặt tên truyện là Tiên sư thằng Tào Tháo. Nhưng khi nghĩ lại thì nhụt dần. Mặc dầu nhân vật Hoàng thốt lên câu chửi vì thích Tào Tháo quá, thích đến phải thốt lên câu chửi xỏ xiên ấy mới sướng. Nhưng rồi Nam Cao nghĩ lại vì ngại, đổi cái tên hiền lành là Đôi mắt…”.

Nói cho ngay, lão muốn quên ông nhà văn, nhà báo Hồ Nam cũng không xong. Bởi nhẽ lão chả thấy Nam Cao viết theo chỉ thị đảng gì sất cả. Mà rành rành như canh nấu hẹ, Nam Cao mượn câu: Tiên sư thằng Tào Tháo qua nhân vật Hoàng hay Vũ Bằng để chửi đổng. Hay nói khác đi, ai biết quan mót đái mà hạ võng, rõ ra Vũ Bằng “có vấn đề nhậy cảm, tế nhị với đảng” thì đúng hơn. Nhưng chuyện đâu còn đó, lão hặm hụi tiếp…

“…Chết rồi còn gì? Hiện nay, cụ Tố Như đang ở đâu? Làm gì? Dĩ thiểu kiến đa, lấy ít hiểu nhiều theo thiên cổ chi mê tôi chết là hết. Nhưng chẳng hẳn vậy, vì ba trăm năm sau, thiên hạ có ai nhiễu chuyện cụ Tố Như không? Có, có vô số người tra tấn chữ nghĩa cụ Tố Như. Chẳng cần phải đợi đến ba trằm năm sau, với ngôn tuyệt ý bất tuyệt thì chuyện cụ Vũ cũng vậy, cụ cũng bị hành hạ chữ nghĩa như cụ Tố Như.

Ngày cụ Vũ về với cõi, tôi ngồi trong nhà tù Phan Đăng Lưu nên không đưa cụ về cõi tịch mịch. Ngôi trong nhà giam, hình dung đến đám tang cụ, không có văn tế. “Khôn văn tế, dại văn bia”, văn tế là văn đọc cúng tế người chết, hay hoặc dở sau khi đọc xong đốt bỏ đi ngay, ít ai còn nhớ. Văn bia là bản văn ít lời nhiều ý khắc vào bia đá. Bản văn bia nếu không hay sẽ heo hắt ngàn năm. Vì vậy người ta chỉ nhận viết văn tế chứ chẳng mấy ai chịu viết văn bia. Lại bùi ngùi tới Nguyên Sa, Mai Thảo nằm ở nghĩa trang Peek Familly cuối đường Bolsa. Một Nguyên Sa, một Mai Thảo có lai cảo, cảo thi của mình. Văn bia Mai Thảo đã biệt hữu thiên địa phi nhân gian…

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Người chết có gì mà nói ngoài tấm mộ bia. Ấy vậy mà khi cụ Vũ biệt hữu thiên địa phi nhân gian lúc cuối đời vẫn còn nhiều điều không hiểu nổi với bia mộ. Sau tôi mới tìm hiểu ra, ngay cả cáo phó, người ta còn ngắt câu, cắt chữ nữa là. Ra tù, ghé nghĩa trang thăm cụ bạn để đốt lò hương cũ cùng một cõi đì về, đứng trước văn bia, thiên cổ chi mê tôi như thấy thiếu vắng một cái gì: (…) Vũ Bằng.

Cùng một cõi đi về, thiên cổ chi mê tôi như thấy thiếu vắng một cái gì? Chợt nhớ ra từ nãy đến giơ lão ngộ chữ…vắng mặt, dục dặc thế nào chả biết nữa lại hồi cố nhân tới cụ Thần hoàng làng Xũ với 49 ngày, với 100 ngày…”

Chuyện ông thần hoàng ở làng quê ta hay thành hoàng ở bên Tàu với thành quách là chuyện văn hóa, là chuyện khác, đâu đó ở Wikipedia. Lão mở cái I-Phone mò vào Google rà rà mấy chữ “Nhà văn Vũ Bằng” thì lại lòi tói ra…Wikipedia với…

“…Vũ Bằng sinh ngày 3-6-1913 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học, quê gốc làng Lương Ngọc, tỉnh Hải Dương. Ông theo học Albert Sarraut, tốt nghiệp Tú tài Pháp.

Năm 1946, Vũ Bằng cùng gia đình tản cư ra vùng kháng chiến. Năm 1948, trở về Hà Nội, bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng. Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, ông vào Sài Gòn, và tiếp tục hoạt động cho đến 30 tháng 4 năm 1975. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn đường dây liên lạc, mãi đến sau này, ông mới được công nhận là người hoạt động cách mạng và được truy tặng huân chương nhà nước. Nhà văn Vũ Bằng được truy tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật [1]. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.

Vũ Bằng chết, con ông đến một tòa soạn đăng cáo phó (mất tiền). Tòa soạn đồng ý đăng nhưng nhất quyết không cho đăng hai chữ Nhà văn trước tên của Vũ Bằng! Thành thử nội dung tin buồn chỉ vẻn vẹn có vài chữ: “Vũ Bằng sinh ngày… mất ngày.

Gi mà ngập những…”ngày” ở hai văn bản. Lão trở về với 49 ngày, 100 ngày ở trên.

“…Nếu có lão ngộ chữ ôm đồm với Chữ nghĩa làng văn ở đây thì cụ thần hoàng vỡ bọng cứt ra ngay là từ thời Đông Hán, người Tàu truyền bá Hán học sang nước ta. Lối dậy bấy giờ, trước là dậy chữ nghĩa cho một số người làm lại thuộc cho các quan Tàu. Sau là dậy dân ta lễ nghĩa như lễ cưới vợ, gả chồng và…tang gia bối rối theo Kinh lễ nhạc của người Khổng Khâu. Người làm quan chức Tư chức lại, lo việc nuôi dê cho việc cúng bái, nghi lễ nơi miếu đường. Khi người mất, xóm gừng láng tỏi ở xứ Bưởi để tang 100 ngày. Riêng trưởng môn là thầy Tử Lộ để tang 3 năm.

Từ việc thờ cúng với quả trứng, mâm xôi, con gà khỏa thân có đầu, dân gian ta có câu ca dao: Anh có sống khôn chết thiêng ngồi dậy ăn xôi nghe kèn để em đi lấy chồng. Nhưng ấy là chuyện hai, ba trăm năm sau Khổng tử với Trang Tử. Rồi cũng từ lễ nhạc, mà nhạc đây là ca dao, đồng dao, nhạc lễ trong miếu đền, nhạc đám ma của người Khổng Khâu để lại, ta có nhạc cung văn, chầu văn, phường bát âm đám ma. Từ “hà, sĩ, thương, xích, công, lục” ta có “hò, xử, xang, xê, cống, líu…”.

Ủa gì mà người bạn trẻ đổ vấy cho lão từ phường bát âm đám ma bắt qua cổ nhạc Nam phần?. Lão gà gật trở lại với năm 1994, Nhà xuất bản Văn hóa tái bản 40 năm nói láo. Khi Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học thành phố Sài Gòn tái bản cuốn Thương nhớ mười hai, người ta đã bỏ đi lời đề từ trên đầu sách: “Bắt đầu viết thì là thương…”. Bỏ đi lời đề từ ấy, có khác nào không cho Vũ Bằng thắp nén hương khóc vợ ông?!…”

Qua I-Phone, chả thấy “con ông” làm gì ngoài chuyện đăng cáo phó. Mà lão chỉ thấy Vũ Bằng năm 2000 mới được công nhận là người hoạt động cách mạng và được truy tặng huân chương nhà nước. Hiểu theo lão thì những bài viết về Vũ Bằng sau này, gần như họ cào cấu từ Wikipedia. Rồi họ bấu véo với những chi tiết vạ vật. Thảng như Hồ Nam viết một, hai sự kiện với hai khoảng thời gian không ăn khớp với nhau.

Lão lêu bêu với tác giả dế mèn xem Vũ Bằng…phiêu lưu đến đâu:
“…Đọc hồi ký của Vũ Bằng viết ở Sài Gòn thì Đôi mắt cũng đến tay anh. Vũ Bằng đã viết rằng anh bằng lòng Nam Cao đã miêu tả anh như nhân vật Hoàng, con người mơ màng bước vào trường kỳ kháng chiến, cái anh chàng nửa chán đời nửa yêu đời, nửa thông minh nửa dở hơi, vừa đi kháng chiến vừa sợ kháng chiến, cứ khật khưỡng. Con người ấy bộc lộ tình cám với kháng chiến thì ngao ngán, xa đi thì thương nhớ, càng xa càng thương nhớ. Thương nhớ mười hai là nét anh hoa của tấm lòng với cuộc đời.

Vào Sài Gòn, một hôm, tôi đến chơi nhà bạn văn. Tình cờ có người mách anh biết tôi đến đây. Anh lồm cồm lên gác, vẫn cái áo “tăng quát” và mũ phớt mùa thu Hà Nội như năm nào. Đứng trước mặt, tôi nhận ra khuôn mặt anh trễ tràng, võ vàng, không còn béo mập như trước. Rồi chẳng đợi ai mời, anh cởi áo khoác ngồi vào mâm đánh chén. Vẫn tính xuề xoà thế. Tối hôm sau, tôi đến nhà anh. Nhà một tầng, hai buồng rỗng như đít bụt, chẳng có tủ có đài gì cả. Vũ Bằng lại xuýt xoa:

– Mày cứ chửi ông bơ sữa, vậy mà ông thì ốm thế này.
– Vả lại, những “Mười hai thương nhớ” nữa, còn gì là người! Tôi cười.
Vũ Bằng nhếch miệng, bâng khuâng:
– Ừ còn gì. Ông cũng đọc đấy à!
Rồi anh trầm ngâm nhìn ra sông Khánh Hội trong bóng trăng…”.

Lão cũng đang trầm ngâm với cảnh Vũ Bằng …ngồi vào mâm đánh chén. Như ngẫu nhiên, ngay sau đấy là trang di cảo để lại cho lão cũng đánh chén…

“…Trở lại chuyện ăn xôi nghe kèn để em đi lấy chồng với Trang Tử qua Sử ký của Tư Mã Thiên, chương Trang Tử liệt truyện, với chữ nghĩa tam sao thất bản như sau:

Một bữa ngoài đồng ruộng, Trang Tử đang phe phẩy quạt thì thấy một người đàn bà cũng đang cầm quạt quạt một nấm mồ. Ông hỏi thì nàng nói khi chồng nàng chết có dặn dò là ráng đợi mồ khô, xanh cỏ hày đi lấy chồng. Nay vừa đúng 49 ngày. Trang Tử về nhà thuật lại cho vợ nghe, vợ cười mà rằng: “Sao lại có chuyện vội vậy!”.

Trang Tử có phép thuật bèn giả chết để thử vợ. Trước khi chết dặn vợ quàn 100 ngày rồi hãy chôn. Những ngày ấy, “chủ phụ” dựng xạp, bày rượu chè ê hề cạnh quan tài cho khách phương xa thăm viếng nghỉ ngơi, chè chén. Trang Tử mới hiện ra một chàng trai trẻ trong đám khách ấy. Vợ Trang Tử thấy chàng trai trẻ nên phải lòng. Nửa đêm chàng gõ cửa phòng giả bộ đau bụng rên la như sắp chết. Vợ Trang Tử hỏi đau vậy uống thuốc gì hết. Chàng trai trẻ nói nếu có sọ người mài ra uống thì hết bệnh. Vợ Trang Châu mở quan tài, lấy búa…búa vào đầu Trang Tử một búa…”.

Thiên cổ chi mê tôi hết ngẫm ngợi phải chăng từ 100 ngày điếu đám thịt heo quay, Mai quế lộ nên sau này ta có tiết canh lòng lợn, rượu làng Vân chăng? Lại nhang đèn hương khói đến quả trứng, con gà. Ngẫm chuyện gà đẻ ra trứng hay trứng đẻ ra gà với 100 ngày của Khổng Tử hay Trang Tử đây? Nói cho ngay, ngay cụ đương cảnh thần hòang, thượng đẳng thần làng Xũ còn không biết, huống chi lão ngộ chữ”.

Bỗng dưng bị mang ra bày cỗ, mà nào ai biết ma ăn cỗ. Thế nên lão không biết làm gì là thinh bằng vào dán mắt vào màn ảnh I-Phone phần tiểu sử: “ nhà văn Vũ Bằng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật [1] ” Nhìn mãi tít xuống mục “Chú thích” [1] : Người “thông tin” là Triệu Xuân, tác giả Tuyển tập Vũ Bằng.

Lão tìm Tuyển tập Vũ Bằng, phần “Đề tựa” có tên lạ lẫm: Người lữ hành đơn côi :

“…Về chuyện Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo, anh Vũ Hoàng Tuấn, con trai duy nhất của Vũ Bằng với bà Quỳ, có giao cho tôi tài liệu Giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị 1752 của anh là trung tá Nguyễn Đắc Thân đã ký xác nhận trên giấy này. Anh Tuấn kể: “Những năm mới hòa bình, tôi đã nhiều lần mời bố tôi ra thăm Hà Nội, thắp nhang cho mẹ tôi. Bố nhìn tôi không nói gì. Tôi hỏi gặng mới nói: “Bố muốn về lắm! Nhưng anh biết đấy, bố về với tư cách gì?!”. Anh Tuấn là nhà giáo, nhờ Trung tá Thân ký giấy minh xác bố là sĩ quan quân báo nên sau này anh được chuyển từ Hà Nội vào dạy tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Sài Gòn..”.

Lão mặt ngay như cán thuổng để đào sâu chôn chặt nhiều lần ông con mời bố ra “tham quan” Hà Nội. Khi ấy Vũ Bằng mới te tái: Bố về với tư cách gì. Hóa ra nắng không ưa mưa không chịu vì Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 chưa “nhất tri” chuyện gián điệp từ “kịch bản” của ông con. Có thể vì trong Người lữ hành đơn côi dài 6 trang, tác giả Triệu Xuân “dàn dựng” hai chi tiết vặc nhau: “…và tiếp tục hoạt động cho đến 30 tháng 4 năm 1975. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn đường dây liên lạc…”. Khúc sau thì chẻ hoe trắng phớ: “Ông Trần Văn Hội, đại tá, nay ở Hà Nội, là cấp chỉ huy trực tiếp của Vũ Bằng. Đã liên hệ với Vũ Bằng là làm giấy xác nhận ngày 10-1-1976…”.

Ông con “mánh mung” để ông bố số ăn mày bị gậy phải mang tạm để đó. Lão tìm về những ngày tháng cũ với người bạn trẻ đang thong dong với cây cỏ và hàng quán…

“…Tôi nhìn ra ngoài sân cỏ còn xanh mướt, mấy cây đào kwansan Nishiky nở rộ. Tôi lại nhớ tới cây trứng cá năm xưa. Và tôi nghĩ tới quán “Thương nhớ mười hai”.

Quán ở trước cửa nhà số 12 đường Trương Minh Ký, nhà của Lý Hoàng Phong, anh của Quách Thoại. Trên là trời, dưới là là đất, giữa là người với cây trứng cá, và hai ba cái chõng tre. Nên nhóm trẻ tụi tôi gọi tắt là: “Quán 12”.

Ở đấy, Dương Hùng Cường đã…”nhập gia vấn húy” tôi với cụ Vũ. Từ quán 12, với nhất kiến như cựu thức, thiên cổ chi mê tôi làm như đã biết nhau từ tiền kiếp. Sau đấy tôi học hỏi được ở cụ Vũ với đăng cao viễn chiếu, với con người còn sống còn phải học. Tôi học cụ với bần tiện chi giao…Bần tiện đây không là kẹo như kẹo kéo. Mà ý tại ngôn ngoại của cụ là bạn trong khi nghèo túng không nên xa lánh, phải tới gần giúp đỡ tận tình. Thêm nữa, nhân sinh quan của cụ Vũ cùng xử thế nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh, với cuộc đời như giấc mộng lớn, làm khỉ gì cho mệt mình.

Đất sinh cỏ già sinh tật, cái tật của lão là so đo, đầu dây mối rợ từ trang Wikipedia, mục tiểu sử Vũ Bằng có kèn cựa một mảng chữ: “Trích lời giới thiệu của nhà văn Triệu Xuân (là người thân cận ông)”. Câu Là người thân cận ông…lại được ai đó trật trìa trật trọi khơi khơi trong ngoặc đơn (xxx) như muốn đập vào mắt người đọc là lão.

Vậy là lão được thể mò mẫm “thân cận” như thế nào? Bởi nhẽ Wikipedia là nơi thu thập “thông tin” của bất cứ ai, nên nhắm khi cùng một tác giả có “nguồn” như muốn vặc nhau. Với trâu dong bò dắt, lão lần mò theo vết chân trâu vào mạng lưới “Văn chương Việt.com” lũi cũi tìm tiểu sử Triệu Xuân thi lão ngáo ra. Vì: thợ rèn có đe, ông nghè có bút qua Văn chương Việt.com với câu đọng chữ thừa thun lủn thế này:

“…Triệu Xuân sinh ngày 04-9 năm Nhâm Thìn 1952 tại Hải Dương. Nghề nghiệp: Nhà văn, nhà báo. 1973, tình nguyện đi B làm phóng viên chiến trường”.

Câu thừa chữ thiếu thì người Triệu Xuân chả “thân cận” quái gì không ngoài là người đồng hương Hải Dương với Vũ Bằng. Và người Triệu Xuân sinh năm…1952.

Khi ấy, người bạn trẻ của lão vẫn còn vật lộn với những người còn sống:

Cứ như cụ Vũ với cuộc đời là giấc mộng, làm gì cho mệt. Như tôi đây sống chưa chót đời, đên khi nằm xuống mới biết được chuyện đời thường. Thì ra chỉ người sống mới lắm chuyện: Lễ lạc, thủ tục, nghi thức, khóc lóc để vuốt ve người chết. Người chết tôi thử hắt xì một cái. Chẳng ai thèm nghe. Vừa lúc tôi nghe ở cửa ra vào có ai đó đang chào nhau: “A Di Đà Phật”. Từ sự thể vái chào nhau của Phật tử trong giao tế, đâu đó thiên cổ chi mê tôi hong hanh A Di Đà Phật. từ mảng chữ “vô lượng thọ Phật”  là tiếng Phạn, đúng nghĩa là lời niệm mong khi viên tịch được trở về cõi cực lạc từ. Hơ! Vậy chứ sau khi thiêu đốt xong, nhúm tro tàn của tồi sẽ về đâu? Tôi lại hong hóng đến câu kệ: Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát”. Ha! Với hai chữ “Ha Ma” không thôi cũng rối rắm không phải là ít. Dường như có ai đấy nói với tôi “Ha Ma” là con sông Hằng tinh khiết, tro người Ấn Độ sau bao tục lụy được thả xuống sông Hằng để trở về với tinh khôi. Nhưng cũng có ai đó lại nói “Ma Ha” là tên một con sông ở Ấn Độ. Tương truyền các sư sãi tắm ở sông này sẽ tẩy hết bụi trần, trở nên thanh tịnh. Và anh ta dẫn chứng trong bài Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh có câu “rửa bụi trần, sãi vui nước ma ha”.

Bằng vào những khổ nạn ấy, tôi ngóng cổ dậy ngó quanh…Vì sau khi ở lò thiêu ra, tôi bơi lội dưới sông, sông trôi ra biển để về nơi chôn nhau cắt rốn của mình hay tôi được nhét vào tiểu sành mang vào chùa. Hơ! Khổ nỗi lại thêm cái ách nữa! Chuyện là gần đây, có một nữ Phật tử eo sèo nhân thế trên báo chợ, báo chùa, là đưa tro vào chùa để nghe kinh mà tro nào có biết…nghe. Cũng qua nữ Phật tử náo động này thì chẳng có kinh điển nhà Phật nào đả động đến chuyện mang tro vào chùa cả. Hơ! Tôi chẳng muốn vạ miệng vì người Phật tử động não trên, vì tôi chết mất đất rồi còn đâu nữa. Nhưng trước khi về quê, quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương. Tôi đoán chừng chuyện thiêu đốt có từ bên kia Ấn Độ dương vi nơi ấy là đất Phật. Và tôi ngóng cổ tìm tiện nội là vậỵ.

Ắt hẳn tiện nội đang ở phòng ăn, nằm không, không biết làm gì. Thiên cổ chi mê tôi để hồn lang bạt kỳ hồ với “Thiêu táng ký sự”. Như vừa rồi vầy vò với thiêu đốt từ phương đông. Ở phương tây, một số giáo phẩm tòa thánh Vatican tin có luân hồi và thiêu táng, trong đó có đức cha Origin, ông thánh Augustin. Năm 533 sau Tây lịch, vì triều đình La Mã cứ đường xưa lối cũ với cát bụi trở về với cát bụi nên vua Rex và hoàng hậu cấm không cho nói đến luân hồi và thiêu táng nữa. Hậu quả có hai giáo hoàng bị giết vì muốn giữ đoạn nói về luân hồi trong kinh sách.

Tiếp đến là hoạn quan Tàu tên Trịnh Hòa với con đường tơ lụa trên biển. qua  bẩy chuyến hải hành. Ngoài nước ta, người Tàu đã tìm đến Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Dương, Brunei chọn làm quê hương thứ hai. Khi mãn phần, xác được thiêu bỏ vào tiểu sành gửi về cố quốc. Tới thời kỳ “Cách mạng văn hóa” của Tàu lục địa, vì đất chật người đông không cho chôn cất mà thiêu. Từ đó Hán tự với quan quách, quan tài được chôn vào…”kim tĩnh”. Tiểu sành, tiểu gốm được mùa trăm hoa đua nở. Kịp đến người Việt ta chọn đất khách quê người làm nơi chốn tạm dung. Đất chôn là cái nợ đời với cơm áo gạo tiền nên thiêu táng nở rộ như hoa đào.

Hoa đào năm ấy còn chờ gió đông chưa hay. Nhưng tôi hay biết từ giáo hội công giáo Vatican qua những nhà truyền giáo đến Đàng Trong, trong Phép Giảng Tám Ngày (Ngày thứ Sáu), giáo sĩ A. Barbosa và de Rhodes dịch từ tiếng La Tinh ra Hán-Nôm hai chữ “sinh thì” và “rình sinh thì” với chết và…gần chết.

Người bạn trẻ của lão tìm tiện nội để làm gì, lát nữa đọc di ngôn sẽ biết. Nay với hai chữ ”thân cận”, lão bắt cua được ếch sau 54, lão bắt được đoạn văn viết về bạn văn mà dường như Vũ Bằng vì gần gũi nên cũng muốn gửi gấm ẩn khuất một nỗi gì đấy:

“…Trong đời tôi vốn ít ngạc nhiên, tôi đã ngạc nhiên hết sức nghe Nguyễn Tường Tam làm Ngoại trưởng trong chính phủ của Việt Minh. Lúc đó, tôi đặt giả thuyết: một là anh là một nhà ngoại giao lành nghề mà tôi không biết. Hai là Việt Minh giỏi quá, đã đưa Nguyễn Tường Tam vào chức vụ đó để “đốt cháy” anh. Ít lâu sau, thực tế cho tôi thấy hết cả sự thực phũ phàng là Nguyễn Tường Tam chẳng làm được trò trống gì với Việt Minh, mà tất cả các đảng tham gia chính phủ liên hiệp đều bị “đi đoong” hết. Nguyễn Tường Tam, với nguyên tắc sống trắng phải ra trắng, đen phải ra đen, yêu nói là yêu, ghét nói là ghét. Anh đã bị thất bại vì anh cũng như tôi, anh chỉ là nhà văn, nhà báo….”.

Thêm một lần, lão lại ngớ ra vì chuyện nhạc vàng nhạc xanh, sa mạc với cát bụi là có thật, chứ người bạn trẻ của lão không hư cấu. Vì với một thước hai thước như hồn ma bóng quế ám ảnh, hoặc hồn ma nát thần tính hay sao ấy, đâu đó góc nhà quàn, dàn máy chuyển từ Beethoven, Mozart âm ỉ sang nam ai nam oán với trăng tà nguyệt tận: (..) Đôi khi ta lắng tai nghe! Bao nhiêu năm làm kiếp con người, rồi chợt một chiều tóc trắng như vôi – Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm và…chết một ngày.

Lão dùi lùi với người bạn trẻ và hiền thê của bạn xem óc ách chuyện ra sao:

Tiện nội trang điểm sửa soạn đi về. Tôi muốn nói với tiện nội tôi đôi lời trước khi vĩnh viễn rời bỏ khỏi thế gian này. Thảng như tiêu nhiên nhi lai, tiêu nhiên nhi vãng, kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà. Chung sự thì mọi sự trong cõi nhân gian phù thế này hãy thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, khi vào không lo lắng, khi ra không ngần ngại. Thế nhưng tôi…”ngại ngần” vì người chết không nói được.

Bởi vì tôi không biết tiện nội đưa tôi vào chùa hay ra biển đây. Thế nên y hệt như gã đạo tỳ “mặt hoa trâu tháng đẻ”…À mà lão ngộ chữ nếu không ngộ “mặt hoa trâu” là giống giuộc gì thì hãy hỏi thằng xưng “bố”. Vi nó đã ngoác mồm ra là khi tôi thấy cái hòm, như tôi thấy tiện nội là tôi sợ phát khiếp và co rúm người lại.

Người chết quẩn quanh trong vùng câm nín của mình…Ừ thì biết nói thế nào đây!

Ngay cả người sống cũng vậy, như sư cụ áo vàng, đồng môn đồng tuế với thiên cổ chi mê tôi muốn gửi gấm một chút gì cho mai hậu. Vì vậy tôi đã mê muội với rượu làng Vân, tiết canh lòng lợn bên cái hòm. Phu đòn say bí tỉ đánh nhau sặc gạch. Sau đó mấy bác đô tuỳ gánh cái hàng ra gò mả đồng làng Xũ. Ở đấy có con chó đen quen ngõ, có gà mổ gạo lộp bộp như gà mổ mo. Mùa cau đến, mối xông lên ổ mối to bằng cái đình. Chẳng cần thày địa lý Tả Ao yểm long mạch, ngôi mộ tam đại nhà nào đó sẽ phát về đường chữ nghĩa với nhập thế cục bất khả vô văn tự như cụ Tú kép Trần Tế Xương. Y như rằng đúng 49 ngày, hồn thoát xác đầu thai vào nhà ông đồ họ Vũ, huyện Bình Giang, phủ Hải Dương. Đến đời thứ tư, mặc dù cũng chỉ là tú kép, cụ Vũ hóa kiếp là văn nhân, lưu danh thiên cổ với Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam”. Chuyện tất cả chỉ có vậy và không hơn.

***

Tiện nội về rồi, mai là ngày thiêu, nằm một mình trong hai tấm ngắn bốn tấm dài. Khắc lậu canh tàn, thiên cổ chi mê tôi trằn trọc khắc khoải, nửa đêm về sáng nhìn ra ngoài. Sân nhà quàn hoang lạnh, hiu hắt vắng hiu, đất trời se se lạnh. Ngày Tết không có xác pháo hồng, hoa tàn nguyệt tận, sân cỏ vắng tanh vắng ngắt.

Gió lắt lay, hoa đào Nhật kwansan Nishiky lay lắt rụng rơi. Mưa lâm thâm.

  Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Phạm Cung Thông, Raymond Moody,

Hazel Denning, Trần Kiêm Đoàn và Thăm người chết

của Phạm Sư Ôn. Xin chân thành cảm tạ tác giả.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search