T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Theo chân người đi mở cõi

Hư – Tranh: Thanh Châu

Khươm mươi niên trước, qua bài Giấc mộng con, ngộ chữ tôi theo chân cụ Nguyễn Trãi xuôi đường thiên lý cô liêu, cô lý có những lỗ chân trâu từ Thăng Long tới Quảng Trị. Rồi từ Huế, theo vết trâu đái trên đường cái quan xưa cũ lọ mọ xuống tận Cà Mâu.

(….) Trời tối đến xắt ra từng miếng một. Ngỡ cụ Nguyễn bay về trời…hóa ra cụ kẹp nách xị “Nước mắt quê hương” lững thững bước xuống thuyền. Còn lại một mình trong bóng tối dưới ánh đèn hột vịt, lòng cứ dàn dạt thắt lại như sóng biển ngoài kia. Cũng đến lúc phải nhúc nhắc thôi, ngộ chữ tôi cắm cúi lọng cọng gậm vần nhả chữ…(….)

Nói cho ngay với tháng ngày đắp đổi, cho đến nay ngộ chữ tôi đang táo bón kinh niên với chữ nghĩa thì bắt gặp một bài viết với tựa đề: Chuyện đời người đi mở cõi.

(….) Chuyện về dòng họ Thái vượt biển bằng thuyền thúng đi về phương nam, nơi dừng chân đầu tiên là Vũng Tàu, kế đến là Gò Công, sau cùng mới sang Ba Tri – Bến Tre lập làng sinh sống. Làng của dòng họ Thái lập ra có tên là Trại Già nay là Ba Tri.

Sở dĩ có tên làng như vậy là do xưa kia ở đây có rất nhiều…cây già (….)

***

Ha! Cứ theo cụ Ngộ Không trong Chữ nghĩa làng văn: “Cây dừa tiếng Bắc vào thời vua Lê chúa Trịnh gọi là “cây da”. Chữ Việt cổ “cây dừa” theo chân người đi mở cõi vào miền Nam vẫn là cây dừa, nhưng phương ngữ ở Vĩnh Long gọi là cây gừa. Chứ chả là cây già!? Bèn đọc lại bài Giấc mộng con xem ngộ chữ tôi theo chân cụ Nguyễn Trãi xuôi đường xưa lối cũ ghé Ba Tri có cây già như cây gừa chăng? Xem đến khúc cuối thì…

Thì bắt gặp…một tôi mà tên chữ là “ngộ chữ” vẫn còn đang ngồi ở quán nhậu ở Cà Mâu từ mươi niên trước. Một tôi đang ngẫm nguội mảnh đất này nào có gì ngoài “Cà Mau hãy đến mà coi, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh” thì khỉ gió cắn răng gì đâu chả biết nữa, vừa lấy tay đập con muỗi đậu trên trán một cái chát…

Hốt nhiên có cụ ông râu trắng, vai vắt “khăn rằn”, miệng ngậm điếu thuốc rê đi vào.

Gặp ngày quán đông, cụ ngó lơ như không thấy ai, ngồi ngay bàn một tôi và thổi khói um lên. Im ắng. Ý đồ một tôi muốn cụ “kêu” lên một tiếng để biết cụ là ai nên âm ử câu ca dao Cà Mau hãy đến mà coi, muỗi kêu như sáo thổi. In hịt, cụ vo ve ngay “Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu. Thế là một tôi bắt chuyện với cụ là ngoài muỗi, một tôi chỉ biết “Cà Mâu” với đỉa lội lềnh như bánh canh thôi. Nghe vậy cụ hành ngôn hành tỏi rất ư hàn lâm với Cà Mâu là tên cũ, tên mới là Cà Mau, từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen, màu nước do lá tràm của rừng tràm U Minh rụng xuống làm đổi màu nước. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác.

Chém chết ngộ chữ tôi không biết “cây lác” là cây gì nhưng chợt nhớ ra cây già. Bèn hỏi cụ “xứ” Ba Tri ở đâu? Nhả khói mịt mùng như có gì suy nghĩ lung lắm, cụ vỗ vai ngộ chữ tôi và chùm hum: “Dễ ợt”, rồi đứng dậy, kêu xị đế Gò Đen mang theo. Một tôi theo cụ leo lên chiếc xe ngựa cũ kỹ như món đồ cổ, trộm nghĩ thế sự du du hề một thoáng bạch câu thì bao giờ xe ngựa mới tới Bến Tre đây! Ra khỏi Cà Mau, xe thổ mộ cà rịch cà tang trên Quốc lộ 1, một tôi hỏi có phải là con đường cái quan khúc khuỷu có những đoạn đã mất dấu của nhà Nguyễn xưa kia chăng. Theo cụ căn cứ vào vết tích của những đoạn đường cũ, kết hợp với ký ức của dân bản địa, con đường xưa thật là xưa chỉ tới Hà Tiên thôi. Dân gian gọi là “đường triều chính” hay “đường quan” vì đường làm cho các quan đi ngựa hoặc đi cáng nên gọi là đường cái quan.

Lại “ngựa” nữa nằm tịt trong đầu đất một tôi ở đâu đó nên mắt tròn dấu hỏi. Cụ um xùm miền Nam với Nam Kỳ lục tỉnh thì năm 1832, Minh Mạng thứ 12 dùng 6 chữ cuối trong một bài cổ thi 8 chữ để đặt tên cho 6 tỉnh miền Nam ngày nay: Sáu chữ trong câu thơ “Khoái mã gia biên vĩnh định an hà “ nghĩa là “phóng ngựa vung roi giữ yên bờ cõi”. Vì vậy mới có Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.

clip_image002

Năm 1858 thời Tự Đức thứ 11, Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm Đà Nẵng. Năm 1859 đánh chiếm Gia Định. Năm 1862, sứ thần Phan Thanh Giản ký hoà ước với thiếu tướng Bonard nhường 3 tỉnh miền đông Biêòa, Gia định, Định Tường cho Pháp. Năm 1867, Pháp định ngày lấy 3 tỉnh miền tây Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, cụ Phan Thanh Giản liệu không giữ nổi, nên bảo các quan nộp thành trì rồi uống thuốc độc tự tử.

Một tôi trộm nghĩ cụ như ông thầy giáo làng xóm Cà Bây Ngọp ở Rạch Giá trong Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam. Vì thầy giáo làng cũng thông kim bác cổ như cụ vậy, bởi thế một tôi hỏi cụ về cụ Phan Thanh Giản bị người miền Bắc kết tội phản quốc vì giao ba 3 tỉnh miền tây cho Tây. Cụ ậm ừ ấy là chuyện sau.

Chuyện bây giờ cụ dấm da dấm dẵng …

– Qua nói em nghe, “Cái” miền Bắc gọi là sông lớn miền Nam kêu là sông nhỏ. Vì “Cái” tiếng Khmer là sông con. Những địa danh bắt đầu bằng chữ “Cái” đều nằm trên sông nhỏ chảy ra sông lớn như: Cái Bè, Cái Nước, Cái Vồn…Cái Răng.

Hơ! Vì “cái” bỗng cụ vặc ngộ chữ tôi như vặt thịt:

– Cái đáng hỏi thì không hỏi.

Mặt một tôi đang đực ra như ngỗng đực, cụ “hỏi”:

– Em biết “Cái Răng” là…cái chi không?

Thế là cụ gọ gạy:

– Cái Răng thuộc Cần Thơ với “k’ran” tiếng Khmer không là…cái răng mà là…cá rán.

Nhân chuyện Cái Răng, cụ bắt qua địa danh Cần Thơ, tên gọi rất Việt nhưng lại bắt nguồn từ tiếng Khmer “kìn” là cá sặc rằn. Người Bến Tre gọi là cá “lò tho”. Vì vậy địa danh từ “kìn” của Khmer và “tho” của Bến Tre, cá bỏ giỏ cua thành…Cần Thơ.

***

Chiếc xe thổ mộ vẫn cọc cạch trên đường các quan xưa kia vẫn đi ngựa, cáng võng. Ngồi gõ vào trí nhớ với một thời văn chương quán nhậu gọi Johnnie Walker là “Ông già chống gậy”. Ngộ chữ tôi một mình về thăm ký ức dường như “Ông già chống gậy” là…là “Ông già Ba Tri” thì phải? Cụ ngay tình không hay mà chỉ hay biết…

clip_image004

“,,,Ông già Ba Tri tên thật là Thái Hữu Kiểm sống vào triều Minh Mạng. Ông là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ lập nghiệp ở Ba Tri từ thế kỷ 18. Ông Xưa từng có công giúp chúa Nguyễn Ánh, được phong chức “Trùm cả An Bình Đông” quận Ba Tri. Năm 1806, ông Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp dân cư sinh sống. Khi đó có ông xã Hạc ở chợ Ngoài chơi ép, đắp đập chặn không cho ghe thuyền từ sông vào chợ Trong. Ông Kiểm kiện lên phủ huyện, phủ huyện xử chợ Trong thua với lập luận: “Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình”.

Ông Thái Hữu Kiểm cùng hai ông già nữa là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, khăn gói đi bộ từ Ba Tri ra Huế năm 1820, để đưa đơn lên nhờ vua phúc thẩm lại. Cuối cùng với lộ trình khoảng hơn 1.000 cây số, mất gần nửa năm, ba ông già cũng tới nơi. Lúc này Gia Long mới băng hà, Minh Mạng vừa lên ngôi. Vua thụ lý xử cho dẹp bỏ đập, với lý do rạch là rạch chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong.

Từ đó, dân Bến Tre gọi ông Cả Kiểm là ông già Ba Tri…”

Lại nữa, cụ càm ràm một tôi…cái đáng biết thì không biết:

– Em biết Bến Tre có chi lạ không?

Cùng hoa thiên tửu địa, nôm là trời đất hương hoa người ta cơm rượu, là…nhậu, cụ rót mỗi người một chung đế Bà Đen. Khà một cái, cụ khề khà…

– Em ở miền Bắc qua không nói làm chi vì nhiều người miền Nam đã đi qua, đã ở đó, đã nghe nói tới, đã đọc được ở đâu đó…riết rồi những địa danh đó trở thành quen thuộc nhưng ít người biết tại sao nó có tên như vậy? Những địa danh này được hình thành theo các tài liệu từ các học giả miền Nam như Vương Hồng Sển, Sơn Nam với bưng tiếng Khmer là bâng, là đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng không có nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có cỏ lác, có nhiều cá đồng: “…về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa”. Ở Ba Tri, Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.

Nghe lạ! Gì mà “bưng ở giữa đồng”, bởi ngộ chữ tôi cũng “đọc được ở đâu đó” nên hiểu ra những người theo giải phóng miền Nam vào “bưng” là vào “rừng”. Bèn hỏi. Cụ lầu bầu: “Dễ ợt! Em hỏi ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam thử coi”. Và cụ tiếp…

Ở Bến Tre, tiếng Khmer là Srok Treay. Srok là xứ, treay là cá. Sau người Việt biến chữ srok thành “bến” nhưng chữ “treay” không là cá mà phát âm theo tiếng Khmer là…“tre”. Vì vây đất Bến Tre không trồng…tre mà trồng…dừa.

Bởi “dừa” dễ lộn với “dứa” nên cụ cho ngộ chữ tôi biết thêm Bến Tre có Giồng Trôm, thì ở Mỹ Tho có Giồng Dứa. Cụ cà rà giồng là chỗ đất cao trồng thơm và khóm nên qua giồng ăn …”dứa” mới có câu Ai dzìa Giồng Dứa qua truông, gió rung bông sậy bỏ buồn cho em”. Dứa đây không phải dứa Bắc kỳ của một tôi có trái mà Nam kỳ của cụ kêu là thơm, khóm là loại cây có lá gai như lá thơm, lá khóm. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh…bánh da lợn.

Tiếp, cụ lại kề rề ngộ chữ tôi cái đáng biết thì không biết ở câu ca dao miền Nam “Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi”. Vì Củ Chi từ tên gọi cây củ chi chứ chả phải là…là…củ cải. Củ chi là một lọai thuốc Nam có lá như…lá trầu, quả tròn như…quả cau.

Nhưng cái mà ngộ chữ tôi muốn biết là…bánh da lợn nên nói vãi thì lại nói vơ…

– Tại sao Nam kỳ không kêu là bánh da heo mà lại kêu “bánh da lợn”.

Cụ móc họng ngộ chữ tôi:

– Tại sao Bắc kỳ không kêu…nói toạc móng lợn mà lại kêu “nói toạc móng heo”.

Hơ! Bởi nhẽ bí ngô bí khoai nên ngộ chữ tôi thưa với cụ ăn mày chữ nghĩa theo cụ Ngộ không qua Chữ nghĩa làng văn…

Paulus Huỳnh Tịnh Của là học giả người miền Nam, trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, ông giải nghĩa lợn là heo, vì người miền Nam phần lớn là những người di dân từ miền Trung xuống, tiếng nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ phát âm thành…“quan lợn”. Quan cho là vô phép nên sai lính lấy “hèo” phạt, ai bẩm “quan lợn” là phải đòn 10 hèo. Vì vậy họ gọi mỉa con lợn là “con hèo”. Rồi để khỏi lầm lẫn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn lại là…con heo.

Con lợn từ miền Bắc xuống miền Nam thành con heo là thế.

Thế là được thể cụ kể lể chuyện Trư Bát Giái đi từ bắc xuống Nam…

– Con lợn tiếng Việt cổ gọi là “con heo” (hay con cúi) qua câu “nói toạc móng heo”. Di dân vào miền Nam, con lợn được người Nam kêu lại với tiếng Việt xưa là…con heo.

Đột dưng cụ gióng giả:

– Qua hỏi em chớ… chớ con lợn khác con heo ở chỗ nào?

Đợi một tôi…chớ phở ra rồi cụ mới phăm phở…

– Con heo ăn bắp, con lợn ăn… ngô!

Ngó thấy mặt ngộ chữ tôi…“ngu như lợn” nên không biết bắp và ngô khác nhau ở khổ nào. Cụ bèn văn minh miệt vườn với cây cảnh…

Với cây cảnh, tiếng Việt cổ gọi là bông, là trái. Vì ảnh hưởng từ hoa quả của tiếng Hán nên người Bắc gọi là hoa, là quả. Thành ngữ cổ có câu: “Tháng Tám nắng rám trái bưởi”. Di dân vào miền Nam, người Nam vẫn giữ tiếng Việt cổ bông, trái.

Từ chữ “vô” chui vào tai lọt ra miệng, ngộ chữ tôi định lơ mơ lỗ mỗ với cụ chữ “vô” ngừời miền Nam nói là “dô” vì sống chung với người Miên nên bị biến âm đi thì cụ lại “Qua nói em nghe…”. Và ngộ chữ tôi nghe thủng ra là:

Từ thời nhà Nguyễn có cuộc di dân “vào” miền Nam. Tiếng “vào” của người miền Bắc cổ được kêu là “vô”. Vì tiếng “vô” là thổ ngữ của người Mường thượng du Bắc Việt. Người người Việt cổ vay mượn chữ “vô” này một thời gian rồi trả lại cho người Mường.

Nhưng người Việt khi vào miền Nam khai khẩn khẩn đất hoang, chữ “vô” theo chân người đi mở cõi vẫn giữ lại chữ “vô”.

Cầm xị đế, khi không cụ chộn rộn: “Tới bến”. Ngộ chữ tôi ngỡ…“hoa thiên tửu địa” là…nhậu tới bến hoá ra là tới…Bến Lức. Cụ củng quẳng “Bến Lứt” chứ không phải Bến Lức. Lứt là tên ban đầu, vì ở đây có nhiều cây lứt, và phát âm sai là…Bến Lức. Xe thổ mộ ì ạch bò lên cầu Bến Lức, cầm xị đế, cụ co quắm đế Gò Đen làm ở Bến Lức, Long An. Nhậu tới chỉ xong, cụ quẳng xị đế xuống sông Vàm Cỏ Đông.

Cụ với mửng cũ: “ Qua nói em nghe, cái đáng hỏi em không hỏi là ở ngã ba sông được gọi là “vàm” như Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, v…v…”. Một tôi thêm một lần nghe lạ với vàm ở ngã ba sông? Vì theo tự điển vàm là…cửa sông”. Mắt một tôi tròn dấu hỏi. Mắt cụ hấp háy: “Dễ òm! Em hỏi ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam xem coi”.

***

Tới Hóc Môn cụ biểu xà ích bắt lít đế Bà Điểm. Ngộ chữ tôi ớ ra gì dữ thần vậy? Cụ sành điệu củ kiệu là để làm “ít ly” với nem Thủ Đức. Bèn ớ ra nữa? Cụ chàng ràng “ít ly” là…“y một lít”. Vì vậy ngộ chữ tôi đợi tới Thủ Đức để cụ “lỳ một lam”, ngộ chữ tôi “làm một ly” cho phải đạo nhậu. Vì đợi xà ích chạy u đi mua đế, ngồi ở quán cóc ở bến xe thổ mộ Hóc Môn. Một tôi ngó chừng chiếc xe đã một thời đi vào văn học, cụ giựt giọc…

– Em ngó chi vậy?

– Cái xe u mê!

– Em nói chi?

Đành thưa gửi là ông Vương Hồng Sển gọi cái xe này là “u mê” vì xe chạy lóc cóc trên đường phố đầy ổ gà nên các bà, các ngồi nhấp nhổm…ê cả mu. Cụ xuội lơ: “Thiệt tình!”. Bập bập điếu thuốc rê, và cụ lụi đụi:

– Thiệt tình! Ổng giỡn chơi vậy thôi chớ trên nhựt trình, ổng viết vì ổng nghe câu người ta chửi thề: “Mả cha mày chạy chứ mả ai chạy!”. Ổng giải thích thổ là đất, mộ là nấm mộ, xe thổ mộ tức cái xe như…nấm mộ lùm lùm chạy trên đường phố. Nhưng thổ mộ là cách đọc của mình theo âm Quảng Đông là “tủ mỏ”, tức độc mã (một ngựa). .

Làm như Vương Hồng Sển “u mê” chi đâu. Vấn xong điếu thuốc rê, cụ rề rà…

Tên Sài Gòn với “Thầy Ngòn” được nhiều người biết đến qua Vương Hồng Sển. Nhưng Sài Gòn được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra đầu tiên: “Sài là mượn chữ viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ, Gòn là chữ Nam chỉ bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ”. Đúng ra Sài Gòn từ Thầy Ngòn là thuyết được đưa ra bởi hai người Pháp là Aubaret và Francis Garnier. Thuyết này được Vương Hồng Sển bàn ra tán rộng đều dựa dẫm vào hai ông Tây trên và Trương Vĩnh Ký.

Gần đây có thuyết Sài Gòn từ…”Sài Gòong”, mà Sài Gòong là tên của một vùng ở tỉnh Quảng Ðông. Người Tàu từ Ðề Ngạn (Chợ Lớn) ùa ra ở Sài Gòn (Gia Ðịnh kinh), gọi thành phố là Sài Gòong để tưởng nhớ quê hương của họ ở bên Tàu.

Tuy nhiên từ thời vua Lê chúa Trịnh, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: “Năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên phá vỡ “Luỹ Sài Gòn”. Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất hiện trong sử liệu.

Khi không cụ cười tít…

– Qua nói em nghe: Gòn là chữ Nam, vì chữ Hán không viết được chữ Gòn nên họ viết là Côn. Như vậy tên Sài Gòn đã có từ năm 1674 qua Lê Quý Đôn. Mắc chứng chi ông Vương Hồng Sển nát bàn với Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng?

Xe qua Lái Thiêu, Thủ Đức, cụ cho hay ông tên Lái uống rượu…Hóc Môn say bí tỉ…”thiêu” cái chợ nên mới có tên…Lái Thiêu. Hay “thủ” chỉ vị thủ đồn canh gác dọc theo đường sông, tên là Đức nên cư dân gọi là chợ Thủ Đức. Cụ rị mọ là nem chua Thủ Đức ăn với bún ở chợ bán bún gần đấy sao lại kêu chợ bún là chợ…Búng.

***

Vì bún thành búng nên cụ quên tuốt chuyện mua nem uống với đế Bà Điểm. Xe hết lên đèo Ngoạn Mục (Phan Rang) đến leo xuống đèo Rù Rì (Nha Trang). Con độc mã khọm kéo cái “tủ mỏ” như “Con ngựa già của chúa Trịnh” thở như bò thở…bò qua đèo Cả (Khánh Hoà). Đi dọc theo ven biển, một tôi lưỡi đá miệng thưa với cụ rằng người trong nước khi rày thẻo câu chặt chữ với địa danh như “Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên là Long Châu Hà”. Hay “Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là Bình Trị Thiên”. Hoặc “Hà Đông, Nam Định, Ninh Bình là Hà Nam Ninh”. Bởi nhẽ đó con cháu các thế hệ sau này đọc văn học sử cụ Nguyễn Khuyến ở “Hà Nam Ninh” chả biết cơ ngơi thổ quán cụ Tam nguyên Yên Đỗ ở đâu. Ngước mắt lên dẫy Trường Sơn xa xa…Ngộ chữ tôi làm như ngứa miệng: “Còn Kontum, Pleiku, Daklak thì khi nào họ gọi là…Kon Ku Lắc” đây.

Vậy mà cụ chả cười tít cho, mãi khi tới Bình Định, ắt là vì cụ Nguyễn Khuyến bỗng dưng không đâu mất dấu tích quê hương bản quán của mình! Nên cụ ngược dòng lịch sử với tiền nhân mở mang bờ cõi qua những địa danh nay đã trở thành phế tích…

Bình Định vốn đất cũ của Chiêm Thành. Theo sách Đồ Bàn ký triều Minh Mạng sau khi bị Lê Đại Hành đánh lấy thành Địa Rí (982), vua Chiêm chạy vào đây đóng đô đặt tên kinh đô là Đồ Bàn. Vì Đồ Bàn (Chô Pan) là hiệu của vua. Sau những người đi mở cõi theo chân chúa Nguyễn có mặt ở vùng đất mới. Đồ Bàn được Nguyễn Hoàng đổi thành Qui Nhơn. Sau nữa tới thời Gia Long đổi tên là Bình Định mang ý nghĩa đã thắng nhà Tây Sơn và “bình định” được đất này.

Nguyễn Hoàng mang “phường” từ Thăng Long vào Bình Định lập ra “nậu” là làng nghề. Như “nậu nại” chỉ người làm muối, “nậu vựa” chỉ người làm mắm, “nậu rớ” chỉ người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ …Người cầm đầu một nậu gọi là “đầu nậu”. Sau làng nghề là không còn nữa, nậu thành tiếng Việt cổ, âm ngữ “nậu” biến thái thành “nẫu” chỉ người (đại danh từ ngôi thứ ba số nhiều và số ít) như dân nẫu, nẫu nè, nẫu ơi.

.

Nói chuyện láp dáp vậy mà tới Quảng Ngãi hồi nào không hay…Và làm như hồn ma bóng quế những di tích Bình Định vẫn còn theo cụ vào Quảng Ngãi như vào Thục địa qua vỉa tầng văn hóa trầm tích còn ẩn tích đây đó nên giọng cụ bứt rứt…

Tổ tiên của người Quảng Ngãi ngoài lớp di dân, một phần khác là “tội đồ”. Thời Lê Thánh Tông (1460-1497) tội đồ lưu ngoại châu, tức đày đi châu ngoài, tội đồ bị đày vào tận Quảng Ngãi, bị thích 8 chữ vào mặt, đeo xiềng 2 vòng. Đến đời chúa Nguyễn, học theo nhà Lê, di dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên xuống Quảng Nam. Riêng tội đồ, tù binh chúa Trịnh, đào binh chúa Nguyễn bị đày xuống giải đất tận cũng là Quảng Ngãi. Trong nhóm “tội đồ”, có một số người chống đối triều đình mang trong người dòng máu…cãi cọ. Bởi thế mới có câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co…”.

Với danh xưng “tôi”, phương ngữ Quảng Ngãi gọi là “qua”. Với đại danh từ ngôi thứ ba âm ngữ thay từ gốc thêm hỏi như ông ấy, bà ấy được thay bằng “ổng”, “bả”. Danh xưng “qua”, “ổng”, “bả” từ Quảng Ngãi theo chân những người di dân vào Nam.

Tới Hội An, một tôi vun chuyện gần đây có giai thoại ông Tây tới phố Hội An hỏi: Faifo? Ý là phải phố không? Vì vậy trong văn học Hội An có tên mới là Faifo. Nhưng trước đó hai trăm năm, theo Voyage from France to Cochi-China của Captain Rey, người Pháp vào năm 1819 viết: “Vịnh Tourane đã được ghi lại trong chuyến Hải trình đến Trung Hoa năm 1772 của Lord Macartney. Nay tôi vẽ lại hoạ đồ chính xác hơn và thêm một hải cảng từ đảo Tiger đến Huế. Fai-Fo giống như một hải cảng ở Ấn Độ…”.

Tới đây cụ chỉ xuống con đường cái quan còn rơi rớt lại cả một khúc dài bên cạnh Quốc lộ 1 với di tích của đường còn khá rõ với gờ đường khá rộng khoảm 4 m. Cụ cho hay: “Con đường cái quan này từ Nguyễn Hoàng mới có”. Vì cụ nhắc đến Nguyễn Hoàng, ngộ chữ tôi len chân vào chuyện với 5 quảng thi đếm lòi mắt có 4 quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Còn quảng thứ 5 ở đâu? Bèn mò vào Chữ nghĩa làng văn được cụ Ngộ Không câu thừa chữ thiếu là: Nguyễn Hoàng đóng ở Ái Tử, Quảng Trị. Nguyễn Phúc Nguyên dời vào Quảng Điền. Sau Gia Long đổi tên là Quảng Đức và rời dinh (như kinh đô) vào đây. Vì giống Bến Lức với Bến Lứt. Người Huế đọc là “Quảng Đứt”. Như vậy nhà Nguyễn “đứt” gánh không truyền tử lưu tôn được! Vì vậy qua thời Minh Mạng thì Quảng Đức đổi thành Thừa Thiên là…thừa mệnh trời.

Năm 1558 Nguyễn Hoàng dẫn quân vào Thuận Hoá, sau khi an cư lạc nghiệp rồi, Nguyễn Hoàng cho di dân từ Quảng Trị, Huế vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong lớp di dân này có những người phải chạy trốn vì trả thù của các triều đại mới lên, nên nhiều nhánh họ Mạc và Trần phải đổi họ và chạy vào đây. Ngoài ra, phần nhiều gốc gác họ là lính thú, tội đồ với di dân nghèo khổ, vì sinh tồn phải đối phó nghịch cảnh trở thành thói quen của người Quảng Nam, Quảng Ngãi hay cãi để thắng không chịu thua. Thế nên dân gian mới có câu: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Thừa Thiên ăn hết”.

Cụ thêm vào câu thành ngữ ở trên với “Thừa Thiên ăn hết” để cụ um thủm thêm…

Dân nẫu hiền nhưng cộc cằn, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng hơi thô kệch. Dân nẫu học hành đến mấy vẫn không trút được cái gốc “nẫu” của mình. Nẫu không khôn ngoan, khéo léo như người Bắc. Nẫu không dịu dàng, thanh cảnh như người xứ Huế. Nẫu cũng chẳng rộng rãi, rỗng bụng như người Nam. Người khác nói về mình, tốt xấu cũng mặc: “Kệ nẫu”. Nẫu là nẫu: “Nẫu dzẫy” (nậu vậy). Thế nên dân nẫu đi xứ khác làm ăn bị thiệt thòi nhiều, ít bạn, nhưng nếu có bạn, nẫu sẽ sống chết với bạn…

***

“Con ngựa già của chúa Trịnh” ì ạch kéo “cái…nấm mộ” lên đèo Hải Vân đổ xuống Huế của Thừa Thiên…Ngồi không, một tôi loay hoay vặn vẹo rộn cả người với Cà Mau Huế đâu đó 1.000 cây số, ngựa đi khoảng 20 cây số một giờ mà gần hai tháng mới đến đây vì…ngựa còn ăn cỏ dọc đường nữa chứ. Chứ như ông già Ba Tri (khi ấy 70 tuổi) và hai ông bạn già mang theo đế Gò Đen, nay ghé chỗ này mai ở chỗ kia nên từ Bến Tre đi bộ tới Huế gần nửa năm cũng dễ hiểu thôi. Bèn thưa với cụ ngầu sự ấy, cụ xụi lơ. Ngồi không hóa rồ nên ngộ chữ tôi rối chữ với các cụ ta một thời ứng thi với bút nghiên…

“…Năm Kỷ Sửu (1889) tức năm Thành Thái nguyên niên, khoa thi tiến sĩ được mở tại kinh đô Huế. Làng Hành Thiện có 20 cống sĩ đậu cử nhân các khoa trước dự thí. Trong đó có cụ Nguyễn Như Bổng, 62 tuổi, đậu cử nhân năm 1888. Cụ đã làm quan tới chức tri huyện nhưng vì làm tri huyện không được phép thi hội thi đình nên cụ xin cáo quan để dự thi. Việc đi đứng vô cùng cực nhọc ở dọc đường. Đường đi từ Hành Thiện vào Huế dài khoảng 600 cây số, cụ phải đi đường bộ mất hai tháng có hơn.

Cụ khởi hành từ đầu tháng hai âm lịch để kịp trình giấy tờ cho bộ Lễ 10 ngày trước khi thi. Cụ rất giàu, có ba đầy tớ theo cụ vào Huế, hai người khiêng võng, một người gánh mùng màn quần áo, thuốc thang cùng tiền nong và ít đồ lặt vặt như điếu ống, ấm chén và một túi lớn đựng đầy sách vì khi đi đường nằm đọc trên võng cáng. Cụ còn thuê một trai tráng trong làng khỏe mạnh chỉ mang mã tấu, dao rựa để chặt cây, phạt cỏ chắn lối đi. Anh trai tráng này còn phải mang theo dùi đục, búa, để đẽo thân cây lấy chỗ đặt chân trèo lên để mắc võng ngủ khi đi giữa rừng mà trời đã tối vì sợ ông ba mươi.

Con đường thiên lý tuỳ theo từng khúc, từng đoạn băng qua rừng, sau bốn năm ứng thí, sau bốn mùa mưa cỏ dại mọc che mất dấu vì vậy nhiều khi lạc đường cả đêm ở trong rừng. Đường đi phải qua sông nên nhọc nhằn vất vả kể gì. Nhằm sông ở vùng đìu hiu hút gió, không có đò, phà phải đợi thuyền câu đi ngang qua vẫy gọi xin qua sông.

Đường thiên lý ngoài nhỏ hẹp, khập khễnh, khi thì trèo qua dốc qua đèo, khi thì bị ngắt bởi sông nhưng sợ nhất là phá chắn ngang. Phá là lạch biển, nước chảy từ biển vào như một vịnh biển nhỏ. Gặp mùa bão, vượt qua phá cũng mất cả mười ngày. Đến Quảng Trị vào đầu tháng tư âm lịch thì cát nóng bỏng. Các cụ vừa đi vừa quăng tay nải về phía trước, chạy nhanh để đặt chân lên cho đỡ bỏng. Đường từ Hà Nội vào Huế có hai trở ngại lớn là Truông Nhà Hồ và Phá Tam Giang…”.

Căng tai ra nghe rồi, cụ cà giựt là chả thao thiết bằng chuyện “cá gỗ” của mấy thầy đồ xứ Quảng ra Huế ứng thí. Rồi cụ lại hòm hõm cái đáng hỏi thì không hỏi con cá là cá chép hay cá rô. Học cụ, chả lẽ một tôi vặn vẹo cụ cái đáng biết thì không biết là “cá rô cây” Bắc kỳ và “cá gỗ” xứ Quảng thì con cá nào có trước. Nhưng nghĩ sao lại thôi.

Ngó ra ngoài một hồi cụ thở ra và héo queo cái tên có một chữ “Huế” không thôi mà lắt léo làm rối trí và tốn nhiều giấy mực cho các nhà biên khảo không phải là ít:

Theo những nhà biên khảo cổ đại thâm căn cố đế chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa. Hóa biến thành Huế do kỵ huý tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc là ông tổ nhà Nguyễn. Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân năm 1749, tên Huế xuất hiện nhiều lần là “Hué”.

Tất cả từ thư tịch Tây mà ra, từ Dictionnaire Căm-Vietnamien-Français (Từ điển Chăm-Việt-Pháp) của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe. và ghi chú Hwe tiếng Chàm có nghĩa “hương thơm”. Thuyết khác với địa danh Hoé (họ dựa hồi ký của Pierre Poivre) tiền thân của địa danh Huế đã tồn tại trong dân tộc người Chàm. Vì năm 1307 lúc triều Trần nhận hai châu Ô và Lý, khi ấy người Chàm gọi nơi mình trú ngụ với tên…Hoé. Họ lại dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ III, dân lưu xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé.

. Tên…“Huế” xuất hiện đầu tiên trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết bằng chữ quốc ngữ. Nhưng Huế đã có trong Thập giáp cô hồn quốc ngữ văn, Lê Thánh Tông viết: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an túc, bì hồ tiêu, than Lào, thóc Huế…”.

***

Xe lắc cắc lụp cụp đến thành cổ Quảng Trị, cụ biểu xà ích đi tìm đế Kim Long. Trong khi chờ đợi, cụ lại quay quả với đường xưa lối cũ với Nguyễn Hoàng…

Đường từ Huế xuống Quảng Nam là con đường cái quan của Nguyễn Hoàng cho người làm nên. Trên đường cái quan đặt nhiều dịch trạm để chuyển công văn, sắc lệnh. Những công văn thường được cuộn tròn đựng trong một ống tre nhỏ, ngoài được niêm phong, đóng dấu mộc. Tại dịch trạm đều có phu trạm chạy bộ chuyển công văn, cũng có dịch trạm được cấp ngựa và cầm đuốc chạy suốt đêm nên được gọi là…hoả đầu quân.

Cầm xị đế, mồi lửa điếu thuốc rê, cụ Nam kỳ rặt không sai chạy với hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua hổng nói qua qua mà lại qua

– Qua nói em nghe…qua chịu đèn em…qua chuyện ông thầy đồ…qua phá.

Rót đế vào hai chung bé bằng mắt trâu, cụ cách rách…

– Những người di dân đi mở cõi khi đến vùng này bị phá. Vì vậy dân gian mới có câu “Yêu em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Phá là chỗ biển ăn sâu vào đất liền hai bên là đầm lầy. Như đầm Chuồn, đầm Sam, v…v…nếu không có tên gọi chung là “đầm phá Tam Giang”. Người di dân gặp phá thì…

Thì cụ không nói nữa…Nhìn mặt ngộ chữ tôi chậm lụt, cụ um xùm…

– Nhìn mặt em…cù lần hết biết.

Nhấp ngụm đế, cụ lụ khụ…

– Em thấy câu yêu em anh cũng muốn “vô”, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang thì chữ “vô” người di dân mang từ Bắc vào Trung, rồi…vô vào Nam không?

Ực hết chung đế Kim Long, cụ khà một cái rõ to:

– Qua chịu em thiệt tình khi em tả cái nóng Quảng Trị.

Tiếp đến cụ quắn quả với mấy ông Tây lục lộ…

Khi Tây lập địa đồ vùng Quảng Trị, khí hậu quá nóng vì gió Lào. Tây hỏi người địa phương vùng đất này tên gì?. Thấy người Tây mồ hôi nhễ nhại, ngỡ hỏi thời tiết nên trả lời là: “Gió Lào”. Người phu lục lộ ghi vào sổ tay là:…Gio Linh. Lên phía bắc môt chút nữa gặp một con sông có bến thuyền bè qua. Tây hỏi tên gi, người địa phương trả lời là…Bến Hói. Người phu lục lộ lại ghi vào sổ tay…Bến Hải.

Vừa lúc một tôi nhậu tới bến xong, cụ quẳng xị đế xuống bến sông.

***

Từ sông Bến Hải một tôi liên tưởng đến sông Gianh, vào Quảng Bình, lõ mắt tìm sông Gianh chia cắt Nam Bắc không ra! Làm như đồng cảm, cụ cho hay phân chia đất của Trịnh – Nguyễn là thung lũng sông Gianh chứ không phải sông Gianh. Mà đúng ra tên gọi của người địa phương gọi là sông Ranh là sông chia ranh giới Nam Bắc.

clip_image006

cổng Đại Nam trên đỉnh đèo Ngang

Minh Mạng xây năm 1883 tên Nôm

là cổng Giời

(chạy qua cổng là đường thiên lý)

Xe ngừng lại ở đỉnh Đèo Ngang ranh giới giữa Quảng Bình, Hà Tĩnh, chẳng thấy con cuốc của bà Huyện Thanh Quan đâu, cụ chú ụ là cuốc chỉ sống ở đầm lầy chứ không ở vùng sỏi đá núi non này nên “quốc quốc, gia gia” trong văn học sử là trật lất.

Tới Thanh Hoá, qua thành nhà Hồ có tên gọi trong sử sách là thành Tây Đô, xe lụp cụp lắc cắc trên con đường đầy ổ gà và lỗ chân trâu nên “u mê” thật. Thấy lạ bèn hỏi. Cụ cho hay đây là con đường thiên lý của nhà Hồ. Nhà Hồ đem quân đánh Chiêm Thành, vua Chiêm phải dâng đất Quảng Nam để bãi binh. Như vậy theo dãy Hoành Sơn vào đến Quảng Nam, người Việt đã mở rộng lãnh thổ chiếm 3 phần 5 lãnh thổ Chiêm Thành. Việc di dân của người Việt chỉ thật sự bắt đầu với họ Hồ. Hồ Hán Thương cho làm con đường thiên lý từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa để khai khẩn đất hoang, đào sông dẫn thủy nhập điền, như thế đủ thấy công trình mở rộng quốc thổ của nhà Hồ.

***

Xe lọ mọ lụp cụp lắc cắc bò lên đèo Tam Điệp, ngộ chữ tôi hẻo chữ với cụ rằng cái xe “tủ mỏ” của cụ chạy khi kêu lắc cắc lụp cụp, lúc thì lụp cụp lắc cắc…thì khác nhau ở khổ nào. Cụ sớ rớ là ngộ chữ tôi lại cù lần nữa, vì nó khác nhau ở…đường thiên lý và đường cái quan. Xe “tủ mỏ” đổ xuống Thăng Long. Làm như được gãi ngứa với văn dĩ tải đạo, với đạo là đường, cụ xa vắng là một tôi đang đi trên con đường của vua Quang Trung và bà chúa thơ Nôm cả trăm năm. Đột nhiên cụ ngược dòng sử học và văn học…

– Đèo Tam Điệp cách Thăng Long 105 cây số, Quang Trung cưỡi voi ra đánh quân Thanh ở Thăng Long phải đi mất 5 ngày đêm. Vậy qua hỏi em chớ…Chớ bà Hồ Xuân Hương có quởn lội bộ từ Thăng Long tới đây để làm bài “Đèo Ba Dội”, để mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo không, em thử nói cho qua nghe lọt lỗ tai coi.

Hơ! Từ bà vợ quan huyện đi qua đèo Ngang, bây giờ cụ rị mọ qua bà chúa thơ Nôm trèo đèo Ba Dội. Với thượng thiên hạ địa, bèn trộm nghĩ chả lẽ cụ đưa ngộ chữ tôi tới đây để nói chuyện văn chương thiên cổ sự. Thế là ngộ chữ tôi mọt sách ăn giấy với địa dư chí, với đèo Tam Điệp, tên nôm là Ba Dội được gọi là “Cửu Chân quan”, là ranh giới giữa quận Cửu Chân (Thanh Hoá) và quận Giao Chỉ (đồng bằng Bắc Việt).

Qua địa dư lược chí, được thể ngộ chữ tôi bắt qua Minh Mạng (1832) bỏ “trấn” đổi thành “tỉnh” vì vậy trấn Sơn Nam thành tỉnh Nam Định. Tỉnh Thái Bình được thành lập vào năm thứ hai niên hiệu Thành Thái (1890). Cùng năm này Thành Thái lấy chữcủa Hà Nội và chữ Nam của Nam Định ghép lại thành tỉnh Hà Nam. Xưa kia với đất Hải Dương, Trần Thuận Tông đặt là trấn Hải Đông. Lê Thánh Tông đổi là Nam Sách. Nhà Mạc lấy Nghi Dương làm Dương Kinh. Trích phủ Thuận An ở Kinh Bắc, các phủ Khoái Châu, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh.

Thấy ngộ chữ tôi dài hơi dầy chữ với Hải Dương. Cụ ngược dòng lịch sử…

Mạc Đăng Dung là người huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đến thời nhà Lê suy tàn, triều chính thối nát dẫn đến việc Mạc Đăng Dung bắt các quan triều đình nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc vào năm 1527. Năm 1600, vua Lê chúa Lê Trịnh chiếm lại Thăng Long. Họ Mạc chấm dứt, dòng họ Mạc phân tán khắp nơi và phải đổi họ qua họ khác: Hoàng, Lê, Nguyễn, Phan, Đoàn, Hà, Vũ, Thái, v…v…

Với chữ “Thái”. một tôi chậm lụt qua bài viết tựa đề Chuyện đời người đi mở cõi.Chuyện về dòng họ Thái vượt biển bằng thuyền thúng đi về phương nam (…) tới Bến Tre lập làng sinh sống. Làng của dòng họ Thái lập có tên là Trại Già nay là Ba Tri…”

Bỗng không cụ buồn xo…

– Chi Thái của Mạc Phúc Nguyên lưu lạc tới Nghệ An rồi Quảng Ngãi.

Với dòng họ Thái, cái đầu củ chuối một tôi mọc măng với: “…ông Thái Hữu Kiểm là cháu nội ông Thái Hữu Xưa, gốc ở Quảng Ngãi, sinh cơ lập nghiệp ở Ba Tri …”.

Mắt một tôi lại tròn dấu hỏi, cụ lại mửng cũ “qua nói em nghe” và một tôi nghe ra:

– Qua là ông già Ba Tri đây.

Hơ! Nhẽ này ngộ chữ tôi không ngạc nhiên cho lắm, bởi từ chuyện cá gỗ xứ Quảng ngộ chữ tôi đã nghi nghi. Ủa! Mà “Quảng” nào kìa? Thêm nữa, cái đầu đất sét ngộ chữ tôi nhão nhoẹt với ông ra Hà Nội làm gì ta? Ngộ chữ tôi…mài chữ rửa óc nghĩ không ra.

***

Vừa lúc xe thổ mộ lạch cạch qua cầu Long Biên vào Hà Nội…

Ừ thôi thì đến cớ sự này, đất có thổ công sông có hà bá, một tôi cũng đành thưa với ông rằng Hà Nội của một tôi cũng tiêu hao chữ nghĩa lắm, nào khác gì Sài Gòn của ông. Tất cả bằng vào văn thư Ngô Thì Nhậm tấu lên Quang Trung, Ngô Thì Nhậm viết Thăng Long là “Bắc Thành”. Từ đó trong văn học sử Thăng Long được gọi là Bắc Thành để…thành tên chứ không phải Quang Trung đổi tên như nhiều sử gia đã viết.

Tuy nhiên theo ‘chính sứ” của nhà Nguyễn, năm 1802, Gia Long cử Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long là Bắc Thành.

Xưa kia địa danh được đặt tên theo đông, nam, tây bắc để có “Tứ trấn” bao quanh Thăng Long: Trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh), Trấn Sơn Nam (Nam Định), Trấn Sơn Tây, Trấn Hải Đông (Hải Dương). Nhà Nguyễn nói chung, Minh Mạng nói riêng lệ thuộc vào nhà Thanh nên Minh Mạng thứ 12 (1831) ngồi ở Huế đổi tên Bắc Thành thành…tỉnh Hà Nội.

Trong cơn đồng thiếp với chữ nghĩa, ngộ chữ tôi nho táo với ông …

Chuyện Hà Nội ở bên Tàu lấy từ câu sách Mạnh Tử: “Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội” tức Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội. Vì vậy có thể Minh Mạng đặt tên Hà Nội và Hà Đông theo Mạnh Tử nhưng vì ngồi ở Huế, Minh Mạng không biết Hà Đông nằm ở phía tây Hà Nội. Dậu đổ bìm leo, các nhà biên khảo không “vọng ngoại” với Mạnh Tử, mà chỉ “vọng nội” với Minh Mạng, nên cho là Hà Nội có tên này vì Hà Nội nằm trong sông Hồng Hà.

Làm như tới Hà Nội là hết chuyện, ông về lại với con đường xưa ta đi…

Vua đặt tên cho một nơi nào đó phải được Quốc sử quán ghi vào chính sử như Đại Nam Nhất Thống Chí. Như trước đó, Gia Long truyền Binh bộ thượng thư Lê Quang Định soạn bộ Nhất thống địa dư chí, gồm 10 quyển. Từ quyển 1 đến quyển 4, tác giả tả đường bộ (đường cái quan) từ Quảng Đức (kinh đô Huế) vào Trấn Biên (Biên Hòa).

***

Trời mỏng dần như sắp tối, nhưng lại tối sáng, tối đến xắt ra từng miếng một…Một tôi và ông vào Hà Nội hồi nào không hay. Hà Nội từ những làng mạc cũ xưa mà thành, những con ngõ là những con đường làng cả ngàn năm trước. Con ngựa kéo chiếc xe thổ mộ như nấm mộ lùm lùm chạy trên những con phố lát đá xanh có cả trăm năm nay.

Ông đang đảo mắt ra phố phường để tìm con đường nào đấy…Một tôi nghĩ quẩn hết đường thiên lý đến đường cái quan, ông còn đi tìm gì nữa đây. Bèn hỏi. Ông thở hụt một cái vì sử gia Hà Nội kết tội cụ Phan Thanh Giản trao sáu tỉnh Nam kỳ cho Pháp nên họ cấm viết sử nhà Nguyễn (từ năm 1954 tới 1964) và bỏ tên đường liên quan tới nhà Nguyễn (từ năm 1954 tới 1968). Đến năm 1968, họ lập “Ban tên phố”, và đặt lại tên đường vua quan nhà Nguyễn trước kia. Đến lúc này ông mới rì rầm ông đang đi tìm ấn tích nào đó của người muôn năm cũ, một người phương Nam đi mở cõi. Người mà hơn 200 năm sau ông đã theo chân người đi mở cõi tới Quảng Ngãi, xuống tận Bến Tre.

Chiếc xe “u mê” ngừng lại trước quán Cháo Lú. Ông xuống xe…

Bên kia con phố…ông đang hóng mắt u mê nhìn lên bảng tên đường gắn trên vách tường rêu phong ẩm ướt của hai con ngõ kế cận nhau. Ngõ này này là Hồ Hán Thương. Ngõ kia tên Nguyễn Hoàng. Ngẫn ngẫn trong giây lát, ông lụi cụi đi vào một trong hai con ngõ dài ngoằng ngoãng. Nhìn sau lưng, ông như như cái dấu chấm than ngả nghiêng và mất hút đằng cuối con ngõ sâu hun hút với đường mưa ướt đất

.

Dưới mái hiên quán Cháo Lú cũ kỹ có ông xẩm già cũng cũ càng không kém, ông đang cò cử chiếc đàn gáo làm bằng ống bơ rỉ…Đâu đây văng vẳng trong hiu hắt âm vọng nam ai nam oán của người về từ trăm năm…

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời nam thương nhớ đất Thăng Long

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Phụ đính:

Những địa danh Mỹ Tho, Trà Vinh,…Bắc Liêu, gốc tích Mã Lai hoặc Cao Miên như:

Mỹ Tho do chữ Me Sa có nghĩa là Bà Trăng.

Trà Vinh do chữ Pratrapeang có nghĩa là hồ của Phật thánh.

Sóc Trăng do chữ Strok Treang có nghĩa là xứ hay kho tàng.

Bắc Liêu do chữ Po Loenh là cây ca dao.

Nguồn:

 

Hồ Đình Vũ, Nguyễn Chu Hậu, Phạm Huy Lê, Đoàn Xuân Thu, Võ Hương An, Bùi Duy Tâm, Cao Tự Thanh, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duy Đoàn, Trần Trọng Kim, Trần Lý Lê, Phan Khoang, Lê Văn Đức, Trần Gia Phụng, Lê Ngọc Trụ, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Phụng, Thái Văn Kiểm, Tô Hoài Bùi Đức Tịnh, Ngự Thuyết, Phạm Trung Tùng.

Bài Mới Nhất
Search