T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Ảnh (luocsutocviet.com)

        Dẫn nhập

        Là người mụ sử, ăn ngay nói thật, mụ sử tôi góp nhóp được những sử liệu để dều người ra viết bài sử khảo này đây. Sau đó mài óc ngẫm nguội mới chọn được tựa đề có một chút nào bí rị: Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị. Vì ngay mụ chữ tôi cũng bí ngô bí khoai với “thị” là nghĩa lý gì. Bởi bất sĩ hạ vấn, nôm là chả mất sĩ diện khi phải hỏi. Bèn hỏi cụ Ngộ Không, cụ là người ngọai sử nên cụ…sợi tóc chẻ làm tư: Bởi chưng tên gọi triều đại xưa nước Tàu thường dùng chữ thị như Hữu Sào thị, Tam Nhân thị. Vì “thị” là “họ”. Vì thế sử ta gọi họ hàng hang hốc 18 vua Hùng là Hồng Bàng thị, là thế. 

 

Thế là với 18 vua Hùng, mụ sử tôi dựa dẫm vào nhà văn hóa Nguyễn Đăng Thục…

“…Việt sử lược là bộ sử đầu tiên (xem trang 5) của Ta cũng viết rõ hơn: Xưa hoàng đế dựng muôn nước thấy Giao Chỉ ở xa ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được bèn chia giới hạn ở góc tây nam. Đến đời Thành vương nhà Chu (1024-1005 tr. C.N) Việt Thường thị mới đem dâng bạch trĩ, sách Xuân Thu, gọi là Khuyết địa Đài ký.

Đến đời Trung vương nhà Chu (696-682 tr. C.N.) ở bộ Gia Ninh (tức là Mê Linh nhà Hán). Phong Châu đời Đường quê hương của Trưng Trắc mà theo truyền thuyết là dòng dõi Hùng vương có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng vương…

Trong các đoạn văn sử kiện chính thức của Tàu và Ta thì có điểm nào là sự thực, điểm nào là truyền thuyết ?…”

Từ “điểm nào là truyền thuyết” của Nguyễn Đăng Thục ở miền Nam, mụ sử tôi vắt qua sử gia miền Bắc. Sử gia Đặng Văn Lung cho rằng một số tác giả:họ thường lấy truyền thuyết làm lịch sử, thậm chí có người đã sửa lịch sử lại cho đúng với truyền thuyết. Truyền thuyết là truyền thuyết, lịch sử là lịch sử, không thể đồng nhất được. Theo ông ngay trong sử thời Hồng Bàng dường như cũng có hiện tượng này: “Theo tôi truyền thuyết cái bọc trăm trứng đoạn đầu nói Lạc Long quân là con Lộc Tục, và Lộc Tục là con vua Thần Nông, một vị vua mở đầu lịch sử Trung Quốc, theo sử cũ, thì đó là do các sử gia thêm thắt vào. Lại lối đặt tên như Hùng vương, Lạc Long quân, Âu Cơ, v…v… cũng là do các sử gia ấy bịa ra…”.

Ông gần gặt: “Nói chung, những người nghiên cứu sử đều biết”.

Từ chuỗi sử liệu trên, mụ sử tôi giật gấu vá vai được bài sử khảo mà mụ sử tôi rất nhân sinh quý thí chí, bởi nhà văn khảo nào đấy đã mọc ra chuyện: “…Nhưng ai bảo cái khảo chơi không quan trọng bằng cái khảo thiệt? Những nhà nghiên cứu cặm cụi đo từng cái xương sọ của người ta, hì hục khai quật di chỉ xưa, mằn mò nhặt nhạnh từng lưỡi búa mũi tên. v…v… Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay thì trông khả kính lắm đấy; nhưng kẻ đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi giấu trong mồm, trông khả ái biết bao…”.

Bài sử khảo rồi cũng xong, bèn nhờ cụ Ngộ Không…”khảo đính”, và “nhuận sắc” dùm. Bởi cụ là tác nhân của mục Chữ nghĩa làng văn nên ngôn bất tuyệt ý bất tuyệt rằng tạng văn sử khảo nên đổi là “phiếm sử”, vì phiếm gồm bộ thủy và bộ phạt với thủy là..nổi trôi, phạt là…vô định. Bởi thế bài phiếm sử lại được…”tục biên” để nổi trôi về một bến cô liêu….

Nếu ai đó vắn vỏi: Ủa tưởng “Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị” xong rồi mà…mà còn tiếp tục nữa ư!? Chả dấu gì ai đấy, trăm sự ở cụ Ngô Không…khi không cụ tống táng cho mụ sử tôi thêm một sử phẩm khác của nhà sử học Trần Quốc Vượng.

Nhà sử học đây là một trong tứ trụ sử gia miền Bắc cũng đã từng khẳng định:

“…Truyền thuyết không phải là lịch sử, không ít truyền thuyết được tạo thành chính sử. Chức năng của sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, vậy mà lịch sử thời vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử…”.

Nhà sử học đong đảy: ”Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu”.

Cứ theo cụ Ngộ Không hòm hòm theo “sử ký” thì vua Hùng lần đầu tiên xuất hiện trong Việt điện u linh tập qua truyện Sơn Tình Thủy Tinh của Lý Tế Xuyên.

Lý Tế Xuyên là quan Thủ đại Tạng kinh Trung phẩm Phụng ngự nhà Trần, ông giữ hương hoả bất tuyệt, ghi chứng tích các vị thần qua đền miếu, khảo dị qua Giao Châu Ký của Tăng Cổn là Thứ sử Giao Châu vào đời Đường. Qua chức vụ ấy, ông ghi lại trong Việt điện u minh tập với hậu ý mong trừ dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ trong dân gian.

Trong Việt điện u linh tập (1), Tăng Cổn diễn tả vua Hùng chỉ là nhân vật phụ trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh dài không hơn một trang giấy khổ nhỏ với hai ba đoạn ngắn ngủi như: Sơn Tinh, Thủy Tinh làm bạn rất thân thiết ở ẩn tại động Châu Phong, Hùng vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc tuyệt trần. Thục Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Lạc hầu cản rằng: Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó. Hùng vương sợ sinh ra hiềm khích.

Là người mụ sử, mụ sử tôi lưỡi đá miệng với cụ qua Giao Châu ký cho hay:

Nhưng linh động và hồn nhiên nhất là giai thoại giữa Hùng vương và quan Lạc hầu. Hùng vương trong chuyện này là ông nhu nhược và ba phải. Qua đối thọai với quan Lạc hầu, nói lời nào chỉ thấy “vua muốn gả”,  “vua sợ”, “vua cả mừng”, “Hùng vương mừng lắm” và “Hùng vương cho là phải”..v..v..Tài viết truyện của Lý Tế Xuyên là ở chỗ ấy. Ông làm cho người đọc mê theo dõi câu chuyện từng chi tiết nhỏ nhặt, càng đọc càng thấy thích thú (1).

Cụ nhòm tôi bằng nửa con mắt rùa và lụi đụi tiếp…

Bản kỷ (chính sử) về Hùng vương trong Đại Việt sử ký tòan thư chỉ xuất hiện sơ lược trong Lĩnh Nam chích quái qua truyện Dưa hấu, Bánh dầy bánh chưng, Chử Đồng Tử, Tiên Dung Truyện Hồng Bàng của Trân Thế Pháp dựa vào Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên viết năm 1329 (xem tr 5), vua Hùng không được nhắc đến nhiều, phải đợi Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp với những truyền thuyết và thần tích trong dân gian để chứng tỏ nước ta cũng có quá trình “truyền kỳ” như người phương Bắc (2).

Thế kỷ 15, người tới sau xuất hiện gốc tích mù mờ tên là Trần Thế Pháp. lưu danh thiên cổ là truyện…”người lấy cá đẻ ra trứng” qua Sùng Lãm. Vũ Quỳnh góp nhặt những truyện ấy cho là truyện truyền khẩu sọan thành tập như cuốn sách mỏng

Vũ Quỳnh cho hay:

“…Nước Việt ta tự cổ là đất hoang dã nên việc ghi chép còn sơ lược, những chuyện chép ở đây, từ thời nào? Chỉ biết tên là Trần Thế Pháp, ông này không phụng mệnh vua, dựa vào Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên để viết cội nguồn tộc Việt.  Trần Thế Pháp chắp vá một số truyện cổ tích ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh của Trung Hoa như Tài Quý ký hay Nam Hải cổ tích ký, để thành truyện. Đến đời Lê, kẻ ngu này góp nhặt thành tập và đặt tên là Lĩnh Nam chích quái liệt truyện …”.

Trong bài tựa, Vũ Quỳnh viết:

“…Tháng hai năm Nhâm Tý, kẻ ngu này mới bắt đầu chép truyện cũ, ôm lấy không tránh khỏi chữ này xọ chữ kia. Thế là quên mình dốt nát, đem ra hiệu chính, xếp thành hai quyển Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, cất ở trong nhà để tiện quan lãm. Còn như việc khảo chính, nhuận truyện thì chư vị quân tử hiếu cổ sau này há không có ai hay sao?…”.

Mụ chữ tôi dón được chuyện “người tới sau xuất hiện gốc tích mù mờ tên là Trần Thế Pháp” và “Vũ Quỳnh góp nhặt những truyện ấy”, với thói cóc lại đòi leo thang nên nói…leo với cụ: Trần Thế Pháp hiệu Thúc Chi, quê Thạch Thưc, Sơn Tây. Còn Vũ Quỳnh tự Thủ Phác, hiệu Đốc Trai người làng Mộ Trạch, Hải Dương. Sinh năm 1453, đậu tiến sĩ năm 1478 thời Hồng Đức thứ 9, làm quan đến lễ bộ thượng thư, rồi về trí sĩ bị…cướp giết chết.

Nghe thủng rồi mà làm như điêc đặc hay sao ấy! Cụ Ngộ Không hắng giọng mà rằng…rằng theo nhà biên khảo, giáo sư nào đó bình phẩm thì…

Trước Trần Trọng Kim, Ngô Sĩ Liên cũng viết như thế. Điều đó cho ta suy gẫm là nội dung của truyện được ghi chép bởi Trần Thế Pháp, người Hoa sống vào thế kỷ 14, dù có muốn xóa bỏ dấu tích Việt tộc cách mấy cũng không thể bỏ dấu tích được Việt tính như cách gọi tên: Đế Minh, Thần Nông nếu gọi theo cách người Hoa là Minh Đế, Nông Thần. Chuyện của Trần Thế Pháp chỉ muốn gán ghép nguồn gốc Hoa cho Sùng Lãm Lạc Long quân. Thành ra chúng ta chỉ nên coi chuyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái như dựa trên chuyện dân gian nào đó, thêm thắt tình tiết cho có vẻ ly kỳ. Các nhà viết sử chỉ tin vào những gì do Trung Hoa ghi chép nên cũng đã lập lại gần như nguyên văn những ý kiến cũ.

Từ Sùng Lãm với chuyện ”người lấy cá”, mụ sử tôi len chân vào chuyện…

     Truyện Hồng Bàng

(“trước tác” từ Lĩnh Nam chích quái)

Xưa cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, nhân tuần thú phương Nam rất “dế mèn phiêu lưu ký”: Người đi với người con vợ cả là Đế Nghi, đi bằng gì, đi năm nào, không thấy nói tới. Rồi đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Người phong cho con bà cả là vua phương Bắc, con bà hai là vua phương Nam cho vẹn đôi bề. Con bà hai làm vua hiệu là Kinh Dương Vương xuống thủy phủ lấy con gái hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm. Một chiều chẳng biết vua cha đi đâu, vua con Sùng Lãm bèn lên ngôi, xưng Lạc Long quân để trị dân. Dân lúc nào có việc cần kêu vua con: Bố ơi không đến mà cứu chúng tôi.

Một ngày “Bố ơi” gặp nàng Âu Cơ ở một mình…Nguyên văn trong văn bản búi bấn thì “Bố ơi” thấy đẹp lạ lùng, yêu quá, nên lấy làm vợ. Giáp một năm, sinh ra bọc trứng và nở ra trăm con. Chia đều làm hai, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo Lạc Long quân trở về thủy phủ, Âu Cơ lại gọi như gọi đò sang sông: Bố ơi không về để mẹ con ta thương nhớ. “Bố ơi” về thật và nói: Ta là rồng ở thủy tộc. Nàng là giống tiên, ở trên đất. Thủy hỏa tương khắc khó mà ở cùng nhau. Âu Cơ trở lại huyện Bạch Hạc, phong cho con trưởng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, truyền được 18 đời và được gọi là thời Hồng Bàng.

Bởi chưng đọc ngọai kỷ tức ngoại sử như chuyện kỳ cổ, mụ sử tôi trộm thấy Sử thần Ngô Sĩ Liên là sử quan chừng mực. Ông cân nhắc không đưa đọan Âu Cơ…”dâm lọan” hai chồng như Trần Thế Pháp viết Âu Cơ trước kia là “vợ của Đế Lai, con của ông bác ruột, tức anh họ của Lạc Long quân”. Ông anh họ chu du khắp thiên hạ ham vui quá quên cả ngày về. Ở nhà, ông em họ thấy Âu Cơ dung mạo đẹp lạ lùngyêu quá. Nàng cũng thấy chàng nhi lang phong tú nên phải lòng ưng theo. Trong phàm lệ, ông ghi: Cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?. Ông làm ngơ bỏ qua một đọan trong Lĩnh Nam chích quái: Giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, Âu Cơ cho là điềm không hay, nên đem vất bỏ ngòai đồng nội, hơn bẩy ngày sau, trong bọc nở ra một trăm trứng…

 Vì chuyện này, một sử gia riết róng:Có lẽ là do ít ai không nhận ra những hạt sạn nhỏ nhặt. Hoặc nhiều người đã nhận ra rồi mà cho là nhỏ nên không bận tâm chăng?”.

Đến trần ai khoai củ này, cụ mắng mụ sử tôi như vặt thịt vì viết về thời Hồng Bàng mà bồ bã quá, viết sử phải nghiêm túc và cẩn trọng như những sử gia tiền bối. Thảng như …

Viết về họ Hồng Bàng, dựa vào Đại Việt sử ký tòan thư của Ngô Sĩ Liên, trong Việt Nam sử lược của Sử thần Trần Trọng Kim chép:

Cứ theo tục truyền vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch?) và lấy con gái Động Đình quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ”Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.

Với bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí, bộ Khâm Sử nhà Nguyễn có phần cẩn án:

“…Địa giới nước ta đông giáp Hợp Phố (phía biển), tây giáp Đại Lý (Vân Nam), bắc giáp Nghi Ung (Quảng Tây), nam giáp Chiêm Thành thì quả thực bờ cõi quá rộng rãi, chưa đời nào được như thế. Đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không còn dựa vào đâu mà khảo đính được. Sử cũ lại chép quá xa, nào là hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình hồ của nước Sở thì còn xa lắm, chẳng cũng xa sự thực lắm ru…”

Các sử gia sau với nước Văn Lang và vua Hùng đã quên lời dặn dò của Ngô Sĩ Liên: “Nước ta thiếu sử sách biên khảo, mà đều do truyền văn. Sao chép có phần quái đản, phiền tạp, chỉ làm lọan mắt”. Mà lọan mắt, phiền tạp quái đản thật…Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối chương về thời Hồng Bàng, bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: “Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế”. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho là: “Rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”.

Hai sự kiện chưá nhiều mâu thuẫn vẫn thường bị bỏ sót:

      Thứ nhất: Các vương hiệu của Hùng vương, theo ‘truyền thuyết’ hoàn toàn viết bằng chữ Hán: Hùng Huệ vương, Hùng Tấn vương,…trước khi người Hán đến xứ đó trên dưới 2800 năm. Vì vậy chỉ có một trong hai chuyện đã xảy ra:

Một: Hùng vương là người…“gốc Tàu”. Hai: hay…“lai Tàu”.

       Thứ hai: Kinh Dương vương hoàn toàn là một thứ tên hiệu tiếng Hán ròng, mang nghĩa vua của đất Kinh và Dương. Hai châu Kinh và Dương chính là hai châu chính của nước Sở. thời Xuân thu Chiến quốc

Ngoài ra, cũng có nguồn từ một học giả Pháp: Âu Cơ  là người gốc Động Đình hồ, thuộc Sở (chủng Thái). nước Việt của Câu Tiễn, sau khi bị Sở thôn tính (333 TCN).

1: Việt vương Câu Tiễn là Hùng vương thuộc đời thứ sáu.

2: Hùng vương thứ nhất là con trai trưởng của Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Trường hợp người thật: Hùng vương thứ nhất phải là người mang hai giòng máu, Âu và Lạc. Hùng vương thứ 2 trở đi, mang trong người ít lắm 3 giòng máu. Giòng máu thứ 3 là máu của Hùng Hoàng hậu, người bản địa (rất có khả năng thuộc tộc Môn-Khmer).

Nói cho ngay, đọc đoan văn sử rối như canh hẹ trên, mụ chữ tôi nhũn não chả hiểu gì hết. Nhưng đậu vào mắt câu: “Âu Cơ…là người gốc Động Đình hồ” của học giả Pháp, trong đầu củ chuối mụ chữ tôi mọc măng ra chuyện ở bên Tây có ông lang Ta viết sử đã vật vã với…cái trứng. Chuyện là khi có chứng tích ắt có nguyên ủy, và ông lang giải bày là ông học Nam sử bằng chữ Nho từ tấm bé, bỏ tiền túi sang tận bên Tàu năm lần mười lượt. Lọ mọ lên tận núi Ngũ Lĩnh, láo quáo xuống tận Động Đình hồ có con sông Tương tìm ra một nhánh sông tên…Âu Giang. Ở đây có một giống chim là chim…hải âu. Thế là chuyện ông Lạc Long quân và bà Âu Cơ được giải mã: Chim phải đẻ ra…trứng.

Có được sử phẩm “đắt” như này, mụ sử tôi không dám đưa vào đây vì cụ đã rấm rẳn viết sử phải cẩn trọng và ngiêm túc. Vì vậy mụ sử tôi mạo muội bày tỏ với cụ về những bộ sử nhà đang ẩn khuất ở đâu đó. Như Việt sử cương mục của Hồ Tôn Thốc (1324-1404) là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết vua Hùng vào sử sách. Nhờ vào Lời tựa sách “Việt sử cương mục” được Phan Huy Chú chép trong Việt Nam thế chí: 18 đời vua Hùng giữa truyền thuyết và lịch sử (4): “…Đất Việt ta từ đời Hồng Bàng vào thời cõi xa, trong lúc sách vở chưa đủ, nếu cho là có thực thì “bởi đâu mà biết?”. Cho nên những chuyện cóp nhặt đều là lượm lặt ở chuyện đồn đại, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ để đó, những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ”.

Theo thứ tự thời gian, Đại Việt sử ký có 30 quyển nay giới sử học chỉ tìm thấy 15 quyển. Việt sử cương mục bị mất từ thời Trần-Lê (1407–1427) khi bị quân Minh đô hộ. Đại Việt sử lược trong đó có 18 vua Hùng cũng bị thất lạc vào thời nhà Minh (?), mặc dù “khuyết danh” nhưng được vua biết mặt chúa biết tên nhờ học giả người Nhật tìm thấy ở bên Tàu.

Vẫn cái thói năm ngày bảy tật là khoe chữ…mụ chữ tôi khoe với cụ:

Lê Văn Hưu dựa theo phương pháp viết sử của Tư Mã Quang, tác giả bộ sử Tư trị thông giám của Tàu để viết “Đại Việt sử ký” từ Triệu Đà tới nhà Lý. Ngô Sĩ Liên dựa vào Đại Việt sử ký để viết sử. Nhưng Lê Văn Hưu (1230-1322) mất trước khi 18 vua Hùng xuất hiện trong Viết điện u minh tập (1329) và Lĩnh Nam chích quái (1492). Vì vậy theo mụ sử tôi: Ngô Si Liên đã dựa vào Hồ Tông Thốc để đưa thời đại Hùng Vương vào Đại Việt sử ký toàn thư.

Đồng thời Ngô Sĩ Liên chê Lê Văn Hưu ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đúng, văn tự còn có chỗ chưa ổn, người đọc không khỏi có chỗ chưa vừa ý. Nhưng ông khen Hồ Tông Thốc: ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà. Thêm những lời bình của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư ông vay mượn của Hồ Tông Thốc qua lời tựa mà Phan Huy Chú chép lại ở trên.

Nghe mụ sử tôi lơ mơ lỗ mỗ về sử sách, cụ gật đầu tắp lự: Đại Việt sử lược sau bị nhà Thanh đổi tên vào thời Càn Long năm 1792, họ (phải chăng là Tiên Hi Tộ? sử gia nhà Thanh) cắt chữ “Đại” còn lại là Việt Sử lược. Có thể nhờ vậy Càn Long mới viết được Bình định An Nam chiến đồ. Cụ nắn no với mụ sử tôi, nếu được như Càn Long đọc Việt Sử lược, nếu như vua Hùng có thật thì qua Việt Sử lược, vua Hùng lập quốc 700 năm trước CN. Cộng chung cho đến nay là 2700 năm chứ không phải là 4000 năm.

Vì sử sách ta mất mát quá nhiều nên sử gia sau này chỉ dựa vào “sử một quyển” để dựng sử: Đó là Đại Việt sử ký toàn thư năm 1479 thời vua Lê Thánh Tông. Ông lấy bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên làm mẫu mực viết Đại Việt sử ký tòan thư khởi đi từ đời Hồng Bàng tới cuối nhà Lê. Trong đó ông viết:  “Trộm nghĩ may thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy những bộ sách của tiền nhân trước đây và sửa sang lại. Thêm phần Ngọai kỷ”. Phần Ngoại kỷ ông chép là dã sử: “Vì vật thời đại mở nước mang tính chất nửa huyền thoại, nửa lịch sử như Kinh Dương vương, Hùng vương, An Dương vương”.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên chỉ gọi 18 đời vua Hùng vương theo thứ tự số, như Hùng vương thứ 6, Hùng vương thứ 18, v…v… Vậy các sử gia tìm ở đâu ra 18 tên và niên đại? Để trả lời cho câu hỏi này, một giáo sư sử học miền Nam trích đoạn trong Sử Ký của Từ Mã Thiên quyển 40, trang 141, cột ba: “Đời Thành Vương nhà Chu có họ Hùng đất Sở (tr 7) được vua phong cho đứng đầu các giống man di ở đấy. Họ Hùng truyền được 20 đời: Hùng Dịch, Hùng Nghệ, v…v…”. Với ghi chép trên của Tư Mã Thiên, các sử gia ta tạo dựng lên đầy đủ tên 18 vua Hùng và tuổi thọ mỗi vị vua trung bình là…145 năm. Trong khi sử Trung Hoa trước sau không hề nhắc đến 18 đời vua Hùng Vương của ta.

Để vớt vát chuyện mấy bộ sử bị thất lạc, mụ sử tôi lăn tăn với cụ mặc dù sử liệu của Đại Việt sử ký toàn thư tàng trữ trong viện Đông Các đã bị thất thóat. Thế nhưng sử quan triều Lê cũng dựa dẫm vào Đại Việt sử ký toàn thư để ghi chép việc nước, để viết thành bộ Đại Việt sử ký tục biên. Được thể mụ sử tôi thưa thêm với cụ qua phần Ngọai kỷ, Sử thần Ngô Sĩ Liên đã đắn đo: Thảng có hay hoặc dở, nhưng may ra cũng có thể giúp ích phần nào cho việc tra cứu tìm hiểu đời sau”. Qua Khâm Định Việt sử thông giám cương mục với họ Hồng Bàng, sử quan nhà Nguyễn hấm húi bằng vào hai chữ “tương truyền” với câu “Nhưng hẵng cứ chép lại để truyền nghi . Riêng chuyện Âu Cơ đẻ ra 100 con trai, vua Tự Đức phê:

(…) Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy. Huống chi lại nói đếm trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông, sao khác gì lòai người được. (…)

Sau đó, mụ sử tôi lấy ngắn nuôi dài về vua Hùng qua sử gia Tây phương…

Theo Keith Weller Taylor (The Birth of Vietnam) với 5 năm nghiên cứu sử Việt ở Hà Nội và giảng dạy môn lịch sử Việt Nam tại đại học Cornell: Trước thế kỷ 20, những người mà hiện nay gọi là người Mường trước kia không bị phân biệt. Vì nhiều nhân vật lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi ở vùng đất của người Mường. Ông dẫn chứng: “Năm 1925, tạp chí Nam Phong đã in bài viếtvề người Mường, do một người Mường viết về những người lãnh đạo gọi Quan lang bao gồm Hùng vương, Hai Bà Trưng. Quan lang là tước hiệu của thủ lĩnh người Mường”. Hay nói khác đi qua Taylor: Vua Hùng gốc gác là…người Mường.

Đồng tình với Taylor, nhà sử học thâm căn cố đế Trần Quốc Vượng Hà Nội cho rằng…

Thời Hùng vương là một thời kỳ khuyết sử dẫn đến sự phủ định sử Việt. Qua bài báo Từ Hoa Lư đến Thăng Long, giáo sư khảo cổ, cổ học viết: “Thời đại các vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều. Tôi đã chứng minh rằng vua Hùng là Pò Khun là thủ lĩnh mạnh nhất của một phức thể Khun (Vua = Bua = , Hùng = Khun) tức hệ thủ lĩnh Mường chiếm cứ vùng đỉnh núi châu thổ sông Hồng (Việt Trì)”.

Gì mà vua Hùng hết mang giòng máu người bản địa thuộc tộc Môn-Khmer” (xem tr 4) nay đến người Mường tên “Pò Khun”. Thế là trong cái đầu đậu phụ sũng nước mụ chữ tôi nhão nhọet ra gốc tích của vua Hùng qua một ông lang Tây:

“…Để hiểu rõ cổ sử Việt ta, hãy đi tìm “mã số di truyền học” (genetic code) hay mã số DNA của vua Hùng Vương. Muốn thế ta phải dựa vào bản thể của tế bào gốc của Tổ Hùng, tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của vua Hùng vương. Mẹ của vua Hùng là U cò tức con cò gió, cò lả, cò lang. Cò lang tức cò trắng vì “lang” là trắng như bị chứng lang da (chứng vitiligo)….”.

Lại nữa, mụ chữ tôi không dám thưa với cụ huyễn sử trên vì sợ cụ mắng cho rỗ mặt. Vì lấy đâu ra tế bào gốc của Tổ Hùng để thử DNA. Thôi thì dàng dênh theo một nhà biên khảo, khảo sử miền Nam sau này: Điều đó cho ta suy gẫm nội dung của truyện được ghi chép bởi Trần Thế Pháp, người Hoa. (…) Thành ra chúng ta chỉ nên coi chuyện Hùng vương trong Lĩnh Nam chích quái như dựa trên chuyện dân gian nào đó, thêm thắt tình tiết cho có vẻ ly kỳ. (…). Trần Thế Pháp không nói tới Hùng vương bắt đầu lên làm vua từ khi nào? Theo truyền thuyết khẳng định rằng triều đại Hùng Vương kéo dài tới…2000 năm !?. (2)

Với ngô vôn bất tận, sau đó với sử quan Ngô Thì Sĩ là người đầu tiên tỏ rõ thái độ ngờ vực qua Việt sử tiêu án: Họ Hồng Bàng khởi đầu từ năm Nhâm Tuất và kết thức vào năm Quý Mão thì Hùng vương mất nước. Nhiều ít bù trừ lẫn nhau, mỗi vua ở ngôi hơn 120 năm. Người ta không ai là vàng đá, sao lại sống lâu như thế. Điều này không thể tin được.

Lây dây với một nhà chép sử công phu, dài hơi đang ở ngoài nước thi:

Vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 và kết thúc vào 258 TCN. Tổng cộng 2622 năm. Nếu chia ra 18 đời thì mỗi một đời vua kéo dài trung bình 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường. Thêm chuyện Đại Việt sử ký toàn thư sao chép 18 đời vua Hùng rập y khuôn 18 đời vua nhà Hạ, triều đại Hồng Bàng ở bên Tàu. Khổ nỗi tất cả đều viết tên hiệu bằng…chữ Hán ròng. Thí dụ, Hùng Huệ vương, Hùng Tấn vương, v.v. Và vua Hùng này có lẽ nói với thần dân bằng tiếng Tàu, trước khi người Tàu đến nước ta cả ngàn năm (3).

Tới tao đọan này mụ sử tôi đực ra vì nhà Hạ (hay nước Sở, tr 5) của Tàu cũng có…18 vua Hùng. Hay nói thẳng mực Tàu đau lòng gỗ là sử ta vay mươn Tàu…18 vua Hùng và Hồng Bàng thị. Mụ chữ tôi không dám bạo gan lộng thiên hí địa như những người viết trước cho là người xưa dựng lên Hùng vương, người sau đưa vào chính sử nên đành im như thóc ngâm vì sợ cụ lại nho táo là đa thư loạn mục, là đọc nhiều quá nên rối mắt thì khốn.

Tiếp đến, cứ theo cái đầu đất của mụ sử tôi chả có sử Tàu nào nhúc nhắc đến…18 đời vua Hùng của Ta. Sử Ký của Tư Mã Thiên không chép về vua Phục Hy, Thần Nông thuộc thời kỳ Hồng Bàng của họ vì ông cho là huyền thoại. Ấy vậy mà sách báo ta chép mới hay:

“…Ở Hà Nội, tờ Nhân Dân cuối tuần đăng một bài nói về Phục Hy, cụ tổ Trung Quốc chính là người làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Ngay dưới chân núi chùa Tây Phuơng còn có miếu của Tổ là nơi “bác Hồ” rút khỏi Hà Nội khi về Chùa Thày. Mỗi lần bác tập xe đạp đều ghé miếu lạy Tổ ta với hẹ (sic) và cơm trắng…”

18 vua Hùng thời đương đại…

Mụ sử tôi đang gà gưỡng…lạc đường vào lịch sử vì Hùng vương của Ta  từ Tàu mà có, Ta vay mượn mang vào sử nhà mới có Hồng Bàng thị. Hoặc nói theo nhà sử học Trần Quốc Vượng: Truyền thuyết không phải là lịch sử, không ít truyền thuyết được tạo thành chính sử (tr 2). Bởi nhẽ ấy mụ chữ tôi không dám đưa vào đây vì sợ cụ mắng cho thối đầu thị…

Thì vừa lúc làm như có gì suy nghĩ lung lắm rồi cụ cười tũn mà rằng…

Năm 54, ông Hồ tới đền Hùng báo cáo anh, báo cáo chị công chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mới xong và bảo đám bộ đội đi theo: “Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Vì lịch sử chỉ là công cụ của chế độ nên sử gia miền Bắc “nhất trí”: Chỉ có Hùng vương thôi, vì bác đã nói như thế. Và họ như con bò nhai lại với âm bản của sử quan nhà Nguyễn: Hùng Triêu vương, huý Cảnh Chiêu Lang làm vua 94 năm, sống 286 tuổi có 60 vợ, sinh 40 con trai & 16 con gái, có 56 chi và sinh ra 399 cháu chắt.

Cụ lễnh đễnh tiếp qua cái nhìn của một nhà sử học mà theo cụ với bất ngôn nhi dụ, hiểu nôm là…là không nói ra cũng hiểu được như vày:

Vì người phương Bắc muốn đồng hóa người Việt bằng cách cho rằng cả hai là một dòng của người Tàu, sau một ngàn năm đô hộ, họ để lại rơi rớt một ông con lai là Trần Thế Pháp với hai dòng máu Tàu-Việt. Vì vậy, qua Lĩnh Nam chích quái, Trần Thế Pháp gán ghép nguồn gốc Hán tộc cho Lạc Long quân. Các nhà chép sử Hà Nội, với xu hướng lệ thuộc vào người phương Bắc nên cũng lập lại gần như nguyên văn những huyền thọai, huyền sử ấy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng như bất cứ ai, viết sử nhưng không có đủ tư liệu để mà viết, nhất là hơn “12 thế kỷ sau thời vua Hùng”. Chỉ vì sau nhiều năm bị đô hộ bởi Hán tộc, sử thần mượn truyền thuyết Tam vương ngũ đế với 18 vua Hùng để quân bình ngôi thứ, hai chủng tộc mang cùng một huyết thống, hầu mong tránh cảnh nồi da xáo thịt.

Vua Hùng “ngụ cư” trên đất Bắc…

Đền Hùng thờ 18 đời Hùng vương ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ. Ở đền Hùng, thần tích, ngọc phả ghi chép 18 đời vua Hùng Vương với đầy đủ duệ hiệu với tên tuổi và thời gian trị vì. Những văn bản đó được cho là viết lại vào khoảng thế kỷ 18 dưới đời Lê Trung Hưng. Có người còn sửa lại bản “Cổ Việt Hùng thị thiên thế thánh vương ngọc phả cổ truyện” cũng được cho là làm từ thời Lê Thánh Tông (1470) nay còn để ở đền Hùng (5). Cho đến nay, không có sử liệu khả tín nào dẫn chứng đền Hùng dựng năm nào? Tuy nhiên có nguồn khác đền Hùng dựng lên từ thời Lê Thái Tổ. Tất cả chỉ là ngoa truyền, vì trong văn học sử chỉ duy nhất Lê Quý Đôn nhắc đến đền Hùng qua danh tính ông từ giữ đền Hùng và chuyện dân chúng sửa sang đền Hùng nhưng lại ăn cắp gỗ mang về làm nhà.

Cụ chỉ biết bia “Hùng miếu kỷ niệm bi” ghi rõ chuyện trùng tu năm 1915 khi đang xảy ra Thế chiến I do Công sứ M.G. Guillard cho dựng lên.

Cụ thở ra như bò thở mà rằng với bất khả ngôn truyền, nôm là không nói ra được với chuyện Lĩnh Nam chích quái cho 50 người con của Lạc Long quân ngụp lặn quanh Ðộng Ðình hồ phía nam núi Ngũ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thư cho 50 con của Âu Cơ an cư lạc nghiệp ở Việt Trì. Sử quan nhà Nguyễn vặc nhau như mổ bò nên đặt Lạc Long quân (và An Dương Vương) là “vua mở đầu nước Việt” hay Hùng vương? Vua Hùng thắng thế nhờ Tự Ðức: Vua Hùng là quốc tổ… là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Qua núi Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ, sử quan nhà Nguyễn như xẩm vớ được gậy vì chữ “Lĩnh” hình tượng núi Ngũ Lĩnh bên Tàu, vì vậy đền Hùng được dựng lên ở núi Nghĩa Lĩnh.

Chợt bối rối nhìn trời nhìn đất, cụ mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây…

Rồi với mặt mũi héo don, cụ lậu bậu chuyện vua Hùng và Hồng Bàng thị, sử thần Trần Trọng Kim dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư với truyền thuyết Hông Bàng. Ông đưa truyền thuyết này vào sử sách. Sau sách được đưa vào học đường làm sách giáo khoa, khiến truyền thuyết thành chính sử, rồi thẩm nhập lâu ngày nên không đổi được nữa.

Tuy nhiên quyển thông sử có ảnh hưởng rộng rãi vẫn là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Vì ông đã ý thức được khuyết điểm của những sử gia đi trước: “Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở Tàu, chứ chuyện nước mình là nhất thiết không nói đến”. Với sự phổ biến chữ quốc ngữ, ông “lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà để cho ai ai cũng có thể xem được sử”.

Vua Hùng “di cư” vào miền Nam…

Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng ghi rõ: “Tục lệ dân xã Hi Cương, phủ Lâm Thao lấy ngày 11-3 là ngày thờ thổ kì, (tức thổ địa ”Hùng vương”). Khải Định ra chiếu chỉ: Từ nay lấy ngày 10-3 làm lễ tổ Hùng vương. Tức lùi lại…một ngày để ông đi Tây dự “Hội chợ thuộc địa Marseile” năm 1922. Từ đấy câu ca dao: “Nhớ ngày mồng Mười tháng Ba…” có từ ngày ấy.

Ở miền Nam ngày lễ giỗ tổ 10-3 trôi qua như những ngày kỷ niệm khác, hoài đồng vọng vua Hùng là những người gốc Bắc di cư hồi cố quận về nơi chốn xa cách với quá khứ. Bởi nhẽ ấy, vua Hùng ở miền Nam đã rẽ sang chiều hướng không phải sử học nhưng lại có dáng sử học, kết hợp với tình tự quê hương dân tộc thành một niềm hãnh diện tự kiêu. (5).

***

Vừa nhắc nhớm đến Khải Định, ông vua đồng bóng, cụ Ngộ Không cáo lão về hưu…Xin lỗi nói lộn, cụ cáo lỗi về Thạch trúc gia trang cùng ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây. Còn một mình mụ sử tôi trên đường cô lý về một bến cô liêu với những người viết sử…”đồng bóng’, họ lên đồng với chữ nghĩa viết sử lọan lên như sử gia tân đương đại (5) đã ngay thòng thõng rằng họ viết để gây lòng “tự tin dân tộc”, trong chuỗi tiến trình tiến hóa lịch sử qua 4000 năm văn hiến. Bởi đã có một nhà làm văn học trong nước “cuồng Việt”, “cuồng sử” viết sử theo…”chủ nghĩa tự ái” dân tộc kéo dài sử Việt tới 70.000 năm chứ không phải 4.000 năm (6). Ngược dòng lịch sử với 20 năm VNCH, trường đại học sư phạm còn có ban Sử Địa đào tạo các thầy giáo chuyên ngành, gây được hứng khởi về sử Việt. Tuy nhiên nội dung giảng dạy vẫn chỉ là khai triển quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim với tinh thần…”dân tộc chủ nghĩa”. (7)

Thêm những người thời nay với…”chủ nghĩa tự tôn dân tộc” với những triết lý thần học mông lung cho có vẻ uyên bác, sử gia tân đương đại ám chỉ linh mục triết gia Kim Định với Minh triết Việt. Vì vậy ông đã…ngôn sử chung chung như vầy:

“Họ có thói quen lười nhác, lặp lại lời kẻ khác. Nói nghiêm chỉnh hơn, đó là do tác động đến tận tiềm thức của thành kiến, để nô lệ một cách vô thức. Họ trích dẫn chủ quan sai lạc từ các sự kiện trong sách sử từ xưa tới nay để viết về sử nước nhà”.

Kết luận

Số là ăn mày chữ nghĩa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong tiểu thuyết lịch sử Vàng lửa có tới ba kết luận. Nhưng mụ chữ tôi kỳ óc chỉ được hai, ấy vậy mà cũng phải vay mượn chữ nghĩa của thiên hạ sự. Trước hết là một khúc văn trong bài văn khảo Từ huyền sử đến sự thật của một sử nữ, nhà văn tỵ nạn quê đất Hưng Yên:

Kết luận I

(…) Thật sự, những người quan tâm tới tới lịch sử, văn hoá nói chung không nhiều. Một số người còn tỏ vẻ coi thường, cho Hồng Bàng là chuyện vớ vẩn khó tin. Ngay cả với trống đồng nếu không xác nhận được địa bàn của tộc Việt, lại tranh cãi tỷ như ai là chủ nhân trống đồng, kinh Dịch, các nền văn hóa Ðông Nam Á, văn minh lúa nước, tiếng Việt/tiếng Tàu…chỉ loanh quanh giữa các tác giả người Việt, những tấm lòng son “cô quạnh giữa hoang phế miếu đường”. Trái lại, một số bài viết/tác phẩm công phu/dài hơi, huyền thoại hóa thêm truyền thuyết, khiến truyền thuyết/lịch sử dường như chỉ dành cho giới…viễn tưởng. Những buổi nói chuyện về tiểu phẩm/tác phẩm lịch sử chỉ lôi cuốn được một số người lớn tuổi, hoặc các cựu giáo chức sử/địa/ngôn ngữ. Những về nguồn, di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, 4000 năm văn hiến…được lập đi lập lại trong các bài bình luận/diễn văn hiếm khi nêu rõ nguồn gì, di sản ấy là gì, bản sắc gì, giữ gìn thế nào, văn hiến tính từ hồi nào… (…)

Kết luận II

Văn chương thiên cổ sự của người sử nữ trên không “cô quạnh giữa hoang phế miếu đường” vì có thêm nhà văn Nhược Trần người Hà Nội qua bài viết Về chuyện mới cũ ….

(…) Con người, xã hội và văn hóa Việt Nam có vấn đề, lấn cấn rất nhiều vấn đề. Tôi ví nó như một lọ mắm tôm, vừa ngon, vừa đậm đặc lại vừa có cái mùi thum thủm khó ngửi. Ở đây, những điều được xem là “bản sắc”, là “cá tính dân tộc” hay “đặc thù văn hoá” cần phải được xét lại toàn bộ. Thử xem, sẽ trải bao thế hệ nữa, dân Việt mới thôi không còn ngửa mặt ngạo nghễ về những thành quả của những tự hào về các ý niệm mơ hồ như “bốn ngàn năm văn hiến”, “con rồng cháu tiên”, “dân tộc anh hùng”, v…v…đã thật sự thiếu cơ sở và trở nên vô cùng lố bịch. Việt Nam sẽ muôn đời không thể ngóc đầu lên được, nếu chúng ta mãi cứ tự mãn về cái nguồn gốc rồng chim của mình. Một dân tộc thấp kém mới phải thường xuyên bám víu vào huyền thoại, tự kỷ ám thị để làm cuộc “phong vương” cho mình. (…)

        Thạch trúc gia trang

    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

  (2004, 2009, 2015, 2018, 2021)

 

Nguồn 1:

Việt điện u minh tập – Lý Tế Xuyên

Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp

Đại Việt sử ký tòan thư – Ngô Sĩ Liên

Việt Nam sử luợc – Trần Trọng Kim

 

Nguồn 2:

Nguyễn Phương, Trần Bích San,  Nguyễn Duy Chính, Nguyễn Lý Tưởng,

Vĩnh Phúc, Nguyễn Xuân Quang, Trần Vân Hạc, Trần Thị Vĩnh Tường,

Võ Phiến, Trần Đại Sỹ, Hòang Xuân Hãn, Hà Văn Thủy

 

Nguồn 3:

(1) Việt điện u minh tập 1960 : Lê Hữu Mục

(2) Lĩnh Nam chích quái 1959 : Lê Hữu Mục

(3) 18 đời vua Hùng vương: một ý niệm liên tục : Nguyên Nguyên

(4). Nhìn lại sử Việt : Lê Mạnh Hùng

(5) Những bài văn sử : Tạ Chí Đại Trường

(6) Từ chủ nghĩa dân tộc đến chủ nghĩa Sô Vanh (Chauvininisme) – Nguyễn Văn Lục

(7) Sử liệu quốc nội và nền sử học dân tộc chủ nghĩa Việt Nam – Tạ Chí Đại Trường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search