T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Lòng không chút nắng

 

clip_image002[4]

Vó Câu Muôn Dặm – Tranh : Trần Thanh Châu

Đi về đâu hỡi em

Khi trong lòng không chút nắng

(TCS)

Bọn họ lặng lẽ đi qua cầu. Không ba lô, không súng. Trơ trụi như lúc họ mới bị ném xuống cách đây chưa được mười lăm hôm. Chỉ khác là hãy còn bộ đồ lính chưa bạc màu vì mồ hôi và nắng gió ở thao trường. Họ đi hàng một, người trước như không biết có người sau và người sau cũng không biết có người trước. Họ lầm lũi bước đi, cô đơn, tuyệt vọng, cho dù phía trước họ, trong một con phố nhỏ nào đó, trong một thôn xóm nào đó, là quê nhà với mẹ cha anh em bè bạn…

Họ đi về hướng đông, nơi quốc lộ số 1 đang nghẹn ứ những đoàn người di tản. Mặt trời vừa qua khỏi núi Đeo, chiếu thẳng vào mặt họ những tia sáng bén như gươm. Bóng họ đổ dài ra phía sau, vắt lên thành cầu, rơi xuống lòng suối, vẫn không ngừng chuyển động như những bóng đen trong đèn kéo quân.

Họ được lệnh tan hàng, có nghĩa họ được tự do trở về đời sống dân sự. Cái chiến trường khốc liệt suốt hai mươi năm đã như một cái che cán mía ngốn hàng vạn người, nay đã có vẻ thừa mứa không cần tới bọn họ, là những người mới tập cầm súng chứ chưa biết bắn. Có ai đó trong số họ tủi thân nghĩ rằng mình bị bỏ lại thì cũng nên nhớ cho, những doanh trại, những bãi tập, những xe pháo đạn dược còn tủi thân hơn vì chúng cũng đang bị bỏ lại, trong khi quân miền bắc từ đèo Phượng Hoàng như một con lũ quét sắp tràn xuống.

Lúc ấy Liên đang thả mái tóc con gái của mình trôi dập dờn trong lòng suối. Trời mùa hè, nên nước suối ấm và trên mặt suối hơi nước ngùn ngụt bốc lên như sương. Qua rồi một đêm mỏi mệt vì lo sợ pháo kích. Nước làm tươi mới thịt da, dãn nở các tế bào để cho đầu óc cô được ngơi nghỉ.

Vậy là cộng sản sắp tới rồi, có ai đó nói như một tiếng than dài. Cô giật mình ngước mặt lên, nước theo mái tóc cô bắn tung tóe trên không, Và, nước cũng chảy tràn trên mặt cô, dễ làm một tân binh nào đó đang đi trên cầu tưởng cô đang khóc vì mình.

Cô nhìn theo họ, quên mất là mình đang mặc một chiếc áo lót sũng nước, hai đầu vú nhô lên như hai nụ nấm chưa nở. Có một chút gì đó vừa bàng hoàng vừa tiếc nuối làm cho cô sững sờ. Cái cách họ đi như đang đi về một nơi không có mặt trời. Từ lúc chập chững bước đi cho đến bây giờ, cô không lạ gì những người mặc áo lính. Họ quen thuộc đến nỗi giống như những tảng đá hai bên bờ suối, như cây cầu, như thánh giá trên gác`chuông nhà thờ. Ở cái xứ mà lính đông hơn dân, sĩ quan nhiều hơn thầy giáo thì chẳng ai nhớ nổi một tân binh quân dịch, nhất là anh tân binh ấy chỉ gặp cô có một lần.

Nhà cô ở đầu phố. Một quán sách nhỏ mà chủ yếu là bán bì thư tem thư và kem bót đánh răng. Những lúc không đi học, cô trông hàng cho mẹ. Cô đã gặp những sĩ quan và lính pháo binh mà phù hiệu trên vai làm cho họ như có vẻ trí thức hơn nhờ những bài học về tọa độ, về đường đi của đạn pháo. Cô cũng gặp những lính biệt động quân mỗi khi thua trận về quân trường học lại đều cạo trọc đầu! Nhưng gặp nhiều nhất là những tân binh quân dịch ở bộ binh Lam sơn. Bọn họ rất ít khi tán tỉnh như lính pháo binh và biệt động. Họ chỉ rụt rè đến mua bì thư, giấy bút viết thư, rồi về trút nỗi nhớ, nỗi lo sợ, nỗi khổ trên những trang giấy pelure nhiều khi bị nhòe ra vì nước mắt.

Bọn họ chỉ đến vài ba tháng rồi đi và không bao giờ trở lại. Chiến trường nuốt lấy họ như rắn nuốt nhái.Hết lớp này đi lớp khác lại tới như mùa gặt này xong lại đến mùa gặt khác.Lúc họ đến, bất kể là nắng hay mưa, là ngày hay đêm, từ trên xe nhà binh họ bị hất xuống, ngơ ngác giữa khung cảnh xa lạ với những người mà mỗi mệnh lệnh là một tiếng quát nhiều khi là một nắm đấm. Họ là những học trò chưa quên được những ô cửa sổ trong lớp học, những con nhà nông chưa quên được mùi bùn đất của thửa ruộng vừa cày. Họ lúng túng, rụt rè, thấy thứ gì cũng sợ, gặp ai cũng không dám nhìn thẳng mặt. Họ nói lí nhí, lễ phép một cách vụng về. Họ gần như không còn một chút bản lĩnh nào khi đứng trước con gái, nhất là người con gái ấy đẹp như Liên.

Cô gặp anh ta trong hàng sách của mẹ. Cái đầu mới húi 3 phân, hãy còn để lộ những cái sẹo lúc nhỏ, khi anh lấy mũ xuống một cách không cần thiết lúc bước vào quán. Bộ đồ anh mặc chưa kịp sửa rộng thùng thình khiến anh như bơi trong đó mỗi khi đi. Nhìn vẻ mặt thư sinh phảng phất một chút sợ, một chút run, cô suýt bật cười thành tiếng. Cô thấy mình giống như cô giáo và anh là một học trò ấp úng vì không thuộc bài. Cô thân mật hỏi, “mua gì nào”, để giúp anh thêm dạn dĩ. Nhưng nghe tiếng cô, anh lại luống cuống đội mũ lên, định bước ra như nghe ai quát. Cô lại phải gọi, “anh gì ơi, mua gì em bán cho. Mua giấy viết thư phải không”?

Trời ạ, đến nước này mà anh vẫn không nói ra lời. Anh chỉ biết đưa ngón tay trỏ đang run chỉ vào ngăn tủ để bì thư. Cô lấy ra cho anh một xấp phong bì, vài chục tờ pelure màu xanh, một chục cái tem thư. Cô cho tất cả vào một phong bì loại dày của Mỹ, đặt trước mặt anh trong khi anh lúng túng cho tay vào túi tìm ví đựng tiền. Anh lựa những tờ bạc mới và thẳng nhất đưa cho cô với cái nhìn biết ơn. Rồi anh đi, lẫn vào hàng trăm hàng ngàn người lính khác trong chiều chủ nhật. Và trong cô, chẳng có một chút xôn xao nào ngoài một cái nhìn thương hại.

Nhưng lúc này, nghe mấy tiếng cộng sản sắp tới rồi, cô lại nhớ tới anh, mà lại nhớ rất rõ như vừa mới gặp hôm qua. Cô nhớ cả những hạt mụn đỏ trên mặt, những sợi lông mày đậm và chắc, cái miệng môi dưới hơi trề. Khi anh bước ra, cô trông thấy cổ anh lấm tấm mồ hôi. Anh cô đơn đến tội nghiệp. Bộ đồ lính chẳng những quá rộng mà còn quá sức đối với anh. Con người mảnh dẻ với những ngón tay thanh mảnh đẹp như tay con gái ấy, sinh ra không phải để cầm súng. Đó là bàn tay của nghệ sĩ violon cầm archet, của bác sĩ cầm dao mổ, của thầy giáo cầm phấn. Nhất định là anh bị tóm trước một cổng trường nào đó và mẹ anh chị anh chắc đang nẫu ra từng khúc ruột. Những bức thư sẽ được anh viết ra trong những đêm nhớ mẹ nhớ chị. Anh hãy còn non nớt quá, mong manh quá chưa có nổi một người con gái nào đó để viết thư. Anh là cả một sự trong sáng và ngây thơ đến cảm động.

Và bây giờ anh là một trong những tân binh đang lặng lẽ đi qua cầu. Anh đã đi qua chưa, hay đang qua, sẽ qua? Làm sao từ dưới suối nhìn lên biết được khuôn mặt nào là của anh. Làm sao phân biệt được những hạt mụn đỏ và cái môi trề! Cô mãi ngước mặt trông theo, quên mất là mình đang ăn mặc không kín đáo. Cô liền ngồi thụp xuống suối, úp mặt trong làn nước để che bớt nỗi xấu hổ đang làm mặt cô nóng bừng. Mình vô duyên quá! Bao nhiêu cặp mắt từ trên cao âm thầm nhìn xuống, liệu trong số đó có con mắt của anh? Và anh sẽ nhớ mãi hình ảnh của cô đang đứng giữa lòng suối trông lên?Anh sẽ nhớ tóc cô đen dài ướt nước, ngực cô phập phồng sau làn áo mỏng?

Bọn họ đã đi qua hết, dễ chừng có cả một tiểu đoàn. Khi người cuối cùng qua khỏi cầu, người thứ nhất đang đi qua núi Đeo. Nơi đây cái tháp biệt động quân với chữ SÁT màu trắng còn đứng đó như một lời nguyền bị bội ước. Những chiếc jeep của các sĩ quan có bổn phận ở lại sau cùng đã nhấn ga vượt qua họ.

Cô buồn bã leo lên khỏi suối trở về nhà, chui nhanh vào buồng thay quần áo. Khi chiếc áo lót được cởi ra, nhìn đôi vú trắng tinh khôi, cô bỗng thảng thốt giật mình đưa tay lên ôm lấy ngực. Đôi vú nhỏ nhúc nhích dưới hai bàn tay cô như hai chú gà con run rẩy nép dưới cánh mẹ. Cô đứng tần ngần một lúc, tự hỏi ai là người sẽ bảo vệ mình khi cộng sản tới. Cô lo sợ nhớ lại câu chuyện giặc đi càn năm xưa của mẹ, khi đó, mẹ phải mặc áo rách, mặt bôi đầy lọ nghẹ và nín thở để trét lên người những gì hôi thối tanh tưởi nhất. Giờ cô phải làm sao đây khi tóc cô quá đen, mắt cô quá ướt, môi cô quá hồng! Liệu bọn họ có hành động như những tên lính lê dương khác màu da và tiếng nói dưới thời của mẹ? Liệu họ có ăn mừng chiến thắng trên thân xác của cô?

Cô thở một hơi rõ dài, cảm thấy giận những người lính nọ. Lẽ ra bọn họ phải ở lại, như trong những phim miền viễn tây, chiến đấu với bất cứ thứ gì có được trong tay để bào vệ đàn bà con gái, bởi vì đó là tất cả danh dự và lòng dũng cảm của họ. Lúc ấy cô và các bạn cô, sẽ chạy như bay dưới làn đạn để tiếp tế lương thực, băng bó vết thương và nếu có phải chết, thì ít ra họ cũng được chết trong tay các cô, những người cho dù có bôi lấm đến thế nào vẫn là những người đẹp.

Đúng lúc ấy mẹ cô xô cửa bước vào, hốt hoảng nói, “cộng sản sắp tới rồi sao còn đứng đấy”! Cô bất chợt trở nên bướng bỉnh, nói hơi xẳng: “thì bỏ đi hết rồi, dại gì mà người ta không tới”!

“ Ăn nói lạ chưa, mẹ mắng. Coi có còn chiếc xe nào, tốn bao nhiêu cũng cố mà đi”.

“Sao trước đây mẹ bảo ai chạy cứ chạy, chứ nhà mình có hai mẹ con việc gì mà lo, giờ lại nói thế”.

“Trước khác. Giờ khác. Nghe nói sẽ đem ra suối bắn bỏ hết!”

“Họ để dành đạn đánh Nha Trang, Sài Gòn. Đâu có nhiều mà bắn lung tung”.

“Nói vậy là ở lại chịu chết à”? Mẹ nói như khóc.

“Nhưng tìm đâu ra xe! Lính mà còn phải đi bộ kia, mẹ không thấy sao. Thôi mẹ cứ vào nằm nghỉ đi. Việc gì tới sẽ tới, có lo lắm cũng không được gì”

Trước khi đi ra mẹ còn dặn nhỏ: “coi cái áo nào cũ cũ, xấu xấu thì hãy mặc vào”.

Chiều hôm đó những chiếc T.54 rền rĩ qua cầu. Theo sau là những toán bộ đội mình phủ đầy lá ngụy trang. Bọn họ cúi gập người về phía trước giống như những cái cây bị gãy. Người mang mâm pháo gần như bị đè bẹp dưới sức nặng của khối thép, cổ anh ta cố vươn ra chẳng khác gì một con rùa. Trong khi một người mà sau này cô mới biết là anh nuôi thì lại lỉnh kỉnh với những soong chảo chất đầy lưng, giống như một con ốc mượn hồn đang è ạch mang theo chiếc vỏ.

Bọn họ yên lặng đi qua, súng cầm tay, nhưng đạn chắc chưa lên nòng.

Trông cái vẻ bình tĩnh của họ, cô cũng hiểu được là sẽ khộng có đánh nhau, ít ra là tại các quân trường đã bỏ trống.

Những toán nhỏ được lệnh rẽ vào các trung tâm.

Cờ cũ được kéo xuống, xé bỏ trên đất.

Cờ mới được kéo lên, gặp gió bay phần phật.

Chẳng phải tốn một viên đạn nào.

Lịch sử đã sang trang như thế đó.

Như lật một tờ giấy!

Trọn một buổi chiều họ đi qua, người đầu tiên chắc đã tới phố quận. Mùi mồ hôi chua nồng lại lan tỏa trong không khí. Cô buộc phải hít thở cái mùi đậm chất đàn ông ấy và cô lờ mờ nhớ tới những đoàn tân binh từ bãi tập trở về. Cũng một mùi chua chua nồng nồng như thế. Cũng những nét mặt bơ phờ thèm được tắm rửa nghỉ ngơi. Chỉ khác là dưới những chiếc mũ sắt chứ không phải nón cối. Giá như đám tân binh buổi sáng được trang bị như thế này thì họ là gì nhỉ? Họ sẽ được gọi là Việt cộng và liệu anh ta có đến mua giấy viết thư ở quán cô và liệu cô có đủ bình tĩnh để hỏi nói?

Cuộc chiến hai mươi năm, giờ hai kẻ thù được cô nhìn rõ mặt. Cũng những con người được sinh ra từ ruộng đồng. Cũng một màu da ấy. Cũng một tiếng nói ấy. Có khác chăng là chiếc mũ đội trên đầu.

Một kẻ tiu nghỉu bỏ đi.

Một kẻ lạnh lùng tiến chiếm.

Trái ngược nhau như sáng và tối. Như sống và chết.

Nhưng cô thấy trong cái ngày không bao giờ quên này, họ lại nối tiếp nhau liền lạc, như thể là một cuộc cho và nhận, chứ không phải mất và được. Chẳng có gì là trời long đất lở. Êm thấm quá.

“Cảm ơn Trời Phật, mẹ nói, không có ai bị bắn là mừng rồi”

Nhưng vào lúc cuối ngày, khi mọi buồng phổi bị ép chặt vì lo sợ sắp được trút một hơi thở dài, thì giông bão lại tới. Những kẻ mới hôm qua hãy còn ngồi uống cà phê ở góc chợ, ăn phở sáng, ăn bún bò, thậm chí còn ghé vào quán nhỏ của cô hỏi mua này nọ và trêu ghẹo chút đỉnh, những kẻ cô vẫn thường gặp ở cổng chùa, cổng nhà thờ, những gã vẫn thường ngồi câu cá bên bờ suối, những bợm rượu lè nhè, những du côn du kề…chưa qua hết một đêm đã trở thành cách mạng. Đeo băng đỏ trên cánh tay, đi sau một người nhảy núi là đã có thể hò hét như một tay cách mạng gộc. Giọng của họ như dao chém vào đá.

Nhà này sao đóng cửa?

Theo giặc hết rồi à?

Sao không xóa cờ ba sọc? Còn luyến tiếc hả?

Họ thay mặt kẻ thắng đi lùng sục kẻ bại. Những tiếng gõ dồn dập nện vào cửa như tiếng búa gõ vào nắp áo quan.

Những bước chân cuống quít.

Những cánh tay run rẩy đưa lên.

Những người đàn ông mới hôm qua là hàng xóm, là bạn nhậu…bị trói giật cánh khuỷu, dẫn đi.

Và tiếng khóc.

Và tiếng thét.

Sáng ra đã có những xác không đầu tấp bên bờ suối.

Vài ngày sau cuộc tiến chiếm, trường học được lệnh mở cửa lại.

Liên lóc cóc dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi nhà. Không còn thong dong như trước, ríu rít bước lên xe của trung tâm, ăn quà vặt, nói cười đủ thứ chuyện rồi bước xuống trước cổng trường như những tiểu thư. Phải đạp rã chân, đạp toát mồ hôi mà mãi vẫn chưa thấy cổng trường. Phố quận rợp cờ nửa xanh nửa đỏ, nhưng những cửa hiệu ấy, những hàng quán ấy lại đang bày ra một bộ mặt ủ ê vì vắng khách.

Trường học vẫn còn đó, không mất đi một miếng ngói nào. Chỉ có lớp học thưa hơn vì một số bạn theo cha mẹ di tản vào Nam. Thầy, vẫn quần áo thẳng nếp, cổ thắt cà vạt. Cô, vẫn áo dài tha thướt. Nữ sinh vẫn áo trắng như mây. Nhưng sao có vẻ mọi sự đã không còn như trước. Ai cũng rụt rè. Chân bước nhanh hơn nhưng không phải vì vui mà vì lúng túng. Mắt nhìn rộng mở nhưng không phải vì hân hoan mà vì e sợ. Một vẻ gì đó, cả thầy và trò, rất sượng sùng.

Phải mất một lúc Liên mới nhận ra vẻ khang khác, mơi mới đó, là do một người lạ đang ngồi trước văn phòng.

Ông ta mặc đồ bộ đội nhưng chắc không phải bộ đội vì không mang súng. Giữa các thầy cô đang khép nép đi ra đi vào, ông vẫn ngồi chồm hổm trên thềm, cứ như một tảng đá xù xì đặt không đúng chỗ. Chiếc ghế bên cạnh chắc là được đem ra để mời ông vẫn bị bỏ trống. Cái cách ông ngồi giống như một đứa trẻ đang hờn dỗi, chỉ khác là ông không dùng chân hất ngã chiếc ghế. Ông rít thuốc liên tục, nhìn ra sân một cách hờ hững. Dù vậy, cứ trông cái vẻ cung kính của các thầy cô, Liên cũng hiểu được, đây là ông hiệu trưởng mới.

Mãi một lúc sau ông mới đứng lên, đi vào văn phòng. Các thầy cô lại khép nép theo sau. Ở đó chắc ông đã ban ra những lệnh ngắn gọn, nên chỉ chừng năm phút đã lại thấy ông ra ngồi chồm hổm trên thềm, trong khi kiểng đánh gọi học trò vào lớp. Cái hình ảnh người đứng đầu trường ngồi như một con cóc cứ đọng mãi trong Liên và dù có kính sợ đến đâu, cô vẫn thấy giống như một ông phổng đá.

Lệnh của ông là thế này: gấp rút đào hầm trú ẩn để tránh máy bay, xóa cờ ba sọc, kẻ khẩu hiệu và thu gom sách báo của Mỹ Ngụy để lại. Những việc đó cũng phải thôi vì hãy còn chiến tranh, nhưng đem sách báo cũ ra đốt là một việc làm mà theo cô biết, dường như chỉ có dưới thời Đức quốc xã và Tần Thỉ hoàng mà thôi. Mãi sau này, Liên vẫn không sao quên được ngọn lửa bừng cháy giữa sân trường.

Thầy cô thì im lặng.

Học sinh thì ngẩn ngơ.

Lửa bập bùng xa trông như lửa trại mà không phải lửa trại vì không có một tiếng hát nào được cất lên.

Chỉ có tiếng khóc thầm trong lòng Liên.

Và tiếng cười lạnh như đá trên đôi thâm đen của ông hiệu trưởng mới.

Những bìa sách co rúm. Những trang giấy còn thơm mùi mực in run rẩy.

Và trong tiếng lửa reo phè phè, Liên nghe như mấy chị em nhà mẹ Lê đang kêu khóc, thằng gù ở nhà thờ Đức Bà đang thét gào!

Rồi học yêu những thứ phải yêu, học ghét những thứ phải ghét. Thầy không phải đeo cà vạt đỏm dáng của tiểu tư sản nữa. Cô và học trò không phải mặc áo dài để dễ lao động. Xếp chiếc áo dài trắng cất vào tủ, cô cũng xếp cất luôn những mộng mơ bé nhỏ của mình vào tận đáy cuộc đời. Chiếc áo mong manh nằm buồn thiu như một mảnh linh hồn của cô. Những đổi thay dồn dập rát buốt đến nỗi cô tưởng như mình là một con rắn đang bị lột da chứ không phải tự lột.

Cô nói: “con hết muốn đi học nữa mẹ ơi”.

“Không đi học thì đi lấy chồng à?” Mẹ cô trêu.

Lấy chồng? Buồn cười nhỉ! Mình sẽ lấy ai đây? Một anh hùng lao động một ngày đào đến chục khối đất? Một anh tự quản súng lục kè kè bên hông hay một anh bộ đội khù khờ như mán? Hay một chiến sĩ văn hóa hăng say truy quét đến cả muôn ngàn cuốn sách?

“Mẹ ơi, cô reo lên, con muốn lấy một ông cán bộ già!”

“Ăn với nói, mẹ cô mắng. Không đi học người ta bắt đi thanh niên xung phong kia đấy. Đừng có mà trêu ngươi.”

“Xung phong mà sao laị bắt hả mẹ?”

“Ở đó mà hỏi trăng với sao! Ngày trước bắt quân dịch giờ gọi là trúng tuyển nghĩa vụ, đúng là chẳng ai bắt, chỉ có mình phải tự chui đầu vào thôi”.

Đột nhiên cô nhớ tới người lính nọ. Cô cũng nhớ tới người thầy bị động viên đi Thủ Đức. Thầy dạy vẽ, lúc nào cũng diện quần đen thẳng nếp và áo sơ mi trắng muốt, cà vạt bỏ lửng phất phơ, tóc bồng bềnh rất chi là nghệ sĩ. Có phải là yêu không nhỉ khi mình ngồi ở đầu bàn và thầy thường sửa giúp những nét vẽ thô vụng của mình? Mỗi khi thầy cầm lấy bút chì từ trong tay mình kẻ những đường nét trên giấy thì ngực mình phập phồng như mặt biển đang nổi sóng. Hôm thầy đi nhiều đứa khóc, còn mình thì sao nào, mình đâu có khóc, mình làm bộ cười nói vui vẻ chúc thầy mau lên lon. Nhưng thầy đi rồi, mình thấy cả trường chẳng còn ai đáng cho mình học nữa. Rồi mình được thư của thầy. Tim mình như muốn nổ tung khi thấy bức họa do chính thầy vẽ mình ngồi chống cằm ngước măt trông lên. Mình nhìn ai trên đó nếu không phải nhìn thầy? Vậy mà sau đó bặt tin. Chẳng biết người con trai đã từng làm cho mình lúng túng khi chỉ có hai người với nhau trong phòng học (mình cố ý nộp bài chậm đó mà) hiện giờ đang ở đâu? Đang cố thủ hay đã tan hàng?

Còn những thầy khác giờ thì sao? Cũng đầu óc chắc là hãy còn chứa nhiều tri thức, cũng những khuôn mặt có vẻ sáng sủa thông minh, nhưng sao như có vẻ đã mờ đi, đã xuống thấp, đã không còn là thầy mà gần như là những ông cách mạng nửa mùa đang hò hét khắp nơi. Nghe họ nói, cô cứ tưởng như mình đang ở ngoài bến xe hay trong xó chợ, chứ không phải ở trong lớp học. Bạn bè, giữa nam và nữ bỗng dưng tớ tớ cậu cậu một cách sỗ sàng. Lớp học trở thành phân xưởng mà tiếng máy rì rầm là tiếng rao giảng xã hội chủ nghĩa. Liên không ngờ, những con người một thời đã là thần tượng lại mau chóng đổi thay đến thế.

Phố xá chỉ còn một dúm người. Hơn một nửa lo sợ, non một nửa hống hách. Nhà nào cũng đem ra bán những thứ còn sót lại của Mỹ Ngụy. Những quần áo chống rét, những cốc tách muổng nĩa, những máy hát, ra dô…bán lần bán hồi cho đến khi trên người chỉ còn bộ đồ cũ nát và ngôi nhà trống không. Mẹ Liên bán kềm búa và đinh ốc vít, suốt ngày ngồi chảy dài trên ghế như một cây bạch lạp không ai thắp nhưng vẫn mềm oặt mòn dần vì nắng nóng. Chẳng riêng gì mẹ, ai cũng mòn, cũng teo tóp. Nhiều người mới đó bỗng già sọm và xấu xí đến thảm hại khi khoác lên người chiếc áo làm bằng bao cát Mỹ.

Nói là vậy, chứ Liên cũng cố mà đi học để được thi cuối cấp. Được tấm bằng treo nhỏng nhảnh cho vui, chứ là con sĩ quan ngụy tử trận thì ai cho lên đại học. Xã cũng không thèm ghi tên cô vào danh sách thanh niên xung phong. Cô cứ hết lau nhà lại đi ra suối tắm giặt. Mỗi ngày chỉ một lần đỏ lửa để nấu một soong cơm mà khoai sắn mỗi lúc một nhiều hơn gaọ. Những Hương, những Hồng đến rủ đi buôn cà phê, nhưng mẹ mắng: “buôn bán gì mà giấu đút trong quần, không xấu hổ à?”. Chạy chợ mẹ cũng không cho, bảo rằng chơi trò cút bắt với công an thì hãy để mấy bà sồn sồn.

Liên thấy mình còn chảy dài, còn mòn hơn cả mẹ. Cái mùi hương của tuổi trẻ được sách báo ca tụng là mùi hương gì, mình chưa cảm thấy đã bay đi mất. Thịt da thèm vị mát của lụa là trở nên bứt rứt khô nhám dưới những lớp vải thô dày.

Cuộc sống không dưng bị bắt ngừng lại. Mà ngừng một cách đột ngột. Như xe đang ngon trớn bỗng thắng gấp. Suýt chút nữa là lật nhào chỏng gọng.

Liên thấy mình đang đi thụt lùi. Đi nhanh đến nỗi như đang sống ở thời 45 với cả chục triệu người sắp chết vì đói. Những người ở Sài Gòn về bảo trong đó sống được một ngày là cả một kỳ công. Có tiền chưa chắc đã mua được gạo củi mắm muối. Thành phố như đang bị bao vây, không phải bằng xe tăng mà bằng những đội quân gọi là quản lý thị trường. Sách báo không có nên chẳng biết thế giới đang tiến những đâu. Âm nhạc ầm ĩ toàn hoan hô và đả đảo.

Trong cái buồn buồn, cái trống rỗng, cái nhạt phèo đến tẻ lạnh như mây mù bao bọc quanh Liên, bỗng Tân xuất hiện như một chút nắng sáng và ấm. Anh ta là con trai của bác Trung, bạn một thời của cha. Hai người đàn ông trước khi di cư vào nam đã từng yêu một người đàn bà là mẹ Liên. Tình yêu đã khiến cho một người trở nên cao thượng hơn. Bác ấy đã lặng lẽ bỏ đi để cho cha lấy được mẹ. Sau này gặp lại nhau, bác ấy nói vui: “tôi không lấy được chị thì xin chị hãy để con gái chị lấy con trai tôi”. Mẹ nghe, chỉ cười.

Khi ấy anh ta chừng mười tuổi và Liên mới lên năm. Cha thì vào quân đội, còn bác ấy trồng trà ở Bảo Lộc. Rất lâu hai nhà không gặp nhau. Cha mất, đến lúc mãn tang, bác ấy mới hay tin xuống thăm. Bác ấy xoa đầu Liên, bảo cháu giống chị, xinh quá. Chỉ có vậy thôi. Nhưng hôm nay Tân xuống thăm, phải chăng là nhắc lại lời ước cũ?

Mẹ hỏi: “Bố mẹ anh vẫn khỏe chứ?”

“Dạ, bố vẫn khỏe, nhưng mẹ cháu mất rồi”.

“Vậy à? Thật tội nghiệp. Thế bố con anh làm ăn ra sao? Đồn điền vẫn còn chứ?”

“Dạ nhà nước quản lý rồi. Hai bố con cháu giờ là công nhân”.

“Thế đấy! Mẹ thở dài, đang là chủ bỗng chốc thành cu ly. Giờ anh xuống thăm chơi hay có việc gì khác?”

“Dạ, cháu chỉ đến thăm bác và Liên”.

Mẹ như có vẻ hiểu ý, lấy cớ đi ra chợ để anh và Liên nói chuyện với nhau. Anh ta cũng được trai, nếu không muốn nói là đẹp. Tóc anh húi ngắn trông càng thêm rắn rỏi, mạnh mẽ. Nhưng trái với vẻ ngoài rất đàn ông, trước mặt Liên và trong nhà chỉ có hai người, anh lại tỏ ra rất lúng túng. Mãi một lúc sau anh mới nói, mà lại nói một câu khiến Liên sửng sốt.

Liên có muốn đi vượt biên với tôi không?

Ở một nơi mà sống không ra sống, học không ra học, làm không ra làm thì chuyện bỏ cái nơi đáng nguyền rủa này để đi đến một nơi nào khác, ai lại không muốn. Nhưng Liên đã là gì để anh đưa lời đề nghị ấy? Sao lại với mình mà không phải một ai khác? Đi với anh, nếu êm xuôi, thì sau đó là gì? Là lấy nhau phải không? Ngày xưa cha anh không lấy được mẹ mình thì giờ anh ta laị lấy mình chứ gì? Cô thấy sao mà trúc trắc, kỳ cục. Cha anh ta quả là một người đàn ông dai dẳng kiên trì. Thua keo này ông lại bày ra keo khác.

“Anh nghĩ thế nào mà hỏi tôi như thế? Liên hỏi ngược lại khiến anh bất ngờ.

“Nghĩ gì đâu, anh bối rối, có nghĩ gì đâu. Chỉ muốn có Liên cùng đi cho vui”.

“Vui à? Liên cười lớn, đem cả sinh mạng ra đánh cược với tương lai, mà anh bảo là vui à?”

“Vậy Liên không muốn đi sao? Cả nhà tôi đã sắp đặt đâu vào đó. Có đủ chỗ cho Liên và bác”.

Đúng là do ông ta sắp đặt, Liên nghĩ. Cha đi với người yêu cũ, con đi với người yêu mới. Cái tương lai họ vẽ ra sao mà chắc nịch, như hai với hai là bốn. Một khi hai người bước chân xuống thuyền là bước hẳn vào đời họ. Nếu bảo rằng nơi đây ngạt thở vì thiếu tự do, thì những ngày sắp tới sẽ như thế nào khi hai mẹ con cô phải trang trải cho cuộc ra đi bằng cả cuộc đời mình với thân phận như nô lệ?

Trầm ngâm một lúc, Liên nói:”Chắc là không đi được. Trước hết, mẹ Liên không thể bỏ nấm mồ của cha Liên ở lại đây. Sau nữa, Liên lại càng không thể bỏ mẹ Liên mà đi một mình”.

Nghe nói thế, thay vì thuyết phục ân cần, anh bỗng đứng phắt dậy, mỉa mai cay độc:”Tôi không ngờ Liên lại yêu cộng sản đến thế!” Giọng điệu của anh giống hệt những người mới theo cách mạng, ai không cùng một ý với mình là phản động, là còn tơ tưởng đến Mỹ Ngụy. Liên cảm thấy chút nắng anh đem tới đã vụt tắt khi anh ta chụp xuống đầu cô một cái mũ thân cộng khổng lồ.

“Tôi không yêu họ như anh tưởng đâu, Liên nói với giọng cay đắng, ấm ức, nhưng dẫu sao tôi cũng cảm ơn lời đề nghị ngọt ngào của anh. Chúc anh thượng lộ bình an”.

Cái buổi sáng mong manh ấy vỡ tan giống như một tách trà chưa kịp uống đã rơi xuống đất.

Rất nhiều năm sau này, cô vẫn còn giận anh ta. Người gì mà ngu quá, cô nghĩ. Phải như buổi sáng đó, sau khi mẹ đi chợ, anh hỏi thăm vẩn vơ đôi ba chuyện, rồi hai người cùng ra suối. Sẽ có biết bao nhiêu chuyện để hỏi, để nói. Sẽ có những nơi như suối Nước Nóng, như đèo Phượng Hoàng, những nơi cô muốn đến cùng anh trước khi đến một nơi xa lạ nào đó. Phải hỏi trái tim yếu đuối của cô trước đã và chờ cho nó lên tiếng, chớ sao lại dại dột đi hỏi cái đầu óc bướng bỉnh và mạnh mẽ của cô.

Anh quá hấp tấp thành ra vụng về, quá tự tin thành ra kiêu ngạo, quá áp đặt đến mức trói buộc.

Mẹ, khi biết chuyện, có hơi tiếc cho Liên. Nhưng cũng như Liên, bà cho rằng cha con nhà bác Trung, tốt thì tốt thật đấy, nhưng có lẽ họ không phải là những người đàn ông của đời mình!

Viết xong 27/7/2010 với tựa Phố Núi

Viết lại 25/4/2012 với tựa như trên.

Và đây là bản sau cùng. KD

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search