T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Nhớ đến Một Người của Đỗ Hồng Ngọc

Mượn một nửa câu hát của Trịnh Công Sơn để làm nhan đề cho tập sách mới nhất của mình, bác sĩ họ Đỗ chừng như ỡm ờ đánh lừa độc giả, nhất là những độc giả nữ lâu nay đã thầm yêu những trang sách dí dỏm nhẹ nhàng của anh.

Một người nào mà anh ưu ái vậy cà? Một Diễm của Trịnh? Một T. của Nguyên Minh?

Không! Bé cái nhầm! “ Một người” đó là những thoáng nhớ lan man từ Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, Võ Phiến, Trang Thế Hy …đến Lữ Quỳnh, Lữ Kiều, Trần Hoài Thư, Phan Như, Phan Chính. Từ Nguyễn Bắc Sơn phóng dật đến cụ tổ ngành y Hải Thượng Lãn Ông nghiêm cẩn. Từ một Trịnh Công Sơn “bồ tát” đến một Dương Cẩm Chương trăm tuổi mà vẫn tài hoa.

Một người, là cả những Thầy, những Bạn mà suốt 70 năm tác giả đã có may mắn được thọ giáo, được nghe đàn hát và đọc thơ, xem tranh.

Giá như non 60 năm trước, không có một ông cậu “khùng” vì học giỏi và rành nghề học đưa đứa cháu tản cư và mồ côi cha đen đúa trong một sáng mùa thu đến trường và nếu không có một học giả như Nguyễn Hiến Lê ân cần chỉ bảo cách học thì chúng ta đã không có một bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hôm nay. Những điều đó đối với những đứa trẻ “con nhà” là chuyện bình thường, nhưng với Đỗ Hồng Ngọc là khác thường. Đó là những ân sủng mà một người đã thành Nhân như Đỗ không thể không Nhớ, nếu không muốn nói là không bao giờ Quên.

Rồi những bậc thầy tuy không được học như bác sĩ Dương Cẩm Chương, Nguyễn Khắc Viện…bằng tài học và nhân cách của họ vẫn “dạy” cho chàng bác sĩ trẻ những bài học nhớ đời.

Tất cả những người anh nhớ đến, mỗi người mỗi vẻ, có những nét đáng trọng, đáng quý, đáng yêu…đáng cho độc giả thèm được một lần gặp gỡ. Họ là những người cũ, nhưng không phải muôn năm cũ, không nhất thiết phải bằng cấp đầy mình, không chỉ học ở trường ở sách mà học ở bạn, ở đời.

MỘT NGƯỜI, phải viết in hoa như thế này. Bỡi vì đó có thể là sông Cà Ty ở quê hương anh, có thể là màu sương lam ở Hà Nội trong nỗi nhớ của Nguyễn Hiến Lê, là câu đối trên mộ cha của Nguiễn Ngu Í “Mở mắt đã thấy xiềng nô lệ/ Hồn đi còn mơ gió tự do”, có thể là cách kể thơ trên xe lửa, với bài thơ Thầy còn nhớ em không của Đỗ Trung Quân đã khiến cho cô bạn Mỹ Susan Barnes hiểu được thế nào là những nhà thơ mới ở Việt Nam.

Một Người, đó là Nhân Cách, là Tài Trí và Tài Hoa. Một Người rất yêu quê hương, yêu đất nước, yêu tự do và yêu nghệ thuật. Một Người, còn là ngọn hải đăng cho con thuyền anh tìm được bến bờ giữa những con sóng dữ của lịch sử. Một Người đó bây giờ gọi là thần tượng.

Một Người đó trong suốt 70 năm “thấm” dần vào anh, làm nên một Đỗ Hồng Ngọc, vừa là một bác sĩ từ ái, vừa là một văn sĩ có ngòi bút kể chuyện duyên dáng, một thi sĩ “dễ thương nhất nước” ( chữ của Du Tử Lê ) mà chúng ta được biết đến hôm nay.

Anh thường khiêm nhượng bảo mình không là nhà văn vì có truyện dài truyện ngắn nào đâu. Nhưng không là nhà văn mà mỗi dòng mỗi chữ đều là văn thì là nhà gì đây. Hãy xem anh vẽ một vài chân dung:

Với Lữ Kiều, anh viết: Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà ngập ngừng, rồi thè lưỡi thấm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn quít vào nhau, cho nhọn hoắc lại như gom nội lực nhất điểm; rồi thận trọng, nhẹ nhàng chàng nhúng bút sâu vào nghiên mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán, rút nhanh ra rồi chắt vào thành nghiên, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định thần, lim dim, phóng bút…Chàng “nho sinh” mỉm cười khoái trá, trút đi gánh nặng ngàn cân, kiệt sức, nhanh tay nhúng bút vào lọ nước trong…Những giọt mực thừa rơi lả tả…Cứ như cụ Nguyễn Tuân tả lại cái cảnh Cao Bá Quát cho chữ trong tù!

Với Trang Thế Hy, anh mê cảnh nhà văn Nam bộ hút thuốc dù anh ghét thuốc lá: Mê thiệt. Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một khóe miệng, thấy cái cách khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến. Một người gần 90 tuổi, ghiền thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt chuẩn bị bật lửa…có cái gì đó như một nghi lễ tôn giáo, khiến tôi chỉ biết ngồi im không dám hó hé.

Tả bằng cái tâm yêu tâm quý nên người đọc cũng xúc động theo.

Nhưng trong văn anh không chỉ có tả, còn có cái duyên ngầm khiến ta cười mỉm không thôi. Đó là cách nhìn người, cho dù là đạo cao đức trọng như cụ Lãn Ông hay Ngô Gia Hy, anh cũng có cách tìm ra những điểm khiến cho ta yêu kính nhưng không thấy xa cách mà là rất gần. Cụ Lãn Ông thì có chuyện tình với một người đã đính hôn nhưng không lấy đến nỗi người ấy phải đi tu. Trần Văn Khê cũng lại chuyện tình và được anh mừng sinh nhật 90 bằng hai câu thơ đúng chóc Phân nửa phần trên đầy sống động/Nửa phần bên dưới có hư hao. Với Võ Hồng thì đừng sợ, con chó nó còn hiền hơn tôi.

Đó là các bậc sư phụ, đàn anh. Với bạn bè thì anh “đùa dai” hơn một chút.

Nguyễn Bắc Sơn vẽ chân dung Từ Thế Mộng, còn gọi là Tư Đình bằng hai câu: Tư Đồ, Tư Mã, Tư Không/ Ba Tư dồn lại thành ông Tư Đình. ( Chỉ nhắc lại thôi chứ không cấm nói lái như Kiệt Tấn, kiểu cấm mà không cấm). Với Nguyễn Như Mây, anh kể Như Mây than mình bị kêu cụ Mây, rồi sau cụ Gió và giờ là cụ Ma!

MỘT NGƯỜI để nhớ của anh quả thật không quá xa, không quá kiêu kỳ, dù họ là những người thầy, những danh nhân, những thi sĩ, họa sĩ…một người mà qua cách rút tỉa những nét hay nét đẹp của anh khiến ta thấy gần, thấy yêu, Một Người, là của hơn 40 người. Một Người, qua tập sách cố ý vuông vức của anh, như một chiếc gương soi, ta có thể nhìn thấy chính anh cũng đáng yêu, đáng quý, đáng trọng và dĩ nhiên đáng nhớ đến xiết bao!

Khuất Đẩu

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search