T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Gậy trúc khua cua

Bạn già ngật ngừ ho khan rằng từ ngày cáo lão về hưu có gì trái nắng trở trời chăng? Ừ thì vẫn một ngày như mọi ngày, sáng tinh mơ, tay cà phê, tay thuốc lá cù rũ đằng góc vườn ngồi trong bóng tối đợi nắng lên. Chiều đến, cũng ở chỗ ngồi thân quen ấy, tay điếu thuốc, tay ly rượu câm lặng như một chiếc bóng đợi thời gian tới…Rồi đợi ngày mai, nhưng tự hiểu rằng ngày mai sẽ là quá khứ của hôm nay và chẳng còn ngày tháng nào trước mặt…Vào cuối ngày tàn, chiếc bóng lầm lũi đi vào căn nhà quen thuộc, để lại quá vãng ở sau lưng với cố hương nan khứ hậu nan quy. Thế là xong một ngày…

Bạn già nhíu mắt búng lưỡi lâm râm: Úi chà nan khứ, nan quy gì mà khiếp quá thể vậy! Dào, ắt hẳn là hoài cổ, hoài đồng vọng nữa đây? Ừ thì thưa bác, cũng không ngoài dăm ba chuyện quẩn chân ngứa mắt đi loanh quanh trong nhà như cái đèn cù, mà phải bước từng bước một để níu kéo thời gian đừng cho ngày tháng qua mau. Chẳng vô tri bất mộ quá lắm, lại cũng đâu đó lặng lờ ngắm cái bát điếu, cái tẩu thuốc phiện trên cái kệ kính, lại lửng lơ tri giao quái ngã sầu đa mộng với con quay, con vụ của cái buổi ấu thời qua một, hai bài viết của ai đó trên cái kệ sách đằng góc phòng ấy mà, thưa bác.

***

Một ngày…vèo nghe lá rụng đầy sân, đang ngồi rình rình những bước đi im ắng của thời gian. Lớ quớ rối loạn tiền đình thế nào chẳng biết nữa nhúm được một truyện ngắn của tác giả Nguyễn Thị Ấm viết về Hà Nội, ở ga Hàng Cỏ có những con ngõ nhỏ với những người bốc thuê vác mướn, gánh nước, đạp xích lô tại một phố vắng, gần bến ô tô. Ba người đàn bà đứng tuổi ăn mặc lem nhem đương chúi đầu chơi bài.
– Tao kết tốt đen – Bà béo nhất vừa cười vừa đặt đôi tốt đen xuống đống bài.
– Đen quá – Bà gầy lên tiếng.
– Tại mày ăn non… không chặn kết – Bà còn lại mặt rỗ làu nhàu nói. Hai bà cáu kỉnh móc tiền trong cạp quần ra trả. Ván bài lại tiếp tục.

– Kết mã đen – Bà mặt rỗ vừa nói vừa vỗ đùi đánh đét một cái. Hai bà kia sững sờ móc tiền ra trả…

Lát sau, trời bắt đầu mưa lâm râm. Cái giờ khắc lau lắt của thành phố trôi đi nhanh lắm. Chiếc đồng hồ trên nóc nhà ga dạo một khúc nhạc lạc lõng. Hai kim đồng hồ chập một chỉ vào số mười hai. Thời gian vẫn trôi đi. Một giờ…hai giờ…ba giờ…năm giờ sáng.

Trời sáng dần…Có tiếng chuông xích lô kêu kính coong, tiếng còi xe ô tô kêu tin tin. Đường phố ráo hoảnh…Mưa đã tạnh…

Thế là được thể đệ thơ thẩn cùng cái tuổi mới lớn lãng đãng về ngày xửa, ngày xưa với con phố Chợ Đuổi của cái tuổi ấu thời. Tết đến cả nhà quây quần trên sập gụ, chiếu hoa với tướng điều, sĩ đỏ, xe, pháo, mã hồng. Những hồn vía vất vưởng ấy, tất cả chỉ là Hà Nội hòai vọng, Hà Nội vọng tưởng đâu đây.

***

Nói cho cùng chuyện chẳng thành chuyện. Nếu có chăng nữa chỉ là một chút hoài cố nhân đến cụ bạn thâm căn cố đế của ông cụ đệ chả hẳn là …quan Đốc đồng, áo đen nẹp đỏ, mà là một cụ Chánh Tổng. Cụ qua đây xin nhận nơi này làm quê hương, sẵn có ít chữ nghĩa dằn túi, nửa đêm đèn tàn, sẵn cái mạch quê hương bản quán, vạn kiếp tha hương ngàn đời thê thảm, cụ dàn trải qua những năm cùng tháng tận với đánh đu, chọi trâu, đánh vật của một thời xa xưa ở quê nhà. Cụ lụm cụm ghi lên dăm ba trang giấy những xao xác và chẳng thể thiếu vắng tiếng gáy đứt quãng cúc cù cu của mấy con chim cu đất buồn đến nẫu người. Những hoài đồng vọng ấy tự thưở nào…xa lắm, cũng gần gũi lắm như mới đâu đây cứ bám cứng với cụ Chánh vào những khi tối lửa tắt đèn nơi đất khách. Vì cụ thảng nghĩ rằng chẳng còn mấy ai rỗi hơi nhắc lại cái thú chơi quê mùa ấy, rồi ra sẽ nhạt nhòa dần trong những ngày nhạt nắng…như cụ vậy. Tiếp, mỗi năm, mỗi báo Tết ở thành phố mà cụ và đệ đang…luân lạc, cụ lại rập ràng bày mực tàu giấy đỏ với cái thú chơi tổ tôm, chắn, xóc đĩa đã lạc mùa bên phố đông người qua.

Cụ Chánh Tổng đã thành người muôn năm cũ. Còn lại đệ cũ mốc, cũ sì với vong gia thất thổ đã lâu nên cứ giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu qua hồn ma cũ với tứ tử trình làng, trong canh khuya đèn tàn với tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa này kia, kia nọ. Và cứ hẹn lần sẽ có một ngày…”của đi tìm người”, thưa bác.

Bạn già chép miệng chỉ khéo dệt chuyện, vậy thôi ư? Ừ thì chuyện đâu vẫn còn đó, đất trời vẫn vu vơ với mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi, với nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng cổ nhân sầu, sầu qua nỗi nhớ. Thì nhớ những ngày giữa năm, cuối tháng trời hom hom, đất đơ đơ, bắc ghế ngồi ở góc vườn… Khi không tuổi lá vàng như rúc vào mây, nôn nả với những dĩ vãng xa quệt lên nhau. Trên không cuồn cuộn đám mây rối, nhìn bầu trời nhá nhem, thoắt đổi thành mầu hoa mướp, hoa bí mênh mang, rười rượi, trễ tràng nên đâm ra nhuốm mùi hoa xưa cũ.

Để rồi sẽ có một ngày nào đó như vừa vung vãi với bạn già ở trên. Một ngày lang thang trên mạng lưới nhúm được bài thơ Miếng quê hương của người thơ Cung Vĩnh Viễn. Ông viết về cái tuổi lá xanh qua một cuộc tình nhạt nhòa theo năm tháng, mang mang một nỗi quan hòai hồng bay mấy lá năm hồ hết, thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông:

Chia hộ ta ván bài tam cúc

Mãi ngắm bàn tay nhỏ dịu hiền

Dấu bài xấu tốt ta chui hết

Để nhìn cho em kết tốt đen

Bạn già thở hắt ra làu nhàu, đang gần đất xa trời lại ngoa chữ với nhìn cho em kết tốt đen làm gì cho rách chuyện. Ấy đấy, xa Hà Nội, xa Sài Gòn vậy mà vẫn rơi rớt lại dăm người còn dây mơ rễ má đến cỗ bài hai mầu đen, đỏ với đen bạc đỏ tình. Nói cho ngay thì tự thưở nào, đêm trăng, giếng nước làng, ngày Tết, bộ tam cúc là khoảng thời gian, nơi chốn để hai người yêu nhau tỏ tình với một nhớ hai thương. Để bây giờ đệ nghe hơi gió chuyển mùa sang, tuổi già cám cảnh đôi hàng rụng rơi là thế đó.

***

Từ những cảm hoài mênh mang ấy, đệ mượn cớ lây lất qua một tác giả khác tên Nguyễn Nguyên Tản cũng viết về Cây tam cúc nhưng lại quên bu nó mất. Bèn mò vào kệ sách mang bản in giấy trắng mực đen ra vườn rị mọ với chữ nghĩa:

“…Chiều Hà Nội dường như lạnh hơn. Tôi và thi sĩ Hoàng Cầm, người mệnh danh là “gã trai lơ” của Kinh Bắc một thời ngồi cạnh nhau, hàn huyên trên ban công tầng 5. Ngày ông chỉ ăn hai bữa, lúc cháo, lúc cơm. Rượu uống hết sáu chén, thuốc lào vẫn rít đều đặn. Riêng “anh chàng bàn đèn” vẫn ngả nghiêng với ông vào buổi sáng. Giọng ông đều đều: “Tôi chỉ ngủ được ba bốn tiếng thôi, còn đâu là nghĩ. Nghĩ nhiều quá lại thấy buồn. Đôi lúc không muốn nghĩ nữa, nhưng kỷ niệm vẫn cứ ập về. Tôi làm thơ nên cảm xúc nhiều. Khổ”. Ông ngồi vê vê thuốc lào, tìm chiếc bật lửa, lại châm đóm, lại rít một hơi dài, ánh mắt nhìn vào khoảng trời chiều, giọng từ từ: “Bài thơ Lá diêu bông là sau này tôi viết tặng chị Vinh. Nếu biết tôi tặng, chắc chị cũng ngậm ngùi…“.

Chị lấy chồng, tôi có viết câu thơ về chồng chị trong bài Cây tam cúc: “Quan Đốc đồng, áo đen nẹp đỏ”. Chị Vinh và chồng có một cô con gái, nhưng hai người đã chia tay. Anh chồng bắt mất cô con gái. Vì vậy chị vào Sài Gòn ở với mẹ, hai mẹ con bán hàng tạp hóa, cuộc sống cũng chẳng khá giả gì”…”

 

clip_image004

Chơi tam cúc(?) – tranh Đông Hồ

(Bộ tranh dân gian Oger – 1909)

“….Với bài Cây tam cúc, thơ của Hoàng Cầm thật giàu hình ảnh gợi hình, gợi cảm, có chút chinh xèng gây men với chơi tam cúc, làm sống dậy hoài niệm về tuổi ấu thời.

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

“Chị gọi đôi cây, trầu cay má đỏ”, không biết có phải vì rơm ấm, hay vì men nồng để “Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”. Ngồi trên ổ rơm, kết đôi cây bài gợi nhớ bâng khuâng. Chị thì vô tư má hây đỏ hồng men trầu cay, còn Em thì rộn rạo vì được sưởi ấm bằng hơi hướng của tuổi đương thì. Đem rút trộm rơm nhà để làm ổ đánh bài, những lẫn ngẫn ấy đã làm câu thơ có hồn và gợi nhớ một cái gì đó từ thuở còn bé tí..

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì.

Đứa được
Chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

“Em nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”, ván bài ấy cứ ngưng đọng lại, mãi mãi em vẫn còn bé bỏng. Em chơi bài mà “tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa”. Trong thâm tâm, chỉ muốn được gần chị để hương thơm của ổ rơm vẫn còn náo nức tuổi đương thì. Ván bài có người thua kẻ được, chinh tiền xủng xoẻng nhưng Em thì vẫn muốn đi đêm đánh đổi cây bài tướng điều, sĩ đỏ cao giá hơn, mong lấy cây xe hồng với ước nguyện đưa chị về quê em như một ước mơ ấp ủ cả đời.

Mối tình Chị và Em là nét đặc thù của người Kinh Bắc Hoàng Cầm. Trong cái chênh lệch tuổi tác, đã có mầm chia phôi. Trong có sự chiếm hữu vị kỷ, tuy rất ngây thơ đáng yêu “Em đừng lớn nữa Chị đừng đi”. Em đừng lớn nữa để cái mơ mộng vẫn còn trong khi chị đừng đi để mãi mãi Chị là của em. Em thì đắm say trong khi Chị lại vô tình chẳng biết. Cuối cùng em đứng nhìn theo em gọi đôi. Em đứng lại mà gọi trong khi chị đã sang ngang. Bởi vì trời vô tình làm cuộc binh đao, đổ xuống một trận mưa ngâu:

Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị

Võng mây trôi
Em đứng nhìn theo

Em gọi đôi

(1960)

Đôi cây bài tam cúc chập chờn ở lằn ranh trẻ con, người lớn em đừng lớn nữa Chị đừng đi. Chị đừng đi là niềm mong mỏi phải lẽ rồi. Nhưng sao lại mong em đừng lớn nữa? Phải chăng trong “Em” luôn có “Chị”. Lấy cuộc chơi bài làm ẩn dụ, nhà thơ gửi gắm khát vọng yêu đương kín đáo và nỗi đau mất mát, không tới bến bờ, gợi lên trong niềm trắc ẩn, những uẩn khúc. Ai đấy còn vương vấn mãi làn hương mái tóc người con gái đương xuân, mùi rơm thơm ngái của đất quê và nhất là hương vị của một tình yêu vô vọng vừa mới lớn…

Trong bài Gọi đôi ông làm những câu thơ thật tha thiết:

Áp môi bóng cõi mưa dài
Khát thêm từng trận khát hoài tuổi xưa
Em về chưa? Chị đến chưa?
Bỗng dưng hai đứa khóc mờ đêm trăng
Chị đây có phải Em chăng
Em đâu có thật Em rằng Chị không
Xiết tay kết một vô cùng
Lơi tay lại vẫn đôi dòng lửng lơ
Song song có gặp bao giờ

Hai dòng lệ chảy hai bờ sông trôi
Mưa nhung áp má bồi hồi
Nghe khô từng sợi mưa dài lặng im
Em không nổi. Chị không chìm
Chị tung gió tím Em tìm sang xuân
Nằm trong mắt bão tuyệt trần
Mưa nhung tung cánh trắng ngần…

Em bay…

”Em. Chị . Chị. Em.” Mối tình cách biệt cứ ám ảnh suốt đời người thơ. Cái cảm giác lúc mười hai tuổi sao cứ kéo dài mãi, để lửng lơ những xao động khôn nguôi ”Dưới kia sông chẳng quay đi – Mười hai tuổi cũ biết gì Chị ơi – Một con bướm lửa đậu môi – Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm…”. Tha thiết quá một thời ngây thơ của cậu bé sớm biết yêu. Cậu bé ấy cứ muốn muôn năm thời trẻ mãi không già, để yêu mê một hình dáng…”

***

Bạn già lại thở hắt ra làu nhàu gì mà cụ Hoàng Cầm mới nứt mắt ra đã yêu đương. Đúng là ngộ chữ có khác. Thôi mà bác, với cái tuổi hom hem lục thập nhi nhĩ thuận thì nôm na là nhằm ở cái tuổi này nghe gì cũng thuận tai, xin bác đại xá cho. Bạn già khủng khẳng rằng “nhĩ ” đây không có nghĩa là “tai”. Mà là”dĩ ” là “đã”. Dạ…đã, thưa bác

Ngộ chữ bài viết xong là quên ngay, cái tuổi cóc cụ là như thế đấy. Bỗng chốc chuồn chuồn ở đâu lạc tới vườn nhà. Chiều về ễnh ương, chẫu chuộc gọi nhau “ì à ì ộp…”, nhẩm chừng tối nay thế nào trời cũng giột giời. Bất giác nhìn lên khỏang không, nắng nhòe nhoặt đùn lên, đất trời trùng hẳn xuống, gió thổi mây xoắn tít, bụng dạ cũng xoắn xúyt những nỗi lao xao không tên nằm tịt trong ký ức, nay đang ngọ nguậy như con rạm, con cáy đang muốn rủ nhau chui ra từ trong hang, trong hốc. Nói cho cùng, cái tuổi bóng ngả đường chiều dường như đang loay hoay mầy mò trở về nơi cất giữ tuổi thơ…Ấy vậy mà vừa nhọ mặt người, sấm dền dứ, chớp nhoằng nhoàng, và mưa thối đất mù trời, đêm nằm khan nghe những âm thanh đồng vọng “ì à ì ộp…” vang trời dậy đất. Thao thức không ngủ rồi lại ngủ…lại thức và lại ngủ, cuối cùng…ngủ không được…

Bèn lồm cồm dậy mở máy vi tính và…của đi tìm người cùng Hồ Dzếnh:

“…Thuở ấy, đất bắc trong cái lạnh lẽo của những ngày lập xuân, mưa phùn lất phất. Trong bếp lửa đỏ rực của cái nồi bánh chưng, cả nhà xúm nhau vào chơi tam cúc. Để rồi có những mối tình đã nhen nhúm qua bếp lửa hồng. Trong bếp, lửa làm ửng hồng thêm má và long lanh đôi mắt, chẳng có gì để nói, nhưng cảm thấy ấm cúng, gần gũi. Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau một dậu mồng tơi xanh rờn và ở đấy có nhà thơ người Minh Hương là Hồ Dzếnh. Ông đã hòai cảm qua cái tuổi mái tóc đã điểm sương, nhưng vẫn không nguôi ngoai qua nỗi nhớ của những ngày còn hoa niên:

Ngày Tết mải chơi tam cúc

Không hay anh tới sau lưng

Ghé lại gần anh mách nước

Kết luôn xe, pháo, mã hồng

Ơ, ván bài em đỏ quá

Đỏ như đôi má ngày xuân

Em có ăn trầu đâu nhỉ

Mà sao người thấy bâng khuâng

Bằng vào cái tuổi này, qua Hồ Dzếnh mới thấm men trầu đâu có nồng thắm bằng men cay của kết đôi với pháo đỏ, xe hồng và cũng theo lời ông kể, chớp mắt một cái là năm sau lại ẩn hiện sau lũy tre làng “Từ đó mỗi mùa đào nở, pháo xe lại nối cây bài”.

Ông u uẩn cùng những tia nắng muộn màng:

Nắng mới rọi vào song cửa
Rung rinh bóng lá cành doi.
Năm ấy em mười sáu tuổi
Trăng tròn, anh chẵn đôi mươi
Từ đó mỗi mùa đào nở
Pháo xe lại nối cây bài
Có độ anh về, có độ
Vắng anh, em nhớ mong hoài…

Chơi bài, chỉ là để nhìn nhau, ngồi bên nhau. Chơi bài, là để chỉ ngửi thấy mùi hương tóc, để những ngón tay đan với nhau. Chơi bài, để mong ván bài kết bằng những đôi hồng điều thắm thiết tươi đẹp. Và, những ván bài ấy, đẹp suốt một quãng đời:
Mấy chục mùa xuân thấm thoát
Nhớ thương hờn giận chen nhau
Một bức tranh thơ bát ngát
Quý thay cái thuở ban đầu
Nay tóc đời ta điểm bạc
Bể dâu thời thế phôi pha
Em ạ, cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta…

***

Bạn già nhíu mày, bập bập môi ra điều nay tóc đời ta điểm bạc, bể dâu thời thế phôi pha thì còn gì nữa của cái tuổi thơ ngây? Chợt thoáng nhớ ra Y Dịch Lê Đình Điểu cũng có bài thơ viết về mùa xuân và bộ bài tam cúc, riêng hai chữ Y Dịch không thôi ắt hẳn cũng chẳng còn trẻ nữa. Thế là cái tay táy máy di chuyển con chuột đi tìm tác giả này:

Chuyện cũng chỉ có hai người yêu nhau với những ngây ngô của cái thuở mới lớn qua ván bài tam cúc khởi đầu cho một chuyện tình.

Tốt đỏ mà đè tốt đen
Kết nhất bội nhị làm em phải đền
Ứ ừ người ta đang đen
Không thèm chơi nữa giả tiền tôi đây
Ơ ơ bêu chửa cô này

Bị đè còn khóc giơ tay đòi tiền

Có gan để kết tốt đen
Tất có gan để chịu đền chứ sao?
Ứ ừ, sao ở trên cao

Người ta thua mất sáu hào hai xu!…

Sáu hào hai xu cũng lớn lắm với tuổi bé tí tẹo nhưng cũng chưa bằng sự giận dỗi của cô bé. Đổi cả cuộc đời còn được, xá gì món tiền ấy. Chỉ để lấy lại một nụ cười:
Mười năm đi dưới trăng sao
Bây giờ dừng lại nơi nào đây em?
Ván bài đời có tốt đen
Trăm lần để kết phải đền cả trăm
Thơ ngây thua nhẵn mười năm

Lúc trắng tay, lại thấy cần người chia sẻ. Ngày xưa, anh dỗ dành em, thì bây giờ ai an ủi anh khi gặp những lần kết tốt đen bị đè phải đền…Mười năm, một cuộc tình nuôi dưỡng bằng một ván bài tam cúc. Nhưng, kết cuộc lại vuông tròn. Ván bài tam cúc ngày xưa lại là dịp để anh sẽ “chui” tốt đỏ để em tha hồ kết tốt đen. Anh sẽ cứ “chui” mãi “chui“ hoài để em có đôi mãi mãi với đôi mình, đôi ta:
Run run ép chặt bàn tay
Sợ làng bắt được biết ngay chúng mình
Anh chui cho lấp điêu linh
Anh chui cho hết điêu linh cuộc đời

Thời buổi bây giờ, có mấy ai còn quây quần bên những cây tam cúc, để nghe một thoáng hương xưa của thơ ngây. Niềm mộng mơ chỉ còn trong kỷ niệm, nỗi nồng nàn của hương quê chỉ còn trong quá vãng. Dù thế nào đi chăng nữa, thì lúc này, đọc vài bài thơ, dăm bài viết trong cái xôn xao của đất trời thì chẳng thể…bỏ lửng…buông lơi…

***

Thời này còn mấy ai mó đến những cây tam cúc của ngày nào năm ấy. Riêng đệ thì không, chả là chuyện người thời thông hanh, còn chuyện mình thế nào đây? Thôi thì năm hết Tết đến, xin phép bác để đệ len chân vào chiếu hoa một cõi một chút nhá.

Và chuyện như thế này đây, thưa bác:

Tết năm nào cũng vậy, nhà đều bầy tam cúc ra đánh với bạn bè thân cũng như sơ và lẽ dĩ nhiên đệ có một chân để rồi tương kiến diệc thời nan, biệt diệc nan với một đôi mắt buồn thật buồn. Nói cho ngay vào những năm tháng ấy, đệ không biết gọi bà hay cô, mà chỉ biết…cô còn trẻ lắm. Biết thêm tí nữa thì không ngoài cô lái chiếc xe Peugeot trắng, mui trần, dáng người đài các, cô đi guốc cao gót, sức nước hoa Rêve d’Or. Tết nhất, cô chỉ mặc một cái áo dài nâu. Cô có giọng nói trầm ấm rất người Hà Thành, cười ròn tan như ấm nước sôi reo. Vậy đấy thưa bác, bằng vào cái tuổi nhì nhằng, chưa một lần biết lất phất yêu và cũng chẳng hay người Hà Nội thanh lịch ra sao, chưa vất vưởng nước hoa Rêve d’Or mùi vị như thế nào. Ấy vậy mà đệ cũng đã váng vất với đôi mắt sầu cô quạnh, khi gió heo về một sớm mai.

Bạn già chậc lưỡi đánh tách một cái ra ý chuyện khơi khơi vậy thôi sao? Chả hiểu gì sất! Chả dấu gì bác, cho mãi đến gần đây đệ mới u mê ám chướng ra cô chính là người có đôi mắt u ẩn chiều lưu lạc của nhà thơ Quang Dũng. Thế mà đến cả mấy năm nay vẫn chưa dám đụng tới cái bàn gõ. Kiểu hồn vía vẫn bay lượn đâu đó mà chưa thấy hình hài mà nhập vào, chả hẳn vì cái bệnh lười của cái tuổi khọm, rõ ra phải đợi một túc duyên nào đó. Bạn già láp ngáp gì mà đụng đến cái bàn gõ như mõ sớm chuông chiều, rõ chỉ khéo buôn chuyện! Ừ thì biết thưa thốt với bác thế nào đây, chả là khi ấy đệ ”đồng tuế” với cụ Hoàng Cầm qua chuyện chị Vinh với: “Cái cảm giác lúc mười hai tuổi sao cứ kéo dài mãi, để lửng lơ những xao động khôn nguôi dưới kia sông chẳng quay đi, mười hai tuổi cũ biết gì chị ơi”. Đũa mộc chòi mâm son thế đấy, thế có láo không hả bác?

Một ngày, cây giống bóng của giống người, bỗng dưng lòng dạ cứ dàn dạt thắt lại với tiếng lao xao như xé vào trưa hè của canh bài chòi dưới cái chòi lá, của tam cúc chiều 30 tết bên cạnh nồi bánh chưng trong bếp lửa hồng. Chẳng phải phét lác gì, đôi cây bài tam cúc với đệ hay cụ Hoàng Cầm chập chờn ở lằn ranh trẻ con, người lớn em đừng lớn nữa chị đừng đi. Cụ lấy cuộc chơi bài làm ẩn dụ, nhà thơ gửi gấm khát vọng yêu đương kín đáo, gợi lên trong niềm trắc ẩn, những uẩn khúc.

Riêng uẩn khúc của đệ, tạm cho là thế đi, lại nằm ở mãi tít ở khúc sau, thưa bác.

Rồi ra cũng ngồi xuống để mơ màng theo gió và vơ vẩn cùng mây. Ấy thế mà mỗi lần đệ nhập hồn vào máy vi tính thì coi như “thăng” đến chiều, đến lúc nhớ rượu bia mới thôi…Ra ngoài vườn cũng ở cái chỗ quen thuộc ấy, chả lẽ lại cuồng chữ với chuyện nắng chuyện mưa, nên đành bối rối nhìn trời nhìn đất…, đành bò vào nhà mở máy vi tính, thì của người phúc ta, túm tó ngay được một bài viết của tác giả Nguyễn Duyên:

Quang Dũng là nhà thơ thời tiền chiến có nhiều bài thơ hay, trữ tình như: Tây tiến, Đôi bờ.. nhưng Đôi mắt người Sơn Tây là một bài thơ được nhiều người ái mộ. Bài thơ như nói lên cuộc gặp gỡ đượm màu chia ly giữa nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen nhau và chia tay giã biệt, một cuộc tình buồn ngắn ngủi:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Như vậy người con gái nầy chắc hẳn ở Sơn Tây, và đã gặp nhà thơ? Nhưng là ai, tên gì, làm gì, ở đâu? Nhiều giai thoại cho rằng Quang Dũng quen người con gái Pháp vì câu “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương ?. Thế nhưng Tây Phương đây là địa danh của tỉnh Sơn Tây ngày ấy với ngôi chùa Tây Phương.

Trở lại khi ấy Quang Dũng là đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến được nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, ông tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm “người tình cũ tên là Nhật”, có một mỹ danh là “Akimi”, nàng có hàng cà phê mà ông thường hay ghé qua. Akimi Nhật sống cùng mẹ, trong cái quán nước đơn sơ nầy, có lần Quang Dũng làm thơ ca ngợi Akimi Nhật và dán lên vách nứa:

Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…

(Đây là bài thơ mới phát hiện sau nầy do

bà Nhật, hiện định cư ở Hoa Kỳ cung cấp).

Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp, lãng mạn của người con gái, tuy rằng không thấy mặt? Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng…Ông kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông kia từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi gió heo về một sớm mai

(Đôi bờ )

Sau nầy, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành bỏ lại người xưa…tan vỡ một mối tình….Gặp lại người xưa ở Hà Nội, ông làm bài Không đề có câu:

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp

Năm 54, Akimi di cư vào Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do, đến 1975 sang Mỹ định cư. Akimi đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ và chỉ biết:

Bên nầy đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…

 

***

Trở lại đệ với bác, quay về chuyện một ngày như mọi ngày, như mọi lần bắc ghế ngồi ngoài vườn và cũng chẳng thể thiếu bao thuốc lá, chai rượu. Ngồi không, đầu lục đục với mai kia, với của đi tìm người, óc bời bời với cái nắng xanh trời trắng đất, đâm nháo nhác cầm cái ly, nâng ly, làm một hớp. Chợt nghe tiếng chuông “kính coong” ngoài cửa. Bèn chớ phở ra đã bấy lâu nay bác tới nhà, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa, ngó chừng thấy bạn già tay cầm cây gậy chống trời lụ khụ đi tới. Thế là đệ mượn miếng trầu là đầu câu chuyện, bạn già chắc mẩm là chuyện tổ tôm, chắn hay xóc đĩa chi đây? Hoặc giả như năm cùng tháng tận với đánh đu, chọi trâu, đánh vật. Ấy vậy mà đang vui chuyện, vui trò khi không người Quang Dũng lại…buông lơi, bỏ lửng với bên nầy đất nước nhớ thương nhau, em đi áo mỏng buông hờn tủi…Cứ theo bạn già thì Quang Dũng làm quái gì có bài thơ nào về “tam cúc”, chỉ có Hồ Dzếnh, Hòang Cầm.

Vậy chứ còn ai nữa kìa?

clip_image006

Còn ai trồng khoai đất này, thưa bác. Bác háy mắt húng hắng rằng lại vun chuyện nữa. Thì chẳng qua đệ cũng như cụ Chánh Tổng qua đây, sẵn cái mạch quê hương bản quán, vạn kiếp tha hương ngàn đời thê thảm, nên đệ dàn trải năm cùng tháng tận với bộ bài tam cúc. Hay nói khác đi, đệ nào có khác gì “cậu bé” Hoàng Cầm trong bài Gọi đôi cứ muốn muôn năm thời trẻ mãi không già, để yêu mê một hình dáng…

Mới gần đây, đệ rối loạn tiền đình thì hóa ra người có tóc như mây cuốn mắt như thuyền lại là…là…bà cụ thân sinh của một người bạn đồng môn nhỏ hơn đệ vài tuổi. Khỉ thế đấy, thưa bác. Ấy vậy mà vay mượn cái tâm thái trễ tràng nhuốm mùi hoa xưa cũ, khỉ gió cắn răng gì đâu chả biết nữa, năm tao bẩy tiết bà nhẩy bổ vào đầu đệ: Hết…từ đó mỗi mùa đào nở, pháo xe lại nối cây bài, qua quần nào áo nấy, quần lụa, áo dài lụa cùng một nâu. Để rồi đệ được thể khuấy nước kênh đào sóng nổi lên, và rối tít mù với mùi ngọt, nồng…nước hoa Rêve d’Or.

Và rồi chẳng thể quên Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em.. ơi, mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai

***

Bạn già lưỡi đá miệng râm ran: Dào! Lại cái mửng cũ, lại…thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Gì mà “nhiễu” quá thể vậy với mắt em.. ơi, mắt em xưa có sầu cô quạnh. Dạ thưa bác, nhiễu sự là gần đây, đang tửu lạc vong bần bên phố chợ, một thằng bạn đời quấy rầy đệ bằng một câu hỏi liêu xiêu nằm ngủ quên trong quá khứ đã lâu:

– Mày có đôi mắt buồn nào không?

Thêm một lần, thế là được thể đệ để hồn vía lang thang bay bổng với mây trời:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mưa

Xa quá rồi em người mỗi ngả

Bên này đất nước nhớ thương nhau

Gọt chữ đẽo câu cho lắm, nào đệ có khác gì Hồ Zếnh: “Ông đã hòai cảm qua cái tuổi mái tóc đã điểm sương, nhưng vẫn không nguôi ngoai qua nỗi nhớ của những ngày còn hoa niên”. Lần theo những bước chân di của ông trên lối mòn của những ngày tháng cũ, đệ dạ quan hoài với ngày tháng qua mau cùng lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay…Và để hồn đi hoang về một mảng dĩ vãng nằm trong tâm khảm, ở đó có một người con gái có đôi mắt u ẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây bằng vào cái tuổi mười sáu, khi vừa biết yêu.

Ừ thì chuyện cũng có đấy, làm như ai chẳng một lần trong đời bị đồng thiếp với cây giống bóng của giống người qua một hình ảnh, một nhân dáng. Mà ấy là chuyện khác…

***

Ừ thì tuổi già là vậy, cùng một thoáng mây bay qua con quay, con vụ, cái tẩu thuốc phiện, cái điếu bát cũ sì, cũ xưa. Và vừa rồi là chuyện tốt đen, tốt đỏ nhạt như nước ốc ao bèo. Thời gian vẫn trôi đi rồi mất hút. Mai kia là cái giống gì đây? Ấy đấy, trong kho chữ còn vất xó mươi năm dăm bài viết cũ mốc để cho con điệp tử thư trung nó gặm nhấm như tranh Đông Hồ, Mã nhật tượng điền xe liền pháo cách, Cái điếu cày, Bộ ấm cũ…Rồi ra cũng như hoa mướp về chiều với đình thụ bất tri nhân tận khứ, xuân lai hòan phát cựu thời hoa. Thì như đã bảo, chuyện gậy trúc khua cua là thế đấy, thưa bác…

Chiều về, bỗng chốc cóc nhái gọi nhau kêu “ì à ì ộp…” nên bụng bảo dạ thế nào cũng giột giời. Thế nào ngày mai trời cũng mưa…

 

Thạch trúc gia trang

Qúy Tỵ niên 2013

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

clip_image008

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search