T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Sử Quan

clip_image002

Sử, nôm na là những gì thuộc về quá khứ. Thế nên, đọc sử là ngóai cổ nhìn lại ngày hôm qua. Nhìn thì cũng nhiều cách nhìn. Nhưng nhìn mà chỉ thấy những gì mình múôn thấy thì tội nghiệp cho Sử lắm thay. Đó là chưa kể cái tầm nhìn hạn hẹp, thấp quá thì kiễng chân lên, hẹp quá thì phải đảo qua đảo lại, lâu ngày mỏi chân mỏi mắt, lại chỉ thấy những gì mình chỉ có thể thấy. Chẳng trách gì :

 

đọc lại dăm pho sử

nối tiếp nhau viết sai

sai từ đầu thượng cổ

Cũng thú vị lắm khi theo chân ông Ngộ Không lần theo từng lối đi . . . lạc của lịch sử. Bước theo ông, nghe những lời thủ thỉ khi nghiêm trang, khi bỡn cợt, tôi có cảm tưởng mình đi đúng đường lịch sử , chứ không đi lạc. Nghĩ thế, rồi lại giật mình khi bắt gặp trong bài của ông có một đọan văn cảnh cáo : Té ra khi đọc sách, người ta chỉ đọc những gì muốn thấy, chứ không phải nhũng gì thực sự hiện ra qua những dòng chữ..”.

T.Vấn

01 tháng 06 năm 2011

 

 

Sử Quan

 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

*** đọc lại dăm pho sử

nối tiếp nhau viết sai

sai từ đầu thượng cổ

từ văn lang chim lạc

chim lạc là chim hạc

chim vạc là chim cò

trên trống đồng ngọc lũ

chữ nòng nọc quanh co

gấp lại dăm pho sử

nam bắc đều khật khờ

Dẫn nhập:

Thi trung hữu quỷ, lóng ngóng thế nào người viết vớ được bài thơ trên, vì rằng có hai chữ “nam, bắc” nên nhẩm chừng tác giả là người ở trong nước, để rồi ý thơ khi không như ma nhập vào bài tản bút này với những tư liệu mà người viết có được. Như những sử gia trong nước, tìm về nguồn gốc tộc Việt với chữ “lạc”. Ngòai nghĩa là lúa nước, còn có nghĩa khác là con chim. Giống chim này chỉ bên Tầu mới có, chẳng ai biêt là chim gì, nên trong văn đàn bảo giám ở Thăng Long hoài cổ, có ý ngờ rằng nó chân cao, mỏ dài, vì vậy mới có chuyện chim lạc là chim hạc…”rành rành” trên cái trống đồng Ngọc Lũ. Một sử gia miền Nam bay theo phóng bút: “Nếu biết là chim lạc là chim gì thì các ông đã không cãi nhau. Nếu không biết chim lạc là chim gì thì làm sao các ông biết rằng hình trên trống đồng Lạc Việt là…con chim lạc”.

Nguyên nhân gì bà Âu Cơ lại đẻ ra trứng…”, có một nhà bác cổ ở ngoài nước đã vật vã với luận thuyết, với cái trứng, khi có chứng tích ắt có nguyên ủy…Nên ông giải bầy, rằng ông học Nam sử bằng chữ Nho từ tấm bé, bỏ tiền túi sang tận bên Tầu dăm bận mười bữa. Lò mò lên núi Ngũ Lĩnh, xuống tận Động Đình hồ có con sông Tương và tìm ra một nhánh sông tên Âu Giang. Ở đây có một giống chim, rõ ra không phải…chim lạc mà là chim..”hải âu”. Thế là chuyện ông Lạc Long quân và bà “Âu” Cơ đã được giải mã, chim là phải đẻ ra…trứng. Vậy mà thiên địa tù mù chẳng ai hay gì ráo, ngòai ông.

Vẫn chưa xong, thêm một nhà bác vật đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, gốc gác ông là lang Tây, nên ông viết rất thử nghiệm, rất bệnh lý: “Để hiểu rõ cổ sử Việt ta, hãy đi tìm mã số DNA hay mã số di truyền học (genetic code) của vua Hùng vương. Muốn thế ta phải dựa vào bản thể của tế bào gốc của Tổ Hùng, tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của vua Hùng vương. Mẹ của vua Hùng là U cò tức con cò gió, cò lả, cò lang. Cò lang tức cò trắng vì “lang” là trắng như bị chứng lang da (chứng vitiligo). Ứng với Lang Hùng vương đóng đô ở Bạch Hạc tức cò trắng là kinh đô của nước Văn Lang. Nên con cháu Hùng Vương mới mang hình ảnh “Cái cò lặn lội bờ ao – Phất phơ hai dải yếm đào gió bay”.

Thôi thì cứ để hai dải yếm đào, phất phơ một chút, xin trở về với phần “dẫn nhập”. Người viết vốn dĩ là người hòai cổ, đang thả hồn quan san, quan hòai lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương. Dẫu rằng “lối xưa xe ngựa” chỉ là những bước chân đi của các sử quan, thế nhưng như sử gia Fustel de Coulanges viết: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phiá…”. Giống con vạc ăn đêm, người viết chỉ nhìn được một phía…, nên chẳng thể thẩm định là đúng hay sai với…”chim vạc là chim cò”, rồi nước cũng chẩy qua cầu với hơn 4000 năm văn hiến. Gấp lại mươi trang giấy này, bạn đọc và người viết đều “khật khờ” thấy rõ từ chính sử đến huyền sử…

***

Viết về “sử quan” thì chẳng thể không nhắc đế ải quan bằng vào những bước…quan san ngược dòng thời gian vào năm 1837, tác giả Tsai Tin Lang bị đắm thuyền ở biển An Nam, ông trở về quê nhà Quảng Đông bằng đường bộ. Từ Hà Nội lên Đồng Đăng, không biết lớ ngớ thế nào ông lại đi lạc hướng về…Quảng Tây và gặp…ải Nam Quan.

Nên mới có bài bút ký sau:

Ngày 15 tháng 3 ông rời Hà Nội đi Bắc Ninh, sau khi qua 7 trạm có quan quân gác. Ngày 19 ngủ đêm ở phủ Văn Lang, sáng hôm sau đi được khỏang 13 lý (khỏang 7 cây số) nữa thì găp Quỷ Môn quan. Qua đến ngày 20, ông dừng chân ở pháo tháp thứ 5, ngày xưa vào thế kỷ 18, triều Lê đã dựng lên 18 pháo tháp này để trông chừng nhà Tây Sơn. Nhưng nay chỉ còn pháo tháp thứ 3 và thứ 5.

Ngày 21 ông đến Lạng Sơn vào lúc sế trưa và chơi ở đây mấy hôm và có thăm chợ Kỳ Lừa và ông thấy thương buôn tòan người Quảng Tây, Quảng Đông qua đây buôn bán. Ngày 3 tháng 4 ông đến Đồng Đăng, nghỉ một đêm, 8 giờ sáng hôm sau tiếp tục hướng về phía ải Nam Quan. Đường đi lgặp núi đá hiểm trở, vực thẳm tối tăm, cây cối um tùm rậm rạp, không dấu vết con người, ngòai những con công và trăn, rắn. Đường mỗi lúc một hẹp và ông đi được 35 lý (20 cây số) là tới ải Nam Quan. Theo như ông tả gọi là “cổng” Nam Quan thì đúng hơn vì chỉ là bức tường núi dựng đứng. Và chuyện Tầu không có…”hậu” là láo ngáo thế nào ải quan không cho ông…”nhập quan” vì họ ngỡ rằng ông không phải là…người Tầu. Vì vậy với bên bờ đôi ngả, ông viết bút ký “Itinéraire de Ha Noi à Canton par Lang Son”, hiện còn tàng trữ tại Viện Đông Phương Bác Cổ.

clip_image004

(Hình ảnh “Trấn Nam Quan” đời nhà Thanh. Niên đại được cho rằng vào đời vua Ung Chính khi xảy ra cuộc chiến Trung-Pháp (1884-1885)

Nhích thời gian thêm một chút nữa với nửa thế kỷ sau cùng biên bản phân giới của Công Ước Thiên Tân năm 1887 giữa người Pháp và Lý Hồng Chương: Vì “La Porte de Chine” hay “Cổng Tầu” nằm trong một khe núi cạn nên cần phải rời tới một khỏang đất rộng rãi hơn. Thế nên ải Nam Quan cũ đã bị tướng Negrier trong ủy ban phân định biên giới Pháp-Hoa, giật sập từ năm 1884 để xây cổng mới ở một địa điểm khác. Cổng mới được xây bằng đá đẽo (pièrre de taille), cao hai tầng, hành lang và cột kèo xây theo kiểu Pháp. Theo tài liệu này, biên giới bàn thảo mất 3 năm mới xong và có một chi tiết là ải cách cái cột mốc số 18 về phía nam đúng…100 thước Tây.

Cổng mới, tùy theo địa phương, người Trung Hoa gọi là Đại Nam Quan. Ải cách quận lỵ Đồng Đăng 4 cây số và được người trong nước ngày nay hồ hỡi gọi là…”Hữu Nghị Quan”.

clip_image006

(Theo sử liệu Trung Hoa, cụm nhà nhỏ phía trước cổng lớn (nơi có hai người Pháp áo trắng đang đứng) là miếu thờ Quan Công gọi là Quan Đế Miếu và Đền Chiêu Trung. Sau đó vào năm 1896 trong chương trình khảo sát biên giới giữa Trung-Pháp đã xây trên nền này một văn phòng quản lý. Năm 1914 xây lại lần hai tầng kiến trúc nhà lầu kiểu Pháp nên còn gọi là “Pháp Lầu” hoặc “Pháp Quốc Lầu” vẫn còn tồn tại cho đến nay).

Tuy nhiên nhờ Công Ước Thiên Tân, kèm theo văn bản tập Đại Thanh Nhất Thống Chí của nhà Thanh, quyển 365 tờ 17 thì: “Cổng cũ được gọi là Pha Lũy Dich, có từ đời nhà Nguyên 1579. Ải có bức tường dài 1190 bộ (khỏang 377 thước) để phân chia hai nước, cách cổng 40 lý (20 cây số) về phía nam là trạm Đồng Đăng. Trạm này sứ thần người An Nam, cứ 2 năm một lần chuẩn bị đồ tế cống nước ta” (Chỉ vì vua Lê Lợi, lạng quạng thế nào mà lỡ tay chém văng đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng. Nhà Minh đòi bồi thường ông tướng cụt đầu bắt cống nạp cứ hai năm bằng vào hình nhân thế mạng là hai tượng người vàng ròng. Cho đến lúc gặp vía vua Quang Trung phất phơ, lệ này mới được…xin niệm tình tha thứ cho).

Trở lại với công ước Thiên Tân, qua miêu tả của ông Anute trong phái bộ Pháp, ải cũ xa xưa chỉ là cái tường “biên giới” dựng chắn ngang một khe núi sâu, hai bên là núi đá cao, gần đó có một con suối cạn. Cũng từ đoản văn của ông Anute, người viết góp nhặt sỏi đá được là: Ải cách Đồng Đăng mấy chục cây số. Người viết chỉ lơ mơ nhắm chừng ải “hiện thực” với thác Bản Giốc, chạy trời không khỏi nắng, chẳng phải là…ải Nam Quan với Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi trong sử học.

Gần hơn nữa, năm Kỷ Dậu, sứ thần Ngô Thì Nhậm đã có tuổi, vậy mà phải còm cõi đi sứ ba lần qua nhà Thanh trong một năm dưới thời vua Quang Trung đã làm một bài thơ tả ải Nam Quan. Trong đó có hai câu “Mai tuyết xâm nhân mấn dĩ ban” và “Giản thạch mãn trang du tử thác“, diễn Nôm là “Tuyết bám người tóc đốm bạc – Đá suối đầy túi lãng tử”, phù hợp với tư liệu và hình vẽ của ông sứ bộ người Pháp là ải quan nằm giữa khe núi và có suối. Người viết đóan mò ra rằng ải nằm sâu trong nước Trung Hoa vì…có tuyết. Nhưng chịu chết chẳng biết ải Nam Quan nằm ỏ bến bờ hiu quạnh nào, vì vậy với người viết, ải quan vẫn chỉ là…huyền sử.

Cho đến một tối chong đèn đọc sách, như có túc duyên gặp được một giả nhân. Nói cho ngay, ải quan trên chỉ là miếng trầu là đầu câu chuyện cho…chính sử với những sử quan sau này, như ở dưới đây.

***

Sử Quan:

Việt Điện U Linh Tập.

(Theo Hòang Xuân Hãn, Lý Tế Xuyên là quan Thủ Đại Tạng Kinh Trung Phẩm Phụng Ngự cuối đời nhà Lý. Đầu thế kỷ 14 nhà Trần, phụng lệnh vua, để giữ hương hoả bất tuyệt, ghi chứng tích các vị thần qua đền miếu đền, khảo dị qua Giao Châu Ký của Triệu Xương, Giao Châu Ký của Tăng Cổn và ngay cả Tam Quốc Chí nữa. Qua chức vụ dài lê thê lướt thướt ấy, như ông từ giữa đền, giữa u tịch cổ sơ, ông sưu tra tư liệu, đọc và ghi lại trong Việt Điện U Minh tập với hậu ý mong trừ dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ trong dân gian).

Tuy nhiên, với vua Hùng Vương, chỉ là diễn viên phụ trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh dài không hơn một trang giấy. Có một nhà biên khảo, thường là ông, nhưng đây là bà, văn phong rất gọn và trong sáng, mặc dù vua Hùng chắc như đinh đóng cột chẳng là dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ để trừ khử. Nhưng dưới ngòi bút của bà, khi vua Hùng kén rể cho con gái bàn bạc với quan đại thần Lạc hầu thì chỉ là một ông vua nhu nhược và rất ba phải. Qua đối thọai chỉ thấy “vua sợ”, “vua cả mừng”, “vua mừng lắm” và “vua cho là phải”..v..v..

Có hai chữ đập chát vào mắt người sau là Trần Thế Pháp, là “vua Hùng” và “Lạc hầu“.

Lĩnh Nam Chích Quái

(Vào thế kỷ 14 hay 15, người tới sau xuất hiện gốc tích mù mờ, chẳng rõ thổ ngơi . Chỉ biết tên ông là Trần Thế Pháp, ông này không phụng mệnh vua, chỉ vì bị choang vào mắt hai chữ “vua Hùng” – “Lạc hầu” của Việt điện u linh tập để viết “Cội nguồn tộc Việt”. Ông chắp vá một số truyện cổ tích ở vùng đất phía nam núi Ngù Lĩnh của Trung Hoa như Tài Quý Ký hay Nam Hải cổ tích ký, để thành chuyện. Tuy nhiên lưu danh thiên cổ vẫn là truyện…người lấy cá đẻ ra trăm trứng. Đời Lê, cụ Vũ Quỳnh góp nhặt sỏi đá những truyện ấy thành tập và đặt tên là Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện. Trong bài tựa, cụ viết: “Nước Việt ta tự cổ là đất hoang dã nên việc ghi chép còn sơ lược, những chuyện chép ở đây, từ thời nào? Tên họ người hòan thành là gì đều không thấy ghi rõ?).

Tác giả là Trần Thế Pháp và cội nguồn tộc Việt của ông như thế này đây:

Xưa cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, nhân tuần thú phương Nam rất “dế mèn phiêu lưu ký”, Ngài đi với người con vợ cả là Đế Nghi, đi bằng gì, đi năm nào, không thấy nói tới. Rồi đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Ngài phong cho con bà cả là vua phương Bắc, con bà hai là vua phương Nam cho vẹn đôi bề. Con bà hai làm vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương năm 2879 trước tây lịch, đặt tên nước là Xích Quỷ. Kinh vương xuống thủy phủ lấy con gái hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm. Một chiều chẳng biết vua cha đi đâu, vua con bèn lên ngôi, xưng Lạc Long quân đế trị dân. Dân lúc nào có việc cần kêu vua con: “Bố ơi không đến mà cứu chúng tôi”.

Một ngày “Bố ơi..” gặp nàng Âu Cơ ở một mình…Nguyên văn trong văn bản tả thì “Bố ơi” thấy ” đẹp lạ lùng, yêu quá, nên lấy làm vợ“. Giáp một năm, sinh ra bọc trứng và nở ra trăm con. Chia đều làm hai, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo Lạc Long quân trở về thủy phủ, Âu Cơ lại nhắn gọi như gọi đò sang sông: “Bố ơi không về để mẹ con ta thương nhớ”. “Bố ơi” về thật và nói: “Ta là rồng ở thủy tộc. Nàng là giống tiên, ở trên đất. Thủy hỏa tương khắc khó mà ở cùng nhau”. Âu Cơ trở lại huyện Bạch Hạc, phong cho con trưởng là Hùng vương, đặt tên nước là Văn Lang, truyền được 18 đời vua Hùng và được gọi là thời Hồng Bàng. Quan văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Về bờ cõi của nước non thì đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam giáp Hồ Tôn.

Từ “vua Hùng” và “lạc hầu” trong truyện người núi đánh nhau với người nước của Lý Thế Xuyên, ông Trần Thế Pháp đã huyền hoặc ra Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Để sau này, của người phúc ta, tộc Việt ta là…”Con rồng cháu tiên”. Nhưng rất tiếc:

“…Ấy là ông mượn truyện Liễu Nghi trong Đường Kỷ của Lý Triễu thuộc đời Tống cùng niên kỷ với đời Trần về một thư sinh xuông thủy cung gặp công chúa thủy tề và lấy nhau rồi cũng đẻ con. Rồi ông dàn dựng một nước Văn Lang, trải rộng tới hồ Động Đình, để sau này cái nhọt nẩy cái ung, học giả cũng như học thật, quại nhau như Sơn Tinh với Thủy Tinh…”

Đại Việt Sử Ký Tòan Thư

(Từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến nhà Lý nước ta gần như không có ai viết sử. Mãi đến đời Trần, và có thể nói, sử quan nhiều nhất là ở thời này như Trần Phổ, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Lê Trắc và cuối đời Trần là Hồ Tôn Thốc. Để rồi sang đời Lê với Ngô Sĩ Liên đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, sau cụ còn là Quốc Tử Giám tư nghiệp nên tên cụ được khắc vào bia đá ở Văn Miếu. Tiếp đến là sử quan triều Lê, theo lệnh vua, cụ khảo dị qua Đại Việt Sử Ký của Lê văn Hưu và bộ Đại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên để hòan thành bộ Đại Việt Sử Ký Tòan Thư vào năm 1479 Hồng Đức thứ 10 thời vua Lê Thánh Tông. Cụ viết: “Trộm nghĩ may thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy hai bộ sách của hai bậc tiền nhân trước đây và sửa sang lại. Thêm phần Ngọai kỷ”.

Đọc “Thêm phần Ngọai kỷ” đến lộn tròng mắt mới thấy cụ đúng là sử quan chừng mực. Như cụ viết: ” Vua lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long “. Người đọc ráng hiểu theo nghĩa đen là Kinh Dương Vương không lặn xuống ao, hồ để lấy công chúa hà bá. Tiếp đến: ” Lạc Long quân lấy Âu Cơ và đẻ ra trăm con trai “. May quá, không thấy đẻ ra…trứng.

Cụ còn cân nhắc không đưa đọan Âu Cơ…dâm lọan hai chồng như Trần Thế Pháp buông lơi là Âu Cơ trước kia là vợ của Đế Lai, con của ông bác ruột, tức anh họ của Lạc Long Quân. Ông anh họ chu du khắp thiên hạ ham vui quá quên cả ngày về. Ở nhà, ông em họ thấy Âu Cơ “dung mạo đẹp lạ lùng” và “yêu quá“. Nàng cũng thấy “chàng nhi lang phong tú nên phải lòng ưng theo”. Trong phàm lệ, cụ ghi: “Cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”.

Cụ làm ngơ một đọan trong Lĩnh Nam Chích Quái:

“…giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, Âu Cơ cho là điềm không hay, nên đem vất bỏ ngòai đồng nội, hơn bẩy ngày sau, trong bọc nở ra một trăm trứng…” Để có một sử gia nhắn nhủ: “Có lẽ là do ít ai để ý đến, nên không nhận ra những hạt sạn nhỏ nhặt. Hoặc nhiều người đã nhận ra rồi mà cho là nhỏ nên không bận tâm chăng..”

Riêng về phần bản địa, cụ như Trần Thế Pháp, cũng lan rộng tới Động Đình Hồ. Không thấy nói tới tên 18 đời vua Hùng Vương, ngay cả người con của vua Hùng lập nên nước Văn Lang, cụ cũng ghi chú là “khuyết húy”. Cụ tiếp với phần Ngọai kỷ: “Thảng có hay hoặc dở, nhưng may ra cũng có thể giúp ích phần nào cho việc tra cứu tìm hiểu đời sau”.

Thế là 300 năm đời sau, quan hòai với thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, kẻ hậu sinh như ếch vồ hoa mướp, nhẩy nhổm vào “tra cứu với tìm hiểu” lọan cào cào châu chấu, thế mới phiền, thưa bạn đọc. Thì hãy mầy mò với…

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

Bộ sử trên do quốc sử quán triều Nguyễn biên sọan, với họ Hồng Bàng, các sử quan…đắn đo bắt đầu bằng hai chữ “tương truyền” và gần như sao bản lại y như trong sử nhà Lê 300 năm trước với câu đính kèm “Nhưng hẵng cứ chép lại để truyền nghi” . Riêng chuyện bà Âu cơ đẻ ra 100 con trai, vua Tự Đức phê: “Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy. Huống chi lại nói đếm trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông, sao khác gì lòai người được”

Còn địa giới nước Văn Lang, bộ Khâm Sử có phần cẩn án:

“Địa giới nước ta từ đời Trần về trước, phía đông giáp biển, phía tây giáp Vân Nam, phía bắc giáp Quảng Tây, phía nam giáp Chiêm Thành. Vậy mà sử đời Lê chép tới động Đình hồ thì quả thực bờ cõi quá rộng rãi, chưa đời nào được như thế. Theo sách Đại Nam Thống Nhất Chí ngày nay thì Hồ Nam thuộc nước Sở. Nào biết những ranh rới tới đâu! Đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không còn dựa vào đâu mà khảo đính đưoc. Sử cũ lại chép quá xa, nào là hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình hồ của nước Sở thì còn xa lắm, chẳng cũng xa sự thực lắm ru”.

Đời Lê, các nhà biên khảo, học giả chưa kịp “tra cứu, tìm hiểu” đã qua đời Nguyễn, họ lại có dịp rôm rả với Lạc Việt, vua Hùng và nước Sở. Để quên béng nhời dặn dò của cụ Ngô Sĩ Liên: “Nước ta thiếu sử sách biên khảo, mà đều do truyền văn. Sao chép có phần quái đản, phiền tạp, chỉ làm lọan mắt“.

Mà quả tình có “lọan mắt – phiền tạp – quái đản” thật, như ở dưới đây.

Lạc Việt: Tên gọi Bách Việt xuất hiện đầu tiên trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, ông kê cứu theo sách Lộ Sử của La Tất, với nhóm man di trồng lúa nước, mà người Trung Hoa gọi là…”lạc”. Từ chữ lạc có Lạc Việt để có lạc vương, lạc hầu, lạc tướng. Với chủng Bách Việt thì “bách” đây không có nghĩa là “một trăm” mà có nghĩa là “không đếm được”. Thơ thẩn một cõi thì như Nguyễn Bính với “Mình đi trăm núi nghìn sông – Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam”, nào có ai bắt bẻ gì đâu. Rõ ra hơn chủng Bách Việt có cả hàng trăm bộ tộc, chi tộc, thị tộc, trong đó có chủng Yue. Lạc Việt là một bộ tộc lớn của chủng Yue này, gồm cả chục chi tộc, thị tộc với tiếng nói, địa bàn khác nhau. Họ là những dân du mục nay đây mai đó, đau một cái là với cổ ngữ Hoa, họ lại gọi là dân…”du đãng”, vì là cổ ngữ, nên chẳng mấy ai bận tâm.. Vì vậy, khi sử Trung Hoa nói đến Bách Việt hay Lạc Việt, là họ nói tổng thể, không hẳn lúc nào cũng ám chỉ người Việt ta ở Giao Chỉ. Để có chuyện vào năm 2007, sách “Bách Việt Tiên Hiền Chí” (?) của người Hoa viết có một người Bách Việt tên Thái Luân, là người đầu tiên sáng chê ra giấy cho nước Tầu, thế là ông này khi không được nhận là người Việt ta. Chìm đắm hỏa mù dòng Bách Việt, sử gia Phạm văn Sơn ngay trong Việt Sử Tòan Thư viết: “Lấy gì để căn cứ nói rằng chúng ta là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tìinh, phong tục và văn hóa để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy”.

Vua Hùng – Nước Sở: Vào thế kỷ thứ 5, trong Giao Châu Ngọai Vực Ký, Thẩm Hòai Viễn thấy chữ “Lạc” giống với chữ “Hùng” nên gọi Lạc Vương là…Hùng Vương. Chưa xong, tiếp đến là Tư Mã Thiên viết: “Đời nhà Chu, có người nước Sở họ Mị mà “mị” nghĩa là “con gấu”. Tiếng Hán gọi con gấu là “hùng”. Nên được vua nhà Chu phong là Hùng vương và hai mươi mấy đời vua kế đều lấy tên Hùng như Hùng Thông, Hùng Ỵich, Hùng Cử, Hùng Sì…”.

Nay người đi sau với vua Hùng của Trần Thế Pháp cùng hai mươi mấy đời vua Hùng nước Sở, đã dàn dựng họ Hồng Bàng như Hùng Hi, Hùng Tạo, Hùng Vĩ… Họ lặn lội tìm tòi cho bằng được đầy đủ tên và niên đại của 18 đời vua này, không sót một vị vua nào. May mắn thay, trong tay người viết có tới 3 (ba) bản gia phả…khác nhau. Lọan mắt hơn nữa là trong đó có một bản, nếu tính theo tuổi thọ thì mỗi vị vua Hùng Vương ta trung bình là…145 năm, để chẳng thấy “đầu Ngô mình Sở” tí nào. Và rồi lại phiền tạp thêm với…

Nước Sở – Nước Việt: Chuyện lạc đường vào lịch sử với thời lập quốc, nước ta có tên là…”Nam Việt”. Rằng là đời vua Hùng Vương thứ 18, các sử quan xưa như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên dựng sử nước “Nam Việt ta” như sau: “Nhà Tần lấy Giao Chỉ làm Tượng Quận, đế khi Tần lọan, Triệu Đà dất binh đánh lấy hết các quận quốc rồi xưng đế. Đến thế kỷ 20, theo Lịch Sử Việt Nam và Việt Nam Sử Lược của Đào Duy Anh với Trần Trọng Kim, thì thời Sở xâm lấn nước Việt cũ của Câu Tiễn, dân Việt ấy “có thể” di cư xuống đồng bằng sông Hồng. Từ truyện trên, sau này các nhà biên khảo, học gỉa nhận bá vơ, bằng cách này hay cách khác, tất cả Việt Câu Tiễn, Nam Việt Triệu Đà được vơ đũa cả nắm là Việt ta. Quái đản hơn nữa, gần đây, qúy vị này còn đèo bòng từ trên xuống dưới là vua Thần Nông, cho đến Lão Tử, ngay cả Tây Thi, Phạm Thái…”có khả năng” là người Việt ta tuốt.

Môt sử gia tân hiện đại đã giận lẫy những vị trên như sau: “Họ có thói quen lười nhắc, lặp lại lời kẻ khác. Nói nghiêm chỉnh hơn, đó là do tác động đến tận tiềm thức của thành kiến, để nô lệ một cách vô thức. Họ trích dẫn chủ quan sai lạc từ các sự kiện trong sách sử từ xưa tới nay để viết về về sử Việt Nam”. Người viết thấy người sử học này lằng nhằng với chữ nghĩa quá thể, thì cứ như một nhà văn, cũng là nhà biên khảo…”nghiệp dư”, làm chơi ăn thật có một câu để đời “Việt Tầu, Việt Ta chẳng thể lộn giống: Người Tầu chan…xì dầu – Người Việt húp…nuớc mắm” . Dễ hiểu vậy thôi, thưa bạn đọc.

Vẽ rết thêm chân thì người viết mạo muội thuật một chuyện cũng nhì nhằng với đất đai và ải Nam Quan. Chuyện là năm 1802, chúa Nguyễn Ánh, chẳng là lúc ấy chửa được chính danh làm vua, thống nhất bờ cõi xong, bèn sai sứ thần qua Tầu xin sắc phong là Gia Long và quốc hiệu nước nhà là…Nam Việt. Vua Càn Long nghe xong táng đởm kinh hồn vì ngại hồn ma bóng quế cái tên Nam Việt thời Triệu Đà dấy binh làm lọan cũng phiền tóai cho…hậu sự không phải là ít. Nên nại cớ tiếng Tầu đọc từ phải sang trái, thế nên đổi lộn ngược lại là Việt Nam. Vậy mà nhấm nhằng mãi đế năm 1804 mới xong, cụ Nguyễn Du với thân già vác dùi nặng, phải cậy cục lên tận ải Nam Quan để nhận chiêu chỉ và sắc phong.

Hóa ra vua Càn Long cũng tèng beng téc béc về sử học và không hay rằng vào thời Lê Trịnh, sử quan Ngô Thì Sĩ có cẩn án trong Việt Sử Tiêu Án là sử quan Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều sai vì Triệu Đà chỉ mới ngừng chân ở Quảng Đông, Quảng Tây, chưa đặt chân đến đồng bằng sông Hồng, nước Nam Việt ấy ở bên Tầu, miền Nam Hải, Quế Lâm. Do vậy, trong sử Nam ta chẳng bao giờ có quốc hiệu là Nam Việt với một ông vua gốc Tầu tên Triệu Đà. “Đọc lại dăm pho sử – Nối tiếp nhau viết sai – Sai từ đầu thượng cổ” ắt hẳn là như thế?.

***

Một ngày người viết thửa được pho “Sử Việt, đọc một quyển” của một sử gia tân đương đại than rằng các sử gia cận đại, gần như chép sử qua một quyển sách gối đầu giường là…quyển Đại Việt Sử ký tòan Thư. Ngay trang đầu có câu đầy khinh thế ngạo mạn: “Cô vọng ngôn chi “, và tác giả chuyển ngữ là: “Hình như lời người viết sử nói chuyện với…ma”. Ông thêm một câu: “Té ra khi đọc sách, người ta chỉ đọc những gì muốn thấy. Chứ không phải những gì thực sự hiện ra qua những dòng chữ. Khoan nói tới nhưng gì phía sau các dòng chữ ấy nữa“. Ngay khi ấy, đủng đỏang thế nào người viết túm được dăm bài báo viết về những làng Việt trên đất Tầu. Để rồi như…lạc vào mê hồn trận với sử gia, chẳng khác gì khói lửa kinh thành với thập nhị sứ quân, nhất tướng công thành vạn cốt khô, cùng mỗi người mỗi niên đại, niên hiệu khác nhau. Hết cuộc binh đao, nỗi buồn chạm mặt là gặp mấy nhà biên khảo, học giả, hành giả cùng địa danh bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí mù mịt như bát quái trận đồ xa tắp mù khơi. Bằng vào với bài viết của giáo sư người Tầu, chuyên ngành lịch sử dân tộc đại học Vân Nam qua cái tựa đề “Dân tộc Kinh ở Quảng Tây “:

“…Từ đời Minh, nhóm người từ vùng Đồ Sơn di cư sang 3 hòn đảo nhỏ gọi là 3 làng ở Tam đảo, nhóm này được gọi là tộc Kinh Việt, người Giao Chỉ, hậu duệ của người Miêu, người Dao cổ đại, nguyên là chi của Bách Việt, từ thời đồ đá mới đã định cư ở vùng tam giác châu thổ sông Hồng. Nhưng sách “Trung Nam Bán đảo Dân tộc” cho rằng vào khỏang những năm triều Thanh, người Kinh ở thôn xã có lập huơng ước cho đúng phép tắc làng nước minh xác rằng họ đến đây từ đời Hậu Lê cách đây 400 năm. Tổ tiên họ nguyên cư trú ở vùng Cát Bà, thấy làng xóm vắng vẻ không người ở, bèn định cư hẳn không về nữa. Năm 1958, họ không còn được gọi là Kinh tộc, để có tên mới là “Đông Hưng các tộc tự trị huyện“, theo thống kê 1982, nhân khẩu 11.900 người sống bằng nghề chài lưới…”.

“Không phải 3 mà có tới 6 làng, để thông tin đại chúng có nhiều…chất liệu” một nhóm hành giả trong nước tiếp nối chuyên chở chữ nghĩa, viết gần như ông sử gia Tầu trên qua bài báo tựa đề “Dân tộc Kinh ở Đông Hưng, Quảng Tây” đậm đặc ngôn từ như trong quyển du lịch địa chí cẩm nang với tên làng xã, nhân số, họ hàng hang hốc và “tay nghề”. Tóm lược thì: “…Sau một thời gian điền dã ở Kinh đảo, chúng tôi thấy có 6 làng mà người Việt đã định cư từ 5 đến 10 đời mà tổ tiên họ từ Đồ Sơn. Riêng một làng thì suốt trong thời gian điền dã, chúng tôi không tìm thấy còn ai nói tiếng Việt nữa, một cụ già đã trên 70 tuổi kể lại rằng đời cha các cụ cũng chỉ nói được ít câu chữ Nôm, người Trung Quốc gọi là Tự Nam. Làng có chùa và đình miếu, chùa có chuông đồng đúc năm 1787, đình thì thờ Phục Ba tướng quân, đức thánh Trần, bà Chúa Liễu, miếu thì thờ thần hòang, thổ địa. Ngòai ra có một làng theo đạo công giáo tòan tòng, nhà thờ Chúa dựng ngay cổng làng đi vào. Nhưng đại thể, họ vẫn giữ tập tục Tết nhất, lễ tảo mộ, cúng cô hồn và truyền thống văn hóa dân tộc biểu hiện qua ăn cơm với đặc sản nước mắm, phụ nữ thì khóai ăn trầu cau và đặc sắc văn hóa là lời ca tiếng hát đối đáp trữ tình mà người Trung Quốc gọi là Hát Muội với cái đàn bầu là “độc hữu Kinh tộc…”.

Người biên khảo ngòai nước, sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm ấy, nên vặn vẹo chữ nghĩa cứ rối rít cả lên, tràn trề lãng mạn, cực kỳ nhân sinh: “…Trươc hết là tỏ một mối tình thâm trầm man mác đối với những người vốn là đồng bào, đồng tộc với chúng ta nhưng vì hòan cảnh lịch sử xa xưa lại không còn ở chung một địa bàn, địa lý với chúng ta. Sau chúng ta có dịp sưu tầm những di sản quý báu mà những người Việt này còn lưu giữ sau 500 năm xa lìa quê hương bản gốc như 30 điệu hát đúm…”. Cũng vẫn bài bản thiên biên ký sự cũ, nhà biên khảo lại rị mọ: “Theo thống kê 1982, Kinh Việt tộc có 11.995 người, hồi trước Kinh Tộc Việt là một bộ phận của nòi Lạc Viêt…”.

Thế nhưng ngốn xong mấy bài báo, tôi chỉ lũn cũn nghĩ tới câu của tác giả sử Việt, đọc một quyển rằng “Té ra khi đọc sách, người ta chỉ đọc những gì muốn thấy, chứ không phải nhũng gì thực sự hiện ra qua những dòng chữ..”. Để tôi được thể bới bèo tìm bọ như di cư gì mà họ khuân cả chuông đồng đúc năm 1787 theo, mắc chứng gì lại có cả đền thờ Mã Viện nữa. Ấy là chưa kể họ đã quên tiếng Việt còn hát đúm, hát đơn. Còn câu “Khoan nói tới những gì phía sau các dòng chữ ấy…” thì xin bạn đọc xem hồi sau sẽ rõ…

***

Tối nay, canh khuya trằn trọc, vì mới đọc xong một đoản ký về hai trận chiến giữa nhà Trần và quân Nguyên của sử quan Lê Trắc. Cụ vừa là sử gia, vừa là nhân chứng, thấy bài viết rất xúc tích và sống động. Như trận chiến lần thứ nhất, cụ đứng về phía nhà Trần, nên tôi (gia dĩ là người viết tạp bút này) cũng góp nhặt được ít điều như Bảo Hầu Trần Bình Trọng bị bắt ở ải Thiên Mạc chứ không phải là ải Lão Qua. Sau cụ bị bắt làm tù binh, trận chiến lần thứ hai, cụ ở bên chiến tuyến nhà Nguyên, tôi mới thấu đáo được đường đi nước bước của đức Trần Hưng Đạo là không đánh vào đại quân hay 500 chiến thuyền của Thóat Hoan, mà nhắm vào 70 thuyền chở lương thực của địch, để Ô Mã Nhi vất vưởng trên sông Bạch Đằng, còn lại chỉ là nhát kiếm treo ngành của tướng quân Trần Quốc Tuấn.

Tôi thiếp đi lúc nào không hay, như lạc vào cõi Thiên Thai, đào nguyên đâu không thấy, chỉ thấy như có túc duyên, để tôi gặp lại người trăm năm cũ, không ai khác hơn là cụ Lê Trắc. Cụ áo lương khăn lượt, nho nhã tiêu dao, ra đón tôi tận cổng, sau khi thủ lễ và vấn danh, cụ đưa tôi vào Cổ Đường. Qua mảnh vườn nho nhỏ của cụ, cũng cầu ao khóm trúc, dăm ba chú vịt cùng đàn gà con, nấp bóng dưới rặng chuối bên hè. Bước vào trong, thư phòng cụ thật đơn sơ và mộc mạc, nền đất vách tranh, dăm ba cái ghế gỗ sô lệch, trên bàn có cái ấm điếu, bộ điã chén sứ mộc…Chủ khách an vị, bậc tiền bối, kẻ hậu sinh, sau tuần trà, cùng nhau đốt lò hương cũ. Miếng trầu là đầu câu chuyện, tôi nói tôi cũng đang là người…”tha hương ngộ cố tri” như cụ xưa kia, cụ nheo mắt nhìn tôi tuôn một tràng…tiếng Tầu: “Bộc sinh trưởng Nam Việt, thập tuế gian bôn tẩu bán quốc trung“. Giời ạ cụ làm tôi hụt hẫng, bụng bảo dạ: Quái, hay là cụ quên tiếng Việt rồi chăng, nên cứ lo lo. Mà còn nước Nam Việt nào nữa đây, đâu đó tôi cũng có ý hồ nghi cho là cụ như…Từ Thức về trần….

Thế nhưng tôi cũng ân cần xin cụ chỉ dẫn một vài khúc mắc bấy lâu nay để…”tham chiếu“, như truyền thuyết họ Hồng Bàng với ẩn dụ gì? Mà cho đến bây giờ, những bậc thức giả văn kiến súc tích vẫn còn có những cái nhìn khác biệt. Vừa buông xong chữ tham chiếu là tôi ớ ra ngay, chỉ vì ngại cụ không thông tiếng Việt thì bỏ bu. Cụ tủm tỉm cười, đôi mắt thật tinh anh và nhắc khéo tôi ấy là tham khảo. Rồi cụ lại sổ nho: ” Kỳ tha tự thuật diệc giai tường thiệm, tuân khả vi tham kê hỗ trợ chi trợ “. Giời ạ, mặt tôi lại đực ra như ngỗng ỉa…

Sau đó là cụ ôn tồn kiến giải qua cái nhìn của một nhà sử học:

Theo cụ người phương Bắc muốn đồng hóa người Việt mình bằng cách cho rằng cả hai là một dòng của người Hoa. Chẳng may sau một ngàn năm đô hộ, họ để lại rơi rớt một đứa con rơi là Trần Thế Pháp với hai dòng máu Tầu – Việt. Vì vậy, qua Lĩnh Nam Chích Quái, ông này cùng chỉ muốn gán ghép nguồn gốc Hán tộc cho Lạc Long Quân. Thành ra cụ khuyên tôi chỉ nên coi Hồng Bàng Thị như dựa trên chuyện kể dân gian nào đó với những thêm thắt ly kỳ. Các nhà chép sử bây giờ, với xu hướng chỉ tin những gì vào người phương Bắc ghi chép nên cũng lập lại gần như nguyên văn những huyền thọai lơ mơ lỗ mỗ ấy thôi.

Tôi ngáo ra vì mới đây, có một hậu bối cũng luận chứng y như cụ và chuyện rằng:

Bối cảnh của truyện vua Hùng được dựng chung quanh nước Sở với truyền tích Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông người ở bắc Động Đình hồ đã gây ra biết bao lộn xộn và hiểu lầm qua bao thế kỷ. Mục đích không ngòai chỉ chỗ cho Việt tộc biết là họ phát xuất từ Hán tộc. Để người sau quơ cào Thần Nông là ông tổ của họ và đây cũng là ngộ nhận của những nhà viết sử. Như Kinh Dương Vương, hòan tòan tên hiệu là tiếng Hán ròng, mang nghĩa vua của châu Kinhchâu Dương của nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Rồi thì Âu Cơ cũng là người ở phía nam Động Đình hồ, cũng người nước Sở, bên cạnh có nước Việt của Câu Tiễn. Hôn nhân giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân là thứ hôn nhân của hai người dị chủng và đẻ ra Hùng vương, tên tuổi cũng là tiếng Hán ròng nốt, như Hùng Huệ vương, Hùng Tấn vương.. Hóa ra Hùng vương là người gốc Tầu hay mang hai dòng máu, tức…”lai” Tầu rõ. Người hậu bối kết luận Truyện Lĩnh Nam Chích Quái viết rõ mười mươi là như thế.

Biết vậy nhưng tôi vẫn ngậm hột thị, nghe cụ giải bày:

Cụ Ngô Sĩ Liên cũng như bất cứ ai, viết sử nhưng không có đầy đủ tư liệu để mà viết, nhất là gần 13 thế kỷ sau thời vua Hùng. Vâng lệnh vua Lê Thánh Tông sọan bộ quốc sử, cụ có lời tâm huyết là cụ “Không dám rong ruổi ngàn năm để làm chuyện chắp vá”. Chỉ vì sau nhiều năm bị đô hộ bởi nhà Hán, cụ mượn truyền thuyết Tam Vương Ngũ Đế với 18 vua Hùng để quân bình ngôi thứ, hai chủng tộc mang cùng một huyết thống, hầu mong tránh cảnh nồi da xáo thịt. Nhưng non sông gấm vóc thì hòan tòan riêng rẽ: “…từ Động Đình Hồ trải dài tới đất Hồ Tôn. Nước Đại Việt ta ở phía nam núi Ngũ Lĩnh, thế là Trời đã chia Nam, Bắc hẳn hòi “. Tất cả chỉ là những sử liệu để diễn sử, dựng sử và cụ đã cẩn trọng đưa vào phần ngọai kỷ, mà không đưa vào phần chính sử là vậy.

Thế nhưng sử gia Trần Trọng Kim, năm 1919, cụ sọan Việt Nam Sử Lược nương vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và mang truyền thuyết Hông Bàng vào quyển này. Cùng thời chữ quốc ngữ phát triển, Việt Nam Sử Lược được đưa vào học đường làm sách giáo khoa, khiến chính sử thành…huyền sử, rồi thẩm nhập lâu ngày nên không đổi được nữa. Lại cũng cụ Trần Trọng Kim, hết nặng tình với nước non lại nặng nợ với văn hóa nước nhà, cụ Trần lại mang “văn hiến” vào sử sách cho rách chuyện. Cụ chép miệng thở dài, nói ra thì lộng ngôn, mà khổ một nỗi, tiếng Nôm ta xưa không có chữ nào tương đồng với chữ “văn hiến” này cả. Khởi đầu từ thời vua Trần Dụ Tông, vua Minh tặng cho sứ thần Dõan Thuấn Thuần bốn chữ “Văn Hiến Chi Bang”, để nâng địa vị sứ thần nước ta trên sứ thần Cao Ly ba cấp. Đến thế kỷ 15, trong phần đầu bài Bình Ngô Đại Cáo, cụ Nguyễn Trãi viết “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”, nghĩa là “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu”. Cụ Trần Trọng Kim là kẻ sĩ cuối trào Nguyễn, cụ cổ võ cho nho phong sĩ khí, dựa vào Bình Ngô Đại Cáo và họ Hồng Bàng khởi thủy từ năm 2879 trước Tây Lịch để có câu “Việt Nam có 4000 năm văn hiến” gần đây. Mà trước đó, ngay cả vua Tự Đức khi bút phê về việc biên sọan pho chính sử nhà Nguyễn cũng đã tỏ dấu nghi ngờ với niên kỷ, niên đại và cho rằng: “Chẳng qua sử cũ chép quá phô trương đó thôi “.

Cụ bâng quơ, nói chung thì các sử gia xưa thường chép sử chứ không trình bầy. Các sử gia ngày nay nặng về sưu tầm chứ ít tra cứu. Mà nếu có tra cứu gặp nhiều khó khăn, phức tạp và chính vì tính cách phức tạp của khó khăn. Họ đã nhẩy qua vũng lầy của lịch sử, để dễ dãi chấp nhận những gì của những sử gia đi trước. Ngay cả với bản thân cụ cũng vậy, ngồi ở Đại Đô (Bắc Bình) với những tư liệu hạn hẹp, đất đai xa cả nghìn dặm, địa chí mù mờ, sử học dựa vào chiếu thư, đạo dụ, sớ chỉ. Sử quan sau cụ là những bảng nhãn, thám hoa nghe mệnh vua, ngồi trong quốc sử quán, viết sử chính thức cho một triều đại nên được gọi là chính sử. Thế nên họ chỉ viết theo thiên kiến, nhìn thấy một góc cạnh thăng trầm nào đó, nếu có phóng tay viết khác đi một chút là mang tội khi quân bay đầu như chơi. Nhẹ thì như Tư Mã Thiên, vì cãi lệnh vua không bẻ cong ngòi bút mà thành họan quan. Trăm dâu đổ đầu tằm” Khổng Tử là người tiên khởi viết sử biên niên, thuật lại sử kiện dàn trải rải rác theo thời gian, từng triều vua. Khổng tử cắt, bỏ sử nước Lỗ biên sọan thành sách Lâm Kinh tức Xuân Thu và than rằng: “Tri ngã dã kỳ duy Xuân thu hồ – Tội dã ngã kỳ duy Xuân Thu hồ!”. Diễn nghĩa là: “Biết Ta cũng nhờ sách Xuân Thu. Buộc tội Ta cũng vì sách Xuân Thu!”

Trăm dâu đổ đầu tằm…Ngu lâu đần dai cách mấy, tôi suy ra rằng cụ muốn đàn tràng giải oan cho cụ Ngô Sĩ Liên. Vì sử gia sau đổ vấy rằng: “Ngô Sĩ Liên là người mang Hồng Bàng Thị vào sử sách mà trước đó, Lê văn Hưu, Phan Phu Tiên, Lê Trắc thì không“. Thế nhưng họ quên bẵng đi bài tóan nhẩm vừa gà vừa chó đếm đủ 36 con là cụ đây lưu lạc sang bên Tầu thì không nói làm gì. Còn Lê văn Hưu mất năm 1332, trước khi Việt Điện U Minh Tập và Lĩnh Nam Chích Quái có mặt thì bói đâu ra mà có…18 đời vua Hùng vương.

Trong khi đợi cụ vào nhà trong châm thêm trà, tôi thoáng thêm có ý nghĩ về cụ:

Ngoài bià quyển An Nam Chí Lược, trên sách tựa đề tên hiệu”Cổ Ái Đông Sơn Lê Trắc Biên”, cụ đã gián tiếp giới thiệu quê quán mình ở xã Cổ Ái, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá. Tuy không nói ra nhưng tôi biết cụ viết sử từ bên Trung Hoa, đời vua Càn Long, An Nam Chí Lược được đưa vào Tứ Khố Tòan Thư. Năm Quang Tự, Lạc Thiện Đường cho in lại ở Thượng Hải. Rồi Thương Vụ Ấn Thư Quán phụ bản tại Đài Loan và gần đây nhất, Trung Hoa Thư Cục cho tái bản ở Bắc Kinh.

Đến đây cái đầu tôi lại ngọ nguậy, chẳng là dăm lần tôi cũng ôm một mớ văn bản xưa về quan ải, càng đọc càng chộn rộn và chẳng biết ải Nam Quan nằm ở đâu. Tra cứu thêm bài viết của các nhà biên khảo, học giả, họ giải bày quá dày công lại quá nhiều chữ, tôi lại càng tẩu hỏa nhập ma thêm. Sau tuần trà, một già một trẻ lại lan man câu chuyện đang bỏ dở. Bỗng tôi chợt nhớ đến tối hôm qua, trong An Nam Chí Lược, cụ có đề cập đến trận đánh ở ải Pha Lũy tức ải Nam Quan vào tháng 6 năm Đinh Mùi 1427 cùng những chỉ dụ, chiếu thư, phúc thư bang giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên.

Cụ tặc lưỡi, chuyện là như thế này: Năm 1084 nhà Tống trả lại cho nước ta 6 huyên. Người Tống chế riễu việc này qua hai câu thơ: “Nhân tham Giao Chỉ tượng – Khước thất Quảng Nguyên kim”. Diễn Nôm là vì tham voi Giao Chỉ mà bỏ mất vàng Quảng Nguyên. Qua gần cuối đời Nguyên, sau lọan lạc họ yếu thế, người An Nam ta vượt biên cương chiếm thêm 5 huyện khác nữa vì vậy có cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa vua Trần Thuận Tông và Minh Thái Tổ qua văn thư, chiếu thư trong vòng 3 năm, được Nguyễn văn Siêu, trích từ bộ sử Minh Thực Lục và ghi vào sách Phương Đình dư địa chí. Cụ lấy ra một sấp giấy hồng điều đã ngả mầu, lui hui cắt và đưa cho tôi một mảnh như tờ sớ và tôi cắm đầu tụng…

Chiếu thư Minh Thái Tổ:

(Ngày 1 tháng chạp năm Hồng Vũ thứ 29, nhằm ngày 31-12-1396, trích Minh Thực Lục quyển 248, trang 3000-3001)

Giao Chỉ thuộc Giao Châu xưa, dưới thời Hậu Hán có người đàn bà tên Trắc làm lọan. Vua Quang Vũ sai Mã Viện sang bình định, bèn xây Đồng Trụ ở huyện Uyên (Đồng Đăng) làm trong ngòai. Gần đây, An Nam chiếm 5 quận đưa binh mã vào từ 100 tới 300 dặm đánh phá 5 quận (khỏang 50 tới 150 cây số), chẳng phải thừa lọan lạc nhà Nguyên ta mà chiếm được ư. Vua tôi đều nói đất này thưộc An Nam đã lâu, nhưng không biết do hai đời Lý, Trần hay đời nào đặt ra, cứ nói theo đời trước bảo đây là đất của tổ tiên mà không trưng bằng cớ.

Đợi tôi đọc xong, cụ trao tôi miếng giấy cắt thứ hai, tôi lại lúi cúi niệm…

Chiếu thư vua Trần Thuận Tông:

Xét cho kỹ thời Hán Vũ thứ 19 sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp người con gái họ Trưng lập Đồng Trụ. Tính đến nay đã hơn 1.350 năm, dưới một nghìn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được Đồng Trụ ở đâu? Bảo hạ quốc vượt qua Đồng Trụ cả trăm dặm để xâm chiếm 5 huyện, mới đây nhậm chức cho vẽ địa đồ đầy đủ cùng sự kiện trong Kiến Vũ Chí, địa chí thư từ đời Hán, Đường của qúy quốc. Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì, nay không xâm chiếm làm gì mà có để thóai hòan. Năm huyện này là của hạ quốc, đời truyền đời, đất để lại phải giữ vững. Đâu để đất đai của tổ tiên giao cho qúy quốc, thế nên hai bên cứ giữ biên giới đã định sẵn.

Cụ chau mày nói với tôi rằng tiên sinh nghiệm ra thì thấy rằng chiếu thư của vua Trần Nhân Tông, vị vua cuối cùng vào thời Trần mạt, đang ở thế yếu. Vậy mà vua ta dùng hết lời vừa cay chua, vừa mãnh liệt, cương quyết không nhường một tấc đất, quả là khâm phục thay. Đâu có thua gì vua Quang Trung ở thế mạnh, lại có Ngô Thời Nhiệm phò trợ…. Ngừng một chút, cụ trao cho tôi một văn thư bộ Lễ nhà Trần gửi bộ hộ nhà Minh:

Kể rằng trước đây thiên sứ mấy lần đến tiểu quốc, khi nghênh tống cứ đòi dừng lại ở Đồng Đăng. Việc nghênh tống và cương giới không liên quan gì đến nhau. Vì Đồng Đăng là chỗ xung yếu, hoang dã, không có huyện quan lo việc khỏan đãi, nên không tiện lập trạm”.

Sợ tôi chữ tắc đánh chữ tộ, cụ giảng giải ý bộ Lễ là không có chuyện tiếp đãi và biên giới hai nước không phải ở ấp Đồng Đăng với văn thư tiếp:

Còn việc giao cắt phu ngựa thì hai bên gặp nhau tại cương giới, địa điểm hiện nay tại quan ải Pha Lũy Dịch, giáp với đất Bằng Tường”

Tôi như muốn nhẩy cẫng lên, quỷ tha ma bắt, hóa ra ải Pha Lũy hay Nam Quan nằm trong đất Trung Hoa gần Bằng Tường thật. Theo bản đồ ngày nay, in năm 1989, mấy hôm sau tôi lò dò dùng que tăm đo với tỷ lệ xích trong đồ bản thì đường đi từ Đồng Đăng ngược lên phía bắc tới Bằng Tường là khỏang 20 cây số không sai chạy. Giời ạ, như tác giả Tsai Tin Lang và Đại Nam Nhất Thống chí đã…”nhất thống” ở khúc trên. Qua cụ, ải Nam Quan đã tìm ra rồi, nhân chuyện đất đai, tôi vạ mồm vạ miệng thưa với cụ về cột trụ đồng Mã Viện phải chăng là ở Đồng Đăng như nhà sử nhà Minh đã viết?.

Cụ trầm ngâm cả một lúc lâu, chậm rãi cho hay là trong cuộc cắm mốc phân định biên giới vào năm 1886-1887 giữa ông đặc sứ tòan quyền Pháp Constant và tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động vùng đất chen giữa Đông Hưng thuộc Tầu và Móng Cái thuộc nước ta. Ông Chiniac de Labastide, một người trong phái bộ viết:

“Khi tôi cho ông chủ tịch phân giới Trung Hoa biết rằng, mặc dù đã nhiều nỗ lực tìm kiếm, vẫn không tìm thấy núi Đại Phân Mao Lãnh mà dưới chân núi có trụ đồng của tướng Mã Viện. Ông này im lặng, vài ngày sau, ông chỉ tôi trên bản đồ phía nam Pi Lao một dẫy núi và cho đó là nơi chôn đồng trụ. Khi tôi la lớn vì mạo nhận phi lý này, ông ta mới trịnh trọng cho tôi hay là sách Đại Nam Nhất Thông Chí của nước ông…ghi sai, trụ đồng ở ngay Tiểu Phân Mao Lãnh này. Ít lâu sau, tôi vô tình gặp và hỏi một cụ già An Nam là núi Đại Phân Mao Lãnh ở đâu?. Cụ chỉ về phía bắc và nói ở đằng kia, nhưng xa, xa lắm. Vậy là trên một khỏang dài 40 km, người ta đã bỏ biên giới lịch sử của An Nam và rời xa về phía nam. Việc này An Nam đã mất 7 xã rưỡi thuộc tổng Bát Tràng (?) và 2 xã thuộc tổng Kiến Duyên”.

 

clip_image008

(Địa hình đồi núi khái lược của “Trấn Nam Quan Bổ Phòng Đồ”: Cổng ra vào với Ải Nam Quan của ta nằm bên trái bức họa (có đóng khung đỏ), từ cái nhìn qua “Trấn Nam Quan Bổ Phòng Đồ” của người Trung Hoa vào thời đại cũ nên ta thấy được kiến trúc nguyên thủy của Ải Nam Quan bên phía nước ta. Ta thấy có một cổng lớn, hai bên cổng là hai dãy tường thành dâng cao nhưng bị cắt ở hai bên lưng núi. Một khoảng sau cổng mới đến phần cổng có mái ngói. Từ phần cổng mái ngói này có dãy tường thành chạy dài lên đỉnh núi. Đó là phần đất Trung Hoa)

Đến đây mặt tôi thuỗn ra và nhớ lại bài báo với những làng Kinh tộc Việt ở Đông Hưng, Quảng Tây với đền thờ…”Phục Ba tướng quân”. Họ đã sống ở đây từ 5 đời trở lên, tính nhẩm một đời trung bình từ 20 đến 25 năm thì rơi tõm gần vào cái năm 1886, thời tổng tài Lý Hồng Chương với người Pháp. Chứ chẳng xa xôi gì tới thời nhà Thanh, người Kinh “bị” lập hương ước cho đúng phép tắc, minh xác rằng họ đến cách từ thời nhà Lê. Trùng hợp hay không tôi chẳng biết, chẳng là quan tể tướng họ Phạm (Phạm Văn Đồng) ký văn kiện năm 1958 xác nhận Hòang Sa và Trường Sa thuộc lãnh địa nhà Đại Hán bành trướng thì người Tầu gốc Hán, cũng năm này, vô hình chung khởi xướng không gọi họ là Kinh tộc nữa mà chỉ là…dân tộc thiểu số gốc Việt.

Kể xong, mặt cụ trầm tư trông thấy, để tránh sầu bi, tôi hỏi cụ một sử kiện về đất Lưỡng Quảng, được viết thành văn bản: “Muà thu năm Canh Tuất….”. Chưa nghe xong, cụ đã ngắt lời và than rằng rằng hầu chuyện với tiên sinh như nói chuyện với người…điếc. Vì rằng sử quan Ngô Thì Sĩ, ngòai Việt Sử Tiêu Án, ông viết bốn bộ sử khác nữa. Ông cũng là thân phụ của Ngô Thì Nhậm thời vua Quang Trung và Nguyễn Văn Siêu, người viết sách Phương Đình Địa Dư Chí về cuộc tranh chấp đất đai với nhà Minh. Cả ba là những người cùng thời nên họ biết…”đất đai ta, thời vua Quang Trung rộng rãi bao la tới đâu”. Vì vậy, không phải đòi đất Lưỡng Quảng như trong văn bản mà người sau viết, vua Quang Trung không có tham vọng nhiều đến như vậy, ông chỉ muốn lấy lại một phần đất trước thuộc về nước nhà mà thôi. Đó là lý do tại sao Ngô Thì Nhậm đã phải lặn lội đi sứ ba lần trong một năm là vậy.

“Đất đai ta, thời vua Quang Trung rộng rãi bao la tới đâu? Thì đây…”, nói xong, cụ xoay người với tay lấy tờ giấy đưa tôi và giải lý. Gần đây vào năm 2006, một sĩ phu Bắc Hà thổ cư ở Thăng Long cổ thành bây giờ đã tìm thấy một tấm đồ thị có tên là “Việt Nam địa dư đồ” lưu trữ ở Anh Quốc, do Xa Khâu Từ Diên Húc đời Thanh sọan. Trong bản đồ có ghi: “Việt Nam quốc tòan đồ thuật lược”, hiểu theo nghĩa là ghi chú tóm tắt và đánh dấu đất đai của ta thời ấy, như “Nguyễn Quang Trung phụ tử cư” là thổ ngơi của cha con Nguyễn Quang Trung. Tới “Thử Việt vương Nguyễn Phúc Ánh diệt chi tọa độ thử” là vua Nguyễn Phúc Ánh diệt họ rồi lấy đó làm kinh đô. Ngay chỗ này ghi “Việt Nam kiến quốc đô” tức đóng đô của Việt Nam. Vùng bể thuộc Việt Nam có hai hàng chữ và dấu rất sắc sảo là “Tiểu Trường Sa hải khẩu”“Đại Trường Sa hải khẩu” công nhận hai đảo này của ta vì với bản đỗ cổ thì Tiểu Trường Sa chỉ Hòang Sa và Đại Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa hiện nay.

Cụ lắc đầu ngao ngán, có biên sử mà chẳng có biên cương, nhờ có Nguyễn Văn Siêu mới biết nhà Tống trả cho ta 6 huyện, cuối nhà Nguyên, quân nhà Trần ta tiến sâu vào 300 dậm. Vậy mà địa giới đất đai vẫn mù mờ, ngay vua Tự Đức cũng đã than: “Xét chung từ trước đến sau, đất đai của nước Việt ta đã mất về Trung Quốc đã đến quá một nửa. Tiếc rằng vua sáng tôi hiền các triều đại nhiều người hiếm có ở trên đời, mà vẫn không thể lấy lại một tấc, đó là việc đáng ân hận lắm! Thế mới biết việc thu hồi đất đai đã mất, từ đời trước đã là việc khó, chứ không những ngày nay mà thôi. Thật đáng tiếc…!”

Như để minh chứng, cụ đưa thêm cho tôi tờ giấy hoa tiên đã vàng ố, đó là bài Đồ Chí Ca mô tả nước ta, được sao chép từ sách Kiến Vũ chí, tức địa chí thư từ đời Đường, đời Hán :

An Nam bản đồ sổ thiên lý

Thiểu thị cư dân, đa sơn thủy

Đông lân Hợp Phố, bắc nghi Ung

Nam để Chiêm Thành, tây Đại Lý

Trong khi đợi tôi dọ dẫm, cụ thong thả vít cong cái cần xe điếu bằng trúc ngà hóa long, chậm rãi làm một điếu thuốc lào, chiêu một ngụm trà, Giọng cụ xa vắng: Nước nhà trước đời nhà Nguyên rộng lớn bao la chứ không như bây giờ, dân thưa nhưng sông núi trùng trùng điệp điệp, phiá đông giáp Hợp Phố, tên một quận đời Hán thuộc tỉnh Quảng Đông. Bắc giáp châu Ung, thuộc tỉnh Quảng Tây. Nam giáp Chiêm Thành. Tây giáp Đại Lý, tên một nước thuộc tỉnh Vân Nam mà nay không còn nữa. Biên giới nước ta rất dài, có rất nhiều ải quan như Khải Lợi, Hàm Tử, Nội Bàng, Thiên Hán, Thiên Mạc, Phủ Dịch, Hải Thi, Anh Nhi, Nữ Nhi… Đất nước càng ngày càng thu hẹp, chẳng biết tự lúc nào, sử sách đi vào quên lãng, sử gia thao thức chập chờn. Cũng mới gần đây thôi, sau khi vua Quang Trung mất, đến đời Quang Tự, họ đã phá ải Nam Quan, để xây ải mới sâu vào đất đai nước ta.

***

Trời đã quá khuya, điã đèn dầu lạc vơi dần, tim đèn mầu xanh kêu lách tách, thư phòng lắng đọng trong mông lung, u tịch. Cụ như chìm trong khỏang không nhạt nhòa, giọng cụ mệt mỏi, như níu kéo: Đất nước lại thêm một lần mất mát, chẳng ai biết chẳng ai hay…nước non nghìn dặm ra đi…như những cánh bèo nổi trôi….

Điã đèn dầu lạc loé lên rồi phụt tắt. Cũng vừa lúc cụ thăng trong khói mờ nhân ảnh, đâu đây âm hưởng tự còi u minh, trầm uất vọng về tự nghìn năm xa vắng:

– Trả ta sông núi.. Trả ta s..ô.. ô..ng núi.. Trả ta sông n..u..ú..i…

 

Trúc gia trang

Phí Ngọc Hùng

Trích Dẫn:

Việt Điện U Minh Tập – Lý Tế Xuyên

Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp

Đại Việt Sử Ký TòanTthư – Ngô Sĩ Liên

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

(do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên sọan)

Việt Nam Sử Luợc – Trần Trọng Kim

An Nam Chí Lược – Lê Trắc

Bài viết được góp nhặt qua những tác giả:

Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Lý Tưởng, Trần Gia Phụng, Nguyễn Phương, Tạ Chí Đại Trường, Trần Đại Sĩ, Hồ Ngọc Thảo, Bửu Sao, Nguyễn Xuân Quang, Lư Tấn Hồng, Hòang Hữu Quýnh, Nguyễn Gia Liên, Trần thị Vĩnh Tường, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Phúc Giác, Lê Hữu Mục, Trương Nhân Tuấn, Lê văn Lân, Võ Phiến, Nguyễn Minh, Nguyên Nguyên, Vương văn Quang, Nguyễn thị Phương Châm, Phạm Hòang Quân.

© T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search