T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Có một thời bi tráng

clip_image001Cờ bay vàng ngợp trong trí nhớ

Tiếng ca còn vọng một bờ tim

Chiến mã ngó trời buông tiếng hí

Còn đâu quê cũ để đi tìm

(Ngọc Phi)

1.

Chúng tôi đã sống qua một thời, mà giờ đây khi ngoảnh lại nhìn, không ai trong chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn sống sót. Và càng ngạc nhiên hơn nữa, khi quẩn quanh giữa những kỷ niệm còn tươi rói trong mớ hồi ức già nua của chúng tôi về những ngày tháng ấy, chúng tôi có cảm tưởng những ngày tháng ấy đáng nhớ không chỉ vì sự khắc nghiệt mà đã có rất nhiều người nói đến, mà còn là vì cái lãng mạn, vừa hào hùng vừa bi thảm, của một lớp người tuổi vừa trên 20 xấp xỉ 30, bị bắt buộc ra khỏi cuộc chiến tàn khốc để chỉ bước vào một cuộc chiến khác với hai tay bị trói, với bàn chân trần lê khắp mọi nẻo đường đất nước và trên vai là bộ quân phục của chính mình nhưng không phù hiệu, không cấp bậc. Những ngày tháng ấy, thoáng ẩn thoáng hiện như đã xẩy ra hàng trăm năm về trước, như vừa mới xẩy ra hôm qua, như đã và sẽ xẩy ra trong những giấc mơ nửa đêm về sáng, ở những đời người nổi trôi như vận nước nổi trôi, ở những mảnh hồn chưa bao giờ biết đến một giây phút an bình.

Như một thứ định mệnh khắc nghiệt. Như một sự nguyền rủa độc ác của thời đại dành cho những con người đầu thai lầm thế kỷ. Bao nhiêu năm thực sự đã trôi qua, với bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu, nhưng dường như, nỗi trăn trở còn nguyên vẹn đó. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên, khi tôi nhận được CD nhạc “Hát dưới song trăng* từ một người bạn, mở ra, nhìn những hàng chữ đập vào mắt mình:

Họ,- trong những đoàn người đã giạt trôi theo vận nước,

Từ Long Thành, Suối Máu, Lam Sơn, Thanh Cẩm, Đầm Đùn,

Yên Báy, Lào Kay, đến Hoàng Liên Sơn . . . núi dựng.

Như tấm thân đá cuội, lăn lóc tháng ngày.

Số phận bập bềnh chiếc lá bão giông.

Hè lửa đổ trên đầu, Đông mưa phùn gió bấc

Uống nước bọng lồ ồ. Mồ hôi cháy khét trên áo

Đêm ngả mình trên sạp tre, đọt măng nhọn đâm dưới lưng

Dăm ba mẩu sắn, lưng chén bo bo sau một ngày lao động. . .

(Trần hưng Nguyên. Tựa “Hát dưới song trăng”)

2.

. . . Có những đêm, ánh trăng soi vằng vặc

Núi rừng hoang nín lặng lắng nghe

Trong tường sắt tối tăm ngột ngạt

Họ quây quần ngồi Hát Dưới Song Trăng . . .

(Trần hưng Nguyên – Tựa “Hát dưới song trăng”)

Chỉ mới đọc đôi lời đề tựa, chưa cần phải bỏ dĩa nhạc vào máy, trong đầu tôi đã vang lên những ca khúc của một thời “giữ cho chúng tôi đứng thẳng và sống còn . . .“, những ca khúc chứng nhân cho “cái lãng mạn vừa hào hùng vừa bi thảm” của một thời không thể quên, không muốn quên. Vì “chúng đã từng được cất lên trong những nhà tù khổng lồ từ Bắc vào Nam, trên những chuyến xe chuyển tù xếp cá hộp với từng cổ tay gầy giơ xương bị còng chung một cái còng số 8 . . . (T.Vấn – Những tình khúc một thời nhiễu nhương – 15 tình khúc Trần Lê Việt).

Nhìn những cái tên khá thân quen, thuộc về những con người đã từng một thời “Giạt trôi theo vận nước“: Trần hưng Nguyên, Song Nhị, Phạm ngọc Phi, Trần Lê Việt, Phạm đình Trọng, Diên Nghị, Nguyễn hữu Tân, Duy An Đông v. . v., tôi có thể tưởng tượng họ đã làm thơ, viết nhạc, ca hát trong một điều kiện khắc nghiệt như thế nào. Nhưng dù cho có khắc nghiệt đến mấy, lời thơ lời nhạc của họ đã bay cao, bay xa. Cao và Xa hơn cả những biên giới ước lệ mà người ta có thể tưởng tượng ra được. Vì thế, ngày hôm nay , giữa đất khách quê người, lời ca tiếng hát của họ lại một lần nữa vang lên, như một nhắc nhở rằng, đã có một thời như thế, với những con người như thế . . .

3.

Ngày xưa, khi còn ở trong tù, cây đàn là sản phẩm tự chế tạo lấy từ những mảnh ván cửa, từ những sợi dây cước điện thoại. Vậy mà nó vẫn chuyên chở hết được mọi cảm xúc của người đàn người hát, thứ cảm xúc làm say đắm người nghe, khơi lên trong họ những tình cảm rất thật về thân phận những đời trai chưa trọn lời nguyền với non sông, với người tình, đã chẳng may lỡ bước vào chốn tù đày. Ngày xưa, những bài thơ bài nhạc chỉ được ghi vội trên những mảnh giấy gói thuốc lá nhàu nát, nhưng rồi chúng được truyền tay cho mỗi người ghi nhớ trong đầu một khúc, một đoạn. Sợ rằng, với thời gian, những chứng tích ấy sẽ mai một. Nhờ vậy, ngày hôm nay, tác giả của những bài thơ bài nhạc đó vẫn còn giữ được nguyên vẹn đứa con tinh thần ra đời từ những ngày tháng bi tráng ấy.

Ngày hôm nay, hoàn cảnh đã đổi khác. Ngày ấy, mấy ai trong chúng tôi dám nghĩ sẽ có một ngày như hôm nay. Quả thực, chúng tôi đang có một ngày như hôm nay. Cũng những bài thơ bài nhạc của một thuở hát dưới song trăng, nay được phổ nhạc bởi những nhạc sĩ chuyên nghiệp (Võ Tá Hân, Ngọc Lễ . . .), được hát lại với những tên tuổi hoàn toàn trẻ trung (Thủy Tiên, Quốc Dũng, Phương Thảo, Bảo Phúc v.. v), thu âm bằng những kỹ thuật hiện đại vượt xa tiếng đàn thùng thô sơ tự chế ngày nào. Và, cũng những người nghe năm xưa – những người may mắn sống sót trở về – nay ngồi thoải mái trên những ghế nệm êm ái chứ không phải lưng sàn gỗ thô cứng, trong căn phòng có máy điều hòa nhiệt độ thông thoáng chứ không phải bốn bức tường nhà giam ngột ngạt những hơi người, miệng nhấp thứ rượu vang hảo hạng đựng trong chiếc ly pha lê đúng điệu chứ không phải miếng nước suối đun sôi đựng trong chiếc lon Guigoz móp méo, nghe lại những bài thơ bài nhạc cũ phát ra từ chiếc máy phát thanh có hệ thống lọc tuyệt hảo . . .

Giữa tiếng nhạc và lời ca quen thuộc của CD “Hát dưới Song Trăng , tôi nghĩ về những đổi thay của cuộc đời, về những lý tưởng lãng mạn của những ngày trai trẻ, về những người bạn còn sống và đã chết, về những điều mơ ước mà chúng tôi từng một thời chia sẻ.

Nay, hình như chúng xa xôi quá đỗi. Cuộc sống dễ chịu xứ người quả là đáng sợ.

Lại nhớ đến chút tâm tình gởi đến một người bạn nhân dịp anh cho ra đời tuyển tập những bài nhạc một đời của mình. “Chúng tôi hân hoan rời bỏ địa ngục – quê nhà chúng tôi năm ấy – để bước vào một cuộc đời mới. Nơi đây, hình như chúng tôi có tất cả, chỉ thiếu tuổi trẻ và những khát vọng đội đá vá trời đã từng sôi sục trong buồng ngực chúng tôi năm xưa, dù là trong những ngày tháng tù đày. Và thế là lại bắt đầu cho những ngày tháng dằn vặt mới. Chúng tôi chưa đủ già để chỉ sống với quá khứ và chờ ngày về với đất (khách), nhưng chúng tôi cũng không còn đủ trẻ để có thể hăm hở bước về phía trước mong khâu vá những đổ vỡ.” (T-Vấn. Những tình khúc một thời nhiễu nhương – 15 tình khúc Trần Lê Việt)”.

4.

. . . Sông Mê. Bến đò Ô lâu. Chiều ảm đạm núi rừng Yên Bái. Đoàn tù khổ sai cứ 50 người một bước chân xuống phà. Rồi lại cứ 50 người một bước lên toa xe lửa. Những khoang toa nặng mùi phân súc vật và ngai ngái rơm khô. Chuyến xe lửa biến mất trong bóng đêm và rừng rậm. Mùa xuân tu hú kêu từng chập/Đợi chuyến tù đi Hoàng Liên Sơn (thơ Ngọc Phi). Rất nhiều năm về sau, nhiều người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về và hồi sinh . . . (T.Vấn – Hồi Sinh).

Nhân viết về CD nhạc “Hát dưới song trăng” và liên tưởng đến sự hồi sinh, tôi đi ra ngoài thông lệ của mình, để nói về một người trong số những “người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về và hồi sinh”, đó là nhạc sĩ Trần hưng Nguyên, người bỏ công sức nhiều nhất trong việc thực hiện CD nhạc quý báu này.

Anh vốn là người đa tài. Chính anh là người chế tạo ra chiếc đàn guitar bằng ván cửa với dây đàn được quấn từ sợi cước điện thoại của máy điện thoại quân đội những ngày ở trại tù Phong Quang, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cây đàn vừa đẹp, đúng kỹ thuật, âm thanh nghe không thua gì những cây đàn bán ngoài thị trường. Anh sử dụng cùng một cây đàn guitar ấy để vừa đệm cho người hát tân nhạc, lẫn người hát cổ nhạc. Âm thanh cổ nhạc (vọng cổ) phát ra từ cây đàn guitar tân nhạc của Trần hưng Nguyên không khác mấy so với âm thanh phát ra từ cây đàn phím lõm (cổ nhạc). Đó là nhờ kỹ thuật nhấn ngón của anh. Những buổi tối mùa Đông đất Bắc, vừa đói vừa lạnh vừa nhớ nhà, chính tiếng đàn của Trần hưng Nguyên đã nuôi sống và sưởi ấm anh em chúng tôi.

Với CD nhạc “Hát dưới song trăng”, lại chính Trần hưng Nguyên là người làm mọi việc từ mặt kỹ thuật như gom các bài nhạc (vốn được thu âm riêng lẻ) vào một CD gốc, rồi in ra nhiều bản. Đặc biệt, kèm theo với CD nhạc “Hát dưới song trăng”, còn có DVD “Hát dưới song trăng”, do chính Trần hưng Nguyên lặn lội đi thu hình minh họa từ trong nước ra đến ngoài nước, thực hiện việc ráp nối âm thanh hình ảnh và chạy chữ, như một người chuyên nghiệp. Cái đáng quý nhất ở Trần hưng Nguyên là sự tìm hiểu và học hỏi không ngừng, lợi dụng triệt để các phương tiện khoa học kỹ thuật để phục vụ cho việc xiển dương lý tưởng của mình.

Quý hơn nữa, anh vốn là người từ cõi chết trở về. Và là người có lòng.

Mà chúng ta cần rất nhiều những người có lòng như anh.

4.

Tôi đã từng viết đâu đó, rằng khi nhìn lại ngày hôm qua, không phải là để thở than cho những thất bại, những cay nghiệt mà mình đã kinh qua. Xét cho cùng, đó là một thứ quá khứ cần được quên lãng. Nhưng chúng ta vẫn không thể rũ bỏ được cái tâm thức quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Vì thế, nhắc lại những gì xảy ra hôm qua, cũng là để nhắc nhau rằng, những lý tưởng lãng mạn tuyệt vời từ những ngày bi tráng ấy, chưa thể bị đem đi chôn cất, dù thế hệ trẻ ngày hôm nay có thể chọn con đường riêng của mình để đạt đến cùng một mục đích.

Vì thế, tôi rất trân trọng công sức tim óc của nhạc sĩ Trần hưng Nguyên, nhà thơ Song Nhị và những nhà thơ, nhạc sĩ khác góp mặt trong “Hát dưới Song Trăng”, những ca khúc một thời từ quê hương khổ nạn.

T. Vấn

Wichita-Kansas

  • ” Hát dưới song trăng” , CD và DVD – Tuyển tập 10 bài nhạc và thơ phổ nhạc của nhiều cựu tù nhân chính trị . Muốn có tác phẩm này, xin liên lạc :

Trần hưng Nguyên (503)646-8185

e-mail : tranhungnguyen@hotmail.com

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search