T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cái ngày ấy rồi cũng sẽ phải tới

[clip_image001

T.Vấn

1.

Năm 1954, tôi chỉ là một đứa bé 5 tuổi tay xách nách mang lẽo đẽo theo bố mẹ xuống tàu há mồm vào Nam để tránh nạn Cộng sản. Khi ấy, cuộc Cải cách Ruộng Đất long trời lở đất làm chết oan hàng mấy trăm ngàn nông dân miền Bắc đang đi vào giai đọan quyết liệt nhất. Sau đó, qua sách báo, phim ảnh (phim Chúng tôi muốn sống của đạo diễn Vĩnh Nõan), những tài liệu biên khảo, tôi được biết ít nhiều về cái “sự biến kinh người”, “nỗi oan khuất ám ảnh cả một thế hệ”, những cái tên nhằm ám chỉ một giai đọan đen tối nhất của lịch sử Việt Nam cận đại. Phần lớn những tài liệu về Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) mà tôi được đọc, đều do những người ở phía bên đối địch với chính quyền Cộng Sản, hay những tác giả ngọai quốc biên sọan. Đọc thì có đọc, tin thì cũng có tin, nhưng tận thâm tâm, tôi vẫn không nghĩ rằng con người (dù là con người cộng sản) lại có thể đối xử tàn ác với nhau đến như thế. Về phía những người có trách nhiệm, hay trong cuộc, hay liên quan đến CCRĐ, từ bao nhiêu năm nay vẫn giữ một sự im lặng đáng sợ về những sự thật (mà rất nhiều người khao khát muốn biết) của lịch sử, những sự thật mà sớm muộn gì, cũng sẽ phải được phơi bày.

Mới đây nhất, tôi đã được đọc tác phẩm Ba Người Khác , nói về CCRĐ, dưới dạng tiểu thuyết của Tô Hòai, một nhà văn nổi tiếng từ thời tiền chiến với “Dế mèn phiêu lưu ký (1941)”, “O Chuột (1942)” “Giăng thề (1943)” “Nhà Nghèo (1944)” mà không một học trò nào của miền Nam trước 1975 không biết tới. Sau cách mạng tháng 8, 1945, ông theo Việt Minh, rồi gia nhập Đảng Cộng sản, giữ nhiều chức vụ trong hội Nhà Văn Việt Nam (Cộng sản). Ông cũng đã tham gia cuộc Cải Cách Ruộng Đất với tư cách đội viên một đội cải cách. Tác phẩm Ba Người Khác, theo lời tác giả, ông viết từ 13 năm trước, nhưng không được phép in. Cuối năm 2006, một nhà xuất bản ở Đà Nẵng bằng lòng cho ra đời quyển này. Ngay sau khi được phát hành, quyển sách đã gây nên một tiếng vang đáng kể. Trong nước, sự ra đời của quyển sách này được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa của năm 2006. Hội nhà văn Việt nam đã phải cho tổ chức ngay một cuộc tọa đàm trong hội để thảo luận về nội dung quyển sách.

Với tôi, quyển Ba Người Khác của nhà văn Tô Hòai, mang giá trị một bản cáo trạng đanh thép nhất về cuộc CCRĐ đẫm máu 50 năm trước ở nông thôn miền Bắc. Vì nó được viết bởi chính người trong cuộc, đã từng được hưởng bao ân sủng của chế độ, nay đến tuổi gần đất xa trời, bao ấm ức trong lòng cần được trút ra hết một lần, để khi ra đi được . . . nhẹ xác nhẹ lòng. Và vì nó là phút sự thật của một người đang ở vào những ngày tháng cuối đời, không có gì đáng sợ hơn cái chết trước mặt, nên những gì được viết ra hẳn phải là sự thật không bị che đậy.

2.

Ba Người Khác của Tô Hòai kể lại câu chuyện một đội cải cách ruộng đất về một ngôi làng quê nghèo xơ xác để làm cải cách ruộng đất, có nghĩa là tịch thu ruộng của địa chủ, rồi đem chia đều cho những kẻ không có ruộng (bần cố nông). Nhiệm vụ chính yếu thứ hai là tìm ra và tiêu diệt những kẻ thù của cách mạng do địch còn gài lại để phá họai. Do chỉ tiêu của chiến dịch đề ra là mỗi làng phải có một tỉ lệ địa chủ, phú nông, cường hào nào đó nên bắt buộc các đội cải cách phải “đẻ” ra những địa chủ, phú nông, cường hào, ác bá. Kết quả là vô số người bị đưa ra đấu tố, kết tội, giết oan vì những tội tưởng tượng mà chỉ tiêu kế họach của đảng đòi hỏi. Bên cạnh những câu chuyện đại lọai như trên, có những họat cảnh đấu tố, thủ tiêu, những trò dâm ô hủ hóa của các anh đội với những cô dân quân được đảng cử làm bảo vệ cho cách mạng, với những cô gái quê con nhà bần cố nông mà các anh đội chọn để làm cơ sở tai mắt cho đội. Có cả những câu chuyện về những thủ đọan mà các anh đội dùng để triệt hạ lẫn nhau, lợi dụng nhau, dẫm lên nhau để tiến thân.

Bằng một giọng văn tỉnh táo, săm soi, chi tiết đến rợn người, Tô Hòai dắt người đọc (tôi) theo bước chân ông vào chuyện. Những con người nông thôn chất phác, cục cằn, như cục đất khô bên lũy tre làng mà hồi ức của tôi còn ghi lại được đôi chút, đã hiện ra thật sắc nét. Cứ thế, người và vật, người và người và những mối quan hệ của họ, đan quyện vào nhau khi ẩn khi hiện làm cho tôi ngộp thở, như người nằm ngủ mơ thấy mình bị đè. Đến lúc thóat ra được, tức là khi tôi đọc xong quyển sách, cảm tưởng sợ hãi vẫn như còn đọng lại đâu đó. Nếu tác giả không phải là người bao nhiêu năm hưởng ơn mưa móc của chế độ, không phải là người được tiếng là hiểu nông thôn miền Bắc hơn bất cứ nhà văn nào của thế kỷ, chắc tôi vẫn khó tin câu chuyện đó là sự thật. Nhân vật xưng tôi trong Ba Người Khác, anh đội phó cải cách kiêm phụ trách tòa án (nhờ có biết chút ít chữ nghĩa), hủ hóa hết dân quân cho tới gái làng, thèm ăn như thèm gái (và cũng thèm gái như thèm ăn), theo lời nhiều người phê bình ở trong nước, chính là Tô Hòai, ông nhà văn 87 tuổi , cán bộ văn hóa đã về hưu, để lại một sự nghiệp viết lách đồ sộ khó có ai bì được.

Trong buổi tọa đàm về tác phẩm Ba Người Khác, do hội nhà văn Việt Nam (Cộng sản) tổ chức tại Hà Nội ngày 22 tháng 12 năm 2006, chính tác gỉa đã thú nhận rằng Tôi làm toà án nhưng không giết ai, nên sau tôi vẫn về lại Nông Cống, Hải Dương bình thường. Câu chuyện tôi làm toà án cũng lạ lắm, nó như thế này: Khi ta cải cách, đài Sài Gòn rêu rao nói ta vi phạm nhân quyền, CCRĐ giết người không có toà án xét xử gì cả. Lúc đó tôi ở Thanh Hoá, không biết tại sao ông Hồ Viết Thắng (Bí thư Trung Ương Đảng, đặc trách CCRĐ – ghi chú của T.Vấn) (đi Volga, mặc quần áo nâu) biết trong đội cải cách ở Thanh Hoá có anh nhà báo nhà văn, thế là tôi được gọi làm chánh án. Tôi sáng tác hàng nghìn khẩu cung (cứ nửa trang một) đem vào nhà tù cho phạm nhân điểm chỉ, ký tên. Tôi sợ họ kiểm tra nhưng rồi cũng không ai kiểm tra việc ấy. Cũng là việc “sáng tác”đó.“, và ông cũng rất “can đảm, không xấu hổ” khi trả lời một câu hỏi về sự hủ hóa của ông với các rễ, chuỗi (Những bần nông, cố nông Đội Cải cách lấy lên làm cán bộ đội được gọi là rễ, chuỗi.)” Có khi có có khi không. Có khi ôm ấp rễ chuỗi nhưng nó bảo nó “có tháng”. Các cậu ở Hải Dương sau này vẫn giao thiệp với tôi, chính họ kể chuyện cho tôi nghe rằng đặc công giết Huỳnh Cự (tức nguyên Trung tá Việt cộng, cùng với Thượng tá Tám Hà về đầu thú chính phủ VNCH –ghi chú của T.Vấn) là người làng ấy. Tóm lại là tôi viết chuyện rất thật, nhưng cũng có đôi chút mơ màng.

Với tôi, Tô Hòai của Ba Người Khác, tác phẩm mới nhất được xuất bản, đã phục hồi được vị trí của ông trong tâm tưởng tôi, như năm xưa, tôi đọc “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký”, “O Chuột”.

3.

Cải Cách Ruộng Đất là một biến cố rất lớn, vì nó liên quan đến nông dân, tức là đại đa số nhân dân Việt Nam. Hậu quả của nó khôn lường. Ngòai con số hàng trăm ngàn người chết oan uổng do sự xét xử của những tòa án nhân dân không một kiến thức về luật pháp, mà chỉ có lòng căm thù giai cấp gieo rắc bởi chủ thuyết cộng sản, nó còn phá vỡ cả nền tảng văn hóa làng xã Việt Nam, đảo lộn mọi gía trị truyền thống kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, ác quả ác báo mà người nông dân Việt Nam tuy ít học nhưng vẫn thấm nhuần những tư tưởng ấy bằng cách hiểu thô sơ nhưng chân chất của mình. Về mặt xã hội, nó đã tiêu diệt những tình cảm nhân bản giữa con người. Về mặt gia đình, nó phá hủy sợi dây gắn bó thiêng liêng bằng những thủ đọan thúc ép con tố cha, vợ tố chồng.

Vì thế, câu chuyện CCRĐ 50 năm trước không thể được xem như là câu chuyện cũ cần được khép lại để nó ngủ yên trong quá khứ. Bao nhiêu năm nay, nó vẫn là những mối ám ảnh cho những gia đình có người là nạn nhân trong CCRĐ. Ở trong nước, nhất là miền Bắc, tuy chưa một ai, trong số những người hiểu biết về CCRĐ, lên tiếng về vấn đề gai góc này, nhưng không có nghĩa là mọi người đã muốn quên nó đi. Dấu ấn của nó nặng nề quá, như một vết thương quá khứ vẫn còn mưng mủ, vẫn còn đau nhức vì bấy lâu nó chưa được chẩn bệnh, cho thuốc. Cho nên, không có gì ngạc nhiên trước sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng với tác phẩm Ba Người Khác của nhà văn Tô Hòai.

Tất nhiên, những cán bộ văn hóa trung kiên cũng cố gắng lên tiếng. Họ cho rằng tác phẩm xóay quá sâu vào những khía cạnh tiêu cực (dâm ô, hủ hóa, giết người vô tội vạ, xét xử oan uổng v.. v..), điều đó phản ánh “một tâm thức chối bỏ trách nhiệm tâm thế đánh đồng, đổ đồng, cào bằng, thiếu công bằng với hiện thực lịch sử cải cách ruộng đất. Trong một ý nghĩa nào đó, dường như tác giả chủ ý gián cách lui vào góc xa để nhìn lại toàn cảnh cải cách ruộng đất song lại lùi quá xa, đến mức khuất lấp trong bóng tối, chìm trong bóng tối và tâm thế biếm họa, phản ánh hiện thực nghiêng hẳn về gam màu tối thẫm. Tác phẩm thiếu đi nguồn sáng nhân văn, thiếu đi niềm tin vào con người, thiếu đi tính bi kịch và niềm ân hận cao cả thì thật không dễ cảnh tỉnh, thức tỉnh được con người trước bài học quá khứ. (Nguyễn Xuân Sơn – (Bài tham dự Tọa đàm về tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22-12-2006)” . Có lẽ, giữa không khí nồng nhiệt, sôi sục trước sự ra đời của một tác phẩm lớn như Ba Người Khác về một vấn đề nghiêm trọng như CCRĐ, giới cầm quyền cũng không thể làm gì khác hơn ngòai những lời lẽ kết tội mơ hồ, nhất là với một nhà văn tầm cỡ như Tô Hòai, từng được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

4.

Nhắc đến Cải cách Ruộng Đất ở miền Bắc, lại không thể quên cuộc Cải tạo Tư Sản ở miền Nam sau ngày 3o tháng 4 năm 1975. Chiến dịch đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp miền Nam và hai lần đổi tiền cùng với chính sách đưa dân thành thị đi kinh tế mới tuy không trực tiếp gây nên những cái chết thảm cho dân chúng miền Nam như trong CCRĐ ở miền Bắc, nhưng thực chất là một vụ cướp bóc tài sản dân miền Nam có kế họach, khiến nhiều người uất ức mà chết, hàng triệu người phút chốc trở thành tay trắng, sống vất vưởng ở những nơi rừng thiêng nước độc, gia đình tan nát và hàng triệu người khác liều mình bỏ nước ra đi (như 50 năm trước tôi cùng hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để không phải là nạn nhân của các chính sách hà khắc trong đó có CCRĐ). Con số những thuyền nhân, bộ nhân bỏ mạng trên đường tìm tự do không phải là nhỏ. Tuy không bao giờ thống kê được một con số chính xác, nhưng chắc chắn là lớn hơn con số người chết vì CCRĐ 50 năm trước ở miền Bắc rất nhiều lần. Và tất nhiên, như những nạn nhân của CCRĐ, thân nhân còn sống sót của những thuyền nhân, bộ nhân bỏ mình năm xưa, hay những nạn nhân trực tiếp còn sống sót sau nhiều lần bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, hẳn vẫn không thể nguôi ngoai được nỗi đau còn cứ âm ỉ, một vết thương vẫn còn mưng mủ, thậm chí còn đau đớn hơn cả vết thương CCRĐ trên thân thể đất nước.

Vậy thì phải làm sao để “thức tỉnh con người trước bài học quá khứ”? Nên khép lại tất cả những vết thương còn mở miệng, quên đi mọi nỗi buồn đau, hướng về một ngày mai tươi sáng, không có những bóng đen ghê khiếp một thời ám ảnh chăng?

Nhưng lấy gì để bảo đảm rằng những thảm cảnh quá khứ sẽ không bao giờ có cơ hội lập lại, nếu người ta không dám nhìn thẳng vào những lỗi lầm, không dám đối diện thực sự với hậu quả của những lỗi lầm đó bằng cách soi rọi chúng dưới nhiều góc cạnh khác nhau, để tìm ra nguồn gốc chính, thủ phạm chính của những bi kịch ấy?

5.

Những sôi động ở trong nước về quyển sách Ba Người Khác liên quan đến cuộc Cải cách Ruộng Đất, tuy rất đáng khích lệ trong một bầu không khí vẫn còn ngột ngạt, khó thở quen thuộc ở một nước Cộng Sản, nhưng cho đến nay, những tiếng nói phê bình cứng cỏi nhất cũng mới chỉ dừng lại ở chỗ tán dương sự can đảm đáng nể phục của một ông gìa hơn 80 tuổi, về tính chân thật và sự đởm lược cần thiết của người cầm bút, của những chứng nhân lịch sử đối với thời đại mình và các thế hệ tương lai.

Họ không (chưa) dám đi xa hơn là chỉ đích danh tên thủ phạm, kẻ sát nhân tàn ác, tội phạm chính chịu trách nhiệm về những gì xảy ra hơn 50 năm trước. Tội danh này, nếu xử cho thật công bằng, còn nặng hơn gấp ngàn lần những gì Sadam đã gây ra cho nhân dân Iraq. Nhưng, như một người có máu mặt ở trong nước đã tiên đóan, sự kiện này là một dấu chỉ cho thấy tảng băng đang từ từ vỡ ra, ít nhất là ở lãnh vực văn chương, nghệ thuật. Điều kiện để cho một cuộc đàn áp của giới cầm quyền với những người cầm bút như vụ việc Nhân Văn Giai Phẩm năm xưa chắc chắn không còn nữa, vì ngày nay, kẻ bị áp bức còn có nhiều vũ khí khác ngòai cây viết. Cho nên, sớm muộn, với những bài học quá khứ như CCRĐ, như Cải tạo công thương nghiệp miền Nam, sẽ đến lúc kẻ có tội bị chỉ đích danh.

Tôi hy vọng, đến lúc ấy viên cựu đội phó phụ trách Tòa Án Tô Hòai vẫn còn sống và đủ minh mẫn để “sáng tác một bản khẩu cung cho phạm nhân ký vào”, chỉ khác với lần này, ông thực sự hài lòng . Vì ông chỉ phải ghi lại những gì đã xảy ra, không thêm không bớt. Và, tôi cũng mong ông viết lại đọan kết tiểu thuyết Ba Người Khác, để kẻ đền tội không chỉ có anh đội trưởng đội cải cách Hùynh Cự vốn chỉ là tay sai thừa hành lệnh cấp trên.

Cuối cùng, sau khi đọc xong Ba Người Khác của Tô Hoài, tôi tin hòan tòan những gì trước đó tôi được biết về CCRĐ qua sách báo, phim ảnh miền Nam. Chỉ cần nói thêm một chút, hình ảnh CCRĐ trong tác phẩm của Tô Hòai ghê khiếp hơn nhiều.

©T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search