T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Diễn từ nhận giải Đặc biệt (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

DSC08548

Lữ Kiều, Nguyễn Lệ Uyên và Khuất Đẩu

Thưa các bạn

Thật vinh hạnh khi được đứng ở nơi đây trong tiết xuân mát mẻ và trong tình thân hữu ấm áp để nói một đôi lời.

Tôi có người bạn bảo cầm bút bây giờ còn nguy hiểm hơn cả Kinh Kha cầm con dao chủy thủ đi vào đất Tần bất trắc. Vì đất Tần lúc này không chỉ có một, mà có đến những hàng trăm hàng ngàn bạo chúa còn tàn bạo hơn cả Tần Thủy hoàng.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn phải cầm lấy bút để viết về những tháng ngày mà thế hệ chúng tôi đã sống và đã chết, trong suốt cơn mê dài của lịch sử với những cuộc bắn giết kinh hoàng, những chia ly mất mát.

Tôi gọi đó là Những tháng năm cuồng nộ.

Qua cuộc đời của một đứa bé bị thả trôi sông, tôi muốn nói đến thân phận của người nông dân Việt Nam, trong gần 100 năm qua, thời nào cũng bị lợi dụng, bị phỉnh gạt, sau cùng là bị bỏ rơi trong đói nghèo và tuyệt vọng.

Nhưng họ vẫn sống, đùm bọc nhau, nương tựa nhau mà sống.

Một cô Sáu, bằng tình thương, một chị Thảo bằng tình yêu, hai người đàn bà một già một trẻ đã đưa nhân vật tên Được vượt qua những đoạn đường gập ghềnh khi phải lăn theo vòng quay của bánh xe lịch sử.

Nhờ vậy mà anh ta sống đến năm 2000, năm mà Chúa bảo là tận thế, để được nghe chào cha đi con như tiếng gọi từ trong mơ hay từ một cõi trời nào đưa lại.

Dù không thoát khỏi cái bóng quá lớn của lịch sử, nhưng khi viết Những đêm trắng là tôi viết về mối tình của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang chứ không phải lịch sử của Việt Nam Quốc Dân đảng.

Một mối tình theo tôi là bi tráng nhất của thế kỷ 20. Ở đó, ngoài tình yêu tổ quốc còn có tình đồng chí, tình chồng vợ và tình mẫu tử. Cô Giang, sau khi chứng kiến người đảng trưởng và cũng là người chồng của mình bị chặt đầu, đã có một đêm thức trắng trên cánh đồng Thổ tang với bao trăn trở: chết theo chồng cho trọn lời thề, hay cố sống để sinh con là những phút giây vật vã đau đớn còn hơn cả Hamlet thao thức “to be or not to be”.

Truyện Những con đom đóm, một người mẹ bất đắc dĩ phải làm cái nghề đáng xấu hổ, đã quyết định từ bỏ nghề để sống sao cho xứng đáng với linh hồn trong sáng của con.

Truyện Ai đã giết A.Q, một cô gái miền Tây chỉ với 500 đô đã trở thành nạn nhân của nô lệ tình dục, còn bi thảm hơn cả cô Kiều khi rơi vào tay Mã Giám Sinh.

Những nhân vật nói trên đều có một sức chịu đựng thầm lặng vô cùng bền bỉ. Họ bị đàn áp, bị đọa đày, nhưng không hề oán than số phận, cũng không cả căm thù. Họ không muốn nổi loạn, chỉ muốn tháo bỏ chiếc gông trên cổ mình chứ không muốn chặt tay kẻ đóng gông.

Nhưng không phải vì thế mà bảo rằng họ yếu hèn bạc nhược. Không có sự dũng cảm nào phi thường bằng sự chịu đựng, cũng không có sức mạnh nào đủ sức đánh bạt cái ác, cái xấu, bằng tình yêu thương.

Thưa các bạn,

Trước năm 2000, tôi chưa hề cầm bút. Và giờ tôi cầm bút nhưng chưa phải là nhà văn.

Tôi không có một hạt giống tư tưởng nào để gieo, không có một học thuyết nào để rao giảng. Tôi chỉ là một công dân bình thường và tầm thường, kể lại những điều đã thấy, đã nghe, nhưng không phải để mua vui một vài trống canh, cũng không phải để khóc than, mà để chứng tỏ một điều rằng, dù nghiệt ngã cay đắng đến đâu, tôi vẫn yêu cuộc sống này và trước khi giã từ tôi muốn được nói lời cảm ơn.

Trước hết, tôi xin cảm ơn Bà tôi mà hình ảnh của cô Sáu có nhiều nét giống bà, nhất là cách kể chuyện và tính tình nhân hậu.

Tôi cũng xin cảm ơn quê hương tôi, một làng quê nghèo gần thành Đồ Bàn với những Thủ ngữ Đực, những Khứ vừa có thật vừa không thật, là những con rối ngô nghê trong chín năm kháng chiến, thời mà người ta gọi là ấu trĩ cách mạng.

Xa hơn, rộng hơn, tôi đặc biệt cảm ơn trí tuệ vô tận của loài người, đã tạo ra một bầu trời mới lạ vô cùng rộng lớn, đó là Internet.

Nhờ có Internet, mà những kẻ cầm bút hôm nay không phải còng lưng ra thồ từng con chữ như Trần Dần, hay phải mòn tay viết văn lên đá như Phùng Quán.

Có thể nói cuộc cách mạng tin học đã hoàn toàn cởi trói cho chúng ta. Rất tự do, rất đường hoàng, như tháp Bút “tả thanh thiên”, chúng ta viết lên bầu trời ảo hàng tỷ trang viết, mà không một Tần Thủy hoàng nào, không một Hitler nào có thể dùng ngọn lửa phần thư mà thiêu hủy được.

Cho dù không được in ấn trên giấy trắng mực đen, không được nâng niu cầm trên tay, nhưng chúng ta biết những con chữ mang hơi thở của cuộc sống vẫn sáng lấp lánh trên màn hình của bạn đọc như những vì sao.

Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng kính phục đối với Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, dù bị văn đoàn ồn ào cấp nhà nước cô lập hòng xóa sổ, vẫn dũng cảm và gan lì tập hợp những cây bút nhân bản trong nước và ngoài nước ngày càng đông đảo, hùng hậu.

Với cách nhìn đúng đắn và trân trọng về nền văn học miền Nam, Ban Vận động cũng đã bước đầu kết nối tình tự dân tộc để bắc cầu cho hai bờ tư tưởng Bắc Nam.

Xin gửi đến Ban Biên tập lòng biết ơn sâu đậm, trong suốt một năm qua đã tải lên Văn Việt những tác phẩm bé nhỏ của tôi để mỗi lần lên mạng, tôi đều xúc động vì biết rằng, dù viết trong cô đơn nhưng tôi không hề cô độc.

Xin cảm ơn các bạn có mặt trong buổi sáng hôm nay.

Xin chúc các bạn sức khỏe dồi dào để viết nhiều và viết hay hơn nữa.

Khuất Đẩu

Phụ Lục:

Tuyên bố của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam về Giải Văn Việt lần thứ Ba (2017)

Sau khi xem xét kết quả bầu chọn của các Ban Xét Giải và đề xuất của Thường trực Hội đồng Giải, Giải Văn Việt lần thứ Ba đã được Chủ tịch Hội đồng Giải, Nhà văn Nguyên Ngọc, quyết định như sau:

1. Giải Đặc biệt: Tác giả Khuất Đẩu. Tác phẩm: Tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” và chùm truyện ngắn đăng trên Văn Việt năm 2017.

Tiểu thuyết “Những tháng năm cuồng nộ” đã được 5/5 phiếu bầu của Ban Xét Giải Văn, gồm các nhà văn Đặng Văn Sinh, Lê Minh Hà, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Giải Đặc biệt cho tác giả Khuất Đẩu được 3 đề cử của thành viên Ban Xét giải và đề xuất của Thường trực Hội đồng Giải, và do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

image

2. Giải Chính thức:

– Thơ: Chùm thơ Phapxa Chan đăng trên Văn Việt năm 2017, được 5/5 phiếu bầu của Ban Xét Giải Thơ, gồm các nhà thơ Bùi Chát, Chân Phương, Giáng Vân, Lê Hoài Nguyên (thay thế nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bị bệnh vào những ngày cuối của quy trình xét giải), Ý Nhi.

Tác giả trẻ Phapxa Chan là phát hiện của Văn Việt năm 2017 với những chùm thơ đầu tay của tác giả được công bố.

image

–  Nghiên cứu phê bình: “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công, được 4/5 phiếu của Ban Xét Giải Nghiên cứu Phê bình, gồm nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, nhà nghiên cứu Văn Giá.

image

– Dịch thuật: “1984” (G. Orwell) Phạm Nguyên Trường dịch, được 4/5 phiếu của Ban Xét Giải Dịch thuật, gồm các dịch giả Đặng Văn Sinh, Hoàng Hưng, Lê Quang, Trịnh Y Thư, Vũ Thế Khôi.

image

3. Giải của Chủ tịch Hội đồng: Chùm truyện ngắn của Mai Sơn, được đề cử của 2 thành viên Ban Xét Giải Văn và đề xuất của Thường trực Hội đồng Giải.

image

Việc trao giải thưởng Văn Việt đã được tiến hành thành công qua hai kỳ: 1 (2016) và 2 (2017), mặc dù có những cản trở không đáng có của an ninh như: gây sức ép để cơ quan cho mượn địa điểm trao giải rút lại lời hứa, gây mất điện nhà riêng của nhà thơ Ý Nhi là nơi trao giải, ngăn chặn một cách bất chấp pháp luật một số cộng tác viên và khách mời đến dự…

Lần thứ Ba này, sự ngăn cản đã bất ngờ thô bạo hơn nhiều. Một số tác giả đoạt giải và khách mời đã bị an ninh đến nhà hoặc cơ quan khuyên can, đe doạ hay ngăn chặn để không nhận giải, không đi dự trao giải, đặc biệt tác giả Khuất Đẩu và vợ khi ra ga xe lửa từ Khánh Hoà vào Sài Gòn nhận giải đã bị chặn lại, thu điện thoại để sao lục thông tin, đe dọa và buộc cam kết không vào Sài Gòn. Bốn thành viên Ban Giám khảo là Đặng Văn Sinh, Bùi Chát, Ý Nhi và Ngô Thị Kim Cúc bị an ninh đến nhà ngăn không cho đi dự buổi trao giải. Địa điểm tổ chức cuộc trao Giải tuy đã nhận đặt cọc, cũng bị sức ép phải từ chối vào phút chót.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam cực lực phản đối hành vi xâm phạm trắng trợn quyền tự do đi lại của công dân là các cộng tác viên của Văn Việt, cực lực phản đối hành vi ngăn cản thô bạo, khiến cho buổi trao Giải Văn Việt lần thứ Ba không thực hiện được. Các hành vi đó đã ngang nhiên tạt vào mặt những tuyên bố của nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền con người, quyền tự do ngôn luận; phá hoại mọi cố gắng kêu gọi đoàn kết, hoà giải hoà hợp dân tộc mà nhà nước Việt Nam luôn rao truyền trước cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại.

Qua ba lần giải, Giải Văn Việt ngày càng khẳng định uy tín và giá trị đối với giới văn chương tiếng Việt trong và ngoài nước, khẳng định đóng góp của nó vào việc thúc đẩy sáng tạo, xây dựng nền văn học tiếng Việt tự do, nhân bản, hiện đại.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam chân thành cảm tạ bạn đọc và các cộng tác viên trong-ngoài nước đã luôn sát cánh cùng Văn Việt, cảm tạ các tác giả đã làm nên tên tuổi của Giải Văn Việt, cảm tạ các thành viên Hội đồng Giải đã làm việc vô tư và khách quan, cảm tạ các nhà tài trợ và nhà hảo tâm đã đóng góp vào quỹ Giải Văn Việt lần Ba: TS Nguyễn Quang A, một doanh nghiệp tư nhân tại Sài Gòn, một bạn đọc tại Vũng Tàu, CLB Lê Hiếu Đằng.

Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam

 

*Xem Video Lễ Trao Giải Văn Việt Lần Thứ 3:

Bài Mới Nhất
Search