T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: THÁNG BA, RẦU THÚI RUỘT!

clip_image002

Tháng ba tây, nhưng chỉ mới tháng giêng ta, tháng của ăn chơi và tháng của những lễ hội triền miên. Nào hội chọi trâu, với những con trâu mập tròn húc nhau đến tóe phở để rồi, dẫu thắng hay thua cũng đều bị đem đi giết thịt; lễ chém lợn với những con lợn ỉ bụng phơi trắng hếu bị chém một nhát đứt làm đôi để dân làng tranh nhau liếm máu rất man rợ. Rồi hội chùa Hương, dù trầm hương ngào ngạt cũng không át nổi mùi thịt nướng của thú rừng; lễ khai ấn đền Trần diễn ra trong cảnh hàng trăm trai tráng gậy gộc, có cả dao búa, tranh nhau cướp ấn còn anh dũng hơn cả lúc đánh nhau với quân hung nô. Bia rượu và cả máu vì thế được dịp chảy tràn ra như suối.

Ở một xứ sở mà mỗi người phải làm việc bằng hai ( để cho cán bộ mua đài mua xe) mà ăn chơi phung phí như thế là không thể chấp nhận được. Đảng ra nghị quyết phải thiết lập kỷ cương, và nhà nước ta đã không một chút ngại ngùng, liền quất lên lưng hai con ngựa đầu đàn là điện và xăng, khiến cả bầy ngựa vật giá lồng lên chạy theo như bay.

Cứ tưởng thế là đưa trở lại thời đại bo bo, không ngờ bia rượu vẫn cứ chảy, máu vẫn cứ đổ. Ví phỏng đem những lon bia phế liệu mà xây thành, thế nào cũng xây được một vạn lý trường thành bao quanh cả nước. Có chống được xâm lăng hay không, chưa biết, nhưng chắc chắn sẽ được ghi danh vào kỷ lục Guinness.

Người ta tính rằng, lúc này, không ở đâu làm giàu nhanh bằng ở Việt Nam. Con số những người có tài sản từ 30 triệu đô la trở lên không chỉ non trăm người mà sẽ tăng vọt vài trăm trong những năm tới. Con số vài trăm đó cùng với những nhóm lợi ích, con cái cháu chắt và đám gia nô bầy đàn tạo thành một xã hội phồn vinh thực sự chứ không phải giả tạo. Chỉ có điều cái xã hội rủng rẻng bạc tiền phè phỡn ấy quá bé nhỏ so với cái xã hội to mà nghèo đói của cả nước. Cho nên, ngọn roi kỷ cương thấm máu, thực ra chỉ đánh trúng những kẻ mỗi ngày không kiếm nổi vài đô la để nuôi cả một gia đình nheo nhóc mà thôi!

Đó là người sống, còn người chết, thì sao? Không nói làm chi đến những người đã dại dột rời bỏ cái thiên đường đầy hào quang này để rồi phải rơi xuống đáy biển tối tăm. Chỉ nói những người lính trung kiên bám biển ở đảo Gạc ma. Xem trên video (của Tàu cộng) thấy cái cách họ lội ra biển, tay nắm tay kết thành một hàng rào mỏng manh để chận tàu địch, sao mà thương và tội nghiệp quá. Mỗi người như một tấm bia thịt giữa sóng gió cho chúng nó tập bắn. Rồi, chỉ trong chớp mắt họ biến mất như chưa hề có trên cõi đời này. Họ cũng biến mất luôn trong trí nhớ nghèo nàn của các cấp lãnh đạo. Họ bị lãng quên, đúng hơn là được lệnh phải lãng quên, để làm vừa bụng anh hàng xóm xấu bụng. Giờ đây đại huynh miệng nói bốn tốt, ngày đêm ra sức lấp biển, xây dựng đường băng để biến hải đảo thành một hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm, từ đó kiểm soát cả thủy đạo huyết mạch của đông Á.

Thế nên, giữa nắng xuân vàng rực, gió xuân mênh mang mà lòng dạ không chút nào vui. Nhớ đến Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy, lại càng rầu hơn nữa. Cả một lữ đoàn thủy quân lục chiến với 4000 tay súng được coi là thiện chiến nhất VNCH, bị một đại đội nữ dân quân Việt cộng bắt sống chỉ vì lữ đoàn trưởng và lữ đoàn phó tháo chạy còn họ thì không được tiếp đạn. Súng mà không đạn coi như súng gãy!

Lịch sử nước ta chói ngời những trang sử vẻ vang. Như chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ…Nhưng cũng không thiếu những trang cay đắng, ô nhục, trong đó có Gạc ma và Tháng Ba gãy súng. Cay đắng vì họ phải chiến đấu trong tuyệt vọng và bị quên lãng. Ô nhục vì các tướng lĩnh và các cấp lãnh đạo ươn hèn.

Nhục như thế, hèn như thế, bảo sao không rầu thúi ruột!

Khuất Đẩu

 

14/3/2015

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search