T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (4)- CHẾT LÀ HẾT, THIỆT HÔN?

Cái bóng – Tranh: Thanh Châu

Nói vậy chớ không phải vậy!

Đúng là chết vẫn chưa hết chuyện. Nóng hôi hổi lúc này là con virus của Vũ Hán. Nó gây ra biết bao nhiêu cái chết, khiến cho bánh xe tiến hóa của thế giới trật đường ray, nằm chình ình một chỗ.

Người đầu tiên nhìn thấy mặt con quỷ bảy màu đó, là bác sĩ Lý Văn Lượng. Lúc đầu nhà nước Tàu lôi ông ra tòa đòi kêu án vì tội phản bội tổ quốc (rất đúng người đúng tội vì tổ quốc Tàu nói láo còn ông nói thiệt), sau đó rủa sả ông không tiếc lời. Khi ông chiến đấu một mình với nó đến mệt phờ rồi cuối cùng thua cuộc phải vào nhà thiêu xác, thì nhà nước liền quay ngoắt 180 độ,  ca ngợi không hết lời là đại anh hùng! (tiếc gì hai tiếng anh hùng mà không ban khen, ông mà còn sống, dám “chốn” được sang các nước tư boản, là Tập Cận Bình và bè lũ tiêu tán đường ngay)!

Một ngàn năm sau, cái chết của ông cũng chưa hết chuyện để nói! Riêng tôi, cái chết của ông, một lần nữa nhắc nhở cho nhân loại tiến bộ hiểu rằng, chế độ cộng sản, là tổng hợp của đế quốc La mã, của phong kiến Tàu, của Đức quốc xã, quân phiệt Nhật, độc tài Liên xô, tàn bạo và ngu dốt của Mao Trạch Đông, tức là tất cả những cái ngu cái ác nhất của nhân loại không chịu tiến bộ.

Chưa hết chuyện vì cuộc chiến giữa cái ác, cái xấu với cái tốt cái thiện vẫn còn tiếp diễn muôn đời.

Ở nước ta, nhiều cái chết lãng xẹt nhưng rúng động dư luận, tức là ầm ĩ, có thể kể Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang. Một người vừa được trao phương bảo kiếm để trừ gian diệt ác, chỉ mới dọa chém tuốt nhưng chưa kip chém đã ngỏm cù đeo!

Một người ngồi ghế chủ tịch nước đang béo tốt phương phi bỗng tái xanh tái mét, yếu đến nỗi cầm dùi đánh trống khai giảng cho học trò mà run lên run xuống, chết trong sự nghi hoặc và tức tối đến nghẹn ngào.

Ngược lại có những cái chết không một tiếng vang, như chết trong đồn công an bằng sợi dây thun, chết khô chết héo bên cạnh đống đơn cao như núi của những người bị cướp mất đất mất nhà, hay chết trên tàu cá vì bị tàu của “nước lạ” đâm chìm!

Có những cái chết cay đắng mà cũng có những cái chết thật buồn cười. Như chết vì già mà ham, ham đây là ham gái chứ không phải ham ăn. Còn chết như thế nào, bộ dạng ra sao, ăn mặc chỉnh tề hay trần truồng vì bị lột sạch cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thì xin miễn bàn vì đó cũng là bí mật quốc gia.

Có những cái chết để lại hậu quả nghiêm trọng. Chị bạn tôi kể rằng, một sáng đến thăm mộ chồng vừa mới mất, thấy có bó hoa đặt bên mộ, hỏi mấy đứa con, có đứa nào đến thăm mộ ba hay không, chúng bảo không, thế là lòi ra ngay cái con bồ lâu nay thò thụt dấu diếm. Thôi, từ nay đã có người thăm viếng rồi, tôi tới làm chi nữa cho nó tủi cái thân già!

Tai hại chưa, chết rồi mà vẫn chưa hết chuyện! .

Một ông bạn khác, lúc sắp chết kêu vợ lại gần để thành thật khai báo, rằng, anh lỡ dại đã có một đứa con riêng, khi anh chết, em làm ơn làm phước chăm sóc giùm, thương yêu nó vì dẫu sao đó cũng là giọt máu của anh…chị vợ tức nghẹn họng nhưng cố bấm bụng nhận lời. Thế mà trời xui đất khiến sao đó, anh lại sống nhăn răng. Thế là mời anh go out ra khỏi nhà tôi ngay, đi theo con đĩ nào thì đi cho khuất mắt!

Gần chết mà khủng khiếp như thế huống gì chết thiệt.

Nhưng nói gì thì nói, chết đau đớn nhất và buồn nhất vẫn là con chết trước mẹ (không ai cõng) và mẹ chết trước con (không ai cho bú).

Sau cái chết, chuyện đáng nói, đáng buồn và đáng sợ nhất, theo tôi là những cái mộ, những cái lăng. Có những ngôi mộ tốn hàng chục tỷ đồng, lộng lẫy như một biệt điện, có cả tivi, tủ lạnh xalon cho người chết sử dụng như lúc còn sống. Đến ngày giỗ, ngoài việc đốt cả tỷ đô la âm phủ, còn đốt cả xe hơi, tài xế, con hầu bằng giấy.

Lăng, thì ông vua nào chẳng có lăng. Nhưng qua bao dâu bể hưng phế, chỉ còn lại ở nước ta các lăng của triều Nguyễn. Lăng của Tự Đức nổi tiếng không phải vì đẹp, mà vì những khổ cực dân và lính phải chịu, đến nỗi làm loạn, còn để lại trên bia miệng với hai câu ca dao.  Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân!

Lăng Hồ Chí Minh vừa hiện đại vừa hùng vĩ, bao quanh bằng đá quý chọn từ mọi miền của đất nước, đẹp đến nỗi được gọi là bài thơ bằng đá!

Với tôi, chết chắc cũng chưa hết chuyện, dù chỉ là một công dân hạng hai chẳng đóng góp chút gì cho quôc gia dân tộc, thì xin đừng xây mộ hoành (bánh) tráng, (nói chơi chứ tiền đâu xây), mà hãy đốt như đốt rác cho khỏi mất vệ sinh, chút tro còn lại thì xin rải trên mồ mẹ, coi như con của mẹ lại nằm trong lòng mẹ, là đủ rồi. Mong lắm thay!

Khuất Đẩu

Viết trong mùa ôn dịch

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search