T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 19)

clip_image001

Giai thoại làng văn

Nguyễn Khải cũng kể lại, hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh:

– Ông Lành (tức Tố Hữu) đang nói sao cậu lại cười?

Khải sợ quá, vội chối:

– Không, răng tôi nó đấy chứ, tôi có dám cười đâu!

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Tiếng nói và giọng nói

Nói về ngôn ngữ là một điều hết sức phức tạp, rất khó viết nói thế này đúng thế kia sai. Tất cả do sự công nhận của mọi người.

Tiếng Việt có 6 thanh (dấu), trong đó hỏi (?) và ngã (~) hay bị lầm lẫn. Thí dụ như:

Xử dụng (sai) – Sử dụng (đúng): Xử là phân định một vấn đề, thi hạnh quyết định – Sử là sai khiến, dùng, xài.

Bặt thiệp (sai) – Bạt thiệp (đúng): Trong Hán tự chỉ có chữ “bặc” chứ không có chữ “bặt” – Bạt là đi qua vùng nhiều cây cỏ.

Thiệp là băng qua vùng có nước đọng. Cả hai chữ hợp lại có nghĩa là lịch lãm, thông hiểu chuyện đời.

Sáng lạng (sai) – Xán lạn (đúng): Sáng là chữ Hán, gần đúng nghĩa – Xán thì đúng hơn vì nghĩa của nó là nung kim loại cho đỏ “sáng” lên.

An ủi (sai) – An ủy (đúng): Ủi giống như lủi thủi, lầm lũi, lùi lũi, ngắn ngủi, hất hủi, nghĩa là một dạng từ láy – Ủy có nghĩa là vỗ về, thí dụ như ủy lạo.

Năng xuất (sai) – Năng suất (đúng): Xuất là cho ra, đi ra như sản xuất, xuất cảng, xuất tinh, xuất hồn – Suất là phần trong toàn thể.

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Tiếng Việt cổ

Con lợn tiếng Việt cổ (tiếng Bắc cũ) gọi là “con heo” (hay con cúi).

Di dân vào đến miền Trung, xuống tới miền Nam thì con lợn được “hoài niệm” để kêu lại với tiếng xưa, thật xưa là…con heo.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Nói lái

Nếu ngoài Bắc có trà “Thái Đức” nói lái là “thức đái” cả đêm thì trong quyển Hơn nửa đời hư của Vương Hồng Sển có nhiều chuyện nói lái, như xe thổ mộ được gọi là xe “u mê” vì đàn bà con gái ngồi bệt trên sàn xe gỗ cứng nên … “ê mu”.

Ngoài ra còn chuyện trong tiệm ăn người Tầu hay dùng “dấm” đỏ là “xủ”. Khách hàng thay vì gọi cô xẩm xin “dấm” hay “xủ”, họ gọi gom chung cả Việt lẫn Tầu là “dấm xủ”.

“Dấm xủ nói lái là…vú xẩm.

(Nguyễn Hữu Phước – Nói lái)

Giá sách cũ

Câu chuyện Nhân Văn bắt đầu từ năm 1956, khi miền Bắc vì áp lực của Trung Cộng, mô phỏng cuộc cách mạng xã hội ở Trung Quốc, ông Hồ Chí Minh tuyên bố cho mọi người, mọi nhà được lên tiếng qua khẩu hiệu: "Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh – Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng".

Ngày 15 tháng 9, báo tư nhân mang tên Nhân văn ra số 1, do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký toà soạn, với một ban biên tập gồm Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Văn Cao, Lê Đạt, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Lê Văn, Hoàng Tích Linh, Sĩ Ngọc… đã nhân cơ hội này tập họp lại, dựng nên tờ báo Nhân văn.

Cùng một lúc Nguyễn Bính tập kết từ Nam ra Bắc một mình một chợ với tờ Trăm hoa.

Điều mà nhóm Nhân văn cũng như Trăm hoa của Nguyễn Bính nhắm tới là mong mỏi chính trị đừng có xen vào văn nghệ.

Câu chuyện Nhân văn ban đầu khởi đi chỉ giản dị như thế.

(Hoàng Khởi Phong – Câu chuyện Nhân Văn)

Những hình dạng mới của chữ nghĩa

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp kếch sù đó là cái lỗi có tên là trùng ngôn (tautology) một lỗi rất nặng cả về tiếng Việt, về tư duy lôgích, như:

"rất trắng nõn" không hiểu rằng “trắng nõn” đã có nghĩa là "rất trắng" rồi.

Cũng như trắng bóc, trắng toát, trắng phau, trắng hếu, trắng xoá, trắng nhỡn, trắng bệch, trắng ngần, trắng dã, tuy có những sắc thái nghĩa và tu từ khác nhau, song đều có chung ý nghĩa "cực cấp" tuyệt đối (hay "tối cao") như nhau, cho nên không thể thêm rất, lắm, nhất mà cũng không thể thêm hơi, khá, hay hơn, kém, không bằng.

Chữ nghĩa biên khảo: Tên đất ở Giao Chỉ

Các huyện thuộc Giao Chỉ đời Hán tên phần lớn đều vô nghĩa với những tác giả thuộc những thời đại khác nhau chúng (lại) được ghi bằng những chữ khác nhau có âm na ná giống nhau, ví dụ: Mê Linh, Ma Linh, Mi Linh, Minh Linh, Liên Lâu, Luy Lâu, Ðinh Lâu, Doanh Lâu ..v..v.. điều đó khiến ta ngờ rằng đó là tên phiên âm tiếng tiếng Việt cổ.
Huyện Liên Lâu trước thế kỷ XVII phát âm là blâu hay tlâu, mlâu v.v. Thành Liên Lâu còn di tích thành lũy ở làng Dâu con sông chảy qua đó là sông Dâu, làng Khương Tự có tên nôm là Kẻ Dâu, chùa Pháp Vân ở đó có tên là chùa Dâu (chùa Bà Dâu), trong chùa có tượng Bà Dâu (1). Ở đó có truyền thuyết Man Nương và cây dâu thần. Vùng Kẻ Dâu xưa là đất bãi, nghề trồng dâu chăn tằm rất thịnh. Đời Lý còn có câu chuyện cô gái hái dâu Ỷ Lan, lấy vua Lý Nhân Tông nhân dịp vua Lý đi cầu tự ở chùa Dâu. Mọi tài liệu đều nói lên một cách thống nhất: huyện đó là huyện Dâu, bộ lạc ở đó khi xưa là bộ lạc Dâu, với một thị tộc gốc là thị tộc Dâu và có tín ngưỡng tôn giáo xưa về cây Dâu, hoặc liên quan đến tô-tem giáo, hoặc liên quan đến nghi lễ nông nghiệp.
Huyện Mê Linh bộ lạc đó khi xưa mang tên một loài chim (Mling, Bling, Kling) với một thị tộc gốc (bào tộc) thờ chim làm vật tổ thời Hùng Vương bắt đầu dựng nước.

***
(1) Chắc trước là một miếu thờ Bà Chúa Dâu (như nông dân Thái Bình trồng bèo hoa dâu xưa thờ bà chúa Bèo Hoa Dâu). Sau khi Phật giáo thâm nhập nước ta, miếu biến thành chùa, song vẫn thờ cả Phật, cả Bà Dâu.


(
Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam )

Thủy hỏa mặc hầu

Lưng tròn vành vạch đít bảnh bao

Mân mân mó mó đút tay vào

Thủy hỏa tương giao sôi sình sịch

Âm dương nhị khí, sướng làm sao

(Bát điếu thuốc lào)

Bài thơ trên phải chăng là của bà Hồ Xuân Hương?

Chữ nghĩa tiếng Việt sao khó thế

Hỏi :

Đệ muốn hỏi thêm bác điều này: Chữ hôn có phải xuất xứ từ hán ngữ…’hôn’ (hông-không) hả bác Kobe? Và chữ hôn của Hán ngữ sau này chuyển tiết thành hôn (nụ hôn, hôn hay ‘hun’) của Việt ngữ hay sao? Chữ hôn có phải được ‘vẽ’ rất khác nhau ở thể Hán ngữ : hôn (quân) ‘vẽ’ khác hôn (nhân)?…Xin bác giải thích cho.

Đáp:

1 – Chữ hôn nguồn gốc Hán.
a- Hôn có bộ nữ đứng bên cạnh chữ hôn là lấy vợ cho con trai, cưới dâu.
b- Hôn là trí óc tăm tối, hồ đồ, mê loạn.

c- Hôn là lờ mờ tối, hoàng hôn.
– Lễ cưới, ngày xưa bên Tầu cứ đến tối mới rước dâu nên gọi là hôn lễ.

Chữ hôn lễ bây giờ đổi mới, có thêm bộ nữ ở phía trước thành hôn.
– Trẻ con đẻ ra mà chưa kịp đặt tên đã chết cũng gọi là hôn.
– Hôn gồm chữ môn (cửa) và chữ hôn ở trong thành gọi là lính canh cửa.
– Hôn đi kèm theo chữ quân (hôn quân) thành ông vua ngu dốt, hung ác.
– Hôn môi kề môi : áp môi, mũi, má vào nhau.
2 – Hôn là chuyển âm của "không". Thuần Việt, là câu hỏi nhõng nhẽo, cong cớn của người con gái đối với con trai. Đây không phải là chuyển ngữ của Hán tự.

"Không" còn nói là "hổng" : Em "hổng" thèm ! Hoặc : "hông" : Em có buồn "hông"?

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Viết và nói tiếng Việt

Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt.

Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định.

Hãy thử “rà xoát” một số từ dưới đây xem sao:

Đại trà. Cỡ lớn, quy mô lớn. Thí dụ: "đồng bào trồng cây cà phê đại trà". "Đại trà" là bắt chước Trung Quốc. Có thể gây hiểu lầm là…"cây trà lớn"!!

Nghệ nhân. Đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ "nghệ sĩ", họ dùng chữ "nghệ nhân". Có những người tưởng rằng chữ ‘nghệ nhân’ cao hơn chữ ‘nghệ sĩ’, họ đâu biết rằng dùng chữ ‘nghệ nhân’ là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.

Lối chơi chữ trong đối và thơ

Trong dân gian, lối nói chữ “dân dã” dễ hiểu hơn và cũng có nhiều lối chơi bất ngờ, đầy thú vị. Đây là một cách chơi chữ đồng âm:

Bà già ra chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi (1)chăng?
Thấy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi (2) thì có lợi (3) nhưng răng chẳng còn

Chỉ khi nhận ra ý nghĩa của các chữ (từ) đồng âm nhưng khác nghĩa, người nghe mới bật cười, vui tếu, nên không nỡ giận. Chữ lợi (1) và lợi (2) giống nhau vì đều chỉ cái lợi ích, cái thu được, còn lợi (3) chỉ phần thịt bao quanh răng. Người già răng rụng sạch chỉ còn trơ lợi, móm mém đến vậy mà còn đòi lấy chồng!

( Nguồn : e-cadao.com )

Trích…“Tập làm văn”

Đề:  Tả chuyện trong gia đình.

Em gái của em hồi đi học lớp 1 hay lớp 2 gì đó nhưng dốt lắm không biết chữ gì hết. Một hôm bố mẹ kiểm tra bắt nó đọc bài anh Kim Đồng xem. Nó không biết đọc nhìn cái hình có anh Kim Đồng chạy có con chim bay trong hình nó đọc là: “ Anh Kim Đồng đi liên lạc . . . vụt chim . . . vụt chim “.

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search