T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 26)

 

Đất nặn nên bụt

Tiếng Việt, bên cạnh những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa là nghĩa đen (Ví dụ: Trời nắng, cỏ gà trắng thì mưa) hoặc nghĩa bóng (Ví dụ: Gió Sơn Tây trúc cây Hà Nội) là những câu có hai nghĩa, tức cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Như câu “Đất nặn nên bụt “:

Nghĩa đen: Hòn đất không ra hình thù gì, khéo nặn thành tượng Phật thì trở nên vật quí, được lễ bái cung kính.
Nghĩa bóng: – Bị bỏ xó một chỗ, không được cất nhắc thì chẳng là cái gì, gặp thời gặp vận lại được trọng vọng cung kính.

(Phan Trọng Hoa – Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ)

Truyện cực ngắn – Em yêu anh suốt đời

Nàng gục đầu vào vai tôi và khóc: “Em yêu anh suốt đời”. Tháng sau, nghe tin nàng lấy chồng, tôi muốn khóc lên vài tiếng cho mùi nhưng đành phải cười giả lả vì lúc ấy người vợ mới cưới của tôi đang ngồi bên cạnh và thì thầm bên tai tôi: “Em yêu anh suốt đời”.

Chữ nghĩa làng văn

Bài này bàn về một số câu ca dao.  Trước hết, chúng ta hãy bàn tới câu:

Đất bụt mà ném chim giời

Chim giời bay hết, đất rơi vào chùa!

“Đất bụt” là thứ đất sét rất tốt, rất nhuyễn mà người ta dùng để đắp, nắn tượng Bụt (Phật), hay là ông táo (ngoài Bắc cũng gọi là ông bụt, ông ba bụt để thổi cơm).

Bụt do chữ Phạn Bouddha, có nghĩa là biết. Người Trung Hoa phiên dịch là Phật đà.

Phần nhiều, những câu phong dao có một nghĩa đen và một hay nhiều nghĩa bóng. Câu trên rất dễ hiểu về nghĩa đen, và phát xuất từ xứ Bắc, với những từ ngữ đặc biệt ngoài ấy là “bụt” là “giời” (tức Phật và trời trong Nam). Về nghĩa bóng, câu này ngụ ý: đất bụt dù có tốt đến đâu cũng không làm tổn thương con chim trời được; quyền năng của Bụt không thể sánh được với Trời; Bụt là người, vẫn ở dưới Trời.

Con vờ vờ

Sau đợt rét đậm, buổi sáng trên sông, thường sương mù mờ mịt. Cảm giác ta như bồng bềnh trong mây và có rất nhiều vờ vờ, chập chờn bay trên mặt nước.

Vờ vờ to bằng độ con châu chấu, nhưng trắng muốt, mỏng manh. Thấy bảo có người bắt vờ vờ về ăn, món vờ vờ rang. Chắc chẳng ngon nghẻ gì. Thế nên vùng quê tôi, cái thị trấn Ninh giang, tỉnh Hải Dương, bên bờ sông Luộc, có thành ngữ: Xác như vờ vờ.

Sáng sớm, vờ vờ khoẻ, rầp rờn bay. Sau bay lượn mệt, chúng sà thấp dần, chao đảo…Mặt trời cao dần, ánh nắng chiếu rọi, cũng là lúc vờ vờ đuối sức, bắt đầu có con rớt xuống mặt nước, mà không cất mình lên nổi. Nhìn những con vờ vờ xấu số, bị lũ cá mương đớp rỉa, thân mình tả tơi, để cuối cùng mất dạng dưới làn nước mùa đông lạnh giá! Mặt trời lên cao, không còn con vờ vờ nào nữa. Trên mặt sông chỉ còn thấy những cánh vờ vờ mỏng mảnh trắng, rập rờn. Dòng sông mùa đông vẫn lững lờ trôi.

Nếu không có những cánh vờ vờ mỏng manh, ai biết được, trên sông vừa xảy ra cái quy luật khắc nghiệt của tạo hoá… Thương cho vờ vờ, nhưng có thương những kiếp phận như vờ vờ?

(Trọng Huấn – Con vờ vờ trên sông)

Ca dao và lịch sử

Phong trào Văn Thân bí mật liên lạc với vua để tìm phương cứu quốc. Năm 1915, đảng Việt Nam Quang Phục cử Trần Cao Vân và Thái Phiên hợp tác với vua mưu đồ khởi sư Họ hẹn gặp nhau trên bờ sông Ngự Hà, giả làm người đi câu để tránh tai mắt địch. Rồi mưu đồ phục quốc của vua Duy Tân cũng bị thất bại và vua phải đi đàỵ Người dân Huế thương tiếc vua cùng các nghĩa sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã hiến thân vì nước:

Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Đàm trường viễn kiến

Vào một ngày nào năm 1959-1963, khi bước chân vào ngõ hẻm khá rộng dẫn vào căn nhà gỗ nhỏ là “Đàm trường viễn kiến” trên đường Phan Đình Phùng, thực ra tôi không biết gì nhiều về bậc “trưởng thượng” Nguyễn Đức Quỳnh ngoài cuốn Thằng Kình (*) mà tôi đã đọc qua. Từ đó, tôi biết ông thuộc nhóm Hàn Thuyên, vừa bỏ Đệ Tứ Quốc Tế.

Ông gây ấn tượng cho tôi (Thế Uyên) qua khuôn mặt khôi ngô, vầng trán rộng với cặp mắt thông minh hơn bình thường, thân hình cao…Lúc nào cũng mặc một bộ bà ba nâu, tay cầm quạt, chuyên hút Bastos đỏ, chuyên bẻ điếu thuốc làm đôi, mỗi lần chỉ hút nửa điếu. Đàm trường viễn kiến thật giản dị và nghèo: Một bàn thờ ở chính giữa, nơi ông thường bầy những tác phẩm của lớp trẻ. Khi tôi tới lần đầu, ông bầy một tạp chí Tân Phong trong đó có đăng truyện ngắn của tôi. Cũng ở vị trí này, tôi thấy một tập thơ chép tay khá đẹp của Trần Dạ Từ. Ông tiếp đón tôi khá vui vẻ thân mật. Hơn nữa, ông còn “bình” truyện ngắn của tôi. Được bình là điều thích thú, đằng này lời bình lại là lời khen, làm sao tôi không có cảm tình với ông cho được Vài năm sau, nhà văn Thế Phong viết một cuốn mỏng in ronéo (**) về ông, nhưng tôi không đồng ý với nhận định nhà văn này là Nguyễn Đức Quỳnh đã “phung phí quá đáng những lời khen ngợi”.

Với chiều dài của thời gian, tôi không biết Nguyễn Đức Quỳnh khen đúng hay khen bừa bãi những ai, nhưng những người trẻ lui tới Đàm trường viễn kiến để “tản mạn nhàn đàm” những năm ấy, sau này đều thành danh ít nhiều: Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Thụy Long, Viên Linh, Hoàng Khởi Phong, Tú Kếu, Nguyễn Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Đào Mộng Nam, Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Lý Đại Nguyên..v..v..qua những tạp chí Văn Hóa Ngày Nay, Sáng Tạo, Hiện Đại, Tân Phong, Bách Khoa, Văn Học, Văn …v..v..

(Phụ chú: (*) Một tác phẩm khác của Nguyễn Đức Quỳnh là “Thằng Cu So”. (**) Nhà văn Thế Phong viết một cuốn mỏng in ronéo là quyển “Nhận diện Nguyễn Đức Quỳnh”)

(Thế Uyên – Những người đã qua)

Chữ nghĩa trà đạo

Ngoài ấm trà, bộ đồ trà thường có thêm một chén tướng” (gọi trại dần ra là chén tống) để chuyên trà và bốn chén nhỏ gọi là chén quân. Chén quân được ưa thích là loại chén hạt-mít (giống như hạt mít cắt đôi)

Vì “rượu trên be, chè dưới ấm“. Thông thường chuyên trà ra chén tống trước rồi sau đó mới chia đều ra chén quân.

Vua Tống Huy Tông ( 1100-1127 ) trong sách Ðại Quan Trà-luận phân loại nước dùng để pha trà như sau Sơn thủy thượng, giang thuỷ trung, tỉnh thuỷ hạ nghĩa là nước pha trà tốt nhất là nước suối, kế đến là nước sông sau cùng là nước giếng.

Bắc Hành Tạp Lục

Bắc Hành Tạp Lục, gồm 132 bài sáng tác từ mùa xuân 1813, khi Nguyễn Du đi sứ sang Trung Hoa. Đa số nội dung những bài thơ ghi chép những điều đã trông thấy, những tình cảm gửi gắm và những ý nghĩ tản mạn dọc đường. Nguyễn Du có cơ hội đến thăm những thắng cảnh nổi tiếng ở Vũ Hán, Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây, Giang Tô… thăm đền thờ Khuất Nguyên.

Nguyễn Du đã đi thuyền ngắm trăng trên sông Minh Giang – Quảng Tây, thăm quê hương của người đẹp Dương Quý Phi. Đến Lỗi Dương thăm mộ Đỗ Phủ. Nguyễn Du đã lên lầu Hoàng Hạc ở Hán Dương, đến thăm lăng Tỷ Can, mộ Nhạc Phi.

Qua sông Hoài, tưởng nhớ Hàn Tín… Thăm quê hương của Kinh Kha. Lên Đài Đồng Tước Khóa Xuân Nhị Kiều…với ước mơ của Tào Tháo. Ghé thăm cố quận của danh tướng thời Chiến Quốc, Lạn Tương Như – Liêm Pha. Ngưỡng vọng trước đền Á Thánh Mạnh Tử… chuyến đi đã tạo thành những tác phẩm bất hủ Bắc Hành Tạp Lục.

(Thái Tú Hạp – Sứ trình mùa xuân phương Bắc)

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hôm qua tui đọc câu thơ thấy tiếng Việt mình phong phú quá.
Ai về để áo cho ai
Ai về ai nhớ áo ai ai chờ
Chỉ có 2 câu thơ mà có 6 chữ “ai” mà mỗi chữ “ai” lại có ý nghĩa khác nhau. Ai mà học tiếng Việt thì chắc phải điên đầu vì…ai.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Biết và không biết

Khổng Tử nói với học trò là Trọng Do, tự là Tử Lộ, người nước Lỗ:

“Hối nhữ tri chi hồ! Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả”.

(Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết. Như vậy là biết)

(Nguyễn Hiến Lê – Sách luận ngữ)

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Tả cảnh sân trường trong giờ ra chơi

Trống đánh tùng . . . tùng . . .. Các bạn ùa ra sân trường như bầy chim vỡ tổ. Chỗ này các bạn gái nhảy dây, chỗ kia các bạn trai đá cầu, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chửi “địt mẹ”.

Thân gái mười hai bến nước (I)

Mười hai bến nước thường được cho là mười hai con giáp, tức là thập nhị địa chi, hoặc là: công, hầu, khanh, tướng, sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục (hoặc nho, y, lý, số, bốc). Đây thực ra chỉ là suy diễn để tìm đủ thành phần sao cho khớp với con số 12 mà thôi.

Lời giảng của Huỳnh-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị, theo chúng tôi, có nhiều phần hợp lý hơn: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Tiếng nói mười hai bến là nói cho vần”. Sự phát sinh của con số 12 ở đây, theo chúng tôi, là do khó khăn ngôn ngữ mà ra.

Sự thể có thể đã là như sau: Hai danh từ “bến” và “thuyền” vẫn được dùng để chỉ người con gái và người con trai trong quan hệ đính ước, hẹn hò (Thuyền về có nhớ bến chăng; Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền). Từ cách dùng này, “bến” lại được dùng để chỉ số phận của người phụ nữ trong nhân duyên. Nhưng trong kinh điển Phật giáo cũng có một từ đồng âm là “nhân duyên” dùng để chỉ cái nhân tạo ra những cái quả cho kiếp sau và theo kinh điển thì có “thập nhị nhân duyên”.

Do cách hiểu theo từ dân gian nên người ta mới đánh tráo thứ nhân duyên của đời thường vào chỗ thứ nhân duyên của nhà Phật mà diễn nôm thập nhị nhân duyên thành “mười hai bến nước”. Chính vì vậy mà không thể nào tìm ra được đến mười hai bến nước cho phụ nữ. Bất quá chỉ có hai bến (bến đục, bến trong) như Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã viết.

(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

Không biết

Socrate nói:

“Tôi chỉ biết một điều: Tôi không biết gì cả!”.

(Phụ đính: …và nữa: “Hãy tự biết mình” – Socrate)

(Trí Hải và Bửu Đích – Câu truyện triết học)

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search