T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 9)

Thơ Ta, thơ Tầu

Bài Trăng nước Hồ Tây của Dương Khuê có những câu:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói sóng ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gươm Tây Hồ

Bài thơ trên đã chịu ảnh hưởng bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Cả hai bài thơ tức cảnh sông hồ, một phương Bắc, một phương Nam, một Ta, một Tầu, vô hình chung cùng âm hưởng, âm điệu, đôi cảnh đối chữ như: trăng tà với nguyệt lạc, qua canh gà với ô đề, đến tiếng chuông với chung thanh. Âm hưởng, âm điệu thì đối mịt mù khói sóng với giang phong ngư hỏa. Về tác động địa danh thì: Thọ XươngCô Tô tới chùa Trấn Võ – chùa Hàn San .

(Trương Quang – báo Ngày Nay)

 

Giá sách cũ thập niên 20

Những nhật báo và tạp chí vào thập niên 20 và 40 là:

Gia Định Báo (Trương Vĩnh Ký 1869), Nông Cổ Mín Đàm 1900, Nam Phong Tạp Chí (Phạm Quỳnh 1917), Đông Dương Tạp Chí 1913, An Nam Nouveau, Trung Bắc Tân Văn, Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, Đăng Cổ Tùng Báo 1909, Lục Tỉnh Tân Văn và Trung Bắc (Nguyễn Văn Vĩnh), Văn Học Tạp Chí (Dương Bá Trạc), Hồn Nước Nam và Duy Tân (Lãng Nhân Phùng Tất Đắc), An Nam Tân Văn (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu – bí danh Nguyễn Khặc Khừ), Đông Tây (Phùng Tất Đắc), Nông Công Thương (Phạm Chân Hưng), Đông Pháp (Ngô Văn Phú & Hoàng Hữu Huy), Trung Bắc và Trung Bắc Chủ Nhật (Nguyễn Văn Luận), Tiếng Dân (Huỳnh Thúc Kháng), Đồng Minh (Nguyễn Hải Thần), v..v..

Dân Mới (Chu Mậu) – Nhựt Tân (Đỗ Văn Mặc), Thực Nghiệp (Mai Du Lân), Duy Tân (Nguyễn Đình Thấu), Khai Hóa (Bạch Thái Bưởi), Nông Công Thương (Phạm Chân Hưng), Ngọ Báo, Việt Báo (Bùi Xuân Học), Công Dân (Tiết Như Ngọc), Tân Xã Hội (Trần Đình Long), Vịt Đực (Tam Lang Vũ Đình Chí), Tân Thiếu Niên (Trần Tấn Thọ), Ích Hữu, Truyền Bá, Phổ Thông Bán Nguyệt San & Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Vũ Đình Long), Báo Mới & Trung Bắc Chủ Nhật (Phạm Lê Bổng), Bình Minh (Nguyễn Giang & Phan Quang Đán), Việt Nam (Trần Văn Tuyên), Tân Thiếu Niên (Trần Tấn Thọ), Tiểu Thuyết Thứ Năm, Hà Nội Báo (Lê Tràng Kiều), Hữu Thanh, Nhựt Tân, Tương Lai, Phụ Nữ Tân Văn, Việt Nữ…

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Tiếng Việt vừa dễ vừa không dễ

Hỏi : Minh Châu thường nghe nói như sau:
Hai mươi nhăm (25) hay mười lăm (15).
Vậy khi thấy con số 55, Minh Châu đọc là nhăm mươi nhăm thì có đúng khộng? Hay phải đọc là năm mươi lăm…? Con số 5 đứng một mình, tại sao không đọc là số nhăm?
Thuốc lá 555 chẳng lẻ đọc là nhăm trăm nhăm mươi nhăm sao?
Chỉ con số 5 thôi mà khó hiểu quá đi, thân mến.

Đáp : Chỉ có 1 vài địa phương ở Bắc mới đọc là “nhăm” .
Từ hằng chục trở lên chỉ có số 5 cuối đọc là ‘”lăm” hay ”nhăm” clip_image003
5 = năm
15 = mười lăm
x5 = hai mươi nhăm , ba mươi nhăm…chín mươi nhăm
555 = như thuốc lá 3 số 5

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Mai tứ quý

Ở miền Nam có mai tứ quý, còn có tên khác là mai Trường An.

Tích Lục Khải làm quan ở Giang Nam, nhân lính trạm mang thư tín về Trường An, ông bẻ một cành mai mang về cho bạn là Phạm Việt và đề thơ “Giang Nam vô sở hữu – Liễu tặng nhất chi mai”.

 

Chữ nghĩa làng văn


Nó tẽn tò, sợ vãi đái, nhịn như nhịn cơm sống. Lâu lâu gặp một bà Bắc kỳ đặc dùng lại nghe cũng sướng cái lỗ tai. Như : ăn phải đũa, ăn cơm khoán, ăn cơm tứ chiếng, ăn chực. Nào là bữa lưng bữa vực, rồi bà thổ ra, chả mấy khi…

Lại tiếp một lô chữ nữa ghi lại kẻo quên : cứ chõ mồm vào, le te chạy vào, bà đã mà cả mà cập, rõ mồn một, về muộn mấy, vào chơi cái đã nào, quái nhỉ, tối bức như lò than, người con gái trắng lôm lốp, con đi đằng này, đằng này là đằng nào, thở rít lên như tiếng bễ, gà gà mắt lên như người say thuốc lào, ông đã diện oách, một tay bốc trời, cài toàng xong, đi húi tóc, đi bờm đầu..

Rồi đến : châm đóm, thông điếu, xe đíếu, nõ điếu, quán đỏ đèn suốt sáng, bắt rận, bắt chấy, cứ bỏ rẻ, ta nhắm vài miếng, bà ấy hay ốm lửng, chẳng biết đâu mà lần, tôi chạy ù xuống bếp, tháng chạp còn gọi là tháng củ mật ( tháng trộm cướp như rươi ), mời ông đưa cay, những ngày rau lụi ( hiếm rau), giỗ sống rồi, nói không ngoa, được mấy nả, phần đầu gà má lợn , hôn nhân điền thổ, vạn cố chi thù, thế là cạch không ai dám hỏi, cạch đến già…

 

 

Thằng cù

Ngoài Bắc có câu:

“Thế nhân đãi kẻ khù khờ”.

Trong Nam cũng có câu tương tự:

“Lù khù có ông cù độ mạng”.

(Ông cù là ông cù lần chăng?)

 

Tục ngữ Ta và Tầu

Được voi đòi tiên, được con em thêm con chị

Thời lai vận lai, thảo lão bà đới cá nữ nhi lai

(Thời đến vận đến, đòi vợ mang luôn con gái đến)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Dấu chấm không đơn giản

Sau dấu hai chấm (:)….
Có trường hợp viết hoa. Có trường hợp viết thường.

Lắm khi rơi vào tình trạng…”chín người… mười ý “.
(Nguồn : e-cadao.com)

Trích…“Tập làm văn”

Đề: Hãy tả cụ già mà em rất kính yêu.

(Dưới đây là từng đoạn của mỗi em tùy theo lớp)

1/ – Hình dáng của bà nội rất là thấp, được hai mét rưỡi dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa. Tính tình cụ già rất là bực bội. Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.

2/ – Con mắt của bà tròn như hòn bị, mũi có hai cái lỗ, cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, có hai cái chân.

3/ – Bà 40 tuổi. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu. Khi cười miệng bà móm mém như miệng cái hố.

4/ – Khuôn mặt ông bầu bĩnh, đôi mắt ông như mắt bồ câu trắng, dáng đi của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim rất mãnh liệt.

5/ – Ông của em dài bằng 1 mét và không mập.

Biến đổi trong tiếng Việt

Ngôn ngữ không ngừng thay đổi theo thời gian, phát triển và thích nghi với đời sống của người sử dụng ngôn ngữ. Trong một bài biên khảo về sự biến đổi của tiếng Việt, cố giáo sư, học giả Lê Ngọc Trụ viết:

“Tiếng nước nào cũng có dòng sinh mệnh, sống, biến thái để tiến hóa về âm lẫn nghĩa. Và có lúc lại điêu tàn, hoặc hồi sinh để dùng vào một nghĩa khác”.

Nhận xét này thì các nhà ngữ học cho rằng ngôn ngữ phát triển theo quy luật tự nhiên. Dù bất cứ ở nơi nào, thời điểm nào, tất cả mọi ngôn ngữ phải trải qua các giai đoạn:

“Nẩy sinh, trưởng thành, hưng vượng, suy tàn và diệt vong”.

Nhưng ngôn ngữ không bao giờ bị hủy diệt hoàn toàn vì:

“Ngôn ngữ luôn luôn kế thừa cái cũ và phát triển cái mới”.

(Nguyễn Hữu Trí – Sự biến đổi từ vựng…)

Chữ Tầu, chữ Ấn Độ

Hỏi : Thân ái chào các bạn, nhờ các bạn chỉ giáo tự đâu có từ:
” Anh Ba ” (tàu)
– ” Anh Bẩy” (chà)
Hông biết có “anh hai”, “anh tư”, “anh năm” v.v. hông ? Xin đa tạ.

Đáp : Để tui dzìa tui hỏi tía tui à nha…

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Giai thoại làng văn

Cho mãi đến lúc tờ “Đông Tây” đóng cửa, tôi vẫn chưa được biết Tẩy Xìa Đái Đức Tuấn. Nói trộm vong hồn anh, qua những bức tranh nhái truyện Kiều in trên báo “Đông Tây” và mấy bài thơ, tôi rất lấy làm “bực” Tuấn. Vẽ cái gì mà nguệch ngoạc, nét chẳng ra nét, lời chẳng ra lời. Đến cái tên ký thì lại càng chướng quá:

Tê-chi-a là cái mốc gì? (TchyA): Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu, có lúc tán ra là “Tôi chẳng yêu ai”, có lúc lại bảo “Tôi chỉ yêu Angèle”. Còn cái anh Trần Quang Trân ký Ngym là Người yêu mợ (hay Người yêu mình) hoặc Vũ Trọng Phụng trong Số Đỏ “típ phờ nờ” (Typn có nghĩa là “Tôi yêu phụ nữ”)…

Đái Đức Tuấn, ngay từ buổi đầu gặp gỡ, đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của tôi. Là một tham tá trẻ măng làm việc ở sở Học Chánh, Tuấn là một nghệ sĩ tuyệt vời, tài hoa đến chân lông kẽ tóc, tài hoa một cái tài hoa thiên nhiên chớ không nhân tạo một ly nào. Ngay từ lúc đó, Tuấn đã mê thơ Lý Bạch, nhứt là hai bài “Hoàng hạc lâu” và “Tương Tiến tửu”. Và dường như thấm nhuần tính tình phóng túng trong thơ ca họ Lý.

Những lúc ấy, tôi không nhớ tới những chuyện như “Thần hổ”, “Tiếng ai khóc trong rừng khuya”, tôi không nhớ tới bao nhiêu truyện ngắn của Tẩy Xìa viết cho báo mà chỉ nhớ đến hai bài thơ dịch, một bài là “Hoàng hạc lâu”, và một bài là “Tương Tiến tửu”.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Chữ nghĩa lơ mơ lõ mỗ

Chim khôn chim đậu cành cao

Bướm khôn bướm đậu ngay vào đầu chim

Tiếng Việt trong sáng

“Cụm từ” và “nhóm từ”, người trong nước ghép chữ không theo quy luật nào cả như râu ông nọ cắm cằn bà kia. Vì từ Việt phải đi với Việt (cụm, nhóm), từ Hán phải đi với Hán (từ).

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Hủ qua

Ca dao có câu:

Hủ qua xanh, hủ qua trắng
Hủ qua mắc nắng hủ qua đèo
Thương em, thì anh làm giấy giao kèo
Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của em

Hủ qua đây là mướp đắng. Miền Nam gọi là khổ qua.

(Phụ đính: khổ qua là từ Hán)

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search