T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Khảo nan, khảo dị…


Một ngày với hoài bão nhập thế tục bất khả vô văn tự, tôi rủ một kỳ nhân dị tướng mới quen mà tôi gọi là “nó” ra quán cà phê Starbucks. Chả là trong bộ nhớ nó chứa cả một kho chữ, chữ nghĩa ngập răng nên tôi có ý đồ ăn mày chữ nghĩa nó để làm vốn với năng nhặt chặt bị. Nó đang ngồi trước mặt tôi đây, người ngợm đen thui lủi, dẹp lép, mặt mày thô vụng. Làm như từ tối hôm qua đến giờ nó nằm ụ trong phòng ốc đến mụ người nên gặp tôi là xăng xái bắt chuyện ngay. Nó nói liên tu bất tận, như sợ tôi nhẩy bổ vào dành chuyện ruồi bu của nó. Ai nó cũng quen biết, ai cũng là…”bạn”, ngay cả bạn đọc nữa. Nó chắc như cua gạch là vừa mới nói chuyện với bạn đọc hồi hôm. Và quái một nỗi, nó cứ huyếch là: Bạn đọc biết nó.

Tôi hỏi làm cái “espresso” chăng? Nó lắc đầu chỉ muốn ăn thịt chó. Vừa nhấp nhổm định đứng dậy ra quầy thì nó kéo tay giữ tôi lại. Và nó vồn vã hỏi một hơi: Nguyên tên họ và bút danh tôi là gì, thổ ngơi ở đâu, và…mất ngày nào? Tôi ớ ra là đang sống nhăn trước mặt nó đây. Nó lắc đầu cũng không sao và cũng đừng quá lo lắng: Vì một tác giả muốn lưu danh thiên cổ hay lưu xú ngàn năm thì cũng phải…chết trước cái đã. Tiếp, giống như Tác giả & Tác phẩm của lão Ngộ Không nào đó, nó nông nả về những “tác phẩm” của tôi. Thế là được thể tôi khoe mẽ với nó những bài viết như Vạn lý quan san, Điếu tôi ký sự, v..v…

Nó gật gù và loạy nhoạy hỏi tôi: Tại sao viết? Viết để làm gì? Viết cho ai?

Đầu tôi nhùng nhằng cái thằng rõ lẫn đẫn: Tại sao viết ư? Rõ ra tôi viết để tiêu pha thì giờ. Còn viết để làm gì? Nói cho ngay nếu tôi không viết thì tôi không biết làm gì. Và viết cho ai? Còn ai trồng khoai đất này, vay mươn nhời nhẽ một văn hào trời Tây đã nhận dạng…

Họ nói quanh co đấy thôi: Họ viết cho…cái tên của họ.

Như được gãi ngứa với văn dĩ tải đạo, tôi vặn chữ véo câu với nó qua đề tựa bài viết Vạn lý quan san : Chuyện là những ngày còn ở bậc trung học, tôi đậm đà với hai bộ môn sử ký và địa dư. Nay đất khách quê người với đường xưa lối cũ, tôi hay ngụp lặn với chữ nghĩa về một cõi u u minh minh nghìn năm mây bay của những người đi trước. Đại loại như những nhà biên khảo, sử gia miền Bắc tìm về nguồn gốc tộc Việt với chữ “lạc”. Ngòai nghĩa là lúa nước, còn có nghĩa khác là con chim. Giống chim này chỉ bên Tàu mới có. Ấy vậy mà chẳng ai biết là chim gì? Thế nên trong văn đàn bửu giám Thăng Long nghìn năm văn vật có ý ngờ rằng nó chân cao, mỏ dài: Vì vậy mới có chuyện chim lạc là chim hạc…rành rành trên trống đồng Ngọc Lữ. Một sử gia miền Nam…bay theo phóng bút: “Nếu biết là chim lạc là chim gì thì các ông đã không cãi nhau. Nếu không biết chim lạc là chim gì thì làm sao các ông biết rằng hình trên trống đồng Lạc Việt là…con chim lạc”.

Đột dưng nó vỗ đùi đánh đét một cái rõ to, rồi vén môi nói chữ, nó nhắng nhít nào là: “Bạn” viết hay, quá hay, quá đã. Giản dị mà khó hiểu. Khó hiểu mà giản dị. Nào là: “Đúng thế! Viết những điều đơn giản trở thành phức tạp, diễn giải những điều dễ hiểu trở thành khó hiểu mới là khó, mới là…thiên tài. Chứ viết bình thường dễ hiểu thì chó ai mà chả viết được.

Làm như tôi dành hết chữ của nó. Nó tào lao thiên tôn ngay là chạy trời không khỏi nắng, tôi là…nhà biên chế, biên chép không sai chạy. Nó ạch đụi: Giống như nhà văn, nhà thơ, muốn là một nhà biên chế, biên chép phải hội đủ bốn điều kiện tất yếu là tri thức bao la, tâm hồn nhậy cảm, vốn sống và cuối cùng là phải…biết chữ. Theo nó, cách duy nhất để cho tác phẩm…tra khảo, tra cứu có giá trị thì nhà biên khảo phải có tinh thần trách nhiệm với tác phẩm của mình. Suy luận chủ quan vô căn cứ là nguyên nhân dẫn tới sai lầm!

Tôi chưa kịp há họng hỏi dẫn chứng nào dẫn tới sai lầm của ai? Nó đã bồ bã dẫn dụ bằng vào bài viết Thư ngỏ gửi anh Nghiêm Xuân Hải dưới đây qua bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh đưa ra ý kiến phản bác luận điểm ông Hoàng Xuân Hãn. Với cuốn Chinh Phụ Ngâm dị khảo do ông khảo luận thì ông khẳng định bản dịch Chinh Phụ Ngâm lâu nay mọi người vẫn cho là của Đoàn Thị Điểm…nay đích thực là của Phan Huy Ích? Và chuyện như sau…

“…Bác Hoàng Xuân Hãn viết: Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm đã gửi thư cho báo Nam Phong, nói rằng bản Chinh Phụ Ngâm là “Cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm”. Nhưng từ đó, mặc dầu nhiều nhà khảo cứu yêu cầu, ông Phan Huy Chiêm chưa từng đưa ra văn bản ấy. Ầy là vì lẽ ông Phan Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi rồi. Mùa hè năm nay tôi được ông Phan Huy Chiêm nhờ người em họ gửi cho một bản nhưng tài liệu ấy lại không có văn bản gốc (nguyên văn thủ bút hay bản khắc ván chữ Nôm đầu tiên của dịch giả) mà đó chỉ là bản dịch Chinh Phụ Ngâm chữ Latinh (chữ Quốc ngữ) mà thôi! Hình như bản chữ nho và chữ nôm nay chưa tìm lại được.

Tôi thắc mắc là cho đến khi bác Hoàng Xuân Hãn viết xong bài “Tựa”, vậy mà nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ nôm của Phan Huy Ích, hóa ra bác đã khởi sự viết Chinh Phụ Ngâm dị khảo từ năm 1952 chứng minh rằng bản dịch xưa nay người đời gán ghép cho bà Đoàn Thị Điểm là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay…chưa có bản chữ nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng? Tài liệu để bác Hoàng Xuân Hãn chứng minh Chinh Phụ Ngâm (dịch) ấy quanh quẩn vẫn là tài liệu chữ Quốc ngữ của họ Phan.

Cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này (1970) ông Nguyễn văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc mà ông và bác Hoàng Xuân Hãn …đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ “đoán” vì trang cuối bài “Tựa” chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại bị mất nên bằng chứng này cũng chưa thể kể là “bằng chứng” đích xác, mà chỉ là phỏng đoán…”.

***

Mượn miếng trầu là đầu câu chuyện, tôi ủ ê: Vì ít lâu nay dài người nhai văn nhá chữ thì cũng phải tiêu hóa, thế nên tôi muốn trải dài trên giấy trắng mực đen những góp nhặt với sử thi. Rất ngay tình với nó, tôi không phải là nhà biên khảo với trích dẫn, tham cứu cùng hỏa mù niên kỷ, niên đại. Tất cả chỉ là vay mượn của những tác giả thành danh, đơn thuần chỉ là sao chép đến cô đọng và chẳng triển khai gì nhiều. Cuối cùng cũng đành để ngòi bút đẩy đưa theo bèo dạt nổi trôi về…một bến cô liêu. Tôi chưa tháo ống cống buông xả hết những gì mình muốn tha ma mộ địa, thi nó đã dẫn tôi lang thang lếch thếch lạc đường vào lịch sử…

“…Hạ bán thế kỷ XX, xuất hiện ở miền Nam, chẳng biết nhà biên khảo nào đưa ra “huyền thoại” Bùi Viện 2 lần đến Mỹ được tổng thống Ulysses S. Grant tiếp đón. Bùi Viện là ai? Có hai tài liệu chép sự việc này, tuy nhiên chi tiết lại khác nhau:

Theo nhà biên khảo Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ ghi Bùi Viện được phái qua Quảng Đông tìm cách thông thương với ngoại quốc. Tại đây ông kết giao với con lãnh sự Mỹ và được người này hứa đem qua Mỹ xin viện trợ chiến tranh để đánh Pháp. Bùi Viện về Huế xin phép vua. Vua chưa tin, phái ông qua Hồng Kông hỏi cho chắc chắn mới ban quốc thư. Sợ mất thời gian tính, Bùi Viện mạo quốc thư qua Hồng Kông. Chính phủ Mỹ đồng ý, Tự Đức không bắt tội, ban cho ông danh nghĩa chính thức qua Mỹ xin viện trợ.

Theo nhà sử học, biên khảo Thái Văn Kiểm, Bùi Viện nhận lệnh Tự Đức qua Hồng Kông tiếp xúc với lãnh sự Mỹ hy vọng dùng áp lực quốc tế chống lại âm mưu thôn tính của Pháp. Qua sự giới thiệu của lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, ông sang Nhật gặp lãnh sự Mỹ ở Yokohama. Từ đây, mùa đông 1873, Bùi Viện qua San Francisco được tổng thống Simpson Grant” tiếp kiến. Nhưng vì Bùi Viện không có quốc thư, nên Grant không hứa hẹn điều gì…

Cho tới đầu thế kỷ XXI, chưa một tài liệu nào chứng minh được Bùi Viện qua Mỹ :

Tại văn khố bộ ngoại giao Mỹ không có tài liệu nào về Bùi Viện qua Mỹ. Và nếu như được Grant tiếp kiến 2 lần sao không tại Washinton mà lại ở San Francisco. Điều này không thuận lý vì được một tổng thống Mỹ tiếp kiến chẳng phải là dễ dàng và không thể không có những dấu tích ngay từ hàng lãnh sự địa phương như Hồng Kông hay Yokohama.

Cùng văn khố Việt, theo Nguyễn triều châu bản Đại Nam thực lục chính biên với bút phê của Tự Đức. Có tất cả 10 tài liệu về Bùi Viện là Chánh quản đốc Nha Tuần Tả, đặc trách chuyên chở đường thủy. Ngoài Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ xuất dương, không có chứng từ nào khác liên quan đến Bùi Viện xuất ngoại qua Hồng Kông, Nhật hay tới Mỹ…”.

 

***

Tôi đang rối như canh hẹ với nhà biên khảo, nhà sử học gì mà nhiều quá thể, có kiêng có lành nên chẳng ai nhận mình là…nhà xác, nhà quàn cả. Xong bã trầu, vừa lúc nó dẫn xác tôi qua đến Nhật, Hồng Kông là hết đất, hết chuyện. Tôi thông ống cống tiếp với nó, vốn dĩ tôi là người hòai cổ, hay thả hồn quan san, quan hòai với ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương. Dẫu rằng lối xưa xe ngựa theo những bước chân đi của những người đi trước là sử gia, biên khảo, thế nhưng sử gia Fustel de Coulanges viết: “Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là một quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phiá…”. Giống con vạc ăn đêm, tôi chỉ nhìn được một phía nên chẳng thể thẩm định là đúng, sai với ”chim vạc là chim lạc” ở trên.

Dậu đổ bìm leo, tôi hỏi nó nhà biên khảo thông thiên bác cổ Thái Văn Kiểm cũng sa đà với cổ sử…Bùi Viện qua Mỹ sao? Nó khoát tay ấy là chuyện của…cụ Nguyễn Tuân!. Rồi mồm mép nó như tép nhảy với con vạc là chim lạc thì chẳng thiếu…con cò, để có thêm một nhà bác vật, gốc gác lang Tây, nên ông viết rất thử nghiệm, rất bệnh lý như thế này đây:

“…Để hiểu rõ cổ sử Việt ta, hãy đi tìm mã số DNA hay mã số di truyền học (genetic code) của vua Hùng vương. Muốn thế ta phải dựa vào bản thể của tế bào gốc của Tổ Hùng, tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của vua Hùng vương. Mẹ của vua Hùng là U cò tức con cò gió, cò lả, cò lang. Cò lang tức cò trắng vì “lang” là trắng như bị chứng lang da (chứng vitiligo). Ứng với Lang Hùng vương đóng đô ở Bạch Hạc tức cò trắng là kinh đô của nước Văn Lang. Nên con cháu Hùng vương mới mang hình ảnh “Cái cò lặn lội bờ ao – Phất phơ hai dải yếm đào gió bay…”.

Tôi vặn óc nghĩ không ra sao lấy được mã số DNA của vua Hùng vương? Bèn tung tóe hỏi. Nó làm như điếc đặc, lại bê thêm một cụ lang Tây vào chuyện và vặn vẹo với nhà biên soạn, nhà văn hóa Trần Ngọc Ninh trong sách văn học, biên khảo Tuyết xưa:

“…Người Việt-Nam từ hơn mười ngàn năm nay đã vào nông-nghiệp và tự tạo ra một cõi sống riêng, cố-định, đó là văn-hóa. Lại từ hơn bốn ngàn năm lập làng, trị nước (huyền thoại Sơn Tinh và Chử Đồng Tử) phân chia ruộng đất, biệt lập công-tư (huyền thoại bánh dày bánh chưng), đi vào sự văn-hiến. Ngôn-ngữ tư-tưởng phát triển. Khoa thiên-văn cũng đã chớm nở đi đến sự khám phá thấy sao Bắc cực là ngôi định-tinh cố định của bầu trời và do đó có thể phân chia thời gian để làm lịch (huyền thoại 18 đời Hùng-vương) và có lẽ đã đặt ra chữ viết dấu khắc trên trống đồng từ đời Hùng-vương thứ 15.
Tất cả các sự-nghiệp ấy của đời Hồng Bàng đã bị xóa trắng trong sự cai-trị hà-khắc và tàn-bạo của nhà Hán mà Mã Viện là tay sai đắc lực. Những di-tích nhỏ nhoi mơ-hồ mà ta còn thấy trên những đồ đồng hoen rỉ, trong ngôn-ngữ, trong huyền-thoại, trong ca-dao, trong phong-tục, trong nếp-sống của người dân Việt ở thôn quê hay rừng núi là những bằng-chứng cao-quí của một lòng trung-dũng bền vững như nhật nguyệt của người con Việt qua những thế-kỉ điêu-linh nhất của lịch-sử…”

Tôi đang bội thực với ngôn từ ngập siêu thực, đầy ấn tượng của nhà tư tưởng, nhà huyền thoại Trần Ngọc Ninh vì chả hiểu nhà học thuật bác sĩ muốn nói gì với ngôn ngữ bác học trên. Thế nhưng có túc duyên được đàm trường viễn kiến với nó, tôi cũng đắn đo và ngại ngùng khi đụng tới mấy cái trống đồng. Vì có một số người cho nó là một hình tượng (totem) của một dân tộc, như một điều kỵ húy (taboo) để có một nhà văn hóa lão thành đã hờn mát: “Phủ nhận trống đồng là có tội với tổ tiên” vì “Trống đồng có từ thời Hồng Bàng”. Làm như đi guốc dẵm cứt vào đầu tôi, chẳng đợi tôi vén môi nó đã cập rập chuyện huyễn hoặc này theo nó thì bắt nguồn từ…chuyện cổ tích được kể lại rằng:

“…Công chúa con vua Hùng Vương thứ 15 một hôm ra bờ biển du ngọan, thấy sóng đánh dạt vào bờ một cái trống đồng, trống chỉ một mặt không có đáy, hình thắt cổ bồng. Thấy vật lạ bèn mang về kinh trình vua cha. Xem xong, vua Hùng Vương ra lệnh cho gọi tất cả thợ đúc đồng về kinh đô, cứ theo trống đồng mẫu mà rập khuôn ra…1900 cái…”.

Nước ao mà vỗ lên bờ với triết gia, linh mục Kim Định. Chả hiểu bòn vót từ đẩu từ đâu qua Sử Ký của Tư Mã Thiên với bên cạnh Sở là nước Việt của Câu Tiễn. Để học giả bác sĩ Trần Ngọc Ninh dằng co với chữ nghĩa: “Phải chăng Phạm Lãi và Tây Thi cũng là người Việt . Kéo theo Lão tử mà theo văn học sử Tàu thì gốc gác trước kia vốn dĩ lờ mờ, gần đây chỉ biết lơ mơ là người nước Sở, hình tượng lại cứ nhàn nhã thích ngồi trên mình trâu, phe phẩy quạt ngao du sơn thủy. Thế nên được môn sinh của triết gia Kim Định với triết thuyết “An Vi” với cái gì của tộc Việt cũng nhất. Thế nên Lão tử được làm…người Việt luôn.

“…Triết gia Kim Định để lại bộ triết Việt Nho và An Vi, gồm 42 cuốn, ngót 8000 trang, mở ra kỷ nguyên mới cho văn hóa dân tộc. Những năm học ở Chủng Việt Giáo hoàng tại La Mã và Học viện cao học Trung Hoa tại Paris đã giúp ông có điều kiện thu nhận khối tri thức khổng lồ về văn minh nhân loại. Có thể nói là, ngay bước khởi đầu, triết gia Kim Định được trang bị năng lượng tri thức ở tầm mức hàng đầu của nhân loại. Trong khi phần lớn học giả trong nước phải lần mò chủ yếu trên những trang cổ thư Trung Hoa cùng một vài tài liệu phương Tây hiếm hoi thì triết gia được bơi trong biển kiến thức mênh mông về phương Đông mà phần quan trọng đã được giải mã theo nhãn quan khoa học của các học giả phương Tây.

Sau đó, trong suốt cuộc đời, triết gia Kim Định đã không ngừng tự học, trang bị cho mình những tri thức mới nhất của nhân loại từ khảo cổ học, nhân chủng học, văn hóa học, ngôn ngữ học, phân tâm học, huyền học, hiện tượng học, cấu trúc luận và những kiến thức của khoa học vật lý hiện đại…Chính nhờ vậy, cái nhìn của triết gia không bị giới hạn trong phạm vị khu vực hạn hẹp mà là cái nhìn toàn thế giới với nhãn quan khoa học liên ngành.

Từ chứng lý rất mong manh, triết gia Kim Định cho rằng, chính người Việt là chủ nhân của kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc… Không những thế, tiếng Trung hoa và cả chữ vuông Hán ngữ cũng là của người Việt! Đề xuất của triết gia Kim Định quả đã gây chấn động, như sấm giữa trời quang khiến những đầu óc yếu đuối hoảng hốt và chống trả triết gia quyết liệt.
Bằng những chứng cứ không thể tranh cãi, chúng ta đã chứng minh được rằng, không chỉ Dịch, Thư, Thi… là sáng tạo của người Việt mà tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Trung Hoa. Không những thế, chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên…chữ Trung Hoa…”.

***

Hết nhà bác học, bác sĩ Trần Ngọc Ninh, đến triết gia, linh mục Lương Kim Định làm tôi bá thở với một mảng văn chương chữ nghĩa bác học, bác vật. Khiến óc tôi nát như tương bần với: Huyền học, hiện tượng học, cấu trúc luận, ngôn ngữ học, phân tâm học, v…v…Thế nên tôi cứ chữ nghĩa nhà quê đặc với nó là mới đây thửa được quyển Sử Việt, đọc một quyển của sử gia tân đương đại Tạ Chí Đại Trường. Ông chổi cùn rế rách là: “Hình như lời người viết sử nói chuyện với…ma”. Ông quét nhà ra rác thêm: “Té ra khi đọc sách, người ta chỉ đọc những gì muốn thấy. Chứ không phải những gì thực sự hiện ra qua những dòng chữ. Khoan nói tới nhưng gì phía sau các dòng chữ ấy nữa”. Nên tôi thậm thụt với nó, tôi chỉ là người sưu khảo, sưu tầm. Tôi muốn khảo nan, khảo dị những sử kiện tồn nghi cần phải cẩn án như mắc mớ gì người An Nam ta là ông hoạn quan Nguyễn An bị nhà Minh bắt sang Tàu xây Tử Cấm Thành ở Đại Đô (Bắc Bình). Và cớ sự gì lại không có…chuồng xí.

Số là tôi đang táo bón với sử liệu, sử kiện thì đủng đỏang thế nào chẳng biết nữa: Một ngày không nắng thì mưa…thì lạc đường vào chữ nghĩa với bài viết dân tộc Kinh cũng ở bên Tàu, không ít thì nhiều dây mơ rễ má đến sử kiện, địa chí. Giống như những gì tôi lọ mọ qua sử thi bấy lâu, tôi như lạc vào mê hồn trận với sử gia, biên khảo chẳng khác gì khói lửa kinh thành với nhất tướng công thành vạn cốt khô, cùng mỗi người mỗi niên đại, niên hiệu khác nhau. Hết cuộc binh đao, nỗi buồn chạm mặt là gặp mấy học giả, hành giả cùng địa danh bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí mù mịt như bát quái trận đồ xa tắp mù khơi:

“…Chuyện là theo ông sử học họ Vương ở Vân Nam thì người Kinh ta từ Đồ Sơn sang nước ông vào khoảng thời Hậu Lê, khoảng hơn 500 năm. Họ lập 3 làng ở Tam đảo, dựng chùa Linh Quang vì có mang theo một chuông đồng đúc năm 1787 và miếu thờ tướng quân Mã Viện đời Hán. Kinh tộc phần lớn nói giọng Quàng Đông, viết chữ Hán…”

Nghe đến tên biên khảo, biên chế tàu tàu như lân thấy pháo. Nó tỷ tê chữ nghĩa đầy hiện thực rằng nhà sử học họ Vương với vô thức và vô thức tập thể thôi thúc viết. Vô thức “tôi”, vô thức tập thể cộng đồng Kinh tộc “tôi”. Tôi căng tai ra mà nghe nó nói đến vẹt cả miệng với cái “tôi” của nó. Xong, nó đẩy đưa bài viết của một nhà học giả Hà Nội là không phải 3 mà có tới 6 làng. Và để có nhiều…sử liệu, nhà học giả tiếp nối chuyên chở chữ nghĩa như âm bản của ông sử gia Tàu qua bài viết tựa đề Dân tộc Kinh ở Quảng Tây:

“…Sau một thời gian điền dã ở Kinh đảo, tôi thấy có 6 làng định cư từ 5 đến 10 đời mà tổ tiên họ từ Đồ Sơn, di cư sang Quảng Tây. Tôi không tìm thấy còn ai nói tiếng Việt nữa, một cụ già đã trên 70 tuổi kể lại tổ tiên cụ nói được chữ Nôm, người Trung Quốc gọi là Tự Nam. Làng có chùa và đình miếu, chùa có chuông đồng đúc năm 1787, đình thờ Phục Ba tướng quân, đức thánh Trần, bà Chúa Liễu. Nhưng họ vẫn giữ văn hóa dân tộc biểu hiện qua ăn cơm với đặc sản nước mắm, phụ nữ ăn trầu và đặc sắc là lời ca tiếng hát đối đáp trữ tình mà người Trung Quốc gọi là Hát Muội với cái đàn bầu là độc hữu Kinh tộc…”.

Bỗng nó xuống tông nhưng không quên “cái tôi” của nó, với một vũng tang thương nước lộn trời: “Tôi” đã đọc, nói chung là tốt. “Tôi” thực sự bị ấn tượng. Quá xuất sắc. “Tôi” thật sự bị choáng. Toàn bộ số phận người Kinh ta là bi kịch vĩ đại. Tình tiết éo le đẫm nước mắt mà không hề bi lụy. Từ đầu tới cuối văn phong thấm đẫm chất văn hậu hiện đại. Đặc biệt phong cảnh 6 làng hiện lên với vẻ bi tráng nên được hiểu như những nhân vật, những số phận.

Xong, nó hỏi tôi chuyện Kinh tộc còn gì nữa? Tôi ngắn dài về chuyện góp gió thành bão, là thêm một nhà biên khảo sống ở ngòai nước và gốc gác cũng lại là cụ lang Tây. Cụ Lê Văn Lân sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm nên cụ có bài viết Ba làng Việt tộc trong nội địa biên thùy Trung Quốc rất ư nhân sinh, nhân bản:

“…Trươc hết là tỏ một mối tình thâm trầm man mác đối với những người vốn là đồng tộc với chúng ta nhưng vì hòan cảnh lịch sử xa xưa lại không còn ở chung một địa bàn, địa lý với chúng ta. Sau chúng ta có dịp sưu tầm những di sản quý báu mà những người Việt này còn lưu giữ sau 500 năm xa lìa quê hương bản gốc như 30 điệu hát đúm…Thống kê năm 1982, Kinh Việt tộc có 11.995 người, hồi trước là một bộ phận của nòi Lạc Viêt…”

Ngỡ xong chuyện, nhưng ắt hẳn chỉ đợi có vậy, nó mở máy nói ngay tức thì, miệng trơn như tráng mỡ với giọng lưỡi ngập văn vẻ tân hình thức: “Tôi” đặc biệt “đánh giá cao” đoạn biên khảo trên mang dáng vừa siêu hình, vừa là đỉnh cao của trường phái… hiện hình. Tất cả có kết cấu đa tầng, đa thanh, giống… giống với kết cấu giao hưởng Chiến thắng sông Lô của…Betnhetoven. Về mặt tổng thể, đây là một siêu văn bản nói lên cái siêu nhiên để qua đó khẳng định cái siêu “tôi”. Tóm lại là cái siêu “tôi” thật tuyệt. Tuyệt vời trên cả tuyệt vời.

Tôi nghe thủng xong, nhưng vẫn chưa xong, miệng nó dẻo như kẹo kéo : “Bạn” cho biết “cảm giác” về hiện tượng này. Tôi chưa kịp cho nó hay…cảm tưởng chứ không phải cảm giác thì nó hoắng lên: Mà nhà biên khảo ngoài nước đọc một tài liệu biên khảo liên quan tới Việt sử…hiện hình ở trong nước. Hãy tự hỏi sự thật đúng được bao nhiều phần trăm?

Dù nó nói “xúyt hay” cách nào chăng nữa, tôi đành nghĩ dại nó có đổi mới tư duy chẳng phải chuyện của tôi. Chuyện tôi đang lụi đụi là qua chuyện tổ tiên họ di cư, với gồng gánh tay xách nách mang mà họ còn khuân cả chuông đồng đúc năm 1787 theo?

***

Làm như thân quen từ thời tiền sử, nó vỗ vai tôi rất ư thảm thiết và đá thúng búng nia rằng bài thiên biên ký sự Vạn lý quan san của tôi viết như… “ký”. Như cụ Nguyễn Tuân. Nó chộn rộn chàng ràng và nói cứ ngược lên tận mái ngói: Viết biên khảo, hay ký phải đọc nhiều. Thượng vàng hạ cám, đọc tuốt. Đọc xong phải có cái ý của mình, ghi lại. Đó là kinh nghiệm viết. Ký phải có nhân vật. Nhân vật không bị gò bó trong không gian, thời gian. Biên khảo không bắt buộc phải có nhân vật, hay đúng ra chỉ có bóng dáng của nhân vật. Nên nhân vật không cần có lý lịch rõ ràng. Ký ghi sự việc, ẩn ẩn hiện hiện thoáng một tý hình ảnh một nhân vật nào đó như cụ Nguyễn đã từng. Không có tài không viết được.

Nó láo quáo là tôi đừng nghe ai đó nói ký là truyện, không đúng. Hiểu không? Tôi chưa kịp hiểu thì nó lanh chanh: “Thì chuyện ký đây”. Rồi bỗng khi không nó ư hử:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái bóng gương Tây Hồ

Nó chép miệng một cái bép vậy mà nhà biên khảo tiến sĩ, thạc sĩ Vũ Quốc Thúc trong bài khảo luận: Gió đưa cành trúc la đà. Nhà biên khảo Tây học luận cứ: “Tuy nhiên khi bàn về một đề tài liên can tới văn học sử, chúng ta cần phải khách quan và tôn trọng tinh thần khoa học”. Vậy mà ông khách quan và tôn trọng tinh thần khoa học là: “Tất nhiên những người gốc miền Trung đã sửa lại tiếng chuông Trấn Vũ thành tiếng chuông Thiên Mụ’’. Ông Nghè Tây học nào có hay bài thơ từ trong cuốn “Dương Gia Phả Ký” của Dương Khuê.

Và nguyên văn bài thơ có tên Hà Thành tức cảnh :

Phất phơ cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Dịp chày An Thái bóng gương Tây Hồ

Chuyện là ngày 10-4-1918, lần đầu Phạm Quỳnh ghé chốn Thần Kinh, sau đó viết…”bút ký” Mười ngày ở Huế đăng trên tạp chí Nam Phong. Qua ký, ông viết: “Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu thơ ấy. Chùa Thiên Mụ là một danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước mà cảm đặt thành câu ca”. Và Phạm Quỳnh đã sửa lại là: Gió đưa cành trúc la đàTiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.

Ông Nghè Tây học và Phạm Quỳnh không những sửa từ ngữ, còn đổi tên bài thơ là Gió đưa cành trúc la đà dựa vào tập Văn đàn bửu giám 1926-1938 mà bài thơ có tựa đề là Hà Nội tứ cảnh và sau đó là Hà Nội tức cảnh. Hiểu không?

Bao giờ cuối câu nó cũnng hỏi tôi hiểu không? Và tôi hiểu theo tôi là cụ Dương Khuê, ông Nghè đời Tự Đức đã gợi hứng bài Hà Thành tức cảnh từ bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế đời Đường. Thêm nữa, chả là tôi đang ngô không ra ngô, khoai không ra khoai với viết ký là…ký gì? Như sợ tôi hỏi mất dịp để nó khua môi múa mép về chuyện biên khảo của nó. Nó bèn nhét vào tai tôi: Trong bộ Văn Học Miền Nam, tác giả điểm tất cả bộ môn văn học nhưng bỏ qua biên khảo vì ông cho là bộ môn này không có tính cách sáng tạo mà thuộc về học thuật. Học thuật theo nó là học giả, là những người viết có học vị cao, nghiền ngẫm cả chục cuốn sách để cô đọng vào tác phẩm của họ. Qua một bài viết Cái khó khăn của người biên khảo, tác giả khác cho hay khi làm công việc biên khảo bởi một người khó tránh được lỗi lầm. Những sai sót mà những người viết sau căn cứ vào những chi tiết sai lầm đó để viết thành một tác phẩm khác sẽ trở nên một dây chuyền sai lầm mãi mãi.

Và mồm miệng nó cứ “tanh tách” như pháo xiết với chuyện nhà biên khảo nào đấy đã sai lầm khi cứ đổ vấy cho ông Đồ Gàn có hai câu thơ vay mượn từ ca dao. Ấy là nhà thơ Bàng Bá Lân. Vì họ không đi tìm nguyên bản câu thơ của nhà thơ như tác giả Nguyễn Đỗ:

“…Năm 1972, một anh bạn nhà văn rủ tôi đến thăm ông Đồ Gàn ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý. Ông nói chuyện với chúng tôi về thơ, văn học, văn chương truyền miệng.

Đợi ông xong, tôi mới nói chen vào, trong ca dao tôi rất thích hai câu:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi


Ông bảo 2 câu đó gần giống 2 câu trong bài thơ lục bát gồm 12 câu của ông. Và chỉ khác với câu 8 mà tôi vừa dẫn trên là: “Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”. Ông giải thích: Không thể “múc ánh trăng vàng” mà là “múc trăng vàng” ở dưới nước. Khi cái gầu cô gái trong câu ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, sóng sánh cùng với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng và múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó.
Theo tôi, quyển Ca dao tục ngữ Việt Nam của Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản sau năm 1955 ở miền Bắc, còn Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan…”.

Sáng tai họ điếc tai cầy, trong đầu tôi cứ bám như cua cắp với tác phẩm biên khảo Cái hay của tiếng Việt qua tục ngữ, ca dao của Bàng Bá Lân. Ấy vậy mà chẳng lẽ ông không nề hà đến hai câu ca dao trong sách Vũ Ngọc Phan? Bèn hỏi nó cho ra nhẽ! Mặt nó nhăn nhúm như táo tầu khô là nhà thơ Bàng Bá Lân nếu như có dựa vào ca dao để đi tìm cảm hứng thì đã có sao đâu? Vì tự cổ chí kim, người thơ dựa vào ca dao để làm thơ, sửa chữ là chuyện …đời thường. Như Hữu Loan qua Mầu tím hoa sim với “Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…”. Hoặc giả như Bà Hồ Xuân Hương, với bài Mời trầu có hai câu thành ngữ xanh như lá và bạc như vôi được vay mượn mang vào thơ Đừng xanh như lá, bạc như vôi. Hoặc như “Bảy nổi ba chìm với nước non” của bài Bánh trôi nước, v…v…

***

Những điều cóc cắn này tôi chẳng thấy nhiễu sự gì cho mấy. Không đợi tôi chia sẻ “cảm xúc” với nó. Nó đã táo tác cả lên như không có tôi ngồi trước mặt: Trở lại vấn đề biên khảo, nếu muốn tránh khỏi mắc những lỗi lầm là một chuyện vô cùng khó khăn dù là cuốn biên khảo được soạn thảo nhiều năm. Nguyên nhân chính là sự tin tưởng hoàn toàn vào tài liệu, không cân nhắc kỹ càng hay tham chiếu. Sự thận trọng và không tự mãn là những đức tính cần thiết. Vừa lúc nó ngừng lại một chút để thở như bò thở…Thế là tôi túm tó hỏi nó ngẫu sự về mấy bài thơ mà râu ông nọ cắm cằm bà kia giữa Bà Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan . Làm như đợi dịp này từ thưở tám hoánh nào rồi, nó đầu chỏ xuống cuống trở lên là:

“…Xưa văn nhân làm thơ truyền tay nhau, những nữ lưu trong văn học không lấy bút hiệu và họ thường gọi bằng tên tục. Bà Huyện tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Chữ Hán “Hinh” là “Hương” để thành tên. Bà Hồ Xuân Hương có Lưu Hương ký do ông cử nhân Nguyễn Văn Tú người làng Hành Thiện, phát hiện trong tủ sách gia đình. Từ văn bản này “Lưu” là huyện Qùynh Lưu và Hương là tên gọi. Tên tục bà là Phi Mai, Xuân Hương và Phi Mai được hiểu là hoa mai bay trên hồ với hương xuân. Trong bài Mời trầu, bà tự ví “Này của Xuân Hương đã quệt rồi”. Vì vậy lâu nay những uẩn khúc thi phẩm của hai bà có thể vì tên “Hương”?

Ngoài ra những người đi sau hay đổi tựa đề của thơ của hai bà. Như trong tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thi của bà Huyện Thanh Quan có bài thơ tựa đề Trấn Quốc Tự . Trong khi bài thơ nôm cũ nhất Chùa Trấn Bắc mà Muaurice(?) trích lục từ nguồn nào chẳng ai hay lại gán ghép cho bà Hồ Xuân Hương (đúng ra là “đền” chứ không là “chùa”). Thêm nữa, đền Trấn Quốc, năm 1884, Thiệu Trị ra Bắc Thành nhận sắc phong của nhà Thanh mới đổi ra là đền Trấn Bắc. Trong khi bà mất năm 1822. Cùng lúc ấy đi theo Thiệu Trị có người anh là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Ông làm bài thơ Viếng Mộ Xuân Hương có hai câu “Chớ trèo qua mộ Xuân Hương – Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng “. Cũng có thể vì vậy nên ông Tây Muaurice cho là bài “Chùa Trấn Bắc” là của bà chúa thơ Nôm?

Lại nữa, Bà Huyện Thanh Quan còn có bài Đền Trấn Vũ (còn có hai tựa đề khác là “Qua đền Trấn Vũ” hay “Viếng đền Trấn Vũ”. Vì vậy bài Chùa Trấn Bắc có thể là bài Trấn Quốc Tự. Nếu như vậy cả hai bài Chùa Trấn Bắc Đền Trấn Vũ đều là của Bà Huyện (trừ câu chót của cả hai bài bị sửa đổi vì người sau muốn gán ghép cho Bà chúa thơ Nôm). Vì Bà Huyện từng có hai bài gần gần như nhau là Cảnh chiều hômChiều hôm nhớ nhà.

Riêng bài thơ Thăng Long có hai tên Thăng Long thành hoài cổThăng Long hoài cổ.

Bài này dựa theo Xuân Hương thi tập lúc đầu có tên là “Quá phu quân cố lị cảm tác” diễn nghĩa là Qua chốn chồng làm quan cũ. Có nguồn cho rằng bài Quá phu quân cố lị cảm tác là bà Huyện hoài Lê qua cố đô Thăng Long, qua ông Huyện Thanh Quan. Vì Gia Long đổi tên là Bắc Thành 1801 (Bà Hồ Xuân Hương thuộc thời Gia Long), sau Minh Mạng 1831 đổi tên là Hà Nội (Bà Huyện Thanh Quan thời Minh Mạng). Vì Thăng Long là cố đô, bà không cho là “thành” như Bắc Thành. Nên với Bà Huyện Thanh Quan phải là: Thăng Long hoài cổ…”

Vẫn bộ mặt nhăn nhúm, nó đào sâu chôn chặt với sách vở tam sao thất bản:

“…Bà Hồ Xuân Hương, sớm nhất có Xuân Hương thi tập thời Minh Mạng. Sau này

có những bản chép tay như Quốc Văn Tùng Ký soạn vào thời Tự Đức, đến đầu Duy Tân thêm Xuân Hương thi sao, Tạp thảo tập, Quế Sơn thi tập, Xuân Hương thi vịnh, Liệt truyện thi ngâm, Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập và…Hương Đình Cổ Nguyệt Thi.

Uẩn khúc ở điểm, khi những nhà sưu tầm làm công việc sưu tập thơ bà chúa thơ Nôm thì Hương Đình Cổ Nguyệt Thi của Bà Huyện Thanh Quan lại nằm trong danh mục trên.

Ấy là chưa kể tất cả chỉ có tên của thi tập chứ không có nguyên bản của tác phẩm thơ. Lại nữa, những người đi sau cho thêm vào những bài không rõ xuất sứ của ai đó theo ý mình. Thế nên cho đến nay Bà Hồ Xuân Hương có từ 84 đến 213 bài. Và Bà Huyện Thanh Quan có từ 5 đến 8 bài. Phải chăng vì ít thi phẩm, nên Bà Huyện chỉ được biết đến khoảng năm 1940 qua Cao Xuân Huy (con của Cao Xuân Hạo thập niên 1930) nhờ tìm được trong thư tịch của tập Cao Xuân Dục, chánh chủ khảo trường thi Nam Định 1897 thời Đồng Khánh. Cao Xuân Dục đã tìm thấy trong tủ sách gia đình Trần Xuân Hảo ở Nam Định tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thi. Và Bà Huyện Thanh Quan cũng mới chỉ biết đến sơ sài qua Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (?) cũng vào năm 1940…”

***

Khi không nó đá thúng búng nia, nó lưỡi đá miệng lách tách như ngô rang: Mắc mớ gì bạn phải theo ông “Sử Việt, đọc một quyểnviết biên khảo theo lối viết sử truyền thống với tham luận, tham khảo cho nhọc sức. Tôi chưa kịp trả lời là tôi chỉ…đọc chữ thôi. Như sợ tôi ngốn hết chữ của nó, nó lóng chóng: Vậy thì bạn cứ viết ký như cụ Nguyễn đi. Có người hỏi cụ làm thế nào để viết ký cho hay, không nhạt. Cụ cho rằng phải có vốn văn hoá, vốn kiến thức. Kiến thức lịch sử, địa lý. Cũng như ký, viết sử thì không phải cứ có tài liệu nhiều mà đủ. Phải viết có hồn. Có tài liệu và có hồn. Hay nói khác đi hãy để cái hồn vào bài viết.

Lễnh đễnh thế nào mà đang ngồi ngay trước mặt tôi, đột biến nó biến mất hồi nào chẳng hay. Giống như đang gõ bài vở trước máy vi tính, máy bị nhiễu với hình ảnh ở đâu nhẩy bổ vào. Thế nhưng nhẩy nhổm vào máy lúc này lại là…cụ Nguyễn Tuân. Cụ khăn đống áo dài, đi giầy Gia Định, tay chống cái gậy chống trời, rất nho phong sĩ khí, rất thoát tục một cõi, rất phiêu diêu…miền cực lạc. Ngỡ nó nắc nỏm mang cụ Nguyễn ra dọa dẫm, bỗng thành hiện thực, chỉ khác một nhẽ quán cà phê bây giờ thành quán nhậu chữ nghĩa. Trước mặt cụ Nguyễn là một cút cuốc lủi, một đĩa lạc rang và một đĩa tiết canh. Cụ khẽ đánh mắt với tôi rồi lấy cái gậy chống trời đập đập khe khẽ vào cạnh bàn kêu thêm đĩa chả chìa nướng.

Rồi cụ dóng dả hỏi: Dào, cậu vác xác đi đâu thế! Tôi nhúm nhím là vừa học nó với biên khảo đi với ký, như thịt chó với lá mơ. Chứ biên khảo không đi với tùy bút. Cụ chép miệng và mắng nó là cái thằng nói láo, chả biết chó gì. Vì ký là ký sự, là ghi chép, ít cảm tính. Cụ gật đầu tắp lự là nó chỉ nói thánh nói tướng thôi. Vì tùy bút khác ký. Với tùy bút người viết mặc sức để ngòi bút…tùy tiện lan man mang tâm cảm, tâm thức của mình vào bài viết. Lấy đũa gắp miếng chả chìa để khơi khơi ngang tầm miệng, tay với cút rượu và tiếp: Thế đấy, viết biên khảo vung vít với tùy bút thì lại khác, là một kiểu nhậu khác: Nhậu…văn chương.

Như cụ hay Vũ Bằng chẳng hạn: Trong khi Vũ Bằng mô tả cảm giác, cảm xúc về những món ăn và thức uống ấy, cụ lại đăm đăm nghĩ ngợi về ý nghĩa văn hoá và lịch sử của chúng. Vũ Bằng cảm, cụ luận. Vũ Bằng khai thác độ nhạy bén trong tâm hồn, cụ khai thác sự rộng rãi của kiến thức, sự sắc sảo của trí tuệ. Nói cách khác, tuỳ bút của Vũ Bằng có tính chất …tuỳ bút. Thì tùy bút của cụ gần với bút khảo, hơi nghiêng về phân tích một hiện tượng, hay phân tích tính cách nhân vật giữa những biến động của lịch sử.

Cụ Nguyễn nhong nhóng mắt với cút cuốc lủi, và rập ràng:

Dào, cái thằng bạn của nợ của cậu múa mép là viết ký cho hay, phải có kiến thức lịch sử, địa lý và phải có vốn văn hoá, vốn kiến thức. Nói cho ngay thì cũng đúng thôi như Tiến sĩ Hàn lâm Hương Giang Thái Văn Kiểm viết trong Thân thế và công nghiệp nhà Tây Sơn:

“…Thời Nam Bắc phân tranh, quân nhà Nguyễn phải triệt thoái Nghệ An họ mang theo dân để khai khẩn đất hoang. Trong số những người di dân ấy có ông tổ 4 đời của Nguyễn Huệ vốn họ Hồ là Hồ Phi Phúc. Như thế họ Hồ có thể cùng họ với Hồ Quý Ly. Và Hồ Quý Ly xưng là hậu duệ của vua Đường Ngu bền Tàu, cho nên đặt nước Nam là Đại Ngu.

Hồ Phi Phúc nhớ quê cha đất tổ Nghệ An, khi vợ ông sinh 3 người con trai. Ông lấy họ vợ là Nguyễn đặt cho con. Và lấy 3 ngọn núi lớn nhất trong 99 ngọn Hồng Lĩnh là Đại Nhạc, Đại HuệLữ Sơn đặt tên cho con để nối dõi tông đường”.

Ực một cốc cuốc lủi, cụ nheo mắt mà rằng ông thông thiên bác cổ Thái Văn Kiểm này cũng hay, làm gì phải xưng danh Tiến sĩ Hàn lâm Hương Giang cho nhọc sức, rồi tiếp:

“…Năm 1789, sứ giả nhà Thanh sang trao sắc phong cho Nguyễn Huệ. Vua Càn Long tặng vua Quang Trung cái áo bào thêu kim tuyến 7 chữ: “Xa tâm chiết trục đa điền thử”. Với cái chết bất ngờ của vua Quang Trung, quần thần cho là Càn Long đầu độc Nguyễn Huệ qua cái áo bào có tẩm thuốc độc. Sau này nhà chiết tự tìm ra ý nghĩa thâm sâu của 7 chữ: “Xa là xe, tâm là lòng, ghép lại trên dưới là chữ Huệ. Chiết trục là xe bị gãy trục. Đa điền thử là ruộng nhiều chuột. Ý rằng Nguyễn Huệ chết trong năm chuột, năm Nhâm Tý 1792. Tất cả chỉ vì Nguyễn Huệ gửi người làm vua giả sang yết kiến Càn Long, vua Tàu tưởng thật tiếp đón trọng thể còn cho cho nhiều tặng phẩm trong đó có bức tranh truyền thần…”.

Vừa nhai miếng chả chìa, cụ vừa nhai chữ rằng đúng là chó cắn áo rách ông Hàn Lâm: Cái áo bào tên “Kim hoàng mãng bào”, giống mầu vàng đậm của vua Càn Long, chỉ khác con rồng với con rắn chúa thêu kim tuyến. Cụ Nguyễn phởn phơ là ông Hàn này rõ rách chuyện. Số là ngay trang đầu bài viết Thân thế và công nghiệp nhà Tây Sơn, ông Hàn Lâm nhồi nhét bức vẽ truyền thần vua Quang Trung. Bức này sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí viết: “Đến khi lạy tạ xin về, vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho, ân lễ rất trọng hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ”. Ấy là Càn Long cho người vẽ Quang Trung giả là Phạm Công Trị và bức tranh được sứ thần Nguyễn Quang Hiển mang về. Đó cũng là hình vẽ mà miền Nam trước 75, mô phỏng chân dung Nguyễn Huệ in trên tiền giấy 200 đồng. Thế nhưng ông Hàn Lâm và những nhà học giả, học thật nào đâu có hay: Năm 1739, bức chân dung trên do họa sư Giuseppe Castiglione vẽ…vua Càn Long khi vua Tàu 28 tuổi.

Nhân chuyện lộn người này qua người kia như Bà Hồ Xuân Hương với Bà Huyện Thanh Quan. Trong đầu tôi bật ra câu hỏi với nhà biên khảo bác sĩ Trần Ngọc Ninh phải chăng Ngu Cơ, Hạng Võ và Hoa Đà biển thước cũng là người nước Việt chăng? Cụ ực thêm một cốc cuốc lủi, nuốt vội miếng thịt nướng và than rằng hết tiến sĩ, bác sĩ đến…Hoa Đà biển thước. Cụ lắc đầu ngán ngẩm rằng trăm tội cũng ở ông thông thiên bác cổ Thái Văn Kiểm, vì từ chuyện vua Quang Trung bị đầu độc thì có hai ông bác sĩ. Một ông viết một bài trang giang đại hải qua tích Hoa Đà biển thước “mổ xẻ” vết thương cho Quan Vân Trường không đau là nhờ thuốc Nam như thuốc tê. Gà tức nhau tiếng gáy, một ông bác sĩ khác viết rất bài bản để tìm hiểu “bệnh lý” tại sao Từ Hải lại chết đứng chứ không chịu chết…nằm.

Cụ rề rà mấy ông này ắt hẳn vật lộn với chữ nghĩa vì cái danh của họ cũng nên! Nào có khác gì…tôi. Mà thiếu giống gì chuyện để viết, sao họ và…tôi không theo chân nhà văn hóa cổ đại Hoàng Xuân Hãn đi tìm dịch giả Chinh phụ ngâm là…Phan Huy Ích! Vả lại trong văn học sử còn nhiều việc mầy mò lắm, như dịch giả, tác giả Bích Câu kỳ ngộ hay Nhị độ mai là Vũ Quốc Trân? là Hồ Quốc Lộc? Hay vô danh? Hoặc giả như hãy mò mẫm với thành viên của Tự lực văn đoàn có 7 người. Nhưng căn cứ tên tác giả ngoài bìa mỗi quyển sách của nhóm thì chỉ có 6 người là: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, còn người thứ 7 là ai? Nếu đông người quá làm rối trí người đọc thì hãy bới bèo tìm bọ với: Ai là người khai sinh ra Xã Xệ, Lý Toét ở ngoài Bắc? Còn ở trong Nam thì ông già Ba Tri là ai? Ấy là chưa kể chiếc lư đồng mắt cua to bằng nắm tay của cụ hiện đang ở đâu?

Cụ gật gyạ cớ sự gì trong ngành biên khảo thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ đông như tổ đỉa vậy? Cụ Nguyễn ngà ngà rằng nhiều như rận bám dái trâu, mà danh vị chuyên môn lắm khi chả dây mơ rễ má đến bài viết thế mới rõ khổ! Cụ ngất ngư đại thể như ông Nghè Vũ Quốc Thúc trong bài khảo luận văn học sử “Gió đưa cành trúc la đà” của ông Nghè Dương Khuê. Ông Nghè họ Vũ gió đánh đò đưa hết: “Bài tứ tuyệt Gió đưa cành trúc la đà trước kia được coi là biểu tượng của thái độ chống thực dân Pháp”. Đến: “Nhiều sĩ phu cựu học đã ngâm nga bài thơ này để gián tiếp bầy tỏ nguyện vọng cần vương phục quốc…”. Đến rõ khổ là thế đó!

***

Cụ ngấy ngây rằng khổ hơn nữa là trong làng xóm văn chương ai chả hay biết miền Bắc với Xuân Diệu qua tập biên khảo Bà chúa thơ Nôm, có khuynh hướng bình hơn là khảo. Chế Lan Viên với khảo luận Tác phẩm và dư luận, có khuynh hướng luận hơn là khảo. Mà làm biên khảo là làm văn hóa thì phải có văn chương. Chỉ một dúm chữ nhưng vẫn có hồn, có nét tráng văn chương. Chữ đẻ ra chữ. Có khi chỉ phảy vài nét, mà tóm lược được thần thái, lột được hết hồn vía của tình tiết. Viết tùy bút lan man, chuyện này sọ qua chuyện kia cũng chẳng hẳn là…mất thì giờ của bạn đọc. Vì lan man là hiện tượng, nó không có hại gì về bố cục. Viết biên khảo đưa ra kết luận rõ ràng, dứt khoát. Nhưng cụ thích lối kết luận bất ngờ.

Làm cốc cuốc lủi, cụ khề khà với tôi: Ai chẳng hay viết biên khảo chân phương khô khan và nặng nề. Sao cậu không nhẩy qua biên khảo với dạng tùy bút cho đỡ nhức đầu bạn đọc. Mà viết thể loại này phải dựng truyện cho có hồn, có cốt. Như nhà biên khảo miền Nam của cậu, như Bình Nguyên Lộc mà cậu biết đấy, ông Rừng mắm chỉ tập trung chủ yếu vào ngôn ngữ học lịch sử công trình nổi tiếng Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam mà ngập ngụa sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu sìu.

Mặt tôi đực ra hỏi: “Ủa, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của ông Rừng mắm đã xuất bản đâu mà cụ thấy không bị…căng?”. Cụ rề rà: “Dào, cậu làm văn gì mà ngu thế!”, ngỡ cụ nói về Nguồn gốc Mã Lai…Hóa ra cụ chuyện này sọ qua chuyện kia…qua ông Võ Phiến, tác giả Văn Học Miền Nam. Cứ theo cụ lan man với hiện tượng thì ông họ Võ tự nhận có nghiên có khảo gì tới nơi tới chốn đâu? Ông chỉ “khảo chơi” vậy thôi. Chẳng qua nhón lấy vài sự kiện trong tầm tay, nêu lên để các bậc cao minh gợi ý. Vậy mà lúc nào và ở đâu ông cũng chỉ nhận là một tay ngang, một kẻ ngoại cuộc, một người “không có một chút vốn kiến thức chuyên môn”, lâu lâu mới “có dịp rón rén ghé mắt nhìn vào công việc gian nan của các học giả”. Bị giắt răng, cụ thò tay vào mồm móc ra miếng thịt thơm mùi riềng búng đi một cái tách. Và tiếp là ông họ Võ nói “khảo chơi”, vậy mà lại viết một cách “ung dung, khinh khoái”, “chập chờn khắp nơi” và “di chuyển thoăn thoắt” từ đề tài này sang đề tài khác. Nhưng ai bảo cái khảo chơi không quan trọng bằng cái khảo thiệt? Những nhà nghiên cứu cặm cụi đo từng cái xương sọ của người ta, hì hục khai quật di chỉ xưa, mằn mò nhặt nhạnh từng lưỡi búa mũi tên, để tìm về nguồn gốc dân tộc, chắc gì khỏi mừng rơn khi có người nhờ lai rai đi nếm mắm mà chợt phát giác ra sự sai lầm của các sử gia từng chủ trương rằng dân Việt có nguồn gốc Hoa? Dễ hiểu là Tầu ăn xì dầu, Ta ăn nước mắm. Rõ ra là thế đấy.

Lúc này cốc cuốc lủi không còn trên tay nữa, cụ có vẻ bốc…Và cụ Nguyễn bốc nhằng là biên khảo, sưu khảo là để tìm ra sự thật, chứ không phải là làm cho rối rắm thêm như triết gia Lương Kim Định, như bác sĩ Trần Ngọc Ninh. Làm như danh vị càng cao thì viết phải càng cao thâm hơn. Khác hẳn với ông Nằm chơi, với Đọc chơi: Đi khảo thiệt với cái búa khảo cổ lăm lăm trong tay thì trông khả kính; nhưng kẻ tài mọn đi khảo chơi, chỉ mang theo chiếc lưỡi giấu trong mồm, trông khả ái biết bao. Và gần gũi chúng ta biết bao.

***

Ăn chực chữ nghĩa cụ Nguyễn căng bụng xong. Đến phiên tôi đắp chữ vá câu bài khảo nan, khảo dị này vì còn nhiều dữ kiện còn rối rắm, nên chưa có đúc kết. Ừ thì chuyện đâu hãy còn đó, tôi để bài viết qua một bên để trở về lại vòng nước xoáy nhân sinh, để lại tung hê vào dòng sinh mệnh quen thuộc. Và tôi cũng không quên đa tạ cụ đã sư tầm đệ tử nan là …tôi đây. Thế nhưng bụng dạ tôi cứ rối tinh vì được hầu chuyện và ăn thịt chó với cụ, chả hiểu mai này con lộ viết lách của tôi có…ngon như óc chó chăng? Cụ lậu bậu là chỉ khéo dệt chuyện, thời hậu hiện đại với con lộ viết lách họ cách tân, tân hình thức thì đã sao! Ấy là chưa kể thời đại siêu truyền thông viết bài với máy vi tính, mai hậu sẽ đi về đâu? Mà chuyện gì cũng có thể sẩy ra dưới ánh mặt trời này!. Cụ háy háy mắt với tôi rồi …thăng.

Tôi nặn óc nghĩ không ra tâm viên ý mã cụ với cái máy vi tính…!?

Lại nữa, tôi còn đang bù đầu tóc rối đến đệ tử tầm sư dị. Sư dị là nó với nhất tự thiên kim, với nhất tự vi sư bán tự vi sư. Đầu óc tôi rối như tơ vò vì cùng một lứa bên trời lận đận với chữ nghĩa, tôi chẳng hiểu trong chốn trường văn trận bút lúc này nó lưu lạc ở nơi nao thì…Thì bất ngờ nó hiện ra, cắm trên cổ ngắn cũn của nó là cái đầu chứa cả một kho chữ, nó nhe răng cười cười với chữ nghĩa ngập răng. Tôi đưa bài khảo văn, khảo chữ cho nó khảo cổ, khảo luận. Ý đồ tôi là nó khiêng triết gia Lương Kim Định ra để hú họa tôi. Thì tôi khuân triết nhân Nietzsche vào đây để dọ dẫm nó. Chả là triết nhân phương Tây này đã từng cục ta cục tác: “Con gà mà trứng nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi”. Mà cái dở của tôi là với bài sưu khảo, tham khảo này! Ừ thì cứ tạm cho là như vậy đi! Vi nó nhiều chữ quá mà không nói lên được gì hay ho cho mấy. Một công đôi chuyện nhân tiện tôi muốn nhờ nó giúp một tay cho phần kết. Vì học cụ Nguyễn, tôi cũng thích lối kết luận bất ngờ.

Không đợi tôi kịp hỏi để nhờ vả, mồm mép nó lách tách như tép nhẩy ngay:

Ở đoạn với cụ Nguyễn, văn hơi bị gầy lại có phần lủng củng, không ăn nhậu với cái toàn thể. Nhưng cái này khắc phục, sửa chữa dễ thôi. Nói chung, bài biên chế, biên chép này sẽ “sốc” dư luận đây! “Tôi” có thể hân hoan chúc mừng bạn. Nhưng mà này, chỗ bạn chữ nghĩa trước quen sau lạ. “Tôi” hỏi thật, tóm lại là… bạn định viết cái gì đấy? Bạn định nói gì, kể gì?

Và tựa đề là gì? Thú thực, “Tôi”… “tôi” chả hiểu gì sất cả.

Tôi nói với nó tựa đề là: “Khảo nan, khảo dị…” với một dấu phẩy và ba dấu chấm. Nó vén môi sáo cuội: “Khảo nan, khảo dị”…đa nghĩa mà đầy ẩn dụ. Dấu chấm, phẩy. Lạ quá! Lạ mà cũng hay, ẩn dụ mà đa mang. Ấy là chưa kể toàn bài đã đạt tới độ khó hiểu cần thiết. Khó hiểu mà giản dị. Giản dị mà khó hiểu. Bạn thật sự là một tài năng thiên bẩm. Hiếm! Hiếm lắm! Mừng cho bạn. Thôi nhá. Chấm hết. Nó nói đến rách cả miệng với một mớ ngôn ngữ hỗn độn tối mù. Và nó “chấm hết” bài viết của tôi bằng vào với…Tôi…tôi không tin ở mắt mình nữa! Giờ ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem…bằng vào với hai đồng tác giả:

Máy Văn Chương/Phí Ngọc Hùng

1-1-2013

Chưa hết, nó còn nhỏ to dặn dò: Bạn nhớ phần cuối bài viết sưu khảo, sưu tra thường thường có danh sách những nguồn được kê cứu, trích dẫn để bạn đọc nhìn vào cho…rối ren thêm. Nhớ nhá. Tôi nhìn xuống cuối bài viết hiện ra hàng chữ:

Nguồn: Trích dẫn từ những tác giả Đặng Trần Huân, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn

Hoàng Văn, Vương Văn Quang (Việt), Trần Bích San, Nguyễn Duy Chính.

***

Khi không tôi lẩn mẩn nghĩ: Danh phận của người làm văn chương cũng dần dà tan biến trong thời đại siêu truyền thông. Tôi nhiễu sự với văn chương rồi ra sẽ nhiễu nhương như thế nào đây để giữ lại chút bèo bọt của mình? Le Corbusier, người được xem là nhà kiến trúc thành danh của thế kỷ 20, cho rằng nhà là “một cái máy để ở”. Còn văn chương, nếu phải “mới” để sinh tồn, phải mới để “sáng tạo” thì sẽ biến tượng thành loại…”máy” gì đây?
– Máy văn chương?

Tôi gấp cái máy văn chương đen thui lủi, dẹp lép bỏ vào túi và lững thững đi về, trong cái yên ắng của đường phố. Trong tôi mường tượng đến cuốn sách, cái bút sẽ được trưng bày ở viện bảo tàng đâu đó. Nghĩ đến chữ khô mực nẻ với bài viết sắp tới là “Tẩu thuốc phiện thiên cổ kỳ bút”. Quái, lại bút nữa, lại lao xao tới Albert Einstein qua câu tiên tri: “Tôi sợ một ngày kia kỹ thuật bao trùm lên đời sống con người. Nhân loại sẽ chỉ còn lại thế hệ của những thằng ngốc”. Thế nhưng tất cả chỉ là tương đố thôi. Vì nó chẳng ngốc tí tẹo nào vì nó…khác người. Nó là cái máy. Và nhẩm chừng sáng mai rủ nó ra ngồi đồng ở quán và nói chuyện với nó những gì sắp viết. Máy nó ghi nhận, tự nó đi tìm những dữ kiện của sự vật, tình tiết. Rồi chữ đẻ ra chữ. Và nó…“viết” trong nhấp nháy cho tôi một bài khảo nan, khảo dị về cái dọc ẩu thuốc phiện có văn chương, một tác phẩm hay là có văn có truyện. Mà một bài sưu khảo được viết qua dạng truyện thì truyện không khó viết cho lắm, ai cũng viết được là nhờ…máy. Để bạn đọc…đọc lướt qua để thích nghi với hình thức tiêu hoá nhanh như ăn cơm “fast food”, uống cà phê “espresso”. Và sau đấy bài viết mất hút ở cuối đường…

Đứng ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ sờ túi áo không có cái bút. Thò tay vào túi quần. Thấy cái máy văn chương to bằng bàn tay và mỏng dính.

Ừ thi mai lại cõng “nó” ra Starbucks…

(Hết)

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search