T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả Tác Phẩm – Ấu Tím

 

Tiểu sử :
Tên thật: Chu Như Hoa – Bút hiệu khác: Ngô Đồng – Vũ Thần Ưng – Định cư tại Bắc CA.

Tác phẩm:

Tuyển tập truyện ngắn: Một quãng xuân thì .

Mục Lục:

Bốc mộ – 2.

Một quãng xuân thì – Lâm Văn Sang – 7.

Nhớ ngày xưa – 9.

Phụ đính:

Những mảnh tình vắt vai – Cây khóc – Đổ rồi góp lại còn chi.

 

Bốc mộ

Kính dâng hương hồn Bố : Chu Vũ Văn

 

clip_image004

Tranh Bảo Huân

Tiếng cuốc nhịp nhàng bổ xuống nấm đất, âm thanh đục, ngắn. Đất ở Biên-Hòa, loại đất có màu nâu đỏ, chả thế mà từ Sài-Gòn đi Biên-Hoà khi trở về quần áo mặt mũi đều như được nhuộm cái mầu đất xỉn đỏ ấy.

Tiếng mấy tên bộ đội tò mò đi theo léo xéo:

“Không hiểu đã rữa hẳn chưa?”

Vừa dùng cái xẻng cá nhân xúc đất sang một phía, tôi vừa phóng tia nhìn sắc lạnh cho người vừa thốt lên câu nói ngớ ngẩn không đúng lúc ấy, thì ra là chú bộ đội mặt búng ra sữa, sáng nay đã hạch xách tôi đủ mọi điều, nào là giấy đi dường, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh hộ khẩu, giấy giới thiệu từ phường khóm nơi cư trú có mộc đỏ của quận huyện, giấy phép bốc mộ, giấy phép được chôn cất. Những tờ giấy mỏng tanh vàng ố, viết tay có, đánh máy có đầy lỗi chính tả, đè lên cái dấu mộc lem nhem hồng hồng đỏ đỏ là chữ ký ngoằn ngèo, không thật to như bánh xe thì lại bé tí như chữ O tròn, hay đơn giản hơn là chữ thập, xấp giấy này tôi cẩn thận bỏ vào cái bao nylon và kẹp vào quyển Chủ nghiã Mác-Lê (loại sách này dày và được phát cho sinh viên học tập) để không bị bở rách. Giấy tờ rõ ràng rành mạch xin được bốc mộ cho Bố tôi về gần nơi sinh quán, mà mấy chú lính cụ Hồ đều không chịu hiểu, người này ra kêu kẻ khác vào, đòi xem giấy tờ rồi hỏi tôi với cùng những câu hỏi đại loại:- là ai của người chết? – tại sao phải bốc mộ ? Mãi đến khi tôi nhớ những gói thuốc lá Samit của Thái, được buôn lậu vào VN qua ngã Campuchia, để trong chiếc giỏ cói dưới chân thì cuộc hạch sách chấm dứt.

Tôi được đưa từ dãy nhà trước đây là nơi để kiểm soát quà cáp từ những người đi thăm nuôi tù học tập, đến nơi gọi là văn phòng hành chánh, nhìn những cấu trúc này, tôi biết: đã bao nhiêu người tù tại trại Suối Máu Biên-Hoà đổ mồ hôi, sôi nước mắt bằng máu để dựng nên, trong đó có Bác, Chú, Dượng và Bố tôi – một số bị đầy ải đến chết như Bố tôi, một số bị bắn chết như Dượng tôi -còn lại bao nhiêu đều bị đưa dần ra Bắc khoảng năm 78-79. Nền đất nện dày, lỗ chỗ những dấu nước mưa dột qua mái lá, ánh sáng xuyên qua những lỗ dột ấy rọi vào, soi cho tôi thấy chung quanh phòng, những cái tủ gỗ bằng ván mộc, ván ép được đóng một cách thô sơ, cửa phải gài lại với nhau bằng giây thừng, khi mở ra, tiếng rít của bản lề làm tôi nổi gai ốc. Tôi thấy cơ man nào là giấy, những bó giấy được cột thành từng chồng sộc sệch cao khoảng năm tấc, có lẽ là những bản kiểm điểm, những bản tự khai của tù học tập chăng?. Vừa lục lọi trong đống giấy ngập ngụa, chú lính Việt cộng vừa ta thán:

“Chẳng biết đâu mà mò với mấy thằng bò vàng, giấy đâu mà lắm thế!

Tôi biết anh ta nói đến những tên công an ngày trước làm quản giáo ở đây, nay đã phải theo chân tù nhân ra Bắc. Vào khoảng năm 1976-1977, nhà nước tuyên bố vì lượng khoan hồng của Bác và Đảng nên cho người nhà được đi thăm nuôi tù cải tạo. Gia đình nào được nhận giấy thăm nuôi đều mừng như người thân đã chết nay sống lại. Tôi thì không, thơ của Bố, tôi cũng không còn nhận được. Cô Oanh vợ chú L. thiếu tá làm ở Bộ Tham Mưu đã bật khóc nói:

“Con ơi cô biết đưa qùa cho ai bây giờ, Bố con chết rồi!”

khi tôi, vì không được giấy đi thăm nuôi lần thứ hai như cô, đã mang thuốc, thức ăn khô nhờ cô đem giúp lên cho Bố. Ngày thăm nuôi chú, Cô cho tôi cùng đi theo lên trại, tôi muốn gặp những người ở đó, để hỏi cho ra lẽ về Bố tôi, chẳng thể nào ông chết mà gia đình không được hay biết, nghĩa tử là nghiã tận cơ mà. Ở trạm gác, chú lính xúng xính trong bộ đồ màu da bò khăng khăng không cho tôi vào, khi tôi trình bày hoàn cảnh của mình, thừa khi chú ta mải xét giấy tờ những người khác, tôi liều chen vào đại, chú ta đánh kẻng báo động, kêu toáng, hai ba người công an khác xông đến giữ lấy tôi. Tôi hét to, các cô bác đi thăm nuôi chạy xúm lại chung quanh, một tên công an từ trong láng trại chạy vội ra, mặt mũi nghiêm trọng quát hỏi:

“Chị muốn chống phá cách mạng à”

Tôi khóc bảo:

” Tôi đi tìm Bố tôi, Bố tôi đâu? sao tôi không nhận được giấy đi thăm nuôi như người khác? Bố tôi chết rồi phải không?”

Hắn nhìn quanh, leõ lự bảo:

“Nhà nước cách mạng rất nhân đạo, làm gì có việc tù nhân bị chết? chị cứ yên trí về học tập tốt lao động tốt thế nào cũng có giấy thăm nuôi như người khác, còn các chị kia giải tán đi”

Tôi đưa giấy xác nhận tôi có đi lao động tại địa phương, giấy chứng nhận là giáo viên bình dân học vụ, còn gì hơn nữa, thì hắn ta đổi giọng rít lên:

“Vậy là thằng ấy có nhiều nợ máu với nhân dân, cần cải tạo tư tưởng thêm, mới được hưởng chế độ thăm nuôi ”

Bố tôi người hiền từ, nụ cười luôn trên môi, giọng nói ông trầm ấm chậm trãi. 21tuổi đã là Thiếu-úy tốt nghiệp trường Võ-Bị Đà-Lạt, sau 3 năm chiến trường trận mạc, 24 tuổi lên Trung-úy, rồi lấy vợ, có tôi, năm 60-69 làm huấn luyện viên cho trung tâm Huấn Luyện Quân Sự Nguyễn-Tri-Phương Hóc-Môn Gia Định, lên sáu tôi biết Bố tôi là Đại-úy, ông là sĩ quan trẻ nhất trong trại, các chú lính gọi ông là Đại úy “Thánh” vì ông chăm sóc và thương yêu tất cả lính thuộc quyền, ông hay dẫn tôi sang trại gia binh chơi, những đứa bạn thời thơ ấu của tôi là con chú thượng sĩ K., con chú trung sĩ H. Khi ông bị giải ngũ năm 1969 vì lý do sức khoẻ, để chuyển sang làm cho Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế Hoa-Kỳ Usaid, gia đình tôi chuyển về khu Bàn-Cờ Vườn Chuối, các chú lính ngày xưa, vẫn liên lạc và đến chơi với gia đình tôi như họ hàng thân thuộc. Hàng xóm láng giềng ai cũng yêu qúy ông, không khi nào ông từ chối lời nhờ vả của ai, nếu ông có thể giúp được, bao giờ ông cũng xung phong làm những việc công ích, hết đời ông chưa hề cãi cọ hay hiếp đáp ai, tại sao lại có nợ máu với nhân dân?

Tôi phải dùng cả chuyện Bố tôi đã hiện về báo mộng để đánh động lương tâm con người của những cậu lính trẻ, nhưng chỉ nhận lại những tiếng quát nạt, lên cò súng, đuổi tôi ra khỏi cổng trại. Cô Oanh sợ tôi lộ ra việc chồng cô báo tin cho biết Bố tôi đã chết, bị liên lụy nên kéo xộc tôi đi, cô dỗ tôi:

”Con bình tĩnh để cô tìm cách khác, con có mệnh hệ nào ai lo cho các em.”

Lếch thếch lội bộ ra khỏi nơi địa ngục trần gian, trong cơn đau đớn giận dữ, sôi sục nông cạn tuổi hai mươi, tôi nghĩ trong đầu, ước gì tôi có con dao găm, tôi sẽ lụi vào bụng bất kỳ một tên Việt cộng nào và ngoáy ngoáy nhiều lần cho chúng biết lòng tôi đớn đau còn hơn như thế! nghe tin Bố chết, không biết thật hư, không một lần thấy mặt, không biết tại sao….

Tiếng xột xoạt của giấy làm tôi quay lại, hắn lôi cuộn giấy từ đáy tủ ra, vừa phủi bụi vừa cố vuốt cho thẳng trải lên bàn, bảo tôi:

“Ông ấy tên gì?”

Tôi trả lời:

“Chu Vũ Văn”

Vẫy tôi lại gần, nhìn vào tờ giấy tôi biết đó là sơ đồ mộ chí được vẽ bởi một người biết vẽ họa đồ. Tôi xem kỹ những chữ viết nắn nót cẩn thận tên họ, những con số ghi ngày tháng năm trong từng ô chữ nhật, có đánh số thứ tự, biểu tượng cho một nấm mộ, hàng ngang, hàng dọc rõ ràng rành rọt. Đến ô thứ 29, mắt tôi nhòa đi khi đọc thấy tên Bố tôi, dù tôi biết Bố đã mất, dù tôi đã có giấy xác nhận tại sao ông chết, giấy kiểm kê tài sản còn xót lại (có chữ ký xác nhận của ba tù nhân cùng phòng), vào năm 1980, do cán bộ, bộ nội vụ Việt-Nam Cộng Hòa Xã-Hội Chủ Nghĩa trao trả, sau khi tôi không mòn mỏi đi kêu nài mọi nơi mọi chỗ, người ấy ngọt ngào chia buồn, giải thích:

” Vì đất nước còn nhiều khó khăn, nên chính phủ không có người đến tận nhà báo tin, phân ưu”

ông ta còn cẩn thận đưa tôi thêm tờ giấy trả quyền công dân cho người đã chết. Bố tôi chết khoảng 10 tháng sau khi bị bắt đi cải tạo, năm 1976, sau ngày Mẹ tôi mất đúng bốn năm, ba ngày.

Nước mắt tôi nhỏ giọt lên tờ sơ đồ. Ngôi mộ số 29, ngôi mộ tôi đã khụy chân ngay bên cạnh sau khi khấn:

“Bố ơi! Có linh thiêng chỉ cho con biết Bố ở đâu nghe Bố ”

Cuối năm 1976, khi giả dạng dân địa phương đi chăn bò để len lỏi được vào qua vòng đai trại học tập, đến bên những nấm mộ đắp sơ sài cho tù học tập bị chết. Gia đình bác Hai sống ở đó lâu đời đã giúp tôi, khi nghe tôi kể chuyện. Đất đai vườn tược của bác bị chiếm dụng, có vài con bò cũng phải vào hợp tác xã, bác có nhiệm vụ phải chăm sóc không được để bò gầy yếu. Tôi theo cu Tửng -con bác- đưa bò đi ăn, vì là bò của hợp tác xã nên được vào qua vòng dây thép gai ăn cỏ, Tửng cho tôi biết họ chôn xác tù ban đêm, không muốn cho dân chúng biết, lúc ấy tôi không dám thắp nhang sợ bị lộ, nên một năm hai hay ba lần lên thăm mộ, tôi chỉ thì thầm khấn nguyện. Tôi thương yêu chăm sóc ngôi mộ số 29, với lòng tin mãnh liệt, bao nhiêu khốn khó chịu đựng, bao nhiêu suy tính lo toan tôi thì thầm tâm sự với nấm đất, như ngày xưa tôi tâm sự với Bố tôi.

Trong những năm này tôi được thấy bao nhiêu tù cải tạo, gầy gò yếu đuối, quần áo rách xác xơ trên đường đi lao động, tôi lén dấu những gói xôi, những củ khoai trên đường tù đi làm, và nhặt lấy những mẩu giấy vo tròn có vài câu nhắn tin ghi vội, về Saì-Gòn tôi tìm cách chuyển giúp. Năm 1979-80, sau khi tù bị đưa ra Bắc hết, vòng kẽm gai thu nhỏ lại, bộ đội thay công an về trại Suối Máu, những ngôi mộ được tự do không bị nhốt trong vòng kẽm gai kinh hoàng đó nữa, mỗi lần lên thăm Bố, tôi thắp nhang gần hết cho những ngôi mộ tôi thấy, nhiều nấm đất chừng như bị san bằng vì mưa gío, có nấm bị sụp hẳn một bên, có lẽ gia đình đã di tản, hay vì lẽ gì đó không tìm ra, để thành hoang phế.

“Cô lên đi, tới ván rồi, tôi làm một mình được”

Tiếng chú Sáu làm tôi bừng tỉnh, chú khoảng hơn 50 tuổi, thương phế binh, binh chủng nào tôi không rõ,giải ngũ về, sống cạnh ngay bên đất Thánh họ Huyện Sĩ, chuyên việc ma chay tống táng, chú là người Bố tôi cậy nhờ chăm sóc mộ cho Mẹ tôi, đã bao nhiêu năm, bất kỳ khi nào lễ, Tết Bố con tôi cũng ghé nhà chú với bao nhiêu quà cáp hậu hĩ. Khi tôi ngỏ ý nhờ chú đi theo rước Bố tôi về, chú đồng ý ngay, không lưỡng lự, hỏi đến tiền công, chú chẳng thèm trả lời chỉ hỏi ngày nào đi? Tôi nói cho chú biết những khó khăn có thể xảy ra, ngay cả bị bắt bớ, khó dễ, vì chẳng có luật lệ rõ rệt gì thời đó, quận nói đằng quận, huyện nói đàng huyện, xã muốn làm gì thì làm, chẳng ai theo ai. Chú bảo:

” Cứ đi đến khi nào được thì thôi, xin không cho mình làm lén”

Trong tâm trạng như vậy, một mình tôi và chú bằng chiếc vespa cũ kỹ đi từ Saì-gòn len lỏi đến Biên Hòa để bốc mộ cho Bố tôi, những người trong gia đình phải đợi ở đất thánh Huyện-Sĩ, chỉ với cách vận chuyển như thế, mới có thể lẩn tránh được những trạm kiểm soát đầy đường, đàn bà, con gái còn được châm chế, chứ đàn ông, bất kể tuổi tác đi ra khỏi Saì-Gòn là khổ với những ông lính trạm, lúc nào cũng có lửa để hét, và có toàn quyền bắt nhốt người ta không cần lý do, thế mới biết chú Sáu qúy Bố tôi đến mực nào?

Chú cẩn thận chỉ tôi phải chuẩn bị những gì, rượu đế nguyên chất, rượu ngũ vị hương, giấy bản, giấy bạc, cuốc, xẻng, xà-beng, chậu thau v.v.. tất cả mọi thứ tôi xếp gọn ghẽ, vừa xinh vào trong chiếc giỏ cói loại lớn.

Bám thành đất leo lên, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mải nghĩ ngợi tôi không hay mình đứng ngay trong huyệt của Bố, mấy chú bộ đội trẻ măng vẫn thản nhiên đứng xem, tôi không muốn lấy dao đâm vào bụng chúng như ngày trước nữa, sau bao năm sống dưới ách Xã Hội Chủ Nghiã tôi thấy xót thương cho những con người bị biến thành công cụ để bọn lãnh tụ phi nhân, say mê chủ thuyết cộng sản sai khiến, bằng cách nhồi vào sọ họ những điều không tưởng, dùng miệng lưỡi giảo quyệt hứa hẹn những điều không có, dùng chút cơm gạo như mồi câu những chiếc bao tử tội nghiệp không bao giờ biết đến một bữa cơm ngon. Tôi không giận họ nữa, nhưng tôi thù ghét chế độ, oán đến tận tủy xương những con người có bộ mặt trơ trơ mà chế độ bắt dân chúng phải thờ kính thay vì kính thờ ông bà cha mẹ mình, những con quái vật trong lốt con người: Lê-Nin, Các-Mác, Hồ chủ tịch.

Chú Sáu bảo tôi đổ rượu ra thau, trải giấy bạc lên chiếc gỉo cói, thắp bó nhang cắm quanh mộ chuẩn bị để rửa cốt, với lấy chiếc xà-beeng chú cúi xuống nạy nắp áo quan, chỉ cần khảy nhẹ, nắp ván bật lên ngay. Tôi không rời mắt khỏi chiếc huyệt vô tri, đã ôm ấp xác thân Bố tôi gần sáu năm dài ròng rã. Trời giữa trưa mà không nắng gắt, tảng mây trắng ở đâu bay đến ngay huyệt mộ, thành chiếc lọng khổng lồ che râm một khoảng lớn. Trong áo quan, chiếc chiếu cói bọc hình hài người sinh thành ra tôi sao bé bỏng chỏng chơ, chiều dài của áo quan gấp rưỡi chiều cao của Bố tôi, dù Chú L. đã kể.

Hòm của Bố tôi được đóng vội bằng ván mộc, không có cưa để làm cho vừa kích thước, tôi cũng thấy lòng như muối sát, nước mắt cứ lặng lẽ tuôn, tôi không bật lên khóc được nữa, nỗi thống khổ vì bất lực cứ cuồn cuộn như sóng ở ngay giữa ngực, tôi thì thầm:

“Bố ơi! con rước Bố về với mẹ, cho con can đảm để vượt qua lúc này nha Bố”

Chú Sáu mở chiếc chiếu sang một bên, trời ơi! Bố tôi nằm đó, tóc bạc phơ, hôm bị bắt đi, tóc Ông còn đen nhánh, chiếc áo sơ mi màu trắng, trong túi có cây bút bic, bàn chải đánh răng, chiếc lược chải tóc, chiếc quần tây đen, chân trần, hai tay Bố buông xuôi, mắt nhắm nghiền. Tất cả chỉ còn thế.

Có tiếng lao xao:

“Chạy thôi, chạy thôi”

Bóng mấy tên đứng xem nãy giờ đang chạy ra hướng lộ, không hiểu tại sao chúng lại chạy mất, sợ hãi chăng? hay Bố tôi chỉ muốn có mình tôi lúc này với Ông, nhìn xuống huyệt, hình hài lúc đầu đang chuyển dạng, miệng Bố tôi như giãn ra để cười rồi từ từ chảy tan, chú Sáu đứng hẳn vào áo quan, bắt đầu từ chân, lấy lên đưa cho tôi từng lóng xương một, chú hướng dẫn tôi lau sạch bằng giấy bản, rửa kỹ trong chậu ruợu trắng, rồi đến rượu ngũ vị hương, xếp lên giấy bạc theo đúng thứ tự, trái phải, chú im lặng tỉ mỉ mò tìm, đếm cho đúng, chú đã dặn tôi trên đường đi, không được để nước mắt rơi vào cốt, tôi cố nuốt nước mắt vào cổ, hay dùng đầu gối để lau, tôi không sợ, chỉ buồn và xót xa đã không làm được gì hơn cho Bố để trả hiếu cho người.

Không người cha nào có thể so sánh với Bố tôi, Ông đã trang bị cho chị em chúng tôi một ba lô hành trang vào đời vô cùng qúy giá: sự chân thật, hồn nhiên, tự tin, yêu thương, tha thứ và bao nhiêu thứ khác nữa. Ông đã dạy chúng tôi yêu thiên nhiên, cây cỏ, làm sao tôi có thể quên, những ngày nắng đẹp mấy bố con lang thang trên bờ ruộng, nếm vị ngọt lúa trổ đòng đòng, những đêm trăng sáng đi dạo, để xem ông Trăng có theo về nhà không? Ông dạy chúng tôi ủ trồng những cây đậu xanh, đậu đen cho đến khi có quả, cùng reo vui khi nụ Hồng nở hé trước sân. Bố tôi là đầu tầu cho năm cô công chúa phá phách nghịch ngợm chung quanh, đóng, cưa, bào đục, sơn, hồ việc gì chúng tôi cũng được làm thử, đã hết đâu, Ông còn là nhạc trưởng dạy chúng tôi hợp ca từ bài – Kìa con bướm vàng – đến bài – Hòn vọng Phu – Ông tập cho các con giàn trải tâm tình lên giấy khi vừa biết viết, cho con đến trường học nữ công gia chánh khi vừa xong tiểu học, hãnh diện để con gái làm hoa, làm bánh biếu Tết Nguyên Đán, Tết Trung-Thu, có nhìn thấy mấy Bố con mặt mũi như mèo vì bột bánh dẻo mới biết gia đình tôi vui đến thế nào? Ngày có cậu con trai út, ông mở champain mời hết hàng xóm, láng giềng rồi từ đó cứ chiều đến Ông bế cậu út đi bách bộ như bóng với hình, cho đến ngày Ông bị bắt cậu út mới lên sáu tuổi đầu. Có ông Bố nào 10 giờ đêm từ Sai-Gòn lên Thủ-Đức, đến nơi con cắm trại, để xem con ăn ngủ thế nào, dù con đã là Trưởng Hướng Đạo, mang aó lạnh vào tận trường vì con lì lợm sáng không chịu mang theo, mà giờ đây trong tay tôi chỉ còn thế này sao! Tôi trân trọng nâng niu, nhẹ nhàng lau rửa từng miếng xương màu nâu, phần vật chất còn xót lại của Bố tôi trên cõi đời tạm bợ này, để học bài học cuối cùng Ông nhắn gởi: tiền tài, danh vọng chỉ một thoáng Nam-Kha.

Chú Sáu đưa tôi khúc xương cánh tay bị gãy, tôi tự thấy tay mình đau thốn, chắc rằng trước khi mất ông đã đau đớn lắm, từ tinh thần: lo lắng cho những đứa con ông yêu qúy, không biết có sống nổi trong xã hội đảo điên không? đến thể xác: vết thương nhức nhối thế này, không thuốc men, không người săn sóc. Bố tôi hiền lành nên thoát vòng tù ngục sớm, nếu sống Ông còn khổ đến đâu?

Nhận chiếc xương sọ, phần cuối cùng của bộ hài cốt, tất cả những nén nhang chung quanh phực cháy có ngọn, chú Sáu nói :

“Ông mừng lắm đó cô”

Tôi tin, linh hồn Bố tôi luôn quanh quẩn, bảo bọc chị em chúng tôi qua những cơn sóng dữ, chỉ có chết đi ông mới thoát được để về gần các con. Tôi bọc bộ hài cốt gọn gàng, để vào giỏ, ôm vào lòng, như ngày xưa Bố từng ôm chúng tôi, để chú Sáu chở về lại Saì-Gòn.

Bố ơi! con sẽ bọc Bố bằng nhiễu đỏ, đặt Bố vào kim tĩnh và để Bố bên cạnh Mẹ, các em đang ở đó chờ, có cả cô chú họ hàng. Con hát cho Bố nghe bài mấy Bố con mình hay hát nghe:

Đừng để những nỗi buồn chua cay đến luyến lưu tâm hồn mình,

Đừng để những nỗi sầu chua cay đến vấn vương tâm hồn ta

Đường đời trôi nổi gặp phong ba ta vẫn ca vẫn cười,

Đường đời trôi nổi nhiều phong ba ta vẫn cười chứ vẫn ca

Anh em ơi ghi nhớ lời này đừng quên nha, chớ bao giờ thối lui

Anh em ơi ghi nhớ lời này đừng quên nha, môi luôn nở nụ cười.

Xin chia xẻ với tất cả các gia đình đã mất người thân sau ngày 30-4-75, trong các trại tập trung cải tạo. Cám ơn các Bác, các chú đã vì Bố tôi phải chịu trọng cấm một tuần khi đòi chôn cất Bố tôi tử tế.

Giới thiệu: Một quãng xuân thì của Ấu Tím

Lâm Văn Sang

 

clip_image006Có một tập truyện ngắn vừa được âm thầm tung ra vào tháng trước. Sách mang tên “Một Quãng Xuân Thì”. Người viết, Ấu Tím, là một tên tuổi không xa lạ đối với độc giả hàng tuần của VTimes ở San Jose. Cô cũng không xa lạ đối với một sân chơi (không gian) rộng lớn hơn nếu là độc giả của Văn, Văn Học, Nguồn… và của các website như Đặc Trưng, Phụ Nữ Việt hay của chính tác giả ở http://autim.net.
Nếu có ai tò mò hỏi cô viết từ lúc nào, cô có thể sẽ trả lời như đã trả lời cho tôi, “Viết khi được đi học i tờ i ti.”
Nếu căn cứ trên ngày tháng ghi bên dưới 22 truyện ngắn trong Một Quãng Xuân Thì (trừ hai truyện Hải Ơi và Mẹ), người ta biết tác phẩm được thành hình trong những năm từ 1999 cho đến 2007. Trên cán cân thời gian, như vậy, Một Quãng Xuân Thì là một tác phẩm (điển hình) được viết rất gần, rất mới và rất hải ngoại.

Ấu Tím rời Việt Nam năm 1991. Nhà văn Chile lưu vong Ariel Dorfman cho rằng người bỏ xứ sở ra đi chỉ còn sở hữu hai thứ: ngôn ngữ của nơi chốn sinh thành và chùm chìa khóa của một căn nhà nay đã không còn hiện hữu. Với những người cầm viết trước và sau 1975 của Việt Nam ở hải ngoại, căn nhà đó vẫn còn hiện hữu. Và trong chùm chìa khóa họ (Ấu Tím) mang theo có cái dùng để mở ra cánh cửa bước vào căn nhà quá khứ. Ấu Tím đã đẩy cánh cửa đó rộng mở trong tác phẩm đầu tay Một Quãng Xuân Thì này.
Ra đi bắt đầu từ điểm khởi hành. Chỗ đến dường như không quan trọng. Đó có thể là bất cứ chỗ nào miễn là không phải chỗ đã bỏ ra đi. Một chỗ tạm cư, người ta hay nói thế. Tạm cư còn là tạm yên để nhìn lại và nhìn về phía trước và như ở đây trường hợp Ấu Tím, để bắt đầu một hành trình khác, bí ẩn hơn: viết. Ấu Tím trưởng thành ở Sài Gòn. Quá khứ cô mang theo là một mảnh nhỏ của Sài Gòn của thời mới lớn, của tuổi học trò, của Tuổi Ngọc, của Từ Kế Tường, của Đinh Tiến Luyện, của Hình Như Là Tình Yêu, của Tỉ Dụ Ta Yêu Nhau… Thế giới đó không chỉ có văn mà còn có rất nhiều thơ và nhạc. Thế giới đó còn 15 năm sau 1975 nữa. Thế giới thứ hai này là một phản đề của thế giới trước. Người ta phá hủy cái trước (cụ thể, hiện tại) để xây dựng cái sau (mơ hồ, không thật, tương lai). Vết tích chia đôi đó không còn từ một vị trí địa lý (cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17) mà từ vết cắt sâu hơn, nặng hơn từ vị trí thời gian (tháng Tư, 1975). “Một Quãng Xuân Thì” bắt đầu bằng sự lựa chọn. Ấu Tím chọn cái trước. Tác phẩm như vậy là một xung đột giữa hai thế giới tương phản trong đó so sánh là điều không tránh khỏi.
Như vậy, có gì khác biệt giữa Ấu Tím với những người cầm bút khác ở hải ngoại trong lựa chọn ngoài văn chương này? Chính trị có phải là lựa chọn không có trong văn chương? Chính trị và văn chương có bao giờ đi chung với nhau mà không tiêu (tận) diệt lẫn nhau?
Tôi biết có người đọc Ấu Tím trong nhãn quan chính trị đương thời của Việt Nam như trước kia có người đọc Milan Kundera trong nhãn quan chính trị đương thời Chiến Tranh Lạnh. Ấu Tím tạo điều kiện cho cách đọc này bằng những câu điển hình như:
“Tôi hiểu sau 21 năm trốn chạy khỏi miền Bắc, trốn chạy khỏi chủ nghĩa cộng sản, đến giờ phút ấy tôi phải đối diện lại với nó. Ngẫm nghĩ hay chồng tôi chính là người chịu trách nhiệm cho sự đổi đời này, anh mải ăn chơi phè phỡn, mải đàn đúm vây cánh hưởng thụ cho sướng thân, không xả thân giữ phần đất nước đẹp đẽ đã được trao sau hiệp ước Genève.” (tr. 49)

Văn chương dấn thân (nghệ thuật vị nhân sinh) hay văn chương tự trị (nghệ thuật vị nghệ thuật) cuộc tranh cãi đó dường như vẫn chưa (bao giờ) ngã ngũ từ Đông qua Tây. Adorno khi bàn về quan niệm văn chương của Brecht đã phân biệt hai trường hợp của Pháp và Đức. Ở Pháp do sự hiện hữu có tính thống trị của trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, đề kháng lại tinh thần này, như Sartre, bằng văn chương dấn thân nghe có vẻ “cách mạng” hơn và dễ được ưa chuộng hơn. Ở Đức, ngược lại. Đó là phân tích của Adorno trong niềm tin “chính trị tồi sẽ dẫn đến nghệ thuật tồi và ngược lại” để chống lại Brecht.
Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, do chiến tranh, do xung đột ý thức hệ, văn chương tự trị có lẽ thắng thế hơn và kéo dài sự thắng thế này ra tận hải ngoại. Mỗi bên (tự trị/dấn thân) đều có lý do của mình. Thời trước, Adorno có lựa chọn khéo léo hơn, “Bây giờ không phải là thời cho nghệ thuật chính trị mà là lúc chính trị phải di chuyển vào nghệ thuật tự trị và không ở nơi nào nhiều hơn chỗ được coi đã chết về mặt chính trị.” Lựa chọn của Ấu Tím là lựa chọn tự nhiên trong đời sống bị áp lực nặng nề chính trị và không thể thiếu chính trị khi mô tả đời sống đó.
“Một Quãng Xuân Thì” là thế giới của tình yêu dưới mắt của nhân vật phần lớn xưng tôi là phụ nữ. “Tôi quá yêu tôi ngày ấy” (tr. 25) là tiếng kêu thương mở đầu của một quá khứ không còn nữa dù hạnh phúc hay khổ đau. Họ (nhân vật phụ nữ xưng tôi) sống trong thời chiến nhưng không trực tiếp tham dự vào cuộc chiến đó. Người đương đầu trực tiếp với chiến tranh là những nhân vật phản diện đàn ông, là tình nhân, có người chung thủy, có kẻ bạc tình. Trong quan hệ phần lớn là tình đầu thời mới lớn, chuyện có khi chẳng tới đâu và đột ngột chấm dứt bằng cái chết ngoài mặt trận… Chuyện có khi kết thúc thành chồng vợ nhưng rồi cũng chẳng tới đâu một cách khác bởi vì “tam tòng tứ đức, sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân chia, tôi làm sao dám phá bỏ, chỗ nào cho tôi nương thân khi trốn chạy.” (tr. 45).
Trong cái đề tài bất tận về tình yêu đó, Ấu Tím khai thác tận tình, đi vào những ngõ ngách thâm cung, soi rọi những dị dạng kỳ quái. Cô mở đầu trong một câu chuyện:
“Người ta không cần tìm về kỷ niệm, kỷ niệm tự nó đi tìm người đã có. Kỷ niệm đôi khi đi cùng oan trái.
Như tôi, không bao giờ thèm nhớ hay nghĩ đến nó, tự dưng nó lù lù xuất hiện, ngay ban ngày ban mặt, ngay phố chợ đông người, nó xồng xộc đứng sừng sững trước mặt và cười với tôi. Nụ cười trắng xóa sóng biển.”
(tr. 141)
Và một mở đầu khác:
“Anh! Ngồi xuống đây bên em, em sẽ nói cho anh nghe bao nhiêu là chuyện đã và sẽ xảy. Café đây anh, em chỉ cho một muỗng đường như anh dặn, bánh này em mua ở tiệm Brodard anh thích, gì nữa nhỉ, cỏ tương tư của anh, anh xem em mua bằng được Pall Mall đỏ. Em chỉ cần anh ngồi im lặng nghe em nói. Anh đốt thuốc lên đi, mùi khói nồng nàn gợi nhớ những kỷ niệm xưa. Kỷ niệm xưa, một phần đời của em, phần đời đầy hoa mộng.” (tr. 57)

Phần mở đầu này của truyện ngắn Tự Tình là truyện có kết cấu lạ. Nó bắt đầu bằng người con gái kể lại cho người yêu câu chuyện tình giữa hai người. Nó kết thúc bằng lời tạ từ:
“Uống hết café đi anh, nguội thật rồi, còn điếu thuốc cuối cùng anh đốt lên nốt đi anh, em phải về đây kẻo mẹ mong, giờ này chuyến xe cuối cùng cũng sắp đến, em phải về thôi.
Hôn em đi anh! Lần cuối cùng này.”
(tr. 65)
Truyện chợt đi vào lời kể của nhân vật xưng tôi. Tôi là ai? Người đọc chỉ biết ở câu cuối: “Tôi, cây dương liễu được trồng trong nghĩa trang Quân Đội đã chứng kiến mối tình này.” (tr. 67).
Ở đoạn kế tiếp và sau cùng, lại là một nhân vật xưng tôi khác, bạn của nhân vật nữ trong chuyện tình, như nhân chứng cuối cùng của mối tình đó.
“Một Quãng Xuân Thì” phần lớn xảy ra ở Sài Gòn, trường Sương Nguyệt Anh, Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối, đường Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng. Những truyện khác có khi ở Đà Lạt, có lúc ở Vũng Tàu. Người kể chuyện, Ấu Tím, cũng không dừng lại ở một cách diễn tả nào nhất định. Có khi cô dùng lối thuật sự. Có khi cô dùng đối thoại. Còn ngôn ngữ? Ở giữa những kể lể, tâm sự bằng đa số giọng Bắc, cô chợt dùng giọng Trung (truyện Chẳng Thà Xe Cát Mà Vui), và rồi xuất sắc hơn, cô đổi sang giọng Nam (trong ba truyện: Đoạn Cuối Tình Yêu, Bướm Vàng Đậu Ngọn Mù U, Mảnh Tình Vắt Vai).
Người nữ trong Đoạn Cuối Tình Yêu kể:
“Ông không nói, lẽ nào tui trơ tráo nói, đêm đó ông chỉ cầm tay tui, vuốt tóc tui, choàng tay qua vai tui, cho tui tựa đầu lên vai ông rồi hết. Ông đâu biết tui khấn Phật Bà cho ông hun tui, tui sẽ ăn chay một tháng.” (tr. 84)
Và:
“Chưa ai hỏi cưới tui chi ráo mà chị Hai tui đã dặn dò tui mang chín cây kim gài vô tà áo cưới đặng giữ vía của mình, không cho vía ông chồng nuốt mất. Tui khỏi cài chi ráo, đặng vía ông phủ chụp vía tôi nghen ông.” (tr. 89)
Truyện cuối cùng, Bốc Mộ, là một tự truyện. Đó là câu chuyện buồn xảy ra sau 1975. Cha cô mất trong trại cải tạo. Cô chỉ được biết tin trễ từ một người đi học tập khác. Chuyến đi một mình với chú Sáu, một thương phế binh, để bốc mộ cha được kể lại sau mọi khó khăn, thủ tục, giấy tờ của trại cải tạo và cuối cùng:

“Tôi bọc bộ hài cốt gọn gàng, để vào giỏ, ôm vào lòng, như ngày xưa Bố từng ôm chúng tôi, để chú Sáu chở về lại Sài Gòn. Bố ơi! Con sẽ bọc bố bằng nhiễu đỏ, đặt Bố vào kim tĩnh và để Bố bên cạnh Mẹ, các em đang ở đó chờ, có cả cô chú họ hàng. Con hát cho Bố nghe bài hát Bố con mình hay hát nghe:


Đừng để những nỗi buồn chua cay đến luyến lưu tâm hồn mình…’
(tr. 240)
Có ý nghĩa gì không, cuộc đời này? Như mỗi chúng ta, Ấu Tím vẫn tiếp tục kiếm tìm. “Một Quãng Xuân Thì” chỉ mới là kết quả đầu tiên. Điều tìm kiếm luôn ở đâu đó phía trước. Hay chính nó có khi không bao giờ hiện hữu.

 

 

Nhớ ngày xưa

Ấu Tím

Khi lá thu rơi trơ lại thân buồn khúc khuỷu là những khi tôi nhớ nhung nhiều lắm . Nhớ nhà xưa quê cũ , nhớ thuở bé bỏng ngây thơ . Tóc theo ngày tháng phai màu, nỗi nhớ niềm thương ngày mỗi lắng. Phải ghi lại kẻo không quên mất . Ngày nơi đây, nơi xứ lạ quê người, qua nhanh, nhanh qúa, bánh xe đời vội cuốn tới không lùi.
Không hiểu sao tôi nhung nhớ nhiều thế , những bụi cây nhánh cỏ đã từng cạnh tôi thời ấu thơ xa tít tắp .
Cây Ngô Đồng người ta bảo “không trồng mà mọc” còn gọi là cây Bã Đậu, tôi gặp ngày gia đình ở trong khuôn viên trại Nguyễn Tri Phương – trung tâm 3 nhập ngũ, những hàng cây Bã Đậu buồn hiu thẳng tắp chạy dài hai bên đường , buổi chiều nắng rọi soi bóng hắt hiu , lúc ấy tôi hay thơ thẩn nhặt những mảnh trái khô dấu đầy túi dù chẳng biết để làm gì ? Có lần thấy chú lính ngồi dưới gốc cây , dùng cái dũa móng tay khắc hình lên mảnh vỏ khô ấy thành con cá xinh xinh tôi thích qúa xin ngay , biết đâu rằng trong lúc tỉ mỉ vẽ hoa văn là lúc chú nhớ nhà ghê gớm .
Còn những dàn hoa Bìm Bịp màu tim tím nhàn nhạt như hoa rau muống, phủ đầy lên vòng kẽm gai, phủ đầy lên hàng rào của trại , loài hoa được tôi hái không tiếc tay vì nhiều qúa để chơi đồ hàng .
Hoa móng tay lá mỏng như lá hẹ , hoa hồng tươi có năm cánh , tôi hái rất ít vì nó thơm và dễ thương qúa , chỉ khi nào làm công chúa hay cô dâu tôi mới hái hai hoa , đủ để dán lên mười ngón tay làm đẹp .

Hoa dâm bụt tôi hay hái gài lên tóc , có khi quên mất nó héo xèo xụi lơ như rác trên đầu , mấy thằng con trai thì hái đọt lá gắn dưới cằm làm râu .
Còn dàn dưa tây có hoa màu xanh thiên lý (màu xanh lá cây có pha nhiều màu vàng ) hay bị ong bầu đến hút nhụy cũng là kỷ niệm của tôi . Tôi biết hoa nào hoa cái , hoa nào hoa đực , để bắt chước người lớn bắc ghế hái hoa đực chấm vào nhụy cho hoa cái có trái . Trái dưa tây khi chín thơm kỳ lạ , cho đường vào ăn ngon không tả được .
Tôi cũng không quên vị chan chát , ngòn ngọt và màu tím của trái Trâm . Trái trâm thuôn thuôn nho nhỏ như đầu ngón trỏ của tôi , cây hay mọc từng bụi , sau khi ăn màu tím dính trên lưỡi lâu lắm mới hết . Có lần ba tôi sợ hết hồn khi thấy lưỡi tôi tím lịm như thế , may tôi còn vài trái trong túi áo đưa ông xem . Cái áo đó màu tím loang một khoảnh nhỏ ngay góc túi không sao giặt sạch đi được .

Rồi cây điệp Tây trái đen , đến mùa nào tôi không nhớ , có rất nhiều con sâu đo màu xanh lè nhỏ xíu hay thòng sợi tơ tòng teng rơi xuống khi cơn gió thổi mạnh . Lúc ấy tôi tin rằng con sâu đo trên người mình bao nhiêu cái là chỉ sống có bấy nhiêu tuổi thôi, nên hơi sờ sợ . Mà khổ nỗi cây điệp này hoa xinh lắm , tròn xoe tơ là tơ má hồng nhạt tim tím , cành lại rất cứng , tàng to , không cao lắm , tôi tha hồ leo lên chạc ba nằm ngửng cổ ngắm mây , đủ lấn đi nỗi sợ sâu đo . Trái điệp mỏng , dài hơn gang tay , bề ngang khoảng mười lăm cm , khi chín cong queo , mở bên trong có chất nhựa màu nâu , ngọt nhưng lại hơi cay cay mùi rượu, hột màu đen có vân màu vàng nhỏ như trứng gián, nhưng rang lên ăn ngon ơi là ngon , chỉ cần kê ba cục gạch, cái lon sữa bò , lá khô, hai cành khô làm đũa là tuổi thơ của tôi đã rang xong mớ hột điệp để nhấm nháp , vị hột điệp này bùi ngon lạ lắm , ngon hơn hạt dưa ngày Tết nhiều .
Vườn Chuối, khu Vườn Chuối tôi không biết trước đây có thật người ta trồng chuối không? nhưng hồi gia đình tôi dọn đến ở , thuở tôi vừa đủ lớn để thu gom vào ký ức thì không còn thấy cây chuối nào nữa cả , chỉ thấy những chiếc xe tải từ đâu chở đến không biết cơ man nào là chuối . Khu vườn chuối vuông vức lắm, bốn cạnh là những con đường Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản, và Vườn Chuối . Trong hình vuông này, những khu xóm liên lạc với nhau bằng bao nhiêu con hẻm nhỏ, trong hẻm, những căn nhà liền lạc chung vách với nhau. Nhà lầu có lan can, hàng xóm có thể leo sang nhà nhau nếu muốn, những ngày trời nóng, nhà lầu có thể leo lên mái nhà trệt bên cạnh nằm ngắm trăng, không ai phiền hà gì cả. Phía trước nhà luôn là một hàng ba, nếu không xây bằng xi măng thì cũng có hàng rào sắt, cái hàng ba này không lớn lắm, chỉ khoảng 3 hay 4 mét, từ cửa chính nhà đo ra ngoài hẻm, nhưng cũng đủ chỗ để dựng tạm xe đạp, xe gắn máy khi có khách, hay là chỗ cho lũ con nít tụ họp chơi đồ hàng, đánh đũa , giải gianh .

Khu xóm của tôi con hẻm được tráng nhựa , nên mùa mưa không lầy lội như những hẻm khác . Đặc biệt của khu này, con hẻm nào cũng đi vào chợ Vườn chuối . Con đường rầy xe lửa nằm dọc sau lưng chợ, cũng có bao nhiêu chuyện để kể. Có lần một bà giận chồng đánh bạc thua hết tiền nằm vắt ngang trên đường ray làm mọi người hoảng sợ xúm xít lôi bà ta ra, tôi cũng ráng chen vào xem cho bằng được, những chuyện đặc biệt như vậy là niềm vui cho lũ con nít từ mười đến một tuổi (bị anh hay chị na theo) nhiều lắm. Con nít thời ấy không có tivi, không có video game nên niềm vui thật đơn sơ êm ả, một đứa hô lên là cả bọn xúm xít đi theo, nhiều khi đi chả biết đi đâu mỏi chân mò về lục cơm nguội. Những lúc đi vô định như vậy là lúc tìm được trò chơi – nhà đó có cái hồ cá, nhà nọ có cây mận – để hẹn hò nhau ngày mai mang lon sữa bò, mang ná thung đi theo.

Tôi nhớ mãi cái nhà có hồ cá đối diện ngã ba đường Vườn Chuôi, nằm trên đường Phan Thanh Giản kế bên trường Văn Học, nhà này có cổng sắt hẳn hoi, vào bên trong được là do cái lỗ chó chui từ trường Văn Học sang. Trong hồ họ thả cá Hoàng Kim, con đực có cái đuôi dài phất phới, con mái đuôi tròn. Để chuẩn bị vớt cá, chỉ cần một miếng vải mùng cũ khâu dính vào dây kẽm (dùng để giăng phơi quần áo ), được xoăùn thành hình tròn làm vợt . Chuyện làm vợt bắt cá cũng đủ điều xảy ra , đứa về tháo sợi dây phơi quần áo ở nhà, đứa lục ở đâu ra không biết , một phần cái mùng tuyn , rồi con trai hì hục xoắn , con gái lấy kim chỉ khâu . Ngày hôm sau mỗi đứa một cái vợt đường kính bằng cái tô ăn cháo và cái lon sữa bò , tung tăng chui vào nhà người ta hớt cá . Dĩ nhiên từng đứa chui qua lỗ chó , xong , chui ra cho đứa khác vào . Tôi còn nhớ mình vớt được hai con trống màu cam đậm đẹp lắm, về nhà cho tụi nó vào cái bình thủy tinh, nuôi như cô Tấm nuôi cá bống trong chuyện tấm Cám, mỗi ngày mỗi cho ăn cơm , không thay nước . Chỉ ít lâu, buổi sáng ngủ dậy. cả hai phơi bụng chết. Khóc thôi là khóc. Chuyện đi vớt cá này kết qủa có hai đứa bị đòn quắn đít, tụi tôi hùn nhau mua cho mỗi đứa một cây cà rem đậu đo û.
Người ở khu xóm Vuờn Chuối , chắc không quên nhà ông bầu đại nhạc hội Duy Ngọc , căn nhà đúc hai tầng quét vôi hồng , nhờ việc này mà cả xóm của tôi tha hồ gặp những đại văn nghệ sĩ , như Kim Cương Thẩm Thúy Hằng, Thành Được , Phượng Liên . Phi Thoàn, Khả Năng đến chơi với xóm tôi hình như hằng bữa, cứ thấy đoàn con nít rồng rắn đi theo sau một bà hay một ông chắc chắn người ấy phải là nghệ sĩ.
Nhà của Túy Hồng và Lam Phương đâu xa lạ gì, ngay sâu trong hẻm bên cạnh, chà lâu lâu nghe mấy đứa xóm bên ấy méc nhà họ có cãi nhau. Cãi nhau ngày xưa bên VN, nghĩa là có xích mích giữa những người trong nhà với nhau, chỉ cần nóng tính giọng hơi cao hơn một chút là cả xóm cùng hay, chạy ngay sang can gián, một người can không xuể kéo thêm nguời khác, có bà còn cẩn thận bế giùm con nhỏ của gia đình có vấn đề này đi nơi khác cho người trong cuộc giải quyết cho xong chuyện rắc rối với nhau, nhiều khi tôi còn thấy họ khóc bù lu bù loa chung với bà hàng xóm vừa bị ông chồng tát cho một cái nên thân, lúc ấy tôi thắc mắc : bà bị đánh khóc thì đúng rồi , bà kia mắc chi khóc theo? ø tôi chỉ giữ trong lòng thế thôi không dám hỏi người lớn sợ bị la là con nít nhiều chuyện . Tình hàng xóm VN ngày xưa sao khăng khít đến lạ lùng.
Rồi ngày cúng rằm tháng Bảy, xá tội vong nhân, xóm tôi lập đàn giải oan cho cô hồn các đẳng, bao nhiêu là lượt cúng, hết nhà cô Mỹ tiệm vàng, đến nhà ông Tàu thuốc Bắc, rồi bà Tư thớt heo, tiền cắc được ném tám phương, bốn hướng. Tôi không được ra khỏi nhà trong những ngày này, vì sợ oan hồn nhập, không được như những đứa ở xóm khác tới lượm tiền và giật bánh cúng, chỉ được ngồi trên lan can nhìn xuống ấm ức.
Rằm tháng Tám tết Trung Thu, tuyệt vời . Khu chợ Vườn Chuối sáng rực rỡ đèn chong . Đoạn từ đường rày đến tiệm vàng Vạn Xuân giăng những tấm quảng cáo bánh nướng, bánh dẻo thật to trước tiệm, những tấm quảng cáo này to lắm nguyên một khổ vải ngang 8 tấc dài đến 2 thước là ít, được vẽ rồng phượng, cô tiên, hàng chữ tên bánh màu đỏ như Đông Hưng Viên, Bảo Hiên, Phú Yên , Đồng Khánh v.v . . theo gío Thu lập lờ thật đẹp , chung với bao nhiêu là đèn xếp đèn giấy kiếng .

Đặc biệt hơn nữa có tiệm bày bàn làm bánh dẻo ngay trước tiệm, trẻ con xúm xít đứng chung quanh xem, đứa nào may mắn được ông thợ bánh dích cho một cục bột dư hí hửng cười toe. Trước Tết Trung Thu cả hai tuần con nít đã bắt đầu hưởng Tết, mỗi ngày sau khi cơm chiều xong là tụm năm tụm ba lo xếp lồng đèn, những cái lồng đèn đơn sơ làm bằng báo, đứa nào có anh chị lớn được anh chị lấy những tờ giấy láng có hình ảnh đẹp xếp đèn cho , có đứa còn được cái lồng đèn lon sữa bò mới bảnh. Lon sữa bò được đục lỗ, cắt dọc vòng vòng ép xuống một nửa thành giống như trái bí đo, mấy cọng kẽm làm quai, cây đũa bếp làm cán, đẹp phải biết . Cầu kỳ sáng tạo hơn, dùng lõi chỉ gỗ làm bánh xe, đóng lon sữa bò lên trên , dùng cây dài làm đòn đẩy đi kêu lắc cắc . Dân thành phố thiếu cái thú ngâm tre, chẻ nan, phơi giấy dán đèn nhưng bù lại tụi nhỏ tự xoay sở lấy trò chơi, có sự giúp đỡ của người lớn .
Mùa Trung Thu hay có trò chơi rồng rắn, cần một người làm Thầy, những đứa khác xếp hàng một ôm eo nhau đi vòng vòng, hát :

“Rồng rắn lên mây có cây xúc xích (lúc lắc) có ông Thầy về chưa? “ hễ ông thầy trả lời:”rồi” thì hỏi tiếp “xin cái gì” nếu ông Thầy bảo xin khúc đầu, khúc đuôi, hay khúc giữa là lũ nhỏ ở khúc đó lo mà ôm nhau cho chặt, ông sẽ rình đứa nào sơ hở để kéo ra ngoài, không được rồng rắn nữa. Lúc bị ông Thầy đuổi để giựt ra khỏi hàng là lúc vui nhất, la hét om cả lên. Thêm nữa là trò nghịch nến, đốt để coi chơi, để ngửi cái mùi thơm thơm, để làm bánh bèo bằng nến, dễ lắm, một lon nước, nghiêng cây nến đang cháy, nhỏ (nhiểu) lệ nến vào, đứa nào khéo cái bánh bèo tròn có lúm một lỗ ở giữa, đứa nào vụng bánh bèo méo xẹo, những cây nến này là nến ăn cắp trên bàn thờ Phật, bàn thờ thần tài không phải nến đặc biệt dùng cho đốt đèn Trung Thu. Ngay hôm rằm, người lớn bầy bàn trước hàng ba cúng Trăng, nhà nào không cúng cũng bắc ghế đẩu ra hè ngồi chơi ngắm trăng, hàng xóm cùng quây quần cỗ bánh, con nít tha hồ nghịch nến , tha hồ rước đèn . Những cây nến (đèn cầy) ốm tong teo sao dễ thương lạ kỳ, ngày ấy nến chỉ có một màu đỏ đậm, được mẹ phát 5 cây nến là vui như đi hội thử giầy. Trời thẫm tối, túm nhau thắp nến vào lồng đèn, theo nhau đi từ đầu xóm xuống cuối xóm, vừa đi vừa hát
“Aùnh trăng trắng ngà có cây đa cao , có thằng cuội già xin một bó mơ “

có một câu thôi hát tới hát lui không chán . Có lần cả xóm tôi rước đèn thật rầm rộ, vì bác trưởng xóm (tôi không biết kêu như vậy đúng không? nhưng bác là người đi thu tiền phúng điếu nếu có ai trong xóm qua đời) có cái đèn con cá chép bự cỡ 1 thước ngang chứ không ít dẫn đi đầu. Con các chép này đi đến đâu những chiếc đèn nhỏ nhỏ đi theo đến đó, càng đi cái đuôi đèn càng dài, tất cả tụi nhỏ xóm tôi (dĩ nhiên có tôi), cả những đứa ở bên xóm khác vui nhiều lắm dù khi về đến nhà chân tóc cũng đẫm cả mồ hôi. Đêm đó trăng sáng vô cùng rực rỡ . Nhà người Hoa họ cúng Trung Thu lớn lắm, có mấy cái bánh chiên tròn bằng qủa cam chung quanh toàn là mè, bánh in bọc trong giấy kiếng vàng đỏ, bánh dẻo bánh nướng, trà, trái cây. Người Việt mình chỉ có bánh trung thu là xong , nhà nghèo không mua được bánh thì cúng trà , bánh in vài loại trái cây mộc mạc cũng xong . Tàn hương (nhang) hàng xóm thân thiết cắt bánh mời nhau , con nít thường được phát bánh in, hiếm khi được ăn bánh nướng , bánh dẻo. Đứa nào được mẹ cho bánh nướng hay bánh dẻo đêm ấy thế nào cũng rộng rãi với đứa bạn thân cho cắn một miếng, với câu dặn “ cắn ít thôi” . Tuổi thơ dễ yêu làm sao? miếng bánh tuổi thơ ngọt ngào làm sao ? Đến lúc này là lúc cãi nhau xem chị Hằng ở đâu trên cái ông trăng tròn vo ấy, rõ ràng chỉ thấy cây đa thật to và chú Cuội ngồi xệp ngay dưới gốc, chị Hằng đâu mà chị Hằng? Mẹ bảo chị Hằng phải giữa đêm mới đến, con nít nào ngoan mới thấy. Co’ lần tôi định thức đến giữa đêm xem thử mình ngoan hay không? nhưng chưa bao giờ tôi thức nổi .
Mùa Thu là mùa mưa , những cơn mưa xầm xập không báo trước , mây kéo vù tới , chùng thấp rồi mưa . Giòng nước mưa cuộn chảy xuống cống, đối với con nít là giòng sông đẹp nhất. Mưa vưà tạnh những con thuyền xếp bằng giấy được nhẹ nhàng thả xuống, đứa nào dùng giấy láng, thuyền không bị thấm nước theo giòng trôi thật đẹp. Đứa nào dùng giấy bản nước thấm nhanh thuyền chìm hậm hực muốn khóc . Muà mưa có những trò chơi mùa mưa . Con trai thích tắm mưa dưới máng xối, đá banh ngoài mưa , nhiều đứa sợ Mẹ biết cởi hết áo quần dấu trong mái hiên nhờ lũ con gái giữ hộ . Con gái phần đông chơi đồ hàng trong sân vì Mẹ cấm không cho nghịch mưa sợ ốm, vài đứa phá lệ cứ ra mưa cho ướt hết cả người . Tôi không dám, có lẽ đó là lý do tại sao khi lên trung học tôi mê dầm mưa đến thế.

Đồ hàng là những cái nồi cái chén, cái chảo đủ mọi đồ lề cho người nội trợ thật trong tương lai, những tiếng xưng hô mày tao chi tớ cũng được đổi như người lớn , Bà với tui , chị với tui . Những chiếc lá, những đóa hoa hái vội trong chậu kiểng thành rau, thành cơm, con búp bế được truyền nhau nâng niu, con con má má . Những loại cây kiểng hồi ấy thường là cây ngâu, cây mai chiếu thuỷ, cây bông giấy, cây bông nhài (lài) . Tôi còn nhớ cây ngâu với những chùm hoa li ti màu vàng thơm diù dịu, trái nhỏ bằng đầu ngón tay út, khi chín có màu cam đỏ rất đẹp, ăn ngòn ngọt . Cây mai chiếu thuỷ từng chùm hoa màu trắng cúi gục đầu xuống, không sao ngửng lên được, mùi thơm thật nhẹ , tôi cứ dí mũi sát vào hít lấy hít để , không như hoa nhài chỉ vừa đến gần đã thơm thật thơm . Cây bông giấy không thơm nhưng tha hồ hái lá làm rau, nhặt hoa làm bánh, ngâm nước cho ra màu sơn móng tay , không hề bị người lớn la như khi đụng vào những cây kia . Khi mưa vừa tạnh, lũ con trai vừa thay áo quần xong lại rủ nhau đi, đi vòng vòng sang xóm khác tìm xem những nhà có trồng cây mận, cây ổi, cây táo, cây khế, cây tầm ruột có trái nào vì mưa rụng xuống hay không ? Con nít sống ở thành phố buồn hơn con nít dưới quê, không có vườn cây, nên không được leo trèo, thấy được một cây ăn qủa mừng rỡ như bắt được vàng , cây ổi ruột đỏ trước tiệm giặt ủi Hồng Nhạn ngay con hẻm số 30, sau tiệm phở gì tôi quên mất tên, cây ổi này hình như chưa bao giờ có trái chín vì chị Nhạn hiền qúa chẳng bao giờ la ai .

Trên đường Phan Đình Phùng, từ ngã tư Lê Văn Duyệt đổ xuống là hai hàng cây điệp vàng (còn có tên văn hoa hơn là : cườm thảo vàng), sau cơn mưa hoa đầy gốc , mùi mưa quyện với mùi hoa làm tuổi thơ của tôi ướp đầy mật ngọt . Cầu vồng bảy sắc sau mưa luôn làm tụi nhỏ chúng tôi mộng mơ, huyễn hoặc, đứa thì bảo đó là cầu bắc cho tiên đi, đứa thì khẳng định Chúa đang đứng ngay giữa cầu, đứa thì bảo ông Bụt đang cười với nó, còn tôi khẳng định sẽ tìm được nơi bắt đầu của cầu vồng, sẽ có cầu thang đi lên càng lúc càng cao . Cả lũ tin, theo tôi lang thang đi đến dinh Độc Lập không hay, lần ấy không tìm ra nơi xuất xứ của cầu vồng, tụi tôi khám phá ra bên trong hàng rào cao ngất ấy là những cây nhãn lồng ngọt lịm, vì mưa một nhánh cây gãy, vượt ra khỏi rào làm qùa cho lũ con nít đi tìm cầu vồng sau mưa .
Giáng Sinh , đối với gia đình có đạo là một ngày lễ lớn lắm, trong xóm tôi ở chỉ có khoảng năm gia đình thôi , nhà nào trước cửa cũng treo một ông sao thật lớn . Con nít tụi tôi không chia rẽ tôn giáo , hễ có rằm có ngày Đản Sinh đức Phật thế tôn người lớn làm lễ cúng tụi tôi cũng cúng , đến Giáng Sinh người lớn làm ngôi sao , hang đá tụi tôi cũng làm ngôi sao hang đá . Có lần tụi tôi may mắn lấy được một cục đất sét gần mùa Giáng Sinh, thế là tha hồ nắn tượng, theo tôi những nhà điêu khắc tí hon luôn có những ý tưởng thật độc đáo, từng hình người đơn giản được dựng lên, tôi tha hồ kể bao chuyện được nghe từ các dì phước dậy giáo lý, những đứa ngoại đạo cứ há hốc mồm nghe tôi kể và tin thôi là tin . Có đứa còn khóc vì thương em bé Giêsu bị lạnh nữa, tôi kể con trừu tụi nó hỏi giống con gì, tôi trả lời giống con chó, nghĩ lại buồn cười thật .
Cái hang đá được hình thành với bao công trình tim óc, rơm lấy từ bà bán trứng, vỏ bao xi măng rình mò mãi mới lấy được một cái ở trường Bàn Cờ đang xây thêm phòng học, chỉ có thế mà những bức tượng sau khi phơi nắng có chỗ trưng bầy. Đi lễ tối Giáng Sinh mới thích làm sao, được mặc áo đẹp mới may, đi giầy có gót, mấy đứa bạn tôi xin đi theo, nhưng Ba tôi sợ lạc không dám dắt theo. Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa đúng một đêm thôi, nhưng thời gian sửa soạn đợi chờ là tuyệt vời nhất .

Lớn hơn tí nữa khoảng năm học lớp nhất (lớp 5 sau này) trò chơi phức tạp hơn nhiều , bắt đầu có phe nhóm , con gái biết ganh tị giận hờn , con trai biết chọn lựa chơi hay không chơi với con nhỏ nào . Thường thì mấy nhỏ hay mít ướt tụi con trai không thích , nhỏ nào ngỗ ngược lì lợm đi đâu tụi con trai cũng rủ đi theo . Đi theo lũ con trai có nhiều khi chó rượt, có nhiều khi rách quần rách áo , có khi lạc đường cảnh sát phải dẫn về nhà . Bị đòn sau đó là đương nhiên .
Ngày đó roi mây được bán trong tiệm tạp hoá từng bó , những cây mây màu vàng bóng khoảng chừng ngón tay trỏ dài chưa tới một thước . Có nhà cây roi mây tét te tua vì cậu nhỏ nghịch qúa , nhà tôi có một kho roi mây , cái kho ấy là là cái khe hở giữa bộ ván và bức tường đủ để tôi len lén dấu cây roi mây vào đó . Mất roi tôi được khất “roi “ cho đến khi me tôi mua cây roi mây mới , dĩ nhiên cây mới lại bị biến mất . Chỉ đến cuối năm khi dọn dẹp trong ngoài ba tôi mới thấy cái kho này .
Nhắc đến bộ ván bà ngoại cho Me tôi ngày đi lấy chồng , tôi nhớ hình vân gỗ nổi bóng lưỡng mát rười rượi khi ngả lưng giữa trưa , Me tôi nằm giữa các con chung quanh , con nít không sao ngủ trưa được, chỉ nằm loay hoay mở sách truyện bằng hình đọc . Giữa trưa có lần tôi đọc Ma Cà Rồng sợ qúa hét lên , Me tôi giật mình , Ba tôi biết thế là đổ bể chuyện đọc sách cấm . Hồi đó buổi trưa Ba tôi được về nhà ngủ trưa , tôi nhớ ba tôi hẹn lấy sẵn roi mây ra buổi chiều khi ba về kể tội .
Lạ kỳ sao, với con nít điều gì bị cấm là điều tuyệt diệu cần tìm kiếm . Những sách được mua cho đọc không thích bằng những sách bị cấm không cho đọc . Sách Ba tôi mua rất đẹp , bìa dầy giấy bóng , hình ảnh tô màu rõ ràng , chữ in dễ đọc . Sách bị cấm được bán trước cổng trường , người bán trải tấm nylong trên mặt đất và xếp những quyển truyện tranh in bằng giấy bản nhem nhuốc , có hình đen trắng , nội dung thường là ma qủy , dễ sợ , tôi nhớ có Thiên Linh Cái là truyện tụi tôi truyền tay nhau đọc , truyện này nhiều tập lắm , đặc biệt khổ của quyển truyện vừa đúng với quyển vở học nên bỏ vào cặp táp Ba tôi không biết .

Buổi chiều khi ba tôi về, cơm nước xong , tôi nem nép hiền lành chờ đợi bị đòn .
“ Bị đòn” là một nghi lễ trong gia đình tôi . Kẻ có lỗi phải nằm xấp, má úp vào hai bàn tay khoanh lại , Ba tôi cầm roi mây nhịp nhịp lên mông , vừa nhịp ông vừa kể tội ; kể xong ông hỏi :”đáng bị mấy roi ?” Nửa roi chắc chắn không có nên câu trả lời luôn là một roi . Bộ ván ấy tôi từng nằm xấp chịu đòn khi cao chưa bằng chiều ngang của bộ ván , đến lần cuối cùng còn bị đòn , chân tôi thò ra ngoài hai tấc . Nước mắt của tôi làm bộ ván đã bóng , lại càng bóng hơn .
Mỗi năm chiều 30 Tết tất cả chị em tôi “được” bị đòn . Tấm phản vừa xinh cho tất cả chúng tôi nằm một dọc 5 đứa, từng đứa được Ba tôi luận tội đâu ra đấy, kết luận sang năm mới phải sửa đổi như thế nào, và quất cho một roi tượng trưng xả xui để sang năm mới không bị đòn nữa .
Năm lên chín tôi đã biết háo hức đợi chờ Tết, xé lịch một lúc hơn chục tờ cho mau đến Tết . Ngày 23 tháng chạp lịch của nhà tôi đã đến ngày mồng một Tết Aâm Lịch . Ba tôi phì cười không cho ăn đòn vì biết con mong Tết . . .(Chuyện xé lịch xảy ra hoài hoài vì khi tôi không làm, em kế tôi sẽ làm, và cứ thế cho đến khi không còn lịch để bóc nữa)

Khoảng thời gian này vui lắm, chợ họp suốt đêm tràn ra ngoài hẻm ngay trước cửa nhà tôi. Những chiếc xe ngựa chở cơ man nào là hoa vạn thọ, hoa đồng tiền lên bán, hương hoa thơm lừng. Tụi tôi có cả rổ hoa rụng để chơi đồ hàng, hay xé hoa ra làm confetti ném nhau cho vui. Buổi tối mấy bà hàng đốt đèn măng xông, đèn dầu, làm đống quít càng thêm vàng rực . Núi dưa hấu cao nghệu trái nào trái nấy bóng lưỡng đen xanh, có trái màu xanh ngọc sọc trắng nhưng chắc giống lạ nên có ít lắm . Tôi chỉ thương đám gà thật dễ thương bị cột chân lại đặt nằm xếp lớp dưới đất , người mua xách cái chân nó lên , bóp bóp ngay cái lườn, lật qua lật lại bỏ xuống cái ịch , tôi ngồi xem mà thương con gà qúa sức . Nhìn bao nhiêu cái mỏ há ra để thở hào hễn, cái mồng qụeo qua một bên mà đứt cả ruột, tôi mang thau nước ra cho tụi nó uống, bà bán hàng cho tôi một nắm hột dưa ngồi cắn cho vui. Mỗi năm bà mang gà, hoa, trái cây từ dưới quê lên bán Tết, năm nào bà cũng đến ngay trước hàng hiên nhà tôi bày hàng . Trưa 30 dọn dẹp xong bà biếu Me tôi cặp gà ăn tết trước khi về, Me tôi nhận, nhưng luôn cho lại bà trà, kẹo, mức.
Tết trước năm 1968 chợ không họp đúng ba ngày, trong ba ngày này những sập hàng để trống, chỉ có bầu cua cá cọp, hay những hàng bán đồ chơi dụ tiền lì xì của nít là nhiều . Sau 1975 hình như không còn điều này nữa .
Thành phố không có chỗ để gói bánh chưng , Me tôi làm mức , mùi đường thơm ngan ngát những ngày áp Tết , rồi Me gói giò thủ , những cây giò gói bằng lá chuối được nẹp trong hai cái đũa cả, dựng trong cái tô hứng mỡ , bánh chưng cô chú đem đến biếu , những hộp mức giấy xanh giấy đỏ tuyệt đẹp để trên tủ kính . Me tôi dặn bà bán hàng mang lên những con gà mái dầu chân lùn vẩy vàng , đôi mắt tròn xoe như hạt đậu đen , nhốt trong cái bội (lồng to bằng nan) để Tết đãi khách . Rồi dưa hấu nữa vừa đem biếu vừa để ăn cũng phải hơn hai chục trái , Me dậy tôi lựa thế nào cho ngon , ngọt , mua thế nào để mồng một bổ ra trái dưa đỏ tươi , đầy đặn không bị bọng bên trong . Vui nhất là theo Ba tôi đi biếu Tết . Bác Cả thế nào cũng có con gà trống thiến, cặp dưa , hộp mức, cân trà . Mấy con gà được treo hai bên hông xe trên đường đi thò đầu ra khỏi gỉo kêu quan qúat vui lắm . rồi khách đến nhà biếu Tết nữa ngày nào cũng như hội , tôi phải lo bưng trà , rót nước không ngơi tay mà chả bao giờ phàn nàn với Mẹ , cứ nghĩ đến áo đầm mới , đôi giày mới treotrên lầu làm sao mà cằn nhằn than thở được . Thức đợi năm mới với Ba , Me đã thành thói quen mỗi năm các em tôi lớn dần cũng thức theo .
Bây giờ sau bao nhiêu năm, nhất là sống xa quê nửa vòng trái đất, giao thừa tôi không biết đợi chờ thế nào? Giờ nào đúng giao thừa? Đông Tây có gặp gỡ được nhau ngay điểm giao thừa đó không? Đành một mình thắp vài nén hương trầm nhung nhớ, chung quanh thiên hạ có ai nhớ Tết như tôi ?
Nỗi nhớ của tôi còn nhiều lắm, nhiều lắm . Nhớ nhung có người cho là đau khổ, với tôi là một hạnh phúc. Tôi có thể vui cả ngày khi gặp lại bụi hoa dâm bụt ngày cũ, tôi có thể vui cả tháng khi gặp lại được nhánh tơ hồng, tôi như con nít khi tìm ra nhánh cây cườm thảo nhỏ nhoi trong vườn bách thảo . Tôi biết tôi hạnh phúc khi bên tôi có người ngôì nghe tôi kể : Nỗi nhớ ngày xưa.

Em sẽ kể nữa cho anh nghe…

***

Phụ đính:

Những mảnh tình vắt vai

 

“Tui thề tui hổng yêu ai, dì nguời ta cứ phụ tui gòai”
Giọng chị Hai hát nghe rầu thúi ruột. Cái âm giọng miền Nam rặt thấy thuơng làm sao.
– Chị Hai à ! chị hát chi một bản nhạc hoài hủy dị chị ?”
– Thì tui bị phụ phàng, tui hát dị chớ sao.”
– Bị phụ phàng là sao chớ ?”
– Chèn đét, phụ phàng là mình thích nó, nó thích mình hai đứa thích nhao, cái gồi nó bỏ mình cái đùng, đi lấy con nhỏ khác chớ sao ?”
– Chị kể tui nghe đuợc hôn ?”
Tui tên Lụa, ông già tía tui muốn đời tui suông sẻ, dịu nhiểu như sa Tân Châu, như lụa xứ Xiêm mà cho tui cái tên như dị. Tên cúng cơm tui điệu đàng mà đế ai biết đặng gọi , ngừi ta gọi tui là con Hai Đẹt. Hồi đó sanh con ra , phải kiêu nó bằng cái tên xấu xí, ra xóm ban điêm phải quẹt lọ nghẹ lên trán để xí gạt quỉ thần, hỗng thôi mấy ổng bắt mất. Rồi tui bị dính cứng ngắt dí cái tên Đẹt đó. Gọi tui tên Đẹt mà tui hỗng đẹt chút nào, ông bà nói con gái muời bảy bẻ gẫy sừng trâu, tui chấp ông bà hai năm, mới mười lăm tuổi tui đà trổ mã con gái.
Tui biết luyến lưu, biết thuơng nhớ âm thầm mà hỗng rõ rệt thuơng ai mới khổ chớ, tui tuởng thằng Năm, thằng Ba , thằng Bảy để ý đến tui ráo nạo. Tui bắt đầu biết liếc con mắt dòm mấy thẳng khi tui đi ngang qua tụi nó, biết đi sao cho ra tuớng xà tuớng điểu, mà trí não tui con nít trân thấy mẹ. Bà ngọai tui bả la tui ào ào:
– Đẹt , mày ăn cơm đơm ra dĩa dậy là theo trai không cần cao trầu cứi gả nghen con, tao đập mày chết cha ngheo, dô lấy chén ăn hôn.
không thì
– Tổ cha mày con Đẹt, mày ga hàng ba ngồi xọc chơn xọc cẳng dị là mày chù mày ẻo gia phong rối rắm, mày khiến chai nó dòm ngó dô mày, có ngày xách giỏ ga đi không lời từ giã ông bà cha má , làng xóm chửi thúi đầu tao không biết dậy con dậy cháu.”
Con gái nhà quê như tui, đuợc cầm cây viết là chiện hỗng có, ba cái cù nghéo, cái cuốc, cái leng là tui rành sáu câu. Mùa lúa nắng chang ra đồng phơi nắng tui hậm hực chong lòng biết nhiêu mà nói ,
“ Trắng da là bởi phấn dồi
đen da là bởi em ngồi chợ trưa”
ai nói sao nói, tui thấy mấy con nhỏ nhà giào bán chạp phô, da nó in như trứng gà bóc. Da tui chừng một nắng , nó đen thủi đen thui. Tui chùm tui chụp biết nhiêu, nắng nó ăn dô là khó nhả. Tui nghe mấy bà ngòai chợ chỉ dạy, đào củ huệ, trét lên da mặt , qua một điêm, da tui nó sần đỏ như mắc bịnh cùi, tui trốn hết mấy ngày trong nhà không dám ló mặt ra ngòai hóng mát. Mà rồi tui cũng dậy thì, cái thì con gái y như cái búp bông huờng, hé mở. Tui hết dám ra ruộng tắm mưa như hồi bộ ngực tui còn lép xẹp. Má tui bả đâu hay, tui có kỳ có nguyệt. Tui dấu bả còn hơn con mèo cào đất đem chôn đồ phế thải. Tui kiếm khăn khố tui che tui đậy, tui mang ba cái khăn rằn quấn xiết không cho bộ ngực nhú mầm, khúc này tui lo rầu dữ lắm lận , tui hỗng biết tui có mắc bịnh nan y chi hôn, có gần chết âm thầm bỏ tía má tui, dí bà ngoại tui hôn. Cho tới bữa má tui khiều tui dô nói nhỏ :
– Chèn ơi Đẹt, bay có kinh rồi ha, sao không nói dí má chớ , con gái có cái dụ này là phải lo mà tránh xa đám đờn ông con trai nghe hôn, nó đụng tay mày là cái bụng mày chuơng phình lên y như thằng chỏng duới muơng, bay đừng ngu mà ngồi xệp xuống cái đòn mấy thẳng mới đứng dậy nghen , cái hơi nóng đờn ông mà xâm nhập dô máu huyết mày là mày mất hồn mất xác, tan tác đời hoa, lạc lòai đời phuợng , hỗng có phuơng đặng kiếm tấm chồng. Hễ có kỳ nhớ đừng tới lui nơi miễu thờ, đừng ghé ngang khu cúng quảy, đừng láng xáng dô chỗ thầy bà, chiều tà u chạy dô nhà, đừng lóng ngóng ngòai hàng ba , binh tuớng nó đi ngang bắt vía. Má nói dị bay nhớ hết hôn. Đờn bà con gái, có nhiêu đó đặng thủ thân , lo mà kình chống dí hà bá thiên binh nghen con.
Sau bài học làm thân con gái của má tui, tui sợ con trai thấy ông bà ông vải. Tui thấy nó từ xa tui lo đi qua phía khác, mà ngộ nghen, hễ mình sợ nó , nó theo mình. Đám ruộng nào có tui đến mần hầu như đám con trai trong xóm nó cũng mần theo. Nhà nào mà hỗng có ruộng. Hôm nay tui giúp anh, ngày mơi anh giúp tui , mần xoay công dị đỡ mệt lắm chứ chơi ha. Bà ngọai tui đánh mùi mấy thằng ôn theo con cháu gái hây hây của bả, bả theo tui khích rịt , tui đi chợ, bả rảo theo sau, tui xà dô gánh bánh bèo bì, bả ghé dô hàng bánh đúc, tui bang qua khu hàng khô, bả xề qua khu trầu lá. Tui qua nhà con Tám, bả ghé nhà bà Năm. Hai bà cháu tui hình bóng sóng đôi như hai cây dừa bên cái ao đầu xóm. Bả bắt đầu ngấm nghé dòm chom lỏm mấy thằng trong xóm, coi thằng nào tuớng tá ngon ngon , để bả nhận làm nghĩa tế. Y cha kể mà cho hết ngọn ngành tình ái, nó dài thăm thẳm chiều trôi, hồi má tui tới tuổi cặp kê, bà ngoại tui cũng đã từng chọn rể ; chọn đuợc nguời ưng bụng bả khiều tới nhà cho ăn bánh xèo, bánh đúc. Bả nấu canh khoai mỡ, khìa dĩa tép rang, chưng thố mắm lóc, chiên đám rô mề, ê hề bánh trái. Mùa nào bánh nấy, đuợc ăn , đuợc ngắm má tui, đuợc bà ngoại tui bỏ nhỏ ngọt ngào, ổng già tía tui , ừa ổng là ông già tía tui á ;vuớng luới má tui cái một, tuơng tư má tui cái một. Mới đầu ổng ghé nhà, tại bà ngoại tui kiêu, ghé riếc quen đuờng, hỗng ghé thấy nhớ. Mới đầu ổng tuởng tại bà ngoại tui cho ăn ngon nhớ lâu, ai dè, tại cái miệng má tui cuời, tại mồ hôi bệt đám tóc mai , dính dô mặt làm tăng vẻ mỹ miều xuân sắc của bả,. Rồi hai ông bà sáp dô, sóng đôi đến giờ. Lâu lâu ba tui bỏ nhỏ :
– Con Đẹt lo học nấu nuớng, mơi mốt chồng mày nó nhờ giống tao.
Ổng nói mà mắt ổng còn liếc má tui tình tứ.
“Đuờng tình yêu nhiều nỗi gian nan, ai không qua không phải là ngừi” , bà ngoại tui tính coi mòi chắc mẩm như bắp đã trổ hoa, mà rồi thành non èo non uột , bị dì tui không đẹp như má tui , nên mấy thẳng ghé ăn thủng nồi cơm, mòn ba cái đòn mà hỗng thấy thằng nào quen mùi, quen vị. Tui thì sợ ba điều má tui truyền dạy, sợ cái bụng nổi trống chầu, nên thấy mấy thẳng đâu là tui trốn kín mít sau bụi tre tàu. Hễ mở miệng là tui lầu bầu, hễ tui phải dô phụ ngoại tui, là tui đá cái thúng, đạp cái nia, chưa kể hễ ngoại tui biểu tui mần khéo tui cố tình làm cho nó hư nó xấu. Dí lợi chiêu thức của ngọai hết còn hạp thời, hạp tiết , nó cổ lậu cũ mèm, mà tui biết vì ngoại thuơng tui mà lo mà tính.
Tui muốn tự ên tui, lựa một nguời quân tử cho tui, đặng tui phò, đặng tui thuơng tui nhớ. Tui hỗng ưa mấy thằng xum xoe bu ngoại tui đặng đuợc ăn chùa ăn miễu, mà hễ ngoại tui cần nó phụ chút chiện như xay lúa, gánh rạ là nó trốn tuốt bỏ thí đó, cũng con Hai Đẹt này mần.
Tui chấm thằng Phuớc con nhà xay lúa. Thẳng có mái tóc thiệt ngộ, ra tới lộ gặp gió là nó bay bay. Thẳng không để tóc muỗng dùa như mấy thằng ngoại tui chấm, chưa kể bộ dó bảnh bao, thuông thả. Tui chấm nó mà nó không hay, nên một bữa nó ra đi mịt mù không quay trở lại.
Tui qua tới tuổi đôi tám trăng rằm, mà chưa có gì chuyển biến, ngoại tui bàn dí tía má tui cho tui lên thành ở đặng học may. Tui ở nhà cô Ba tui, bả mần thợ may, chu mẹc ơi nguời ta nói thợ rèn ăn sắt, thợ may ăn vải , tui lên ở dí bả mới chưa đầy tháng, bả may cho tui chục bộ bà ba, mặc hỗng hết , bả nói tui ăn bận quê chờ quê chật, ma nào nó thèm tui. Chắc mẩm bà ngoại tui có nói gì dí bả, nên bả mới lo cho tui như dị.
Rồi chiện tình đầu của tui xuất hiện, đó là anh học sanh trọ học ở xế nhà cô Ba tui. Điêm tui ra ngõ gánh nước, ảnh ngồi trên lan can dòm xuống , đốm lửa thuốc lá đỏ như mắt ma làm tui sợ , buớc hụt nhịp té nhào, đó là hồi ảnh biết tui. Niềm vui của tui là từ ngày lên thành tui không bị kiêu là đẹt này đẹt nọ, cô Ba tui kêu tui Lụa à, Lụa ơi hay như con chèo bẻo kêu chiều , dịu nhiểu. Con Bảy nói tui hay, ảnh tên Tuấn. Từ ngày có ảnh tui siêng gánh nuớc biết nhiêu mà nói, con Bảy gặp tui là mang lời ảnh nói tui nghe , cho đến một bữa ảnh xuất hiện ngay bên phông tên nuớc, giả ngộ đi lấy nuớc thay con Bảy. Tui run như con chó mực bị lọt xuống muơng, như con cá lóc quảy hà rầm trong rổ, khi ảnh đứng gần tui. Ảnh nói :
– Trăng hôm nay thiệt ngộ hen cô ?
tui quýnh qúang
– Dà, ngộ.
– Cô duới Long An lên ha?
– Dà, Long An .
chèn ơi tay tui xiết cái chéo áo muốn rách , ảnh cứ hỏi, tui cứ “dà” nhịp , đến hồi thùng nuớc đầy, tui phải gánh dìa, ảnh phụ tui tới ngay nhà rồi đuờng ai nấy buớc.
Có lẽ vì má tui hù tui dữ qúa, mà hễ ảnh sáp tới tui thụt cà lui, ảnh tính nắm tay tui , tui tính la làng tháo chạy mà ảnh buông tui cái bịch. Một sáng sau cơn mưa nguyên đêm não nuột, tui hết thấy ảnh xuất hiện trên lan can nhà con Bảy. Tui u qua nhà nó, nó nói tui nghe ảnh đi quân dịch mất mẹ nó rồi. Tui buồn hiu hắt suơng thu, tui chèo queo chèo quẻo, chưa tới nỗi bịnh tuơng tư như con công chúa trong tuồng tích yêu thằng cha Truơng Chi có tiếng sáo ngọt lịm đuờng phèn. Mà lòng tui bổi hổi bồi hồi nhớ cái giọng ảnh hỏi tui, nhớ cái tình tiết ảnh tính cầm tay tui, mà má tui rần rần nóng hổi.
Rồi tới mối tình thứ hai, mối tình này tui đặt nó tên mối tình anh bán gạo, thay cho chuyện tình đầu phông tên nuớc của tui. Cô Ba tui thiệt khó, ăn gạo đòi phải gạo thơm thứ thiệt, hột gạo thon thẻ thơm nức đều rắp y nhau, bị dị mà cổ kêu mấy bà ngòai chợ hễ có phải mang tới tận nhà cho cổ. Nghe tiếng xe bịch bịch truớc nhà là cô tui kiêu :
– Lụa à, ra phụ ảnh mang gạo dô con.
Chèn đét, ảnh cao hơn tui hai cái đầu, tuớng bự sư mà cần tui phụ ha , hỗng lẽ tui cãi, mà chắc cô Ba tui kỹ tính, sợ ảnh mang gạo dô nhà, dòm ngó tới tư gia của cổ . Ảnh xách bao gạo một tay chớ mấy, còn tui phải kéo lê nó trên sàn gạch ạch đụi mang ra sau bếp.
Cứ dị hòai, mà hai đứa tui có nháy mắt dí nhao. Ảnh dòm tui lom lom, tui đã qua mối tình phông tên nuớc, nên dòm lợi thiệt kỹ càng, bị dì hồi anh Tuấn ra đi, nhớ ảnh mà tui đế tuởng tuợng ra nổi cái bản mặt ảnh ra sao mới tức cành hông chớ. Anh này tên Thắm, tui kể cô Ba tui nghe , cô cuời ha há :
– Chèn ơi, con trai tên Thắm thiệt kỳ hen bay, chắc ông già tía nó đặt tên theo vần, con chị tên Tình, thằng em tên Thắm, con nhỏ em trúng ngay cái tên Thiết, thiệt ngặt mà.
May mà em kế tui là con trai nên nó mang tên Là cũng đỡ khổ.
Anh Thắm thiệt thắm nghen, ảnh nói chiện nhỏ híu, muốn nghe tui phải đến thiệt gần, gần đây là cũng cách cỡ ba viên gạch bông, chớ tui hỗng dám ghé gần hơn, sợ cái hơi nóng hừng hừng của ảnh dính dô tui. Một lần ảnh đưa tui lá thơ , chong thơ ảnh nói ảnh muốn làm thân dí tui, ảnh còn cho tui tấm hình, sau tấm hình anh ghi như dì nè ,“Tặng em Lụa tấm hình làm kỷ niệm” . Tui đánh va6`n trật bảng họng mới ra hết câu ảnh viết.Tui dấu cô Ba tui kỹ lắm, lỡ bả biết méc dí ngoại tui là có màn tui bị chuởi thúi đầu.
Chữ nghĩa tui có nhiêu đâu, nên tui hỗng viết đuợc câu nào trả lời ảnh. Chuyện tình tui tồn tại đâu chừng chục lần giao gạo , đến một ngày ảnh hỗng ghé nữa mà là con Thiết, em của ảnh tới, nó tà lẹt khoe dí cô Ba tui, anh Thắm của nó mới lấy vợ , con vợ của ảnh là con của tiệm vàng Mỹ Huê đầu chợ. Chiều đó , lúc nấu cơm , tui quăng tấm hình ảnh tặng thẳng dô ông lò cho nó cháy tiêu đi chiện tình anh bán gạo .
– Chị Hai à, chị hát là chị thề hỗng yêu ai mà , yêu là dữ dội lắm lận kìa, là có mắm tay hen, có hẹn hò hen, có hung nữa đó, chiện của chị chưa tới hồi gây cấn, chưa thấy chị bị nguời ta hung, chưa thấy chị ngả đầu vô vai nguời ta, chưa thấy chị lén đi chơi dí nguời ta mà chị đã thề không yêu ai nữa là sao ? Phải mà chị dám dị là anh Tuấn dí anh Thắm đâu bỏ chị đi. Lần sau ai viết thơ cho chị, nhớ mang lại tui viết trả lời nguời ta cho nghen.
– Thôi đi Tám , mày xúi tao dị, lỡ cái bụng tao chuơng xình lên có nuớc bà ngọai mang tao đi câu xấu, má tao mang tao xẻ ba bốn dồn mắm, chết dị hôi rình.

 

 

Cây khóc

Ấu Tím

 

Từ thuở bé tôi luôn nghĩ cây ngô đồng là cây bã đậu, vì một lần đi lang thang với bố tôi trong khuôn viên trung tâm huấn luyện quân sự Nguyễn Tri Phương-Hóc Môn-Gia Định, dưới hai hàng cây bã đậu ông chỉ lá và nói cho tôi nghe: “Lá cây này là lá ngô đồng, lá có hình trái tim nên cây ngô đồng biết khóc”. Tôi ngước lên hỏi bố: ” cây khóc lúc nào?” bố tôi nói: “Khi lá rụng”.
Vạt nắng chiều năm ấy khi hai cha con đi lang thang trong doanh trại, luôn tồn tại trong kí ức tôi, dù bố tôi đã là cát bụi. Hình ảnh nắng nhạt trên ngọn cây luôn lay động tim tôi, cho dù nắng không còn long lanh trên chiếc lá ngô đồng xưa nữa, cho dù bây giờ đọc sách, đọc báo người ta khẳng định cây bã đậu không phải là cây ngô đồng đất bắc, không phải là cây ngô đồng trong các truyền thuyết xa xưa, sánh đôi cùng con chim phượng và cho dù nắng không còn soi dáng tôi bé bỏng đi bên cạnh bố, tôi vẫn nhớ như in vạt nắng chiều năm ấy.
Và bây giờ hai hàng cây trước nhà tôi đang khóc, những chiếc lá rụng mãi không ngưng, lá trải thảm trên cỏ, lá thay màu đỏ màu vàng, lá thành màu nâu mục, lá quấn quít chân tôi, lá âm ư rên rỉ, lá chắc buồn ghê lắm mới tàn tạ thế này.
Sau vườn tôi cây táo tầu đã trơ cành xương xẩu, cây mơ còn nước mắt vẫn khóc mỗi ngày cùng cây mận. Các cây hồng đã trổ hết xuân thì, nắng thu tàn lưu luyến trên cuống hoa đã rã, chờ tôi hóa sinh để đợi xuân về. Tôi ngắm màu lá, tôi xăm soi tìm mầm sống nhú lên từ các củ hoa huệ, củ hoa uất kim hương, hoa diên vĩ, năm nay các cô mẫu đơn không khoẻ, đám tú cầu bắt đầu rụi đi, trong sách nói hoa này nở mùa này, hoa nọ mất mùa kia. Tôi nhìn trong vườn tôi, cây cỏ chẳng theo sách vở gì hết, thích thì nở, buồn thì biến đâu mất biệt.
Mỗi khi ra vườn sau cơn mưa, mùi đất thơm kỷ niệm, tôi lại nhớ đến nửa chiếc thùng phuy bố tôi dùng bốn cây gỗ to và chắc, dài khoảng hai thước, khoan lỗ ngay giữa hai cây, bắt con đinh ốc thật to rồi kéo rời hai cây ra thành hình chữ X làm thành cái giá cho nửa chiếc thùng phuy nằm lên trên, sau đó ông cho đất vào, nó là nơi để ông trồng rau thơm, trồng hoa, trồng linh tinh lang tang trong đó. Căn nhà tôi ở trong doanh trại Nguyễn Tri Phương to lắm, sau nhà là hàng rào cao thật cao có hoa bìm bìm giăng kín, hoa giống như hoa rau muống, tôi gọi nó là hoa bìm bịp theo các bạn tôi thời thơ ấu. Trong sách gọi nó là hoa bìm bìm còn bìm bịp là con chim có mầu nâu. Dĩ nhiên tôi cứ gọi hoa bìm bịp để quành lại thời còn thơ ấu của tôi. Bên trong vòng rào hoa bìm bìm là hàng cây bông gòn, tôi thích nhất khi trái gòn khô, mẹ tôi hái bỏ vào bao cất để dành khi cần gối mới mẹ tách vỏ lấy bông. Mẹ cho tôi thò hai tay vào bao vải to, tách lớp bông mềm ra khỏi trái, khi làm như thế cảm giác mềm mại của bông gòn cho tôi mường tượng tôi đang nắm được mây, nếu không bị cái hạt đen giống như hạt tiêu nhắc nhở. Tôi nói cho mẹ nghe, mẹ thích lắm, sau đó mẹ hay nói: “Đi bốc mây với mẹ không nào?”, khi mẹ cần bông để dồn vào gối.
Tôi thích phụ mẹ những việc như thế, các em tôi thì không làm được vì còn bé quá, mẹ sợ tụi nó bốc hạt gòn cho vào miệng. Hình ảnh hai mẹ con cùng hai cái túi vải to cỡ bao đựng tạ gạo , một đựng quả khô, một đựng bông nõn thích thích là, nhất là khi cả bốn bàn tay cùng loay hoay trong một cái túi, miệng túi không được mở rộng, sợ bông gòn bay ra ngoài, tôi nhớ có lần tôi tìm nắm tay mẹ thật chặt rồi kêu to: “Con bắt được mẹ rồi” tôi cười như nắt nẻ, mẹ cũng cười vang các em không biết gì cũng cười theo rộn rã. Tuổi thơ tôi ngủ chung với các trái gòn khô, tôi úp mặt trên gối tẩn mẩn tìm cái hạt gòn, vần cho hạt đến góc gối để vân vê.
Trên cây gòn ấy tôi còn có một cái lồng chim, bố tôi chiều con phải ra chợ Hóc Môn mua ngay chiếc lồng, sau khi tôi nhặt được một chú chim con bị rớt xuống đất. Từ đó sau khi đi học về tôi chạy ngay ra thăm chiếc lồng, rồi kể cho bố mẹ tôi nghe điều tôi thấy, tôi thấy chú chim con được bố mẹ đến mớm mồi cho dù bố tôi đã để thức ăn và nước uống trong lồng cho nó.
Đến một hôm, đi học về tôi nghe tiếng chim kêu ai oán, tôi thấy con chim bố đậu ngoài lồng, chú chim con nằm gục chết bên trong. Tôi khóc òa chạy vào nhà tìm mẹ, mẹ tôi lấy chiếc lồng xuống, vì bố tôi phải treo chiếc lồng trên cao cho cha mẹ chim dễ đến chăm sóc chim con. Nhìn kiến bâu chú chim bé bỏng tôi khóc to hơn, mẹ phải dỗ tôi bằng cách làm đám ma cho con chim xấu số. Mộ của chú chim này trong cái thùng phuy trồng cây của bố, tôi và các em mỗi ngày đều thăm mộ cùng vài cánh hoa hái được trong vườn.
Sau việc này bố tôi giảng cho tôi nghe chim phải bay lượn ngoài trời không thể sống trong lồng chật hẹp, có lẽ chú chim con chết vì buồn, tôi nhớ tôi hứa sẽ không nhốt chim vào lồng nữa. Đến bây giờ tôi vẫn còn ý nghĩ ấy.
Tôi có nhiều hình ảnh đẹp trong ký ức, tôi hạnh phúc quá phải không? Tôi viết để kể tại sao tôi lại kêu tên cây và hoa lung tung như thế, nó có trong ký ức xa thật xa của tôi, mà tôi cũng chẳng biết có nên thay đổi tên gọi của nó không, như mỗi khi tôi gọi hoa ong bầu là bà tôi biết ngay tôi nói về cái hoa gì, nhưng bà tôi đã khuất có lẽ tôi phải gọi cho đúng tên của hoa kẻo hoa giận tôi. Hoa ong bầu của tôi là hoa cát đằng đó các bạn ạ.

 

 

Đổ rồi góp lại còn chi

 

Khi tất cả đã trở về yên ắng, những tờ hóa đơn từ văn phòng luật sư không còn gởi về nữa, những giằng xé chia chác đã xong, căn nhà còn lại không gian trống rỗng, là lúc nghĩ lại, là lúc hiểu chả ra sao cả, chẳng là gì cả. Ý nghĩa về sự chia tay cũng không có, cạn tàu ráo máng cũng chẳng phải, chỉ là cho bõ ghét, cho biết tay.
Để chẳng còn gì, chẳng còn gì.
Chiều đang xuống, bóng hoàng hôn ngả dần, màu của mây hồng phơn phớt pha vài dải trắng đục, xanh, đen, trộn tất cả lại thành màu tím thẫm, màu cẩm, màu thênh thênh buồn, cái buồn lạnh lẽo tẻ nhạt. Cánh cổng im ỉm đóng, thớ gỗ cũ đậm màu xỉn mốc, không có lớp sơn nào bao bọc, để chống chọi với thời gian. Chiếc chuông đồng không còn óng ánh mượt mà, chả còn ai nghĩ đến chuyện đánh bóng cái chuông đó nữa, nó chỉ làm một việc bật lên tiếng leng keng khi có ai bên ngoài, nắm vào cái khuyên, cũng được làm bằng đồng mà kéo. Cái khuyên vừa đủ cho một bàn tay nắm, để giật sợi dây, nối với chiếc chuông nằm giấu bên trong cánh cổng.
Người đàn bà ngồi dõi mắt nhìn đám mây thênh thênh buồn ấy. Nếu không có những sự việc chồng chéo đã xảy ra, giờ này bà không ngồi nhìn mông lung như thế, cái bếp đang lao xao lửa, nồi cơm điện đã chín, bữa cơm đã xong. Món xào, món mặn, món canh, ba món bắt buộc không thể thiếu trên bàn ăn, dù nhiều hôm chỉ là một tô mì gói, đổ đẫm nước sôi, trang điểm thêm vài nhánh rau xanh làm dáng.
Câu chuyện không đầu đuôi theo buổi chiều đang tan, lúng liếng nhảy múa trong cái bóng của chiếc phong linh làm bằng kim loại, rọi lên bức tường trước mặt. Căn nhà nhỏ khuất trong góc một khu cư xá xinh xắn, chiếc cổng kề với bức tường xây, ngăn tiếng động xe cộ ồn ào giờ đi làm và giờ tan sở, còn lại là sự im ắng vô tình.
Tình đầu hay tình cuối bây giờ chẳng còn gì để phải thắc mắc, một thuở tóc thả thề hứa đã tan, bây giờ tóc phai lời hứa thề cũng mãn. Chẳng còn thần thánh nào níu kéo lại được linh hồn héo rữa, chẳng còn thiên đàng địa ngục nào, khiến phải thèm muốn hay sợ hãi để lánh xa. Địa ngục đã ngay trước mặt, trong cõi cô đơn bóng tối không cùng.
Ngạc đã ra đi, căn phòng màu vàng nhạt, úa rũ mùi ẩm mốc lạnh tanh. Chiếc bàn viết bằng gỗ bồ đào màu đỏ có vân đen bóng, chiếc ghế dựa thờ ơ quay mặt ra cửa sổ, khung cửa là một tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại, những thanh sắt mỏng được uốn thành hình vầng trăng khuyết, lơ lửng treo trên nhánh lá trúc, cũng được làm bằng sắt. Khung cửa sơn đen, chiếc màn voan mỏng tanh màu khói hương bay nhẹ khi gió lùa vào. Ngạc yêu nghệ thuật, yêu những chi tiết chi ly hài hòa, cũng như Ngạc yêu đàn bà, những mùi phấn hương khác biệt luôn kích thích nơi anh sự tìm kiếm.
Hai mươi tám năm, sau ngày ký hôn thú trong tòa án quận hạt, tờ giấy xác nhận hai người đã trưởng thành tự nguyện sống chung với nhau, chia thịnh vượng cùng gian nan không điều kiện, cũng đã được hủy bỏ tại tòa án quận hạt.
Hai mươi tám năm trước, Ngạc lúng túng trả lời “I do” trước mặt ông tòa người ngoại quốc to lớn vạm vỡ, bộ râu quai nón che bờ môi mỏng, lúng túng lồng chiếc nhẫn vào ngón tay Ý. Lần này văn phòng luật sư hoàn tất thủ tục ly hôn, đương đơn và bị đơn chẳng cần làm gì cả, giấy tờ có đóng dấu ký tên. Xong.
Xong một đoạn đời.
– Ý ạ, không có em anh sẽ không sống được, trời mây có nhau, cỏ cây có nhau anh phải có em.
– Tại sao là em?
– Em hiểu anh.
– Hiểu điều gì?
– Hiểu điều anh muốn em hiểu.
– Thí dụ!
– Anh cần em.
Và rồi, ‘anh chẳng cần em’ những đi về bất chợt, những mùi thơm dị thường, sợi tóc lạ vương vất, màu son môi bất kỳ. Chỉ một điều không thay đổi là sự ngọt ngào âu yếm, tay choàng vai gối khi ngả lưng nhắm mắt, mùi mồ hôi hăng hăng, lẫn mùi dầu điệu đàng sau khi tắm, mùi của thông.
Tình yêu xác thịt hay tình yêu của trái tim, Ý không là người của nghiên cứu, cũng không thích phân tích tâm lý, chẳng là thượng đế để biết xác thịt trước hay trái tim trước, hai điều lẳng nhẳng lằng nhằng, ghen tương bóng bẩy, rồi lại hai nên một sau vài câu cãi cọ nhẹ nhàng.
– Mùi chanel. 5 không phải của em. Ai?
– Chẳng ai cả, con bé bưng cà phê tẩm nước hoa, hương của em hữu xạ.
Anh nhẹ nhàng ôm Ý vào lòng, cụng nhẹ vào trán, hai đầu mũi xoa nhẹ nhau, nói tiếp:
– Anh yêu em từ mùi hương của sả, hương của cỏ, hương của lá rau mùi, thèm hương em cuối ngọn gió, mê hương em đêm thần thánh thâm sâu.
Lời nói không mất tiền mua, để con tim thua thân xác, để người đàn bà thành con giun dại dột dưới sáu tấc đất đào bới hang hốc tình yêu chia năm xẻ bẩy, xem cái hốc nào là phần của mình.
Người đàn bà tên Ý là thế, tôn trọng nghĩa vợ tình chồng, ‘đàn ông thê thiếp bảy ba, đàn bà gom cả thế gian thờ chồng’ giống mẹ, người vợ lẽ thứ ba của ông thầu khoán có sáu bà vợ. Vợ cả mang trầu cau xin cưới vợ lẽ cho chồng, các bà sống cạnh nhau trong khu phố riêng biệt, có tường cao, cổng kín, gồm tám căn nhà hai tầng do ông xây dựng, những căn nhà không có bếp. Căn bếp chung thật to có lối đi lát gạch tàu ngang gần hai thước, dài hơn năm thước, băng ngang qua chiếc sân rộng, có lợp mái che tạo thành hình chữ U nối vào căn nhà cuối dẫy hướng tây, được ông cụ dùng làm phòng ăn cho cả gia đình, khi có ông hiện diện. Không có ông, các con ăn cơm với mẹ ruột trong gian nhà riêng của mình. Cái bể gạch chứa nước mưa cao ba mét, bề rộng hai mét, bề ngang nhỉnh hơn bề cao cả thước, sừng sững một góc sân hướng đông, khuất sau nó là chiếc sàn nước to, tráng xi-măng là nơi giặt giũ phơi phóng. Thuở vừa lớn, hình ảnh những chiếc tã vải màu trắng, hình tam giác bay phất phới, bên những chiếc chiếu hoa cạp điều đập vào trí óc non nớt của Ý hình ảnh sự sinh sản của cỏ gà, nơi nào chúng cũng mọc lên được, cái đầu mạnh mẽ của cỏ là đồ chơi thú vị cho Ý và các anh trai, sau này nó truyền xuống các em. Chiếc sân chơi đầy cỏ gà len lỏi vào các luống rau, chậu hoa, Ý hái cả nắm rồi chia phe, quất ngọn cỏ gà qua lại, cho đến khi cái đầu gà bị rụng. Phe bị thua uất ức khóc, chạy đi mách mẹ, lúc ấy cái sàn nước thành nơi xử phạt, các bà mẹ bênh con sẽ nói chuyện với nhau. Lũ trẻ khóc xong lại hòa, cái sân rộng lại vang vang tiếng đùa vui thân thiết giữa những đứa trẻ cùng cha khác mẹ.
Trong cơ ngơi bề thế ấy, khi có mặt của chồng, của bố, nhà bếp là nơi xôn xao nhất. Lên mười tuổi, Ý đã được các bà mẹ cho phép dọn cơm. Cảm giác vừa lo lắng, vừa thích thú vì mình quan trọng hẳn lên với tô thức ăn còn bốc khói trên tay, đi từ tốn ngang qua bức tường hoa thiên lý mẹ nàng trồng, phân chia sân chơi và lối đi, trong khi các em phải ngồi im thẳng thắn hai bên chiếc bàn hình chữ nhật với bố. Lần đầu dọn bàn ăn, bố khen: “Con gái có khác.” Con trai không ai đươc bén mảng vào bếp, ngoại trừ chạy vào xin thêm thức ăn mình thích, ngay cả bố cũng thế.
Buổi chiều sau bữa ăn, ông bố thường ra ngồi trước hiên hóng gió, mẹ Cả ngồi bên cạnh, Mẹ của Ý ngồi kề bên, Mợ Hai ít chuyện thường ở trong nhà đan lát, Mợ Tư lăng xăng nấu chè, làm bánh, cho chồng uống trà, cho lũ trẻ ăn vặt, nên thường trụ trong bếp nói vọng ra. Vắng mặt Mợ nào thì lý do ở cữ là thường nhất.
Ngôi nhà riêng của ông bố, căn thứ ba từ hướng mặt trời mọc đếm qua, là nơi Ý hay mon men lẻn vào, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế mây tròn hàng giờ để đọc sách. Ông cụ thích sách, những quyển sách tiếng Tây, đến sách tiếng Nôm đóng gáy da chữ mạ vàng chất trong chiếc kệ cao gần đụng trần nhà, cả bộ truyện cuả nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” Khái Hưng – Nhất Linh – Thạch Lam không thiếu. Sách hình, màu sắc tuyệt đẹp ông xếp dưới tầng thấp nhất cho các con vào đọc. Dáng ông cao to, giọng nói sang sảng. Ông chẳng hề thắc mắc chuyện sáu bà vợ có ghen tương, có thù vặt nhau chăng, mọi việc đã có Mẹ Cả lo, từ tiền hàng tháng, đến chuyện nấu nướng chợ búa. Mẹ Cả hiền lành không bao giờ to tiếng, mà năm bà sau răm rắp nghe lời. Ý nhớ Mẹ Cả nói đã lâu lắm, ngày Ý vừa lớn, khi mợ Năm, mợ Sáu gấu ó nhau:
– Hai em ạ, ganh tị nhau được ích gì, đàn ông như cây gậy ăn mày, đụng đâu xâm đấy. Đàn bà mình nương nhau mà sống, đã chấp nhận ông ấy, thì phải chấp nhận cái gậy quơ quào đủ nơi, chị thương các em, mang các em cùng về hưởng cái lộc ông ấy có, cho các con nó biết gốc rễ từ đâu, khỏe như ông ấy con vãi muôn nơi, không gom lại sợ mai hậu anh em cùng máu mủ lấy nhau không biết.
Thầu khoán thuở ấy giầu có muôn vạn, tiền bạc đếm không hết. Mợ Sáu trẻ hơn Ý vài tuổi, người miền Nam, ông cụ thầu công trình xây dựng trường tiểu học, gặp cô giáo trẻ, không biết ông có ma lực gì mà cô dâng cho ông đời con gái không tiếc. Mẹ Cả nghe cô có thai, cùng mẹ của Ý xuống tận nơi xin cưới. Trước ngày đón mợ Sáu về, Mẹ Cả dọn sang căn nhà đầu khu phố phía đông, nơi có bàn thờ tổ tiên ở tầng trên, không ở sát vách nhà với ông cụ nữa, Mẹ Cả lấy lý do mợ Sáu còn trẻ chăm sóc ông cụ dễ hơn bà.
Càng lớn Ý càng hiểu ra con người có nhiều sự chọn lựa, trong các mức độ khác nhau, kẻ ham danh vọng, người thèm ăn uống, kẻ mê man sắc, người khao khát tiền, sự trao đổi qua lại giữa những ham muốn này mà thành ‘khu phố tám gian’ tên người ta đặt cho khu nhà của gia đình Ý.
Ý không đọc được gì sau năm khuôn mặt phụ nữ nàng phải đối xử như đối xử với Mẹ ruột của nàng. Nhưng nàng đọc được từ Mẹ người mang nặng đẻ đau ra mình, một đời nhẫn nhịn, một đời câm nín, một dạ thèm thuồng chiếm đoạt cho riêng mình người đàn ông của chung. Nàng nghe tiếng thở dài, nghe câu thở than đau bụng ngày có tháng, cảm nhận hơi nóng cánh tay của mẹ choàng ôm ngang bụng đêm mưa lạnh, sau ngày đón mợ Sáu về, ắt hẳn bà đang đọc thầm tứ thơ “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.” (1) Trước đó, mẹ chẳng thể nào giấu nàng ánh mắt như cười của bà, khi nàng từ trên gác bước xuống, bắt gặp cha mẹ cùng ngồi ăn sáng.
Ý đã từng ước ao vượt qua khỏi ‘bức tường tám gian’ khi nàng thành niên, đi thật xa để tránh người cha to lớn, to lớn đến nỗi thành sự sợ hãi, ngăn các con đến gần. Nàng không biết ông có nhớ hết tên các con ông đã đặt hay không, dù ông cố tình sắp xếp bằng một bài thơ cổ:

Lương Phong Khởi Thiên mạt,
Quân tử Ý Như Hà.
Hồng nhan Kỷ Thời đáo,
Giang hồ Thu Thủy đa.
Văn Chương tăng mệnh Đạt,
lị Vị hỉ Nhân qua.
Ưng cộng oan hồn Ngữ,
đầu Thi tặng Mịch La. (2)
Năm anh trai lớn cuả nàng Lương – Phong – Khởi – Thiên – Quân sàn sàn tuổi nhau, mẹ cuả Ý bảo: “Ông ấy không kiêng khem cho ai được cả!” Kiêng khem là một trăm ngày sau khi sanh nở, người đàn ông thương vợ không được phép đụng vào sản phụ. Thuở ấy người ta sợ băng huyết, sợ hư tử cung, không tốt cho lần sinh nở kế tiếp, đây là lý do chính khiến Mẹ Cả phải cưới thêm các Mợ cho ông.
Ý là con gái đầu trong gia đình, nên được bố cưng, nhất là sau khi thi đậu tú tài một, ông bắt đầu nói chuyện với nàng nhiều hơn, đọc cho nàng nghe những bài thơ tình phóng khoáng ông dịch từ thơ Pháp, cùng luận bàn về những bài cổ thi. Trong tim ông có lẽ tình yêu không thể định nghĩa được, nó bắt nguồn không từ đâu, chỉ lúc châu thân rạo rực là khi tim ông cất lên tiếng đập nhiệt cuồng của nó. Ý không dám hỏi bố, tại sao trong tim ông cụ, có thể chất chứa nhiều đàn bà cùng một lúc như thế? Có khi nào ông nghĩ đến những người con gái của ông Ý – Như – Hà – Hồng – Thu – Thủy cuả mình, phải chia sẻ một người đàn ông với những người đàn bà khác hay không?
Không hỏi, chẳng có câu trả lời, cho đến ngày người đàn bà tên Ý phải trông ngóng vòi või một mình trong bóng đêm tĩnh mịch, cách “khu phố tám gian” nửa vòng trái đất. Nghe tiếng chuông leng keng, bật mình chạy vội ra mừng đón, mùi đêm ẩm ướt mây vờn mãi trên cao. Chỉ là con mèo khát tình, chân bị vướng toòng teeng trên chiếc khuyên đồng. Những đêm ấy, chẳng cần lục lọi, mà những tờ giấy thảo trên chiếc bàn gỗ bồ đào của Ngạc lên tiếng trêu chọc:

Ôm như mây lạ ôm đồi
Khi trăng ngủ muộn ôm vùi bờ cau
Tựa vai ôm gối thêu nhàu
Ôm ngầy ngật giấc chiêm bao biếng lười
Trùm cơn ngủ lại, ôm môi
Nửa đêm vằng vặc, ôm cười rỉnh rang
Nắng trưa ôm trắng chiều vàng
Ôm mềm mại giấc bình an tháng ngày
Nằm ôm tóc nhớ đời dài
Ôm tay lo sợ nhỡ mai chẳng còn
Vội vàng ôm nụ hôn thơm
Rồi sau đi, ở? Ôm buồn vậy thôi.(3)
Hương như da thơm trong đêm vắng
Huyền như tóc rối dưới nắng mai
Em như đất trời muôn trùng gợi
Ta như ngày tháng cuống quýt trôi
Nằm ôm miệt mài sao vẫn nhớ
Ngồi hôn chất ngất cũng còn xa
Em biếc những tình ca lồng lộng
Từ xưa bát ngát một đời ta. (4)
Những bài thơ đề tặng tên tuổi một người đàn bà nào đó không phải là Ý, và Ý cũng chẳng hề quen biết. Thưở chưa cưới Ý đã được tặng những bài thơ ngồn ngộn đam mê ấy, bây giờ vần đắm đuối điệu si mê, đang lòn lách ra khỏi kẽ vợ, khe chồng sang cho người khác.
Lỗi chẳng từ ai, có lẽ từ sự lạnh lùng thân xác bắt buộc theo thời gian phải xẩy đến cho Ý chăng? Nguyệt đã tận, chẳng còn trăng lên trăng xuống, chẳng còn nước đục nước trong, chẳng còn khi tròn khi khuyết, tất cả trở thành đường thẳng im lìm trên biểu đồ da thịt mỏi mòn. Nỗi đau đớn ngày mảnh xuân thì rách toang thế nào, thì nỗi đớn đau ngày xuân mãn, bị rạn nứt khô cằn cũng đau y như thế. Ý bắt đầu né tránh những vồ vập sau chuyến công tác dài trở về của Ngạc, nói cho chồng nghe điều riêng tư đang đến, những đau buốt châu thân, Ngạc chẳng màng lý đến, chỉ áp đặt kết tội tình yêu đã hết, chán chường dâng cao từ Ý. Thịnh vượng chưa kịp chia, gian nan đời người tội lệ gì mà Ngạc phải chịu, câu chuyện nhạt dần Ý chẳng buồn cất tiếng.
Không biết là may mắn hay bất hạnh, bao lần trái không kết, ngại đối diện sự thật cả hai đều né tránh bác sĩ chuyên khoa. Bây giờ nguyệt đã tàn, tình có tận cũng chẳng đáng chau mày.
Chẳng ai nói ra mà trong không gian đã giăng màn chia cắt, Ngạc xa nhà nhiều hơn, Ý khép kín nhiều hơn, chiếc bóng quen dần với mảng tường màu vàng nhạt, chiếc ghế da êm ái như vòng ôm nhiều lần Ý ngả đầu ngủ thiếp, tấm màn voan mỏng loay hoay với làn gió đêm, đôi khi làm Ý suýt chết ngất vì sợ, nỗi sợ cô độc.
Ý đã viết cho Ngạc tờ thơ, kèm trong chiếc phong bì di chúc, ngoài anh ra ai là người thụ hưởng trực tiếp của Ý nữa đâu!
“Ngạc ạ,
Em chẳng cần gì nơi anh, ngoài một sự chở che ân cần. Anh đã không hề biết gì về gia đình em, “khu phố tám gian” một ông Bố và sáu bà vợ, mẹ em là người thứ ba. Từ thuở biết suy nghĩ về mình, về con người và tình ái, em ước ao mình không phải giống mẹ, tự mình phải đè nén, ngay cả giết hẳn đi cá tính thượng đế đã đặt để cho đàn bà là ghen. Cơn ghen không được phép phô bày giống như những con men làm bánh mì, qua một đêm nổi phồng bật tung cả nắp, giết nó đi những con men ấy biến thành rượu giấm chua.
Theo thời gian, chất cường toan ấy, đốt cháy ăn mòn con người mang nó, tràn qua khoé mắt không là dòng lệ, mà là nỗi nghiệt oan tiền kiếp. Người cha có hơn hai mươi người con, không để lại cho đứa con gái đầu lòng một trái trứng nào, có thể thụ tinh thành nguồn vui thủ thỉ. Người mẹ giết chết cơn ghen, để lại cho con gái đầy chất cường toan ngập ngụa cả lòng. Lý do tại sao miệng em không thể bật lên thanh âm ghen tức, em không thể cương quyết nắm níu giành giật anh, người đàn ông của mình, chỉ nghẹn ngào trong bóng đêm chấp nhận hẩm hiu.
Ngạc ơi! Đi đi anh, thế giới tràn đầy những bông hoa người chờ đón, em đến gần cuối đời mới dám đổ hết chất cường toan trong mình ra, bằng cách chấp nhận mất anh, để chẳng là gì, chẳng ra sao, chỉ cho thỏa cho thoát cái bóng trùm “khu phố tám gian” quá khứ. Sau cánh cổng sắt sơn màu xanh thiên lý, là sáu trái tim cạn máu ghen hờn, cung phụng người đàn ông, em phải cung kính gọi là Cha, người cho em hình hài, nhưng không cho em phần tinh túy bên trong. Đàn bà không biết ghen không là đàn bà, sự thụ động là nét đẹp không hương. Định mệnh nào khiến em gặp anh, người đàn ông tìm kiếm tình yêu giống cha của em, có thể yêu cùng lúc hơn một người đàn bà!
Chất cường toan “không ghen” ấy, tưởng như dễ đổ đi mà không dễ đâu Ngạc! Nó đã kết thành ung bướu trong em, khối ung lấp kín khoang bụng nơi đáng lẽ được cưu mang mầm sống mới.
Em sẽ chết thôi, vì đã ký giấy không chữa trị chi hết, sau khi ký giấy ly dị. Thuốc giảm đau sẽ ngày một tăng cao liều lượng, xương sẽ mục, máu sẽ cạn, điều này Ngạc chẳng thể chia chác với em, ngay cả những buổi chiều ngồi ngắm bóng chiếc phong linh lúng liếng.
Khi ghen người đàn bà thích làm khổ người đàn ông cuả mình.
Ngạc ơi! Cho dù dửng dưng, anh hãy giả vờ khổ tâm, giả vờ than khóc cho em vui lòng nơi chín suối Ngạc nhé. Khi viết thư này, em hiểu ra lý do em nằng nặc đòi ly dị anh, người đàn ông em thờ phụng cho bằng được.
Em hả dạ biết bao, cơn ghen cuối cùng đã được tuôn ra, trả uất ức cho cả Mẹ em bằng khuôn mặt đẫm nước mắt của anh, khi biết tin em chết.”

Chú thích:
(1) Hồ Xuân Hương
(2) Dịch nghĩa: Thiên Mạt Hoài Lý Bạch-đỗ phủ – Nhớ Lý Bạch Ở Nơi Cuối Trời Trong lúc gió mát nổi lên ở nơi cuối trời, bạn có ý nghĩ ra sao? Biết bao giờ chim hồng nhạn mới tới đây? Sông hồ có nhiều nước thu. Văn chương thường ghét hạnh vận hanh thông, yêu quái vui mừng khi thấy có người đi qua. Lúc này chắc bạn đang trò chuyện với hồn oan của Khuất Nguyên, và ném thơ xuống tặng ở sông Mịch La.

Ghi chú:
Mịch La: tên con sông nhánh của sông Tương, nơi Khuất Nguyên tự trầm.
Ðỗ Phủ làm bài này trong mùa thu năm 759 , tại Tần Châu , trong khi Lý Bạch đang trên đường bị đi đày đến Dạ lang, qua sông Trường Giang và hồ Ðình Ðộng.
(3) Ôm Thơ Nguyên Nhân
(4) Chất Ngất Thơ Nguyên Nhân

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search