T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Hồ Xuân Hương (I)

 

clip_image001

 

Hồ Xuân Hương

Bùi Xuân Phái phác họa 86

(1920-1988)

 

Tiểu sử
Tên húy: Hồ Phi Mai

Tác phẩm

Khoảng trăm bài thơ Nôm truyền tụng trong dân gian.

 

 

Thơ bà Hồ Xuân Hương trong tập Lưu Hương Ký

 

 

Xuân Hương xướng

 

Bình thủy tương phùng nguyệt dạ tôn
cương trường phiến phiến thuộc nan ngôn
Khiêu cầm hữu ý minh hoàng xướng
Nhiễu thụ vô đoan ngữ thước huyên
Thùy tục già thanh quy han khuyết
Tự tu liên bộ xuất hồ môn
Bán diên biệt hậu tình đa thiểu
Mạch mạch không ly Sảnh Nữ hồn

Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ

Nguyễn hầu Hầu Nghi Xuân Tiên Ðiền nhân

(1)

 

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu (2) mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

(1) Nhớ người cũ viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu. Sau đầu đề trên, tác giả có chú: “Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền nhân” – “Hầu người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân” – Như vậy, ở đây Nguyễn Hầu đúng là Nguyễn Du tiên sinh – Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi rõ mùa hè năm Kỉ Tỵ (1809), Nguyễn Du được bổ làm cai bạ Quảng Bình. Tháng 2 năm Quý Dậu (1813) ông được phong Cần chánh điện học sĩ, rồi được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc tuế cống.
(2) Sương siu mây: Từ xưa phiên âm là sương đeo mái. Nay phiên âm theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
sương siu = vấn vương

 

Nguyệt dạ Ca

 

Nguyệt như châu hề, lộ như sai
Thúc vãng lai hề, chiếu dư hoài
Uyển cố nhân hề, thiên nhai
Ái bất kiến hề, tâm bồi hồi…
Đài hoang Thần nữ miếu
Vân tán Sở vương đài
Minh nguyệt quang như thử
Ngã tư nhân chi hề, yên tại tai.

 

Đêm thu nhớ Mai Sơn Phủ

 

Lá ngọc chiều thu giận hẳn du
Tuần trăng sẽ nhớ bữa đêm thu.
Bên am Nhất Trụ trông còn đấy,
Ngọn nước Tam Kì chảy lại đâu (1)
Son phấn trộm mừng duyên để lại,
Bèo mây thêm tủi phận về sau.
Trăm năm biết có duyên thừa nữa,
Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu.
1. Nguyên chú: “Đã giải kết đưa tình” Giải kết, theo Đào Duy Anh, là: “Cởi mối tình kết buộc với nhau”. Còn giải kết đưa tình là gì? Chưa rõ lắm.

Lời thề từ cảm xúc

 

Mười mấy năm trời một chữ tình
Duyên tơ này đã sẵn đâu đành
Mái mây cắt nửa nguyền phu phát
Giọt máu đầy hai chén tử sinh
Một kiếp đã tể cùng dạ thắm
Trăm năm đừng phụ với đầu xanh
Mai sau lòng chẳng như lời nữa
Dao búa nguyền xin luỵ đến mình.

Họa lại Thơ Mai Sơn Phủ

 

Này đoạn chung tình biết mấy nhau,
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu.
Trên tay khép mở tanh chiếu nhạn,
Trước mặt đi về gấp bóng câu.
Nước mắt trên hoa là lỗi cũ.
Mùi hương trong nệm cả đêm ngâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm,
Này đoạn chung tình biết mấy nhau.

Tự thán

(1)
I
Con bóng đi về chốc bấy nay,
Chữ duyên nào đã chắc trong tay.
Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt,
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn,
Một đời riêng mấy kiếp chua cay.
Nỗi mình nỗi bạn dường bao nả,
Dám hỏi han đâu những cớ này.

Tốn Phong Đắc Mộng Chí Dữ Ngã Khan

Tốn Phong đắc mộng chí dữ ngã khan
nhân thuật ngâm, tịnh ký(1)

Nhớ ai mà biết nói cùng ai
Rằng chữ đồng ta quyết một hai.
Hoa liễu vui đâu mình dễ khéo,
Non sông dành giả nợ còn dài.
Chén tình dầu nhẫn lâu mà nhạt
Giải ước nguyền âu thắm chẳng phai.
Ðầy đoạ duyên trần thôi đã định,
Xương giang duyềnh (2) để ngắm tương lai.

Tự Thán

II
Lẩn thẩn đi về mấy độ nay
Vì đâu đeo đẳng với nơi vầy
ấm trà tiêu khát còn nghe giọng
Chén rượu mừng xuân dạ thấy say
Điểm lữ trông chừng mây đạm nhạt
Dòng thu xem cỡ nước vơi đầy.
Thương ai hẳn lại thương lòng lắc
Này nợ này duyên những thế này.
(1) Tự than thân.

 

Họa Tốn Phong Nguyên Vận

(1)
Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều,
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu.
Nghĩ lại huống đau cho phận bạc,
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo.
Chén thề thủa nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Được lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn non muôn nước cũng tìm theo.
(1) Họa nguyên vần thơ ông Tốn Phong.

 

Tự Tình I

 

Canh khuya văng vẳng trống canh (1) đồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình xan xẻ tí con con.
(1) Trống canh là tiếng trống cầm canh.

Ngụ Ý Tốn Phong, Kí Nhị Thủ

(1)
Dồn bước may đâu khéo hẹn hò
Duyên chi hay bởi nợ chi ru?
Sương treo(2) áo lục nhồi hơi xạ,
Gió lọt cành lê lướt mặt hồ.
Muốn chắp chỉ đào thêu trướng gấm,
Mà đem lá thắc thả sông Tô.(3)
Trong trần mấy kẻ tinh con mắt,
Biết ngọc mà trao mới kể cho.
II
Ðường hoa dìu dặt bước đông phong
Nghĩ kẻ tìm thơm cũng có công,
Lạ mặt dám quen cùng gió nước,
Nặng lòng nên nhẹ đến non sông.
Da trời nắng nhuộm tươi màu biếc,
Phòng gấm trăng in dãi thức hồng.
Ai nhớ lấy cho lòng ấy nhỉ,
Trước năm trăm hẳn nợ chi không?
1) Hai bài ngụ ý gửi Tốn Phong thị. Chưa rõ Tốn Phong thị là ai? Chỉ biết ông họ Phan, vì trong Bài tựa có câu: ” Phan Mĩ Anh người trong họ tôi” và đó là họ nội. Còn tên, theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có lẽ là Huân nghĩa là ” Nam Phong” (gió Nam) cùng gọi là Tốn Phong. Nham Giác là tên hiệu Nham Giác phu là ” anh chàng ẩn ở núi nhưng hiểu sự đời” .
(2) Có bản phiên âm là xoa.
(3) Sông Tồ = Sông Tô Lịch ở Thăng Long – Hà nội.

 

 

Tự Tình II

 

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom (1)
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc. (2)
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om ? (3)
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ.
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom! (4)
(1) Bom: Mỏm đất.
(2) – (3) Mõ và chuông dùng trong nhà chùa có tác dụng làm nguôi dịu lòng người. Ở đây nhà thơ vận dụng khác. Mõ thảm, chuông sầu: Tiếng lòng sầu thảm trong đêm khuya vắng lặng không khua không đánh mà vẫn vang lên dữ dội những âm thanh khô khốc, ầm ĩ, cốc như mõ và om như chuông.
(4) Già tom: Như già đanh.Tục ngữ: “Trẻ dôi ra, già co lại”.

 

Kể ý mình và trình bạn Mai Sơn Phủ

 

Hoa xiêu xiêu
Cây xiêu xiêu
Giấc mộng tình quê (1) thảy tịch liêu
Đêm xuân cảm khái nhiều.
Hươu ao ao
Nhạn ngao ngao
Vui sướng hẹn nhau một sớm nào
Tả hết được tình sao!
Sông bát ngát
Nước ào ạt
ý thiếp lòng chàng cũng vu khoát
Lệ rơi thêm mặn chát.
Thơ da diết
Lòng thê thiết
Đậm nhạt tấc lòng ai thấu hết
Liệu bút chàng tả xiết?
Mây lang thang
Trăng mênh mang
Trăng gió xui ai luống đoạn tràng
Đâu là gác Đằng Vương
Mây tơ vương
Nước như sương
Mây nước trôi đâu chỉ một đường
Một đường xa khuất rộn lòng thương
Ngày chậm rì
Đêm chậm rì
Sáng tối chạnh buồn lữ khách si
Nhớ thương đừng lỡ hẹn, sai kì.
Mưa trôi đi
Gió trôi đi
Mưa gió giục hoài cất bút thi (thơ)
Viết thi gửi tới khách “tình si”
Chàng có tâm
Thiếp có tâm
Mồng hồn lưu luyến bóng hoa râm
Thơ cùng ngâm
Rượu cùng trăng
Tự lúc buồn chia biệt
Ai người ấm nửa chăng?
Chớ đàn li khúc oán tri âm,
Đành xem như hết tiếng dao cầm (2)
Hẹn nhau nơi non nước muộn mằn!
Chớ buồn mà than thở cổ câm (kim).
Chàng hẹn gì
Ta hẹn gì
Hai ta đều muộn, nói mà chi
Trà mà chi
Bút mà chi
Cũng là thiến lí cả (3)
Ai là kẻ tình nhi
Hiểu nhau trong dạ khó khăn gì
Hãy nên trao gửi mối duyên đi
Lòng son ai nỡ phụ giai kì
(Theo điệu Giang Nam)
Đ.T.T dịch
(1) Lòng quê là lòng nhớ quê mình. Vậy hình như Sơn Phủ đã đi về quê Xuân Hương. Hoặc là người cùng làng, hay cùng huyện chăng? (Hoàng Xuân Hãn).
(2) Dao cầm: Đàn quý.
(3) Thiên lí: Dịch từ chữ “bút thiệt” – bút viết và lời nóị Dương Tử nói: “Cuốn sách do bút mà thành. Lời nói do lưỡi mà có. Ta xem “Ngũ thường” là bút và lưỡi của đế vương”. Ngũ thường ở đây là các quan hệ: quân thần, phục tử, phu-phụ, huynh đệ, bằng-hữu. Vì thế dịch là thiên lí.

 

Tự Tình III

 

Chiếc bách (1) buồn vì phận nổi nênh,
Giữa giòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván (2) cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn (3) những tấp tênh.
(1) Tức chiếc thuyền bằng gỗ bách tức gỗ thông, do tích xưa Cung Bá, Thái tử nước Vệ chết sớm, vợ thủ tiết, có làm bài thơ “Thuyền bách” tỏ ý không tái giá, nên thường được dùng để ví người đàn bà góa ở vậy .
(2) Do câu “tham ván bán thuyền” mà ra .
(3) Ý nó khó toàn được nghĩa cũ, ví như ôm cây đàn sang gảy nơi thuyền khác.

 

Bạch Đằng Giang tạm biệt

(1)
Khấp khểnh đường mây bước lại dừng,
Là duyên là nợ phải hay chăng.
Vịn hoa khéo kẻo lay cành gấm,
Vục nước xem mà động bóng giăng.
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt
Lời kia này đã núi giăng giăng.
Với nhau (2) tình nghĩa sao là trọn,
Chớ thói lưng vơi cõ nước Đằng. (3)
(1) Tặng bạn khi chia biệt ở sông Bạch Đằng.
(2) Có lẽ là chữ Nhau. Văn bản chép Sao.
(3) Lưng voi cỡ nước Đằng: Nước Đằng là một nước nhỏ ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, bị ép giữa hai nước lớn là Tề, Sở nên luôn phải giữ gìn. Trong bài thơ tương truyền là của Hồ Xuân Hương cũng dùng điển này để tả nỗi khổ của người đa thê: “Ngoảnh mặt sang Tề, e Sở giận; Quay đầu về Sở, sợ Tề ghen”.

Vài bài thơ

 

Lưu biệt thời tại An Quảng,
An Hưng ngụ thứ. (1)
Người về người ở khéo buồn sao.
Tức tối mình thay biết lẽ nào.
Tơ tóc lời kia còn nữa hết,
Ðá vàng lòng nọ xiết là bao.
Nổi cơn riêng giận ngày giời ngắn,
Mỏi mắt chờ xem bóng nguyệt cao.
Sớm biết lẽ giời lí có hợp,
Thì mười năm trước bận chi nao.
(1) Ghi lại lúc chia tay tại An Quảng, An Hưng.

 

 

 

 

 

 

 

 

***

 

Phụ đính I

Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

 

LTS: Hợp Lưu nhận được bài viết của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Chân Quỳnh dưới dạng một bức thư trả lời cho nhà nghiên cứu Nghiêm Xuân Hải liên quan đến bài biên khảo “Di sản Hoàng Xuân Hãn” trên Hợp Lưu số 65 (tháng 6 & 7 năm 2002) và những thảo luận riêng giữa hai tác giả. Tuy là hình thức thư ngỏ nhưng những điều được đề cập trong đó có giá trị về khảo cứu văn học, nhất là về vấn đề “quả thực chỉ có môt Hồ Xuân Hương” do Trần Thanh Mại đề xuất vào những năm đầu của thập niên 60. Hợp Lưu, do đó, xin được giới thiệu bức thư ngỏ này ở phần biên khảo. HL

clip_image005

tranh Bùi Xuân Phái

***

Tôi nhận được Hợp Lưu số 65, tháng 6 &7 năm 2002 từ lâu, trong có bài “Di sản Hoàng Xuân Hãn” của anh, tr. 21 – 25 anh phê bình bài “Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký)” của tôi, đăng trong Hợp Lưu số 35, tháng 6 &7 năm 1997. Tuy nhận được Hợp Lưu từ lâu, nhưng đến nay tôi mới viết xong bài trả lời vì từ cuối năm 2001 mắt tôi phải làm việc quá độ (1) nên sau đó bị mờ, dòng chữ cong queo như con giun, tôi phải ngừng đọc, sách báo đến tôi chất đống, mỗi ngày đọc vài ba trang, vì thế đến 10 tháng 8 tôi mới thấy bài của anh và thấy anh hỏi (t. 22): “Biết đến bao giờ Nguyễn Thị Chân Quỳnh mới sửa lại chỗ sai của mình?”.

Phải nói rõ từ đầu là anh đã lần lượt gửi cho tôi tới ba bản “Di sản Hoàng Xuân Hãn”: bản đầu qua M. Y. kèm thư đề ngày 9/10/98; bản thứ hai không có thư kèm, mấy dòng chữ bút chì ghi góc trái trang đầu không đề ngày nhưng thư trả lời của tôi viết hôm 30/11/98; bản thứ ba của anh kèm với thư ngày 22/01/99, vì bận viết sách nên đến tháng 5/99 tôi mới trả lời.

Nhận thấy thư đi thư lại lôi thôi, mất thì giờ, không bằng giải thích tận mặt, nên cuối cùng, vào khoảng hè năm 1999, tôi đã mời anh đến nhà nói chuyện, hôm ấy còn có hai người bạn khác là anh VNQ và chị VTHĐ. Tôi có nói rõ tôi không thù oán bác, không “vạch lá tìm sâu”, nhưng nhận thấy bác viết có những chỗ không ổn nên phải lên tiếng. Đối với tôi, hai vấn đề Hồ Xuân Hương và bản dịch “Chinh Phụ” chưa ngã ngũ, chưa thể khẳng định vì chưa có bằng chứng chính xác, tất cả chỉ là phỏng đoán nên có thể đúng và cũng có thể sai. Trong trường hợp bác đúng thì không nói làm gì nhưng trong trường hợp bác sai thì con cháu Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, nếu có và còn sống, chắc cũng đau lòng…

Đấy là chưa kể một buổi tối năm 1998 (hình như tối thứ bẩy, tôi không ghi ngày) anh gọi điện thoại nói chuyện rất lâu, khoảng hai tiếng đồng hồ và hỏi tôi số điện thoại của ông Nguyễn Quảng Tuân lúc đó sang Pháp v.v… Còn nhớ trong điện thoại tôi có nói là một bằng chứng bác viết mà không kiểm tra là hai chữ “nữ giới” trong một văn bản bác gán cho bà Đoàn Thị Điểm, bác giảng “nữ giới” là “ý muốn nói đó là đàn bà diễn ca” (2) nhưng tôi tra tự vị Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì chữ “giới” đó có nghĩa khác, thí dụ của Đào Duy Anh: “giới yên” có nghĩa là “răn đừng hút thuốc phiện”, anh có thể kiểm tra dễ dàng vì bác có sao chụp bià bản “nữ giới” ở cuối quyểnChinh Phụ Ngâm Bị Khảo (3).

Tóm lại là tôi tưởng đã nhiều lần trả lời anh hoặc trực tiếp, hoặc qua thư hay điện thoại và chuyện đã “thanh toán” xong từ lâu, nay mới hiểu là anh muốn tôi phải công bố trên báo. Vậy tôi xin lần lượt trả lời anh từng điểm trong đoạn anh phê bình tôi, in trên Hợp Lưu số 65, từ trang 21 đến trang 25 :

– tr. 21 Anh viết :”Nguyễn Thị Chân Quỳnh không giới thiệu A0 mà lại giới thiệu “Thiên Tình Sử” là sách người ta tự ý in ba bài của bác, tôi cho là sách “ăn cướp”, nếu dịch từ “pirater” của Pháp”.

(A0 = “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long”, Tập san Khoa Học Xã Hội. Paris : số 10-11, tháng 12/1983)

1- Thiên Tình Sử – Trước hết, khi viết bài “Tìm hiểu…” tôi không “giới thiệu” Thiên Tình Sử (TTS) mà là “sử dụng” TTS vì tôi chỉ mua được bản đó chứ không mua được bản gốc in trong Tập san Khoa Học Xã Hội. Anh trách tôi sao không hỏi mượn anh bản gốc, nhưng lúc đó tôi tưởng TTS là bản gốc, được in lại với sự thỏa thuận của bác thì còn đi hỏi mượn làm gì?

2- Nhưng đấy là chi tiết phụ, cái chính là sử dụng TTS có làm sai lạc những luận cứ của tôi hay không? Trong thư viết cho anh ngày 30/11/98 tôi nhìn nhận là sau khi đối chiếu, so sánh từng dòng, tôi thấy TTS khác với bản gốc anh cho mượn khoảng 150 chỗ: lỗi nhẹ là quên viết hoa tên người, tên địa điểm… nặng là quên một hai chữ, hay bỏ sót cả mấy dòng khiến câu văn sai nghĩa hoặc vô nghĩa. Tuy nhiên, đối với những lập luận của tôi thì những lỗi lầm ấy không có ảnh hưởng gì cả. Lập luận của tôi là:

a) Chưa thể khẳng định hai bà Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký (LHK) và tác giả những bài thơ ai cũng biết mà tôi gọi là thơ truyền tụng (TTT), chỉ là một người vì vấn đề còn nhiêu khê, những “bằng chứng” đưa ra chỉ là phỏng đoán. Ngoài cái tên giống nhau và cùng hay làm thơ thì văn phong, duyên tình của hai bà vv. khác nhau xa.

b) Mối tình giữa Nguyễn Du và tác giả LHK được nhìn nhận qua bài thơ “Cảm cựu…” chưa chắc đã có thật: nếu quả hai người có tình với nhau đủ “ba năm vẹn” như xác nhận trong “Cảm cựu…”, cả hai đều là thi sĩ có tài, hay làm thơ, tại sao lại không có thơ xướng họa với nhau trong LHK như đối với Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần và những bạn tình khác của nữ sĩ? Bài “Cảm cựu…” do Xuân Hương viết chỉ chứng minh mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du nhưng còn phần Nguyễn Du thì sao? LHK không có mà trong di cảo của Nguyễn Du cũng không có một bài nào đả động đến Xuân Hương chứ đừng nói tới mối tình giữa hai người. Bài “Mộng đắc thái liên” bác đưa ra nói là chắc khi viết bài này Nguyễn Du nhớ tới Xuân Hương, nhưng chính bác cũng không dám quyết đấy là sự thực. Trích TTS:

tr. 246: (‘Mộng thấy hái sen’) hình như nhắc nhở đến hồi dan díu với Xuân Hương;

tr. 248 : Bài này chứng rằng Nguyễn Du ở Quảng-bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một người bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng-long. Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy thì tôi đoán đó là Xuân Hương có lẽ là hợp lý. Dầu sao nếu Hầu (Nguyễn Du) còn quen một người con gái Hồ Tây nào khác thì tình duyên giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là sự có thật. Nó kéo dài “ba năm vẹn”.

Đọc kỹ bài thơ thì người con gái ấy là “hàng xóm” của Nguyễn Du (song không ai biết đích xác lúc ấy Nguyễn Du ở đâu) và hai người rủ nhau đi hái sen ở Hồ Tây, chứ không phải người con gái ấy “ở cạnh Hồ Tây” để mà đoán là Xuân Hương.

Vì chưa có bằng chứng nào khác tỏ ra Nguyễn Du có đáp ứng mối tình này, nên tôi cố công thử tìm xem ở những thời điểm nào hai người cùng sống ở Thăng-long trong ba năm xem chuyện có thể xẩy ra được không? Kết quả là “không” (4).

– tr. 22: Anh viết: “Sách (TTS) không in lại bản đồ mà bác vẽ, đọc thấy thiếu ngay. Bản đồ trong bài A8 của Nguyễn Thị Chân Quỳnh thì rất xưa (1490) và rất quí trên mọi phương diện nhưng tiếc là nó đã thay thế và làm mất bản gốc của HXH. Tôi không biết nó có đúng hơn với sự thực của thời Hồ Xuân Hương, nhưng trong bản gốc HX Hãn có vẽ thêm đường đi nên dễ hiểu hơn. Nên tôi có lời trách (chung cho tôi và tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh) : tôi đã nhờ chị TKhuê đăng trong báo Hợp Lưu số 29 (mà tác giả có trong tay vì có nói đến tờ báo đó) rằng ai muốn biết thêm về di sản của HX Hãn xin liên lạc với tôi. Nếu tác giả liên lạc với tôi (dễ quá vì cùng ở vùng Paris) tôi đã cho sao chụp ngay bài báo. Không liên lạc có phải vì tôi không đắt rao hàng chăng?”.

[A8 = “Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả LHK)”, Hợp Lưu số 35, tháng 6 &7/1997]

3- Bản đồ Thăng-long – Xin trích lại thư tôi trả lời đề ngày 30-11-1998: “Tôi đã giải thích với anh trên điện thoại, xin nhắc lại là tôi thường cố ý minh họa những bài viết bằng tranh ảnh hay bản đồ xưa: Đấy là cách “bảo tồn di sản” của tôi, phải in ra để cho nhiều người được xem và đỡ bị thất lạc, mai một. Bản đồ tôi đưa ra quý ở chỗ vẽ từ thời Lê Thánh Tông, thế kỷ 15, trong có chua rõ chỗ của phường Khán Xuân mà xưa nay người ta vẫn cho là chỗ ở của Xuân Hương nên tôi mượn cớ ấy để cho in bản đồ chứ không phải vì không có bản đồ của Bác trong tay nên đem cái này vào thay thế mà không có một lời giải thích. Đấy không phải là cung cách làm việc của tôi”.

Xin thêm một câu: Tôi cũng đã từng giải thích với anh: Tôi không biết bác có vẽ bản đồ Thăng-long (vì TTS không in) thì còn “thay mận đổi đào”, lấy bản đồ thời Lê ra thay bản đồ của bác làm gì? Chính anh cũng nhìn nhận trong TTS không có bản đồ bác vẽ. Anh được đọc bản gốc thì anh “nhận ra ngay”, nhưng tôi chỉ có TTS thì không thể đoán được.

Anh còn “vặn” tôi “Khán Sơn” (trên bản đồ 1490) không phải là “Khán Xuân” và tôi đã giải thích: “Phường Khán Xuân nằm giữa núi Khán tức Khán Sơn và núi Xuân” (5).

Tôi đã nói rõ tôi đưa bản đồ Thăng-long 1490 ra với mục đích phổ biến một bản đồ xưa hiếm quý chứ tôi có nói bản đồ ấy “đúng hơn với sự thực của thời Xuân Hương” đâu?

Còn bảo vì tôi phổ biến bản đồ Thăng-long 1490 “làm mất bản gốc” (bản HXHãn vẽ) anh có thấy là anh nói quá đáng không? Nếu có người “làm mất” bản của bác thì là người chịu trách nhiệm in TTS chứ sao lại là tôi?

– tr. 22 và 23 – Anh viết ” Bài A2 in trên Hợp Lưu số 13, dễ tìm, sao Nguyễn Thị Chân Quỳnh không giới thiệu và xuất xứ cho đúng câu nhận xét đã ghi trong chú thích số 1 của chị là bác nhầm. Nhưng năm 1993 bác đã sửa lại trong A2, tức là bốn năm trước bài A8 của Nguyễn Thị Chân Quỳnh (…) Chuyện chỉ là chi tiết đáng bỏ qua, nhưng nó đã phạm đến nguyên tắc M1 : Viết để phục vụ cho độc giả (đỡ mất thì giờ). Nay lại viết để cho độc giả rắm rối thêm. Vậy tốt hơn hết là không viết chú thích số 1 mà lại còn viết sai một thế kỷ. Và biết đến bao giờ Nguyễn Thị Chân Quỳnh mới sửa lại chỗ sai của mình?”.

(A2 = Thụy Khuê thực hiện: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói chuyện về thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương. Hợp Lưu số 13, tháng 11&12/1993)

4- Thời điểm – Trước hết, trong chú thích số 1 quả tôi có đánh máy “sai một thế kỷ” thật : Trần Thanh Mại phát hiện ra LHK năm 1963 chứ không phải “1863”, đó là lỗi tôi đánh máy dở, mắt lại chẳng lấy gì làm tinh tường nên tuy có đọc lại mà không phát giác ra, tôi xin nhận lỗi.

Nhưng tôi cũng xin nhắc anh là trong thư trả lời ngày 30/11/98, tôi có nêu ra một thắc mắc: “Tái bút: Bài này Bác viết xong đầu năm 1984 mà anh ghi bút chì là Tập san Khoa Học Xã Hội tháng 12/1983 e có sự sai lầm?”. Thư trả lời của anh đề ngày 22/01/1999: “Tại sao bác đề ?cuối đông năm Quí Hợi, đầu 1984?? Theo tôi, năm Quí Hợi (1993) là bác viết nhầm từ Quí Dậu (1983), cuối đông là vào khoảng 12/1983, 01/1984”.

Chẳng lẽ đánh máy “sai một thế kỷ” lỗi lại nặng hơn?

5- Về chi tiết bác nhầm thời điểm tuy tôi có nhắc đến nhưng đã đưa nhận xét ấy xuống “chú thích” tức là coi nó không quan trọng. Chính anh cũng nhìn nhận là “đáng bỏ qua”. Mục đích của tôi lúc ấy chỉ là tìm xem có những thời điểm nào Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du cùng sống ở Thăng Long trong “ba năm vẹn”, để chứng minh mối tình giữa hai người có thể có thật.

Xin trích thư đề ngày 30-11-98: “Thời điểm. Anh trách tôi là biết Bác đã tự sửa lại sai sót về thời điểm mà lờ đi, không đả động đến vv…

Nếu mục đích của tôi là bới móc những lỗi lầm của Bác thì “không đả động đến” quả là lỗi nặng của tôi, nhưng mục đích của tôi là tìm hiểu xem Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương có những dịp nào cùng sống một thời với nhau, cho nên dù Bác tự ý loại ra vài thời điểm, tôi vẫn nhặt lên, hơn thế nữa, tôi tự ý tìm thêm những thời điểm khác mà hai người cùng sống ở Thăng-long và đã chứng minh là không thể có được” (6).

6- Nguyên tắc M1: Viết để phục vụ cho độc giả (đỡ mất thì giờ) – Xin có một nhận xét là bài anh viết không theo nguyên tắc này, tôi không biết các độc giả khác thì sao chứ tôi đọc anh rất “vất vả” vì những A0, A2, A3, A8, A12, P1, P3, P4, P9, P10, P11, P12, M0, M1, M2, M3, M5 (chỉ đếm riêng trong mấy trang phần tôi) thì cảm giác của tôi là viết thế đỡ mất thì giờ cho tác giả chứ không “đỡ mất thì giờ cho độc giả” (mỗi lần phải đi tìm ý nghĩa những A0, A2, A3, M0, M1, M2… ấy), chính anh đôi khi cũng tự giải nghĩa liền sau đấy.

7- Rắm rối – Anh trách tôi “viết để cho độc giả rắm rối thêm”. Nếu chỉ vì tôi đưa ra những ý kiến khác với bác khiến cho vấn đề không đơn giản nữa thì quả là đúng. Song nếu tôi không đưa ra những điều mình thắc mắc, thấy không ổn, mà chỉ chép lại nguyên văn những gì bác viết thì tôi nghĩ thà đừng viết còn hơn. Nếu bác viết chỗ nào cũng hợp lý thì việc gì tôi còn phải lên tiếng? Còn như bác viết có chỗ người ta không đồng ý thì dù tôi không lên tiếng cũng có người khác.

– tr. 23 – 25 : Bài “Cảm cựu…” trong LHK có hai câu thơ :

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,

Phấn son càng tủi phận long đong.

Anh viết : “HXHãn hiểu rằng câu trên nói đến việc cụ Nguyễn Du sửa soạn ngựa xe đi sứ sang Tầu.

Còn một độc giả như tôi thì sao? Tôi xin nói rõ tiến trình lập luận tìm hiểu của tôi.

Đầu tiên tra tự vị. (P9: tìm nghĩa những chữ và M5: trở về nguồn, tìm hiểu chữ Việt cổ).

Chữ duyên có hai nghĩa có thể chấp nhận : Nghĩa tình duyên, nhân duyên lấy vợ lấy chồng, và nghĩa duyên nợ, duyên kiếp, duyên số, duyên phận (destinée, sort) Ngày nay nghĩa nhân duyên lấy vợ lấy chồng thông thường ở ngoài đời, nhưng vào chùa thì nghĩa duyên kiếp thông thường hơn. Và duyên lại có những nghĩa khác: cái đẹp kín đáo hấp dẫn hay sự may mắn trong các tập hợp “có duyên”, “vô duyên” nay vẫn thường dùng, và duyên còn có nghĩa bờ… trong duyên hải = bờ biển.

Xưa thì sao? (P9 và P3, P4). Chữ nhân duyên là từ Phật giáo…

Anh giảng nghĩa chữ “duyên”, trích Phật giáo, truyện Kiều vv hết trang 24 và đầu trang 25 rồi anh kết: …trong Kiều có độ 40 lần duyên có nghĩa là duyên số vợ chồng nhưng vẫn còn 16 lần duyên có nghĩa là duyên phận, vậy nghĩa này xưa thông dụng. Dùng đối chiếu ba lần :”Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi”, “Giận duyên tủi phận bời bời”, “Cũng là phận cải duyên kim”, thì luôn luôn duyên có nghĩa là duyên-phận.

Tiếp theo là tìm hiểu văn phong và nhân tính của tác giả, ngẫm nghĩ xem câu thơ có hợp tình hợp cảnh không. Theo HXHãn thì Hồ Xuân Hương của LHK cũng là tác giả những bài thơ truyền tụng (trừ những bài mà người sau đã gán cho bà và nay ta phải tìm cách loại ra). Viết LHK cho hậu thế, bà chỉ chọn những bài thơ “cao cấp”. Vậy bà là một người đàn bà phóng khoáng, một thi nhân lỗi lạc và bà rất tự cao, không chịu thua kém đàn ông.

Chẳng nhẽ một nhà thơ phóng khoáng, tự cao, hãnh diện, với địa vị văn giới và ý kiến về vợ lẽ rành rành như trong các bài thơ, lại đi than với hậu thế là ông kia đi lấy vợ bé mà không lấy tôi. Tôi thấy đây là một mâu thuẫn lớn, mà cách giải thích của Nguyễn Thi Chân Quỳnh chưa đáp ứng được.

Đến đây sực nhớ đến phương pháp P10 (không có chữ Nôm trước mắt thì đừng nên đoán). Vậy chữ duyên viết bằng chữ Nôm trong văn bản LHK có thể giúp ta chọn nghĩa. Nhưng khi không có bản LHK trước mắt, ta cũng có thể kiếm được câu trả lời bởi vì tra tự vị thì duyên với cả hai nghĩa đều viết cùng một chữ Nôm. Như vậy nhìn mặt chữ Nôm, trong trường hợp này, không giúp ta làm rõ nghĩa hơn được”.

8- Chữ “duyên” – Anh giảng giải cả trang về ý nghĩa chữ “duyên”, trích Kiều, đạo Phật vv. nhưng anh không nói vì sao chữ duyên ấy lại dẫn đến ý nghĩa : “Nguyễn Du sắm ngựa xe đi sứ”. Chỉ nói “Hoàng Xuân Hãn hiểu rằng…” đối với tôi không đủ.

Tuy “duyên phận” có thể dịch ra tiếng Pháp là “destinée, sort” nhưng nghĩa chính của “destinée, sort” là số phận, chứ không phải “duyên phận”, “duyên phận” chỉ là nghĩa phụ, tức là “số phận về mặt tình duyên”.

Trích thư ngày 30-11-98: “Chữ duyên. “Tôi vẫn giữ lập trường của tôi (không phải là tôi không biết chữ “duyên” có nhiều nghĩa). Nếu anh không tin nên đọc lại tất cả bài thơ (“Cảm cựu…”), thứ nhất câu cuối, và nên đọc tập LHK thì sẽ thấy rõ tác giả thuộc hạng người nào, Hồ Xuân Hương mà anh nói là tác giả TTT”.

Câu cuối là một câu than thân : “Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.

“Lập trường của tôi” là vẫn cho câu thơ “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập” trỏ vào việc như Nguyễn Du lấy vợ thì “hợp tình hợp cảnh” hơn là trỏ vào việc Nguyễn Du đi sứ và nó còn đối nghĩa với câu dưới “Phấn son càng tủi phận long đong” của Xuân Hương than thân.

Trong thư tôi khuyên anh đọc LHK, nếu anh đọc sẽ thấy mấy câu khác tương tự, trong bài “Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ kí” (Đêm thu nhớ Mai Sơn Phủ viết), ý nghĩa thật rõ ràng, phù hợp với cách giải thích của tôi :

Son phấn trộm mừng duyên để lại,

Bèo mây thêm tủi phận về sau.

Trăm năm biết có duyên thừa nữa,

Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu. (7)

9- Mâu thuẫn – Anh tin hai bà Xuân Hương là một nhưng tôi không tin. Đọc LHK tôi thấy tác giả “hiền lành” chứ không phải “cao ngạo”, tác giả TTT mới “tự cao”. Hãy cứ cho cả hai là một, “tự cao”, nhưng đọc cả TTT lẫn LHK rõ ràng không thiếu gì những câu than thân, tủi phận. Bề ngoài người ta có thể tỏ ra cứng cỏi nhưng bề trong vẫn có thể có những lúc yếu đuối, không có gì là “mâu thuẫn”. Thử đọc:

TTT : Bài “Tự tình I” :

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non! (8)

LHK : Bài “Cảm cựu…” :

Phấn son càng tủi phận long đong.

(…)

Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong!

không than thân thì là gì?

10- Hồ Xuân Hương – Bác cho hai bà Xuân Hương là một nhưng tôi nhận thấy chưa thể khẳng định như thế vì còn nhiều chỗ không ổn, chỉ lấy hai thí dụ : văn phong và duyên tình.

a) Văn phong: Thơ LHK tuy có thể liệt vào những áng thơ hay nhưng chưa ai nhìn nhận đó là những câu thơ kiệt tác, phi thường, “có một không hai”, hơi văn đi mạnh, hình ảnh sắc sảo, táo bạo, gieo vần oái oăm mà vẫn thoát một cách tài tình vv. như trong TTT. Đứng cạnh những bài TTT thơ LHK trở nên “bình thường”.

Cùng là than thân, hãy so sánh:

Chiếc bách (TTT)

Chiếc bách buồn về phận nổi nênh,

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.

Lưng khoang tình nghĩa mong đầy đặn,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

Chèo lái mặc ai lăm đỗ bến,

Buồm lèo thây kẻ rắp xuôi duềnh.

Ầy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh! (9)

(Tôi trích bài này để tiện so sánh văn phong hai bà chứ không phải chọn bài này vì cho nó hay hơn những bài khác trong TTT)

Tự thán I (LHK)

Con bóng đi về chốc bấy nay,

Chữ duyên nào đã chắc trong tay.

Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt,

Trông suốt nhân tình dạ muốn say.

Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn,

Một đời riêng mấy kiếp chua cay.

Nỗi mình nỗi bạn dường bao nả,

Dám hỏi han đâu những cớ này. (10)

Bảo rằng thơ trong LHK “cao cấp”, nữ sĩ về già tự ý loại những bài thơ “ngổ ngáo” viết khi còn trẻ để đương đầu với đám thư sinh chọc ghẹo như Trần Thanh Mại đề xướng và bác đồng ý thì quả thật tôi thấy khó tin. Một người đã sáng tác được những bài thơ như TTT (dù có bị người đời “nhuận sắc” nhưng cái cốt lõi vẫn còn) lại không nhận ra giá trị của nó, vứt bỏ đi để mà chọn giữ lại những bài thơ “cao cấp” như trong LHK, thì có họa là “điên”!

Người ta vì khâm phục những bài TTT nên mới nhớ đến tên Hồ Xuân Hương, và tìm đọc LHK vì tò mò thấy tên Hồ Xuân Hương, nếu tác giả LHK mang tên khác chưa chắc đã có nhiều người tìm đọc như thế.

Ông Đào Thái Tôn đã viết và nhìn nhận hai Xuân Hương là một, rằng thơ LHK là thơ “sàng lọc” lúc về già vv. nhưng trong những buổi họp bạn bè, ông vẫn chọn ngâm TTT. Trích Đào Thái Tôn, Thơ và Đời: “Nói vậy thôi chứ mai uống rượu vào mà bạn bè bảo tôi đọc thơ Hồ Xuân Hương tôi vẫn có thể đọc “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Đánh cờ người”… những bài thơ mà tôi đã loại ra khỏi phần chính văn” (11).

Vì sao? Tất nhiên là vì nghệ thuật độc đáo của chúng chứ không phải vì ý nghĩa “tục”. Văn thơ hải ngoại ngày nay thiếu gì người viết về tình dục nhưng nào có ai được người đời ca tụng, trọng vọng? Nếu dựa vào LHK để “sàng lọc” TTT thì là làm chuyện ngược đời.

Chính Trần Thanh Mại nêu ra thuyết dựa vào LHK để thanh lọc TTT nhưng lại tự mâu thuẫn ở chỗ khi dịch bài “Cảm cựu…” câu 6 lại cố ý dùng chữ giống giọng TTT:

Biết còn mảy chút sương đeo mái (12)

b) Tình duyên hai bà tuy cùng trắc trở nhưng những “bạn tình” của hai bà khác hẳn nhau. Trong LHK không có bóng dáng Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường (13) và trong TTT cũng không thấy một bài nào, một câu nào nhắc đến Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần vv. Dù cho là tác giả LHK chỉ chọn lọc những bài thơ “cao cấp” để đưa vào LHK nhưng chẳng lẽ dân gian cũng chọn lựa TTT để loại ra những bài có dính dáng đến Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần vv. ?

Tại sao không tạm thời chấp nhận có hai bà Xuân Hương sống cùng thời và cùng làm thơ hay nhưng mỗi người văn phong một khác, như đã có hai Nguyễn Du sống cùng thồi?

Nguyễn Du, 1765/6-1820, tác giả Truyện Kiều, là người Nghệ, đỗ Tam trường (có lẽ là thi Hội), khi có loạn Kiêu binh, ông lên Thái-nguyên rồi được kế nghiệp cha nuôi, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ), ông chống Nguyễn Huệ và thời Gia-long từng làm Cai bạ (Bố chính) rồi Cần-chính điện Học sĩ vv. Nguyễn Du thứ hai người huyện Thanh-oai, đỗ Hoàng giáp (tức nhị giáp tiến sĩ) năm 32 tuổi (1785), làm quan ba triều: Lê, Nguyễn Huệ và Gia-Long (14).

Đấy là chưa kể, ít người biết là có tới hai bản LHK chứ không phải một. Theo Hồ Tuấn Niệm thì bản thứ hai nằm trong Thư Viện Khoa Học Xã Hội (A – 2814) nhưng “hoàn toàn khác về nội dung” (15).

11- Anh viết: “P10 (không có chữ Nôm trước mắt thì đừng nên đoán)”. Vậy thì trường hợp hai chữ “nữ giới” rõ ràng bác có bản nôm trước mắt (và nhất định là bác thừa hiểu ý nghĩa cả hai chữ “giới”), nhưng bác vẫn giảng sai thì anh nghĩ sao?

Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (CPNBK), ngoài hai chữ “nữ giới” bác giảng không ổn, tôi còn thấy bác ghi cuối bài “Tựa”:

tr. 9: “Viết tại ngụ sở, gần bờ sông Sen tại Pa-ri, mùa hè năm 1952”;

tr. 36, bác viết: “Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm đã gửi thư cho báo “Nam Phong”, nói rằng bản “Chinh Phụ Ngâm” là “cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm”. Nhưng từ đó, mặc dầu những nhà khảo cứu yêu cầu, ông Huy Chiêm chưa từng xuất bản bài diễn ấy. Ầy là vì lẽ ông Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi, mà có lẽ có câu không hay bằng nữa. Mùa hè năm nay tôi đã được ông Huy Chiêm nhờ người họ gửi cho một bản nhưng chỉ là một bản đã phiên âm ra chữ la-tinh. Hình như bản chữ nho và chữ nôm nay chưa tìm lại được”.

Tôi thắc mắc là cho đến khi bác viết xong bài “Tựa” nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ nôm của Phan Huy Ích, chẳng hóa ra bác đã khởi sự viết CPNBK chứng minh rằng bản dịch hay nhất xưa nay người đời gán ghép cho bà Đoàn Thị Điểm chính là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay chưa có bản chữ nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng?

Và cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này (1970) ông Nguyễn văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc mà ông và bác đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ “đoán” vì trang cuối bài “Tựa” chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại bị mất (16) nên bằng chứng này cũng chưa thể kể là “bằng chứng” đích xác, mà chỉ là phỏng đoán.

Đây là tôi chỉ đứng trên lập trường lý luận về những bằng chứng cụ thể, đích xác, không ai chối cãi được, còn phần chữ nôm xin để nhường các chuyên gia.

Tôi đã trả lời anh cặn kẽ, từng điểm một, mong là chuyện chấm dứt ở đây. Bài này chỉ nêu ra một số thí dụ, nếu anh muốn có bài viết đầy đủ về những chỗ tôi còn thắc mắc thì xin đợi khi nào tôi lành mắt và có thì giờ thong thả tôi sẽ viết thật cặn kẽ, tường tận (17).

Xin nhắc lại là mục đích của tôi không phải để bới móc những sai lầm, sơ sót của bác mà chỉ là đưa ra những chỗ lập luận của bác mà tôi thấy không ổn, nhắc độc giả nên dè dặt. Nhận xét chung của tôi vẫn là bác làm việc công phu nhưng đôi khi thiếu kiểm tra, nên có những sai lầm dễ đàng tránh được nếu cẩn thận hơn. Chẳng hạn mất công tìm ra tên họ hai ông Hiệp trấn họ Trần (17) thường xướng họa với tác giả LHK nhưng bác không kiểm lại nên không thấy rằng ông Hiệp trấn Sơn-nam-hạ Trần Quang Tĩnh là người Bình-định chứ không phải người “đồng quận” (châu Hoan) với Xuân Hương như được khẳng định trong thơ. Còn Trần Ngọc Quán thì chỉ được thăng lên chức “Hiệp trấn Sơn-nam-thượng” năm 1815 trong khi LHK, chép những bài thơ đã xướng họa của nữ sĩ với Hiệp trấn họ Trần lại ngừng từ năm 1814, tức là một năm trước (19).

Cũng xin nhắc lại là khi viết bài “Tìm hiểu…” tôi phải tạm dùng TTS để chứng minh mối tình giữa hai người chưa thể coi là có thật vì vậy cuối bài tôi chua rõ :

“Xin lưu ý: Vì chưa tìm được bài của các ông Trần Thanh Mại, Lê Thước và Trương Chính nên tôi viện dẫn GS Hoàng Xuân Hãn nhiều hơn”.

Nó có nghĩa là vì không có những “bản gốc” về vấn đề Xuân Hương của Trần Thanh Mại (là người đã đưa ra các giả thuyết: hai bà Hồ Xuân Hương, tác giả TTT và tác giả LHK, chính là một; thơ trong LHK do nữ sĩ chọn lọc loại ra những bài thơ “ngổ ngáo” làm lúc trẻ vv.) nên tôi tạm viện dẫn TTS vì bác cũng đồng ý với những giả thuyết của Trần Thanh Mại. Nhưng nay tôi đã tìm được những “bản gốc” của Trần Thanh Mại thì tôi xin chuyển những “nhận xét” sang “chính danh thủ phạm”: Trần Thanh Mại mới là người đã xướng xuất ra những giả thuyết không ổn này, không phải bác.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận là chỉ trong vòng hơn một năm (1963-65) mà Trần Thanh Mại vừa phát hiện ra tập LHK, dịch ra quốc ngữ, tìm ra đối tượng trong bài “Cảm cựu…” là Nguyễn Du, phát hiện ra bài “Tựa” LHK của Tốn Phong, dựng giả thuyết hai bà Hồ Xuân Hương là một vv. thiết tưởng sức người không thể làm hơn được. Dù các giả thuyết ông đặt ra có những chỗ không ổn thì ông cũng không đủ thì giờ kịp nhận ra. Ông mất quá sớm (1965), nếu ông còn sống thì chưa biết câu chuyện sẽ đi đến đâu.

Trần Thanh Mại đưa ra LHK làm cho vấn đề Xuân Hương vốn đã không đơn giản thêm “rắm rối” nhưng ai dám bảo công đóng góp của ông, chỉ riêng cho vấn đề Hồ Xuân Hương, là nhỏ?

Nghiên cứu, biên khảo là để tìm ra sự thật. Nêu ra một vấn đề chưa được giải đáp thỏa mãn không phải là làm cho “rắm rối” mà chính là để cùng nhau thảo luận, góp ý, làm cho “sáng tỏ” vấn đề ấy, không phải để chỉ trích riêng ai. Trước đây, ông Bằng Vũ có ý không hài lòng, vì tôi cãi là Tú xương không đi thi chữ quốc ngữ, tôi đã đem bài trả lời ông in vào”Lối Xưa Xe Ngựa…” tập I, nhưng lại cắt xén đoạn nói về thái độ của tôi khi cầm bút, nghĩ là không cần thiết, nay xin chép lại đoạn ấy:

“Đứng trước một điều nào mà tôi nghĩ là sai lầm đối với lịch sử hay văn học sử, tôi đã chọn thái độ lên tiếng. Giữ im lặng dĩ nhiên sẽ không có điều tiếng gì, nhưng có nghĩa là để mặc độc giả lầm theo (tôi muốn nói những người không có thì giờ đi tra cứu sách vở).

Song lên tiếng cũng có hai cách: Thảo luận để cùng nhau tìm ra sự thật, tôi tưởng rất nên. Còn vạch những chỗ sơ suất của người khác để khích bác tôi thấy không đem lại điều gì bổ ích mà còn mất thì giờ và cũng chẳng làm tăng giá trị người viết lên trước con mắt độc giả. Đôi khi tôi quả có nêu danh một vài tác giả trong bài nhưng không ngoài mục đích tìm hiểu sự thật, và tôi cũng không cho rằng vì tôi mà những tác giả ấy bị hạ uy tín.” (20).

Không ai dám nghĩ đến phủ nhận công lao của bác đóng góp cho Việt-Nam, nhưng bác cũng không tránh khỏi lỗi lầm sai sót. Nếu tôi không nêu những chỗ tôi thấy không ổn ra thì cũng có những người khác nêu ra. Bằng chứng là mới đây ông Lê Hữu Mục và bà Phạm Thị Nhung đã xuất bản một quyển sách nhan đề là Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc chứng minh bản dịch hay vẫn là của Đoàn Thị Điểm. Tôi chưa được đọc quyển này, cũng chưa từng bàn luận với bà Phạm Thị Nhung về Chinh Phụ Ngâm, và chỉ có một lần trao đổi sơ qua với ông Lê Hữu Mục về CPNBK của bác, đúng sự thực là ông Lê Hữu Mục nói cho tôi nghe những chỗ ông không đồng ý với bác về chữ Nôm, tôi không biết Hán-Nôm nên chỉ “đóng góp” được có hai chữ “nữ giới” mà tôi đã tra tự vị. Có nghĩa là cả hai vị viết sách đều không do tôi xui giục.

Mục đích khi viết của tôi không phải là bới móc những sai sót của bác mà là nhắc nhở mọi người nên dè dặt. Chính vì bác có uy tín nên người ta thường quá tin, không kiểm tra lại, cứ theo bác mà chép nên sự lầm lẫn do đó nhân lên không biết bao nhiêu lần!

Anh cứ yên tâm, chuyện đâu còn đó. Di sản của bác không thể chỉ vì vài bài viết của tôi mà bị suy suyển, cái gì bác viết đúng vẫn đúng, và dù sao cũng còn có công luận.

Di sản của Hoàng Xuân Hãn đồ sộ và quan trọng thật nhưng cũng không ngoài mục đích đóng góp cho việc tìm hiểu sự thật trong di sản của cả nước Việt-Nam.

Hai vấn đề Hồ Xuân Hương và bản dịch Chinh Phụ Ngâm sẽ còn làm tốn nhiều giấy mực.

Châtenay-Malabry 29-8-2002

Xin lưu ý : Tôi vẫn phải sử dụng TTS để cho số trang những câu trích dẫn vì đã trả anh bản gốc sau khi đối chiếu, sửa những chỗ sai và sao chụp bản đồ Thăng-long của bác vẽ, thiếu trong TTS.

Chú Thich:

1- Tôi phải sửa bản thảo hai quyển Thi Hương và”Lối Xưa Xe Ngựa…” tập II, để kịp đưa cho nhà xuất bản mang sang Mỹ in trước Tết.

2- CPNBK, tr. 27.

3- CPNBK, tr. 290.

4- Xin xem “Tìm hiểu mối tinh giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả LHK)”, Hợp Lưu, số 35 và “Rút nhầm tơ duyên…”, Thế Kỷ 21, số 115.

5-Thăng-long, Đông Đô, Hà-nội, tr. 57 : Núi Khán là khán đài thời Lê, chỗ vua xem diễn binh, giáp với Trại Hàng Hoa (Ngọc-hà, Hữu-tiệp) ngoảnh mặt ra Hồ Tây. Pháp đã san bằng núi Khán để xây Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch).

6- Xin xem “Tìm hiểu…”, Hợp Lưu số 35 và “Rút nhầm tơ duyên…”, Thế Kỷ 21, số 115.

7- Đào Thái Tôn, tr. 123.

8- Đào Thái Tôn, tr. 170.

9- Đào Thái Tôn, tr. 169.

10- Đào Thái Tôn, tr. 135.

11- Thơ và Đời, tr. 249.

12- TTS tr. 245 bác viết là Hồ Tuấn Niệm sửa “đeo” ra “treo” bởi phiên âm như thế mới đúng, bác cho là vô nghĩa, sửa thành “sương siu mấy” mới có nghĩa (sương siu = bịn rịn với mối tình xưa), ông Nguyễn Quảng Tuân không đồng ý, cho phải đọc là “sương gieo mãi” (Kỷ Yếu Hội Nghiên Cứu Văn Học năm 1998, tr. 185-92).

13- Bác chứng minh bài thơ “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” là ngụy tạo, mới nghe rất hợp lý nhưng xét lại vẫn có chỗ chưa ổn. Xin đọc “Rút nhầm tơ duyên…”, Thế Kỷ 21, số 115.

14- Tạp Kỷ II, tr. 290 – Tục Biên, tr. 463.

Thực Lục XII, tr. 36, Nguyễn Du làm Thự Ngự sử; XIII, tr. 7, Nguyễn Du làm Giám sát Ngự sử đổi ra làm Án sát Thái-nguyên.

Thực Lục XIII, tr. 47 cho biết tên của tác giả Truyện Kiều ít nét hơn.

Ngô Đức Thọ, Các nhà khoa bảng Việt Nam :”Nguyễn Du người huyện Chương-đức, nguyên quán huyện Thanh-oai, 32 tuổi đỗ Hoàng giáp (1785), làm quan đời Lê Hiển Tông đến chức Hàn lâm viện thị thư, Thiêm đô Ngự sử, khi Nguyễn Huệ ra Bắc (1788) ông được giữ chức Hàn lâm Trực Học sĩ, cùng làm việc với Ngô thì Nhậm và Ngô văn Sở, thời Gia Long ông làm Đốc học Bắc thành”.

15- Hồ Tuấn Niệm, “Chung quanh vấn đề Tiểu sử của Hồ Xuân Hương”, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, tháng 9-10, 1973, chú thích số 3.

16- Nguyễn văn Xuân, tr. 33.

17- Tôi cố gắng lắm mới viết xong bài này vì đọc rất khó khăn. Dù có chữa lành mắt, việc chính của tôi vẫn là viết quyển Thi Hội – Thi Đình, còn những thắc mắc về bác, tôi không viết cũng có người khác viết.

18- Chưa chắc có tới hai ông Hiệp trấn họ Trần. Xin xem “Rút nhầm tơ duyên…”.

19- Thực Lục IV, tr. 246. Bài “Tựa” LHK của Tốn Phong cho biết đã viết xong đầu năm 1814.

20- “Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không?”, Thế Kỷ 21, số 23, 3-1991.

Sách Dẫn:

• Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ, Hoa Bằng dịch. Hà-nội : Khoa Học Xã Hội, 1975.

• Đại Nam Thực Lục Chính Biên, tập IV, Hà-nội : Sử Học, 1963; tập XII, XIII, Hà-nội : Khoa Học, 1965.

• Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch. Hà-nội : Khoa Học Xã Hội, 1991.

• Đào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương – Từ cội nguồn vào thế tục. Nhà xuất bản Giáo Dục, tái bản năm 1995.

• Hoàng Xuân tuyển chọn, Lữ Huy Nguyên giới thiệu, Hồ Xuân Hương – Thơ và Đời. Hà-nội : Văn Học, 1995.

• Hoàng Xuân Hãn, “Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long”, Tập san Khoa Học Xã Hội, số 10-11. Paris, tháng 12/1983.

• Hồ Xuân Hương – Thiên Tình Sử. Hà-nội : Văn Học, 1995.

• Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo. Paris : Minh Tân, bản in lại không đề năm.

• Hồ Tuấn Niệm, “Chung quanh vấn đề Tiểu sử Hồ Xuân Hương”, Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, tháng 9-10 / 1973.

• Kiều Thu Hoạch, “Đại cương về đất nước và con người”, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Hà-nội : Sở Văn Hóa và Thông Tin Hà Nội, 1991.

• Ngô Đức Thọ chủ biên, Các nhà khoa bảng Việt-Nam (1075-1919). Hà-nội : Văn Học, 1993.

• Nguyễn Quảng Tuân, Kỷ Yếu Hội Nghiên Cứu Văn Học, TPHCM, 1998.

• Nguyễn Thị Chân Quỳnh, “Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không?”, Thế Kỷ 21, số 23, 3-1991.

• “Tìm hiểu mỗi tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký)”, Hợp Lưu, số 35, tháng 6-7, 1997.

• “Rút nhầm tơ dưyên…”, Thế Kỷ 21, số 115, 11-1998.

• Nguyễn văn Xuân, Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc. Saigon : Lá Bối, 1972.

• Trần Thanh Mại, “Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán?”, Nghiên Cứu Văn Học, số 3, 1963.

• “Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương”, Nghiên Cứu Văn Học, số 10, 1964.

• “Bản Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó”, Nghiên Cứu Văn Học, số 11, 1964.

 

Giữa đất trời giao hưởng/Theo sóng từ trường/

Gặp gỡ Thụy Khuê/Trên một chặng bút trình

(trích đoạn Hồ Trường An mạn đàm với Thụy Khuê)

 

Hồ Trường An: Chào chị Thụy Khuê, động cơ nào thúc đẩy chị soạn cuốn biên-khảo-mạn-đàm ‘’Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn Và Tạ Trọng Hiệp’’? Có phải chị muốn chính mình được biết tư tưởng, hành động, hoài bão, dự phóng của những kẻ tuy nổi trôi trên dòng lịch sử mà vẫn làm văn hóa không? Có phải chị muốn tìm hiểu thời đại và xã hội mà họ dấn thân suốt chiều dài hành trình của họ không? …

Thụy Khuê: Thưa anh, khi soạn cuốn Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp tôi chỉ muốn tập hợp những bài nói chuyện với hai học giả đã được phát thanh trên đài RFI từ năm 1993 đến 1997 và đã in trên tạp chí Hợp Lưu. Cuốn sách phát hành sau khi họ qua đời như một tác phẩm tưởng niệm, nhưng cũng để sửa lại những sai lầm về văn bản, bởi loạt bài nói chuyện với bác Hãn (xin phép anh được dùng chữ bác Hãn, vì tôi đã quen gọi bác như vậy) in trên Hợp Lưu, đã được sách báo trong nước lấy lại, nhiều chỗ tùy tiện thêm bớt, trái với tinh thần nghiên cứu khoa học và làm sai ý bác Hãn. Đó là lý do thực tiễn. Động cơ sâu xa hơn, và cũng để trả lời chính xác câu hỏi của anh, tại sao tôi tìm gặp hai nhà văn hoá trên, là như thế này:

Về bác Hãn, có lẽ phần đông chúng ta đều đã «biết» Hoàng Xuân Hãn qua sách vở giáo khoa, nhưng không mấy ai có dịp tiếp xúc với con người. Khoảng 1983-84, tôi được đọc bài Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long của bác in trên tập san Khoa Học Xã Hội ở Paris, bài viết đưa ra một Hồ Xuân Hương chưa từng có trong hình ảnh Hồ Xuân Hương «của tôi». Năm 1988, tôi lại có dịp nghe bác nói chuyện về Hồ Xuân Hương. Vì thế, từ (1990) khi phụ trách chương trình văn học nghệ thuật hàng tuần của đài RFI, tôi vẫn muốn giới thiệu với thính giả những khám phá mới của Hoàng Xuân Hãn về Hồ Xuân Hương, và đầu năm 1993, tôi thực hiện chương trình nói chuyện đầu tiên với bác Hãn về Hồ Xuân Hương. Sau khi loạt bài này được phát thanh về nước, có một số người đã sang Pháp, tìm đến bác để học hỏi thêm. Có lẽ vì thấy ảnh hưởng nhanh chóng và rộng rãi của truyền thanh, cho nên những lần sau, khi tôi tìm gặp, bác đã nói về tất cả mọi vấn đề, trả lời mọi câu hỏi mà không ngần ngại gì cả. Điều đó làm cho anh Hiệp có lúc đã hỏi tôi: «Thụy Khuê làm thế nào mà hỏi bác được những «chuyện ấy», trong khi bao nhiêu năm tôi ở cạnh, hỏi bác mà bác không trả lời». Điều mà anh Hiệp gọi là «những chuyện ấy», chính là cái mà anh (Hồ Trường An) gọi là «tư tưởng, hành động, hoài bão, dự phóng của những kẻ tuy nổi trôi trên dòng lịch sử mà vẫn làm văn hóa».

Vâng đúng như anh nghĩ, chủ đích của tôi là muốn cho người nghe cũng như người đọc biết được con đường Hoàng Xuân Hãn đã đi, trên hai mặt lịch sử và văn hóa trong bao nhiêu năm sống xa đất nước. Hoàng Xuân Hãn (cũng như Tạ Trọng Hiệp) đã làm những gì cho văn hoá nước nhà. Gặp bác tôi mới biết công trình đồ sộ bác nghiên cứu từ nửa thế kỷ qua là Kiều, bản thảo nhiều trang mực đã nhoè, mà hầu như ít người biết đến. Hoặc là giới trí thức thân cận bác thời ấy có biết nhưng họ không để ý. Bác say sưa nói về những khám phá mới, về những chữ trong Kiều bị tam sao thất bản mà bác đã tìm ra, chỉnh sửa lại…

Hoàng Xuân Hãn là nhà nho kín đáo, thận trọng, không thích nói về mình, cho nên bác không tự nhiên «thổ lộ» những điều có tính cách riêng tư, nếu không vì lợi ích chung. Xin kể anh nghe một chi tiết này: Một hôm tôi đến, bác dẫn vào phòng trong chào bác gái, lúc ấy đang bận tiếp một bà bạn. Chào xong, đi ra, bác cười và nói nhỏ với tôi: «Chuyện của các bà thì có đến 90% là thừa». Ý nghĩ hóm hỉnh ấy của bác cứ theo tôi mãi, nhiều khi đang nói chuyện với ai, tôi cũng thử kiểm soát xem những điều mình nói có cần thiết không, hay là «thừa». Anh thử để ý mà xem, mình nói thừa, viết thừa nhiều lắm. Cho nên tôi lại càng hiểu sự kiệm lời của những người như Hoàng Xuân Hãn. Gặp tôi đúng lúc bác thấy có những điều cần nói và có lẽ chính bác cũng cảm thấy không còn thì giờ viết hồi ký, hoặc không muốn viết, cho nên bác đã «trao» những lời ấy cho tôi. Đó là cái duyên hạnh ngộ anh ạ. Theo tôi, ở đời mọi chuyện đều do nhân duyên cả. Anh Tạ Trọng Hiệp có tạng khác hẳn thầy Hãn, trong chỗ riêng tư anh ấy nói hết, anh Hiệp có những lời phê bình «kinh khủng» đối với những kẻ mà anh không thích. Anh Hiệp là thày đồ Tây, tôi thích tính nói thẳng của anh. Theo tôi, hai thày trò là hai khuôn mặt văn hoá dấn thân, nhưng không dấn thân theo nghĩa thông thường, như xuống đường hành động, viết tham luận chống đối, hoặc làm chính trị (Hoàng Xuân Hãn có làm chính trị, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn) mà họ dấn thân trong nghiã sâu hơn, dấn thântrong suy nghĩ, và đó, tình cờ, cũng là một trong những định nghiã dấn thân rất sâu xa của Sartre.

Hồ Trường An: Xin chị tóm tắt phương pháp biên khảo của Hoàng Xuân Hãn và của Tạ Trọng Hiệp ở những điểm đặc sắc cùng những điểm tương đồng và dị dòng của họ.

Thụy Khuê: Hoàng Xuân Hãn có kiến thức hết sức rộng bao trùm cả Hán học lẫn Việt học, có cái nhìn vừa tổng hợp, vừa phân tích trên mọi vấn đề, và có thể nói về bất cứ vần đề gì mà không cần tra cứu. Tạ Trọng Hiệp không có được kiến thức toàn diện của thày, nhưng anh rất thận trọng, và khi làm việc anh khoanh vùng, đào sâu vào chi tiết, muốn tất cả phải toàn bích, do đó anh viết rất kỹ và rất ít. Khi hỏi anh Hiệp một điều gì, thì anh tra cứu trước khi trả lời, khác hẳn bác Hãn, trả lời ngay. Theo tôi, cả hai cùng có một tinh thần nghiên cứu khoa học mà ít nhà nghiên cứu (Việt Nam) đạt được: Hoàng Xuân Hãn đi rộng và đi xa, đưa ra những nghi vấn trong văn học, mở những hướng mới cho người sau tiếp tục tìm kiếm. Tạ Trọng Hiệp xới lên những thiếu sót, sai lầm không chấp nhận được trong những văn bản cổ (ví dụ tìm những chỗ Lê Quý Đôn đã chép lại sách Tàu mà không đề xuất xứ). Tạ Trọng Hiệp dịch thuật, hiệu đính và phát hiện ra những cái mới.

Hồ Trường An: Cũng đồng thời làm thơ chữ Hán, nhưng sao tập ‘’Lưu Hương Ký’’ của bà Hồ Xuân Hương được cụ Hoàng và ông Tạ cùng ông Nguyễn Ngọc Bích (trong quyển ‘’Hồ Xuân Hương : Tác Phẩm’’) chiếu cố tận tình trong khi 3 bà công chúa con vua Minh Mạng và cũng là em cùng mẹ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là Nguyệt Đình, Mai Am và Huệ Phố cũng làm thơ chữ Hán nổi tiếng khắp Đế Đô Huế lại bị văn học sử lãng quên (hoặc bỏ rơi cũng thế).

Thụy Khuê: Hồ Xuân Hương là tác giả nổi tiếng trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhưng chúng ta chỉ biết văn chương của bà qua những gì đã truyền tụng như một huyền thoại. Cho tới thập niên 60, người ta vẫn chưa biết, bà sống đích thực vào thời nào, sinh quán ở đâu. Từ lâu Hoàng Xuân Hãn đã lưu ý đến việc này. Thập niên 50, bác có đọc một tài liệu nói rằng Hồ Xuân Hương là tiểu thiếp của một ông quan hiệp trấn tỉnh Quảng Yên. Đến năm 1952, qua Pháp, làm việc ở thư viện quốc gia, tình cờ bác tìm thấy trong một cuốn sách địa dư có nói đến tỉnh Quảng Yên, và ở cuối phần ấy ghi sáu bài thơ đề là của Hồ Xuân Hương. Bác Hãn bèn liên lạc hai sự kiện ấy với nhau và bắt đầu tìm lại dấu vết Hồ Xuân Hương. Bác liên kết những dữ kiện lẻ tẻ mà một số nhà nghiên cứu trước đã tìm ra, với những điều bác vừa tìm được, để chứng minh về mặt văn bản rằng: Những bài thơ trong tập Lưu Hương Ký (do một ông cử nhân người làng Hành Thiện đã phát hiện trong tủ sách gia đình của mình và gửi cho Trần Thanh Mại thập niên 50), là đích thực của Hồ Xuân Hương. Trong khi khảo sát văn bản, bác lại tìm ra một số tình nhân của bà.

Như vậy Hoàng Xuân Hãn đã làm hai việc: xác định tác phẩm chính của Hồ Xuân Hương (là Lưu Hương Ký) và xác định những nét chính về cuộc đời Hồ Xuân Hương (mà trước đó chúng ta chỉ mới biết huyền thoại).

Từ đó, sinh ra một giả thiết mới là có một Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký, thơ chữ Hán rất đứng đắn) và một hay nhiều, gọi chung là trường phái Hồ Xuân Hương, tác giả những bài thơ nôm nổi tiếng mà chúng ta đã biết.

Trở về với câu hỏi của anh: Trường hợp Hồ Xuân Hương khác với trường hợp của các công chúa con vua Minh Mạng. Các công chúa, tên tuổi, sự nghiệp, trước tác, đều đã được ghi nhận rõ ràng trong sử sách triều đình, nhưng lại không nổi tiếng trên văn đàn. Còn Hồ Xuân Hương là người nổi tiếng trên văn đàn, nhưng tác phẩm và tiểu sử lại rất mơ hồ. Vì vậy mà các nhà nghiên cứu đều cố gắng tìm hiểu để soi tỏ những chỗ mơ hồ ấy. Còn như nếu cần phải đánh giá (lại) tác phẩm của các công chúa con vua Minh Mệnh, thì việc ấy thuộc về các nhà phê bình.

Hồ Trường An: Cụ Hoàng Xuân Hãn phủ nhận bà Đoàn thị Điểm không phải là tác giả bản dịch thiên trường ca ‘’Chinh Phụ Ngâm’’ và cụ có đủ tài liệu để củng cố cho lập luận của mình. Nhưng cụ lại hoài nghi Ngọc Hân Công Chúa không phải là tác giả thiên trường ca đẫm lệ ‘’Ai Tư Vãn», mà là do người khác trước tác theo cái sentiment (sic/ tỉnh cảm) của bà mà thôi. Cụ Hoàng Xuân Hãn không có tài liệu nào chứng minh lập luận của mình. Cái hoài nghi của cụ cũng dựa trên cái sentiment của cụ đấy thôi. Nhưng chị nghĩ sao đây? Bài ‘’Văn Tế Vua Quang Trung’’ do Ngọc Hân Công Chúa soạn ra để truy điệu ngài rất đẹp lời, rất thiết tha tình ý và có giọng điệu của bài ‘’Ai Tư Vãn’’. Không lẽ bài văn tế đó cũng do kẻ khác viết hay sao?

Thụy Khuê: Trước hết, xin nói rõ hơn về câu tôi hỏi bác: «Thưa bác, Ai Tư Vãn có thể không phải do Ngọc Hân viết ra?», đó là một câu hỏi phụ, trong phần về vua Quang Trung. Sở dĩ tôi hỏi như vậy, vì trong thâm tâm vẫn có ý nghi ngờ không chắc có phải Ngọc Hân viết bài thơ ấy; một mặt vì tôi thấy văn chương bài Ai Tư Vãn rất hay, hết sức chải chuốt; một mặt lại cũng không thấy sử sách nhắc đến thi tài của Ngọc Hân như Hồ Xuân Hương hay Đoàn Thị Điểm. Về câu hỏi này, Bác Hãn, như thường lệ, cũng đã trả lời ngay: «Oui, tôi thì tôi không tin là của Ngọc Hân đâu»và bác đưa ra lý do là những người có chức vị cao như tổng thống Mitterand, thường có «nègre» viết hộ; hoặc bài Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ mà mọi người cứ tưởng là của Nguyễn Văn Thành, nhưng có phải Nguyễn Văn Thành viết đâu, Nguyễn Huy Lãng (tức Nguyễn Huy Lượng) tác giả Tụng Tây Hồ phú viết hộ đấy. Theo bác, người mình «duy tâm» suy nghĩ theo cảm tính, cứ thấy cô công chúa thì thích… để như thế. Nhưng bác cũng nói thêm :»Đó chỉ là một «sentiment» thôi. Cụ Lê Dư trước có nói với tôi rằng, bài văn ấy của một ông tên là Nhi, gì ấy, tôi không nhớ rõ». Tôi lại hỏi: vậy có phải Phan Huy Ích viết hộ không? Thì bác bảo: «Không phải Phan Huy Ích, nhưng nếu chúng ta có chứng cớ gì là của Phan Huy Ích thì cũng có thể tin được». Đó là lối nói của Hoàng Xuân Hãn để hướng dẫn người sau tiếp tục tìm kiếm, ít nhất về hai hướng: Phan Huy Ích và một người nữa tên là Nhi do cụ Lê Dư đề xuất. Giáo sư Trần Văn Khê kể lại một giai thoại khác: khi làm luận án về nhạc học, ông muốn tìm nguồn gốc giọng sa mạc, ông hỏi Hoàng Xuân Hãn, bác Hãn bảo: cứ thử tìm về phía Ả Rập chắc sẽ thấy. Và Trần Văn Khê cho biết: quả như lời bác Hãn, điệu sa mạc của ta có nguồn gốc Ả Rập.

Cho nên cái mà Hoàng Xuân Hãn gọi là «sentiment», chỉ có nghĩa là: tôi mới nghĩ như thế, nhưng chưa kiểm chứng được, vậy bạn hãy tìm cách kiểm chứng, để xác định hoặc phủ định ý kiến của tôi.

Trong cuốn Quốc Văn Đời Tây Sơn, Sơn Tùng (tức Hoa Bằng) Hoàng Thúc Trâm – để chứng minh Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi (1799), trước khi nhà Tây Sơn đổ (1802) – đã tìm ra năm bài văn tế Ngọc Hân do Phan Huy Ích viết, ông viết: «Chứng cớ ấy tôi tìm được ở năm bài văn tế, do một yếu nhân đời Tây Sơn là cụ Dụ Am Phan Huy Ích đứng thảo: Một bài cho vua Cảnh Thịnh, một bài cho các con gái vua Quang Trung, một bài cho Phù Ninh từ cung là mẹ đẻ của Ngọc Hân, một bài cho cựu hoàng Sòng là những người trong tôn thất nhà Lê và một bài cho các bà con họ ngoại bên Phù Ninh để đọc trong những tuần tế điện bà Ngọc Hân tức Vũ Hoàng Hậu» (trích Quốc Văn Tây Sơn, Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm, trang 82-83, Vĩnh Bảo, Sài gòn, 1950). Điều này càng chứng tỏ Phan Huy Ích là một trong những cây bút chính thức của triều đình Tây Sơn, do đó, rất có thể, ông hay một cây bút chính thức khác đã viết hộ Ngọc Hân bài Văn tế vua Quang Trung chăng? Đây cũng chỉ là một giả thiết, chúng ta chưa có bằng chứng cụ thể bằng văn bản.

***

 

Phụ đính II:

Một thoáng Xuân Hương I

Nguyễn Huy Thiệp

 

chành ra ba góc da còn thiếu…
(Hồ Xuân Hương)

 

clip_image007

 

tranh Bùi Suối Hoa

Truyện thứ nhất

 

Tổng Cóc nhìn ra ngoài cửa. Ông ngắm cái sân lát gạch Bát Tràng lâu ngày đã rỗ rạn. Do cống thoát nước đã mấy năm nay tắc nên mưa là nước tràn cả vào sân. Để thế, không những sân mà cả ngôi từ đường cũng hư nát. Thông cống thì sức nhà này không làm riêng được, cái cống đụng chạm đến bao nhiêu nhà.
Tổng Cóc nghĩ ngợi, ông vớ lấy be rượu sành, mở nút lá chuối rót ra chén. Đây là thứ rượu Xuân Hương mang ở quê ngoại Kinh Bắc về nhà.
Tổng Cóc đăm đăm nhìn vào chén. Hơi rượu thơm sực làm ông hắt hơi rịn cả nước mắt. Ông bực mình lấy ống tay áo lau mắt rồi uống đại một hơi. Ông chẳng bao giờ có được phong độ lịch lãm như người. Trời sinh ra ông thô vụng xấu xí thì đành chịu. Ông có cái lố cái hiệp của ông, dễ gì ai có?
Tổng Cóc không chịu được cái vẻ sạch sẽ gớm ghiếc của người đời. Nó chán chết. Ông thích những gì ào ạt của cuộc sống thực trần tục. Ông không được học hành nhiều, việc nhà thì bận rộn. Ông sợ cái nghèo cái đói. Nhìn ra ông thấy một lũ vô học và vô lương tâm vẫn đang nhởn nhơ ăn sung mặc sướng. Như thể ông hoàng bà chúa. Ông điên người. Ông cũng lao động quần quật, ông cũng đã đổ mồ hôi nước mắt. Ông phải có quyền sung sướng theo cách sắp xếp của ông. Tổng Cóc rót chén rượu nữa. Ông biết thiên hạ coi ông chẳng ra gì. Thiên hạ coi ông là thô lậu. Ông chẳng cần.
Ông khinh những kẻ không dám sống thực, không dám lặn sâu xuống đáy cuộc đời. Ông cũng khinh cả những kẻ lặn mình xuống đáy rồi ngập ở đấy không sao lên được.
Ông hiểu sống cho giản dị là khó vô cùng. Thế nào là phải? Sống phải cho mình là đã sống phải cho thiên hạ. Làm điều gì đấy không phải với mình thì sao ép người khác phải? Thiên hạ uốn theo chiều gió, gió thổi bốn phương tám hướng thì biết sao được? Bản tính người Việt là hay trông ngóng, nhiều khi quên gốc ở ngay chính tim óc mình. ăn cũng trông nồi trông hướng, nhưng cứ trông mãi mà quên mất ăn thì chết. Cha chung không ai khóc là thế, vì cứ ỷ nhau, ngóng nhau. Nhà này ông không tự lo mà cứ trông vào họ hàng thì cũng sạt nghiệp lâu rồi, đâu mà xây cất được cả dinh cơ như vậy? Thiên hạ làng nước ghét ông, nó thấy ông cứ trần lực, ông cóc cần gì ai cả, ông cứ lầm lũi lạnh lùng xuyên lên như dao xuyên thịt. Nó nói xấu ông. Nếu chúng cứ sống như ông, liệu mặt chúng có nhàu đi như đúm váy rách?
Tổng Cóc thở dài. Đã từ lâu khi ông ra đường ông đều xâu theo vài ba chuỗi tiền Cảnh Hưng vào cạp quần, ông buộc nó cả vào bụng. Ông coi tiền như rác bùn nhưng cũng coi nó như vua chúa. Đồng tiền giúp ông hiểu rõ đời hơn theo cung cách riêng của nó. Hôm ở hội Gióng có bà quận chúa họ Trần nổi tiếng kiêu kỳ, võng lọng nghênh ngang, coi người như rơm rác. Bà đánh bạc thua, sĩ diện muốn gỡ bạc nhưng chẳng có tiền, cũng chẳng dám vay các bậc công hầu. Ông thấy điều đó và giữa đám hội ông thản nhiên di đến ghé vào tai bà nói nhỏ:
– Tâu lạy quận chúa, quận chúa sẽ đủ tiền đánh cho hết hội.
Quận chúa đưa đôi mắt sắc như dao nhìn kỹ Tổng Cóc, rồi kéo ông ra một góc:
– Nếu ông có cho ta vay thì ta cũng chẳng có tiền để trả! Chồng ta là quan thượng thư nhưng chẳng bao giờ cho ta tiền cả.
– Tâu lạy quận chúa, quận chúa có thứ bán được tôi mua.
Quận chúa đỏ mặt, bà im một lát rồi ỡm ờ:
– Thế ông mua gì mà trả thế nào?
– Tâu lạy quận chúa, nụ cười quận chúa đáng tràm quan tiền. Tôi xin trả gấp hai lần số đó.
Đêm đó, Tổng Cóc lần đầu được ngủ với một bà lớn quyền thế nghiêng trời. Cành vàng lá ngọc cũng chẳng khác gì con đỏ. Hôm sau hai người gặp nhau. Quận chúa nửa đùa nửa thật:
– Ta ngủ với ông mà cứ kinh hoàng tưởng như ông hiếp dâm ta!
Tổng Cóc đáp lại quận chúa:
– Tâu lạy quận chúa, việc mua bán đã xong rồi!
Tổng Cóc uống chén rượu nữa. Ông lấy cái tráp sơn đen đựng tiền dùng những ngón tay thô ráp lần từng đồng. Ông chán ghê gớm. Trong cuộc đời mình ông vất vả nhiều, ông đã buôn một bán mười, đã thu tô cấy rẽ, đã toan tính từng nước cờ đời nhưng trong mình vẫn cứ tê tái cảm giác thua cuộc thế nào. Ông thấy trong đời toàn những thằng ác, thằng hèn nhưng lại ranh khôn như cáo. Ông sợ nhất bọn nho giả, sợ đám chiêu ấm và bọn tập tọng văn chương. ở trong cuộc đời, chúng lấy lý đạo dồn ông vào bẫy thiện tâm tín nghĩa, làm cho ông lơi cái sắc cái lạnh vốn có ở ông. Đúng lúc mà ông do dự thì chúng phỗng sạch, đôi khi đã dăm ba lần ông suýt trở nên tay trắng. Sợ thật, ông thấy gai người. Ông mà thất bại, ông mà ăn đất thì chết ráo hết cả nhà. Ông chịu Xuân Hương ở chỗ bà luôn thất bại ở trong cuộc đời mà vẫn thăng bằng, mà vẫn không có cảm giác thua cuộc. Ông ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn. Trong cõi nhân gian, tất cả mọi sự nghiêm chỉnh cũng là khôi hài, nên có cơ hội cần phải cười ngay, thế nhưng không hiểu tại sao ông không cười được.
Tổng Cóc đứng dậy ra trước bàn thờ. Ông hài lòng thấy bàn thờ sạch sẽ. Nải chuối trứng cuốc bày trên đa sơn, một đa hoa trà cạnh bên tinh khiết. Hôm nay mồng Ba tháng Ba. Chắc là Xuân Hương đã dọn bàn thờ từ sáng sớm. Ông nhìn theo hút dải khói mỏng mảnh. Ngoài ngõ bỗng có tiếng mõ vọng vào:

Chiềng làng, chiềng chạ…
Trên ngược dưới xuôi
Làng ta có người
Không chồng mà chửa… ửa…

Tiếng rao rất khó chịu. Chắc cánh hương lý bày trò gọt đầu bôi vôi đĩ Huệ dưới Đoài. Tổng Cóc cau trán nghĩ ngợi rồi chạy ra ngõ:
– ơi mõ! – ông đưa tay vẫy. – Mày đừng rao nữa mà chạy vể bảo Lý Cờ lại đây tao bảo.
Ông đóng sập cửa. Ông biết làng này đố có thằng nào dám dây vào ông. Lý Cờ là hạng đàn em. Tất cả lề luật làng này đều trong tay nó. Nó cho mõ rao trước cửa nhà ông là nó nhằm gì không biết. Đĩ Huệ ngủ hết với cánh đàn anh trong tổng.
Ông thấy thương nó. Dĩ Huệ phải nuôi hai bố mẹ già, mảnh đất cắm dùi không có, nó không bán trôn thì nó lấy gì mà sống.
Ông ra tràng kỷ ngồi đợi Lý Cờ. Ông rót nước trong cái ấm đất nung ủ rơm ra chén chiêu từng ngụm. Nước nụ vối nóng, Xuân Hương đã bỏ vào đôi lát gừng nên có vi thơm là lạ. Rặng vối nhà ông năm nay nhiều nụ, một nửa làng nây rồi sẽ phải mua nụ vối nhà ông. Đây là món tiền dành Tết.
Lý Cờ mặc áo the đen lật đật đi vào, trên tay cầm chiếc roi song. Tổng Cóc cười thầm. Ông bỗng chợt nhớ trò chơi ú òa khi ông còn nhỏ, ông, nấp một chỗ nhìn rõ địch quân hoang mang rón rén lại gần.
– Vào đây! – ông giơ tay vẫy. Không để cho khách ngồi yên ông đã phủ đầu.
– Chú làm việc công mà ngu như chó! Chú cho gọt đầu bôi vôi đĩ Huệ. Ra trước hàng tổng, nó khai hết bọn chú ra thì rồi có đẹp mặt không?
Lý Cờ há miệng, bộ ria mép khẽ động đậy. Tổng Cóc rót nước mời khách, ông nheo mắt nhìn khuôn mặt thẳng đuỗn của hắn, ngạc nhiên nhận ra ở vành tai trái có nốt ruồi đỏ. Cái nốt ruồi này tướng lạ.
– Đây là của các cụ… – Lý Cờ đỡ lấy chén nước. – Không làm thì không giữ được lệ làng… Sợ thiên hạ cười…
Tổng Cóc cười khẩy:
– Chú ngu lắm! Các cụ cũng ngu như chú…
– Vậy ý quan bác thế nào? – Lý Cờ nén giận, mắt hắn lừ lừ nhìn theo bàn tay Tổng Cóc lần lần dưới áo – Quan bác thử nghĩ lại xem…
– Ta không bàn bạc với chú! – Tổng Cóc ném lên mặt bàn mấy chuỗi tiền đồng. – Chú cầm lấy chuỗi tiền này về làm bữa rượu bàn với các cụ! – ông nhìn Lý Cờ, đôi mắt nảy lửa nhưng giọng nói ông dịu lại. – Tha cho nó, cho nó ít tiền rồi bảo nó lấy thằng mõ làm chồng.
Tổng Cóc đứng dậy. Lý Cờ điên ruột nhưng vẫn phải cầm lấy mấy chuỗi tiền đồng giật lui ra cửa.
Tổng Cóc tiễn hắn ra ngoài ngõ. Ông bỗng bắt sang chuyện khác. Ông hỏi Lý Cờ:
– Thóc giống vụ này nhà chú khá không?
Lý Cờ bắt chuyện. Đi đến hết ngõ thì cả hai bên đều đã vui vẻ. Hai người biệt nhau thân tình.
Tổng Cóc lững thững đi vào. Ông nhìn rặng vối hai bên bờ ao thở dài: vụ vối năm nay thế là chỉ đủ số tiền đưa cho Lý Cờ lúc nãy. Ông ngắt một bông hoa nhài đưa lên mũi ngửi rồi nhăn mặt. Ông bước lên bậc thềm nhà. Trên sập gụ, một mâm bánh trôi vừa làm xong bốc nóng. Ông ngơ ngác nhìn xung quanh ngôi từ đường tĩnh lặng để tìm bóng của Xuân Hương…

Một thoáng Xuân Hương II

Nguyễn Huy Thiệp

 

 

clip_image009

tranh Bùi Suối Hoa

Truyện thứ hai

ấm Huy đứng lẫn trong đám chiêu ấm đang tụm ngoài sân công đường. Chàng chán ngấy chuyện khoe khoang nhà cửa, ngựa xe, áo quần của họ. Chốc chốc, vài ba nhóm người trịnh trọng mang câu đối phúng từ cổng đi vào, đàn ông mặc áo the đen, đàn bà mặc áo mớ ba mớ bảy. Chàng nhận ra được rất ít người quen.
ấm Huy sửa lại vành khăn tang trắng trên đầu rồi đi lững thững. Mấy bác lính lệ đang vộí vã bắc thêm rạp. Chiếu hoa trải cả trên hè, trên sân mà vẫn không đủ chỗ ngồi. Mấy bà già đang têm trầu, đống trầu ngồn ngộn đầy mấy tráp sơn. Đằng sau công đường ầm ĩ tiếng lợn kêu. ở giữa công đường, hương khói mờ mịt. Câu đối phúng bằng vải, bằng giấy treo đầy trên cột, trên vách. ấm Huy thấy rất nhiều người đội khăn tang trắng, phải đến gần một chục người vận áo xô gai. Chàng hơi ngạc nhiên, chàng vẫn đi lại thường xuyên với anh họ mình sao không gặp những người này. Chàng biết ông phủ Vĩnh Tường giao du có chọn lọc lắm. Họ hàng đừng hòng nhờ vả gì ông, không làm quan cầu lợi. ấm Huy rất nể anh mình nhưng trong thâm tâm chàng thấy ông cầu kỳ. Chàng trọng Xuân Hựơng vì bà sáng suốt hơn chồng. Bà gieo ở lòng chàng một nỗi kính phục và sợ hãi.
ấm Huy nhìn quanh. Chàng không thích bầu không khí đầy đủ chỉn chu của đám tang này. Chàng đã dự nhiều đám tang người khác, chính việc tang gia bối rối làm chàng thấy yên tâm hơn về người đã chết. Người ta lúng túng, công việc cứ lung tung, thiếu cái này, thừa cái nọ, ai cũng thấy mình làm được, giúp được dẫu rằng có khi chẳng giúp làm gì cho tang chủ cả. Người ta xích lại nhau hơn. Tất cả hướng vào một đích. Họ có thể nói về chuyện mùa màng, công danh, thua lỗ, được bạc, đủ tất cả chuyện thế thái nhân tình nhưng đều hướng về cái chết vô nghĩa hay có nghĩa đang chờ đón họ. Sự hướng nhận ấy vô thức, người chết nằm trong quan tài chỉ là cái cớ gợi ý hướng ấy trong mọi người thôi. ở đây không có điều ấy. ấm Huy ngạc nhiên hiểu rằng dù chàng có mặt hay không có mặt ở đám tang này đều không quan trọng. Thế mà ngoài Xuân Hương ra thì chàng là thân thiết nhất với người đã khuất. Không ai cần chàng. Có lẽ không cần cả Xuân Hương nữa. Tất cả đã sắp xếp rồi. Ai có công việc người nấy. Thời giờ đã được tính toán. Ngay cả tiếng kèn, tiếng. phách của phường bát âm cũng được tính toán, khúc khoan khúc nhặt cho từng người viếng ông phủ Vĩnh Tường. ấm Huy đã biết là Xuân Hương đã giao cho tri huyện Thặng đứng ra làm tang chủ lo toan công việc. Hình thức đám ma chỉ là một chuyện. Có chuyện gì dó liên quan đến cả ông phủ Vĩnh Tường, đến cả Xuân Hương và những người đứng xung quanh đây nữa.
ấm Huy vòng ra sau dinh công đường. Cách đây mấy tháng, ông phủ Vĩnh Tường đã vui Trung Thu với những người quen ở đây. Cột nhà Thủy Tạ vẫn còn vết xém do mấy đứa con của tri huyện Thặng đốt nến. Trong đám quan lại, Thặng thuộc lớp người kỳ cựu có nhiều thâm niên. Thặng không bon chen nhưng lão khét tiếng đục khoét dân lành, cũng lạ, trong hạt của lão không hề xảy ra loạn lạc, kiện cáo như bao huyện khác. Lão coi làm quan chỉ là một nghề. Lão bảo ông phủ Vĩnh Tường:
– Đệ phục quan bác không coi quan trường là nơi kiếm sống. Đệ không làm được – Lão lắc cái đầu múp míp và hổn hển cười – Đệ chỉ ăn no ngủ kỹ, làm tròn bổn phận đối với triều đình. Lính đệ bắt đủ. Thuế đệ nộp đủ. Thằng nào chống lại đệ cùm.
– Nên phải lựa lời thuyết phục dân lành, – ông phủ Vĩnh Tường bảo Thặng. – Dân ta tốt lắm. Bậc cha mẹ dân phải nêu được nghĩa công bằng.
– Đệ có bảo dân xấu đâu… – Thặng cười ha hả. – Đệ chỉ không thích được nghĩa công bằng mâm cơm của đệ với chúng. Quan bác đã nhìn mâm cơm chúng chưa, đệ mà ăn thế đệ chết lâu rồi…
Ông Phủ Vĩnh Tường im lặng. Ông nể mặt Thặng lớn tuổi hơn. Thặng đã giúp ông từ thuở hàn vi, thuở ấy ông chỉ có những hoài bão dự định trong đầu và dăm cuốn sách thánh hiền.
– Dân ta cực khổ. Tôi trông vào đâu cũng thấy xót xa. Phải lấy lý lẽ văn chương và sự công bằng pháp luật hướng đạo dân mình. – ông phủ Vĩnh Tường nói. – Tôi muốn sĩ phu và bậc cha mẹ con dân phải hiểu…
– Đệ chịu khí chí của quan bác vậy, – Thặng cười, – nhưng dân nó ghê gớm lắm, cứ bảo một đằng nó làm một nẻo. Trong hạt của đệ có lão Lý Hồng. Thằng ấy đệ phải phục nó. Đệ bảo gì nó cũng gật nhưng mà về làng nó làm khác cả, nó dùng mình làm ngoáo ộp để nó bóp hầu con đỏ. Dân kêu nó bảo hỏi huyện. Đệ biết đệ phải ngậm tăm, nhiều khi đệ phải học nó xử sự với đời…
– Ông phải cách cổ nó đi mà thay thằng khác – ông phủ Vĩnh Tường bực bội – Luật của triều đình thế còn thể thống cái gì?
– Đệ nghĩ chán rồi! Thay nó thì thằng khác lên cũng thế. Thực ra dân nó chỉ lo làm ăn nó có cần gì chúng ta bày vẽ… Đệ thấy trong hạt của đệ nơi nào mình cứ mặc kệ thì đâu vào đấy, nơi nào mình cứ xăng xái chỉ bảo nọ kia thì loạn…
– Tôi nghe đồn ông hách lắm phải không? – ấm Huy xen vào, chàng biết Thặng cũng là tay sâu mọt nhưng lão cũng có cái thực và sự hào hiệp mà chàng vị nể.
– Hách chứ! – Thặng giơ ngón tay như quả chuối mắn ra trước ấm Huy. – Không hách thì để cho bọn văn chương các chú làm loạn cả à? Văn chương là miếng đất nghịch!
– Dân có nghịch không?
– Không nghịch. – Thặng nói thản nhiên như lão đã từng nghiền ngẫm điều này lâu lắm. – Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả…
Ông phủ Vĩnh Tường lo lắng nhìn Thặng:
– Cách làm của ông không ổn… Các bậc thánh hiền đều lấy nhân trị làm gốc. Phải lo cho đến từng người…
– Đấy là các thánh. – Thặng không chịu thua. – Đệ nghĩ nhân cũng ba bảy đường nhân. Đệ không lo đến thân phận từng người trong hạt của đệ. Không lo được! Người nào có thân thì lo. Đệ chỉ lo việc triều đình, cũng là lo thân của đệ.
– Không ai lo đến thân phận từng người cả à? – ấm Huy hỏi, chàng như ngồi trên đống lửa.
– Đấy là việc của các chú, của chị Xuân Hương. Văn chương mày lo được đấy! – Thặng nháy mắt cười.
ấm Huy chỉ muốn hắt cả chén nước cầm tay vào ngay mặt lão.
– Lũ người bé nhỏ chúng ta không thể coi chốn quan trường là nơi để ta tiến hành cách tân này nọ. – Thặng nói. – Quan trường khóa ta vào trong guồng máy con Tạo xoay vần, ta không thoát nổi miệng túi càn khôn đã định….
– Chí của tôi khác… – ông phủ Vĩnh Tường nhiêm nghị. – Quan trường là nơi tôi muốn sử dụng…
– Đệ hiểu quan bác muốn nói gì rồi. – Thặng cười. – Quan trường nó sử dụng bác thì có… Đệ không muốn nói nữa đâu! Đệ biết quan bác và chú Huy đây khinh đệ, chữ nghĩa đệ nông cạn đệ nói thế thôi. – Thặng quay lại chỗ Xuân Hương đang ngồi với lũ trẻ con nhà lão. Nàng đang kể chuyện gì đó và lũ trẻ con cười như nắc nẻ. Lão đứng nhìn mấy đứa con thích thú.
ánh trăng vằng vặc lộng lẫy lạ lùng. Lão bỗng quay lại chỉ ra ngoài trời vẫy gọi ấm Huy:
– Chú hãy lại đây… Tất cả những trò bàn luận của chúng ta đều vô nghĩa hết. Thiên nhiên không hề dối trá!
ấm Huy đi lại cúi dầu chào chị dâu mình.
– Chị vốn công bằng. – Thặng bảo Xuân Hương. – Chú ấm Huy đây lúc nãy còn muốn gây sự với đệ. Chị bảo đệ đúng hay đệ sai?
– Đừng hỏi chị ấy, – ấm Huy xen ngang câu hỏi, chàng rất trọng chị dâu và không muốn Thặng đẩy bà vào cuộc. – ông đúng một cách khốn kiếp, thế thôi. Tôi cũng công bằng lắm đấy.
– Thế ông anh họ của chú sai à?
ấm Huy dỏ mặt, máu chàng rần rật trong người. Chàng nuốt nước bọt. Chú tinh tế lắm. – Thặng cười ha hả. – Tôi xin báo trước cho chú: tất cả mọi sự thanh cao hoang tưởng vẫn chết trong cõi dung tục như thường!
– Điều ấy vẫn thế, – Xuân Hương tham gia câu chuyện. – Tôi không ngờ ông tri huyện tiên tri cho cả cuộc thế thời nay điều ấy.
ấm Huy bỗng nhăn mặt lại, chàng thấy nhói ở nơi tim, chàng vẫn văng vẳng lời của Xuân Hương hôm ấy. Đám tang hôm nay tựa như minh chứng cho sự phũ phàng của vòng luân thế. Ông phủ Vĩnh Tường ôm bao dự định tốt lành mà không làm được. Chàng bỗng thấy thương ông quá. Chàng hiểu ra rằng từ đây Xuân Hương sẽ lại bắt đầu chặng đường cay đắng, bao nhiêu là ngọn gió hàn sẽ thốc thổi vào lòng bà. Anh ấy cũng là bé nhỏ với bà nhưng dù bé nhỏ cũng lấp được nỗi cô đơn ít nhiều nào đấy.
ấm Huy sửa áo rồi lại đi về trước dinh công đường. Trước sân công đường chật ních người. Chàng len vào chỗ mấy người đào huyệt đang kể lể gì với tri huyện Thặng:
– Chúng con đào đến ba lần mới được. Lần đầu đào đến nửa chừng thì “cộc”: đụng phải tiểu của người khác. Chúng con đào sang chỗ khác thì lại “thụt”: mai thuổng cứ như đào vào chỗ trống. Hóa ra tổ mối… Chúng con phải sang đến chỗ thứ ba mới được, quan bảo thế có kỳ lạ hay không?
– Thiên di đấy! Thiên di! – Tri huyện Thặng gật đầu. – Không sao cả đâu, thiên di không độc. Bảo với mọi người là không sao cả. Linh hồn ông phủ Vĩnh Tường vẫn còn muốn sống…
Lão chen ra ngoài, người lão chạm vào ấm Huy.
– Này chú, chú đi đâu đấy? Chuẩn bị đưa ma ra đồng rồi đấy! Đầu giờ Mùi rồi! – Lão kéo ấm Huy ra một góc vắng.
– Chú coi chừng chị Xuân Hương! – Lão lấy tay áo lau mồ hôi trán. Lão thở phì phì, ghé cả cái miệng hôi hám vào mặt ấm Huy. – Mấy quan trên xuống mà bọn khóc thuê và bọn mặc áo xô gai đòi giả thêm tiền.
ấm Huy tái mặt, tay chàng bấu chặt vào tay của lão:
– Sao khốn nạn thế. Họ hàng bà con dâu cả?
Tri huyện Thặng cáu, lão rít nho nhỏ vào tai của chàng:
– Chú ngu như chó! Ông ấy có cho bà con họ hàng nhờ vả gì đâu… Ông ấy làm quan nên coi mình là người thiên hạ… Trách nhiệm đám tang hôm nay là của triều dình… – Thặng giằng tay ra giận dữ. – Chú cứ mặc tôi! Chị Xuân Hương giao thì tôi lo hết. Tôi có cách xử của tôi. Đáng ra hay chữ như chú thì phải đứng ghi xem chúng nó phúng viếng thế nào, thằng nào phúng sót thì chú bảo tôi. Đằng này chú cứ như người ngoài cuộc… Tôi không nể ehị Xuân Hương quý chú thì tôi cho lính nó cùm chú lại…
ấm Huy bỗng trào nước mắt. Chàng khóc hu hu. Mọi người xung quanh kinh ngạc nhìn chàng. Tiếng thanh la bỗng vang lên báo hiệu chuẩn bị đưa ma ra đồng, những hàng cờ phướn bắt đầu xếp thành từng hàng ngoài cổng. Ai đó gạt ấm Huy ra nhưng chàng vội vã chen lên phía chiếc quan tài sơn son. Chàng cố chạm vào nâng quan tài len cùng với bao nhiêu bàn tay khác nữa. Chàng hiểu đây là cơ hội duy nhất trong đời chàng không bỏ được. Đây là trách nhiệm bổn phận của chàng. Chàng hiểu cả tri huyện Thặng, cả chàng, cả ngay ông phủ Vĩnh Tường cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON NGườI: nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc, đang nức nở khóc cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời…

Một thoáng Xuân Hương III

Nguyễn Huy Thiệp

 

clip_image011

 

 

tranh Bùi Suối Hoa

 

Truyện thứ ba

Khi đạo diễn giao cho anh sắm vai Chiêu Hổ trong bộ phim viết về Hồ Xuân Hương, quả thật anh bối rối vô cùng. Anh hiểu khó khăn của nghệ thuật. Nghệ thuật đòi hỏi dốc lòng, sự trung thực và nhiều thứ khác. Anh được trang bị đến đâu, thực ra anhũng mơ hồ.
Việc giao cho anh sắm vai Chiêu Hổ đơn giản như một trò đùa, một trò đùa ác. Anh hỏi đạo diễn:
– Anh giao cho tôi đóng vai Chiêu Hổ vì lý do gì?
– Cậu là thi sĩ. – Đạo diễn trả lời. – Một thi sĩ trẻ có tài. Cậu hiểu vai trò của cậu.
– Thôi đi… – Anh nhăn nhó nói. – Thơ tôi nào có ra gì?
– Ban đầu đa số đều thế.
– Vì lý do khác phải không? – Anh cố gặng hỏi để cho ra nhẽ.
– ừ – Đạo diễn trả lời. – Cậu có dáng dấp một thằng trai điếm. Phụ nữ mê cậu. Trong phim có cảnh Chiêu Hổ bóp vú các cô thôn nữ, cậu vào vai ấy tuyệt vời.
Anh tái mặt, cổ họng tắc nghẹn. Đạo diễn bỏ đỉ lát sau quay lại cầm tập bản thảo và tờ công lệnh.
– Các cụ ngày xưa cũng du côn lắm… Ra chỗ tài vụ lĩnh tiền rồi về nông thôn mà nghỉ. Cậu được ba tháng chuẩn bị để quay chính thức.
Ba tháng trôi qua… Ngày mai anh sẽ trở về thành phố. Anh thấy dứt khoát mình không sắm nổi vai này. Anh đã thuộc làu kịch bản, một kịch bản khốn nạn, văn không ra văn, chữ không ra chữ. Anh thấy xót xa. Hình ảnh trong phim Xuân Hương nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố nhăng. Người ta đắp điếm cho nhiều nhân vật những thứ tư tưởng cao siêu đáng ngờ. Đối thoại đầy rẫy ngôn ngữ hoa mỹ. Diễn viên rất đẹp. Cảnh quay rất khéo. Anh biết chắc chắn sẽ có nhiều đoạn thành công. Cảnh hội làng… Cảnh đám ma… Có khi cả cảnh Xuân Hương “sáng tác”… Một thứ hiện thực huyền ảo mung lung.
Anh đi men theo bờ đê, nhìn xuống dòng sông. Bất chợt, anh thấy một con thuyền nhỏ đậu ở ven bờ. Một thiếu phụ hì hục vác những bao tải nặng từ bến xuống thuyền. Sắc chiều mùa đông xám nhạt.
– Tôi muốn giúp chị được không? – Anh bước lại gần con thuyền. Thiếu phụ ngẩng lên nhìn anh. Anh bỗng sững sờ vì vẻ dẹp lôi cuốn của chị. Vẻ đẹp tự nhiên, không ra ngây thơ, không ra từng trải.
Anh xốc bao tải lên vai và nhận ra bao chứa đầy ngô hột. Tất cả chừng độ chục bao. Cả hai không nói năng gì. Anh cẩn thận bước trên tấm ván chông chênh và cố gắng giữ để không thở dốc. Đến bao cuối cùng, anh vấp vào mạn thuyền gỗ làm cho bao ngô tung tóe, tấm ván bắc cầu trượt xuống làm anh ngã ướt nửa người.
Thiếu phụ bật cười.
– Không hề gì. – Anh trèo vào thuyền cố nén cơn đau. – Chị về đâu đấy?
– Tôi về ưới bến Tầm Xuân.
– Cho tôiđi nhờ thuyền với nhé…
– Anh ngồi xuống đi. Cứ để ngô đấy cho tôi. Ngô mua cho lợn, có bẩn một chút cũng chẳng hề gì.
Thiếu phụ ngồi ở mũi thuyền, khéo léo điều khiển con thuyền trôi theo dòng nước.
Phía bên bờ đê, một đàn chim sẻ bay ào xuống sát mặt sông, qua ngay trên dầu của họ. Họ ngồi như thế một lúc khá lâu, chỉ nghe thấy tiếng mái chèo khè khẽ. Anh rút một điếu thuốc lá rồi châm lửa hút.
– Chị nghĩ gì thế? – Anh hỏi và thoáng nhìn vào đôi mắt xa xăm của thiếu phụ.
– Anh không phải là người ở đây phải không?
– Tại sao chị biết?
– Trông cách ăn mặc… cách anh vác ngô thì biết.
– Chắc buồn cười ghê lắm phải không?
– Không phải người quen lao động…
Thiếu phụ lặng im vẻ như biết hối vì lời nhận xét không đâu. Anh hơi mỉm cười. “Đôi mắt thật đẹp” Anh nghĩ.
– Anh là thầy giáo phải không?
Cuối cùng sự tò mò đã thắng. – Anh lại nghĩ tiếp: Đôi môi thật đẹp… Cái cổ cũng đẹp…
– Đại để thế… ở đây thích thật. Sông nước sao mà tuyệt thế.
– Cũng bình thường thôi!
– Tại chị quen đấy. Tôi thì tôi thấy cảnh đẹp tuyệt vời. Chị mua ngô về cho gia đình à?
– Cho trại lợn. Tôi ở trại lợn.
– Công việc chắc buồn phải không?
– Sao lại buồn? Tôi chẳng thấy buồn gì cả.
“ừ tại sao công việc lại buồn? Công việc chỉ cần kết quả. Vui buồn với nó thảy đều vô nghĩa”. Chị có chồng chưa? – Anh đột ngột hỏi.
– Anh thử đoán xem.
– Có! – Anh lưỡng lự. – Không… Chắc là chưa có. Chị hăm tám tuổi phải không?
– Tết này tôi băm hai đấy. – Thiếu phụ nheo mắt và lắc mái tóc. Anh lặng người đi vì vẻ nữ tính giản dị ở cử chỉ ấy. Một sợi tóc mai vương trên đôi môi se khô.
– Tại sao anh nghĩ là tôi chưa chồng?
Nếu chị có chồng thì chồng chị không hiểu chị. – Anh cười nhợt nhạt và cảm thấy đầu gối nhói đau. – Chồng chị là người nông cạn. Anh ấy chỉ tính toán thôi… Có lần anh ấy sắm cho chị cái áo mặc rét thì là áo cũ… Thế là tan vỡ… Chị ra trại lợn và ở một mình trong một căn buồng tập thể có tám mét vuông…
Thiếu phụ cười gượng và tái mặt đi. Cái chỗ chân đau buốt lạ. Anh vén ống quần và hoảng hốt thấy đầu gối tím ngắt và ri rỉ máu.
– Anh sao thế?
– Đau…!
– Ôi trời! – Thiếu phụ gác chèo và lại chỗ anh. – Chết thật! Khéo què thì khốn.
Thiếu phụ lôi dưới gầm thuyền ra chai dầu hỏa.
– Anh đổ vào đấy rồi bóp cho nó tan ra.
Anh nghe theo, lúng túng làm đổ gần hết chai dầu.
– Không phải thế! – Thiếu phụ bực mình cầm lấy chai dầu đổ từng tí một lên đầu gối anh rồi xoa khe khẽ.
Anh nín thở. Anh nhìn chăm chú vào cái lọn tóc loăn xoăn nơi cổ thiếu phụ rồi thở hắt ra. Anh hơi chạm tay vào bên bờ cổ thiếu phụ nơi có sợi gân nổi lên giần giật. Anh cảm thấy được hơi âm lan ra từ đấy và khẽ rùng mình.
– Có đỡ không? – Thiếu phụ hỏi.
– Đỡ lắm…
Một con ong nhặng không biết từ đâu cứ thế bất động bay trước mặt anh. Không dằn lòng được, anh đưa tay vuốt từ cái ngấn cổ trắng ngần xuống lưng thiếu phụ, cảm thấy gờ chíếc áo lót dưới lần vải mỏng. Thiếu phụ oằn lưng nhìn thẳng vào anh. Đôi mắt lạnh lùng giận dữ. Anh đỏ mặt. Chị vùng đứng dậy ra chỗ đầu thuyền và gò mái chèo để cho con thuyền khỏi trôi ra giữa tim sông.
Họ ngồi yên lậng. Sóng vỗ ở bên mạn thuyền đều đều gây nên cảm giác xa vắng.
– Tôi xin lỗi… – Cuối cùng anh lúng túng nói, mắt nhìn vào bàn tay mình như thể nhận ra ở đấy một vật quái dị ở đâu gắn vào. – Tôi ngu xuẩn quá…
Anh nhìn ra phía bờ sông bên lở. ở đấy có một vạt đất vừa mới sụt xuống rào rào.
– Tôi xin lỗi chị. Tôi đã cư xử thật tồi.
Thiếu phụ hướng mắt nhìn phía bờ sông bên bồi. – Thôi đi… Đàn ông các anh ai mà chẳng thế! Anh giúp tôi mấy bao ngô rồi đòi trả ơn… Đàn ông các anh thế hết.
Anh thấy cổ mình dắng ngắt. Một nỗi tê tái lan truyền ở toàn cơ thể. ở phía chân trời có một cánh vạc đơn lẻ bay về. Họ lại lặng im. Lát sau anh ngượng ngập hỏi:
– Chị không giận chứ?
– Hơi đâu mà giận! – Thiếu phụ trả lời, khóe môi mím lại, đôi mắt nhìn anh không hề khoan nhượng.
– Đàn ông chúng tôi đều đốn mạt hết! – Anh buồn rầu nói rồi bỗng cáu lên. – Chị không tha thứ thì mặc kệ chị! Chúng ta là gì ở thế gian này? Trước sau thì tôi cũng chết! Chị cũng chết! Đàn lợn của chị cũng đều chết ráo!
– Anh buồn cười thật. – Cuối cùng thiếu phụ bắt đầu vui lại. – Lúc nãy anh bảo tôi ở một mình trong phòng tập thể có tám mét vuông là vì sao thế?
– Vì sao ư? Vì chị là người đàn bà rất tốt. – Anh nói hơi thiếu tự tin. – Đàn ông không chịu nổi những người bà rất tốt, tâm hồn của người đàn bà phải hơi nhom nhem thì mới sống được. Bao giờ cũng thế. Khi người đàn ông bất lực, thấy những kẻ khác to lớn hơn mình thì họ gây sự, thế thôi.
Thiếu phụ khe khẽ thở dài.
– Chị có tin lời tôi nói hay không?
– Không! – Thiếu phụ lắc đầu. – Đàn ông các anh như trẻ con cả! Cũng giống hệt như đàn lợn của tôi. Khi nào được ăn thì phởn… Cả hai cười phá lên. Dòng sông êm ả tuyệt vời.
– Được trò chuyện với chị thật thích! – Anh thành thực nói. – Chị không giận chứ? Thật tôi ân. hận quá chừng…
– Không. – Thiếu phụ trả lời. – Chúng tôi quen rồi. “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu…
Anh nhìn đăm đăm vào những xoáy nước hút bên mạn thuyền rồi nói:
– Cuộc sống thật buồn. Nhưng nó giản dị vầ đẹp Chị thấy thế không?
– Thỉnh thoảng, – thiếu phụ trả lời.
– Được gặp những người đàn bà như chị thật thích. Tất cả đàn ông chúng tôi đều muốn sống mãi, chúng tôi đều sẽ tốt lên.
– Anh nói khéo lắm! – Thiếu phụ cười khẽ, âm thanh giọng cười quyến rũ. – Thế sao lúc nãy anh bảo nếu tôi có chồng thì chồng tôi sẽ gây sự với tôi?
– Anh ấy sẽ gây sự… – Anh nói sôi nổi và dầy thuyết phục. – Chắc chắn thế! Anh ấy sẽ đau khổ. Anh ấy sẽ sa ngã, sẽ dánh bạc, sẽ nghiện ngập… Anh ấy đuổi theo những người đàn bà không đáng bằng cái gấu quần của chị. Anh ấy thân tàn ma dại! Cái thằng chó ấy! Nó không biết rằng khi nó mất chị thì nó mất cả cuộc đời!
Thiếu phụ hoảng hốt nhìn anh rồi bật òa khóc. Anh sợ hãi. Anh nhìn chăm chú vào khuôn mặt đầy nước mắt của thiếu phụ rồi chậm rãi nói:
– Rồi chị sẽ tha thứ… Phải không… Rồi chị sẽ tha thứ… Mặc dầu chị biết điều ấy cay đắng vô cùng… Anh khẽ thở dài rồi thử cử động cái chân. Cái chân không còn đau nữa.
– Anh thật tốt quả… – Lát sau chị nói khẽ.
– Sắp đến bến rồi…
“Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất! – Anh cay đắng nghĩ. – Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc dời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại làm gì?”
– Chị tên là gì? – Anh đột ngột hỏi. – Tôi muốn đến thăm liệu có được không? Tìm chị ở đâu?
– Tôi là Hương. Tôi cặp thuyền vào để anh lên nhé. Tôi phải đưa thuyền vào dưới kênh đào.
Anh gật đầu. Nỗi buồn tràn ngập lòng anh.
– Chị Hương này! – anh nói khi bước lên bờ. – Ngày xưa có một nữ sĩ tên là Hương đấy. Chị có biết không?
– Có! – Thiếu phụ gật đầu và vẻ hân hoan ngập tràn trong nắng chiều. – Thế đến bao giờ anh lại thăm tôi?
Anh bước lên bờ mà chẳng trả lời. “Không. Tôi chẳng bao giờ đến thăm chị cả. – Anh cay đắng nghĩ. – Nếu thế thì rồi mọi việc sẽ nghiêm trọng mất. Tất cả những gì nghiêm trọng dành cho người khác. Tôi là nhà thơ, tôi cũng đòi một chút quyền… Anh bước một mạch lên trên mặt đê mà không ngoảnh lại. Ngày mai anh về thành phố và sẽ bước vào trường quay trong vai Chiêu Hổ. Có tiếng ai gọi vang trên mặt sông nghe rất xa vời, anh chỉ nghe rõ tiếng “ơi”.
Anh dừng lại, chụm tay hướng xuống dòng sông và cũng trả lời hết sức nồng nhiệt.
– ơ.. ơi!
Anh vừa thu được và vừa đánh mất một buổi chiều rồi. Có hề gì đâu? Thời gian thật là hào phóng. Nhưng mà hãy vì sự hào phóng ấy ta phải sống cho nhanh lên, có ích.
Với cuộc đời này. Không chờ gì cả. Có lẽ ngày xưa chính là Xuân Hương sống thế.

Bài Mới Nhất
Search