T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Hoàng Anh Tuấn

clip_image001

Tiểu sử

Sinh ngày 7.5.1932 tại Hà Nội. Mất ngày 1.9.2006 tại San Jose, California.

Tác phẩm

Yêu em, Hà Nội – Về Province (Tập thơ) – Ly nước lọc (kịch)

 

 

 

Tháng giêng cuối cùng bên bố

Thu Thuyền

(Nhà văn Thu Thuyền là

con gái Hoàng Anh Tuấn)

Ðinh! Ðinh! Tiếng động quen thuộc vang lên, đánh thức từng tế bào háo hức trong tôi. Không cần chờ phi hành đoàn cho phép, tôi mở khoá thắt lưng an toàn và nhanh nhẹn lách ra khỏi chỗ ngồi. Ai cũng muốn ra trạm hành lý trước nhưng tôi là người đầu tiên lái xe ra khỏi phi trường. Ðơn giản: Tôi chỉ có bộ quần áo trên người và một túi quà Tết trong tay! Phi trường San José gần chỗ của bố lắm. Chao ơi là nôn nao! Còn có 15 phút là gặp được bố. Không ngờ tôi lại đi lạc! Phải đánh xe mấy chục vòng quẹo chữ U, đến hơn một tiếng, tôi mới trờ tới bãi đậu xe của viện dưỡng lão kiêm dưỡng đường Mission de la Casa.

Ðáng lẽ tôi chẳng đi gặp bố vào dịp Tết Bính Tuất nếu anh tôi không bận công việc. Nghe tin anh hủy chuyến thăm, tôi vội lấy vé đi sáng, về chiều ngay hôm Chủ Nhật Mồng Một Tết. Tôi cũng bị công việc quấn lấy chân chỉ thăm bố được vài tiếng dù rất muốn ở lại San José thêm ngày Mồng Hai. Bình thường, tôi khá lề mề. Không thăm bố chuyến Tết thì sẽ có chuyến mừng sinh nhật vào tháng Năm. Việc gì phải toáy lên? Không hiểu sao tôi lại cứng đầu khăng khăng quyết định: Tết năm nay ít nhất phải có một đứa đến mừng tuổi bố. Giá nào cũng đi. Chồng biết tánh, không cản tôi một câu.

Tôi đã dặn cả nhà đừng nói cho bố hay về chuyến đi của tôi, thế mà khi vào đại sảnh của Mission de la Casa, đã thấy bố ngồi chờ trên xe lăn. Mắt bố hướng về cửa chính, trên người khoác chiếc áo len xanh dương sọc trắng của tôi gửi biếu tháng trước. Tôi reo toáng lên: “Bố!” Ðôi mắt bố lấp lánh. Cả khuôn mặt bố rạng rỡ. Sau này tôi vẫn nói với chồng, nhìn bố lúc ấy, thật không bõ công bay xa, đi lạc! Tôi ôm chầm lấy bố, liếng thoắng kể chuyện lái xe loanh quanh mãi không ra được xa lộ, tả cho bố nghe phố xá tràn ngập người mua sắm, đi chùa hái lộc đầu năm.

Vừa nói, vừa đẩy xe đưa bố về phòng. Trong phòng, tôi lại rối rít móc túi trên túi dưới lấy quà cáp, tiền mừng tuổi của cả nhà tặng. Quấn tay con khỉ nhồi bông, cháu Hiu Hiu biếu ông ngoại, vào thành giường. Hí hoáy nhét những tờ hai mươi đô vào cuốn sách thánh kinh để bố có tiền tiêu vặt. Dúi mấy cuộn 25 xu vào một cái gối ôm, xếp ngay ngắn dưới chân giường. Vừa làm, vừa hỏi lung tung. “Bố có thích cà phê Lee’s Sandwich không, con ra mua về?” “OK” “Bố ăn chuối chiên, con mua luôn một thể!” “Ừ!” “Mua thêm bơ với thịt nguội bố con mình nhâm nhi với rượu vang không bố?” “Con để bạc cắc trong đây, lúc mua báo bố chỉ việc khều ra!” “OK!” “Ðừng quên nhé!” “Ừ…” “Có sợ nhân viện họ dọn phòng, dọn cả tiền ra không?” “Không”.

Những giây phút mới gặp, bố tôi dường như còn bị choáng, cứ trả lời từng nhát một. Tôi thì muôn đời bắng nhắng. Hỏi chưa nghe ra câu trả lời đã bắc sang câu kế, chưa kịp biết bố có đồng ý đã nhảy ngay ra Lee’s Sandwich đem về lũ khũ cà phê sữa đá, chuối chiên, pâté, bánh giò… Một ít xếp vào tủ lạnh. Còn lại, bày đầy ra bàn. Hai bố con nhìn “mâm cỗ Tết”, không biết phải bắt đầu bằng món gì trước, chợt có bà cụ lăn xe ngang phòng 128 của bố, thấy nhộn nhịp, dừng mắt lại vài giây: “Con ông Tuấn về chúc Tết đấy à?” Bố tôi vênh vang gật đầu như thầm nói, “Tôi bảnh chưa? Con ở mãi tận Texas lặn lội về đây thăm đấy!” Bà cụ chặc lưỡi: “Con gái tôi hôm nay bận không thăm được nhưng hôm qua có tới đưa gói mứt, để tôi về phòng đem qua đây ăn cho vui”. Nhưng bố tôi cản nhanh: “Thôi bà ạ. Cháu nó sắp đưa tôi ra ngoài rồi!” Nhìn gương mặt phúc hậu của cụ bà chùng xuống, tôi thấy thắt cả ruột!

Vừa lúc ấy, cô Trâm, tri kỷ của bố, tới. Bố phán ngay, “Em đưa hai bố con về nhà!” Tôi chưng hửng nhìn cô Trâm rồi quay lại nhìn bố “Nhà… cái gì?” Bố không đáp chỉ tủm tỉm. Cô Trâm ríu rít khoe: “Nghe tin cháu sang thăm, bố hành cô quá chừng. Bắt cô sửa soạn nhà cửa cho tươm tất, trang hoàng thật rực rờ để cùng đón Xuân. Bố ngang lắm cháu ạ! Có phòng ở Mission de la Casa mà nhất định đòi phải mướn nhà ở ngoài thêm để lâu lâu buồn, còn nhảy dù ra ngoài ở cho vui…”

Thế là cả ba ra văn phòng ký giấy tờ rời viện, lên xe “về nhà”!

Nhà bố là một căn hộ trong khu chung cư khá gần Mission de la Casa. Mở cửa vào là một rừng hoa. Hồi xưa ở Ðàlạt, mỗi năm Tết đến, mẹ đều cắm một cành đào thật to trong cái thống lớn giữa nhà, cành đào khúc khuỷu rêu bám bạc nhiều chỗ nhưng rộ những hoa và có rất nhiều nụ xinh lấm tấm. Bây giờ không biết cô Trâm thỉnh tận đâu được một cành đào cũng chi chít những cánh hoa. Lại có cả bình hồng nhung đó thắm trên bàn ăn và hai chậu cúc đại đóa vàng rực trong phòng khách. Cô Trâm còn than, Năm nay cô mua hụt giò Thủy Tiên 60 đô. Tiếc ghê! Tôi nghe giá Thủy Tiên, phát khớp ngang! Bố không giàu nhưng tiêu xài khá mạnh tay. Ðối với tôi, bánh trái có lý cho bao tử hơn hoa nhưng đối với bố và cô Trâm, hoa là những món ăn tinh thần không thể thiếu. Biết tính bố, mỗi lần về thăm, chị tôi vẫn ra mua mấy chậu thổ lan chưng trong phòng bố. Vừa có hoa đẹp, lại giữ được vài tuần chứ ở trong viện, họ để hệ thống sưởi quá nóng, chỉ hai ngày là hoa nào trong bình cũng gục hết!

Trong lúc cô Trâm dắt tôi đi xem nhà, bố ngồi trong phòng khách, ngả lưng lim dim mơ màng. Nếu có thêm điếu thuốc trên tay, bố sẽ giống hệt như hồi xưa, lúc đang sáng tác. Tôi để ý bố ít nói hẳn. Chỉ có cô Trâm và tôi đàm đạo vang nhà. Cô Trâm kể tội bố chướng, không chịu cho ai tắm ngoài cô. Lại hay cáu giận hờn lẫy, nói hớ một câu là không xong với bố. Ngày nào thăm bố trễ là những lời trách móc rót vào đầy tai cô… Tôi bênh, Bố thích nhõng nhẽo lại được cô chiều, tội gì không đòi quyền sống chứ! Nói xong liếc xéo ra phía bố, thấy người rung đùi khoan khoái. Lâu lâu tôi quay lại hỏi bố một câu nhưng người chỉ ừ hử. Ít ra lúc này, tôi bắt được hình ảnh bố rất hạnh phúc.

Tôi lấy quà Tết ra biếu Cô Trâm. Cô mở hộp, thích thú nhìn chiếc khăn quàng cổ bằng len trắng. Tôi khoe: “Cháu đan đấy. Bận quá đan vội, thể nào cũng sót vài mũi cô ạ!” Bố không nhịn được, cắt lời/nịnh: “Cô Trâm là vua đan áo.” Cô Trâm thích chí cười khanh khách. Ðến lúc cô mở thiệp, thấy tiền mừng tuổi rơi lả tả, cô giật mình, Ối giời! Có cả “nhân” nữa à? Tôi vội nói, Vâng! “Nhân” là quà của cả nhà gửi ạ. Cô Trâm bảo ngay: Cô tính đánh cho bố sợi dây vàng 24K để bố đeo ngọc cẩm thạch cho giảm đau. Vậy là ngày mai cô có thể ra tiệm vàng rồi. Tôi chả tin các loại mẹo vặt giảm đau mau lành. Nhất là vàng bạc đeo lúc này chả tiện, dưỡng đường bao nhiêu kẻ ra người vào… Ðịnh cản cô Trâm nhưng thấy bố đang phởn râu sung sướng, tôi bèn im!

Ngồi một lát, bố muốn đi ăn bún riêu. Thế là cả ba lên xe. Chạy chưa được bao xa, cô Trâm đề nghị kiếm chỗ đậu để đi bộ vì đường kẹt như hũ nút. Tôi đồng ý ngay. Ði thoăn thoắt một quãng, tôi quay lại thấy bố chống gậy dò dẫm từng bước. Tôi giận cho cái tánh vô ý của mình quá, đi đâu cũng xăm xăm phía trước. Tôi vội quay trở lại, ôm cánh tay bố, rảo bước nhìn người qua kẻ lại. Thong dong thế này kể ra cũng sướng nếu có thì giờ!

Lúc tô bún riêu nghi ngút khói xuất hiện, tôi so đũa, tấn công tô bún không thương tiếc. Nhìn qua bố, từng gắp run run đưa lên miệng. Sợi rơi xuống tô, sợi sa vào người. Bố yếu quá rồi, tôi chợt thở dài. Ngày xưa, ôi chao, ngày xưa bố ăn như rồng cuốn. Bố xì xụp nước lèo, bố gặm xíu quách rồn rột. Soạt một lát là bát phở, bát bún hết nhẵn. Mẹ vẫn gắt lên vì bố ăn uống ồn ào trông bình dân quá. Bố bảo muốn ngon miệng thì khi ăn phải co hai chân, bưng bát và, húp, liếm môi, đánh lưỡi chóp chép cho rõ tiếng mới khoái khẩu. Nể mẹ nên phải kiểu cách thôi. Bây giờ, ôi chao, bây giờ bố ăn sao quá chậm rãi, nhai nuốt trệu trạo. Tôi buông đũa, lại thở dài…

Chỉ mới năm trước, hai anh em tôi về thăm bố, thấy người vẫn khôi tráng. Hai anh em bước vào phòng lúc bố vừa xong bữa sáng. Chúng tôi hơi thất vọng, tưởng bố sẽ chê những món quà vặt mới đem tới. Thế mà bố vẫn chén ngon lành. Cao hứng, tôi lôi cả mấy chai rượu vang con con ra mời nhưng anh tôi cản lại vì “còn sớm” (thật ra anh sợ rượu làm bố chưa trị xong ung thư, đổ thêm bệnh tim!). Tôi ỉu xìu, thấy bố cũng ỉu xìu. Biết anh có ý tốt nên tôi không cãi, lẳng lặng xếp chai qua một bên nhưng định bụng chờ anh quay lưng, tôi sẽ cùng bố cụng ly.

Tiếc thay tôi ham nghe bố kể chuyện, quên cả chai rượu vang đang chờ (sau này anh tôi thú nhận đã quẳng rượu vào thùng rác khi tôi quay lưng đi!). Bố kể miên man về từng ông bạn cùng phòng. Có ông bị bán thân bất toại, cực kỳ gàn dở khó tính. Lúc nào cũng gắt hơn mắm. Vợ con đến thăm phát điên đầu về những lời than vãn, nhiếc móc. Còn các cô nhân viên thì khổ “như chó” với ông này: “Các con có biết, ông già đó ác đến độ vừa tắm rửa xong, y tá bê lên giường nằm chưa được một giây đã nghiêng người bĩnh cho một bãi be bét rồi quay ra nằm ngửa. Bẩn từ lưng xuống đùi!” Anh em tôi khiếp hãi hét lên làm bố tôi cười sặc sụa. Bố còn khoe tiếp: “Có hôm ông ấy lảm nhảm chửi bới mấy cô dọn phòng, bố tức không cầm được, quay lại chỉ mặt quát cho một trận, rung cả cửa kính: “Chính mày mới là thằng khốn nạn, làm khổ vợ con, làm khổ nhân viên. Bây giờ còn làm khổ tai tao!” Chúng tôi lăn ra cười. Bố tôi đắc thắng khoe, Từ đó “ông nội gia trưởng” ấy tởn luôn.

Vừa lúc ấy, ông bạn cùng phòng của bố được đẩy vào. Tôi hỏi khẽ, Có phải bác này là vua Bĩnh không bố? Bố tôi cười ha hả. Không đâu con, ông ấy đi đứt rồi! Tôi ôm miệng để khỏi la hoảng. Thôi bố ơi, chết rồi thì để người ta yên. Bố tôi không nói về bác Bĩnh nữa thì quay qua nói về bác Nghịch: Bác Nghịch thích bấm chuông kêu y tá, đến lúc họ vào, bác tỏ vẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Bố kể: “Có hôm bác rên rỉ nhờ bố bấm chuông dùm. Bố bấm xong, y tá vào. Bố chỉ qua bác ấy, bác lại chỉ qua bố kêu, Ông bấm sao lại chỉ tôi!”

Toàn những chuyện vặt vãnh vây quanh các vị bô lão của viện, bố tôi kể không biết mệt. Tôi trầm trồ khuyên bố ghi xuống. Bố cũng đồng ý đấy là những chuyện hi hữu đáng viết, nhưng người than mệt mỏi quá không tập trung tinh thần được. “Nhất là hôm nào nghe gõ mõ tụng kinh ở phòng kế cận, hôm ấy mất mẹ nó vài tuổi thọ!” Tôi bốc: “Ở đây có lẽ bố là khỏe mạnh, trẻ trung nhất. Còn lâu mới tới phiên bố!” Bố gật gù. Rõ ràng là người còn ham sống, còn nhiều sân si lắm. Tôi hy vọng bố ít nói chỉ vì xúc động khi thấy con cái tới thăm vào dịp Tết chứ chẳng phải bố mệt mỏi muốn bỏ cuộc.

Không ngờ bố từ chức Thợ Ðấu vào mùa Thu 2006, hết còn dịp xông đất và chia sẻ không khí Tết ở “nhà” với con cái nữa. Hy vọng hành lý bố nhẹ, ra đi dễ dàng. Còn tôi, từ hôm đến nhà cùng bố mừng Xuân, được nhìn thấy màu hạnh phúc bừng lên khuôn mặt bố, lòng tôi cũng thanh thản vô cùng…

01/ 26/2010

Yêu Em, Hà-nội

Tôi đọc tài liệu sự lãng mạn của nhà thơ Boris Pasternak, ông làm thơ và viết văn, ông có ngừời tình Olga Ivinskaya, vốn là cô thư ký của ông. Trong tình yêu đó ông đưa người tình này vào tác phẩm lừng danh Dr. Zhivago qua hình ảnh người tình Lara. Người đọc đều thấy ông Pasternak yêu Olga như Dr. Zhivago yêu Lara.

Rồi cùng ngày hôm nay tôi đọc thơ của người thi sĩ lãng mạn Việt Nam Hoàng Anh Tuấn (HAT). So với Boris Pasternak, Hoàng Anh Tuấn cũng vậy thôi, HAT làm thơ, HAT viết văn, và… HAT cũng có người tình. Đó là em Hà Nội, một địa danh, một chốn xưa với ngàn năm văn vật. Tôi hiểu ông trong văn chương vì chính HAT đã ru mộng mình về người tình muôn thuở qua những áng thơ mượt mà bất hủ, đó là người em Hà Nội trong tâm tưởng. Ông yêu Hà Nội như người tình, ông nhân cách hóa Hà Nội như người tình. Bởi vì Hà Nội là Em và Em là Hà Nội. Nào, ta hãy nghe HAT thì thầm trong bài “Yêu em, Hà Nội”:

“Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá…”

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7-5-1932 tại Hà-nội. Hà Nội đến với HAT qua nhiều kỷ niệm của thuở thơ ấu như hình ảnh khôn nguôi, em Hà Nội ve vãn những ý nghĩ từ ban sơ trong văn thơ của HAT, em Hà Nội cho HAT chất xúc tác dâng tràn nguồn rung cảm, em Hà Nội cho HAT sự ấp ủ dấu yêu qua nhiều bài thơ mà tôi xem trong tập thơ “Yêu Em, Hà Nội”. Dù theo dòng đời ông đã xa em Hà Nội để sang Paris rồi vào Sài Gòn, HAT mang em Hà Nội bằng con tim nặng trĩu thương yêu qua nhũng dòng thơ đầy nhung nhớ:

“Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ”

Em Hà Nội cho HAT mùa hò hẹn, mùa gặp gỡ yêu thương, bao sầu vấn vương dáng liễu xưa:

“Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được thơm em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở”

Đoạn cuối của tình yêu em Hà Nội hay lời thầm nhủ ở đoạn sau cuối bài thơ “Yêu Em, Hà Nội” được làm chủ đề của thi tập tôi đang xem:

“Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ”

Trong bài “Yên Lặng Ban Mai”, HAT đi về dĩ vãng xa xưa tìm Hà Nội có phố Sinh Từ, có gió mùa Thu, có hương cốm mùa Thu, qua tiếng rao hàng ngọt ngào của ngày xưa:

“Tôi kiếm hồn tôi xưa Hà Nội
Thuở còn trong vắt gió vào Thu
Thoảng nghe ngọt tiếng cô hàng cốm
Chênh vênh đâu cuối phố Sinh Từ”

HAT nghe tiếng chim hót ngoài hiên cửa sổ mà tưởng chừng như nghe em Hà Nội len lén vào tâm hồn trong sự tĩnh lặng nhớ nhung:

“Tôi xưa Hà Nội ngừng tay viết
Nửa trang giấy nhạt chữ chưa về
Tiếng hát vành khuyên ngoài cửa sổ
Len vào tôi của lặng thinh nghe”

HAT diễn tả em Hà Nội của ông qua 36 phố phường, mà nơi đó có phố hàng Ngang, hàng Gai, hàng Than, hàng Giấy, hàng Bạc, hàng Buồm, hàng Guốc, hàng Bông, hàng Đào, hàng Đường,…, những nỗi ru điệu nhớ bao ngọt ngào, bao nồng nàn, bao đắm say trong nỗi lòng rung động chợt hiện về bao ký ức xưa có chợ Hôm, có chợ Đồng Xuân, có Viễn Đông Bác Cổ, có đường Cổ Ngư, có phố Sinh Từ, và có Sông Tô Lịch trong “Bài Thơ Hà Nội”. Hãy nghe tiếp tiếng thơ HAT về em Hà Nội:
“Em Hà Nội hàng Ðường trong giọng nói
Ðể hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm

Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư
Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ
Thơ giàu có như thương về hàng Bạc
Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất
Ý hàng Ðào chín mọng trái môi chia
Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê
Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội”

Phải nói là thơ của HAT quá lãng mạn, quá tình tứ qua bốn dòng cuối, em Hà Nội cho tình yêu nồng nàn trong ngây ngất, HAT mường tượng em Hà Nội chín đỏ bờ môi, em Hà Nội rực lửa trong nỗi quấn quít để thoáng ái ân hiện về. Thảo nào nhà văn Nguyễn Thạch Kiên trong một dịp tôi gọi điện thoại thăm ông, rồi tôi đề cập về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn làm thơ nhớ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đắc ý khi đưa ra nhận xét là Hoàng Anh Tuấn là nhà thơ của sự lãng mạn, mang con tim thổn thức trong thi ca về Hà Nội.
Thật vậy, thi ca HAT vượt bao không gian có em Hà Nội bay sang Paris nhung nhớ, về Sài Gòn mộng mơ, vẫn em Hà Nội trong tâm tư thi nhân của tâm thức nồng nàn, của hồn thơ lãng mạn. Các bằng hữu của tôi từ các không gian khác nhau đã nói về Hoàng Anh Tuấn và thơ của ông như sau:

* Hồng Vũ Lan Nhi, Orange county: “Tôi yêu thơ Hoàng Anh Tuấn trong nét dịu dàng, nét dấu yêu khi anh diễn tả thơ anh, đơn cử ví dụ:

“Tiếng nguyệt cầm đong từng quạnh quẽ
Chuyển từ lưu thủy đến hành vân
Mắt người thơ quá giang lần đó
Không biết bao giờ thôi nhớ nhung

Nhớ nhung tay ngọc thêu mộng ngọc
Như liễu trang đài đắm giọt sương
Có giọt sương nào theo gió Bắc
Thổi niềm ưu ái tới Nam phương?

Nam phương đưa tiễn người nhan sắc
Ði vào dĩ vãng một mùa Xuân
Gởi cánh thư này về cố quốc
Y nguyên tâm sự của Huyền trân
(Bến Xuân Tiễn Biệt)” “

* Vũ Hoài Mỹ, Litle Saigon: “Hoàng Anh Tuấn là nhà thơ của thơ bóng bẩy và nhẹ nhàng qua bao vần thơ mà chúng ta tìm thấy trong kho tàng thơ của ông, hãy nghe:

“Khung cửa sổ mở ra trời mai sớm
Mát trong veo hương cốm đã Thu về

Có một nàng công chúa sắp đi ngang
Trên tà áo còn nguyên màu cổ tích
Xin trở lại thuở ngày xưa tinh nghịch
Cầm tay nhau lần đó để xa nhau
Ðể ước ao khi thương nhớ nghẹn ngào
Ðược cầm lại bàn tay em công chúa
(Công Chúa Tháng Chín)” “

* Hoàng Đạm Thủy, Seattle: “Thơ Hoàng Anh Tuấn biểu tượng cho hồn thơ quá lãng mạn, tâm tư về trong yêu dấu của kỷ niệm ngày xưa rất đằm thắm, rất ngọt ngào:

“Ngọn gió nào êm ái
Xin về tà áo em
Ngọn gió nào dịu hiền
Cho áo em mềm mại
Cho mềm mại áo em
Ngọn gió nào dễ thương
Tà áo em khép lại
Ủ hồn anh cô đơn
Em ngàn năm thơ dại
Tình ngàn năm khói sương
(Viết Lên Tà Áo Em)” “

* Nguyễn Thụy Vi, Paris: “Tôi thích đọc thơ Hoàng Anh Tuấn vì tính chất tình cảm nhẹ nhàng che dấu qua những ví von, những dẫn dụ trong thơ của ông:

“Hãy thử nhìn anh bằng đôi mắt thỏ
Hãy Mỵ Khương hãy rất Mỵ Khương yêu
Hãy thử nhìn anh bỡ ngỡ thật nhiều
Rất kinh ngạc thấy ngày xưa chưa chết

Anh thoáng hững hờ về rừng khuynh diệp
Tới Ðường Hoa tìm nối tiếp hẹn hò
Cánh tay anh dù nặng tháng ngày qua
Vẫn rào rạt thắt vai em tròn mộng
(Mỵ Khương Tháng Sáu)” ”

* Hoàng Thy, San Diego:

Nhạc sĩ Hoàng Thy cũng có thơ và nhạc về Hà Nội, anh rung cảm thơ về “Em Hà Nội” của Hoàng Anh Tuấn, nào ta hãy nghe thơ Hà Nội của Hoàng Thy khi xét Hoàng Thy và Hà Nội:

“Anh thấy mây Thu vẫn lững lờ
Quyện vào mắt biếc nét ngây thơ
Trơi trong làn tóc mùi hoa sữa
Ngây ngất hồ Gươm đứng thẫn thờ

Anh thấy mưa phùn lây lất bay
Chiều thu Hà Nội dáng hao gầy
Xin em cứ để mưa rơi rớt
Trên dáng trang đài ngây ngất say
(Hà Nội Cuối Thu, Hoàng Thy)

Ngoài ra nhạc Hoàng Thy cũng chia sẻ sự đồng cảm nhận về em Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn:

“Hà Nội bây giờ còn trong nỗi nhớ
Những chiều se lạnh bên phố chờ ai
Cơn mưa phùn rơi không ngại ướt áo
Từng cội me già nhẹ tiếng lao sao

Mái đình rêu phong muôn đời cổ kính
Con đường gạch đỏ ngai bước chân ai
Mặt nước hồ Gươm miệt mài soi bóng
Những cuộc tình làm gợn sóng lung linh

Từ dạo Thu về phố bỗng hoang vu
Héo hắt hồ Gươm khi gió Thu về
Hàng me chết lặng khi Thu chợt đến
Tàn tạ hao gầy vào độ Thu sang”
(Mùa Thu Hà Nội, Hoàng Thy)

Tôi nêu thơ Hoàng Thy về Hà Nội để thấy rằng sự đồng cảm của anh với thơ em Hà Nội của thi nhân Hoàng Anh Tuấn, cả hai ấp ủ người yêu trong văn thơ là em Hà Nội. Hà Nội của mộng mơ, Hà Nội của nhớ thương.
Hoàng Thy viết: “Tôi biết thơ Hoàng Anh Tuấn khi còn ở bên nhà. Anh sống với Hà Nội, yêu Hà Nội và mơ về Hà Nội trong thi văn của anh. Tôi lớn lên trong gia đình vốn gần gủi với âm hưởng và nhiều kỷ niệm với Hà Nội, tôi cảm thấy sự đồng cảm với Hoàng Anh Tuấn, ví dụ Hà Nội về trong giấc mơ xưa, Hà Nội khi mùa thu về:

“Những dặm nhớ vẫn đo dài cách biệt
Thăm thẳm xa hun hút bóng thời gian
Ôi mùa Thu trời Hà nội mưa đan
Vương ánh mắt những thờ ơ khép cửa
Khi yêu dấu long lanh trên nhánh cỏ
Niềm đong đưa trong vắt giọt rưng rưng
Ta hẹn em bằng âu yếm nói thầm
Những gắn bó chẳng bao giờ nới lỏng
Cho mềm xanh xõa tóc gội heo may
Những làn môi cốm mới lúc đầu ngày
Thơm hờ nhẹ lên phớt nhung gò má

Khi chợt nghe văng vẳng tiếng rao quà
Những ngu ngơ một thuở ấu thời xa
Lại bụ bẫm trong vành nôi quá khứ
Khi chợt nghe tiếng ru hời ngọt sữa
Hồn mở ra cùng đồng lúa xôn xao
Nắm xôi bùi đơm vàng đổ hoa cau
Lại bé bỏng thả con diều cao ngất
Những dặm nhớ chỉ còn xa gang tấc
Nên lòng ta ngơ ngẩn phải lòng em”
(Hà Nội, Mùa Thu và Em) “

* Hà Phương Hoài, Chicago:

Hà Phương Hoài là người say mê thi ca, anh thường bàn bạc về văn thơ, tôi có dịp tiếp xúc với anh. Anh gởi tôi email về thơ Hoàng Anh Tuấn như sau: “Hoàng Anh Tuấn là khuôn mặt lớn, có nhiều áng thơ mượt mà, chứa chan của kỷ niệm về những khung trời đã qua tại Hà Nội. Tôi tìm thấy thơ Hoàng Anh Tuấn trang trọng cho một Hà Nội dấu yêu. Thơ anh bàng bạc những địa danh, những con đường, những góc phố, những dấu mốc của thời gian cũ về những cảm nghĩ mà anh muốn giới thiệu hay đem chúng ta về Hà Nội của anh như trong bài “Yêu Em, Hà-nội”:


“Hà nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em mười bảy tuổi một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp”

Hà Nội có mùa Thu hương cốm, có những quả sấu xanh mang vị chua của thủa thiếu thời mà chúng ta thấy trong thơ của anh.

“Hà nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại.

Hà nội yêu, xin cầm tay lần nữa
một lần thôi cho vừa đủ hai lần
thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
anh chết lặng trong tình yêu công chúa”

Tiếng rao hàng ở Hà Nội ngày xưa trên những con đường thơm hương tỏa của loài hoa sữa:

“Khi chợt nghe văng vẳng tiếng rao quà
Những ngu ngơ một thuở ấu thời xa
Lại bụ bẫm trong vành nôi quá khứ
Khi chợt nghe tiếng ru hời ngọt sữa”

Tôi nghe tiếng thơ Hoàng Anh Tuấn ru tôi về một Hà Nội trong tâm tưởng của anh và của tôi. Cám ơn thơ của Hoàng Anh Tuấn.”

* Phạm Văn Vĩnh, Paris: Anh Phạm Văn Vĩnh định cư tại Paris đã lâu, anh yêu văn thơ, anh nghiên cứu thơ văn anh thường bàn bạc vớI tôi về nhiều tác giả trong đó có thi ca của Hoàng Anh Tuấn. Sau đây là bài viết của anh:

“Tôi biết đến nhà thơ Hoàng Anh Tuấn vì một tình cờ. Cách nay đã mấy mươi năm, khi còn đang học ở bậc trung học, nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội”. Hay quá. Nhạc hay và lời cũng haỵ Phải nói lời và nhạc quấn quýt lấy nhau. Lúc đầu tôi chỉ biết tác giả của bài hát này là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tháng ngày trôi đi như một sự bình thường và tôi cũng quên luôn bài hát ấy. Nhưng một hôm, bài hát lại trở về văng vẳng bên tai tôi:

“… Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà Thành trước kia thường, thường về cùng lối đường
Khi mưa ướt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước thơm phố phường…”

Lần này thì khác hẳn lần trước. Ngay sau khi nghe xong bài hát, như có một mãnh lực vô hình nào đưa đẩy, tôi dắt bộ chiếc xe đạp cũ kỹ vào trong chợ, đến ngay quầy bán sách báo, dụng cụ văn phòng, hỏi mua bản nhạc lá “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội”. Bấy giờ tôi mới biết người viết lời mang tên Hoàng Anh Tuấn. Phải thành thực mà nói, hồi nhỏ tôi chỉ chú trọng đến âm hưởng của các bản nhạc, còn lời tôi không chú ý lắm. Nhiều khi hát thuộc lòng, không hiểu và không cần hiểu bài hát nói gì. Thi phú thời thơ ấu của tôi vỏn vẹn với các bài học thuộc lòng và thi ca trong chương trình ở học đường. Cái tên Hoàng Anh Tuấn cũng đi vào quên lãng. Về sau tôi lại biết đến tên ông không phải vì thơ mà vì ông là đạo diễn cho phim trường ở Việt Nam.

Mãi về sau, vài người bạn gởi cho tôi đọc đôi ba bài thơ của ông đạo diễn này. Lúc ấy tôi mới nghĩ một cách tự nhiên rằng ngoài việc làm phim, ông cũng làm thơ và thơ của ông rất hay. Tôi thích nhất những câu thơ viết theo thể lục bát, mỗi chữ được tác giả nắn nót thật xúc tích. Tôi nghĩ nhiều khi viết những dòng thơ này, ông đã ngồi lỳ cả buổi tô đậm những chữ thơ đã được viết trên giấy trắng rồi cuối cùng vò nhầu tờ giấy, vất đi, viết lại cho hợp ý mình hơn. Xin đọc qua vài đoạn !

Chuyện tình thôi thế phù du
Mà sao em vẫn thiên thu muộn phiền.
Chân trời tím ngắt vắng em
Tím bờ môi để đêm đêm hững hờ
Hẹn em về chốn chân như
Lạc loài đốt mấy tờ thư soi đường
Ừ thì gối mộng sầu thương
Có gì vĩnh cửu, miên trường đâu em?
(Về Chân Trời Tím)

Nước xuôi buồn lả mái chèo
Hai hàng mi gọi đìu hiu xuống ngày
Nhớ gần buộc gót chân mây
Ngẩn ngơ vạt áo chiều dài khẽ canh
Buồn theo mộng nhỏ đi quanh
Hàng trăm lối mộng độc hành về khơi
Tóc thôi lưu bước sông dài
Thuyền xưa chót lạc ra ngoài mắt xưa
Tuy còn nguyên điệu chèo thơ
Khoang tình đã lặn cơn mưa gối đầu
(Nhớ Xuống)

Ngoài thể lục bát, thơ của ông còn viết theo thể tự đo, lời vẫ n hay, ý vẫ n đẹp, vẫn với cung cách nắn nót từng chữ để tìm ra nguyên câu, nguyên bài:

Trong bóng tối buồn như màu tóc rụng
Của điệu nhạc tắt đèn
Lần đầu tiên tôi thở
bằng hơi em
lần đầu tiên tôi ngã mình trên những vì sao đã chết
(Điệu Nhạc Tắt Đèn)

Kể từ đó thơ ta đầy châu báu
Vì hồn ta chứa đựng cả hồn em
Ta cắn môi cho đứt đoạn ưu phiền
Em cũng nhướng nét mày cong mềm mại
(Ước Hẹn Mùa Xuân)

Quê ông ở Hà Nội. Có lẽ chính vì thế mà khi ông đặt bút viết về Hà Nội, bài thơ nào cũng chứa chan tình cảm, rạo rực, lãng mạn và chân thật:

Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở
(Em Về Hà Nội)

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói
Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai
Theo gót chân em từng bước hàng Hài
Yêu hàng Lược chải mềm hương mái tóc
(Bài Thơ Hà Nội)”

* Nguyễn Đăng Tuấn, Florida: Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn vốn say mê thi phú, anh gửi tôi những cảm nghĩ của anh về Hoàng Anh Tuấn như sau:

“Hoàng Anh Tuấn, làm thơ và phóng đi, như trẻ thơ xếp giấy làm thuyền, lênh đênh bến cỏ bờ mê. Cả đời, thơ thất tán trong các tạp chí. Tưởng rằng, rồi cũng sẽ xuôi bao ngã giòng đời không về lại. Thế mà, nhờ sự ưu ái của người con gái, nhà văn Thu Thuyền, chúng ta hôm nay có được tập thơ đầu tay của người làm thơ hằng nửa thế kỷ: “Yêu Em, Hà Nội”.

“Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà-nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Hai ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo”

Hoàng Anh Tuấn, bay nhảy trong của cõi thơ người, mượt mà, óng ánh. Có bài thơ đã thành ca khúc “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội”. Vẫn là Hoàng Anh Tuấn, của “Nhớ thương ngày qua”, của “Năm cửa ô” đã mịt mùng và mãi yêu, Hà Nội.

“Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về
nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha”

Lóng lánh, trời Âu. Thiết tha, trời Mỹ. Hoài niệm, trời Nam. Hoàng Anh Tuấn, nhà thơ cũng những giòng thơ riêng, thôi thúc, trong nhịp điệu hiền hòa. Đã tặng cùng với trần gian, chút gì yêu qúy, như ngàn năm văn vật vẫn còn nơi đất xưa. Hà Nội, mãi còn thương, mãi hoài yêu. Cả đời cho thi phú, cả đời yêu em. Yêu Em, Hà Nội của ông”

* Hà Huyền Chi, Washington: Nhà thơ Hà Huyền Chi vốn là bằng hữu với Hoàng Anh Tuấn, tôi nhờ anh cho tôi một đoạn bình thơ, anh ghi cho tôi thêm một đoạn bình người. Trong phone anh HHC kể từ khi hai anh gặp lại nhau hồi gần đây, gió Mỹ ần cần làm HAT phát tướng. HHC là bằng hữu thân tình với Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Duyên Anh, Thanh Nam, Văn Quang, Nguyễn Đạt Thịnh, Nguyễn Đình Toàn và Hoàng Anh Tuấn, HHC vốn là nhà thơ vui tính, đượm nét thi ca của phái tinh nghịch, của thơ bóng bẩy, thỉnh thoảng là lời đùa của tình thân về bình tướng, nhưng lại sắc nét khi anh ghi nhận trong đoạn “Gửi Chút Hương Lòng Theo Gió” về nhà thơ HAT:

“Hoàng Anh Tuấn (HAT) làm giám đốc đài phát Thanh Đà Lạt một thời. Làm vài cuốn phim vui chơi. Làm thơ như rượu nói. Gã buông thả với nếp đời. Ở một chừng mực, vô chừng. Thơ đề trên vạt áo người. Thơ liệng máy bay ngất ngưởng. Dầu anh quý thơ vô chừng, vô lượng. Mỗi dòng thơ thành hình, như chắt lọc từ đáy tim mình. Nghiêm túc.

Tháng 7-04 gặp HAT, béo tròn trùng trục. Khác xa Thơ. Đấu ốm nhom. Không thuốc làm mây. Không rượu thay cơm. Hàm răng giả cười trong ly nước lọc. Con bé Thu Thuyền muốn khóc. Gom thơ cha chờ được phép in. Gã đạo diễn phim Xa Lộ Không Đèn, vẫn lắc. Có làm gì dăm kỷ niệm toan ném vào quên. Dù là “Em Yêu, Hà Nội”, hay Hà Nội trong em. Con đường cụt, cuối chiều đời, lữ thứ.

Hoàng Anh Tuấn sống trọn tình với chữ nghĩa. Như Mai Thảo, Thanh Nam,… Thi tập cuối đời như chiếc lá muộn màng. Gửi chút hương lòng theo gió. hahuyenchi”

Đến đây tôi xin tạm chấm dứt bài viết về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn như nhận xét tình thân từ nhà thơ Hà Huyền Chi về HAT của sự thủy chung cho chữ nghĩa, hay HAT như nhà thơ cả đời cho thi phú như nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn nhận xét. Để bây giờ chúng ta có được chiếc lá muộn màng “Yêu Em, Hà Nội”.

***

Như đã trình bày, nhà văn lão thành Nguyễn Thạch Kiên, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn và nhà  bình văn học Phạm Văn Vĩnh Paris cho những nhận xét tô thêm đậm nét về thơ và HAT, đặc biệt cho thơ em Hà Nội; Và cũng như các bằng hữu khác của tôi đã góp tiếng nói, chia sẻ những cảm nhận, những ý tưởng riêng của họ về những bài thơ mà nhà văn Thu Thuyền tổng hợp lại in tặng cho thân phụ của cô là thi sĩ Hoàng Anh Tuấn. Tất cả bạn bè văn thi hữu xin cầu chúc Thu Thuyền gặt hái nhiều thành công cho thân phụ cô nhân ngày ra mắt thi tập “Yêu Em, Hà Nội” vào ngày 26 tháng 12, 2004 tại Little Saigon.

Hoàng Anh Tuấn và những bài thơ để lại…

Nguyễn Mạnh Trinh

Có một cậu bé học trò yêu một tình yêu khó ngỏ. Mỗi buổi chiều tan học , đạp xe  theo một tà áo trắng, lòng muốn  nói bằng ngôn ngữ trái tim  mà chẳng thể mở lời. Suốt một năm học , chỉ là người chỉ dám theo sau với cái ngại ngùng nhút nhát của tuổi vừa chớm biết mơ mộng. Rồi thời gian qua, cậu bé ấy thành người lớn , vào lính và  trôi nổi theo dòng đời của một xứ sở chiến tranh. Cho đến một hôm , gặp lại  người xưa đã là thần tượng một thời niên thiếu. Người ấy , gặp lại trong một quán rượu  ở  Long Bình,  trong cái phong cách của một người đàn bà đã trải qua nhiều bầm dập của cuộc sống . Người đẹp ngày xưa, của Trưng Vương ngày nào , bây giờ, chỉ là tiếng cười man dại, chỉ là mầu môi đỏ rực  của những câu cháy đỏ  dục tình. ..

Đó, là câu chuyện của bài thơ “ Gìn Giữ “ của Hoàng Anh Tuấn , nhưng , trong một trùng hợp nào đó , lại là chuyện tình của cá nhân tôi. Bài thơ ấy , không hiểu tại sao lại như in trong tâm thức tôi hàng mấy chục năm. Tôi đã nhớ , đã thuộc hầu như trọn cả bài , chỉ có mấy câu cuối là để sót.

Bài thơ ấy , tôi đọc lại cho nhà văn Thu Thuyền,  con gái nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và cô đã hỏi lại ông , thì ông trả lời. Thơ có vẻ hơi giống giống , nhưng thú thực là đã quên rồi vì làm rất nhiều bài thơ nhưng như cơn gió , thoảng qua đi rồi thôi . Nếu ai có thích thì nhớ. Đó là chuyện của độc giả. ..

Tôi khoái cái phong thái đó , và lại càng thích hơn bài thơ xưa.  Cái tâm tư ấy , là của tôi. Cái ngôn ngữ ấy , phải là của tôi. Thế mà , Hoàng Anh Tuấn đã viết giùm , đã nói giùm , đã hoài niệm giùm. Có thể , bài thơ ấy với người khác , họ không thích , không cho là hay. Nhưng với tôi, phải vỗ đùi vỗ vế mà bắt chước Kim Thánh Thán ngày xưa mà kêu lên “ Chẳng khoái hơn sao?”. Bài thơ ấy với tôi , khi ấy,  là tuyệt tác , bài “Gìn Giữ”,  tôi đọc  một buổi tối trong phi trường Biên Hòa khi   cường độ chiến tranh khốc liệt và những trái đạn pháo kích cứ chực  chờ mỗi ngày , mỗi đêm…

Gìn giữ

“ Anh thầm nhủ đợi cuối tuần sẽ nói

cuối tuần này anh hẹn cuối tuần sau

nhưng gặp em anh ngần ngại lắc đầu

để khi khác hôm nay còn sớm quá

yêu mãi mãi can chi mà vội vã

em còn đây tóc lả nhánh ngang vai

em còn đây mười sáu tuổi thơ ngây

đường đi học hôm nào không gặp gỡ

nhưng nín lặng anh về nhà khổ sở

gọi tên em mà nhớ vẫn y nguyên

anh bảo rằng sẽ phải làm quen

dù khó nói hơn một lần xưng tội.

Đường đi học chung con đường mấy buổi

Bữa đi thi là lần cuối gặp nhau

Anh là người chỉ dám theo sau

Theo kín đáo để em đừng ngó lại

Tuổi học trò tình yêu khờ dại

đem thiên đường hoa lá kết  trăng sao

mười năm rồi anh vẫn ước ao

được tiến ngang vai nhìn nghiêng mái tóc

và bảo rằng mãi mãi yêu em

khói thuốc dần tan trơ trẽn ánh đèn

em trước mặt mưa ngoài kia xối xả

em nằm nghiêng  đẹp vô cùng lơi lả

tóc chán chường ôm xõa nửa cơn điên

em vội vàng cất tiếng cười lên

cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh

tay mơn trớn nhả một loài rắn lạnh

khắp mình anh nghe rợn mảnh chai đâm

anh xiết vai em nức nở âm thầm

gọi bóng tối để tìm ngây thơ cũ.

Trời còn mưa khi anh bỏ ra về

đi rất khẽ để em đừng tỉnh giấc..”

Bài thơ ấy tác giả đã quên nhưng tôi lại nhớ. Chuyện của tôi có thực mà sao nghe như tiểu thuyết. Cái đau đớn của một người tình si đã hết , nhưng vẫn còn niềm đau xót của một người ngậm ngùi trong cái thay đổi của một thời bão lửa chiến tranh.  Tôi vẫn còn nghe cái cười cay đắng của Em, khi nói về thân phận nàng Kiều của mình:” Em chỉ có hai bà cháu. Bà em thì già , em biết làm gì hơn trong cái thời buổi này!”. .. thành ra những câu thơ như “ em vội vàng cất tiếng cười lên . cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh..” như những mũi dao. Lách sâu vào tim , vào da  vào thịt.

Có nhiều người thích những câu thơ viết về thuở mới lớn , của tình yêu đầu đời của ông. Với tôi , bài thơ ấy nhắc lại một thời , của những khi mà mơ mộng như cánh diều bay vút lên tận trời xanh. Buổi chiều , đạp xe đi theo tà áo trắng, khi gió từ con kinh thổi lên , khi dốc cầu cao vút , như những tầm mắt như muốn lạc vào chốn nào xa mờ. Để đến buổi tối , thức khuya ,  tập tành làm thơ, để thấy mình lắng nghe trong sâu thẳm những ấp ủ một thời , những lãng mạn một đời. Cậu học trò nghèo mơ ước nhiều thứ , mà có khi chỉ là những mơ ước lãng đãng không cụ thể . Đôi khi là giấc mộng trở thành  quan trạng ngày xưa  trong thi ca Nguyễn Bính. . Oâi, những giấc mơ thời tuổi trẻ. Bây giờ ở tuổi sáu mươi sao vẫn nghe xôn xao một chút gì vương vấn lại….

Viết về thơ Hoàng Anh Tuấn , phải viết về tập thơ “Yêu em . Hà Nội “ chứ sao lại viết về một bài thơ mà tác giả đã quên ?

Không , tôi viết về thơ ông đấy chứ . Bởi , trong cái phong cách nghệ sĩ, không coi một điều gì là quan trọng , thì nhớ hay quên một vài bài thơ, vài chục bài thơ hay vài trăm bài thơ cũng thế thôi. Với ông , thơ chỉ là một cuộc vui , tình cờ ghé vào , rồi tình cờ bỏ đi .. Thơ là cuộc sống, là tình yêu , là những nhân dáng những tượng hình có thực nhưng , như cuộc đời này, như  mây trời , sẽ bay đi , mất biệt…

Tôi không phải đồng trang lứa với ông và trong đời chỉ gặp mặt nói chuyện một vài lần , mà sao nghe tin ông mất , lòng cũng không khỏi man mác.  Nhưng, vẫn thấy dường như thi sĩ còn để lại điều gì. Giở  tập thơ, đọc lại vài bài thơ quen, những bài  thơ của những không gian , thời gian thật trẻ  dù có khi mà cả thi sĩ và độc giả  đã già..

Thơ Hoàng Anh Tuấn trẻ , rất trẻ. Nếu không ngại ngoa ngôn, thơ ông không tuổi tác. Lúc nào , thơ cũng là những niềm riêng trải ra, từ cảnh đến người. Thơ, có hơi thở của cuộc sống , bởi , nó có sự sống thât rốt ráo , thật tha thiết. Những ý tưởng , những cảm nhận , là thật của ông, và cái  riêng ấy qua ngôn ngữ đã thành cái chung của nhiều người.  Tuổi trẻ khi đã yêu , ai mà không nhút nhát , không mơ mộng. Ai mà chẳng có lúc  “mộng ngoai cửa lớp”.? Ai mà chẳng có lúc  nhớ về Em của “Em xõa tóc bước lên ngôi thần tượng.

Đôi bàn chân còn lấp lánh sương đêm

Môi ướp mật ong , tóc đẫm hương rừng

Tà áo mỏng dệt bằng tơ dị thảo ..”

Người thơ sao giông giống chính mình. Từ ý tưởng , từ ngữ ngôn là những dong tay dắt về nơi chốn tuy ngủ trong trí nhớ nhưng chưa yên trong hồi tưởng.Thơ đi về ngõ đường nào , có cơn mưa ấu thời , có rung động thanh xuân.  Dù , Hoàng Anh Tuấn làm thơ cho Hà Nội , nhưng ai cấm độc giả tưởng tượng lại cho thành phố của mình. Như với tôi là Sài Gòn, là thánh địa của tuồi hoa niên, là cơn nắng chiều vàng hoe hiu hắt , là con lộ ven bờ kinh dẫn đến dốc cầu cao, là tà áo dài trắng phất phơ đầy mộng tưởng.

Đọc “ Bài Thơ Còn Lại”, để thấy như còn chút vấn vương , còn một nỗi niềm nào mơ hồ chưa ngỏ .  Lời và ý thật tự nhiên , xuôi chảy theo dòng ngôn ngữ không một chút dụng công nhưng gây lại rung động.

Không phải thi sĩ chỉ muốn dặn dò với người yêu, mà , còn muốn dặn dò với cả chính mình , hay cả vời vợi tâm tư của một tâm thức nào đã in sâu trong trí nhớ. Lời dặn tha thiết :

“ Có đi ngang xin em đừng đánh phấn

tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai

mắt vương tơ của những phút học bài

tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn ..”

Thốt nhiên , tôi lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bính , của cái xót xa khi thấy người yêu thay đổi “ hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều,,”  như  lời dặn dò đừng mặc áo quần theo mốt thành thị nhắc lại một thời xưa hơn .  Còn Hoàng Anh Tuấn thì  nài nỉ  . Hãy hồn nhiên , hãy ngây thơ, như thuở nào mới lớn .   Đừng trang điểm , bởi son phấn sẽ làm thô nhám đi lớp da mượt mà, sẽ làm bớt đi cái hồn nhiên của những bình minh vừa rạng…

Tâm tư ấy , với tuổi học trò , ai mà quên được. Có lời ngỏ từ câu thơ phất phơ tà lụa.  Hay là nỗi niềm thổn thức buổi chia xa.  Thơ được hình tượng riêng từ hoa lá cỏ cây đến trời mây sông biển. Dòng thơ xuôi nguồn,  những câu tám chữ phăng phăng rạch về biển lớn. Câu , chữ , là lóng lánh sương trong của một ngày tinh mơ, là ánh hoàng hôn của một chiều quá vãng. Thơ, mềm mại và nõn nhẹ như tơ :

“Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái

như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh

như chưa lần nào em nói : yêu anh

như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ

bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở

như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao

em có về ăn cưới những vì sao

để chân bước trên giòng sông loáng bạc

ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc

yêu một người mà cảm thấy mênh mông

em đi ngang nhịp bước có lạnh lùng

mà sao vẫn y nguyên bài thơ cũ?

Vẫn lặng lẽ để anh nghe vừa đủ

Vẫn thờ ơ cho rủ hết màn the

Vẫn mỉm cười rồi vẫn lấy tay che

Cho cặp mắt bỗng nhiên mười sáu tuổi

Tay vụng quá nên thư không viết nổi

Mực trong bình như cẩm thạch ngẩn ngơ

Giấy trắng tinh đem bóc nhẹ từng tờ

Tầu bay giấy ngượng ngùng bay ra cửa!

Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ

anh còn nguyên là một kẻ yêu em

Em đi ngang xin ráng bước cho êm

Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ

Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ

Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?

Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ

đừng  nói trước để anh buồn vơ vẩn..”

Nhiều người thích thơ lục bát Hoàng Anh Tuấn vì ý thơ cô đọng và ngôn ngữ tinh chất. Nhưng , riêng với tôi , lại thích thơ tám chữ của ông hơn. Nghiệm lại, thường đa số bài của ông là tám chữ . Và , với thể loại này, dường như  không gian thơ rộng hơn và thời gian thơ cũng dài hơn. Ở đó , trí tưởng tượng như vó chân tuấn mã xoải bước theo muôn dặm hành trình. Nhịp thơ dồn dập nối nhau, như nhịp thở trái tim , để ý và lời kéo nhau vào vô biên vô tận. Để đến một lúc, từ những làn sóng liên miên kéo tới , để người đọc thấy như bị hụt hơi trong cảm giác và thấy bị trôi dạt vào một cảnh tượng riêng khi ngũ quan bị rơi vào khoảng chơi vơi vô định của liên tưởng. Ông không kể chuyện nhưng từ một vài câu, một vài chữ như kể đến , hay nói về, chút tâm sự  riêng mà người đọc thơ tự cảm thấy mình có một chút nào chia sẻ trong đó.Trong ý nghĩ chủ quan tôi, chính vì những hình ảnh , những từ ngữ bất chợt ấy mà ấn tượng thơ như hằn vết sâu thêm , rõ thêm trong bộ nhớ của óc não độc giả. Thơ vì thế lại có dáng vẻ lôi cuốn thêm…Hoáng Anh Tuấn đã sống và có nhiều kỷ niệm với các thành  phố  như Paris, như Đa Lạt , như Sài Gòn, như San Jose. Thỉnh thoảng . trong thơ , ông mới nhắc tới .

Như “ San Jose , mười lăm tháng  mười một”:

“ Đêm khởi sự trên toc 1nàng buông xõa

khi trở về trời tối gọi mưa nghiêng

đường Senter nối từng giọt ánh đèn

trên tay lái đôi bàn tay bỗng nhỏ

chiếc xe cũ chở quên vào nỗi nhớ

nàng bâng khuâng nghe vỡ đóa phù vân…”

Hay , với “ Trở lại Paris”:

“.. Phút gặp lại đếm từng giây thắt chặt

cho tới khi lẳng lặng trải bình yên

từ dịu dàng ấm áp rất thon êm

từng nốt nhạc ngấn dài trên đôi má

trong lắng xuống của hoàng hôn êm ả

EM, Paris , đại lộ Saint Michel

EM ,  Paris, vẫn tả ngạn sông Seine

Quán rượu nhỏ tách cà phê để nguội

Em, Paris, chuyến metro chưa tới

Nghe vàng khô lá rụng Jacques Prevert

Cầu Mirabeau của Appollinaire

Nước lò lững bóng thời gian nhòa nhạt

Tạ rừ em anh đi vào khuya khoắt

Tìm chiêm bao ở mỗi góc nhà ga

Uống chung chai với mấy gã clochards

Để hiu quạnh cũng đong đưa chếnh choáng…”

Hay với Đà Lạt :

“… Ôi Đà Lạt của lần ăn trái cấm

đến bây giờ còn nguyên vị chua thơm

sân ga buồn một mai sớm nhòa sương

lúc chia biệt thương lưng em thấm lạnh..”

Sài Gòn  của “ Bài sinh nhật em”

“Thảo cầm viên  chim đu đưa lá sớm

Từng vùng xanh cây mát rượi nâng niu

Ta qua đó nghe tay mình nghịch ngợm

Ngón học trò khẽ đụng áo người yêu

Tà áo mỏng đến ngàn năm ngơ ngẩn

Thương tay mình từng ngón đã cằn khô

Tiếng dương cầm như cúi đầu nín lặng

Chuỗi u hoài lần từng hạt tuổi thơ

Thảo cầm viên trong giấc mơ cỏ dại

Vẫn đong đưa tiếng guốc luc 1tan trường

Ta ở đó nghe chân mình ríu lại

Xin đường ngoan đưa giùm tới Trưng Vương..”

Nhưng ,  trong thơ ông , muôn đời miên viễn trong tâm tưởng vẫn là Hà Nội. Chẳng phải riêng trong vô thức, là hình bóng người tình muôn thuở . Mà cũng chẳng phải  là tình cảm đầu đời  với một nơi chốn từ đó đã sinh ra và lớn lên.Thơ ông với Hà Nội, là nỗi bí nhiệm của tổng hợp những  nỗi niềm  của người từ nơi chia xa nhớ về. Nó không đơn thuần là tình yêu đầu đời và cũng không đơn thuần là hoài niệm về tuổi thơ. Mà , là tất cả , từ ấn tượng không phai nhạt. Từ tâm tư của trái tim cảm lụy . Của những “ ngôn ngữ trời cho” của một bất thần vụt đến của thơ.

Những bài thơ Hà Nội , có nỗi thiết tha ,  có ngữ ngôn bình dị và tự nhiên không một chút làm dáng nào. Thơ như thể một cánh buồm phăng phăng vẫy vùng trong cái cao rộng của đất trời , của những phương trời tuy mịt mù khói sóng nhưng gần cận thân quen. Thơ phá vỡ đi cái biên giới hữu hạn của không gian , thời gian.  Hà Nội dệt bằng những bài thơ, mềm như nắng và nhẹ như mây trời. Trong thơ Hoàng Anh Tuấn.

Hà nội , kỷ niệm:

“…xin trở lại thuở ngày xưa tinh nghịch

cầm tay nhau ngày đó để xa nhau

để ước ao khi thương nhớ nghẹn ngào

được cầm lại bàn tay rm công chúa

khung cửa sổ mở ra trời yêu cũ

chẳng khuất vào sợ khuất dáng em xưa

một nỗi buồn thoáng Hà Nội mùa thu

vẽ từng nét tình yêu em hương cốm.”

Hà nội , tình ca :

“ Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc

mấy chục năm , xa đến mấy nghìn năm

giã từ em, mười bảy tuổi một lần

thu rất mỏng , mưa hững hờ đẫm lá

Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả

Thoáng khăn san nũng nịu với heo may

Hai ngón tay nhón một trái ô mai

Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo

Hà Nội yêu, mối tình đầu khờ khạo

Rm nhận thư anh ngây ngất tủi mừng

Khi về nhà , cười nụ với cầu thang

Một tuần lễ vui như ngày thi đỗ.,,”

Một bài thơ, được tháp cánh bằng nhạc, khi được đọc hoặc hát lên, tạo thành một xúc cảm mãnh liệt. Bài thơ “ Mưa Sài Gòn , mưa Hà Nội”  được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phạm Đình Chương , mà có người đã cho là tình khúc hoài niệm hay nhất trong những bản nhạc buồn.  Những câu thơ cứ ngân vang , rưng rưng trong lòng người xa xứ. Những cơn mưa, mưa ngoài trời và mưa trong hồn:

“ Mưa hoàng hôn

trên thành phố buồn gió heo may vào hồn

thoảng hương tóc em ngày qua

ôi người em Hồ Gươm về

nương chiều tà

liễu sầu   úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa

thương màu áo ngà

thương mắt kiêu sa

hiền ngoan thiết tha…”..

Từ một bài thơ bị bỏ quên , tôi đã viết dài dòng về nhà thơ  Hoàng Anh Tuấn.  Thực ra , không chỉ là một khuôn dáng nhà thơ mà ông còn là nhà báo, là nhà đạo diễn,  là  quản đốc đài phát thanh.. và còn là một lãng tử thứ thiệt nữa. Có biết bao nhiêu chuyện kể về cái tính phóng khoáng coi mọi sự trên đời như một trò chơi. Có biết bao nhiêu giai thoại của một người cứ muốn làm một người bình dị  mà không được. Nào làm phim mà bất kể lỗ lời , hoàn tất xong rồi là hết , không lý tới chuyện tiền bạc . nào làm công chức , quản đốc đài phát thanh Đà Lạt vì cho đọc truyện chưởng Kim Dung mà bị mất chức  mà vẫn tỉnh bơ. Nào, là người làm thơ rất nhiều và rất hay nhưng tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện in thơ. Tập thơ độc nhất là do cô con gái Thu Thuyền in cho bố  để trả hiếu mặc dù ông không muốn

Đọc vài câu thơ , để mường tượng một vóc dángriêng , một người luôn coi đời là một cuộc chơi không dứt:

“ Này tôi đang lạc vào em

sau lưng trăm ngón ưu phiền níu chân

này tôi du đãng tâm hồn

ngụy trang ngàn mảnh thơ buồn tả tơi

này tôi này vũng bùn tôi

nắng ngang mưa chéo rã rời ẩm nâu

cuốn theo rác rưởi nhu cầu

này tôi chới với trong mầu rất xanh

chợt nghe hà ốc hiền lành

với rong rêu lại hóa sinh một lần

này tôi trút bỏ áo quần

thân hài nhi với tâm hồn trẻ thơ

này  tôi thành hạt phù sa

để yêu em với mặn mà giọt châu.”

Đọc thơ, để thấy người, để tìm lại cái vóc dáng của một người lãng mạn “ôm đàn đến giữa đời “ tài hoa…

 

Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội

Tưởng Năng Tiến

“Mưa chiều nay như lệ khóc phần đất quê hương tù đầy.”
(Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội – Phạm Ðình Chương & Hoàng Anh Tuấn)

Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn ra đời ngày 7 tháng 5 năm 1932 tại Hà Nội. Ông đi du học năm 1949 và không bao giờ có dịp trở lại nơi sinh trưởng nữa. Không phải Hà Nội mà Paris, Sàigòn, Đà Lạt, và San Jose mới là những nơi ông đã sống gần hết cuộc đời lưu lạc của mình. Tuy thế, tác giả “Yêu Em, Hà Nội” (có lẽ) chưa bao giờ thôi nhớ đến thành phố này – dù chỉ một ngày – trong suốt những năm tháng tha hương. Hoàng Anh Tuấn qua đời sáng nay – ngày 1 tháng 9 năm 2006 – tại California. Bài viết này xin được coi như một nén hương lòng, gửi người đã khuất.

Nước Mắt Trước Cơn Mưa (Tears Before The Rain) là tựa một cuốn sách của Larry Engelmann do Nguyễn Bá Trạc chuyển ngữ, và Tin Biển xuất bản năm 1995. Tôi tiếc là mình đã quá tuổi để có thể đọc một tác phẩm dầy tới 360 trang bằng ngoại ngữ, và sẽ không bao giờ có cơ may đọc được bản dịch (bằng tiếng mẹ đẻ của mình) dù đã tình cờ nhìn thấy nó, đôi lần. Tôi đã trót thề sẽ không bao giờ đọc thêm bất cứ điều gì viết bởi ông Nguyễn Bá Trạc, bất kể bằng văn vần hay văn xuôi – kể luôn văn dịch.
Lý do giản dị như sau. Mùa hè năm 1985, từ Santa Clara, tôi di chuyển đến một thành phố kế cận – San Jose, thuộc tiểu bang California. Nơi đây, tôi hân hạnh được ở gần nhà một danh sĩ Việt Nam – nhà thơ Nguyễn Bá Trạc. Một người cầm bút tăm tiếng và cũng (hơi hơi) … tai tiếng. Không bao lâu sau, tôi khám phá ra rằng giữa tôi và vị danh sĩ này có một nỗi bận tâm chung: chúng tôi đều rất dư thì giờ, đều quá rảnh, hay nói một cách rõ ràng hơn là đều … thất nghiệp – nếu hiểu nghề nghiệp, một cách đơn thuần, là làm chuyện gì đó có thể kiếm được ra tiền.
Bởi vậy nhà văn và nhà thơ Nguyễn Bá Trạc đều đặn thăm viếng tệ thất của tôi đôi/ba bận mỗi ngày, dù tôi chưa bao giờ tỏ ý mời – kể cả mời lơi. Ðã nhiều lần tôi tỏ ý quan ngại rằng sự thân thiết quá mức như thế – rất có thể – làm phương hại đến tình đồng loại và tình đồng hương giữa chúng tôi.
Nguyễn Quân, tiếc thay, tuyệt đối không hề bận tâm đến điều này. Tuy không thốt ra bằng lời nhưng thái độ thản nhiên của ông, khi vẫn tiếp tục và đều đặn gõ cửa nhà tôi (sáng – trưa- chiều – tối), đã nói lên điều đó.
Thêm một chuyện đáng phàn nàn khác nữa (và chuyện này, dường như, định mệnh chỉ nhắm riêng tôi) là thời gian này danh sĩ Nguyễn Bá Trạc đang thai nghén một tác phẩm văn thơ tổng hợp, tác phẩm đầu tay của ông, có tên là Ngọn Cỏ Bồng.
Sáng tác, đối với đa số nghệ sĩ, là một việc làm thầm lặng. Nguyễn tiên sinh thì khác. Đã thế, ông còn (hoàn toàn) không đồng ý với tôi rằng ép buộc tha nhân phải nghe thơ văn của mình, cho dù là tuyệt tác chăng nữa, là một việc làm vô cùng không …tế nhị – nếu chưa muốn nói là nhẫn tâm. Ðó là một hình thức “quấy nhiễu tri thức”(intellectual harassement), nếu nhìn vấn đề theo khía cạnh pháp lý.
Bởi vậy, trước khi cuốn Ngọn Cỏ Bồng được đem in, tôi đã phải nghe văn sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Bá Trạc đọc đi đọc lại bản thảo cỡ đâu khoảng một … tỉ lần – hay hơn nữa, không chừng! Câu chuyện mà Nguyễn Bá Trạc vô cùng lấy làm thú vị và đắc ý, có tên là “Ông Khó Tính”, đại khái như sau:

“Bạn tôi, ông Khó Tính, lúc còn ở Sàigòn vốn làm nghề mô phạm. Kể cả trường công lẫn trường tư, sĩ tử theo học kinh nghĩa có đến mấy nghìn. Gặp lúc can qua, học trò thì đông mà chả mấy ai hiển đạt: cứ học nủa chừng lại bị gọi đi lính, ba phần chết tiệt mất hai. Số còn lại trở về chống gậy, đi xe lăn. Thầy trò nhìn nhau nghẹn ngào chửi thề những câu tục tĩu…”
“Khi cộng sản từ Bắc tiến vào Nam, xe tăng vừa ì ạch đến sát cửa dinh Ðộc Lập thì ông Khó Tính quyết định dắt vợ cõng con xuống tàu lánh xa bạo ngược. Cuối cùng trôi dạt đến Mỹ. Ðất lạ quê người, tiếng Anh ăn đong, kinh nghĩa nói không ai hiểu…”
“Từ ngày xa nhà, tính tình lại càng khó chịu hơn. Mặt mày hầm hầm, mồm lúc nào cũng lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Chiều chiều đứng chống nạnh bắt con tập võ ta. Ðứa đi quyền, đứa dang chân đứng tấn. Nguời bản xứ cho là lạ, tò mò rủ nhau nhìn trộm qua hàng rào như đi xem xiếc. Ban đêm bắt con học Việt sử. Ðứa nào không thuộc bài thì co dò mà đá, đến nỗi bị cảnh sát còng cả tay.”
“Càng cay đắng, càng chửi, càng chê. Chê nguời gì mà nhiều lông lá, chê nhà chọc trời nhìn thêm mỏi mắt, có ngày động đất nó đổ xuống đầu cho mà khốn. Lại chửi trời nhiều hơn, chửi tục hơn, gọi trời là thằng không kiêng nể gì nữa…”
“Bạn khen biển, ông chê lạnh, tắm cóc sướng bằng Long Hải, Vũng Tầu. Bạn khen núi, ông bĩu môi:’Tôi lấy làm ngờ về cái thẩm mỹ của anh. Núi trọc thế này so sao được gót chân Ðại Lãnh?’
“Bạn ngượng, không còn dám mở mồm khen điều gì. Bụng bảo dạ:’Bọn Ðông Dương ta khối đưá bị bịnh tâm thần’. Có ý thương xót mà lui tới thăm viếng nhiều hơn…”
“Một hôm nhận được bao trà từ Việt Nam gửi sang, bạn thân ái mời ông khó tình đến. Nước đun xủi tăm, trà trút vào bình, chủ khách ân cần đối ẩm.
Ðược đôi tuần, bạn lên tiếng hỏi:
– “Trà uống được không?’
Ông Khó Tính:
– “Cũng được. Nhưng thua Ðỗ Hữu”.
Bạn cười dòn:
– “Bố ơi! Chính hiệu trà Ðỗ Hữu Bảo Lộc vừa gửi sang.”
Ông Khó Tính:
– “ Thảo nào. Có điều cái nước máy chát qúa!”
Bạn chồm lên:
– “Biết tính bố thích trà Bảo Lộc, phải hứng nước mưa pha trà đây. Không phải nước máy đâu.”
Ông Khó Tính tuột giầy gãi nách ngáp:
– “Nước mưa ở Mỹ, uống vào đắng cả mồm!”

Tôi đã nghe khá nhiều danh gia ngỏ ý xuýt xoa tán thuởng sự duyên dáng (quá cỡ) của ông Nguyễn Bá Trạc qua câu chuyện viết về ông Khó Tính, nhất là ở câu nói cuối cùng – như vừa dẫn. Chao ơi, tôi thất vọng đến nỗi có thể chết (ngay) được vì sự hiểu biết quá giới hạn về môi sinh của văn sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Bá Trạc (nói riêng) và của giới danh sĩ Việt Nam ở hải ngoại (nói chung).
Ông Khó Tính không phải là một nhân vật hư cấu. Ông ta sống (ràng ràng) ở thành phố San Jose một thời gian khá lâu, cùng lúc với tôi và danh gia họ Nguyễn. Và nếu tôi nhớ không lầm, vào thời gian này, ông ta cũng rảnh, nghĩa là cũng đang thất nghiệp!
Nhờ đó, tôi đã có nhiều dịp được hân hạnh hầu chuyện cùng ông Khó Tính. Nhân sinh quan và vũ trụ quan của ông ra sao, phận kẻ hậu sinh, tôi (tuyệt nhiên) không dán lạm bàn nhưng nhận xét rằng “nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm” – theo thiển ý – thì vô cùng chính xác.
Tôi bắt chiếc cổ nhân, ăn nói cầu kỳ (chút đỉnh) như thế cho ra vẻ mình cũng là người khiêm tốn. Chứ thực ra, nuớc mưa ở Mỹ uống ngang phè hay đắng cả mồm là một sự kiện hiển nhiên chứ chả dính dáng (mẹ) gì đến “tôn ý” hoặc “thiển ý” của bất cứ ai.
Những hoá chất như sulfur dioxide, nitrogen oxides … từ chất đốt của săng dầu than củi trong không khí, khi gặp môi trường không khí ẩm thấp sẽ góp phần tạo thành mưa hay tuyết với nồng độ acid cao – có thể làm ô nhiễm nước uống, hư hại nhà cửa, mùa màng và ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhiều sinh vật – là một tiến trình tự nhiên.
Khói xe, khói nhà máy phun tùm lum ở Mỹ vẫn được coi là nguyên nhân chính tạo ra nồng độ acid cao trong nước mưa. Uống vào đắng cả mồm là phải. Ông Khó Tính – dù thực sự đúng là một người không dễ tính chăng nữa – nói như thế thì có sai sót, oan ức chỗ nào đâu mà qúi vị che miệng chúm chím cười. Ðã thế, còn dám xa gần ám chỉ rằng tinh thần ông ta (hơi) bất ổn.
Ðã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Khó Tính dù thỉnh thoảng vẫn nhớ đến “cố nhân” – với đôi chút quan hoài, và rất nhiều… ái ngại! Sáng qua, tình cờ đọc lại một tờ báo cũ – Việt Báo USA, ấn bản Bắc California, số ra ngày 15 tháng 10 năm 98 – thấy loan tin mưa acid ở Việt Nam mỗi lúc một thường hơn, và nồng độ acid cũng cao hơn, đến độ có thể làm chết cá ở ao hồ.
Bài báo (viết theo bản tin của AP) cũng có trích dẫn lời một nhân viên thuộc Trung Tâm Khí Tượng Phía Nam, bà Nguyễn Kim Lan, cho rằng nguyên do chính của hiện tượng này là việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, cùng với khói thải của nhà máy ở Việt Nam và từ những lân bang.
Ủa, chớ nhà máy nào ở xứ mình mà hoạt động dữ dội vậy kìa? Mỏ than Nông Sơn – ai cũng biết – muốn xụp tiệm tới nơi, đang ở tình trạng bỏ thì thương vương thì tội, chỉ còn được khai thác lai rai để giảm số người thất nghiệp. Nếu nó có tỏa khói thì nhiều lắm cũng chỉ là khói hâm cơm trưa của công nhân chứ làm gì đến độ gây ô nhiễm môi sinh, tạo thành mưa acid với nồng độ cao, làm hư hại mùa màng và chết cá?
Hay là nhà máy thép Thái Nguyên chăng? Sau 1975 thì cả nước đều rõ là cái nhà máy thổ tả này chỉ thực sự hoạt động (bằng mồm, theo kiểu trăm voi không được bát nước xáo) và đạt thành tích trên đài hay trên báo. Truyền thống này, chắc chắn, vẫn còn được giữ vững cho đến ngày nay. Báo Tiền Phong – số ra ngày 7 tháng 10 năm 2005 – đăng bài “Chúng Ta Chưa Tự Làm Ðược Cái Ðinh Vít”, có đoạn, như sau:” … dù có hàng chục luận án tiến sĩ về tôi thép và cơ khí nhưng trong nước vẫn chưa tự làm được con ốc cho xe máy, ô tô đạt tiêu chuẩn quốc tế (cứ vặn là trờn ren)”.
Như vậy, không lẽ khói thải tùm lum lại từ những cơ xưởng kỹ nghệ của những lân bang cỡ như Miên Quốc hay Lào Quốc? Người Lào, dù đã vượt quá độ từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa từ lâu, nghe đâu, vẫn còn đi xe bò lòng vòng trong thành phố và cưỡi voi dạo chơi tà tà ở trong rừng. Còn người Miên, cách đây chưa lâu, họ vẫn còn có thể (nhân danh chủ nghĩa cộng sản) giết hàng triệu người bằng cuốc chim hay chầy vồ gì đó. Ðời sống của nhân dân ở hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, cũng như ở nước ta, đâu mấy ai đụng chạm hay dính dáng gì tới máy móc mà có khói – ngoại trừ những lúc nướng khoai.
Vậy thì khói thải ở đâu ra? Lửa phải có ở chỗ nào mới được chớ? Không có lửa sao có khói? Tôi thực lòng không dám nghi ngờ độ khả tín và khả xác của nguồn tin từ tờ Việt Báo USA; tuy nhiên, vì chút bồn chồn lo lắng nên loay hoay vào “internet” truy tìm phần tin tức của AP để mong được hiểu biết sự việc rõ ràng hơn. Tôi không kiếm ra được bài báo dẫn thượng nhưng (chả may) lại thu lượm được nhiều sự kiện rất phiền lòng khác về tình trạng mưa acid ở Việt Nam.
Qua dịa chỉ “web site” của South East Asian Science Policy Advisory Network tôi đọc được một bài báo ngắn của ông Nguyễn Hiệp – người mà tôi đoán là một chuyên gia hiện đang định cư tại Úc – có tựa là “Transboundary Sulfur Pollution &Vietnam” . Ông Nguyễn Hiệp đã bầy tỏ sự quan ngại rằng ở Ðông Nam Á có những quốc gia chỉ tạo ra những lượng lưu huỳnh rất nhỏ nhưng lại phải chịu nhận sự tích tụ của loại hoá chất này rất lớn từ những lân bang hoặc ngay cả từ những quốc gia xa xôi khác. Việt Nam và Nepal là hai (receptor) “nạn nhân” điển hình trong vùng về tệ trạng này.
Tài liệu ông Hiệp trích dẫn cho thấy Trung Cộng là nước đứng thứ nhì thế giới về lượng thải sulfur, và hơn 60 phần trăm số lượng hoá chất này – từ cơ xưởng kỹ nghệ của họ – đã theo gió rơi rớt và tích tụ ở Việt Nam (R. Arndt, G. Carmichael, J. Roorda – Seasonal source-receptor relationship in Asia, Journal of Amostpheric Enviornment, Vol. 32, No.8, 1998, pp. 1397-1406).
Thảo nào, bà Nguyễn Kim Lan nào đó đã có vẻ ấp úng khi nói là nguyên do mưa acid một phần là do khói thải từ những nước lân bang nhưng không nói rõ từ đâu. Bà sợ làm mất lòng người anh em cộng sản láng giềng, dù nước Việt (từ lâu nay) đã trở thành cái thùng rác chứa đựng 60 phần trăm lượng hoá chất ô nhiễm của Trung Cộng – một quốc gia có lượng thải lưu huỳnh cao thứ nhì thế giới!
Thái độ nhũn nhặn thái quá và khó hiểu này, phần nào, có thể giải thích được nếu biết rằng sự ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến đời sống của giai cấp cầm quyền. Họ có dư phương tiện để tránh hết mọi điều bất tiện. Giai cấp bị trị, nhất là những người ở thôn quê, không có cái may mắn xa xỉ đó. Xin đơn cử một thí dụ.
Báo Lao Động, số 189, phát hành ngày 11 tháng 7 năm 2006 (trong mục “Bạn Đọc Viết”) có đề cập đến tình trạng nước uống ở làng An Bình, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị – như sau:

“Nước có lọc qua năm lần bảy lượt rồi cũng thế. Phèn – đục – đỏ ngầu là ‘bản chất’ của nguồn nước nơi ni” – anh Nguyễn Viết, Trưởng thôn An Bình – bức xúc: An Bình là vùng đất trũng, do đó sau những trận mưa lớn, lụt lội…, nó trở thành rốn chứa nước bẩn. Tất cả rác thải của các vùng lân cận đều trôi dạt về đây. Sau trận mưa, mùi xú uế của rác thải bao trùm lấy ngôi làng này…”
“Anh Hồng Văn Mừng – Chủ tịch xã Cam Thanh – cho biết: ’Một thôn có chưa đầy 1.000 nhân khẩu như An Bình mà đã có hơn 40 người mắc bệnh ung thư, quả là con số đáng để các cơ quan chức năng có kế hoạch kiểm tra một cách nghiêm túc về hiện tượng mắc bệnh của người dân’ – vị chủ tịch xã này trông sự mong mỏi vào cuộc ráo riết, cấp bách của ngành chức năng.
Mong lắm thay, một ngày gần nhất An Bình sẽ bình an.

Tôi thực lòng không tin rằng thôn An Bình – cũng như hàng ngàn vạn thôn làng khác nữa, trên quê hương mình – sẽ được sống bình an trong những ngày tháng tới.
Quê hương tôi ở vùng nhiệt đới, nơi đây mỗi năm chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Vũ độ hàng năm tính hào phóng theo đơn vị mét (meter), nghĩa là cả trăm “inches”. Cũng chính nơi đây là xuất xứ của câu tục ngữ “hiền như một ngụm nước mưa”. Vậy mà, sau nửa thế kỷ đói ăn, đồng bào tôi – đã đến lúc – thiếu luôn nước uống.

***

 

Phụ đính:

 

Yêu em Hà Nội và những bài thơ khác

 

Yêu em, Hà-Nội

Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc

Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm

Giã từ em – mười bảy tuổi- một lần

Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà-nội yêu, áo lụa ngà óng ả

Thoáng khăn san nũng nịu với heo may

Hai ngón tay nhón một trái ô mai

Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo

Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo

Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng

Khi về nhà, cười nụ với cầu thang

Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ

Hà-nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ

Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây

Ván giải gianh, có một lúc bàn tay

Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp

Hà-nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc

Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung

Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng

Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại.

Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới

Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên

Nào có bao giờ anh được thơm em

Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở

Hà-nội yêu, xin cầm tay lần nữa

– một lần thôi cho vừa đủ hai lần –

thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần

anh chết lặng trong tình yêu công chúa

Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ

Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua

Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà

Còn vương vấn trong những bài thơ cũ

Mưa Sàigòn, mưa Hà-nội

 

 

clip_image003

(đường Nguyễn Huệ

Chóe – Nguyễn Hải Chí)

Mưa hoàng hôn

Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn

Thoảng hương tóc em ngày qua

Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà

Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà

Thương màu áo ngà

Thương mắt kiêu sa

Hiền ngoan thiết tha

Thơ ngây đôi má nhung hường

Hà thành trước kia thường thường

Về cùng lối đường

Khi mưa buốt, lạnh mình ướt

Chung nón dìu bước

Thơm phố phường

Mưa ngày nay

Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày

Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài

Giăng mắc heo may

Sầu rơi ướt vai

Hồn quê tê tái

Mưa mùa Thu

Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù

Tủi thân nhớ bao ngày qua

Mưa ngùi thương nhòa trên giòng sông Hồng hà

Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa

Đau lòng Tháp Rùa

Thê Húc bơ vơ

Thành đô xác xơ

Cô liêu trong nỗi u hoài

Lòng người sống lạc loài

Thê lương mềm vai gầy

Bao oan trái

Dâng tê tái

Cho kiếp người héo mòn tháng ngày

Mưa còn rơi,

Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời

Vang trời tiếng cười

ấm niềm tin hồn người

Mây trắng vui tươi

Tình quê ngút khơi

Tự do phơi phới

clip_image005

(phố Ngọc Sơn)

Hà-nội, mùa Thu và em

Những dặm nhớ vẫn đo dài cách biệt

Thăm thẳm xa hun hút bóng thời gian

Ôi mùa Thu trời Hà nội mưa đan

Vương ánh mắt những thờ ơ khép cửa

Khi yêu dấu long lanh trên nhánh cỏ

Niềm đong đưa trong vắt giọt rưng rưng

Ta hẹn em bằng âu yếm nói thầm

Những gắn bó chẳng bao giờ nới lỏng

Cho mềm xanh xõa tóc gội heo may

Những làn môi cốm mới lúc đầu ngày

Thơm hờ nhẹ lên phớt nhung gò má

Hà-nội em tà áo vân nền nã

Để bàn tay thèm khe khẽ nâng niu

Hà-nội em quả nhót mọng chua đều

Thoa nhè nhẹ lên áo len bụi phấn

Những dặm nhớ ngắn từng gang đo đắn

Khi chợt nghe văng vẳng tiếng rao quà

Những ngu ngơ một thuở ấu thời xa

Lại bụ bẫm trong vành nôi quá khứ

Khi chợt nghe tiếng ru hời ngọt sữa

Hồn mở ra cùng đồng lúa xôn xao

Nắm xôi bùi đơm vàng đổ hoa cau

Lại bé bỏng thả con diều cao ngất

Những dặm nhớ chỉ còn xa gang tấc

Nên lòng ta ngơ ngẩn phải lòng em.

Bài thơ Hà Nội

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói

Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ

Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa

Anh nắn nót một trường thi lãng mạn

Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm

Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai

Theo gót chân em từng bước hàng Hài

Yêu hàng Lược chải mềm hương mái tóc

Thương dĩ vãng chiều Cổ Ngư trốn học

Hồn ngây ngô theo điệp khúc hàng Đàn

Hàng Guốc trưa hè gõ nhịp bình an

Khi hàng Nón quay nghiêng che mắt thỏ

Anh lúng túng cả Đồng Xuân xấu hổû

Gió mơn man hàng Quạt, áo đong đưa

Đây hàng Khay anh đưa tặng bài thơ

Em hốt hoảng chợ Hôm vừa tắt nắng

Thơ bay lạc, hồn anh là hàng Trống

Nghe hàng Gai cùng mũi nhọn buồn đau

Ôi hàng Ngang tội nghiệp mối tình đầu

Anh hờn giận mơ hàng Buồm lãng tử

Em Hà Nội dáng Sinh Từ thục nữ

Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư

Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ

Thơ giàu có như thương về hàng Bạc

Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất

Ý hàng Đào chín mọng trái môi chia

Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê

Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội

Yên lặng ban mai

Tôi kiếm hồn tôi xưa. Hà Nội

Thuở còn trong vắt gió vào Thu

Thoảng nghe ngọt tiếng cô hàng cốm

Chênh vênh đâu cuối phố Sinh Từ

Đâu từ Hàng Đẫy theo chân gió

Ngang phố Tuyên Quang tới cột cờ

Hoa sấu lẳng lơ từng giọt nhỏ

Cài yêu lên mái tóc -vu vơ

Tôi đi bước ngắn đo mai sớm

Tránh nỗi êm đềm những lá khô

Lá vẫn giật mình vô cỏ núp

Như lời âu yếm trốn trong thơ

Bài thơ có cả trời đôi mắt

Có đất mênh mông một dáng đi

Nguyên một vườn chanh trên mái tóc

Hoa chanh quyến luyến hoa tường vi

Cặp sách trong tay nghe hẫng nhẹ

Không đủ nghiêng hờ cân tiểu ly

Hình như em để quên lơ lửng

Trong niềm thanh vắng tôi mang đi?

Tôi xưa Hà Nội ngừng tay viết

Nửa trang giấy nhạt chữ chưa về

Tiếng hát vành khuyên ngoài cửa sổ

Len vào tôi của lặng thinh nghe

Em về, Hà Nội

Hà-nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em -mười bảy tuổi- một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá
Hà-nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Năm ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo
Hà-nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ
Hà-nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp
Hà-nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại
Hà-nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở
Hà-nội yêu, xin cầm tay lần nữa
-một lần thôi cho vừa đủ hai lần-
thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
anh chết lặng trong tình yêu thác đổ.
Hà-nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ
Hà-nội yêu, xin về từ thống khổ
Dây kẽm gai dù xé rách bờ vai
Bóng ngục tù dù ngầu đục mắt nai
Anh xin đón vào đôi tay khô héo.

Viết trên tà áo em

Ngọn gió nào êm ái
Xin về tà áo em
Ngọn gió nào dịu hiền
Cho áo em mềm mại
Cho mềm mại áo em
Ngọn gió nào dễ thương
Tà áo em khép lại
Ủ hồn anh cô đơn
Em ngàn năm thơ dại
Tình ngàn năm khói sương

 

Ước hẹn mùa xuân

Em xoã tóc bước lên ngôi thần tượng
Đôi bàn chân còn lấp lánh sương đêm
Môi ướp mật ong, tóc đẫm men rừng
Tà áo mỏng dệt bằng hương dị thảo

Tuổi sa mạc thêm bao la mộng ảo
Nên cát nhàu trên nếp trán hoang vu
Ta mải mê tìm diễm tuyệt cho thơ
Chợt ngây ngất với màu trăng bạch ngọc

Sáu giây sắt là sáu giây huyền hoặc
Năm ngón tay dạo nhạc rất Chiêu Quân
Tay thấy em hoàng cúc lót bàn chân
Nên cẩm thạch cũng phù vân nhung gấm

Ta len lén cheo thuyề qua giới cấm
Ghé tình yêu vào bến liễu hoang vu
Nghe tiếng em ca thắt lại đôi bờ
Niềm đau cũ chảy quanh dòng hờn tủi

Nhớ tiền kiếp ta cùng em chăn gối
Cho thiết tha tràn ngập khắp phòng the
Em dịu dàng chuyển nhẹ sóng đam mê
Bóng tùng nhạt mơ hồ trên vách quế

Nếp áo heo may xôn xang vườn thuý
Nhịp cầu son thêm một chút vòng cung
Ta hôn mê xiết chặt cánh tay ôm
Nghe rờn rợn thuỷ triều trong cảm giác

Em đắm đuối khắp mình hoa thược dược
Sóng ân tình dâng ngập tới bờ vai
Những ngón tay níu hơi thở đứt rời
Khi cảm giác kinh qua miền xích đạo

Kể từ đó thơ ta đầy châu báu
Vì hồn ta chứa đựng cả hồn em
Ta cắn môi cho đứt đoạn ưu phiền
Em cũng nhướng nét mày cong mềm mại

Khi giao cảm đã nhập vào huyền thoại
Chẳng còn ta, em cŨng hết là em
Nhạc và thơ thành một khối yêu đương
Nên nguyên vẹn một chúng mình còn lại

Quận chúa em đơn sơ hồn cỏ dại
Hàn sĩ ta cự phú một đời thơ

Khi em nói

Khi em nói bằng mắt buồn xóm nhỏ

Anh nghe chiều cuối ngõ thả lời ru

(Ôi những buổi chiều ngoan giấc mùa Thu

Mà anh lỡ giam vô hồn lãng mạn)

Khi em nói bằng nụ cười rất bạn

Anh nghe hờn từng thoáng mỏng tiếc thương

(Mộng trẻ con, anh khéo dấu trong hồn

Nên thuở bé vẫn còn nguyên tha thiết)

Khi em nói bằng móng tay mười chiếc

Anh nghe đau mười dấu vết hoài nghi

Đáy bình an choàng thức tỉnh đam mê

Như thuở bé gợn hôn đầu tê buốt

Tay vụng dại bỗng mềm như dáng lược

Tóc em màu chải ngược gió về khuya

Khuôn mặt em nghiêng lệch đón môi kề

Mi mắt lả trong âm thầm khép lại

Khi hơi thở loãng mùi thơm cỏ dại

Anh nghe đàn bầu ái ngại lên dây

Anh nghe anh sửa soạn để chua cay

Khi em nói bằng vai gầy đơn độc

Khi em nói bằng nín thinh xõa tóc

Anh nghe buổi chiều tê tái mưa bay

Da thịt sầu như khoác áo heo may

Anh áp má trên ngực em lạc lõng

Bài ca M. L.

Về khuya tiếng nói âm thầm

Em nghiêng mái tóc cho gần vai anh

Nhạc lên men rượu si tình

Ngẩn ngơ khói thuốc bồng bềnh ý thơ

Đâu rồi ngực áo ngày xưa

Vết hôn lơi lả bây giờ đâu em

Cho anh xin trái môi mềm

Linh hồn du mộng trong thuyền mắt em

Cho anh phố vắng nửa đêm

Cho anh một chút mái thềm trú mưa

Cho anh gặp gỡ tình cờ

Hai giờ khuya lạnh để vừa dìu nhau

Cho anh mái tóc yêu sầu

Co anh gò má nát nhàu cô liêu

Cho anh tròn một vòng eo

Cánh tay lãng tử gày theo tuổi mòn

Thơ xuân cho cô gái làng Lim

Tâm hồn anh qua ngàn cơn động đất

Khu rừng già ngơ ngác dấu tàn suy

Rất ngạc nhiên nghe tiếng hót lưu ly

Loài chim lạ đem mùa Xuân trải mỏng

Mùa Xuân ngọt như trái cây chín mọng

Gởi môi mềm lên gò má cây khô

Cành bỗng say, rễ mục bỗng quanh co

Đem rạo rực vào lạnh lùng thớ đất

Dòng suối cạn bỗng nghẹn dâng tiếng nấc

Đá vươn vai, rêu láng ướt đôi bờ

Gần trọn đời mời gọi mãi bằng thơ

Sắp vô vọng thì tình yêu chợt tới!

Phơn phớt mưa bay, nhạt mờ nắng cuối

Quên làm nghiêm và lúng túng trẻ con

Khi thấy anh hớt hải chạy vòng tròn

Gặp khởi điểm từ yêu em trăm bận

Mùa Xuân đuối trong thủy triều xúc động

Lại thì thầm nhắc nhở mộng hồn nhiên

-Đến ngàn năm, mộng vẫn mộng y nguyên-

Cho nuối tiếc từng hẹn hò lãng mạn

Xuân ve vuốt nên lỏng dây yếm thắm

Miếng trầu thơm môi cắn chỉ đa tình

Làm học trò đi lạc tới làng Lim

Anh đổ lỗi tại thuốc lào say lạ!

Xuân Tam Cúc, kết tốt đen -Vui nhá!

Đôi xe điều – yêu em quá – đành chui

Lược thẹn thùng, chải hơi lệch đường ngôi

Khăn mỏ quạ, lúm đồng tiền hây hẩy

Xin trọn kiếp được thua em mãi mãi

Để một đời trẻ dại với mùa Xuân

Dẫu già nua, tình óng ả trong hồn

Dù cằn cỗi, yêu vẫn tràn lơi lả

Ánh mắt

Mắt rất đẹp nên mùa Thu khép nắng

Cho yêu em thăm thẳm lối hoàng hôn

Tóc buông dài nên mềm lụa thuỳ dương

Thơ tím biếc có thời gian đọng lại

Xin áo mỏng cứ hồn nhiên cỏ dại

Xin nhìn nghiêng mềm mại dáng phi lao

Để tiếng đàn lấp lánh bóng hoa ngâu

Khi tiếng hát ghé thăm vườn ảo ảnh

Búp tay nhỏ hái chùm sương mát lạnh

Sao anh nghe nín thở cả đôi vai

Từ mờ xa chưa tới cửa ngày mai

Những thao thức đã về trong chới với

Anh ngơ ngác đếm cô đơn từng sợi

Sợi nửa đêm che sợi úa trăng sao

Vùng tóc thùy dương lẫn chút mòn hao

Nên rộn rã tạm lui vào nín lặng

Ánh mắt đẹp như mùa Thu khép nắng

Tiếng lục huyền cầm gợn sóng pha lê

Tóc buông dài nên mát lối đam mê

Xin âu yếm hãy khoan đừng hé nụ

Xin giọng hát hãy khoan đừng rực rỡ

Cho ngày sau tình sử ngát trầm hương

Để khách giang hồ đêm lạnh tha phương

Mở trang sách nghe bàn tay sưởi ấm

Đừng khuya muộn cũng xin đừng mai sớm

Để lời ru còn đưa võng tình yêu

Quên hết rồi những mảnh vụn đăm chiêu

Khi bay lượn móng tay hồng bướm nhỏ

Trời xuống thấp lọt xanh vào khung cửa

Áo lụa mềm eo nhỏ đến mênh mông

Môi nhạt son và rèm mắt vút cong

Cũng e ấp như dung nhan quận chúa

Lửa hồng lạp đếm giọt rồng nức nở

Lòng âu vàng ngân nhũ cũng rưng rưng

Anh thoáng nghe tuổi mười sáu hoang đường

Vần thơ ngắn hiền lành như phấn trắng

Mắt ánh đẹp nên mùa Thu khép nắng

Tóc buông dài nên mướt lối đam mê.

Trở lại Paris

Chuyến xe bus trong ngỡ ngàng mai sớm

Đưa ta vào đón đợi cánh tay em

Em, Paris, tóc lúa mạch óng mềm

Đo ngắn lại ba mươi năm xa cách

Yêu thuở cũ, sóng dồn lên biển ngực

Tình xa xưa ghì chặt giữa vòng quay

Muốn lịm đi trong cao ngất cơn say

Khi men rượu là môi hôn bất tận

Những nghẹn cứng từ đợi chờ vô vọng

Thành vết cào rướm máu khắp châu thân

Khi đam mê lên tột đỉnh thèm thuồng

Răng cắn vỡ những mặn nồng hạt muối

Em, Paris, vò nát nhàu đắm đuối

Em, Paris, mười ngón mảnh thủy tinh

Thêm thời gian, thêm vết cứa rùng mình

Ta chết lịm giữa đôi miền hoan lạc

Phút gặp lại đếm từng giây thắt chặt

Cho tới khi lẳng lặng trải bình yên

Từ dịu dàng ấm áp rất thon êm

Từng nốt nhạc ngấn dài trên đôi má

Trong lắng xuống của hoàng hôn êm ả

Em, Paris, đại lộ Saint Michel

Em, Paris, vẫn tả ngạn sông Seine

Quán rượu nhỏ, tách cà phê để nguội

Em Paris, chuyến métro chưa tới

Nghe vàng khô lá rụng Jacques Prévert

Cầu Mirabeau của Apollinaire

Nước lờ lững bóng thời gian nhòa nhạt

Tạ từ em, anh đi vào khuya khoắt

Tìm chiêm bao ở mỗi góc nhà ga

Uống chung chai với mấy gã clochards

Để hiu quạnh cũng đong đưa chuếnh choáng

Em, Paris, tiếng phong cầm lãng đãng

Chia ngậm ngùi với ánh sáng đèn hơi

Dưới hiên mưa mái tóc ẩm nghiêng vai

Rất mơn trớn khi bàn tay khao khát

Em, Paris, chuyến métro thứ nhất

Trời xám mờ, sương đọng giọt ban mai

Những bánh xe trên lối ướt thở dài

Ta hụt hẫng như không còn điểm tựa

Nhớ bấp bênh và quên trong luyến nhớ

Nửa linh hồn bỡ ngỡ giữa hoài nghi

Ta bây giờ trong độ lượng Paris

Thân tỵ nạn cũng xin đành nhỏ bé

Ta trở lại bây giờ làm chim sẻ

Uống nâng niu từng chút tự do em

***

Yêu em, Hà Nội và những bài thơ khác

Phạm Việt Cường – Nguyễn Xuân Thiệp      

Đôi dòng về tác giả

Hoàng Anh Tuấn sanh ngày 7-5-1932 tại Hà-nội. Ngoài làm thơ, viết văn, viết kịch (Ly Nước Lọc, Hà Nội 48), du học ngành điện ảnh tại Pháp. Khởi viết từ những năm đầu thập niên 1950. Ngoài thơ, họ Hoàng còn cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báo ở Saigòn trong nhiều vai trò khác nhau. Về lãnh vực điện ảnh, trước tháng 4, 1975, Hoàng Anh Tuấn đạo diễn khá nhiều phim. Trong số này, cuốn phim “Xa Lộ Không Ðèn” được nhiều người biết đến nhất. Sau thời gian đi tù vì bị khép tội hoạt động chính trị chống nhà nước CSVN, ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ năm 1981. Ðầu năm 2006, một số thân hữu đã xuất bản thi phẩm “Yêu em Hà Nội và những bài thơ khác” của ông. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn từ trần ngày 1 tháng 9, năm 2006, tại San Jose. Ðược biết, nhà văn Thu Thuyền, là ái nữ của ông.

Mở

Khi nhà thơ Nga Maldelstam trở lại vùng Petersburg, ông không tìm thấy những người quen và khung cảnh cũ nữa, dù những ngọn đèn đường vẫn vàng ệch như “lòng trứng đỏ”. Ông đã thức tay, chờ đợi. Những người thân yêu của ông không bao giờ Hoàng Anh Tuấn làm một nhà thơ may mắn hơn. Những kỷ niệm của ông tươi sáng và hạnh phúc hơn nhiều, tựa như khối ngọc lấp lánh mãi trong giấc mơ muôn sắc màu huyền ảo của riêng ông. Những ấn tượng của ông về Hà Nội, ngay vào lúc vừa bắt đầu đời sống, như hơi thở, như máu huyết ông. Đẩy cánh cửa sổ của San Jose ra, lập tức nhà thơ của chúng ta đã ở ngay giữa lòng Hà Nội lãng đãng Thu vàng. Ông chỉ cần khẽ đưa tay ra là có thể chạm vào “tà áo vân nền nã” của Hà Nội thanh lịch. Chỉ cần nghiêng đầu lắng tai một chút, nhà thơ có thể nghe ra tiếng xôn xang của vòng bảy chiếc trên cườm tay ngà Hà Nội, hay tiếng rao quà nơi cuối Sinh Từ, hoặc nao nao mà nhận ra tiếng con chim vành khuyên vẫn hót bên cửa sổ ngôi nhà cũ. Chỉ cần nhắm mắt tưởng tượng là nhà thơ có thể nếm trải đủ mùi vị chua ngọt của quả nhót hay quả sấu năm nào… Mà tâát cả những cảm giác sống động này đều được bao bọc trong một không gian thấm đẫm mùi hoàng lan hay mùi hương cốm mới…

Với nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội không chỉ còn là một địa danh, một thành phố, mọât thủ đô hay chỉ đơn thuần là nơi ông sinh ra và lớn lên. Ông đã nhân hình hóa Hà Nội thành một con người bằng xương bằng thịt… Nói đúng hơn, đó còn là tên gọi khác của người thiếu nữ xa xưa đã phả vào tâm hồn ông khói sương lãng mạn của mối tình đầu. Đồng thời một cách vô thức, ông đã đồng nhất hóa tình yêu của ông với người con gái năm xưa, với tình yêu Hà Nội. Hà Nội chính là Em. Tình yêu Em chính là tình yêu Hà Nội. Không thể tách rời hay phân biệt. Cái cách ông gọi thành phố tuổi trẻ của mình mới trân trọng và âu yếm làm sao, qua tựa đề bài thơ: Yêu Em, Hà Nội.

Những bài thơ của Hoàng Anh Tuấn là cuộc hành trình trở về quê hương, với tuổi thơ, với mối tình đầu thơ dại, bằng sự hoài vọng của một tâm thức trong sáng, thiết tha, đôn hậu. Dù ở chân trời góc bể nào, ông vẫn mang theo những hình ảnh, những âm thanh, những mùi hương mà đời sống và tình yêu đã dâng tặng cho ông thuở nào. Và trong chuyến đi rời xa Hà Nội trong một quãng thời gian lâu dài đến vậy, băng qua những kinh thành rực rỡ ánh đèn hay qua những thủ đô náo nhiệt ngựa xe, qua những nơi chốn từng dung dưỡng ông dọc đời sống… ông vẫn không hề lãng quên góc cổ thành ngàn năm văn vật của riêng ông. Những đỉnh nhà chọc trời cao vút kia không che nổi một góc trời quê cũ. Năm tháng và sự cách xa quyện vào nhau thành một thứ phù sa kỳ lạ, bồi đắp thêm mãi vào tâm hồn ông những lớp dưỡng chất tình yêu màu mỡ. Những ấn tượng thời mới lớn đã khắc ghi vào tâm hồn ông hình ảnh một đất thánh huyền hoặc, tạo thành bối cảnh chính cho những thi ca ông, suốt đời.

Mãi mãi Hoàng Anh Tuấn đứng trên ngọn tháp thanh xuân cao ngất, với những giấc mơ đẹp đẽ đó mà ngắm nhìn thế giới. Xuyên thấu qua lớp khói sương phôi pha của thời gian, ông nhìn thấy thật rõ bầu trời Hà Nội năm xưa, nhìn thấy trọn vẹn mối tình thơ ngây và nhìn thấy chính dáng điệu của mình, vẫn hệt như mấy mươi năm xưa, không hề thay đổi. Chưa bao giờ nhà thơ đánh mất Hà Nội, tình yêu và tuổi trẻ! Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Tất cả như một bài ca đan dệt vào thời gian, cứ dạt dào mãi, không bao giờ tắt nghỉ.

Hoàng Anh Tuấn khác với nhà thơ Nga yểu tử Maldelstam, vì sức mạnh của mối tình Hà Nội đã thu ngắn khỏang cách không gian và thời gian, như thể đối với ông, cuộc chia tay chỉ mới xảy ra chiều hôm trước. Nếu ông có dịp một lần nữa, trở lại đứng lóng ngóng chờ ai, bên lề đường cỏ xanh năm cũ, trong một sớm mai nào đó… thì xin ông hãy yên lòng, vì tôi tin chắc rằng nàng công chúa của ông lại sẽ đi ngay. Giống hệt như cũ. Như lần ông mười bảy chia tay Hà Nội. Như thể bốn mươi mấy năm chưa hề trôi qua kể từ buổi tinh sương mộng mị đó. Và ông tin đi, lần này có lẽ nàng sẽ dừng lại, sẽ nhìn ông lần đầu tiên và đưa bàn tay ngà cho ông cầm lấy, hệt như điều ông mơ ước: Hà Nội yêu, xin cầm tay lần nữa.

clip_image007

Về Provins

Em lại về Provins
Qua sân ga ngái ngủ
Qua chiếc cổng gỗ nhỏ sơn xanh
Qua nhịp cầu sắt gỉ
Qua dãy phố già nua

Và bâng quơ

Em lại cười – như thuở trước mỗi lần qua đây –
Có gì đâu ! Vẫn là nắng rất tầm thường, rất giản dị
Nắng nhỏ như cây kim
Nắng nhạt màu như nước suối

Em vẫn cười !

Nhưng chẳng còn đắm đuối
Khi đượm ngọt tình hoa

Vâng ! Em vẫn về đây

Tuy năm tháng đã hao gầy đi ít tuổi
Những khẩu hiệu vôi trên tường đã đổi
Mái tóc đậm màu hơn, thơm hơn
Nhưng lơ đãng với bàn tay gió thổi
Và nội cỏ những ngày hè.
Irène ! Đừng cười nữa em

Tiếng chuông nhà thờ Sainte Croix
Đã bớt là tiếng chuông hôm qua !

Và Provins, và em, và anh đã đổi
Như những giọt mưa
Như những ngón tay trên phím đàn piano
Như những lá thư viết vội
Như những tấm ảnh mừng tuổi đầu năm
Như những gì sẽ đi qua một lượt
Khoác trên vai một tấm áo tơi
Như khói thuốc lá
Như khói trong hơi thở mùa đông
Như những bàn tay tàn trong mùa khói lửa
Như những gót chân không còn nữa
Trên lối hẹn trở về
Và nội cỏ hoang trong những buổi đầu hè.

Irène ! Anh chỉ muốn một mình anh cười,
Như khi nhìn dân cười xanh biếc,
Như khi xem Tuyến, Lữ, Sa đóng kịch
Bên sân đình làng Sêu,
Như thấy lửa thêu hồng mái tóc người Hà Nội
Trong một đêm bật máu những làn môi
Xác người rơi bên xác lá rơi.

Nhưng anh chỉ cười một nửa
Riêng phần dư anh khóc như trẻ thơ
Khóc như mẹ lạc con
Khóc như ngày trở về Hà Nội cũ
Vắng mặt Liêm và những bạn cùng đi

Anh khóc sẽ chẳng bao giờ còn những buổi biệt ly

Nguội mấy tách cà phê
Tàn điếu thuốc lá

Anh khóc Paris chiều Noël gã lính say mềm

Gã khoe giọt nước mắt đầu tiên
Và câu chuyện tình đã úa

Anh khóc trên tàu biển, người Do thái mơ quê hương

Bên lề đường tội lỗi

Anh khóc gã lái xe thuê mượn nhờ quê hương kẻ khác

Để thoát nợ đấu tranh
Để giữ vẹn toàn một niềm riêng ích kỷ.

Anh khóc chẳng biết sao anh khóc
Anh chỉ nhớ nhiều lần em cũng khóc như anh

Vì mái tóc em vàng
Vì mái tóc anh đen
Vì anh trai em đã bỏ mình ” bên ấy ”
Vì Ba em và thôn làng đã cúi đầu oán hận
” Một giống người ” đã cướp đứa con hư
Vì em buồn
Và bao nhiêu kẻ khác cũng buồn như em :

Những mái tóc đen
Những mái tóc vàng

Vì Ba em say rượu
Vì Măng em thiếu tiền mua sữa
Vì em thiếu áo mặc đến trường
Vì Paris vẫn có người chơi cá ngựa !
Vẫn có người cười hát thâu đêm
Điệu nhạc Jazz nô lệ lũ người đen
Vẫn điên dại những luồng chân trác táng
Champagne ! Whisky ! Vũ nữ khoả thân ! Ánh sáng !
Vẫn có người chết lạnh giữa đống rẻ hôi
Và những đứa trẻ con mơ một chút đồ chơi
Khi cha mẹ đã mất việc làm từ mấy tháng
Khi Père Noël thăm những đứa trẻ con giàu !

Em quay đi khi thấy những bàn tay nâu,
Đồng tiền nhỏ không đủ che vết sẹo

Em cúi đầu kể lể
Và em khóc

Nước mắt em như rửa trắng cánh bồ câu
Của những ngày nắng hè thơm cỏ nội !
Em khóc mùa Muguet

Vì bó hoa thơm nhẹ
Vì chuông hoa trắng nguyên
Vì lá Muguet xanh
Vì bàn tay của kẻ bán hoa – lũ trẻ nghèo –
Nẻ, rạn màu da
Vì bước chân của những kẻ đi qua
Tránh gặp gỡ bước chân nghèo quanh quẩn
Vì ở Champs-Elysées sang trọng
Cũng bó hoa Muguet trắng tinh, thơm nhẹ
Hương thiên nhiên chết yểu giữa mùi nước hoa

Của những chiếc mùi xoa
Của những màu chăn đệm
Của những chiếc lọ hoa xinh xinh, nho nhỏ
Để trên bàn đêm cho đẹp giấc chiêm bao !

Irène ! Anh đã biết vì sao lòng anh đã khóc
Cũng như anh đã biết vì sao em quý mảnh khăn xanh

Chiếc khăn thuở nào là manh vải
Như miếng vải lau xe của những kẻ giàu
Một miếng vải xanh đã cũ, đã bạc màu
Nhưng cũng đủ chít mái đầu thiếu thốn
Nhưng cũng đủ cho mái tóc vàng của cô gái thêm xinh
Vài đường thêu, sao mà giống lá thư tình
Của những kẻ đã lâu rồi thông cảm !

Anh nhớ em
Anh nhớ mảnh khăn xanh
Anh nhớ lòng người bạn

Khi say sưa ôm tấm áo mùa đông
Người bạn anh say tình yêu dân tộc
Say bàn tay cô gái vô danh
Say ý đời ngát mở
Ghì bóng sáng mà say !

Trên nẻo đường kháng chiến
Cũng như trên những nẻo đường gai
Có những bông hoa cảm thông nở đẹp
Và lòng bạn anh hình như có nắng một mùa hè !

Nắng hè Provins thơm hương mùi cỏ nội
Đẹp như con đường giải ốc làng Sêu !
Có cô thôn nữ cười bên bờ giếng
Irène cười bâng quơ
Cười như Tuyến theo du kích vào Trầm Lộng
Cười như Sa, Lữ về đóng kịch Chu Me
Cười như anh bạn phòng thông tin
Cười khi viết xong bản truyền đơn trên phiến đá
Irène cười có khác gì không nhỉ ?
Em cười khi thấy kẻ khác cười :
Thằng Jeannot, thằng Phil và con Marthe
Mỗi đứa một củ khoai to !
Những khuôn mặt gầy tươi như lá mới
Sao em cười mà nước mắt long lanh ?
Sao em cười mà lòng anh nức nở ?
Bên quách thành đổ vỡ
Có một tiếng cười vừa đủ dấu đau thương.

Có ai về ngang cầu sắt nhỏ để nghe giọng cười vương
Của Irène, của tôi và của màu nắng mới

Cười bâng quơ bên mấy nẻo cuộc đời

Chắc có kẻ cũng cười

Trong giấc mơ sáng sủa
Trong xưởng thợ tối tăm
Dưới bóng cây xanh
Trong màu khói than hôi

Mơ thằng Jeannot, thằng Phil và con Marthe của mình

Có những củ khoai to nóng hổi !
Cũng như Irène và tôi
Có những người thổn thức
Nắm chặt lấy bàn tay

Hay cúi đầu máu căn thừa trên cặp má đỏ gay !

Irène đừng hỏi nữa !
Anh biết em muốn hỏi những gì
Anh biết em khao khát than thở
Anh biết em muốn khóc ướt vai anh !

Ngừng đi em những gì đang tan nát
Và những gì đang ngạt thở rưng rưng !

Cười đi em !
Cười cho rõ tiếng
Như dấu chân người trên cát trắng ban mai
Như nét gạch ngang xoá bỏ

Như một dạo em cười khi chúng mình mơ ước lấy nhau !

Nhưng chỉ cười một nửa
Còn phần kia để làm giàu cho tình cảm Provins !

Có phải bữa nay chiều thứ Bảy
Phiên chợ Provins ?

Irène ! Mua cho anh một con chỉ ấm vàng
Em đừng hỏi “để làm gì ? ” như em vẫn hỏi
Anh sẽ trả lời – dĩ nhiên anh nói dối – :
” Để so với màu tóc em ! “

Mà đôi khi
Khi tóc em vàng mát rượi

Anh cũng so màu sao với mớ tóc của em !

Cũng như anh so màu khói đục với lớp sương khuya
So màu trăng chiến chinh với vành khăn tang tóc
Anh so quân y viện với buổi chiều Provins
Anh so anh với anh giữa thời gian môi giới
Anh so chiều đại hội với những vị hành tinh
Anh so những chiến binh xưa kia là thợ mỏ
Với những anh thợ mỏ đang sắp thành chiến binh
Anh so mùa thanh bình
Với cánh chim hay với cành lộc biếc !
Irène cười
Như em vẫn cười khi nghe anh kể lể
Anh cũng cười

Vì có lẽ cũng như em !

Tiếng chuông nhà thờ sao có chút gì vui

Như một niềm tin cậy
Như hứa hẹn nắng hè
Như có chim, có hoa
Như ngày 14 tháng 7 thật thà

Qua dãy phố già nua làm dỏm
Irène cười bâng quơ
Nụ cười đẹp như bài thơ
Nụ cười xinh như đời tỉnh nhỏ

– Khi cuộc đời nguyên vẹn là cuộc đời ! –

Có những bông hoa nở trên tay hân hoan
Có những bàn tay vuốt nhẹ thỏi thép, hòn gang
Mơ rèn sắt thành những guồng máy đẹp !

Và Lữ sẽ còn yêu đóng kịch
Và Sa vẫn còn muốn thêu thùa
Tuyến ngày xưa cặp mắt vẫn nghịch đùa
Pha thi vị vào những nguồn tin tưởng !

Liêm và các bạn cười

Vì mộng các anh thực hiện
Dù vắng các anh nhưng lũ bạn còn đây !
Còn sống đây để hát
Còn sống đây để sống những bài thơ !

Irène ! Chúng mình đã hết bơ vơ
Tuy chúng mình chưa bao giờ riêng lẻ
Nắng Provins sao giống nắng làng Sêu !

Chiều nay em về
Qua chiếc cầu sắt gỉ
Qua chiếc cổng gỗ nhỏ sơn xanh
Và nhà ga
Và con tàu lúc lắc !

… Hay bụi ruối, ruộng dâu
Hay con đường nâu
Hay bến đò sang Đặng
Hay con đò chở nặng

Những em nhi đồng Mai Hắc Đế về thủ đô
Irène ! Cười đi em
Khi tất cả cùng cười lên một lượt :
Thằng Jeannot, thằng Phil, con Marthe và tất cả loài người !

Vui nhau cười
Như trong đêm đại hội
Có những bó Muguet
Có những chiếc khăn xanh sột soạt
Và rất nhiều đồ chơi

Cho tất cả trẻ con từ Paris đến Hà Nội
Vì Père Noël của tất cả mọi người.

clip_image009

Hoàng Anh Tuấn (1954)

+++

Khép

Này y nguyên thuở cơ hàn

Mắt xanh rêu ngủ giấc vàng cỏ khô

Từ yêu em tới bây giờ

Tay cầm tay vẫn sững sờ đầu tiên

Vẫn thèm vai xõa tóc mềm

Thấy nghiêng nghiêng thủy triều lên nửa hồn

Nghe xao xác lụa tà huân…

(Nghi Lễ Đăng Quang cho Thy Liên)

Bài lục bát trên đây là của Hoàng Anh Tuấn. Đó là những năm sau 1965 ở Đà Lạt. Thuở ấy có Đỗ Long Vân, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý… và Trịnh Xuân Tịnh siết bao thân thiết. Tôi được đọc bài lục bát của Hoàng Anh Tuấn đăng trên báo Văn ở Sài Gòn với lời đề tặng Ngô Thy Liên. Đọc và nhớ tới bây giờ (còn thiếu mấy câu chót, nhưng không sao). Một bài thơ còn đọng lại trong trí nhớ sau mấy chục năm dâu biển, ắt hẳn, phải là một bài thơ hay. Ngày ấy, tôi nghĩ đây là một trong những bài lục bát giá trị nhất ở vào thời kỳ văn học Việt Nam chuyển hướng, đi tìm những khám phá mới. Hồi ấy, không ai là không biết đến lục bát Cung Trầm Tưởng. Biết rồi mê: Bù em một tháng trời gần / Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi / Bù em góp núi chung đồi / Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ / Bù em xuôi có ngàn thơ / Vẫn nghe trắc trở bên bờ sông Thương / Thôi em bông đã phai hường / Mà nay tiếng gọi nghe dường thiên thu / Non sông bóng mẹ sầu u / Chiều nghiêng cửa sổ buồn lu mái sầu… Hồi ấy, tôi cũng thường nghe Sơn đọc mấy câu lục bát của Hoàng Trúc Ly, về ca sỹ Thanh Thúy: Từ em tiếng hát lên trời / Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh / Sợi buồn chẻ xuống lòng anh / Bỗng nghe da thịt tan tành xưa sau…

Trở lại lục bát của Hoàng Anh Tuấn. Cho tới hôm nay, sau khi Thu Thuyền đưa cho đọc một số thơ của Hoàng Anh Tuấn, tôi vẫn nghĩ  Hoàng Anh Tuấn đặc sắc nhất trong những bài lục bát. Ở những bài này, ý thơ cô đọng hơn, ngôn ngữ thơ tinh chất hơn. Như bài sau đây:

Chiều thơm gỗ cũ

Hương còn ngấn ẩm trên môi

Ươm hơi rừng cũ

Đượm mùi gỗ xưa

Mượt lá đợi

Óng rêu chờ

Sững im cương thạch

Quanh co ôn tuyền

Vâng. Tôi có biết một số người thích Mưa Sàigòn, Mưa Hà-nội song đó chỉ là thích qua nhạc và tiếng hát ca nhân. Với tôi, lục bát của Hoàng Anh Tuấn mới thể hiện hết những vẻ đẹp cấu trúc ngôn từ và cảm xúc.

Bài Mới Nhất
Search