T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 123)

clip_image002

 

Chữ nghĩa làng văn

clip_image004

Stephen Edwin King, sinh năm 1947, là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, kinh dị nổi tiếng của nước Mỹ. Ông được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm đã được chuyển thể thành phim như :

Stand by Me, The Shawshank Redemption The Mist

Tiếng lóng hiện thực

Im như con chim

Chữ nghĩa làng văn

Nhân vật

Việc xây dựng nhân vật có thể tóm gọn ở hai việc: quan sát cách xử sự của nhân vật và kể lại cho độc giả những gì bạn nhìn thấy. Công việc của bạn là đặt chiếc camera vào nhân vật đó.

Nếu bạn mang được những hình ảnh trung thực này vào truyện của bạn, nó có thể không giúp bạn dễ dàng tạo được những nhân vật thật xuất sắc, nó sẽ ngăn chặn bạn đẻ ra những nhân vật rõ ngớ ngẩn nhan nhản trong các truyện bình dân.

(“Đối thoại” và “Nhân vật” – Stephen King)

Chữ và nghĩa

Trời nắng rồi trời lại mưa,
Tính nào tật nấy có chừa được đâu.

Từ “Ngô”

Năm 196, nước Trung Hoa tan rã thành nhiều sứ quân khởi đầu cho cho thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa: Phía bắc Tào Tháo lập nhà Ngụy. Lưu Bị tại Tứ Xuyên lập ra nhà Thục (Thục Hán). Ngô Tôn Quyền ở Nam Kinh lập ra nhà Ngô (Đông Ngô).

Quận Giao Chỉ lúc đó nằm trong tay Thái thú Sĩ Nhiếp.

Năm 248, quân Ngô xâm lấn nước ta cử Lục Dật làm Thứ sử lãnh chứ An Nam hiệu úy. Danh từ An Nam lần đầu tiên xuất hiện từ thời nhà Ngô (Tam Quốc Chí – Ngô thư – Sĩ Nhiếp truyện) & (Bà Triệu đánh đuổi quân Ngô thời kỳ này).

Trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, năm 1368, chương XLVIII, từ đời Trần, vua Trần Dụ Tông nói về cấm người nước ta không được học theo các tiếng nói  và phục sức của nước Ngô (tức nhà Minh – vì trước đó vào thời Trần, nhà Nguyên đô hộ nhà Minh với ăn mặc của rợ Hồ) để làm loạn phong tục ở trong nước.

(Sử gia Lê Mạnh Hùng – Nhìn lại sử Việt)

Văn sử với truyền thuyết (4)

Nhị Trưng phu nhân

Sử ký ta viết về Hai Bà Trưng (1) bấy lâu nay dựa vào Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, một tác giả thời Trần soạn vào năm 1337. Văn tự chữ nghĩa viết vế Hai Bà còn ghi lại được, có thể nói tóm tắt là có từ thế kỷ XIV đến nay.(Trước đó hẳn cũng đã có nhiều, chẳng lẽ một triều đại nhà Lý với một nên văn hóa văn chương rực rỡ hơn 200 năm, từ thế kỷ thứ XI, không có lấy dăm bài thơ về Hai Bà?).

Sau đây là những trích dẫn một “chân dung và tiểu sử sơ lược”  trong Lĩnh Nam Chích Quái với tựa đề: Nhị Trưng phu nhân.

Sử chép: Bà chị tên Trắc, bà em tên Nhị, vốn họ Lạc, người, người làng Mê Linh, Châu Phong. Bà chị là vợ Thi Sách ở châu Diên. Tô Định giết chồng bà. Bà chị phẫn nộ cùng với em gái nổi dậy đánh đuổi quân Tàu. Hai Bà bình định được 60 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, đóng đô ở Châu Diên. Lúc bấy giờ Tô Định chạy ra Nam Hải, vua Vũ Đế nhà Hán được tin, cách chức y, rồi sai hai tướng là Mã Viện, Lưu Long đem đại quân sang đánh đến Lãng Bạc.

Phu nhân bị thế cô phải tự tử, dân thương cảm lập đền thờ ở huyện An Hát.

Vua Anh Tông nhà Lý, nhân trời đại hạn, truyền Uy Tịnh thiền sư cầu đảo, chỉ trong một ngày mưa xuống chan hòa. Vua mừng quá, liền qua xem hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mày liễu quần hồng, mão đỏ, cỡi ngựa sắt bay trong mưa mà chạy ngang.

Vua hỏi thì hai thần nhân trả lời:

– Thiếp là em Nhị Trưng, phụng mệnh Trời làm mưa đây.

Vua tỉnh dậy mà cảm, lập đền thờ, sắc phong hai bà làm Nhị Trưng phu nhân. (Truyện 30, theo bản dịch của Lê Hữu Mục).

(1) Có hơn một “học giả” di tản đã gán ghép Hai Bà Trưng là con cháu Hùng Lạc tướng quân, “dòng dõi Lạ Long Quân”.

(nguồn Thiền sư Lê Mạnh Thát)

Địch – Ta (5)

Sáng dậy tỉnh ra

Nằm cạnh bên ta

Tưởng ngủ với…”ta”
Té ra là địch.

Nang

Nang ; cau

(mo nang)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Tối linh từ

Ông ích Khiêm, được cử giữ chức Tiễu phủ sứ, vâng lệnh cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý dương Tài, ở hồ Ba bể, khi trở về qua Hà thành cho lập một ngôi đền thờ những tướng sĩ trận vong. Ông sai người đến xin Yên Đổ mấy chữ để đề ngoài cổng đền, người này kể lể “quan Tiễu muốn làm đền cho lính tôi”, ra vẻ tự đắc mình cũng là hàng tướng tá. Yên Đổ cho ba chữ: Tối linh từ
Ông Tiễu cho là chữ quá ư tầm thường, có biết đâu Yên Đổ đã nói lái: “tối linh là lính tôi” cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Giai nhân di mặc

clip_image006

Những bài thơ Nôm đầu tiên được coi là của Hồ Xuân Hương, xuất bản ở Hải Phòng, năm 1913, như một tài liệu không chính thức. Bốn năm sau, năm 1917, Đông Khê Nguyễn Hữu Tiến xuất bản Giai nhân di mặc, toàn những chuyện hư cấu… trong đó có chuyện Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương… dĩ nhiên, cũng là những “hư cấu”. Ấy thế mà có nhà phê bình lại dựa vào đó mà soạn ra Thân thế và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương và đánh giá thơ văn của bà, như một tác giả chính thức và tác giả đó có mặt thực sự trong đời sống xã hội. Thấy bán được, các nhà xuất bản tiếp theo in thơ Hồ Xuân Hương như một tác giả “có thật” và số bài mỗi lần in một tăng lên, cuối cùng đến hơn 200 bài.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nam nói dai, Bắc cho là lải nhải

Nam kêu xe hơi, Bắc gọi ô tô

Nam xài dù, thì Bắc lại dùng ô

Nam đi trốn, Bắc cho là lánh mặt

Những cộng sự viên khác không ở trong tòa soạn và Tự Lực Văn Đoàn:

Cù Huy Cận bút hiệu Huy Cận (thơ mới).

Trần Tán Cửu bút hiệu Trọng Lang (phóng sự).

Đoàn Phú Tứ (thơ và kịch).

Đỗ Đức Thu (tiểu thuyết).

Lê Thạch Kỳ bút hiệu Chàng thứ 13 (khoa học).

Trần Tiêu (tiểu thuyết).

Thanh Tịnh (tiểu thuyết).

Phạm Cao Củng bút hiệu Phạm thị Cả Mốc (thơ khôi hài).

Nguyễn Khắc Hiếu bút hiệu Tản Đà (dịch Đường thi).

Bùi Hiển (truyện ngắn).

Tô Hoài (truyện ngắn).

Nguyễn Lan Hòa bút hiệu Huyền Hà (Truyện dịch)

Nguyên Hồng (tiểu thuyết).

Đinh Hùng (tranh khôi hài).

Nguyễn Công Hoan (truyện ngắn).

Vi Huyền Đắc (kịch).

Mụ Béo Saigon (không biết tên thật).

Nguyễn Tường Bách (thơ và truyện ngắn)…

Nguyễn Lan Hòa bút hiệu Huyền Hà (Truyện dịch)

(Phạm Thảo Nguyên – Bếp Núc của Tự Lực Văn Đoàn)

Đối thoại

Đối thoại mang giọng nói cho nhân vật của bạn, nó cũng là nhân tố biểu hiện tính cách nhân vật. Nhưng chỉ những gì nhân vật làm mới cho ta hiểu rõ về nhân vật. Lời nói chỉ tiết lộ phần nào đó.

Đối thoại hay sẽ chỉ ra nhân vật của bạn sắc sảo hay ngớ ngẩn, trung thực hay giả dối…

Đối thoại dở sẽ giết chết tác phẩm.

(“Đối thoại” và “Nhân vật” – Stephen King)

 Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Lễ chung thất

Theo “Thọ mai gia lễ”, thì cứ đúng ngày quy định trong gia lễ mà làm, không có sự chuyển dịch tuỳ tiện theo lời thầy lễ hay thầy bói nào cả. Chỉ trừ ngày làm lễ an táng và ngày làm lễ trừ phục (hết tang) trong gia lễ có ghi chọn ngày lành. Người ta không ai có thể chọn ngày chết, vậy nên từ xưa tới nay, hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ, dù cho có những năm, ngày đó rất xấu, có cả trùng phục, trùng tang, sát chủ, quả tú, cô thần.v.v… theo gia lễ:

Lễ chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Đại tường cứ theo đúng ngày mà làm lễ.

Con cháu ở xa nhớ ngày về làm lễ, thân nhân ở chỗ khác sắm sửa lễ đúng ngày tới dự, chẳng lẽ đến nơi thấy hương lạnh khói tàn, gạt nước mắt lủi thủi ra về hay sao? người chủ sự báo lại rằng: theo lời thầy lễ đã lễ xong xuôi đâu đấy rồi, hoặc đợi thêm và ngày nữa, được chăng?  Xin lưu ý tang tế theo ngày định sẵn, thân bằng, cố hữu ai lưu luyến đến thăm viếng, không chuỵện “Hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” (mời thì đến, không thì thôi).

Phở xuất hiện lúc nào? (8)

Tìm kiếm trong văn chương và ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta cũng có được vài dấu vết. Thi sĩ Tản Đà đã sống ở Hà Nội khoảng 1907. Trong bài “Đánh bạc” của Tản Đà được viết vào khoảng 1915-1917 có đoạn:

“(…) Trời chưa sáng, đêm còn dài, thời đồng tiền trong tay, nhiều cũng chưa hẳn có, hết cũng chưa chắc không. Tất đến lúc đứng dậy ra về, còn gì mới là được (…) Có nhẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức đêm ăn nhục phở (1)

(1) Tản Đà . Tản Đà Tản Văn. Hương Sơn, Hà Nội, 1942. Đánh bạc, bài 21, tr.86.Trong tập này, một số bài đã đăng ở Đông Dương tạp chí. Phạm Quỳnh đề tựa 1918.

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

Rượu Napoléon (2)

Không biết vì lý do gì, hãng rượu Martell có chai Napoléon Special, Remmy có chai Napoléon. Cả hai đều nằm giữa VSOP và XO, tuy nhiên hai chai này ít thấy. Trừ chai The Cognac of Napoléon của Courvoisier có tuổi rượu từ 15 đến 34 năm.

Ngoài ra còn một hãng rượu nhỏ tên Napoléon. Hãng rượu Napoléon còn dưới cấp những hãng nhỏ như Camus, Otis, Delamain, Hin, Otard, v…v…

clip_image008

 

Hãng rượu tên Napoléon được nhiều người nhắc đến vì…rẻ tiền.

 

 

Tiếng lóng hiện thực

Già như quả cà.

Rượu trong văn học (1)

Người Việt ta chịu ảnh hưởng của Nho gia, nên kẻ có học ngày xưa được coi thuộc dân lịch lãm thời phải biết uống rượu, làm thơ, đánh đàn, chơi cờ (cầm, kỳ, thi, tửu)… Uống rượu nhiều được phong tặng là đệ tử Lưu Linh. Chính vì vậy mà các nhà văn, nhà thơ trước đây của chúng ta thường có những bài nhuốm mùi men rượu là thế.

Nguyễn Khuyến thường mượn rượu nói dùm mình:

“Câu thơ được chửa, thưa rằng được.
“Chén rượu say rồi nói chửa say.
“Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
“Nghĩ ra ông sợ cái ông này.”

(Cảm hứng 1)
“Hé miệng nói ra gàn bát sách,
“Mềm môi chén mãi tít cung thang.”

(Tự trào)
“Rượu ngon đến bữa nghiêng bầu giốc
“Chữ dại đầu năm sổ túi ra.

(Xuân hứng)
“Khi buồn chén rượu say không biết
“Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa

(Túy cảm)
“Thơ Lý ngâm nga khi mở quyển
“Đàn Nha tình tính lúc lần dây
“Đem cờ vua Thích vui bè bạn
“Mượn chén ông Lưu học tỉnh say

(Nhân sinh thích chí)
“Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu
“Khi buồn ngâm láo một câu thơ

(Lão cảm)
“Mùi thế thử chơi không chếnh choáng
“Giọng tình mới nhắp chửa say sưa

(Tặng bạn mở ty rượu)
“Chén chú chén anh chén tôi chén bác
“Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu

(Hỏi ông phỗng đá)

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search