T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Hoàng Hải Thủy

clip_image001

Tiểu sử

Tên thật: Dương Trọng Hải. Bút hiệu: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hồ Kỳ Nhân, Văn Kỳ Thanh, Hạ Thu, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn.

Sinh ngày 1.3.1930 tại Hà Đông, Bắc Việt – Hiện đang ở Virginia, Hoa Kỳ.

Tác phẩm

Kiều Giang: phóng tác Jane Eyre của Charlotte Bronte – Đỉnh Gió Hú: phóng tác Wuthering Heights của Emily Bronte – Như Chuyện Thần Tiên, Người Yêu, Người Giết: phóng tác một số tiểu thuyết điệp viên James Bond 007 của Ian Fleming.- Nổ Như tạc đạn – Định Mệnh Đã An Bài

 

Nói có sách

clip_image003

CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG. Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ. Tác giả Viên Linh. Nhà Xuất Bản Khởi Hành ấn hành năm 2000. Trang 56-57. Trích:

Vũ Hoàng Chương từ lúc khai bút đến khi gác bút, là hiển lộng duy nhất của Thơ Mới, vượt tất cả những tài năng của Thơ Mới, cả Bắc lẫn Nam, khai triển thêm các kích thước khác, trở thành thi bá của thế kỷ XX của Việt Nam. Những gì Hoài Thanh Hoài Chân viết về Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư trong THI NHÂN VIỆT NAM, xuất bản năm 1941, xét ra không cần viết thêm nữa. Những người đó đã lên tới đỉnh từ trước đó. Từ đó về sau, họ không hay hơn, nếu không nói là ngược lại.

Vũ Hoàng Chương không như vậy. Ông cũng đã lên tới đỉnh, như mấy người kia, với THƠ SAY, như Hoài Thanh viết trong cùng một cuốn sách. Từ đỉnh ấy, ngay từ Hà Nội năm 1954, ông xuất bản Rừng Phong là một đỉnh khác. Thế rồi “con chim bằng cất cánh bay về Nam Minh”, Vũ Hoàng Chương lên cao bằng một đỉnh khác: NHỊ THẬP BÁT TÚ. Thơ ông trong hai thập niên ‘60, ‘70 trở thành ngọc trác kim khôi về phương diện nghệ thuật. Ông bỏ xa những người đồng thời ở phương Bắc, đang cục mịch đi vào chủ nghĩa hiện thực, lại là hiện thực tô hồng, hiện thực phê phán. Vũ Hoàng chương đi vào ngôn ngữ. Đi vào Thiền. Vũ Hoàng Chương ca ngợi khoa học, bay vào không gian vị lai…

Trên đây là một trong những lời viết về Thi sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG của tác giả Viên Linh trong quyển CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG, 200 trang, bìa đen, giấy vàng, trình bày đẹp. Cầm quyển sách tôi nghĩ chắc là không có một lỗi chính tả nào trong quyển biên khảo văn học này.

Trước 1975, những trang sách báo Sài Gòn được anh em thợ sắp chữ, văn huê là ấn công, sắp chữ bằng tay, qua nhiều lần sửa nhưng khi in ra thường vẫn có cả đống lỗi viết sai. Những ký giả xưa thường đổ lỗi chữ viết sai cho anh em sắp chữ và gọi đó là “phốt ti-pô”. Bây giờ đa số tác giả viết bằng computer, nếu bản văn có chữ viết sai, đó là lỗi tác giả, không còn đổ cho ai được.

Liêu lạc bi tiền sự.. Chi li tiếu thử thân.. Đêm Rừng Phong yên tĩnh, an ninh chăm phần chăm, phòng ấm, đèn vàng, đọc sách rồi tôi tỉ mẩn tìm những lỗi chính tả trong quyển sách mà tôi nghĩ là không có một lỗi. Tôi ngạc nhiên khi tìm thấy những lỗi này:

Chiêu Niệm Văn Chương trang 105, bài Túy Hậu Cuồng Ngâm:

Nhớ thưở xưa chưa có ta hề đường đi thênh thang
Kịp tới khi có ta hề chông gai mông mênh
Cuồng vọng cả mà thôi bốn phương hề vướng mắc
Ba mươi năm trên vai hề
Lều nát hề trơ vơ ngõ mưa lầm lội
Trăng lạnh đến mở hồn đêm hề le lói

Vũ Hoàng Chương Túy Hậu Cuồng Ngâm, trong quyển THƠ MỚI 1932-1945, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành ở Hà Nội năm 1999:

Nhớ thưở xưa chưa có ta hề đường đi thênh thênh
Kịp tới khi có ta hề chông gai mông mênh
Cuồng vọng cả mà thôi bốn phương hề vướng mắc
Ba mươi năm trên vai hề trống không bình sinh
Lều nát hề trơ vơ ngõ mưa lầm lội
Trăng lạnh, đèn mờ, hồn đơn hề le lói …

Sáu câu thơ Vũ Hoàng Chương được kể lại trong CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG có ba lỗi, ba lỗi không phải nho nhỏ mà là to tổ bố: “đường đi thênh thênh” viết sai là “đường đi thênh thang”, câu “ba mươi năm trên vai hề..” thiếu “trống không bình sinh”. Nặng và khó hiểu nhất là câu “Trăng lạnh, đèn mờ, hồn đơn hề le lói..” Chiêu Niệm Văn Chương — CNVC — để là “Trăng lạnh đến mở hồn đơn hề le lói“. Từ “đèn mờ” sang “đến mở” cách nhau quá xa. Sao lại có thể sai đến như thế trong một quyển sách gọi là “biên khảo văn học?”

Túy Hậu Cuồng Ngâm, đoạn dưới, CNVC viết:

Mây hồng tìm phương tây hề tà huy thoi thóp
Thôi hết mùa tươi
Hết thôi chờ đợi

Túy Hậu Cuồng Ngâm, THƠ MỚI, Nhà XB Hội Nhà Văn:

Mây hồng tím phương tây hề tà huy thoi thóp
Đời sắp tàn chăng hề bấc lu dầu hao
Ngõ hẹp giường tre giấc mơ hề chới với
Thôi hết mùa tươi
Hết thôi chờ đợi …

CNVC Trang 117:

Hôn nhòe cặp má hoa bên cửa
Ghi hẫng đôi tay nguyệt trước giường

Khỏi cần nêu sách vở, đây là lỗi tác giả không đọc lại cẩn thận bản văn trước khi in, em nhỏ lên ba cũng biết câu ấy là:

Ghì hẫng đôi tay nguyệt trước giường

CNVC Trang 148:

Nam mô Đức Phật Di Đà
Sông Hãng kia bởi đâu mà cát bay?

Cũng chỉ là lỗi tác giả không xem lại cẩn thận. Sông Hằng nhằng ra sông Hãng! Đức Phật Di Đà có đọc chắc cũng biết đó là lỗi ở người viết sách, không đến nỗi ngơ ngẩn không biết sông Hãng ở đâu. May mà không lộn ra sông Háng.

CNVC Trang 161:

Mạn phi thuyền cháy lên rừng rực
Ta gõ mà ca : thiên nhật phương

CNVC Trang 171:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không du Hoàng Hạc Lâu..

“Thiên nhật phương” khác với “Thiên nhất phương“, “không du” khác với “không dư”. Một lần nữa phải nói em nhỏ lên ba cũng biết phải là “thiên nhất phương” và “không dư“. Sao dzậy? Ông Viên Linh? Ông vẫn nổi tiếng là làm sách kỹ lắm mà?

Lỗi chính tả, dù là lỗi nhỏ, cũng không nên có trên những trang sách báo Việt tầm thường, huống chi CNVC lại là sách biên khảo văn học, loại sách cần được viết kỹ nhất, đúng nhất, không có lỗi nhất. Trên đây là một số những lỗi sơ xuất về chữ tôi thấy trong CNVC, nay sang phần nhận xét và ý kiến của tôi về một số những sự kiện trong CNVC.

Chiêu Niệm Văn Chương. Sách đã dẫn. Trang 49:

..Trước khi bị bắt, trong Lễ Phật Đản 1976, ông đứng ở giảng đường Vạn Hạnh ngâm sang sảng bài Lửa Từ Bi. Sáng ngày 23 Tháng Tư, khoảng 20 tên công an đã xầm xập xông vào Gác Bút ở phường Cây Bàng bắt ông. Nếu đêm hôm trước ông không ngâm bài thơ ấy, những người cộng sản hôm sau đã không phải biểu dương võ lực đến như vậy.

Ta không nên vẽ thêm ra những tội ác để gán cho Việt Cộng, những tội ác họ làm đã không chỉ quá đủ mà còn là quá nhiều, quá thừa, ta lại càng không nên coi rẻ Việt Cộng. Viết rằng Thi bá Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Vũ Hoàng Chương bị công an VC đến nhà bắt chỉ vì đêm trước Thi bá ngâm bài thơ Lưả Từ Bi ở giảng đường Vạn Hạnh là làm rẻ tội Việt Cộng đồng thời làm rẻ giá Thi bá. Viết như thế người đọc có thể hiểu: Nếu Thi bá VHC không ngâm bài thơ Lửa Từ Bi, Công An VC Thành Hồ đã không bắt ông đi tù, Công An VC bắt nhà thơ vì nhà thơ đã ngâm bài thơ Lửa Từ Bi nơi công chúng.

Không phải như thế. Tháng Ba, Tháng Tư năm 1975 Công An Việt Cộng Thành Hồ mở chiến dịch lớn bắt giam một số văn nghệ sĩ Quốc Gia VNCH. Chiến dịch này xẩy ra cùng thời gian bọn Cộng Sản Chóp Bu ở Hà xuống tay bóp mũi, chọc tiết cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Cộng sản Hà Nội lạnh lùng giết Mặt Trận GPMN trước ngày 30 Tháng Tư 1976, không cho những anh cà chớn trong Mặt Trận Tã Rách ấy có dịp kỷ niệm ngày mấy ảnh hí hửng kéo vào Sài Gòn theo chân bộ đội Bắc Việt Cộng. Công An VC không bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn sớm hơn vì trong những tháng mới ngơ ngáo vào Sài Gòn — VC không ngờ họ vào được Sài Gòn dễ và nhanh đến như thế — họ có quá nhiều việc phải làm. Đúng 12 tháng sau họ mới làm cuộc khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn.

Hai mươi mấy năm trời đã qua từ ngày ấy, bao nhiêu người đã viết về việc một số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị Công An VC đến tận nhà còng tay bắt đi trong tháng Ba, tháng Tư năm 1976. Trong hai, ba đêm liền tháng ấy, năm ấy có tới 30 văn nghệ sĩ Sài Gòn bị Công An VC bắt đi, anh Vũ Hoàng Chương là một trong số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bắt ấy. Việc bắt văn nghệ sĩ Sai Gòn là một chiến dịch đàn áp, khủng bố, do bọn đầu xỏ Công An Thành Hồ lên kế hoạch, đặt phương án thực hiện với sự cho phép của những anh đầu xỏ Đảng ở Hà Nội. Anh Vũ Hoàng Chương không bị bắt chỉ vì “đêm trước đã ngâm bài thơ Lửa Từ Bi” ở một nơi nào đó. Lửa Từ Bi là bài thơ VHC làm về việc tự thiêu của Thượng tọa Thích Quảng Đức năm 1963. Không có gì chống cộng, chống càng trong bài thơ ấy.

Nếu đã biết con người của Thi bá, dù chỉ biết tí ti thôi, ta cũng thấy dù ta có muốn bốc thơm Thi bá đến mấy ta cũng không có thể vẽ ra cái cảnh trầm hùng Thi Bá “sang sảng ngâm thơ”. Thi bá đong thóc, Thi bá hít tô phê, giọng Thi bá khàn khàn, hơi sức Thi bá rất yếu, không bao giờ, kể cả ba mươi năm trước năm 1975, Thi bá sang sảng ngâm thơ cả. Trước ngày 30 Tháng Tư 75 sức khỏe của Thi bá đã yếu lắm, Thi bá đã nói gần như không ra tiếng. Lại phải sống ở giữa lòng Sài Gòn đầy cờ đỏ, nón cối, giép râu cả năm trời, có khỏe như Hạng Vũ cũng nhão như bún thiu, nát như cơm vữa, cũng không thể sang sảng ngâm thơ được, đừng nói gì đến người mình hạc, xương mai gió thổi bay như Thi bá. Nếu nói Thi bá bị Công An VC bắt vì “tội ngâm bài thơ Lửa Từ Bi nơi đông người” thì cùng trong mấy đêm ấy các ông văn nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Côn, Trần Việt Sơn, Doãn Quốc Sĩ, Mặc Thu có ngâm ngợi gì đâu mà cũng bị Công An VC đến tận nhà tó đi tù mút mùa Lệ Thủy! Ta yêu quí anh Vũ Hoàng Chương, tưởng ta không nên hạ giá trị anh như thế chứ.

CHIÊU NIỆM VĂN CHƯƠNG. Trang 62. Trích:

Sau 1975, lạc loài ở Hải Ngoại, dân di tản đã phục Vũ Hoàng Chương:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

(Vũ Hoàng Chương, Phương Xa)

Tác giả CNVC muốn nói gì trong đoạn này? Phải chăng là muốn nói dân Việt bỏ nước mình ra sống ở nước người cảm thấy mình bị quê hương mình ruồng bỏ, mình bị giống nòi mình khinh bỉ? Không biết có ai, hay có nhiều người Việt cảm thấy thế không? Tôi không thấy như thế. Quê hương tôi không ruồng bỏ tôi bao giờ cả, quê hương tôi bị xâm chiếm, quê hương tôi bị đày đọa, tôi không thể sống được trong quê hương tôi, tôi phải bỏ quê hương tôi tôi đi, tôi đi nhưng quê hương tôi vẫn thương xót tôi, quê hương tôi không vì việc tôi bỏ đi mà ruồng bỏ tôi, giống nòi tôi không bao giờ khinh bỉ tôi cả. Giống nòi tôi yêu thương tôi, tôi đã không phản bội giống nòi tôi. Tôi nghĩ mấy câu thơ ấy là tâm sự của mấy lãng tử ăn chơi những năm 1930, không ăn nhậu gì đến những nguời Việt vong quốc, tha hương sau 1975.

Chiêu Niệm Văn Chương. Trang 62. Trích:

Ở trong nước, như sau này Mai Thảo cho biết, anh em và đồng bào, cũng đọc “sấm ký Vũ Hoàng Chương”:

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ.

Cũng chỉ là tâm trạng của mấy ông văn nghệ sĩ ăn chơi những năm thanh bình vô sự 1930-1940. Nhưng bỏ qua chuyện mấy ông kêu rêu mấy ông đầu thai lầm thế kỷ — mấy ông loại này dù có muôn kiếp đầu thai cũng không lần nào đầu thai đúng thế kỷ — tôi chỉ nói đến chuyện sống ở Sài Gòn hai mươi mùa lá rụng kể từ ngày 30 Tháng Tư 75 không bao giờ tôi cảm thấy tôi trơ vơ cả, tôi u uất thì có nhưng tôi trơ vơ thì không. Tôi u uất vì tôi thương thân tôi, thương vợ con tôi, thương đồng bào tôi sống khổ cực dưới ách cộng sản, thương những người đã chết vô ích, thương đất nước tôi rách nát, nhưng tôi không cô đơn. Tôi có cả hai mươi triệu đồng bào tôi cũng có tâm trạng như tôi, cũng đau khổ, cũng u uất như tôi. Chúng tôi không phải là đôi người mà là hai mươi triệu người.

CNVC, Trang 197. Trích:

1975. Dời từ đường Phan Đình Phùng về Khánh Hội, ở chung với bà Đinh Hùng.

Như vậy là CNVC ghi: Sau khi Bắc Việt Cộng vào Sài Gòn, ông bà Vũ Hoàng Chưng ra khỏi căn nhà ông bà vẫn ở ở đường Phan Đình Phùng, về sống chung nhà với bà Quả phụ Đinh Hùng ở Khánh Hội. Nhưng mà cả nước biết rằng năm 1972 ông bà Vũ Hoàng Chương đã không còn ở căn nhà đường Phan Đình Phùng nữa; năm 1972 ông bà được bà Mộng Tuyết — nghe nói bà Mộng Tuyết là vợ không chính thức của ông Thi sĩ Đông Hồ — long trọng mời về ở trong vi-la của bà Mộng Tuyết ở khu Lăng Cha Cả. Vi-la này nguyên của ông Đông Hồ, ông mất , bà Mộng Tuyết thừa hưởng. Bà Mộng Tuyết dành nguyên tầng lầu trong vi-la để ông bà VHC ở. Sau ngày 30 Tháng Tư 75, quốc gia VNCH sụp đổ, Thi bá Vũ Hoàng Chương bị coi như một tội nhân của chế độ cộng sản, bà Mộng Tuyết trở mặt, đưổi ông bà Thi bá ra khỏi vi-la không chút nể nang, xót thương. Bà Mộng Tuyết muốn được vinh hạnh tiếp đãi tại gia những người Hà Nội như Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu.., bà sợ những nhân vật ấy sẽ không chịu đến nhà bà nếu họ biết nhà bà có Thi bá VNCH Vũ Hoàng Chương. Trong một sớm, một chiều ông bà Vũ Hoàng Chương phải dắt nhau ra khỏi vi-la. Gần như không văn nghệ sĩ Sài Gòn nào quen biết Thi bá Vũ Hoàng Chương, dù quen sơ, sống ở Sài Gòn những năm sau ngày 30 Tháng Tư 75 lại không biết chuyện ông bà Vũ Hoàng Chương bị bà Mộng Tuyết đuổi ra khỏi nhà. Chuyện bà Mộng Tuyết đuổi nhà ông bà Vũ Hoàng Chương được Hoàng Hương Trang kể lại rõ và kỹ trong một bài viết được đăng trên nhiều tờ báo Việt hải ngoại. Rất nhiều người Việt ở hải ngoại biết chuyện ấy.

CNVC đăng một bài của Vũ Hoàng Chương viết năm 1959, bài “Sao Lại Thế Được“. Thi bá viết bài này khi được tin ông Phan Khôi bị Cộng Sản Hà Nội đàn áp, khủng bố, mạ lỵ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Trích: SAO LẠI THẾ ĐƯỢC

Nhân dịp nhà văn lão thành Phan Khôi bị Cộng sản đàn áp. Và để góp phần vào cho lý tưởng Tự Do. V.H.C.
Cách đây 20 năm, ngay khi bước vào làng văn để nhận lấy cái nghiệp dĩ của những người cầm bút, tôi đã nghe đại danh ông Tú Phan Khôi, như sấm rậy vang tai. Nhưng phải đến năm Bính Tuất (1946) tôi mới có dịp cùng tiên sinh hạnh ngộ.

Mùa thu năm 1946, chiến tranh Việt Pháp chưa xẩy ra trên toàn quốc — theo như đoạn viết trên đây của VHC — ông Phan Khôi đã ở Hà Nội. VHC đang ở Nam Định lên Hà Nội chơi, Nguyễn Tuân đưa VHC đến gặp Phan Khôi. Phan Khôi theo VHC về Nam Định.

Trích Sao Lại Thế Được:

Một già, một trẻ, thẳng đường vềø bến Vị, non Côi… Trong căn gác xép ở bờ sông, dài như cái ống, tối như “hũ xuân thu”, tôi đã tiếp chuyện Phan tiên sinh hai ngày tròn với hai đêm trắng toàn chuyện văn chương cả, mà quái thay, dứt không ra nữa thôi! (…)

..Suốt hai ngày đêm, trong cái dài dằng dặc và cái tối mò mò của “Gác Ống” phố Bờ sông, Phan Khôi đã cao đàm hùng biện, hứng khởi thao thao, giọng sắc bén như chém đinh, chặt sắt. Ông căm thù bạo lực, ông phản kháng độc tài, ông lên án mọi hình thức giả hiệu. Ông có thừa phong độ cốt cách của một nho sĩ ngang tàng bất khuất, cộng thêm vào cái kiến thức sâu rộng của một tay lịch lãm giang hồ. (…)

Sau đó ít lâu, khói lửa bùng lên từ Hải Phòng, từ Hà Nội… và lan tràn khắp các thị trấn trung châu. Tôi vâng lệnh huyên đường tạm rời về miền duyên hải. Ngày dài đằng đẵng, hết xuân rồi lại thu… Lòng nhớ bè bạn làng văn như thiêu, như đốt. Bỗng một hôm, tôi nhận được từ Thái Nguyên gửi về không phải một lá thắm buông theo giòng nước biếc, nhưng một lá thư trao theo kiểu chim xanh… Nghĩa là do cac trạm thông tin liên lạc của “Mặt Trận” chuyển đi, qua tay hàng trăm chú nhi đồng trên suốt ba ngàn dịch lộ.

Ngoài phong bì, chỉ có hai dòng: Vũ Hoàng Chương, Nam Định. Và bên trong vẻn vẹn một bài luật thi với chữ ký: Phan Khôi.(…)

Ngừng tim lặng óc bặt giòng tình
Tai mắt như không phải của mình
Thấy dưới ánh trăng muôn khúc nhạc
Nghe trong tiếng ếch một mầu xanh
Suối tiên đắm đuối bao cho chán
Khối mộng vờn mơn mãi chẳng thành
Thứ ấy từ lâu không có nữa
Ngủ say thức tỉnh dậy buồn tênh.

Bài thơ trên được lưu truyền khá rộng. Theo tôi, thơ cũng không xuất sắc gì cho lắm, nó được nhiều người để ý vì nó là thơ ông Phan Khôi. Bài thơ được lưu hành có một chữ khác với bài thơ anh VH Chương nói là ông Phan Khôi gửi riêng cho anh:

Bài thơ theo VHC:

Thứ ấy từ lâu không có nữa…

Bài thơ của Phan Khôi nhiều người có:

Thú ấy từ lâu không có nữa..

“Thứ” và “thú” chỉ khác nhau tí síu nhưng ý nghĩa khác nhau xa. Có người bình loạn bài thơ trên nói rằng cái “thú ấy” trong thơ Phan Khôi là cái thú “nằm với đàn bà”, nhà thơ than lâu rồi ông không có cái thú dâm đàn bà nữa. Tôi không nghĩ ông Phan Khôi lại than như thế, tôi nghĩ tiếng đó phải là “thú“, không phải là “thứ“, nhưng cái “thú” của nhà thơ Phan Khôi không phải là cái thú hành dâm với đàn bà.

Ông Phan Khôi đong thóc, tức ông hít tô phê, lại tức ông hút thuốc phiện. Nếu bạn từng đọc bài tôi viết về ông Phan Khôi – Không Tìm Thấy Mộ — bạn đã biết ông Phan Khôi đong thóc qua lời kể của bà con gái ông. Thi bá Vũ Hoàng Chương đong thóc. Khi hai đệ tử của Cô Ba gặp nhau việc phải xẩy ra là họ đưa nhau về điện thờ Cô Ba, nôm na là về bên bàn đọi, tức bàn đèn. Ông Phan Khôi về Nam Định với ông VH Chương. Cái Gác Ống dài như cái ống, tối như hũ nút ông VHC tả đó là tiệm hút thuốc phiện và chỉ có thể là tiệm hút thuốc phiện. Trong cái tiệm hút đó ông VH Chương và ông Phan Khôi đã nói chuyện với nhau hai ngày tròn với hai đêm trắng.

Không ở đâu hai anh đàn ông có thể nằm ngồi với nhau được cả ngày, cả đêm, trừ ở tiệm hút thuốc phiện. Bên bàn đọi, khi đã đủ thuốc, nhiều tiên ông nằm phi, lơ mơ đi mây, về gió, nhiều tiên ông nói như súng đại liên nổ, chuyện quanh bàn đèn không dai ngoách như chão rách mà nở ròn như gạo rang. Người ta bảo trong á phiện có cao xương khiếu nên hút vào nhiều ông hót như khiếu.

Trong bài thơ của ông Tú Khôi, cái “thú” ấy không phải là cái thú chơi đàn bà mà là thú đi mây, về gió, thú hít tô phê, thú phi yến thu lâm. Từ ngày lên Việt Bắc ông Tú Khôi không còn cái thú hít tô phê nữa. Rất có thể bài thơ ấy được ông Tú Khôi làm để gửi riêng cho Thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Thời Pháp thuộc, anh đàn ông Việt có quyền hút thuốc phiện, có quyền nhẩy đầm, có quyền có vợ bé, ở Sài Gòn anh đàn ông còn có quyền đánh bạc. Khi được độc lập anh đàn ông Việt mất quyền có vợ bé, nhẩy đầm, hút thuốc phiện. Nói cách khác khi được độc lập, tự do, anh đàn ông Việt bị cấm không được có vợ bé, không được nhẩy đầm, không được đánh bạc, không được hút thuốc phiện.

Sau năm 1956 pháp luật Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trừng trị rất nặng tội hút thuốc phiện. Hút thuốc phiện bị coi là trọng tội, người hút bị bắt, bị tống giam, ra tòa, có án, nằm Khám Lớn Chí Hòa, công chức hút bị bắt bị cho nghỉ ngang. Năm 1959 uy quyền của chính phủ Ngô Đình Diệm lên đến đỉnh cao nhất, khi Thi sĩ Vũ Hoàng Chương — năm ấy chưa là Thi bá — viết bài “Sao Lại Thế Được“, các đệ tử Phù Dung Tiên Nữ đang chịu cơn kiếp nạn ác dữ nhất kể từ ngày Tiên Nữ được rước vào đất nước Việt Nam gấm hoa, họ đang bị khủng bố sát ván, tả tơi. Sợ miệng tiếng, sợ dư luận, ông VH Chương đã không viết đúng sự thực, ông đã không viết ông Phan Khôi than với ông là lâu rồi ông không còn cái thú hít tô phê, ông VH Chương sửa thơ ông Phan Khôi từ “thú” ra “thứ”. Không ai gọi “tự do là “thứ” cả, dù là ám chỉ, dù để hiểu ngầm.

Tôi thấy Thi bá Vũ Hoàng Chương không lương thiện nếu quả thật ông sửa thơ ông Phan Khôi. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng Thi bá đã sửa lời thơ ấy từ “thú” ra “thứ”..

Tôi không tin chăm phần chăm ở việc “nói có sách, mách có chứng..” Sách có nhiều sách sai be, sai bét, còn chứng thì rất nhiều khi toàn là chứng láo khoét.

Sài Gòn đêm ba mươi Tết

“Ngũ đệ… Anh em ta tình thân hơn cốt nhục!…”: Ðó là một câu tôi nhớ trong số những câu tôi nhớ của tiểu thuyết Ðồ Long Ỷ Thiên Kiếm của Kim Dung, tác phẩm tiểu thuyết tôi đọc ở Sài Gòn những năm 1960, thời gian tôi ba mươi tuổi. Ðó là câu Dư Liên Châu nói với Trương Thúy Sơn trên chiếc thuyền lênh đênh giữa biển khi hai anh em đồng môn gặp lại nhau sau mười năm xa cách, khi Trương Thúy Sơn đưa vợ con: Hân Tố Tố và Vô Kỵ, từ Băng Hỏa Ðảo trở về trung thổ, Thúy Sơn sợ Trương Tam Phong, sư phụ của chàng, không cho chàng kết hôn với con gái của Giáo Chủ Bạch Mi Giáo. Chàng được Dư Liên Châu trấn tĩnh
“Ngũ đệ… Anh em ta tình thân hơn cốt nhục…!”
Một câu nói rất thường trong một truyện kiếm hiệp – truyện kiếm hiệp hay nhất trong đời tôi – làm cho tôi xúc động mãi. Khi ngồi trong Nhà Hàng Pagode đêm cuối năm, quanh chúng tôi chỉ còn những chiếc ghế da nâu không người ngồi và nhà hàng sắp đóng cửa – lúc ấy là mười một giờ đêm 28 Tết, còn hai đêm nữa là đêm Giao Thừa – người ta, những người Sài Gòn đi chơi đêm, giờ này đến các tiệm nhẩy, tôi và Quang còn ngồi buồn ở đây.
Nhìn nét mặt đăm chiêu và những nếp nhăn hằn trên trán Quang, tôi chợt nhớ đến lời Dư Liên Châu nói với Trương Thúy Sơn – “Ngũ đệ… Anh em ta tình thân hơn cốt nhục” và tôi xúc động. Tôi muốn nói một lời để an ủi Quang, nhưng tôi im lặng, vì tôi nghĩ trong lúc này, và trong nhiều trường hợp, yên lặng là tiếng nói của Trái Tim.
Tôi tuổi Dậu, Quang cũng tuổi Dậu, nhưng anh sinh trước tôi mười hai năm, tức là một giáp. Như vậy là tôi “ẩn tuổi” Quang; theo kinh nghiệm, các cụ ngày xưa cho rằng nhũng người ẩn tuổi nhau thường hợp nhau, thương mến nhau. Các cụ nói đúng trong trường hợp “ẩn tuổi nhau” của Quang và tôi. Chúng tôi thân mến nhau, thông cảm nhau. Tôi thường đoán trước, biết trước được những điều Quang sắp nói, những việc Quang sắp làm. Ngược lại, Quang cũng biết trước về tôi như tôi biết về anh.
Quang là luật sư. Năm 1950, tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi đi làm phóng viên nhà báo và tới ngụ tại nhà anh trong một thời gian. Ngày ấy, anh đang kiếm ra tiền. Gia đình anh sống trong một vi-la đường Mayer. Tôi sống nhờ trong nhà anh, với gia đình . Vợ chồng anh coi tôi như người trong gia đình. Anh đưa tôi đi ăn chơi, anh là người mở đầu cuộc sống “trăng hoa” của tôi tại Sài Gòn. Vợ anh là gái Hà Nội, hiền, khá đẹp nhưng không có gì xuất sắc. Chị là người không gây thiện cảm mà cũng không gây ác cảm. Năm đó Ngọc lên năm tuổi. Cô bé xinh xắn, nước da hơi nâu, mạnh khỏe, thông minh, có đôi mắt tròn, đen láy, năm ấy cô bắt đầu cắp sách đi học Mẫu giáo. Trường gần nhà, đi bộ qua một con phố. Có những buổi chiều tôi đến trường đón Ngọc về. Thanh niên chưa có vợ, chưa có con thường thích trẻ con và muốn gần bọn trẻ con kháu khỉnh, xinh xắn, sạch sẽ và thông minh. Ngọc là một đứa bé có đủ nết ấy.
Rồi thời gian qua, Quang thành công với nhiều “áp phe” lớn. Ðịa vị của anh ngày một vững, tên tuổi anh nổi sáng. Rồi chiến tranh Ðông Dương kết thúc. Năm 1954, đất nước chia đôi, Quang trở thành một nhân vật lý tài quan trọng, cỡ quốc tế. Ðó là những năm tôi sống trong quân ngũ. Xa Sài Gòn, tôi xa gia đình Quang, cho tới ngày tôi được tin anh gặp tai họa. Những nhân vật của chế độ mới – tức chính quyền Ngô Ðình Diệm – những người cộng tác mật thiết với ông Diệm, ông Nhu, đã giương một cái bẫy để hại Quang và hất anh ra khỏi cái địa vị chuyên gia kinh tế tài chính quốc gia mà anh đang giữ. Quang bị tù hai năm. Ở tù ra, anh trắng tay. Những người hại anh đã củng cố được một địa vị và thế lực quá vững. Họ tiếp tục làm hại anh bằng cách ngăn cản không cho anh ra mặt làm bất cứ công việc gì. Họ phá không cho anh hành nghề luật sư. Các công ty ngoại quốc không dám mướn anh. Anh phải kiếm sống bằng cách nhận làm riêng cho vài ông luật sư bạn. Những ông này giúp anh bằng cách giao việc cho anh đem về nhà làm. Và những tai họa theo nhau đến với Quang. Vợ anh bỏ đi – người vợ hiền thục của anh – bỏ chồng con, bỏ nhà đi chung sống với một người đàn ông khác. Hai đứa con được để lại cho Quang nuôi. Quang sống những ngày dài buồn nản trong thất vọng và túng thiếu. Người hào phóng tự tin ở tài năng của mình và thành công ngay từ ngày bước vào đời như Quang, nỗi thất vọng và buồn nản càng nặng nề khi anh đã ngoài bốn mươi tuổi, số tuổi mà những người đàn ông có tài bắt buộc phải có địa vị. Không được phép xuất ngoại, Quang đi lén ra ngoại quốc mấy lần, nhưng không thoát. Bọn mật vụ theo dõi anh, ngăn cản không cho anh đi. Có lần anh đã trốn được xuống một chiếc tầu buôn của Pháp, khi tầu sắp rời bến Sài Gòn, bọn mật vụ mới biết tin và ập xuống tầu lùng xét. Chúng không tìm ra chỗ nấp của anh, nhưng sau đó, ông Thuyền Trưởng đích thân gặp anh, xin anh trở lên bờ để tránh cho tầu của ông gặp khó khăn trong những chuyến sau tầu ghé bến Sài Gòn.
Ðó là những tin, những chuyện về Quang và gia đình của anh tôi được biết trong những năm tôi sống trong quân ngũ. Rồi một người đàn bà khác xuất hiện trong đời Quang. Người đàn bà này đẹp – rất đẹp, nổi tiếng hoa khôi tại Sài Gòn – Nàng thuộc loại “chơi bời quí phái” và nàng có một tài sản đủ cho nàng sống phong lưu suốt đời. Người đàn bà ấy yêu Quang, nàng chấm dứt cuộc sống cũ để chung sống với Quang, để làm vợ Quang. Họ yêu nhau, họ sống đầy đủ về vật chất nhưng không được hạnh phúc lắm về tinh thần, cả hai người cùng yêu nồng nàn và cùng ghen tuông dữ dội. Quang bị cuộc sống cũ của vợ ám ảnh. Vợ Quang biết nỗi ám ảnh ấy của Quang, nàng sợ một ngày nào đó Quang sẽ khinh nàng, sẽ chán nàng, sẽ yêu một người đàn bà khác trẻ, đẹp, có dĩ vãng trong sạch hơn nàng. Nhưng cả hai người cùng cần có nhau để sống. Theo tôi, Quang là người cần vợ hơn và yếu thế hơn vợ. Người vợ thứ hai của anh – đẹp, sang, được đàn ông say mê, giầu tiền – là một bằng chứng thành công của anh. Ít nhất anh cũng còn thành công với đàn bà. Người vợ trước để lại cho Quang hai đứa con. Một gái, một trai. Thằng bé hãy còn nhỏ được anh gửi bà Nội nó nuôi. Ngọc, đứa con gái lớn được anh gửi vào một trường Nữ Học.
– Tôi đang bối rối không biết phải làm sao thì cậu đến. Có cậu thay tôi lo cho nó mấy ngàyTết này tôi yên tâm. Chắc nó cũng buồn, cũng giận tôi, nhưng nhẹ thôi. Cậu cố giúp tôi. Nói cho nó hiểu. Tôi biết. Cậu từ xa về đây cần phải du hí mấy ngày Tết. Bị vướng cẳng vì một con bé chắc cậu bực mình lắm.
Người cha khổ sở vì không thể đón được đứa con gái yêu từ nhà nội trú của trường ra ăn Tết với mình nhờ tôi lo cho con anh trong mấy ngày Tết. Anh lên Ðà Lạt ăn Tết với vợ. Vợ anh muốn thế, anh không đi không được. Nhưng nếu sáng mai anh đi, chiều mai, không có ai đến trường đón Ngọc, con gái anh, ra trường. Mẹ đi lấy chồng khác, bố có vợ, bố ăn Tết với bà vợ, người thiếu nữ ấy bị bỏ rơi trong ba ngày Tết. Tôi là người thay mặt bố nó để làm cho nó bớt cô đơn, đỡ tủi thân trong mấy ngày đầu năm.
Trước nét mặt khổ não của Quang tôi phải quay mặt đi. Quanh chúng tôi, nhà hàng vắng tanh chỉ còn một cặp Tây Ðầm già đang ngồi như chờ đợi ai ở góc phòng. Tôi cảm thấy thương Quang và lại nhớ đến câu nói của Dư Liên Châu! “Ngũ đệ… Anh em ta tình thân hơn cốt nhục…” Tôi hiểu nỗi khổ tâm của Quang. Anh thương con anh nhưng cùng một lúc, anh cũng yêu vợ. Ngọc là con riêng của anh. Anh không thể “bỏ vợ, hy sinh vợ” trong mấy ngày Tết để gần, để sống với đứa con riêng của anh. Tôi nhận lời giúp anh.
***
Tôi đã được nghe nói về những nữ sinh của trường nữ trung học này, những chuyện được xếp vào loại “ly kỳ”. Những chuyện đồn đại, không có bằng chứng. Ðại khái cuộc sống của nhiều nữ sinh trong Internal trường này rất loạn, nhiều nàng chơi trò đồng tính ân ái, nhiều nàng đêm đêm vẫn trốn ra đi chơi, đi nhẩy đầm, bọn vương tôn công tử Sài Gòn đêm đến đậu xe trong một con đường ngách bên trường, đợi các nàng ra, rước đi chơi.. v.v.. Tôi nghe qua những chuyện ấy rồi bỏ ra ngoài tai.
Chiều Ba Mươi Tết, tiếng xe ô tô ngoài đường làm ồn cả phòng đợi. Vào những ngày lễ hội, ngày nghỉ, thủ đô Sài Gòn đông xe hơn ngày thường, đông nhất là buổi chiều gần tối. Ở đây, phụ huynh tấp nập đến đón con ra trường. Nữ sinh người Pháp không còn là bao nhiêu. Nhìn quanh tôi chỉ thấy toàn người Việt Nam.
Tôi trình Thẻ Phụ Huynh, giấy phép được nhân lãnh học sinh. Một bà đầm trung niên – có vẻ là giám thị – ghi mấy dòng chữ vào quyển sổ, rồi nhấc điện thoại gọi vào trong. Bà nói tiếng Pháp. Tôi ra hiên nhà, đứng hút thuốc lá.
– Chú…
Tôi quay lại. Năm năm đã qua:
“Chú gặp cháu lần cuối năm 1964. Bố cháu bị bắt… chú đang ở lính. Chắc chú đâu có nhớ cháu, gặp nhau ngoài đường chắc chú không nhận ra cháu, phải không chú?”
Trong phòng lạnh của Restaurant Choeng Nam, trên bát “consommé chaud”, Ngọc mở rộng đôi mắt đen và trong, nói với tôi câu nói gợi lại kỷ niệm. Nàng hỏi:
“Chú có thấy cháu thay đổi nhiều không? Cháu chóng lớn quá, phải không chú…?”
Nàng dơ tay khoát nhẹ nửa vòng trong không khí, điệu bộ nhí nhảnh như cô đào điện ảnh Sandra Dee trong vai dậy thì, con nhà giàu, ngây thơ, gợi tình. nàng nhắc lại:
“Chú gặp cháu ngoài đường chắc chú không nhận ra cháu. Nếu có ngờ ngợ chắc chú không dám hỏi. Phải không chú? Nhưng cháu nhận ra chú ngay! Nàng nheo mắt nhìn tôi đăm đăm như cô giáo nhìn anh học trò quấy phá
“Cháu nhận ra chú ngay! Chú có già đi chút chút, nhưng khuôn mặt, nét mặt vẫn không khác”.
Ánh mắt nàng long lanh, vành môi nàng cười mỉm.
“Tóc chú bạc nhiều rồi.” Tôi nói.
Trong năm năm, Ngọc thay đổi nhiều. Lần tôi đến nhà Ngọc lần cuối, Quang đang nằm trong khám Chí Hòa. Hôm ấy tôi chỉ thấy loáng thoáng bóng hai chị em Ngọc rồi tôi đi ngay, cho tới nay cô cháu ngồi trước mặt tôi giờ đây là một thiếu nữ mười sáu, mười bẩy tuổi, tóc để theo kiểu tóc Jacqueline Kennedy, mặt trái soan, mắt to và sáng, môi hồng mỏng và hai bên mép sa xuống. Ðôi khi, tôi thoáng thấy Ngọc có vẻ chán đời, ngạo đời – vì đôi môi sa xuống hai bên mép. Những người phụ nữ có đôi môi hai bên mép sếch lên, cũng như đuôi mắt sếch lên, thường có vẻ tươi vui – Ngọc bận đầm, đúng thời trang, không hoa hòe, hoa sói mà đẹp, trang trọng và gọn . Áo sơ mi trắng dài tay, váy Tergal xám, có hai dây vắt qua vai, ngực áo thêu hai chữ HN: Hồng Ngọc, bằng chỉ xanh. Một thiếu nữ đang đứng trên ngưỡng cửa cuộc đời. Ðời nàng xấu hay đẹp, mai sau nàng khổ sở hay sung sướng – suốt những năm còn lại, đó mới là cuộc đời, ba mươi năm, bốn mươi năm nữa – tùy thuộc vào vài năm sống sắp tới của nàng. Tôi thấy tôi lo sợ một cách chánh đáng: ai sẽ dẫn dắt cô gái này đi trong mấy năm trời quyết định ấy? Mẹ nàng đi lấy chồng khác, cha nàng có vợ và con riêng, cuộc đời nàng có biết bao nhiêu là cạm bẫy. Nàng ngước lên, nét buồn vừa qua biến mất:
“Tại tóc chú bạc sớm chớ có phải tại nhiều tuổi đâu? Phải không chú? “
Hàm răng trắng của nàng lộ ra dưới vành môi mỏng
” Chú kém ba cháu những mười hai tuổi. Năm nay, chú mới ba mươi ba tuổi. Ba cháu bốn mươi nhăm rồi. Tóc ba cháu đã bạc đâu. Có bạc, nhưng không nhiều bằng tóc chú. Hồi này, không hiểu ba cháu có nhuộm tóc không? Sao chú không nhuộm tóc, chú?”
“Chú không thích nhuộm. Chú thích tóc trắng?
“Sao thế?

Tôi nhún vai:
“Tại chú thích.”
Nàng cười thành tiếng:
“Tóc bạc như Jeff Chandler…! Cháu biết tại sao chú lại thích rồi!”
“Tại sao?”
” Chú muốn cho các cô phải để ý đến chú vì mái tóc của chú chứ gì? Chú khôn lắm. Cô nào thấy chú hãy còn trẻ măng mà tóc đã bạc trắng thì cũng phải để ý! Chú thấy không… Ðến cháu quen với chú là thế mà vẫn còn phải hỏi nữa là.”.
Tôi làm bộ ngượng vì bị nói trúng tim đen, nàng cười sung sướng.
” Ðã có cô nào nói với chú là… yêu chú vì mái tóc của chú chưa!”
Tôi cau mày:
” Ðừng hỏi bậy!”
” Cháu có hỏi gì quá lố đâu?
Mặt nàng cũng nghiêm lại.
” Chú vẫn… cho là cháu còn con nít? Chú là văn sĩ mà chú chẳng biết tâm lý chút nào! Cháu không dám nói là cháu đã yêu nhưng… cháu có đủ tư cách để nói chuyện về Tình Yêu với chú, với bất cứ ai…!”
Tôi muốn khuyên nàng vài câu. Tôi biết những điều mà nàng biết về tình yêu đó chỉ là những điều nàng đọc được trong tiểu thuyết, nàng nhìn thấy trên màn bạc xi-nê và nàng nghe vài cô bạn thuật lại. Tôi muốn nói cho nàng biết nàng chưa đủ tư cách để nói về bất cứ một chuyện gì, nhất là về Tình Yêu. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng. Nàng đã tiếp:
” Cháu học hết năm nay. Sang năm, chú sẽ không còn gặp cháu ở Sài Gòn nữa đâu.”
“Ngọc đi đâu?”
” Cháu đi xa.”
” Xa là tận đâu?”
” Bên kia biển.”
Ðôi mắt nàng mơ màng. Tôi thấy sợ – tôi biết là nàng nói thật – tôi hỏi:
” Ba cháu có biết chuyện cháu sắp đi xa không?”

Nàng lắc đầu:
” Ba cháu chưa biết. Nhưng có biết, chắc ba cháu cũng không ngăn cản cháu được, cháu hy vọng ba cháu sẽ không ngăn. Và cháu tin rằng ba cháu sẽ không ngăn cháu đâu..”
Giọng nàng chợt đổi khác, rất già dặn, đứng đắn:
” Ðến đúng lúc, cháu sẽ cho ba cháu biết chuyện.”
” Ngọc đừng có dại!”
” Không đâu, chú ơi. Chú sẽ thấy là cháu rất khôn. Cháu sẽ có tiền gửi về cho ba cháu, em cháu và cả mẹ cháu nữa. Ở đời này, tiền trên hết chú ạ! Tiền là tất cả. Chú viết truyện ca ngợi tình yêu, nhưng nếu nhà báo không trả tiền chú, chú ngưng viết ngay. Chẳng tình yêu thì đừng. Chú có thể viết truyện ca ngợi tình yêu rất hay, rất… ra rít, với điều kiện là truyện đó chú phải bán được ra tiền…”
Tôi trừng mắt:
” Ðừng nói lảm nhảm. Tôi không muốn nghe Ngọc nói nhảm. Ngọc chưa đến tuổi nói đến tiền, đến tình yêu.”
Nàng xịu mặt và có vẻ sợ:
” Cháu xin lỗi chú.”
Bữa ăn trôi qua trong tẻ nhạt. Chúng tôi trao đổi với nhau những câu hỏi đáp thông thường. Tôi suy nghĩ về những câu Ngọc vừa nói và thấy nàng có lý. Tôi thắc mắc muốn biết rõ về chuyện sắp đi xa của nàng. Nàng sẽ đi đâu? Ði với ai? Nói thật hay quan trọng hóa một sự việc chưa có gì là quan trọng cả?
Nàng buồn và ủ dột một cách lạ thường. Ăn xong, tôi cảm thấy hối hận nên vui vẻ:
” Chú thay mặt ba cháu cho cháu đi chơi đêm Giao Thừa. Muốn đi đâu, chú đưa đi.”
” Cháu muốn chú cho cháu đi coi xi nê, rồi cho vào Dancing nghe nhạc…!”
” Cũng được. Nhưng đi Dancing thì khuya quá. Sau đó, cháu về trên bà nội có tiện không?”
” Ðược chú. Nếu không đi quá nửa đêm sao gọi là đi chơi đêm Giao Thừa được! Với lại… cháu thỉnh thoảng vẫn về bà nội cháu khuya quá nửa đêm, không sao đâu. Nhất là có chú đưa về, “suya” quá rồi!”
Nàng tươi lên khi tôi nhận lời. Ngồi trong rạp xi-nê, nàng chăm chú theo dõi những hình ảnh trên màn bạc, thỉnh thoảng mới thốt ra một câu phê bình truyện phim và lối đóng của các diễn viên, nàng phê bình rất sành, rất đúng. Vào Dancing, nàng đòi uống Champagne. Ðêm Tất Niên, Grand Monde chật người, hết bàn, không khí thật vui. Tiếng nhạc và người nhẩy thật hào hứng. Nhìn quanh thấy những bộ mặt thỏa mãn ẩn hiện trong bóng tối lờ mờ, tôi chợt nghĩ lẩm cẩm rằng trong số những người ở đây, chắc không có một ai nhớ rằng đất nước này đang có chiến tranh, đang bị tấn công ngày đêm, giờ này, đang có những đồng bào của họ đổ máu và chết.
Tôi gọi Champagne. Chị Cai Gà thấy tôi vào, nhân lúc bồi đến mời uống, chị ghé đến bàn chúng tôi. Chị tủm tỉm cười, ra cái điều thông cảm và ngầm nói với tôi :”Ðêm nay ông anh đưa trẻ đi ăn, đi chơi”, chị kín đáo hỏi nhỏ tôi:
“Anh có cần em nào ngồi bàn, để gọi?”
Tôi lắc đầu:
” Ðêm nay tôi đi với cô cháu, chỉ đến nghe nhạc thôi, cám ơn chị.”
Chị ta nhắc lại:
” Dạ… anh đi mí cô cháu…!”

Không nhìn theo,chị Cai Gà, Ngọc hỏi tôi:
” Bà nào đấy chú? Có phải bà “Chef-Taxi-girl” không chú?”
Tôi gật đầu.
” Bà ấy có vẻ… bồ với chú lắm? Chắc là chú đi nhẩy nhiều nên bà ấy biết chú chứ gì?”
Thời gian càng trôi qua, đêm cuối cùng của năm nay càng gần giờ Giao Thừa, tôi càng thấy khó khăn trong việc trò chuyện với Ngọc. Nàng không còn trẻ con, nhưng cũng chưa hẳn là người lớn Nàng không thuộc loại Nymphet, nữ nhân vật Lolita của Vladimi Nabokov. Tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov được người đọc khắp thế giới nhắc đến và đọc từ năm ngoái, năm kia nhưng qua đến giữa năm nay, một vài cuốn tiểu thuyết này mới lọt vào Việt Nam. Chính quyền Ngô Ðình Diệm giữa thời cực thịnh, kiểm soát và cấm đoán gắt gao các loại sách báo và phim ảnh ngoại quốc bi mang tiếng là khiêu dâm. Ngọc không giống Lolita vì thân thể nàng nẩy nở, tròn và đầy hơn là Lolita thon và dài.
Khi nhận lời đến trường đón Ngọc cho đến lúc gặp Ngọc trong trường, tôi vẫn nghĩ rằng Ngọc hãy còn nhỏ, hãy còn là một đứa con gái sợ sệt mà tôi có thể đưa đi ăn kem, đi mua sách vở, mua quà con búp bê. Tôi nghĩ việc tôi đưa cô cháu ấy đi chơi sẽ không gây ra một sự hiểu lầm nào, kể cả những tên bạn lưu manh nhất của tôi cũng không có lý do để nghĩ bậy khi thấy tôi đi với cô cháu. Nhưng trong bữa ăn ở Choeng-Nam tôi thấy tôi nghĩ lầm. Nhìn tôi với Ngọc, chắc không ai cho rằng nàng là cháu tôi.
Và giờ đây, trong vầng ánh sáng mờ mờ của Dancing, rượu Champagne làm đôi mắt Ngọc sáng long lanh, tôi thấy nàng hoàn toàn khác hẳn với cái hình ảnh cháu Ngọc mà tôi vẫn có. Nhìn nàng, tôi hiểu tại sao cõi đời này có những người con gái thích lấy chồng già và chỉ có thể lấy – hoặc chung sống – được với những người đàn ông gấp đôi – hoặc gần gấp đôi tuổi các nàng – như người thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi đang ngồi trước mặt tôi đây chẳng hạn. Bọn con trai mười sáu, mười bẩy, kể cả hai mươi tuổi, ngộc nghếch như gà tồ, chưa biết tý gì về đời, chưa biết suy nghĩ – như tôi năm tôi mười bẩy tuổi chẳng hạn. Nếu đem xếp Ngọc đứng gần một anh hai mươi tuổi, nàng sẽ phải khóc thét lên vì bực mình.
Thấy tôi không trả lời câu nàng hỏi về chị Cai Gà, nàng mỉm cười.
” Chú có muốn gọi Cave thì cứ gọi, chú nhá – Nhưng nếu chú gọi thì chú gọi cô nào trông “élégante” một chút, nghe chú. Và chú phải nhẩy với cô ấy. Chia ra, với cháu một bản, với người ta một bản..
Tiếng trống vang rền, đèn điện mờ dần rồi tắt. Giờ Giao Thừa. Năm mới đã đến. Trong bóng tối người ta ôm nhau, hôn nhau, chúc tụng nhau năm mới. Tiếng cười, tiếng í e xen tiếng trống rền. Sau một phút như vậy, đèn sáng trở lại; Ngọc lấy được một trái bong bóng màu xanh, buộc dây bóng vào thành ghế rồi vỗ nhẹ hai bàn tay vào nhau:
“Vui quá. Năm nay, cháu sẽ được sống những ngày thật đẹp và có nhiều thay đổi.”
Tôi đứng dậy đưa nàng ra “pít”.
” Cháu chúc chú năm nay viết được truyện hay, kiếm được nhiều tiền và… chú gặp một người đàn bà yêu chú đủ để chú yêu lại và lấy làm vợ.”
Ban nhạc trình tấu bốn bản liền. Tango rồi Rumba rồi Mambo và Cha Cha Cha. Nhiều cặp phải bỏ cuộc đi vào lúc tiếng nhạc chưa ngừng. Ngọc nhẩy giỏi và đẹp như một vũ nữ nhà nghề. Nàng học nhẩy từ bao giờ? Nàng học nhẩy ở đâu? Với ai? Những câu hỏi ấy chỉ thoáng đến với tôi rồi biến đi ngay. Tôi không còn ngạc nhiên nữa. Tôi biết Ngọc còn dành cho tôi nhiều ngạc nhiên khác nếu tôi muốn tìm ngạc nhiên và việc tập nhẩy đầm không phải là một việc làm lén lút của nàng. Có lẽ trong cái trường Nữ Học nổi tiếng ấy, chỉ có Dì Phước và những nữ sinh thọt chân mới không biết nhẩy đầm. Hai nữa, chất rượu đã bắt đầu ngấm trong cơ thể tôi. Tôi chưa say, nhưng tôi đã nhìn đời bằng một đôi mắt khác.
” Chú với cháu đẹp đôi nhất Dancing đêm nay. “.

Nàng nói bằng một giọng nghiêm trang, đôi mắt nàng nhìn vào mắt tôi. Nếu lúc đó, tôi mỉm cười và gật đầu đồng ý cũng chẳng sao nhưng vì một mặc cảm, tôi nhíu mày:
” Ðừng nói bậy! “
Nàng dẩu môi :
” Nếu không biết rõ chú, cháu đã cho chú là đạo đức giả và… giả dối nữa là khác! “
Như người đàn bà trưởng thành nói chuyện với tất cả sự bình tĩnh, nàng tiếp:
” Nếu chú với cháu đẹp đôi, và biết là chúng ta đẹp đôi, có gì là xấu?… Chúng ta kiêu hãnh vì chúng ta hơn người . Nếu chú lờ khờ, nhà quê, cháu không được hãnh diện vì chú. Cũng như nếu cháu luộm thuộm bê bối, chú cũng không hăng hái lắm khi phải đưa cháu đến những nơi đông người. “
Nàng nói tiếp:
” Cháu không thích những người con trai ngang tuổi cháu hoặc hơn cháu chút ít, cả tụi bạn của cháu cũng vậy. Cháu chỉ có thể yêu được những người đàn ông nhiều tuổi hơn cháu. “
Tôi hỏi:
” Cháu đã yêu bao giờ chưa? “
Nàng cười, đôi mắt sáng lộ rõ vẻ tinh nghịch, hàm răng trắng lấp lánh. Trong bóng tối tôi chỉ trông thấy rõ đôi mắt và hàm răng của nàng.
” Nếu chú thấy cháu có thể nói chuyện với chú về Tình Yêu, cháu sẽ kể chú nghe truỵên tình của cháu, người sắp mang cháu đi… đi xa, là một người bằng tuổi chú…
Tôi nhớ lời nàng nói với tôi khi chúng tôi ăn ở Nhà Hàng Choeng Nam – “Cháu chỉ học hết năm nay thôi. Sang năm cháu sẽ đi xa…” Bây giờ nàng không nói hết lời tôi cũng biết người đàn ông bằng tuổi tôi mà nàng nói là người sẽ mang nàng đi đó là một người Hoa Kỳ. Chúng tôi trở lại bàn, Ngọc nâng ly chạm ly tôi:
” Năm mới, chúc chú vạn sự như ý, gặp người yêu chú đủ để chú cưới về làm vợ. “
Tôi đáp:
” Năm mới, chúc Ngọc vui vẻ, học giỏi và không làm điều gì để những người thương yêu Ngọc phải buồn. “
Nàng uống hết ly rượu:
” Cháu chỉ có ba và em cháu. Má cháu đã đi lấy chồng. Nếu thương cháu, bà đã chẳng bỏ đi như thế, nhất là bỏ đi trong lúc ba cháu gặp tai họa. Ba cháu đã làm lại cuộc đời. Em cháu còn nhỏ chưa biết gì, cháu ra đi nhẹ nhàng. Chú yên trí đi, cuộc đời của cháu – ít nhất trong năm nay – đã được sắp đặt sẵn rồi, chú khỏi phải chúc . “
Tôi gợi chuyện:
” Chú đoán người đàn ông bằng tuổi chú Ngọc nói đó là một người Mỹ? “
Nàng gật đầu:
” Chú nói đúng. “
” Cháu yêu người đó? “
” Cháu chưa biết, phải mười năm nữa cháu mới trả lời được chú câu ấy. Nghĩa là phải mười năm nữa cháu mới biết chắc là cháu có yêu anh ấy hay không. Tình yêu phải được thời gian thử thách. “
” Tên hắn là gì? “
” Sang đến Mỹ, cháu sẽ cho chú sẽ biết tên chồng cháu. Cháu không sợ chú phá cháu đâu, nhưng chú cũng chẳng nên biết sớm. “
Tôi cười:
” Ngọc quên là Ngọc mới mười bẩy tuổi, người Mỹ trọng pháp luật… “
” Chú muốn nói cháu hãy còn là gái vị thành niên và có yêu cháu đến điên cuồng người ta cũng không dám mang cháu đi chứ gì? “
Nàng ngắt lời tôi :
” Chú chưa biết cháu đi sang Mỹ học và cháu có học bổng, hai chánh phủ Mỹ-Việt bằng lòng cho cháu sang bên đó du học, cháu đi do chánh phủ và nhân dân Mỹ quốc đài thọ!
Tôi nhìn nàng và tôi nhớ tới lời nói của một anh bạn. Anh bạn tôi bốn mươi nhăm tuổi, dược sĩ, có tiền, vẫn còn độc thân mặc dầu đã nhiều lần yêu. Mới đây anh nói với tôi :
” Toa phải viết về tình trạng: những cô gái Việt thích lấy chồng Mỹ. Những cuộc nhân duyên ấy không thể bền đẹp. Hiện giờ có quá nhiều gái Việt Nam con nhà tử tế, lấy Mỹ và đi theo chồng sang Hoa Kỳ. Toa nên nhớ trước kia thời Pháp… đa số me Tây đều là bọn gái hạ cấp. Nhưng bây giờ khác, bây giờ có cả con gái nhà tử tế, có thể nói là thượng lưu… cũng ham lấy chồng Mỹ.”
Anh bạn tôi cho rằng người Mỹ gần gái Việt là chỉ để chơi, để giải sầu. Nhưng tôi thấy đa số người Mỹ đến đây khi giao thiệp với gái bản xứ đều yêu và cố kết. Họ kết hôn cả với những cô gái điếm hạ cấp nhất. Tôi thấy tận mắt nhiều em điếm một trăm, sáu chục, hành nghề ở An Nhơn, Gò Vấp trở thành những cô vợ Mỹ rồi thành công dân Hoa Kỳ. Những cuộc hôn nhân ấy có bền và có hạnh phúc hay không ? Ðó là một chuyện khác. Những chuyện đã xảy ra ở Ðại Hàn, ở Nhật Bản, giờ đây không có gì lạ đang xẩy ra ở Việt Nam. Bỗng dưng tôi thấy buồn. Buồn và nản một cách lạ thường. Tôi nghĩ đến Quang. Anh sẽ nghĩ sao, sẽ nói gì khi con gái anh báo tin nó lấy chồng Mỹ va nó sang ở luôn bên Mỹ. Tôi sẽ không biết nói sao nếu con gái tôi nói với tôi như vậy.
” Nhẩy với cháu nữa đi chú. Sao chú buồn thế? Cháu đã đi mất ngay đâu. Cháu còn ở đây những gần mười hai tháng nữa kia mà! “
Hai giờ sáng, chúng tôi ra khỏi Grand Monde. Nàng say và yêu cầu tôi lái xe đưa nàng ra Cấp. Tôi không thể đưa nàng về nhà bà nội nàng trong lúc nàng say rượu. Ðêm trên xa lộ, trời tối om. Ðêm Ba Mươi Tết. Nhiều chiếc xe, cũng như xe chúng tôi, vun vút chạy xa Sài Gòn. Trên xe nào cũng có một cặp nhân tình.
Gần hết xa lộ, tôi dừng xe gần một vườn cao su. Tôi xuống xe theo nàng, sương đêm xuống lạnh hai vai áo. Nàng đi vài bước trên con đường vắng, rộng thênh thang, rồi nàng dơ tay thả trái bong bóng bay lên trời. Nàng đứng nghiêng nghiêng, trong chiếc áo lạnh màu trắng sữa, ngửa mặt nhìn theo trái bong bóng bay lên trời cao.
Viết cuối năm 1969 ở Sài Gòn.

Sài Gòn có gì lạ không em?

Nhớ thương thì phải nhớ thương Paris, sông thì phải là sông Seine, sông Danube, sông Dương Tử, chia ly thì phải ở bến Tầm Dương – Canh khuya đưa khách, lời gieo ngọc. Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm… ở ga Lyons đèn vàng, chia ly ở bến đò Thủ Thiêm, ở ga Nancy coi bộ không thơ mộng, không có chất Thơ, không phải là Thơ! – Nancy này không phải là Nancy ở bên Tây mà là Nancy ở Sài Gòn. Em nhớ không em? Năm chúng ta hai mươi tuổi, Sài Gòn-Chơ Lớn có đường xe điện, có ga Nancy ở ngã tư Trần Hưng Đạo-Cộng Hòa; đường Trần Hưng Đạo thời chúng ta hai mươi tuổi mang tên Tây Galliéni, đường Cộng Hòa năm xưa ấy là đường Nancy – Ga Nancy tối mò..Đưa Em vào Chợ lớn… Để Em lên xe đò…. Về quê mẹ Mỹ Tho… Nghe không cử động chút nào. Thời gian ấy, cách nay đã ba mươi, bốn mươi năm, ca sĩ Sài Gòn hát Sống trong lòng người đẹp Tô Châu… Hay là chết bên dòng sông Danube…, Vũ Hoàng Chương nằm mơ thấy đàn bà, nhưng đàn bà trong mơ, trong Thơ ấy phải là đàn bà Tầu: Em nghìn thu cũ gái Giang Nam.

Tô Châu lớp lớp phù kiều. Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam..Thơ Hồ Dzếnh. Tôi vừa không ưa vừa thương hại Hồ Dzếnh. Ông này là Tầu lai. Có lẽ vì là Tầu lai sinh sống ở nước ngoài không được hưởng những hạnh phúc do Mao Chủ Tịt đem lại cho nhân dân Tầu nên ông có cảm tình với cộng sản Tầu, từ cảm tình với Tầu Cộng ông đi đến chỗ khoái Việt Cộng. Những năm 1952, 1953 Hồ Dzếnh ở Sài Gòn, làm nhân viên tòa soạn nhật báo Thần Chung; cuối năm 1954, sau Hiệp Định Geneve, ông bỏ Sài Gòn về Hà nội.

Đầu năm 1955, khi phe quốc gia – đúng hơn là phe Pháp – hãy còn ở Hải phòng – người Hải phòng lên Hà nội đi về không cần giấy phép, ngược lại người Hà nội xuống Hải phòng cũng vậy; từ Sàigòn tôi bay ra Hải phòng rồi về Hà nội xem cảnh Hà nội sau khi Việt Minh tiếp thu. Buổi sáng tôi đến hiệu sách Bình Minh ở phố Huế tìm ông Hồ Dzếnh để đưa cho ông mấy bức thư vài người quen ông ở Sài Gòn nhờ tôi chuyển. Tôi gập ông ở cửa hiệu sách, ông nói tôi đến chậm năm phút là không gặp ông, giờ này ông lên đường đi tham quan đường xe lửa Hà Nội-Ải Nam Quan.

Hơn hai mươi năm sau một đêm mưa ở Sài Gòn tôi nghe nói đến ông Hồ Dzếnh. Cháu tôi là giáo viên ở Hà nội, vào Sài Gòn dậy học, đến thăm tôi, nó kể:

— Cháu có tên bạn trong Hội Nhà Văn. Một tối cháu với nó đang ngồi nói chuyện trong nhà nó, có ông già tóc bạc đến. Nó ra tiếp. Ông già đưa cho nó tập giấy, nó lấy tiền đưa ông già. Trở vào nó hỏi cháu: Biết ai đấy không? Hồ Dzếnh. Lính viết thuê của tao đấy…

Hồ Dzếnh, Lính Viết Thuê! Có nhiều anh nhà báo miền Bắc mỗi tháng phải, và chỉ phải, viết theo chỉ tiêu một số bài, nộp bài cho thủ trưởng, bài có được đăng hay không không cần biết, những anh này ăn lương tháng; nhiều anh có tiền nhờ làm những việc khác nên không viết mà mua bài của người khác làm bài của mình. Hồ Dzếnh là một trong những người viết bài mướn kiếm tiền. Nghe chuyện tôi bùi ngùi thương hại ông. Từ năm 1954 đến ngày chết ở cái gọi là miền Bắc xã hội chủ nghĩa mạt rệp Hồ Dzếnh không sáng tác được gì cả, một câu thơ tình cũng không thấy có, ông không bị bọn Bắc Cộng cho đi tù là may. Đúng hơn, bọn cộng sản Hà Nội coi khinh Hồ Dzếnh, chúng không thèm lý gì đến ông và ông cũng câm miệng không làm gì, không nói gì để có thể bị bắt.

Không phải khi bánh xe lãng tử đến xứ người tôi mới bùi ngùi về chuyện Sài Gòn không được các ông thi sĩ, nhạc sĩ nhớ thương, quí mến trong tác phẩm của mấy ông. Nói rõ hơn, tôi buồn vì có ít nhạc sĩ, thi sĩ ta làm nhạc, làm thơ ca tụng, thương mến Sàigòn. Tôi đã có cảm giác bùi ngùi ấy từ những năm 1980 khi tôi đang sống trong lòng thành phố Sài Gòn quằn quại dưới bóng cờ công sản xâm lược. Trong một băng video những văn nghệ sĩ miền Bắc làm về chủ đề Hà nội của họ có đến 40 bản nhạc ca tụng Hà nội. Tội nghiệp. Sài Gòn của tôi có nhiều lắm là năm, bẩy bài, nổi nhất là bài Sàigòn Đẹp lắm, Sàigòn ơi.. của Y Vân.

Không ai nhớ thì mình nhớ vậy. Ít người thương, mình thương càng quí chứ sao.

Sài Gòn có gì lạ không Em?
Mai Anh về Anh có còn Em?
Anh về giữa sắc cờ pha máu,
Là máu quân thù hay máu Em?

Sài Gòn có gì lạ không Em?
Tháng Tư buồn thành phố mưa đêm.
Anh về giọt lệ vương trên má,
Là lệ trời hay lệ của Em?

Sài Gòn có gì lạ không Em?
Nước triều dâng tràn bến sông đêm.
Anh về nghe tiếng ca hờn tủi,
Là tiếng ma buồn hay tiếng Em?

Sài Gòn có gì lạ không Em?
Mùa hạ vàng thành phố trăng đêm.
Nhìn Anh về trước hiên nhà cũ,
Là mắt sao trời hay mắt Em?

Sài Gòn có gì lạ không Em?
Nghĩa trang buồn nấm mộ không tên.
Tình Em trọn kiếp thơm hương cốm,
Ấp ủ hồn Anh như lá sen.

Sài Gòn có gì lạ không Em?
Nếu mai về Anh chẳng còn Em?
Ngàn năm hai đứa mình xa cách,
Anh vẫn ngàn năm thương nhớ Em!

Tháng Mười 2000 trước tin Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến Hà nội tôi viết một bài về nỗi đau thương, tủi nhục của Vua Lê Chiêu Thống và những người Việt theo ông vua mất ngôi ấy chạy sang Tầu. Ở Yên Kinh có lần Vua Lê Chiêu Thống bị bọn lính Thanh bắt giam nên tôi viết Vua Lê Chiêu Thống là ông Vua Việt duy nhất bị ngoại nhân bắt giam.. Bài viết gửi đi rồi đêm đến mở sách lịch sử ra đọc lại tôi thấy tôi viết sai. Có thể nói dân tộc ta có nhiều ông vua bị ngoại nhân bắt tù, bắt đi đầy nhất trong lịch sử nhân loại, ít nhất cũng là nhiều nhất trong các quốc gia vùng Đông Nam Á Châu.

Lịch sử ta ghi hai ông vua thứ nhất, thứ nhì của ta bị quân Minh Tầu bắt sống, đưa sang Tầu, chết ở đất Tầu là cha con Vua Hồ Quí Ly, Hồ Hán Thương. Trên những trang sử vong quốc thê thảm đời nhà Trần, nhà Hồ tôi gặp lại các ông Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân. Hai ông này có tên trên đường phố Sài Gòn.

Chuyện tên hai ông Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân được đặt tên đường làm tôi nhớ đến chuyện năm 1956 – sau khi ông Ngô đình Diệm lên làm Tổng Thống – thành phố Sài Gòn đổi tên đường. Phải có một ủy ban chọn, đặt tên đường được lập ở Tòa Đô Chính năm xưa ấy để làm công việc đó. Những vị trong ban này đã làm việc thật hay, những tên đường được chọn, được đặt thật đúng, gần như không thể chê trách gì được.

Trước 1956 tất cả những đường phố Sài Gòn đều mang tên Tây; tất cả – trừ một số rất ít ông như Yersin, Pasteur, Genibrel hay Miss Cawell.. — những ông Tây có tên được đặt tên đường ở Sài Gòn đều là những ông có tham dự vào việc quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh những năm 1860; đa số là tướng và sĩ quan cao cấp: 3 Hải Quân Thiếu Tướng De Lagrandière, Charner, Bonnard – đến đời tôi là những đường Gia Long, Lê Lợi, Nguyễn Huệ — một Tướng Bộ Binh: Général Lizé: đường Phan Thanh Giản, hai Cô-lô-nền: Colonel Boudonnet – Lê Lai – Colonel Grimaud – Phạm Ngũ Lão – hai ông linh mục Taberd, Pellerin, hai ông tu sĩ: Frère Louis – Võ Tánh – Frère Denis – Ngô Đức Kế, một ông cố đạo Legrand de la Liraye, sau 1956 đường Lơ Găng Le Nhe là đường Trương Minh Giảng..vv.

Tôi thán phục sự làm việc của những ông trong ban chọn tên đường cho thành phố Sài Gòn năm 1956. Không biết những ông nào là thành viên của ban ấy? Những vị anh hùng của ta: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ được đặt tên cho những đường phố đẹp nhất, lớn nhất ở trung tâm thủ đô, tất cả những ông Vua nhà Nguyễn đều có tên đường, trừ ông Bảo Đại.

Tôi chỉ không hiểu vì sao Sài Gòn lại có tên đường Hiền Vương – Mayer trước 1956, Võ thị Sáu sau 1975 – Hiền Vương là ông Nguyễn phúc Tần, một trong bẩy, tám ông chúa nhà Nguyễn ở Gia Định trước đời Vua Gia Long; tại sao riêng tên ông Nguyễn phúc Tần lại được đặt ở một con đường tương đối lớn như thế?

Sài Gòn có nhiều đường phố mang tên các vị danh tướng đời Trần: Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão. Nhà Trần có hai ông vua chết vì nước, một trong hai ông vua đó không được con cháu nhớ để đặt tên đường. Đó là Vua Trần Duệ Tông.

Khi Hồ Quý Ly sắp cướp ngôi, nhà Trần có vua Trần Duệ Tông, cùng thời Chiêm Thành có vua Chế Bồng Nga. Thời ấy nươcù ta yếu, nước Chiêm mạnh, Chế Bồng Nga nhiều lần đưa quân Chiêm sang đánh phá nước ta, có lần quân Chiêm vào tận thành Thăng Long, quan quân ta chạy như chuột. Chế Bồng Thẹo năm 1975 là hậu duệ 12 đời của Chế Bồng Nga; có người nói Chế Bồng Thẹo là Chế Bồng Nga lộn kiếp, tái đầu thai để trả thù dân Việt Nam. Năm Đinh Tị – 1377 – Vua Trần Duệ Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Chế Bồng Nga cho người trá hàng, sang báo tin Y đã bỏ thành Đồ Bàn chạy trốn. Vua Trần Duệ Tông tin thật, tiến vào thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga cho phục binh đổ ra đánh, Vua Duệ Tông chết tại trận. Trận ấùy quân ta mười phần chết đến bẩy, tám. Trong suốt lịch sử ta tôi thấy chỉ có một Vua Trần Duệ Tông là chết cùng với quân sĩ trên chiến trường khi Vua thân chinh mang quân đi mở cõi.

Nhưng tên Vua Trần Duệ Tông đã không được đặt tên đường trong thủ đô Sài Gòn, tên ông Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần lại được chọn. Đây là sự bất công tôi thấy khi tôi nhớ lại những tên đường phố Sài Gòn. Ông vua Nhà Trần thứ hai chết vì nước là Vua Trần Quí Khoách. Năm 1413 Vua bị Tướng Trương Phụ nhà Minh bắt sống cùng với các ông Đặng Dung, Nguyễn Súy. Sử ta ghi cả ba ông đều tự sát. Ở khu Trần Quang Khải, Tân Định, ta có những đường Trần Quí Khoách, Đặng Tất, Đặng Dung nằm liền nhau.

Đường Paul Blanchy đổi thành đường Hai Bà Trưng, chạy dài từ cầu Tân Định đến sông Sài Gòn; ông Thi Sách, nhờ có liên hệ gia đình với Hai Ba, được có tên trên con đường nhỏ ở khu Bệnh Viện Đồn Đất, tức Nhà Thương Grall, đường Charner thành đường Nguyễn Huệ, đường Bonnard thành đường Lê Lợi, tên ông Lê Lai có công liều mình cứu chúa thay thế tên Colonel Boudonnet, đường Norodom Sihanouk thành đường Thống Nhất, đường D””Espagne – bà con ta thường đọc là đường Đét Banh – trở thành đường Lê Thánh Tôn, đường La Răng Nhe – Lagrandière, Thiếu tướng Hải Quân Pháp, — thành đường Gia Long, đường Lơ-răng Le Nhe – Legrand de la Lyrae-thành đường Trương Minh Giảng, đường Général Lízé thành đường Phan Thanh Giản.

Đường Phan Thanh Giản là một đường lớn, chạy dài từ Ngã Bẩy đến cầu Thị Nghè. Trong số các vị quan nhà Nguyễn tên ông Phan Thanh Giản được dùng để đặt tên cho con đường lớn nhất. Đêm buồn ở Rừng Phong, tôi đọc tiểu sử của ông.

Viết theo Khoa Cử Việt Nam, tác giả Đỗ Bằng Đoàn.

Tháng Giêng năm 1861, Tướng Pháp Charnier đem 3.500 lính Pháp và Y-pha-nho, chiếm Gia Định, rồi tiến quân đánh đồn Kỳ Hòa. Ngày 26-2-1861 đồn Kỳ Hòa thất thủ; Thống Đốc Nam Kỳ Quân Vụ Nguyễn Tri Phươnt bị thương nặng, Tán Lý Nguyễn Duy và Tán Tương Tôn Thất Trí tử trận. Lấy xong đồn Kỳ Hòa, địch thừa thắng kéo lên đánh hai tỉnh Biên Hòa, Định Tường. Chỉ trong mấy ngày ba tỉnh miền Đông mất về tay người Pháp.

Tin bại trận báo về kinh, Vua Tự Đức họp đại thần bàn định (…) Vua cử Thượng Thư Phan Thanh Giản làm Toàn quyền đại thần, Tham tri Lâm Duy Hiệp làm Phó, vào Gia Định nghị hòa. Vua căn dặn hai ông:

— Nam Kỳ không những là đất khai sơ của liệt thánh, lại còn là quê hương của Đức Bà Từ Dụ. Các khanh chớ khinh xuất cắt đất cho người Pháp.

Cuộc nghị hòa đưa tới hòa ước năm Nhâm Tuất – 1862 – do Phan Thành Giản, Lâm Duy Hiệp ký với Bonard: Ta nhường cho Pháp ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, bồi thường binh phí cho Pháp 4 triệu quan, trả làm 10 năm.

Sĩ dân Nam Kỳ nhiều người nổi lên chống Pháp, đứng đầu là nhóm các ông Trương Công Định, Trương Công An, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân vv, nhóm ông Trương dựng cờ Bình Tây Nguyên Soái, cờ thêu tám chữ: Triều đình khi dân, Phan, Lâm mãi quốc.

Năm 1863 Vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản làm Chánh Sứ, Pham Phú Thứ, Ngụy Khắc Đàn làm Phó sứ, sang Pháp đệ quốc thư xin chuộc ba tỉnh Nam Kỳ. Ngày 4-7-1863 sứ bộ xuống tầu biển của Pháp ở Gia Định, ngày 10-9 tới Pháp, ngày 5-11 được gặp Pháp Hoàng. Chuyến đi sứ thất bại hoàn toàn. Năm 1864 chính phủ Pháp cho Đại Tá Aubaret làm Toàn quyền sang Việt Nam. Triều đình thấy ông Phan Thanh Giản từng gặp Aubaret ở Pháp nên cử ông làm Toàn Quyền cùng hai ông Trần Tiến Thành, Phan Huy Vịnh vào Nam Kỳ thương thuyết với Aubaret để chuộc lại ba tỉnh. Đang thương thuyết thì Tổng Đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển cấp báo quân Pháp tiến đánh thành Vĩnh Long.

Vua Tự Đức phong ông Phan Thanh Giản làm Kinh Lươc Sứ, đại dinh đóng ở Vĩnh Long. Sáng sớm ngày 20-6-1867 Thiếu Tướng De Lagrandière đem một tầu chiến và 1.000 binh sĩ đến Vĩnh Long, cho Linh mục Legrand de la Lyrae vào thành hạ tối hậu thư bắt phải đầu hàng. Ông Phan đề nghị gặp Tướng Pháp điều đình. De Lagrandière mời ông và Án sát Vũ Duy Thanh lên tầu nói chuyện. Cuộc nói chuyện chẳng đi đến đâu nhưng khi hai ông Đại sứ ta trở về thành, De Lagrandière cho lính võ trang ào ào đi theo, xông vào thành, chiếm luôn thành Vĩnh Long. Hai, ba ngày sau quân Pháp chiếm An Giang, Hà Tiên.

Quân Pháp chiếm Vĩnh Long, giam lỏng ông Phan trong một căn nhà nhỏ. Ông viết sớ tâu rõ việc mất thành, tự nhận mình bất lực, để sớ với mũ áo triều phục, cùng 23 đạo sắc phong, cho người đưa về kinh đô, rồi tuyệt thực. Ông tuỵệt thực 17 ngày vẫn không chết, cuối cùng ông uống thuốc độc tự tử.

Vua Tự Đức giận ông không làm tròn nhiệm vụ, lại cố ý chết để tránh tội, giáng chiếu kết ông tội trảm giam hậu, truy đoạt hết quan chức của ông, đục tên ông trong bia Tiến sĩ. Năm 1886 Vua Đồng Khánh ban chiếu hủy tội và phục chức cho ông.

Hai con trai ông là Phan Thanh Tôn, Phan Thanh Liêm chỉ huy nghĩa quân chống Pháp ở Bến Tre, Vĩnh Long, Sađéc, Trà Vinh; cả hai ông cùng tử trận.

*
Trời không chớp bể
chẳng mưa nguồn,
Đêm nảo, đêm nào
tớ cũng buồn…

Thơ Tú Xương. Sàigòn có đường Tú Xương. Ông Tú sống ở trong nước mà đêm đêm ông còn buồn đến thế, không biết nếu ông sống lưu vong xa quê hương ông nửa vòng trái đất đêm đêm ông còn buồn đến đâu. Những đêm buồn ở Rừng Phong, người vong quốc đã buồn lại càng thêm buồn khi đọc những trang sử vong quốc của dân tộc mình. Nhiều đời ông cha tôi chịu cảnh mất nước, dân tộc tôi bị ba ngoại nhân thay phiên nhau đô hộ: Tầu, Tây, Nhật, trong khi dân tộc Cao Ly chỉ bị hai đời ngoại nhân đô hộ là Tầu và Nhật.

Trích Khoa Cử Việt Nam,
Tập 2, trang 100:

Sứ bộ Việt Nam mặc triều phục, chắp tay ngang trán, cúi đầu xá ba xá, Pháp Hoàng và Hoàng Hậu cúi đầu đáp lễ. Chánh sứ Phan Thanh Giản dâng quốc thư, Pháp Hoàng đứng dậy tiếp nhận. Cuộc đàm phán bắt đầu: Bên sứ bộ ta thống thiết đòi hỏi công lý, bên người Pháp im lặng ngồi nghe. Cuối cùng Pháp Hoàng nói:

— La France est bienveillante pour toutes les nations et protéger des faibles, mais ceux qui l””entravent dans sa marche ont à craidre sa sévérité!

Đại tá Aubaret thông dịch ra tiếng Việt:

— Nước Pháp từ ái với tất cả các dân tộc và sẵn sàng bảo vệ những kẻ yếu, nhưng những ai cản đường tiến thủ của nước Pháp sẽ được biết sự nghiêm khắc của nó! Ngưng trích.

Anh Vua Phú Lang Sa tuyên bố hung hăng con bọ xít nghe dễ ghét, anh đe dọa trừng phạt những ai dám ngăn cản việc đi chiếm thuộc địa của dân anh; một trăm năm sau lũ con cháu thực dân của anh bị phút a la poóc trên khắp thế giới!

Kể cũng lạ. Lần nào Đại sứ Phan Thanh Giản đi gặp người Pháp để điều đình ông cũng làm mất đất. Lần thứ nhất Vua Tự Đức sai ông vào Gia Định để đòi lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, thay vì đòi đất ông lại ký hiệp ước xác nhận người Pháp được quyền làm chủ ba tỉnh. Vua Tự Đức vẫn không ngán, Vua cử ông làm Đại Sứ sang Pháp, chuyến đi ngoại giao đạt thành quả là con số Không to tổ bố. Cũng vẫn không ngán Vua lại cử ông làm Toàn Quyền vào giữ tỉnh Vĩnh Long. Tôi tưởng tượng thảm cảnh các quan ta mặt mũi xanh sám, ngẩn ngơ từ trên tầu chiến bằng sắt có súng thần công của Pháp đi xuống, lếch thếch, thất thểu đi bộ về thành, bọn lính Tây hung hãn mang súng đi hai bên như áp giải tù nhân, cảnh quan quân ta ngơ ngáo khi quân địch ngang xương ùa vào chiếm thành, bắt giam các quan ta. De Lagrandière chiếm thành Vĩnh Long không tốn một viên đạn, dễ hơn hắn ăn bí-tết.

Ông Phan Thanh Giản là Đại sứ đi sang Âu châu thứ nhất của ta. Đọc sử tôi thắc mắc muốn hỏi ông Đại sứ: Tại sao trước khi đi Vua đã dặn ông không được cắt đất cho Pháp, ông cứ ký vào hiệp ước cắt đất? Ông không ký với nó thì đã sao? Tại sao ông phải ký? Tôi muốn nói với ông:

— Thưa ông.. Cái chết tuyệt thực tạ tội của ông làm chúng tôi thương ông, chúng tôi để tên ông trên con đường lớn của thủ đô chúng tôi, chúng tôi để tên Vua Tự Đức trên con đường nhỏ chỉ bằng một phần mười con đường mang tên ông.

Chúng tôi vinh danh hai ông con ông chết vì nước, khu Dakao trong Sàigòn, thành phố thủ đô của chúng tôi – Xin lỗi, thủ đô của chúng ta — có hai đường Phan Tôn, Phan Liêm. Hai đường ấy ở cạnh đường mang tên ông. Không có nhiều nhà cha và con cùng có tên trên đường phốù Sàigòn: tôi nhớ chỉ có các ông Nguyễn phi Khanh-Nguyễn Trãi, Đặng Tất-Đặng Dung, riêng họ Phan của ông có ba người: Phan Thanh Giản- Phan Tôn-Phan Liêm. Chúng tôi hèn yếu nên đã không giữ được thủ đô của chúng ta. Bọn xâm lược hiện bỏ tên ông, chúng thay tên ông bằng cái tên Điện Biên Phủ. Chúng tôi mơ một ngày chúng tôi sẽ đặt lại bảng đường mang tên ông trên con đường lớn ấy.

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Mòn mỏi kiếp lưu đày, vất vưởng quê người, những đêm buồn chợt nghe từ đáy hồn thương tích, vẳng tiếng kèn truy điệu nuớc xưa, trái tim muốn vỡ vì trăm hận, ngàn đau nào sánh nổi, tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương. Ơi người bạn đọc ở cuối chân trời, tôi thương nhớ Sài Gòn, tôi thả hồn tôi trở về những đường phố Sài Gòn xanh xưa – Sài Gòn..nơi bạn và tôi đã trưởng thành, đã gặp Tình Yêu, đã sống, đã bỏ, đã phụ, Sài Gòn đã yêu thương chúng ta – nay chúng ta sống xa Sài Gòn, bạn có bao giờ thương nhớ Sài Gòn không?

Tôi kể chuyện Sàigòn bạn nghe nhé..!

Đọc “Nếu đi hết biển”


NẾU ĐI HẾT BIỂN, 196 trang, gồm một số bài phỏng vấn do người viết Trần Văn Thủy thực hiện, ấn hành ở Hoa Kỳ Tháng 12 năm 2003, nhà “Thời Văn” xuất bản, trang 3 trong sách có hàng chữ “Chương Trình Nghiên Cứu Của University of Massachusetts Boston.” Trần văn Thủy là người từ Hà Nội đến Mỹ do lời mời của Trung Tâm William Joiner thuộc Đại Học Massachusetts Boston, là đạo diễn hai phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” và “Chuyện Tử Tế”. Việc thực hiện “Nếu Đi Hết Biển” và in ấn phẩm ấy được Trung Tâm William Joiner chi tiền. Một người Việt Nam ở Mỹ là ông Nguyễn Hữu Luyện được nhiều người Việt ủy thác đứng ra kiện Trung Tâm William Joiner vì Trung Tâm ấy không vô tư trong việc nghiên cứu cộng đồng người Việt sống ở Mỹ để viết sách. Vụ kiện đang tiến hành.
Những người trả lời phỏng vấn của Trần văn Thủy trong “Nếu Đi Hết Biển”: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhật Tiến, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Trương Vũ, Wayne Karlin, Tuyết và Chris.
Kewin Bowen, Giám Đốc Trung Tâm William Joiner Nghiên Cứu Về Chiến Tranh Và Hậu Quả Chiến Tranh, Đại Học Massachusetts Boston, Nghiên Cứu Trưởng Chương Trình Rockefeller Nghiên Cứu về Tiến Trình “(Tái) Xây Dựng Diện Mạo Và Quê Hương Của Người Việt Ở Nước Ngoài” 2000-2003, viết lời giới thiệu “Nếu Đi Hết Biển”. Bài giới thiệu bằng tiếng Anh đi kèm bài được dịch ra tiếng Việt, trong đó có đoạn:
Nếu Đi Hết Biển. Trích: “Những tác giả phỏng vấn là những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính, với những tiếng nói đa dạng và phong phú. Nhà văn Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hoàng Khởi Phong, vv…đã trình bày một cách thẳng thắn và công khai về một số đề tài cấm kỵ (ta-bu) trong sinh hoạt chính trị ở hải ngoại cũng như Việt Nam, và ảnh hưởng của chúng trong lãnh vực sáng tác.” Ngưng trích.
“Những tác giả phỏng vấn.. ” là câu dịch sai. Bản Anh ngữ “Those interviewed include the esteemed and profound of Vietnamese thinkers and writers..”: “Những người được phỏng vấn..”. Những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính trong “Nếu Đi Hết Biển” chỉ trả lời những câu hỏi, họ không phỏng vấn ai cả. Cũng trong Lời Giới Thiệu có đoạn:
Trích: “Chúng ta mang một niềm tri ân sâu sắc với những cá nhân đã dũng cảm đứng đầu gió để tham dự vào cuộc đối thoại này.” Ngưng trích.
Trả lời vài câu hỏi, dù người hỏi có là người nước Bắc Cộng, mà người trả lời đang sống ở Mỹ quốc cũng phải có “dũng khí” dư? Ghê quá dzậy? Mà “cuộc đối thoại” nào? Ai đối thoại với ai? Trong “Nếu Đi Hết Biển”, những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc chỉ trả lời những câu hỏi, nếu có đôi lời nói qua, nói lại thì cũng chỉ quanh quẩn trong đề tài được người hỏi đưa ra; đây là “cuộc phỏng vấn”, gọi đây là “cuộc đối thoại”, qua nhận xét ngu dốt của tôi, tôi e không đúng. Tôi sẽ kể ra vài đoạn để chư quí vị độc giả thấy những nhân vật dũng cảm đã trả lời phỏng vấn như thế nào, và những chuyện được hỏi trong “Nếu đi hết biển” là những chuyện gì mà gọi là những “đề tài cấm kỵ trong sinh hoạt chính trị ở hải ngoại?”
Về tên sách “Nếu Đi Hết Biển” tác giả kể chuyện ngày xưa còn bé, ông có bà vú nuôi rất thân thương, bà vú không biết chữ, bà chỉ nghe mà biết được nhiều chuyện, bà thường kể những truyện thơ nôm cho ông nghe. Một hôm ông hỏi bà từ làng ông cứ đi mãi, qua hết những làng ông biết tên trong vùng thì đi đến đâu, bà vú trả lời đi đến biển, ông lại hỏi đi hết biển thì đến đâu, bà vú trả lời đi hết biển đến đâu bà không biết. Tác giả nhớ mãi câu hỏi và câu trả lời ấy. Mấy chục năm sau ông biết là “nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình.” Đó là lời tác giả viết trong chương “Mấy Lời Rào Đón” của “Nếu Đi Hết Biển”.
Đến những năm ở vào cái tuổi tam thập nhi lập, ông Trần Văn Thủy biết là cứ đi mãi người ta sẽ trở về chỗ người ta bắt đầu đi….. Kỳ diệu quá đỗi, trái đất tròn! Thưa ông Trần Văn Thủy, nếu ông có lòng thương mà dậy cho bọn người Việt trốn nạn cộng sản chúng tôi biết chân lý trái đất tròn và sự kỳ diệu cứ đi mãi sẽ đến chỗ bắt đầu ra đi thì chúng tôi cám ơn ông. Nhưng dường như phát kiến ấy của ông, từ lâu rồi, từ thế kỷ trước, những em nhỏ Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới lên ba cũng đã biết.
Nhưng thôi, ta hãy nói đến chuyện phải chăng người viết muốn dùng việc”cứ đi mãi sẽ trở về chỗ bắt đầu đi” để nhắn nhủ, một cách kín đáo, những người Việt bỏ nước ra đi rằng mấy người đi mãi rồi mấy người cũng trở về nước. Trở về nước thì tôi đồng ý với ông tác giả “Nếu Đi Hết Biển” – Nđhb-, không phải chỉ mình tôi mà rất nhiều người Việt muốn trở về nước và sẽ trở về nước, nhưng phải nói rõ: việc chúng tôi về nước không phải là việc chúng tôi chấp nhận chế độ cộng sản bạo trị trên đất nước chúng tôi, việc chúng tôi trở về nước không có nghĩa là chúng tôi chịu để yên cho bọn cộng sản tiếp tục đàn áp, bóc lột đồng bào chúng tôi, để yên cho bọn cộng sản tàn phá, hủy hoại đất nước chúng tôi. Nếu ông tác giả muốn nói bóng gió rằng cuối cùng chúng tôi phải trở về đầu phục bọn cộng sản, thì thưa ông, chúng tôi không thế đâu. Việc chúng tôi về nước là một nhục nhã cho bọn cộng sản cầm quyền.

Vì chúng tôi có đô-la Mỹ chúng nó mới mở cửa đất nước cho chúng tôi về, chúng nó quì gối trước đồng đô-la Mỹ. Những đồng đô-la Mỹ chúng tôi có là những đồng đô-la sạch, chúng tôi phải làm việc đổ mồ hôi, sôi máu mắt ở Mỹ chúng tôi mới có những đồng đô-la ấy. Việc chúng tôi trở về nước làm bọn cộng sản mau chết, chúng đang ngắc ngoải, việc chúng tôi về nước không làm tổn hại gì đến chính nghĩa của chúng tôi. Coi việc người Việt ở nước ngoài về nước là việc chúng tôi chấp nhận, chúng tôi thỏa hiệp, chúng tôi đầu hàng bọn cộng sản là ngu xuẩn. Ông cha, chú bác, anh em chúng nó đã chết nhăn răng, chết thối ở khắp nơi trên thế giới, chúng nó đang chết, chúng tôi thỏa hiệp với những thằng gian ác, những thằng giết người khi chúng sắp chết làm ký gì?

Chúng tôi mang đô-la Mỹ về cho chúng nó hộc máu chúng nó chết lẹ hơn, để đồng bào chúng tôi thấy mặt thật hèn hạ của chúng nó, để đồng bào chúng tôi sớm thoát cảnh khổ. Chúng tôi có thể về thăm nước nhưng chúng tôi vẫn mong thấy, không những chỉ mong, chúng tôi tin chắc, chúng tôi biết chắc có ngày đất nước chúng tôi không còn lá cờ đỏ máu nào, chúng tôi mong thấy, chúng tôi biết chắc sẽ có ngày bọn đảng viên đảng cộng sản bị nhân dân chúng tôi nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít, đuổi đi. Chuyện ấy đã xẩy ra ở Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan, Lỗ, Đức..Chuyện ấy sẽ xẩy ra ở VN, chắc hơn bắp rang, chắc hơn cua gạch!
Tác giả “Nếu Đi Hết Biển” đặt câu hỏi trong Chương Hai của sách:
Trích: “Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến như thế không?” Ngưng trích.
Théc méc trên của tác giả Nđhb, em nhỏ lên ba Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa cũng giải tỏa được cái rụp: Trong lịch sử Việt Nam làm gì có cuộc nhân dân ra đi nào đau thương, bi thảm đến như thế. Không có vì trước năm 1945 nước Việt Nam không có bọn cộng sản cầm quyền. Dân Việt Nam có vài cuộc nội chiến nhưng không có bọn cầm quyền nào giết nhân dân tàn bạo, ác độc như bọn cộng sản. Vì bọn cộng sản giết chúng tôi, chúng tôi phải liều mạng ra đi. Chuyện dễ hiểu, dễ thấy quá, nhà đạo diễn điện ảnh không thấy hay sao mà phải théc méc?
Sau khi nêu théc méc trên, tác giả Nđhb viết tiếp:
Trích: “Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ “qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi” mà cuối cùng không thể “trở về quê mình, làng mình” được. Ngưng trích.
Câu trên có hai nghĩa. Nghĩa đen là những người Việt ở hải ngoại không thể trở về được quê hương. Chuyện xẩy ra cho thấy những người Việt ở hải ngoại đã trở về nước, trở về đường hoàng, trở về và được chào đón, quí mến. Không những chỉ trở về nước, người Việt hải ngoại còn trở về nước quá nhiều, quá đông, quá tưng bừng, quá dzui dzẻ, quá săng phú bọn cộng sản cầm quyền. Nhiều người Việt ở Mỹ về chơi Hà Nội, không thấy một ai trở về Mỹ kể chuyện họ đến thăm Lăng ông Hồ Chí Minh. Sự có mặt của họ trong nước là bằng chứng cho nhân dân thấy chế độ dân chủ đi với chủ nghĩa tư bổn là tốt, chủ nghĩa cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa là hạng bét, là mẹc cà-đui, năm-bơ then!

Tình trạng người Việt ở Mỹ về nước Việt Nam làm cho những người dân chủ-tư bổn Mỹ khoái chí nhất. Từ bao năm người Mỹ tốn bao nhiêu công sức, đổ bao nhiêu tiền của, bơ sữa vào nước Việt Nam để làm cho dân Việt biết lối sống Mỹ là tốt, ít nhất chế độ xã hội Mỹ cũng làm cho con người được no ấm, được sống thảnh thơi. Nay họ chẳng mất đồng đô-la teng nào, hàng hàng lớp lớp người Việt cứ phây phây về nước làm quảng cáo cho chế độ dân chủ của họ.
Nhưng chắc tác giả không muốn nói đến cuộc trở về theo nghĩa đen ấy, chắc tác giả muốn nói đến việc “có một số những người Việt xa xứ không bao giờ có thể trở lại là người Việt Nam”. Nhưng tại sao những người Việt ở nước ngoài lại không thể trở lại là người Việt Nam?

Tất nhiên những thế hệ cháu chắt của những người Việt ra sống ở nước ngoài trong ba thập niên cuối của thế kỷ 20 sẽ trở thành công dân của quốc gia trong đó họ ra đời, quốc gia trong đó họ lớn lên. Nhưng lớp người Việt bỏ nước ra đi những năm 1980, 1990.., thế hệ người Việt như các ông Hoàng Khởi Phong, Nhật Tiến, bà Hoàng Bắc ..vv..đã có bao giờ hết là người Việt Nam đâu? Và chúng tôi, những người Việt Nam phó thường dân đang sống ở Mỹ, chúng tôi vẫn là người Việt Nam, chúng tôi Việt Nam từ đầu ngón cẳng cái đến đầu sợi tóc bạc, có bao giờ chúng tôi không phải là người Việt Nam mà ông sợ chúng tôi sẽ không bao giờ có thể trở lại là người Việt Nam. Phải chăng ông muốn nói rằng “những người Việt không đầu phục bọn đảng viên đảng cộng sản sẽ không còn là người Việt Nam?” Nếu ông muốn nói như thế thì tôi chán ông quá! Bọn đảng viên đảng cộng sản mới không phải là người Việt Nam, chúng tôi là người Việt Nam, ít nhất chúng tôi cũng là người Việt Nam hơn bọn đảng viện đảng cộng sản.
Tác giả Nđhb viết trong cái gọi là “Mấy Lời Rào Đón”:
Trích: Thưa bạn đọc!
Cho tôi được thưa “bạn”, tôi quan niệm đọc của nhau là bạn được rồi. Người cao niên hơn tôi, người ít tuổi hơn tôi đều được coi là bạn, bạn vong niên. Tôi thấy chữ “bạn” nó gần gũi, cổ xưa và thân thiện quá. Thật bất hạnh nếu như trên đời này ta không có bạn.
Rồi tôi bỗng giật mình, chợt nhận ra rằng, biết đâu, trong tình cảnh hiện tại của người Việt Nam ta, lỡ có người giận dữ mà rằng: “Thằng Việt Cộng! Ai bạn bè với mày!” Thế là tôi chột dạ, lại phải cân nhắc sao cho phải. Ngưng trích.
Làm gì có chuyện cứ “đọc của nhau” – rõ hơn và đúng ngôn ngữ Việt Nam hơn là “đọc bài viết của nhau” – là “bạn nhau”. Còn lâu, thưa ông đạo diễn! Tôi đặt lại câu hỏi: “Anh Việt Cộng! Anh coi tôi là bạn anh hồi nào?” Khi tôi sống trong nước, có lúc nào anh coi tôi là bạn anh không? Không những chỉ không, anh còn coi tôi là thằng phản động, thằng có tội với chế độ, tôi chỉ không ưa Đảng anh vì Đảng anh đày đọa nhân dân, Đảng anh làm nhân dân đau khổ, anh bỏ tù tôi mút mùa Lệ Thủy, anh muốn tôi chết trong tù, anh bắt tôi phải nhận tôi “có tội với nhân dân, có tội với tổ quốc!” Sau bao năm tù đày tôi may mắn không chết, tôi bánh xe lãng tử sang được xứ Mỹ, người Mỹ thương hại tôi, họ cho tôi sống bình yên ở xứ họ, cho tôi sống nhờ họ, họ nuôi tôi, nuôi vợ tôi, anh theo tôi sang Mỹ và anh gọi tôi là “bạn”!

Dễ và giản dị thế sao anh?

Anh coi chúng tôi là thứ người gì? Anh có thể nói “bỏ tù anh đâu phải tôi!’ Không phải đích thân anh thì đám anh em anh bỏ tù tôi, anh em anh là anh. Anh cướp nhà tôi, anh cho tôi vào tù, anh đuổi mẹ tôi, vợ con tôi ra nằm vỉa hè, anh hạ nhục tôi, anh bôi cứt lên mặt tôi, anh đè ngửa vợ tôi ra anh chơi, anh lột truồng con gái tôi anh hiếp, anh không cho con tôi đi học, anh đẩy con tôi sang chết mất xác ở Kam-pu-chia..! Thế rồi bi giờ ở xứ Mỹ anh hiền khô anh gọi tôi là “bạn” anh. Anh tử tế quá anh. Và anh chờ đợi tôi lỏn lẻn nhận anh là “bạn” tôi? Thưa anh Việt Cộng, anh có điên không anh? Nếu anh không điên, tôi sợ anh ngu. Trước khi anh bả lả, anh òn ỉ với người nào, anh cũng phải nhớ xem anh từng đối xử với người ta ra làm sao chứ! Tôi sẽ xấu hổ lắm nếu tôi có người đảng viên đảng cộng sản là bạn.
“Thật bất hạnh nếu như trên đời nay ta không có bạn..” Đúng vậy, thưa ông đạo diễn. Thường thì lý do làm ta không có bạn là ta đểu quá, ta ăn ở chó má quá nên người ta không ai thèm làm bạn với ta. Ông viết như thế có sợ bọn đầu xỏ Cộng chúng nó nghĩ ông chửi xéo chúng nó không? Khi những ngụy quyền cộng sản các nước Đông Âu theo nhau xuống cống, khi tượng Thánh tổ Lê-nin bị người Nga tròng xích sắt vào cổ, kéo ra cho nằm ở bãi rác, khi vợ chồng Chủ Tịt Sô-xét-cu xứ Ru-ma-ni bị dân Lỗ kê súng vào đầu bắn bỏ, khi “đồng chi Hô-nách-cơ vĩ đại” của bọn cộng Hà Nội bỏ đảng chạy lấy người, khi Chủ Tịt Na-dzi-bu-la xứ A-gha-ni-tan bị lôi ra treo cổ.., tôi nghĩ đến chuyện như thế này là anh Thiến Heo kiêm Hoạn Lợn Đỗ Đít hết chỗ đi chơi rồi!

Trên trái đất chỉ còn loe nghoe, leo heo mấy nước còn bọn cộng sản cầm quyền: bọn Tầu Cộng thì ghét cay, ghét đắng bọn Việt Cộng, hai thằng từng đánh nhau thằng hộc máu mồm, thằng sồm máu mũi, Miên Cộng, Lào Cộng không ưa Việt Cộng, Bắc Hàn Cộng không có tình nghĩa gì với bọn Bắc Việt Cộng, Bắc Việt Cộng chỉ còn có Cu Ba là bồ tèo. Mà Cu Ba thì đói dài đói dẹt, đói teo… Cu..Ba, teo luôn Cu Bốn, Cu Năm, Cu Cộng nào cũng teo ráo trọi. Bắc Việt Cộng nhẵn thín không còn có bạn!
Nhà đạo diễn viết trong “Mấy lời rào đón”:
Trích: Trên tay quí vị và bạn đọc không phải là một cuốn sách. Chắc chắn là như vậy, chứ chẳng vì khiêm tốn giả vờ. Nói đến sách, người ta thường chờ đợi trong đó: tri thức, văn chương, tư tưởng hoặc học thuật.
Từ đầu năm 2001 một số nhà nghiên cứu người Việt, người Mỹ đã động viên tôi và viết thư giới thiệu tôi với Trung Tâm William Joiner để tôi có thể tham gia viết một cái gì đó. Quả thực là bởi nhiều lẽ, tôi rất ngần ngại. Sau rồi, nghĩ lại, không đi thì tiếc, cuối cùng tôi cũng đã có mặt trên đất Mỹ dài dài. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tới trên hai chục trường đại học và thành phố thuyết trình, hội thảo và chiếu mấy bộ phim tài liệu của chúng tôi đã làm. Rồi công việc đưa đẩy, tôi lui tới nước Mỹ nhiều lần, bay trên ba chục chuyến bay trong nội địa nước Mỹ. Tôi thấy được nhiều điều và cũng vỡ ra được nhiều điều. Nếu bén gót được đệ tử, cháu chắt cụ Nguyễn Tuân thì tôi có thể dám viết một cuốn sách với tựa đề “Nước Mỹ rong chơi”. Viết được thế mới sướng. Nhưng tôi đã lỡ theo cái nghiệp, cái cách làm phim tài liệu và chỉ có cái nhìn rất hạn hẹp, rất mộc mạc của người làm phim tài liệu.
Bởi vậy, đây thuần túy chỉ là những ghi chép thô sơ từ cuộc sống, từ công việc của tôi cùng với những ý kiến đóng góp, trao đổi trong tình thân của một số quí vị mà tôi được coi là bạn.
Vậy, nếu ai muốn tìm kiếm những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương hoặc soi mói những điều kém cỏi về lập trường, quan điểm xin hãy bỏ qua, đừng đọc tiếp. Ngưng trích.
Quyển sách là quyển sách, chỉ có chuyện nó là quyển sách hay hay nó là quyển sách dở. Nếu “Nếu Đi Hết Biển” không phải là quyển sách thì nó là cái gì? Chúng tôi, một số người Việt tị nạn cộng sản sống ở Mỹ, nếu chúng tôi đọc “Nếu Đi Hết Biển” thì không phải để tìm trong đó những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương, mà là vì trong đó các anh nói với nhau về chúng tôi, chúng tôi đọc để xem các anh nói với nhau những gì về chúng tôi. Anh không thể chửi bố người ta rồi trâng tráo nói không thích thì đừng nghe, anh không thể viết chửi mẹ người ta rồi lởm khởm bảo người ta đừng đọc.

Và “Rong Chơi Nước Mỹ” có lẽ đúng tiếng Việt hơn là “Nước Mỹ Rong Chơi.” Nhưng thôi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy, chúng ta hãy xem những người bạn của tác giả Nđhb nói những gì về chúng ta.

Trong những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc kiêm bạn hữu của tác giả Nđhb, hình như, chỉ có ông Cao Xuân Huy là người có qua mấy năm tù cải tạo, còn tất cả đều không ai phải qua một ngày tù đày nào ở quê nhà; ông Hoàng Khởi Phong chạy thoát trước ngày 1 tháng Năm 1975, các ông bà khác đều là thuyền nhân vượt biển đến Mỹ. Hai ông Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến có tác phẩm tiểu thuyết được ấn hành và bán ở trong nước. Và theo lời tác giả Nđhb, tất cả các ông bà ấy đều là bạn của tác giả. Khi đã là bạn nhau người ta thường không nói với nhau những chuyện có thể làm mất lòng nhau. Muốn biết sự thật về một cộng đồng người, huỵch toẹt là muốn biết người ta nghĩ gì về mình, về phe đảng mình, mà chỉ hỏi những người bạn mình thì chán chết. Không những chỉ chán mà đó còn là việc làm ngớ ngẩn. Đại đa số người Việt ở Mỹ căm thù cộng sản, muốn thấy nước nhà thoát ách cộng sản cầm quyền, người dân được hưởng tự do, dân chủ, tìm hiểu tâm trạng những người đó mà lại đi hỏi những người có cảm tình với cộng sản thì hỏi làm quái gì cho mất thì giờ! Anh có thể nói “Tôi thích hỏi ai tôi hỏi. Anh không có quyền bắt tôi phải hỏi người này, không được hỏi người kia,,!” Đúng dzậy.

Tôi cũng có quyền nói: “Muốn biết tâm trạng chúng tôi, muốn biết tại sao chúng tôi căm thù cộng sản, tại sao chúng tôi không muốn thấy bọn đảng viên cộng sản theo chúng tôi đến xứ Mỹ, tại sao chúng tôi không ưa bọn bám đít cộng sản, sao anh không hỏi thẳng chúng tôi? Sao anh không phỏng vấn những người của chúng tôi như Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Nguyễn Văn Chức? Sao anh không hỏi Xuân Vũ (Niên Trưởng Cố Vấn của Thư Viện Việt Nam Online) – anh đến Mỹ từ năm 2001, Xuân Vũ mới qua đời tháng 12, 2003 – anh có thể hỏi Xuân Vũ “Anh viết Đường Đi Không Đến..Tháng 5, 1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn của chúng tôi nói “Chúng ta đã đi và chúng ta đã đến”. Bây giờ anh nói sao? Chúng tôi đến hay chúng tôi không đến?” Sao anh không hỏi Nguyễn Chí Thiện: “Sống ở Mỹ sáu, bẩy năm rồi, anh đã làm được những gì ở Mỹ, anh có hối tiếc đã bỏ nước ra đi không, bây giờ anh nghĩ gì về những người cộng sản chúng tôi, bây giờ anh muốn đất nước mình sẽ như thế nào?

Anh có muốn về nước không?”

Sao anh không hỏi hai bà chủ báo của chúng tôi là bà Nhã Ca và bà Hoàng Dược Thảo? Tôi chắc hai bà chủ báo ấy sẽ nói với anh nhiều điều có ích cho anh hơn. Giản dị nhất và hay nhất, hợp lý nhất là sao anh không gặp, không hỏi ngay ông Nguyễn Hữu Luyện, người đứng đơn kiện Trung Tâm William Joiner? Sao anh không hỏi ông Luyện một câu cần hỏi như “Sao ông chống Trung Tâm William Joiner?” Muốn “hòa giải” với những người chống mình thì việc cần làm, việc phải làm là nói chuyện ngay với những người chống mình, muốn “hòa giải” với những người chống mình mà lại chỉ lẹo tẹo hỏi chuyện những người bạn mình thì hỏi làm quái gì cho mất thì giờ! Theo tôi, câu anh cần hỏi nhất là “Các anh muốn những người cộng sản chúng tôi làm những gì để các anh có thể hợp tác với chúng tôi trong việc đem hạnh phúc đến cho nhân dân ta?”

Thưa ông đao diễn Trần Văn Thủy, ông sang Mỹ, ông đi chỗ nọ, chỗ kia bằng tiền của Trung tâm William Joiner, quyển “Nếu Đi Hết Biển” được in ra bằng tiền của Trung tâm William Joiner, xin ông cho biết quyển ấy có được phát hành trong nước Việt Nam bị bọn cộng sản cầm quyền hay không? Hay quyển ấy chỉ được bán ở Mỹ? Nếu quyển ấy được in ra chỉ cốt để cho người Việt ở Mỹ đọc thôi thì thưa ông, tôi thấy có thể là ông đã làm phí một khoản tiền của Trung tâm William Joiner. Trong “Nếu Đi Hết Biển” không có chuyện gì về đám người Việt ở Mỹ chúng tôi mà chúng tôi chưa biết. Chỉ là những lời sỉ vả, nhiếc móc, rè bỉu, những lời khinh bỉ chúng tôi đầu óc chật hẹp, ngu xuẩn, thua, bỏ chạy mà không biết thân, vẫn hung hăng con bọ xít la hét đả đảo cộng sản, cũng chỉ là những lời chê chúng tôi nhỏ nhen, chia rẽ, ghen tị, chụp mũ, vu cáo. Không oan, thưa ông, quả thật là chúng tôi có sự tồi tàn như thế.

Chúng tôi vẫn thường tự sỉ vả chúng tôi về những cái tật hèn mọn ấy. Nhưng hình như không chỉ riêng chúng tôi tệ mạt như thế mà dân tộc nào cũng có những cái tật nhỏ nhen, ti tiện, vu cáo, ghen tị, chia rẽ, đểu cáng… Nhiều dân tộc còn đểu, còn khốn nạn hơn chúng tôi. Chắc ông cũng biết chuyện sau khi bọn cộng sản mất quyền, những kho hồ sơ ở Nga, ở Đức cộng được khui ra, có những vụ bạn hữu, anh em, vợ chồng tố cáo nhau, vu cáo nhau là phản động, có những người đi tù mút chỉ cà tha, những người chết thảm trong tù vì bị bạn, bị chồng, bị vợ tố cáo với bọn mật vụ. Chúng tôi biết chúng tôi có những cái xấu đó, nhưng chúng tôi có cái hay là chúng tôi chống Cộng Sản; là nạn nhân của bọn cộng sản, chúng tôi căm thù chúng, ra xứ người ba mươi mùa tuyết rơi rồi chúng tôi vẫn không nguôi lòng căm thù bọn cộng sản, chúng tôi kiêu hãnh vì tính chất không thay đổi ấy của chúng tôi.
Chúng tôi căm thù bọn cộng sản không phải chỉ vì những đau khổ cá nhân mà chúng tôi phải chịu, chúng tôi căm thù chúng vì chúng đày đọa đồng bào của chúng tôi, chúng tôi phải đuổi chúng ra khỏi chính quyền vì chúng còn cầm quyền ngày nào là nhân dân chúng tôi còn khổ ngày đó, chúng tôi không thể hợp tác với chúng vì chúng không hợp tác với chúng tôi, chúng bắt chúng tôi phải đầu phục chúng, mà chúng thì đã thất bại thê thảm trong việc mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Thực ra bọn cộng sản chưa lúc nào nghĩ đến chuyện mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng đó là một đề tài khác.

Phạm Duy: Cái quan định luận

Quân tử Tầu có lời khuyên nhau “Cái quan định luận.” – tôi thấy lời khuyên, nói theo ngôn từ của những ông Phi-lô-zốp, là “đầy tính minh triết”: “Cái quan định luận.” …nôm navà huỵch toẹt là bốc thơm, nâng bi kẻ nào cũng được, nhưng đừng có vội. Đợi nó chết rồi, đợi nó hai năm mươi, suôi sáu tấm, đợi nó nằm trong quan tài, quan tài nó đã đóng nắp rồi hãy nâng bi nó cũng chưa muộn. Nâng bi nó lúc nó còn sống, khen nó thơm như múi mít, ca tụng nó sạch, nó hùng…, để rồi có ngày nó giở chứng, nó thở ra những lời nặng mùi thối hoắc, nó làm những trò thối hoăng, nó cúi đầu nó Chồn Lui, nó gục mặt nó Chồn Lùi bọn đảng viên cộng sản, nó hèn, nó đốn, nó đểu, nó bẩn…, mình không thể nào rút lại những lời mình đã bốc thơm nó.

Bởi dzậy cho nên từ ngày được biết câu “cái quan định luận” tôi vẫn cẩn thận khi tôi bốc thơm, tôi nâng bi người sống đồng thời với tôi. Điều cần nói thêm là câu ”cái quan định luận” không phải chỉ là lời quân tử Tầu khuyên người khác, đó cũng là câu tự răn của quân tử Tầu, một kinh nghiệm sau nhiều đời mới có: Đừng ca tụng thằng nào khi nó đang sống. Nó còn sống là nó còn có thể làm những trò khốn nạn. Bốc nó thơm, thằng bốc không được thơm lây, nhưng khi nó thối, mồm thằng bốc sẽ lây thối.
Năm Chó chưa đến, năm nay là năm Gà, đã có nhiều chuyện Chó xẩy ra ở chốn hải ngoại thương ca làm ngao ngán cõi lòng nhiều người Việt Nam tha hương, tha phương, thất thổ, thất quốc, thất tình, thất chí, thất diện, thất thểu, thất đủ thứ. Năm Chó, ta sẽ còn phải chịu bao nhiêu chuyện Chó?

Tiếng chó trầm tiếng ca..
Tiếng chó dồn lắng xa

Nhắc làm chi chuyện Chó đến se buồn lòng ta…!

….Cảm khái cách gì!

Nhưng không nhắc không được.

Mời quí vị đọc một số những lời của một người trở về Sài Gòn từ Midway City, California, USA, người về ấy nói những lời này ở Sài Gòn, Tháng Năm, 2005.

Người phỏng vấn là phái viên của website Người Viễn Xứ, người trả lời là nhạc sĩ Phạm Duy.

Phạm Duy: Người hát rong tìm ánh sáng
Quyết định về hẳn Việt Nam sinh sống khi ở tuổi 86, nhạc sĩ Phạm Duy đang mong đợi những ca khúc kháng chiến, những bài tình ca của ông được phép hát lại. Ông cũng đã làm đơn xin được Nhà nước VN chứng thực là công dân của nước VN.

Những tỏ bày của ông – người nhạc sĩ đã có cháu gọi bằng “ông” (bằng “cố”?) – đã không còn là những suy nghĩ của Phạm Duy những ngày xưa. Ông tự nhận mình: vẫn nằm trên cánh võng cuộc đời, đi qua bao vui buồn tục lụy mà vẫn tự tin “ta là ta”.

Phái viên Người Viễn Xứ đã có một cuộc trò chuyện khá dài mà trong đó nhân vật được phỏng vấn là nhạc sĩ Phạm Duy, một người tự nhận: vừa trải qua một “đêm dài” (30 năm xa quê hương) luôn mong “nhìn thấy trời sáng”. Cuộc trò chuyện này được thực hiện ngày 19/5/2005 tại KS Saigon Star, TP.HCM ngay sau khi nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương về lại VN.

Người về từ “Thị trấn Giữa Đàng” (Midway City, Mỹ)

Người Viễn Xứ: Thưa ông, tình hình sức khỏe của ông hiện nay như thế nào rồi?
Phạm Duy: Rất tốt! Mấy triệu chứng như ra máu… đã ngưng hẳn. Một phần do không khí bên ấy, tôi không chịu được lạnh. Về đây thì nóng, nóng quá nhưng tôi cũng chịu được… Nhưng đi ngoài đường nhiều quá thì tôi chóng mặt! Mấy ngày nay tôi ở nhà, trả lời phỏng vấn, không mệt nhưng đầu óc hơi bận bịu vì phải suy nghĩ. Có một khó khăn nhỏ là đường truyền internet ở đây hơi chậm. Tôi không mở hộp thư của tôi được, nhiều người thăm hỏi lắm. Có người còn gửi cho tôi mấy bài báo đã đăng trong nước, bên kia đăng lại nhưng tôi chưa xem được. Thành thử tôi hơi thấy khó khăn. Đây không phải nhà tôi, nên tôi không lắp đặt một đường truyền riêng được. Tôi quen làm việc như thế rồi.

NVX: Đợt đón Tết Ất Dậu vừa qua có để lại trong ông những ấn tượng vui – buồn gì không?

PD: Tết vừa rồi vui quá. Tôi cứ ao ước được về Hà Nội vào dịp Tết chụp được một vài bức ảnh ngày mồng 1, mồng 2 không một bóng người, đó mới là Hà Nội của tôi ngày xưa. Mấy đợt trước tôi về Hà Nội toàn người là người. Mùng 1 Tết họ về quê hết, tựa như quang cảnh của phố Dầu ngày xưa với cậu bé 10 tuổi ngồi bên thềm vắng, tĩnh mịch nhìn trời mưa phùn nên thơ lắm! Tết vừa rồi tôi vui hơn là buồn. Tôi đi chợ hoa xuân ban đêm đến hai lần. Tôi không nghĩ là trong đời mình được hưởng lại những niềm vui ấy.

Tôi vẫn còn thiếu một bài Hương Ca. Tôi có sự đắn đo chọn bài gì bây giờ? Hương Ca là xưng tụng đất nước, quê hương. Quê hương bây giờ khác quê hương hồi xưa. Từ bài số 1, đại đa số là tôi phổ thơ mà theo tôi là của những người đại diện cho tinh thần dân tộc nhiều nhất như Sơn Nam, Phùng Quán… đại diện một phần nào mảnh tình đời của các ông mà tôi vắng mặt ở đất nước 30 năm nay, không phải của tôi nhưng tôi phổ nhạc cho thăng hoa lên. Nhưng rồi tôi quyết định chọn bài cuối cùng là “Tây tiến” của Quang Dũng vì nó đã đại diện cho tinh thần lãng mạn, cách mạng, hào hùng của dân tộc trong thời kỳ lịch sử mà tôi nghĩ phải ghi lại.

NVX: Được biết ông đã có buổi từ biệt thân hữu ở California?

PD: Đúng, có 3 buổi. Toàn là bạn bè thân của tôi. Như bà Minh Trang bằng tuổi tôi, xuất thân đi hát như tôi. Bà ấy bảo: “Ông ơi, ông đi đâu thì đi, ông đừng quên chúng tôi nhé!”. Thế, tình cảm giản dị như vậy. Lẽ dĩ nhiên có những người chống đối không muốn cho tôi về, vì họ sợ mất tôi. Nhưng nếu quý vị hát nhạc tôi thì tôi vẫn còn chứ!

NVX: “Mất” là mất như thế nào ạ?

PD: Mất là không ở bên hàng ngũ của họ, nhưng họ nhầm rồi, tôi có theo hàng ngũ nào đâu. Nhưng tôi thì không nói ra: “Không, tôi không ở hàng ngũ của ông”, nói như thế tàn nhẫn quá phải không?

NVX: Theo ông tại sao họ lại chống đối ông?

PD: Làm sao đo được sự hạn hẹp của lòng người, sự tức giận của mọi người? Suốt 30 năm vẫn còn u mê như vậy sao mà đo được? Có thể vì bản thân họ, hoặc gia đình họ đã phải chịu những gian khổ, nguy hiểm, nhục nhã, bị cướp, bị hải tặc hãm hiếp… họ có thành kiến với cộng sản, không thích những người như tôi về sống tại quê hương.

NVX: Nhưng khi có ý định về sống ở đây, một số người ở hải ngoại bức xúc với ông phải chăng vì họ đã mất đi một “lá chắn” là ông, muốn dùng ông để thực hiện một số ý đồ chính trị nào đó?

PD: Tôi không nghĩ họ ghê gớm đến như vậy, đó chỉ là sự nhỏ mọn trong tâm hồn họ. Họ có quyền thù hận nhưng đừng bắt tôi phải thù hận. Quý vị muốn ôm lấy đau khổ, quý vị cứ ôm, tôi không có. Tôi ra đi vui vẻ lắm. Khi quý vị mất mát, tôi rất thương quý vị, nhưng đừng bắt tôi phải đau theo.

NVX: Vừa rồi nghe đâu có một số đài phát thanh bên Mỹ hát bài của ông nhưng ông không đồng ý?

PD: Cứ đến ngày 30.4 hay là hội hè có tính chất chính trị thì họ dùng nhạc của tôi. Bài “Việt Nam, Việt Nam” chẳng hạn, hay bài “Tháng Tư đen”, những bài mà tôi sáng tác trong giai đoạn hoảng loạn bỏ nước ra đi. Tôi đã bỏ đi rồi, không nhắc đến nữa, nhưng họ vẫn dùng vào những ngày đó. Tôi không muốn nên tôi ra lệnh cho con tôi (Duy Minh) là người đại diện cho tài sản tinh thần của tôi: “Xin quý vị đừng dùng bài hát của bố tôi cho ngày 30.4 nữa!”.

NVX: Sau khi anh Duy Minh yêu cầu thì thái độ của các đài phát thanh ấy như thế nào?

PD: Có đài biết điều thì họ thôi, có đài họ nghĩ nhạc của ông Phạm Duy là của mọi người và họ cứ dùng. Nhưng tối thiểu, tôi đã minh định lập trường của tôi là: đừng dùng tôi vào những chuyện chính trị chính em, vớ vẩn! 30.4 với họ là ngày quốc nạn, trong khi đó ở VN là ngày của niềm vui. Với tôi thì đó là ngày kỷ niệm riêng, là ngày tôi bỏ ra đi. Tôi đã định chọn đúng ngày 30.4 để về VN, nhưng chẳng may bị ốm nên tôi phải lùi ngày về. Nhưng ngày về của tôi cũng vẫn nằm trong thời điểm này. Tôi là người lớn, làm việc có kế hoạch chứ không có hứng khởi mới làm.

NVX: Giáo sư –Tiến sĩ Trần Văn Khê nói rằng: lứa tuổi này nếu ở nước ngoài thì ông và ông ấy sẽ sống và “ngồi chơi xơi nước”, nhưng cả hai ông lại “lê thân già” về đây vì đất nước?

PD: Đúng, chúng tôi là những người thích vất vả mà (cười). Nói thế thôi, chứ có một điều gì đấy rất thiêng liêng đã đưa chúng tôi về…

NVX: Được biết ông đã xin phép phổ biến một số nhạc phẩm. Vậy ngoài việc xin phép phổ biến một số ca khúc, ông còn có dự định gì cho cuộc sống của ông?

PD: Tôi phải xin có tư cách pháp nhân để hành nghề. Nếu tôi về đây chỉ để chống gậy đi chơi như 10 lần trước thì tôi không có quyền đứng hát trên sân khấu, và chị cũng đã không phỏng vấn tôi. Về đây tôi muốn cống hiến tất cả những tài sản tinh thần của tôi cho nước VN. Nước VN nhận cái gì thì nhận lấy, quý vị không nhận gì cả thì tôi đành ôm lấy vào lòng thôi. Còn việc Nhà nước ở đây cứu xét hồ sơ của tôi nhanh hay chậm, tôi không ngại gì cả. Tôi đợi được. Vì mỗi nước có những khó khăn, những dễ dãi, những luật lệ riêng.

Giờ tôi muốn đứng trên sân khấu, tôi phải là người có thẻ công dân. Và đồng thời xin phép bài nào hát bài đó. Và những bài đã xin phép là do ông Phạm Duy Quang xin phép. 10 bài nhạc kháng chiến, 10 bài nhạc tình (thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà tôi phổ nhạc). Không lẽ Quang cứ hát bài “Mưa thì thầm”? Cũng phải hát “Thà như giọt mưa rớt trên tượngđá…”, ví dụ như vậy. Nếu Nhà nước dễ dãi thì sẽ tạo điều kiện, vì những bài ấy đã quen hết cả rồi và người ta thích nghe lại. Nhưng những bài phổ thơ thì phải xác minh tư cách của người làm thơ, có giấy minh định ông này không có chống Cộng, từ xưa đến nay. Tôi đưa giấy cho Tòa đại sứ bên kia chứng nhận là ông Nguyễn Tất Nhiên không chống Cộng. Nhiêu khê lắm!

NVX: Có lý do gì đặc biệt khi ông chọn những bài này để xin phép phổ biến trước không?

PD: Người ta thích! Người nghệ sĩ như Duy Quang chỉ cần biết khán giả thích là Quang hát thôi. Nghề giải trí quan trọng là ở chỗ đó thôi. Chứ biết thế nào là hay, dở? Khi hát lên thì người ta nhớ lại một số dĩ vãng mộng mơ. Những bà già bây giờ, vẫn nhớ lại thời kỳ (nhạc sĩ PD hát) “con đường tình ta đi…”, “trả lại em yêu khung trời đại học…”. Cũng may mắn là lúc đó âm nhạc VN èo uột lắm, chủ yếu là âm nhạc thương mại, tôi nâng cao lên, viết chủ yếu là tình ca, xã hội ca, đạo ca…

NVX: Ông có nghĩ rằng Bộ VHTT sẽ cho phép phổ biến những ca khúc này?

PD: Tôi ước mong, tôi mong muốn lắm!

NVX: Trong một bài viết gần đây đăng trên Người Viễn Xứ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho rằng đối với ông thì “nhạc sĩ Phạm Duy là người thầy, người anh và người bạn”…

PD: Bài viết rất dễ thương, nhưng ông ấy nói thế thì yêu tôi quá, bạn thì được, chứ thầy thì không dám. Có lẽ bởi vì ông ấy chọn con đường của tôi, yêu thích dân ca và khai thác dân ca.

NVX: Có một số người nhận xét ông rất tự cao…

PD: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý yêu tôi lắm, khen tôi nhưng cũng bảo tôi tự cao. Có dịp tôi sẽ hỏi ông Tý: thế tôi tự cao ở đâu? Tôi đã viết những câu tự cao ở trên báo nào, nói trên đài nào, trong hồi ký của tôi có không? Một người tự cao như tôi không bao giờ nhận mình không phải là nhạc sư, không phải là nhạc sĩ mà chỉ là “người hát rong”. Chỉ toàn là “huyền thoại” về tôi. Huyền thoại này ở đâu mà có? Vì có ông thi sĩ Nguyên Sa viết bài về tôi, bảo tôi là “người lực sĩ”, cái gì tôi cũng nhất cả. Rồi thì ông Phạm Phú Lợi viết: “Phạm Duy – ông là nhà Bồ tát đọa”. Ông ấy xưng tôi là “Bồ tát”, tôi có nhận mình là “Bồ tát” đâu? Ông Đoàn Xuân Kiên ở Anh thì bảo: “Ông Phạm Duy là một nhà độc lập”. Nhưng tôi về đây thì tôi phải phụ thuộc ở đây chứ! 30 năm trời ở bên Mỹ tôi chỉ bị phạt có 2 lần giấy lái xe. Ngay cái giấy phép đi đường mà tôi còn trọng, tôi là người trọng luật pháp, trọng tư cách pháp nhân thì làm sao tôi là người tự cao được? Tôi có phê bình ai đâu? Tôi toàn khen mọi người. Vấn đề là có cần phải phá cái “huyền thoại” đó không? Tôi tự kiêu ở chỗ không cần phải giải thích. Bản thân tôi không có gì ngượng cả. Tôi còn có câu khẩu hiệu của người VN: “Nếu ai thứ nhất thì tôi đứng thứ nhì, còn ai hơn nữa tôi thì thứ ba”. Tôi trở về “number ten” chứ không phải “number one” đâu. Còn về tự tin à? Tôi là số một! Nếu tôi không tự tin, thì sao khi các nhạc sĩ chạy theo Bethoven và Mozart, tôi làm dân ca? Hồi còn ông Văn Cao, ông ấy bảo tôi: “Dân ca VN nghèo, cậu làm cách nào để phát triển dân ca?”. Tôi vẫn làm, tôi phát triển đến Kiều. Tự tin đấy!

Người nghệ sĩ đứng đầu sóng ngọn gió. Nói hơi quá, chứ cái cựa quậy của anh nhạc sĩ cũng thành cơn sấm sét. Để ý nhé, tôi không phải là người phóng khoáng, không phải là người phóng túng. Một nhà thơ bên Nhật Bản nói tôi: “ông không phóng túng hình hài, ông không phóng túng cảm quan, ông không phóng túng tình dục, ông không phóng túng tiềm năng, ông không phóng túng gì cả mà ông “phóng dật”. Tất cả chỉ là cái phụ… Cá tính của tôi mạnh thế nên nhiều người khó chịu. Tôi sống hào hùng vì được làm người. Tất cả những cạm bẫy của cuộc đời trong vòng 60 năm nay, tôi thoát hết.

NVX: Vậy hiện nay ông cho mình đang ở đỉnh nào rồi?

PD: Tôi cho mình là “người tình già trên đồi non”, trên đỉnh non. Ở đó chỉ có thiên nhiên và sự cô đơn. Tôi rất thích cô đơn, cô đơn mới là cái đáng quý. Tôi thiền. Chị có biết tôi thiền ở điểm nào không? Tôi thiền trong bài hát. Tôi làm Thiền Ca, một số người cũng khó chịu, thiền là thiền thế nào? (Nhạc sĩ PD hát):

“Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa
A, trần gian lạc thú
A, tiên cảnh phiêu du
Cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi, vực chờ, niềm yêu, nỗi khổ…”.

Cuộc đời là cánh võng, võng đưa tôi đi khắp mọi nơi, lên tiên cảnh, xuống địa ngục, cõi tình, cõi hận… Tất cả những gì có trên đời, tôi đều đi theo cánh võng hết, nhưng tôi… nằm yên một chỗ. Đời đưa ta đi đâu, ta đi đó, nhưng ta vẫn là ta. Nhưng không chỉ có một bài mà có đến 10 bài.

NVX: 10 bài Hương Ca, rồi 10 bài Thiền Ca… Ông có vẻ đặc biệt thích con số 10?

PD: Đúng, với tôi con số 10 là con số toàn vẹn nhất. Chị nghe bài số 10 trong Thiền Ca này: “Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu quên miền chiến tranh”. Viên đạn đồng đen sinh ra để giết người, mà khi đã đi qua thi thể xác chết rồi thì nó quên chiến tranh. Viên đạn còn quên, huống hồ là mình?

NVX: Ông có nghĩ rằng việc ông trở về VN sẽ gây ra dư luận trong giới âm nhạc VN?

PD: Có lẽ họ sẽ dựa vào những tin đồn, những thành kiến người ta tạo nên cho tôi. Nhưng tôi chưa nghe ai nói là “ông Phạm Duy không có tài” cả. Mà Nguyễn Du nói rồi đấy: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nhưng tôi chấp nhận hết, cả những người thù. Tôi yêu người thù như yêu người tình. Tôi có thể đến bắt tay người vừa mới chửi mình hôm qua. Tôi nghĩ, sở dĩ thiên hạ còn yêu tôi vì trong nhạc của tôi có nhiều viên ngọc quý mà chính tôi cũng không ngờ, vì tôi chỉ biết làm ra xong rồi quên mất. Có người hát lên mình mới nhớ lại. Tôi sống sướng lắm, không mặc cảm thua ai, không mặc cảm thắng ai cả.

NVX: Nhạc sĩ bảo rằng: “30 năm xa VN như một đêm dài, nay mở mắt ra thấy trời đã sáng”. “Đêm dài” và “trời sáng” ấy với ông mang ý nghĩa như thế nào?

PD: Như ông De Gaule từng nói: “Những năm tháng đi ra ngoài sa mạc là khi ông làm chính trị. Những năm tháng cầm quyền là ông ấy trở về từ sa mạc”. Thế thì tôi cũng vậy, có những lúc tôi ở trong đêm tối, sờ soạng trong đêm tối đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Ra đi cứ hỏi là mình có nên về hay không? Và giải quyết được câu hỏi ấy là “trời sáng” rồi.

NVX: Ông hy vọng “trời sáng” sẽ đem lại những gì cho ông?

PD: Thực tế là tôi về đến đây thì xem như tôi đã đầy đủ hết rồi. Có những người yêu tôi, tôi có phong cảnh, có những con sông để tôi “tắm truồng”, tôi có núi non, tôi có tất cả… Thế nhưng để tôi được ra mắt công khai thì có lẽ còn phải cần nhiều yếu tố…

NVX: Vậy ông có hối tiếc vì đã từ bỏ cuộc sống bên Mỹ? Ông đã “Tạm biệt Midway City” rồi và giờ là “Bonjour Sài Gòn”…

PD: Tôi là người không bao giờ hối tiếc. Cuộc đời là những chuỗi tai nạn lịch sử, tai nạn gia đình, tai nạn xã hội, không ai tránh được đâu. Cuộc đời là thế đấy! Tôi “Adieu Hà Nội” ngày xưa, rồi lại “Bonjour Saigon!”, đến “Adieu Sài Gòn” rồi “Bonjour Midway City!” Và giờ lại “Adieu Midway City, bonjour Sài Gòn”, thế thôi! Rất bình dị. Tất cả chỉ là can đảm rũ sạch quá khứ.

NVX: Theo ông, nhà nước VN cũng như cộng đồng người Việt tại hải ngoại nên làm thế nào để chính sách đại đoàn kết dân tộc được hữu hiệu hơn, để tình người gần với nhau hơn?

PD: Không, chính phủ VN vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục là Nghị quyết 36. Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận. Thế là đủ rồi.

NVX: Nhưng điều này cũng cần cả hai phía, ông có nghĩ thế không?

Phạm Duy: Phía bên kia không có gì để đưa tay ra cả. Ít ra phải có một lực lượng. Bao lâu nay mình cứ tưởng bên kia có một lực lượng nhưng chẳng có gì cả, chỉ là một vài người lợi dụng danh từ “chống Cộng” để làm tiền. Đa số những người thầm lặng bên kia họ rất muốn về, nhưng bằng cách nào? Bằng cách ở đây mình phải cởi mở hơn nữa, thoáng hơn nữa. Nhưng tôi thấy, thế là thoáng rồi đấy! Vậy nên bây giờ chúng ta mới ngồi nói chuyện được với nhau thế này.

Phái viên Người Viễn Xứ: Xin cám ơn ông vì buổi phỏng vấn này!

Hết bài phỏng vấn.
Những năm 1980, 1981, ở Sài Gòn có tin Phạm Duy chết vì bệnh tim ở Mỹ, tôi nói:

– Phạm Duy làm gì có tim mà đau tim!

Năm 1995, gặp lại Phạm Duy ở Virginia, Mỹ, tôi nghe anh nói:

– Chúng nó bịa ra chuyện tôi xin về Việt Nam. Vợ con tôi ở đây hết, tôi về Việt Nam làm cái gì?

Tháng Năm, 2005, Phạm Duy nói ở Sài Gòn:
PD: Tôi không nghĩ họ ghê gớm đến như vậy, đó chỉ là sự nhỏ mọn trong tâm hồn họ. Họ có quyền thù hận nhưng đừng bắt tôi phải thù hận. Quý vị muốn ôm lấy đau khổ, quý vị cứ ôm, tôi không có. Tôi ra đi vui vẻ lắm. Khi quý vị mất mát, tôi rất thương quý vị, nhưng đừng bắt tôi phải đau theo. Ngưng trích.
Tôi nghĩ nếu được hỏi: “Ông nghĩ sao về những người đã chết cho ông và vợ con ông được sống bình yên trong 20 năm ở Sài Gòn?’, Phạm Duy có thể trả lời:
– Những thằng chết ấy là những thằng ngu. Chúng nó chết mặc chúng nó, chúng nó chết vợ con chúng nó khổ, can dự gì đến tôi, tôi chỉ thấy việc tôi sống là quan trọng. Cộng sản nó hành hạ, nó làm khổ tất cả mọi người, nó không làm hại tôi, hại vợ con tôi là tôi thấy nó được.
Nếu có người hỏi:
– Sao Tháng Tư năm 1975 ông chạy theo bọn Mỹ, ông bỏ các con ông lại Sài Gòn cho chúng nó chết vì bọn Việt Cộng, nay ông lại về ông sống dưới chế độ của bọn cộng sản?
Phạm Duy có thể nói:
– Con người tôi là như vậy. Khi có chuyện nguy hiểm, tất cả mọi người có thể chết, tôi và vợ con tôi không chết là được. Nguy hiểm lớn hơn: vợ con tôi có thể chết, miễn là tôi sống. Tôi có thể hy sinh vợ con tôi để cứu mạng sống của tôi. Tháng Tư 1975 bọn Mỹ USIS Sài Gòn đưa tôi đi. Tên Alan Carter, Giám Đốc USIS, chỉ nhận đưa tôi và vợï tôi, con gái tôi 21 tuổi, con trai tôi 17 tuổi không được đi, nên đến phút cuối tôi sợ nếu để mấy đưá con trai tôi đi theo, đến chỗ hẹn, Mỹ nó không cho đi theo chúng tôi, vợ tôi có thể khóc ngất vợ tôi có thể không chịu đi, nên tôi không cho chúng đi theo, để cho tôi và vợ tôi đi cho thoát. May cho bọn con tôi là sau đó nhờ Ngọc Chánh Shotgun tổ chức vượt biên, chúng nó sớm chui sang được Mỹ. Sang Mỹ, không thằng nào học hành hay có nghề ngỗng gì cả. Chúng nó về Sài Gòn kiếm cơm là chuyện bắt buộc.
Tháng Tư 1975 tôi phải chạy bằng mọi giá. Ở lại để bọn Bắc Cộng nó cho tôi đi tù mút chỉ sao? Bây giờ, ba mươi năm rồi, bọn cộng sản Việt đã phải nới tay kìm kẹp, tôi về Việt Nam sống sướng hơn, sao tôi lại không về?
Khi xẩy ra vụ Phạm Duy bị đả kích vì nói “cho tôi 10 ngàn đô tôi làm nhạc ca tụng Hồ chí Minh” và “tôi sáng tác những lúc tôi ngồi trong cầu tiêu..”, Trịnh Hưng, ở Paris, viết một bài về Phạm Duy, anh gửi bài đó cho tôi, nhờ tôi đưa cho Bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong. Trong bài, Trịnh Hưng gọi Phạm Duy Cẩn là Phạm Duy Cẩu.
Tôi không gửi bài đó đến báo Văn Nghệ Tiền Phong.
Tháng Năm 2005, ở Sài Gòn, Phạm Duy nói y sống 30 năm ở Mỹ như sống trong đêm tối, y mong được thấy ánh sáng. Nay về nước, y đã thấy ánh sáng. Vậy là thêm một người Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà nói y được Đảng cho sáng mắt, sáng lòng. Người thứ nhất là Nhà Văn Nguyễn mộng Giác Sông Côn Muà Lũ, ông Nhà Văn này nói trước 500 người ở Nhà Hát Lớn Sài Gòn một chiều Tháng Bẩy năm 1976: “Xin cám ơn Bác và Đảng đã cho tôi được sáng mắt, sáng lòng.” Người “được Bác Và Đảng cho sáng mắt, sáng lòng” thứ hai là Nhạc sĩ Phạm Duy. Một văn nhân vô hạnh, một xướng ca vô loài.

“ Viên đạn đồng đen sinh ra để giết người, mà khi đã đi qua thi thể xác chết rồi thì nó quên chiến tranh. Viên đạn còn quên, huống hồ là mình?”

Viên đạn vô hồn, nó không có tội, có tội là bọn dùng nó để giết người. Người bị đạn xuyên gan ruột không thể quên mình bị đạn xuyên gan ruột, người bị bắn có quyền nhớ mình đã bị bắn. Những người thân của người bị bắn không thể quên. Phải nhớ để căm thù những tên giết người, để nếu có thể dùng pháp luật trừng trị chúng, bắt chúng đền tội, ít nhất cũng nhớ để ngăn không cho những tên sát nhân ấy có thể cứ giết người vô tội vạ.

Năm 1975 tôi đến Mỹ, Phạm Duy gửi cho tôi quyển Bầy Chim Bỏ Xứ. Tác phẩm ấn hành năm 1990, sau khi bọn đảng viên cộng sản các nước Đông Âu bị nhân dân lôi cổ ra nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít, đuổi đi, sau khi Tượng Thánh Tổ Lenin của bọn cộng sản bị nhân dân tròng xích sắt vào cổ, kéo đổ, cho ra nằm ở bãi rác. Hôm nay tôi mở Bầy Chim Bỏ Xứ ra xem để thấy 15 năm xưa Phạm Duy được một số người Việt ở Mỹ bốc thơm đến như thế nào.
Lời nói bay đi, chữ viết ở lại.
Mời quí vị đọc vài đoạn trong “Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ.” Bài viết của 36 vị, tất cả đều ca tụng Phạm Duy.

Mở đầu là bài của Đào mộng Nam Đây là bài chính của tác phẩm, 18 trang, 1 câu đối, 2 bài thơ chữ Hán có dịch thơ Việt:

Đào Mộng Nam Bầy Chim Bỏ Xứ
Quốc Hồn Sử Ca Quốc Túy Thi Ca.

Trích: Cẩn đề Đào mộng Nam:

Gia Ân Thống Nhạc Thiên Thu Quán
Quốc Nghĩa Hùng Ca Vạn Cổ Truyền
Ơn Nhà Nhạc Khổ Ngàn Năm Thấu
Nghĩa Nước Ca Hùng Vạn Thưở Lưu

Vịnh Bầy Chim Bỏ Xứ
Câu Hát Lìa Nhà Vò Tấc Dạ
Bài Ca Bỏ Xứ Xé Buồng Gan
Tiếng Quyên Quặn Sóng Thương Trăm Họ
Giọng Hạc Nhầu Mây Xót Vạn Dân.

Điểu Quần Biệt Xứ Vịnh
Hoài Hương Tổ Khúc Hưng Thần Trí
Vọng Quốc Trường Ca Phát Thánh Tâm
Đông Hải Vạn Hồng Khai Điạ Thủy
Hoành Sơn Bách Lạc Xuất Thiên Văn

Bầy Chim Bỏ Xứ là bầy chim thiên sứ, bầy chim hoàøn thành sứ mệnh linh thiêng của trời, bởi lẽ cặp chim đầu đàn của Bầy Chim Bỏ Xứ là chim Hồng Lạc, xuất hiện từ thuở bình minh của lịch sử giống nòi, lịch sử loài người, khoảng hơn sáu ngàn năm trước.
(…..)
Hẳn đã minh chứng đạo quả viên thành của chúng ta sau mười lăm năm ôn luyện pháp môn Hồng Lạc, một pháp môn coi xác thân ngục tù xiềng xích nhẹ tựa lông hồng, coi hồn sống tự do bay lượn nặng tựa Thái Sơn của nòi Bách Việt tức trăm vượt, vượt từ lòng vật thể vượt lên, vượt từ bụng hư không vượt xuống, sao cho hai cõi giáp mối vòng tròn, để con số Hà đồ vô và con số 45 Lạc thư hữu trong kinh Dịch gộp lại chẵn tròn một trăm trái trứng nơi bọc Âu Cơ, nở thành bầy chim nhân loại thái hoà.
Bởi sẵn mang hồn sống chung to lớn ấy, chúng ta mới dám cả gan đem sinh mạng nhỏ nhoi hiện kiếp, không chỉ riêng mình mà toàn thể gia đình đối đầu với sóng gió đại dương, để mong đẩy sập bức tường ô nhục biển đông
Bầy chim được lúc tung hoành
Tường ô nhục đã tan tành
Cho dầu phải trả giá xương đàn bà, trẻ thơ cùng người già chìm dưới đáy biển sâu, mà giờ đây gom lại hẳn còn cao dày hơn tất cả những bức tường ô nhục đông tây của thế kỷ này cộng lại.
Xác thân vùi dập nhưng hồn hẳn đã siêu thăng kết thành bầy cùng muôn loài khác thành Bầy Chim Thiên Sứ Lạc Hồng mang thông điệp tự do đi ban trải khắp vùng nhân gian.
(…..)
Để có đủ chiều cao cho đôi cánh thi nhạc Quốc Hồn Sử Ca Bầy Chim Bỏ Xứ vùng vẫy, Phạm Duy đã mượn cặp cánh thánh điểu Lạc Hồng, cánh phủ trùm trọn vẹn non sông Việt từ khởi thủy tới hiện tại và còn mãi tương lai. Để có chiều ngang đủ rộng cho đôi cánh nặng chĩu ơn nhà, nợ nước vươn dài, tác giả mượn tích thần điểu Đỗ Quyên, nhưng Đỗ Quyên này không rõ là Đỗ Quyên đời thứ mấy, vì đếm không xuể, chỉ biết là nhiều như rừng anh hùng, liệt nữ Việt Nam đã vị quốc vong thân. Và bây giờ, thần điểu Đỗ Vũ Phạm Duy lại thêm một lần nữa chết đi và sống lại từ hồn Bà Huyện Thanh Quan, chim nhớ nước thương nhà đứt ruột.
(…..)
Xuất xứ tiếng khóc của thần điểu Đỗ Quyên ban đầu chỉ là tiếng khóc mất nước đơn thuần. Tới lượt Đỗ Quyên Thanh Quan khóc nước thì thấy có thêm cả tiếng khóc nhà tan. Nhưng tới lần thần điểu Đỗ Vũ Phạm Duy khóc nước, khóc nhà trong Quốc Hồn Sử Ca Bầy Chim Bỏ Xứ thì thực quả là kinh khủng! Máu và nước mắt dân ta không những làm lụt lội quê hương mà còn tràn bốn biển và ngập cả năm châu. Nhưng nhiều như vậy đã đủ để rửa sạch những vết nhơ của tội ác chiến tranh, gây ra bởi những tư tưởng quá khích của giai đoạn mâu thuẫn toàn cầu, để thiên hạ được sống hoà đồng trong thế giới hòa bình chưa nhỉ?
(…..)
Vậy hồn của Bầy Chim Bỏ Xứ là hồn của muôn hồn, hồn đại thể chẳng phải hồn cá biệt, hồn sứ giả tinh thần đi gieo rắc tự do, chẳng phải hồn nô lệ trông chờ giải phóng, bởi lẽ phong ba càng vùi dập xác thân thì hồn càng bình thản, coi tử sinh nhẹ như áng mây trời. Hồn tự do đó là hồn giải thoát, chỉ có thể mình tạo lấy cho mình, chẳng ai ban phát nổi. Ngưng trích.

Mai sau, nếu có bao giờ…, có người Việt nào, biên soạn một quyển thuộc loại Quốc Văn Giáo Khoa Thư Hải Ngoại Thương Ca, tôi đề nghị người làm sách lấy mấy đoạn văn Bầy Chim Bỏ Xứ Quốc Hồn Sử Ca Quốc Túy Thi Ca trên đây của tác giả Đào mộng Nam in vào sách. Mấy đoạn văn ấy nên được xếp vào loại Văn Đao To Buá Lớn Nghe Rổn Rảng Phèng Phèng Nhưng Không Có Nghĩa Lý Gì Cả. Tôi không thể hiểu bằng cách nào một số người Việt chạy trốn bọn ác ôn, liều mạng ra biển, chịu biết bao cực nhục, bị hiếp, bị giết, bị quăng xuống biển, bị đói khát, phải ăn thịt nhau, bị xua đuổi, bị khinh bỉ nhiều người phát điên…lại trở thành “bầy chim Thiên Sứ Lạc Hồng mang thông điệp tự do đi ban trải khắp vùng nhân gian..” Bằng cách nào, và như thế nào, một số người hoảng loạn bỏ chạy trước quân thù, những anh mặt cắt không còn một giọt máu, hòn dái thọt lên đến cổ, sau mười mấy năm sống nhờ xứ người, không sợ bị bọn công an VC nửa đêm đến nhà, còng tay dẫn đi, bơ sữa, mặt phèn phẹt như cái mẹt, lại trở thành “bầy chim thiên sứ, bầy chim hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của trời..!”

Lời oai hùng hay du dương, hay thùng rỗng.. cũng được đi nhưng phải có sự thực, không có một xu teng sự thực nào nó chỉ là chuyện dzóc tổ, chuyện nói cho sướng cái lỗ mồm. Bốc thơm đến như vầy:

Trích: Xuất xứ tiếng khóc của thần điểu Đỗ Quyên ban đầu chỉ là tiếng khóc mất nước đơn thuần. Tới lượt Đỗ Quyên Thanh Quan khóc nước thì thấy có thêm cả tiếng khóc nhà tan. Nhưng tới lần thần điểu Đỗ Vũ Phạm Duy khóc nước, khóc nhà trong Quốc Hồn Sử Ca Bầy Chim Bỏ Xứ thì thực quả là kinh khủng… Ngưng trích.

Thì quả là kinh khủng thực.”Thần điểu Đỗ Vũ Phạm Duy..” Bốc thơm đến thế thì phải nói là …hết nước nói, phi-ní lô đia! Fini l’eau dire! Thần điểu Đỗ Vũ Phạm Duy nôm na là Chim Thần Phạm Duy, hay Thần Chim Phạm Duy. Nhưng mà không biết tại sao mấy ông bốc thơm Chim Thần Phạm Duy trong Bầy Chim Bỏ Xứ ông nào cũng đề cao nhân vật Đỗ Quyên, Đỗ Vũ, Vũ Đỗ quá xá. Theo sự hiểu biết ngu dzốt của tôi thì Đỗ Quyên, hay Đỗ Vũ, là tên một anh vua Tầu ngày xửa, ngày xưa, huyền thoại chứ không phải chuyện có thật, một anh Vua Tầu trong huyền thoại. Anh Vua Tầu Đỗ Vũ lấy vợ của một anh quan, bị bắt quả tang, bị kết tội, anh nhận tội, để đền tội anh nhường ngôi vua cho anh quan có vợ bị anh lấy, bỏ cung điện anh thất thểu đi sống bụi đời. Anh không nhường ngôi người ta cũng đuổi anh đi vì anh không đáng được làm vua. Mất ngôi vua rồi anh tiếc. Nhưng khi anh tiếc thì muộn mất rồi. Chết đi anh hoá thành con chim, vì xấu hổ anh sống chui luồn trong bụi rậm, không cho ai nhìn thấy, đêm ngày chỉ kêu có một tiếng “quốc..” Đấy là chuyện Tầu. Người Tầu gọi anh là con quốc. Ông cha tôi bắt chước gọi theo là con quốc. Như vậy anh Vua Đỗ Vũ Con Quốc chỉ là anh chết vì cái bề hê đàn bà, chết rồi biết nhục nên hoá thành con chim chuyên sống lủi trong bụi rậm, bờ ao, hèn bỏ cha đi có cái gì đáng mà sì sụp tung hô Thần Chim, Thánh Chuột?

Thần điểu Phạm Duy! Thần Chim hay Chim Thần Phạm Duy! Gọi là Thần Điểu Phạm Duy, hay Phạm Duy Thần Điểu thì nâng bi quá đáng, cái tên Tầu lại dài quá, mất thì giờ không đáng, gọi là Phạm Điểu thì quá Tầu Hồng Kông bên hông Chợ Lớn, lại có thể dễ trở thành Phạm Đểu. Thôi thì theo ông Đào mộng Nam, gọi là Phạm Chim vậy.

Mời quí vị đọc lời Nữ minh tinh điện ảnh kể sau khi nghe CD nhạc Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, trên đường lái xe về nhà bà xúc động bàng hoàng vì nhạc và lời Tổ Khúc Chim quá hay, may cho cộng đồng Người Việt lưu vong là bà không cho xe tông xuống hố, về nhà rồi bà cảm nghĩ:

Kiều Chinh: Hoài Cảm Bầy Chim Bỏ Xứ.
Trích: Xe đã đậu bên cổng nhà lúc nào không hay. Tôi tắt máy, ngồi lặng trong bóng tối thật lâu. Đêm đã khuya, sương lạnh trở vào “cõi tôi” thực tại. Trong căn nhà nhỏ bé, nơi tôi đang sinh sống, nhiều giờ sau đó tôi vẫn trằn trọc không ngủ được. Những ảnh tượng Bầy Chim Bỏ Xứ rồi Bầy Chim Hồi Xứ vẫn tiếp tục ám ảnh tâm hồn tôi, như một cuốn phim tuyệt vời với âm thanh vĩ đại. Bầy Chim Bỏ Xứ vang lên tràn ngập “cõi riêng” trong đêm cô tịch. Cuối cùng, tôi đã chìm vào giấc ngủ vùi.
Ta và chim khâu vá đời nhau
Chim và ta âu yếm gọi nhau
Phạm Duy, anh là Việt Nam trọn vẹn. Nhạc anh là trọn vẹn hình hài xương máu Việt, là trọn vẹn tâm thức lẫn ước mơ của người nông phu mình đồng, da sắt, của cô lái đò giặt yếm bên sông, của người lao động ốm yếu ho hen trong thành phố, của người lính chiến cụt chân và bây giờ là đàn chim bỏ xứ. Xin cảm ơn anh Phạm Duy đã trọn đời thay chúng tôi “khóc cười theo vận nước nổi trôi.”
Tôi thoáng nghĩ Phạm Duy với tuổi bảy mươi vẫn còn ở đây đây gần chúng ta nên chúng ta chưa lo mất anh. Nếu một ngày nào anh nằm xuống, có lẽ lúc đó ta mới thấy được thiếu anh, trống vắng mất mát tới mức nào. Ngưng trích.

Ta và chim khâu vá đời nhau..! Mèn ơi..! “Vá đời nhau” như vá quần, vá áo! Tuyệt diệu hảo từ! Chỉ những bậc kỳ nhân diệu thủ như Phạm Chim mới có thể làm được việc”vá đời nhau” ly kỳ thơ mộng ấy. Phạm Chim mà khâu vá thì phải biết. Miếng rách nhỏ bằng hai ngón tay tréo, miếng rách lớn bằng cái lá đa, Thần Điểu cũng khâu vá đâu ra đấy. Đường kim, mũi chỉ thẳng boong. Tưởng tượng cảnh Phạm Chim “khâu vá” Kiều Chim! Mèn ơi..! Cảm khái cách gì..!
Hôm nay, một ngày Tháng Năm 2005, “anh” chưa nằm xuống, “anh” chỉ mới đi rồi, nhưng với cái “đi rồi” hôm nay của “anh”, mặt “anh” không còn ở Cali nữa. Không biết bà Minh Tinh thấy “thiếu anh bà trống vắng, bà mất mát” đến chừng nào!
Đây là bài viết của ông Nhà Văn-Nhà Thơ-Nhà Báo Trần dạ Từ. Nghe nói ông còn là Nhà Nhạc vì trong thời gian cải tạo ở Trại Gia Trung-Gia Lai, ông có sáng tác mấy bản nhạc nhắm việc nâng cao tinh thần anh em tù, giúp anh em tù lao động sản xuất hăng say hơn. Nghe nói ông Nhạc sĩ Vũ thành An trong tù cải tạo cũng có những sáng tác nhạc như ông Thi sĩ Trần dạ Từ. Đúng là người có tài thì ở đâu, trong cảnh ngô nào, cái tài cũng lòi ra. Như cái kim trong bọc giẻ vậy.

Trần Dạ Từ: Bầy Chim Bỏ Xứ
Tái Sanh từ Xác Tro của Chính Mình.

Trích: Chim quyên, loài chim của tình yêu chung thủy, thổ máu tươi, một đêm chim chết. Chim phượng, loài chim của phẩm giá cao quý, xù lông dưới mưa đông và khi tuyết rơi tung, chim chết trên sông. Chim hoàng khuyên, loài chim của tiếng hót và cái đẹp, khi bỏ xứ đi xa, không còn ai nghe hót thì chim khổ đau, cắn cố chết không hay.
Con chim Việt mang tên Phạm Duy, 15 năm bỏ xứ, như chim lạc tổ, như ma lạc mồ, trước cái chết tức tưởi của tình yêu, phẩm giá và cái đẹp, tự hỏi:

Ta đứng đâu đây, đàn mốc trên tay
Nghe đất lung lay, đàn đứt tung dây.
Bằng cách nào, với chừng đó chết chóc, tiếng hát của bày chim bỏ xứ, sau cùng lại vẫn họp thành một tổ khúc bất tử?
L’oiseau renait de ses cendres: chim quyên tái sinh trên xác tro của mình. Phạm Duy trả lời vậy, khi viết lời giới thiệu cho tổ khúc của ông, mùa hạ 1985.

Tái sinh. Ngon ơ mà trúng phóc.
Đúng như Phạm Duy nói, tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ của ông, chính là tác phẩm tái sinh cho tình yêu. Tái sinh từ tan nát, chết chóc.
(…..)
Nguyễn Đức Quỳnh mất trước 1975 ở quê nhà. Ông đang lắng nghe và chờ gặp bạn cũ. Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Hiếu Chân, và biết bao cánh chim khác, từ sau 1975, chết trong tù đày, trên rừng, dưới biển. Họ cũng đang lắng nghe và chờ gặp.
Tất cả những con chim đã chết vì tự do, phẩm giá và cái đẹp, đều tái sinh và vỗ cánh trong tổ khúc này. Ngưng trích.
Trong số các vị Chim Bỏ Xứ có bài viết trong Bầy Chim Bỏ Xứ, dường như chỉ có Chim Thi sĩ Trần dạ Từ bị cộng sản cho đi tù hơn 10 mùa lá rụng. Ông đến Mỹ trước khi có Chương Trình Ra Đi Trong Vòng Trầy Trật HO nên ông có dịp góp tiếng trong Bầy Chim Bỏ Xứ. Bài viết của ông có câu tiếng Phú-lăng-sa: “L’oiseau renait de ses cendres..”
Về tiếng Pháp-lan-tây thì tôi dzốt nhất Nam kỳ, dzốt nhì Đông Dương, nhưng thấy ông Nhà Văn Thi sĩ sài tiếng Pháp, tôi cao hứng xin được phép góp ý, nếu sai xin ông tha cho. Thưa ông: theo cái biết rất có thể sai của tôi thì, hình như, theo thần thoại Hy Lạp, các ông nhà văn thường gọi là «Thần thoại Cổ La Hy «, chỉ có chim Phoenix là có thể “rơ-ne đờ sê săng-đơ-rờ” thôi, những loài chim khác chết cháy là tiêu luôn, không loài nào có thể “rơ-ne” được. Chim như chim bồ câu, chim cút.., khi bị “rô-ti” là hoá thành cái gì khác chứ không hoá ra tro. Như vậy câu “L’oiseau renait de ses cendres” ông viết có thể làm cho người đọc tưởng là tất cả loài chim, chim Loa-dzô nào cháy thành tro cũng từ tro tái sinh tung cánh bay trên núi cao miền xa. Chỉ có chim Phoenix, người Tầu gọi là chim Phượng, tức chim Phượng Tây, có khả năng bị chết cháy rồi sống lại từ tro tàn của xác nó. Lại hình như chuyện Chim Phượng Tây Phoenix là chuyện huyền thoại Tây. Còn Chim Phượng Tầu, hình như, cũng là chim Tầu trong huyền thoại Tầu, nhưng Loa-dzô Phượng Tầu thì không nghe nói có trò ” rờ-ne đờ sê săng-đơ-rờ”. Loa-dzô Phượng Tầu, hình như, chỉ sống để “bôn lưu tứ hải cầu kỳ Hoàng”, tức đi bốn biển tìm người tình. Nước Việt Nam, hình như, không có loài “Loa-dzô” Phượng, Phượng Tầu không, Phượng Tây lại càng không.

Ông viết:
Trích: Nguyễn Đức Quỳnh mất trước 1975 ở quê nhà. Ông đang lắng nghe và chờ gặp bạn cũ. Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Hiếu Chân, và biết bao cánh chim khác, từ sau 1975, chết trong tù đày, trên rừng, dưới biển. Họ cũng đang lắng nghe và chờ gặp. Ngưng trích.

Thưa ông Thi sĩ Trần Chim Bỏ Xứ, ông muốn viết gì thì viết, đó là quyền của ông, nhưng nếu có thể xin được, tôi xin ông khi ông viết, ông làm ơn chỉ viết ý riêng của ông thôi, xin ông đừng viết ra ý của những người đã khuất. Rất có thể những ông Nguyễn Đức Quỳnh, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân..không nóng lòng chờ gặp lại ông Phạm Duy như ông viết đâu!.

Đây là bài của ông Trần văn Ân
Liệu Có Mùa Xuân Dân Tộc Khi Bầy Chim Hồi Xứ?
Trích: Phạm Duy sẽ không còn ở với chúng ta lâu. Chính Phạm Duy cũng đang đếm từng ngày, từng tháng, từng năm cho chính mình. Và chắc chắn Bầy Chim Bỏ Xứ sẽ là tác phẩm cuối cùng, chấm dứt một sự nghiệp vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, trong đó dân tộc Việt Nam đã sống những vinh quang nhất, những tủi nhục nhất, những kinh hoàng chết chóc nhất và luôn cả những đớn hèn nhất. Và Phạm Duy đã sống trọn vẹn cuộc đời Việt Nam.
Đối với riêng Phạm Duy thì rõ ràng Bầy Chim Bỏ Xứ là một lời trăn trối, một di chúc cuối cùng, một thông điệp thủy chung như nhất, đã nhắc đi, nhắc lại qua nhiều năm tháng, gởi cho người dân lành nhỏ bé như một tiếng than van, gởi cho những lãnh tụ gần xa như một lời cáo giác, và gửi cho tuổi trẻ Việt trong nước, ngoài nước, đang lên, đang tới như một lời nhắn gọi cuối cùng.
Thông điệp Phạm Duy thật giản dị, thật rõ ràng, xuất phát từ cái tâm thành của người nghệ sĩ mà không có cái trí lệch lạc của người lãnh đạo, vọng ra từ lòng người dân nhọc nhằn đau khổ mà không từ cái ý hệ vênh vang vay mượn của ngoại bang.
Thông điệp đó là: “Chỉ có tình thương tổ quốc mới cứu được Việt Nam. Chỉ có sự đồng tâm dân tộc mới mang lại cơm no, áo ấm cho muôn người.”
Hôm nay, ngày 5-10-1990, ngày lễ Phạm Duy thượng thọ thất tuần, tôi muốn chúc thọ anh cái điều anh hằng mong ước. Thứ nhất, khi Muà Xuân Dân Tộc dựng lại trên quê hương, cùng với Bầy Chim Bỏ Xứ, anh sẽ đi chân đất về làng, thăm lại những nẻo đường đất nước anh đã đi qua.
Và khi tuổi trời đã tới, anh sẽ được bình yên nằm xuống ấm áp trong lòng đất Mẹ mà trọn đời anh thờ phụng tôn vinh. Trong mộ phần anh sẽ thanh thản nằm nghe toàn dân 60 triệu, cả Nam và Bắc vang ca bản Quốc Hồn Ca muôn đời và mãi mãi. Ngưng trích.

“Chỉ có tình thương tổ quốc mới cứu được Việt Nam. Chỉ có sự đồng tâm dân tộc mới mang lại cơm no, áo ấm cho muôn người.”

Em nhỏ lên ba cũng biết ông Trần văn Ân nói như thế là đúng. Bọn Việt Cộng cũng nói như thế. Chỉ có điều bọn Việt Cộng nó suy diễn thêm là “yêu Tổ Quốc là yêu Chủ Nghiã Xã Hội”, và “đồng tâm dân tộc” là “tất cả các anh phải theo chúng tôi..” Câu nói nghe thì êm tai nhưng nó như cái bánh phồm phộp bên trong không có nhân nhị gì.
Hôm nay khi Con Chim Bỏ Xứ Phạm Chim đã hồi xứ, không biết ông Trần văn Ân có thấy mặt mũi cái ông gọi là “Mùa Xuân Dân Tộc” thập thò trên quê hương hay không???

Kim Định: Cảm nghĩ khi nghe Bầy Chim Bỏ Xứ
Trích:…Lâu lâu lại được vài cánh chim hải âu bay ngang vòm trời bên ngoài cửa sổ nhiều khi lượn qua lượn lại. Mỗi lần như thế thì nước mắt tôi tự nhiên trào ra không sao ngưng được. Khóc không vì buồn tủi, mà cũng không hẳn vì vui, hình như cả hai mà vui có phần lấn lướt, nhưng tất cả đều đến mãi từ tiềm thức cộng thông như tiếng nhắn nhủ của Âu Cơ tổ mẫu bảo con hãy cứ an tâm chờ đợi.
Tôi thấy trong các chim huyền sử có nhiều đức tính lạ lùng, như chim phượng tự thiêu trong lửa nhiệt tình, cháy ra tro, để rồi từ trong đống tro tàn phục sinh rực rỡ. Lại có những chim tám cánh một chân, và khi đáp xuống thì bao giờ cũng xếp cánh tả trước như chim Lạc Địch, Uyên Ương, Tất Phương…Ngoài chim phượng thì đến một loạt chim nước như chim Hồng, Hạc, Âu, Lộ, Vụ: tất cả đều bay trên trời và ở trên núi. Nhưng đến bữa thì lại xuống ăn dưới biển khơi và việc đó có tính cách thâm sâu chỉ bằng có bồ dưới đáy biển, làm thành hai đối cực là tiên rồng, non nước, núi sông, nghiã là những đức tính định tính chứ không là những phẩm tính tùy phụ, những điều đó làm tôi tin rằng vận số nước chắc chắn có ngày phải được hưng thịnh.
(…..)
Cuối cùng là

Vũ đi thì Vũ lại về
Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan
Ôi những chim huyền sử. Ôi những chim tám cánh một chân. Mạnh dường nào. Thống nhất làm sao. Việt tộc nhất định phải là Việt thường.Ngưng trích.
Người viết Kim Định cũng ca tụng chim Phượng Tầu như người viết Trần dạ Từ. Ngoài chim Phượng, ông Kim Định còn viết đến một lô chim Tầu: Lạc Địch, Uyên Ương, Tất Phương…Tôi chỉ thấy những giống chim ấy trên những trang sách Tầu, đất nước tôi không có chúng. Về chuyện những chim Hồng, Hạc, Âu, Lộ, Vụ…”tất cả đều bay trên trời và ở trên núi. Nhưng đến bữa thì lại xuống ăn dưới biển khơi..” thì, với sự ngu dzốt của tôi, tôi không théc méc gì. Chim bay thì phải bay trên trời, không lẽ chim bay dưới đất. Chim ở trên núi nhưng khi ăn thì xuống biển cũng chẳng có gì lạ: chim xuống biển ăn cá, ăn tôm. Tôi chỉ théc méc ở chuyện người viết có vẻ như đề cao loài chim “tám cánh, một chân.” Chim hai cánh là đủ cho chim bay, chim cần gì phải có những tám cánh? Chim tám cánh có thể không bay được. Chim chỉ có một chân thì lại quá ít chân, làm sao chim đứng vững? Ca tụng ký gì không biết!
Vũ đi rồi Vũ lại về
Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan.

Tháng Năm, 2005, Chợ Đời Hải Ngoại Lưu Vong có câu:

Duy chạy rồi Duy lộn về
Duy Cẩn môn lề, Duy Cẩn chồn lui!

Đỗ Quí Toàn
Phương à, Phượng à, Về Quê Hương Ta
Trích: Lần đầu nghe Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi mới đi xa trở về, ngồi lắng nghe những âm thanh vang dội bập bềnh dào dạt ngập thính phòng ở nhà Phạm Duy, tôi nhớ ngay đến câu thơ cổ: “Phượng hề, phượng hề, quy cố hương”. Phượng à, phượng à, ta trở về quê hương cũ.
(…..)
Bây giờ ở nước ngoài, cũng chính Phạm Duy mang lại cho tôi cảm hứng mênh mang, hùng tráng về đoàn chim tổ của giống nòi, loài chim đã vượt qua muôn dặm trời, bay suốt ngàn năm lịch sử. Không những Phạm Duy đã mang tôi trở về quê hương, anh còn nối liền dòng máu của tôi với dòng máu của tổ tiên muôn ngàn năm trước.(…..) Nhạc Phạm Duy đã chiếm lĩnh một khoảng trời, một khoảng đất, một khoảng tâm hồn, dù tôi đang bay trên những đám mây ở Úùc Châu, hay tôi đang ngắm cảnh rừng thu ở Bắc Mỹ. Một buổi chiều tháng Mười, chúng tôi lái xe lên núi miền Bắc xem lá đổi mầu. Cuộc hành hương mỗi năm không thể bỏ, trên xe Quyên để băng nhạc Bầy Chim Bỏ Xứ nghe lại lần nữa. Suốt buổi sáng đã nghe ở nhà. Tôi lái xe trên đường vòng vèo, giữa các ngọn núi đỏ như mâm sôi, những thung lũng vàng óng ả. Nhưng sau mười lăm phút tiếng ca Bầy Chim Bỏ Xứ tràn ngập chung quanh, bỗng nhiên bao nhiêu cây phong vàng, cây dương trắng , cả rừng thu Gia Nã Đại cũng biến mất. Trước mắt tôi, chỉ là hình bóng lũy tre già xào xạc, vườn lá chuối xanh tơ, và hàng dưà lả lơi trên đồng luá dậy thì xanh mơn mởn.
(…..)
Vì thế, bây giờ nghe Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi chỉ thấy đàn chim đang vỗ cánh bay về. Chúng ta sắp trở về rồi em. Hãy cất tiếng hát một bài hoan ca, một điệu hùng ca của đàn chim bay về, mang về quê hương ấm no, tự do và hạnh phúc. Phượng à, phượng à, quay về cố hương thôi. Ngưng trích.
“…Phượng à, phượng à, quay về cố hương thôi…!” Nghe mà…cảm khái cách gì! Tháng Tư năm Gà Sư Ông Tăng Phú đã làm chuyến “phượng hề, phượng hề quy cố hương..” linh đình tom tom chát chát tò te tí tét cùng với chiêng trống, võng lọng, hương hoa, đèn cầy, đèn pin. Mấy ngày đầu có tin ông Đỗ quí Toàn ở trong đoàn “Phượng hề qui cố hương,” nhưng đó là tin thất thiệt. Con Chim Bỏ Xứ họ Đỗ hót vang “Chúng ta sắp trở về rồi em. Hãy cất tiếng hát một bài hoan ca..” từ năm 1990 nhưng 15 năm sau, năm 2005, ông vẫn chưa về.
May là tuy rủ rê người tình dzui ca bài “Phượng hề quy cố hương” với ông từ năm 1990, đến năm 2005 Con Chim Bỏ Xứ Đỗ quí Toàn vẫn chưa “phượng hề qui cố hương”, nếu ông:
Phượng hề, phượng hề qui cố hương
Người Việt hết đường, Người Việt sống với ai!
L.M. Trần cao Tường: Bầy Chim Bỏ Xứ
Điềm Báo Trước Cuộc Trở Về
Trích: Kính gởi Nhạc sĩ Phạm Duy,
Lần đầu tiên viết thư cho ông, một người tôi vốn hằng ngưỡng mộ và mến phục từ nhỏ. Tháng trước, Linh mục Ngô Duy Linh có cho tôi một copy băng nhạc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đã nghe đi nghe lại với một tâm tình phấn khởi muốn tung cánh bay về tổ. Nhân đó có viết một bài cho tờ “Thời Điểm Thiên Chuá Giáo” trong đó có đề cập tới ông và Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi thấy tâm tình của ông thật giống tâm tình của nhà tiên tri Ezekiel thời Do Thái lưu đày, giống tâm tình Bầy Chim Về Tổ cũ. Linh mục Ngô Duy Linh xem xong bài tôi viết, Ngài đắc ý bèn bảo tôi gửi cho ông.

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, tôi xin chân thành cám ơn ông. Tôi hãnh diện vì dân tộc Việt đã có ông. Mẹ Tiên, Bố Rồng cũng thơm lây đấy, vì trứng rồng lại nở ra rồng.

L.M. Trần Cao Tường
Giáo Xứ Maria Nữ Vương Việt Nam
New Orleans, LA 21-11-1990
Kính thưa L.M Trần Cao Tường,
Xin được phép hỏi Ông một câu: – Ngày 21 Tháng 11, năm 1990, ông viết ông “hãnh diện vì dân tộc Việt có ông” Phạm Duy. Hôm nay, ngày 30 Tháng Năm, 2005, ông có còn “hãnh diện” vì “dân tộc” ông có “ông Phạm Duy” không, thưa ông?
Nếu có “thơm lây”, chắc phải có “thối lây,” ông có thấy thế không ạ?

Tôi tội nghiệp cho Mẹ Tiên, Bố Rồng quá đi mất.
Cám ơn ông đã gợi cho tôi nhớ câu:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Nhà văn Dương Hùng Cường


Họ đọc lệnh bắt tôi tại nhà tôi lúc 2 giờ đêm rạng ngày 2/5/1984. Đây là lần thứ hai Alice phải đứng nghe những người công an TP HCM đọc án lệnh bắt chồng nàng. Nàng đã đứng nghe án bên chồng một lần trước đó 6 năm — năm 1977 — cũng trong căn nhà nhỏ không có mùa xuân nhưng nồng đượm tình yêu của vợ chồng nàng. Lần ấy khi thấy đọc bản án xong người ta còng tay chồng nàng, Alice phản đối :
– Chồng tôi làm gì mà còng tay chồng tôi ?
Tôi — thản nhiên hay tỉnh queo thì không đúng hẳn, khi đã biết trước mình sẽ sắp bị công an VC đến bắt thì còn sửng sốt, bàng hoàng chi nữa — lúc đó mềm như bún, tôi nói với nàng.
– Đừng em. Việc anh bị bắt mới là quan trọng, việc anh bị còng tay có đáng gì để em buồn tủi đâu…
Khi thấy nàng nghẹn ngào muốn khóc, nhìn nàng, tôi lắc đầu thầm nói với nàng bằng mắt :”Em đừng khóc…”
Năm 1960, hay 1961 — xa như một kiếp nào xưa — tôi được đạo diễn Hoàng Anh Tuấn cho đóng một vai phụ trong bộ phim xi-la-ma “Hai Chuyến Xe Hoa”. Vai nữ chánh của cuốn phim là Thanh Nga. Đúng là đóng phim nó vận vào mình. Thanh Nga, chắc vì la đào hát chính cống, không những một đời chỉ có 2 chuyến xe hoa mà đi những 5, 7 chuyến xe hoa. Còn tôi, kép xi-la-ma rởm, tôi cũng, và tôi chỉ được 2 chuyến xe thôi. Sáng ngày 2/5/1984 chiếc xe bông thứ hai của Sở công an TP HCM đến cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, đón anh Con Trai Bà Cả đi vào ô-ten số 4 Phan Đăng Lưu cư hạn dài hạn lần thứ 2.
Tôi lại được đưa trở vào và nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu lúc 6 giờ sáng. Cảm giác của tôi lúc ấy là cảm giác của 2 cậu Lưu Thần, Nguyễn Triệu buồn nhiều hơn vui. Tôi cũng vậy. 4 năm trước, một buổi sáng tôi đã rảo bước đi ra khỏi nhà tù này, tim đập mạnh, vai nhẹ nhàng, lòng mừng vui. Sáng nay, 4 năm sau tôi trở lại nơi xưa. Cảnh sắc tiêu điều hơn, những hành lang rạn nứt, ướt nước.
4 năm trước, họ giam tôi trong cái gọi là Phòng Biệt Giam số 6 Khu C Một. Nhà giam Phan Đăng Lưu, bên cạnh Tòa Tỉnh trưởng Gia Định, nay nơi này là “Trường Đảng — Nguyễn Văn Cừ”. Nhà giam này nguyên là Đề lao Gia Định được VC mở rộng lên lớn gấp 4 lần. Cái gọi là Biệt giam chỉ là cái sà-lim của những nhà tù thời Đông Dương còn bị thuộc Pháp. Tái đáo thiên thai, người ta lại đưa tôi vào Khu C Một. Chỉ có khác là lần trước tôi nằm Biệt Giam số 6, lần này tiến bộ hơn, tôi nằm ở Biệt Giam số 10.
Cũng như lần trước, việc làm đầu tiên của tôi khi cánh cửa sắt Biệt Giam vừa đóng lại là cởi áo, cởi quần dài, ở trần, chỉ mặc có cái quần sà lỏn, sà lim với sà lỏn là anh em cùng cha, cùng mẹ — ra đứng nhìn qua cửa gió ra hành lang.
Mới 6 giờ sáng, bọn cai tù còn lịch kịch áo thun, sà lỏn, rửa mặt ở những vòi nước bên ngoài hành lang C1. Khi đang láo nháo trả lời, báo tin bên ngoài cho vài anh em đứng ở sau cửa phòng Tập thể số 2, số 3 trước mặt, tôi bỗng nghe tiếng người gọi :
– Dượng Hai…
Anh em chúng tôi, mấy người liên lạc với Trần Tam Hiệp ở Paris vẫn quen gọi Tiệp là Dượng Ba. Tôi được gọi là Dượng Hai vì tôi cao tuổi hơn anh em.
Tôi ngạc nhiên :
– Ai đấy ?
– Tự đây, Trần Ngọc Tự…
Trần Ngọc Tự Không quân, Tự và Dương Hùng Cường quen biết lính Không quân Trần Tam Tiệp khá thân. Tự ở ngay Biệt Giam 9 cạnh Biệt Giam 10 có tôi vừa được đưa vào. Tự vào đây trước tôi. Vì cùng ở một dãy nên Tự và tôi chỉ nghe được tiếng nhau mà không nhìn thấy mặt nhau. Hai chúng tôi chưa nói gì được với nhau nhiều thì ghé mắt nhìn ra đầu hành lang chúng tôi thấy Dương Hùng Cường được dẫn vào.
Dương Hùng Cường bận áo pull xanh, quần kaki — cái áo pull này chắc là của Trần Tam Tiệp mới gởi về. Sau thủ tục gia nhập sổ hộ khẩu thường trú : khám quần áo, hỏi tên tuổi, tội trạng, ghi vào sổ, Cường được đưa vào Biệt Giam 15 hay 16 bên dưới tôi. Cường đi qua sà lim giam Tự và tôi nhưng Cường không trông thấy chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy Cường rất rõ.
Trong buổi sáng đầu tiên ấy, Tự và tôi được biết Khuất Duy Trác bị giam ở Biệt Giam 1. Biệt giam này ở ngay đầu hành lang, cạnh bàn làm việc của cai tù gác khu C1 nên Khuất Duy Trác không thể nói năng, hỏi han, trao đổi tin tức gì được với những bạn tù phòng bên. Như vậy là anh em tôi 4 người : Dương Hùng Cường, Trần Ngọc Tự, Khuất Duy Trác và tôi — được công an thành Hồ đem xe bông đến nhà rước đi. Trong cùng một đêm. Vài ngày sau chúng tôi được tin anh Doãn Quốc Sỹ cũng bị bắt, đang nằm Biệt Giam khu C2 đâu lưng với khu C1 của chúng tôi.
Sáng sớm hôm sau, Tự và tôi mới hỏi qua, nói lại được với Dương Hùng Cường. Biệt Giam Cường ở khá xa Biệt giam 2 chúng tôi. Cường và chúng tôi nói chuyện nhau qua vệ tinh : chúng tôi nói qua phòng tập thể trước mặt, nhờ anh em bên đó nói lại với Cường. Chúng tôi cũng chỉ nghe được lời Cường nhờ anh em ở những phòng tập thể trước mặt truyền lại.
Khi nghe chúng tôi nói sang :
– Nó bắt mấy thằng liên lạc với Dượng Ba rồi…
Cường bảo chúng tôi :
– Phải giữ an ninh cho Dì Út…
Dì Út là tên chúng tôi dùng để gọi cô Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên Bưu điện Trung ương thành Hồ, người trung gian nhận thư từ, sách báo, thuốc do Trần Tam Tiệp ở Paris gởi về cho chúng tôi và gởi thơ, bài viết, bản thảo của chúng tôi qua Trần Tam Tiệp.
Khi dặn nhau phảigiữ an ninh cho Dì Út Nguyễn Thị Nhạn, anh em chúng tôi không biết rằng cô Nhạn đã bị bắt trước chúng tôi cả tháng trời. bắt rồi dược thả ra. Và bắt lại cùng với chúng tôi.
Cuôc sống tù đày chung của anh em chúng tôi bắt dầu từ sáng ngày 2/5/1984.
Sau thời gian bị nhốt ở Biệt Giam — thời gian này gọi là thời gian cách ly, dài ngắn, lâu mau tùy theo từng người tù. Khuất Duy Trác sang ở Phòng Tập thể 2, Dương Hùng Cường ở Phòng Tập thể 3, tôi ở Phòng Tập thể 6, Trần Ngọc Tự sau thời gian được chuyển sang nằm Biệt Giam khu B, được đưa trở lại ở Phòng Tập thể 5 khu C1.
12 tháng sau — tháng 5/1985 — chúng tôi, những người được Công an Thành phố gọi là “Những tên biệt kích cầm bút” — được đưa lên xe bông sang nơi tôi gọi là “thánh địa Chí Hòa”. Đây là lần thứ nhất anh em tôi được “đoàn tụ” trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Xe chở chúng tôi từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Nhà giam Chí Hòa là loại xe vận tải. Công an TP dùng loại xe này vừa chở hàng, chở gạo, chở heo và chở tù. Bọn Biệt Kích lếch thếch xách giỏ, chiếu lên xe bông sáng ấy gồm 6 mạng : Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, Hoàng Hải Thủỵ Và 2 nữ : Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn.
Xe ra khỏi số 4 Phan Đăng Lưu, sang đường Đinh Tiên Hoàng về Dakao, vào đường Hiền Vương — chúng tôi thấy nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi đã trở thành công viên — vào đường Lê Văn Duyệt, đã đổi tên thành Cách mạng Tháng 8. Trên xe anh em tôi cười nói râm ran. Tôi có cảm tưởng chúng tôi đang trên xe đi dự đám cưới chứ không phải là xe chở tù.
Đây là lần thứ nhất 6 anh em chúng tôi đặt chân vào “đất thánh Chí Hoà”. Chỉ có cô Nguyễn Thị Nhạn là người bị bắt lần đầu, còn chúng tôi — kể cả Lý Thụy Ý — đều đã bị bắt một lần nhưng chưa ai “được” vào Chí Hòa. Chúng tôi vào khu ED. Lầu 8 góc Chí Hòa được gọi theo vần A,B,C,D,E,F,G,H. Cứ 2 tòa nhà họp thành một khu : AH chứ không phải HA, rồi khu BC, khu ED (gọi là Ơ Đê). Cai tù Vixi nói “nễ nớn, nòng nợn”, nhưng vẫn gọi tên khu như người Saigon là Ơ Đê chứ không gọi là Đê E. Cuối cùng là là khu FG. Sau 2 giờ “đoàn tụ” thân mật, vui vẻ trên xe chở tù, chúng tôi lại được ưu ái chia ra mỗi tên ở một phòng. Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn vào 2 phòng 3, phòng 4 ở dưới đất. 2 phòng này dành cho tù nữ. Có Thích Trí Hải — bị bắt trong nhóm Già Lam Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Lê Mạnh Phát, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận — đã ở trước trong khu giam tù nữ này. Cường và Tự và ở 2 phòng 7, phòng 8 lầu 1, Khuất Duy Trác vào phòng 9 lầu 2, tôi vào phòng 10 lầu 2, Doãn Quốc Sĩ lên phòng 14 tầng lầu 3 cao nhất.
Khi vào phòng 10 khu ED Chí Hòa, tôi mới biết anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã từ Phan Đăng Lưu sang đây trước tôi đang ở phòng 11 cạnh phòng tôi.
Chúng tôi đã sống 12 tháng trong nhà giam Phan Đăng Lưu. chúng tôi lại sống 12 tháng thứ hai trong nhà tù Chí Hoà. Thời gian trong tù thật ly kỳ — qua thật chậm mà cũng thật mau — thấm thoát đã qua năm 1986, năm Đảng CSVN họp Đại hội Đảng kỳ 6.
Anh Hiếu Chân bị bắt sau chúng tôi chừng 2 tháng. Anh cũng bị ghép vào bọn “Biệt Kích Cầm Bút” chúng tôi. Anh bị chứng huyết áp cao và qua đời vì cơn bịnh này trong một đêm đầu năm 1986.
Ban đêm khi có người tù lên cơn bịnh nặng cần được cấp cứu, những anh em tù cùng phòng phải la lớn qua những chấn song sắt :
– Báo cáo cán bộ… Phòng 11 có người bệnh nặng… Xin cấp cứu… Tiếng kêu trong đêm, yên tĩnh, vang đi kh¡p nhà tù, vẳng vào tất cả các phòng giam. Thường thì phải kêu lớn cả chục tiếng như thế bọn cai tù trực đêm mới lịch kịch xách chìa khoá lên mở ba bốn lần cửa sắt cho tù khoẻ cõng tù bệnh đi xuống cái gọi là Trạm Xá.
Chừng một tháng sau ngày anh Hiếu Chân qua đời, một sáng tôi đang sửa soạn đánh cờ thì được anh em tù ra đưa cơm nước đến ngoài song báo tin :
– Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường chuyển trại…
“Chuyển trại” là việc người tù bị đưa từ nhà tù này sang nhà tù khác.
Như Solzhenytsin đã viết trong truyện “Tầng Đầu Địa Ngục” (The First Circle), kể chuyện tù đày ở Liên-xô — người tù ở đâu quen đó, việc đổi phòng giam chỉ gây phiền nhiễu cho người tù — và thường khi đã chuyển trại thì cả một bọn đồng vụ cũng bị chuyển trại. Anh tù ra làm lao động — lao động là tên gọi việc đưa cơm nước — báo cáo cho tôi biết 2 người đồng bọn với tôi được gọi chuyển trại, tôi cũng phải thu xếp hành trang và tôi sắp được, hay bị gọi ra chuyển trại.
Đi đâu đây ? Tim tôi đập mạnh. Xếp quần áo vào giỏ xong xuôi tôi hồi hộp ngồi chờ. Nhưng không thấy cai tù đến gọi tên tôi, ra lịnh cho tôi bằng 3 tiếng gọn :”Lấy đồ ra…”. Tôi bồn chồn đợi mãi đến lúc anh bạn tù lao động trở lại cho biết :
– 4 ngừi Sĩ, Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn…đưa đi rồi. Coi bộ như đưa trở về Phan Đăng Lưu… Khi người tù đã chịu thẩm vấn ở số 4 Phan Đăng Lưu đã qua Chí Hòa mà lại bị đưa trở về Phan Đăng Lưu thì nguyên nhân thường là trở về để chịu thẩm vấn lại lần nữa. Người tù này có gia nhập những tổ chức khác, hay có can một số tội mới được phát hiện. Tôi thắc mắc mãi về việc 4 anh em chúng tôi : Sĩ, Cường, Ý, Nhạn… Trở về Phan Đăng Lưu khi chỉ còn 3 anh em tôi — Trác, Tự và tôi — vẫn còn ở lại Chí Hòa. Lúc này anh Hiếu Chân đã chết… Bọn bị ghép vào tội Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi gồm 8 người đã bị hy sinh mất một.
Tôi nhớ không rõ tháng mấy năm 1986, tôi chỉ nhớ việc xảy ra trước ngày Đảng CS họp Đại hộ 6. Một hôm Trác, Tự và tôi được gọi ra để “đi nghe đọc cáo trạng”. Chúng tôi sắp ra tòa. Một thư ký Tòa Án đến đọc bản cáo trạng và báo cho tù nhân biết ngày ra tòa trong một phòng thẩm vấn ở dưới đất. Đến lúc này người thư ký đến đọc cáo trạng mới biết một người tù có tên trong cáo trạng là Nguyễn Hoạt đã chết. Anh thư ký này cũng đến lúc đó mới biết là 4 người được anh đến đọc cáo trạng cho nghe là Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn đã được chuyển sang nhà tù khác.
“Công an thành phố HCM khởi tố vụ gián điệp hoạt động trên địa bàn TP HCM…”. Đó là mấy giòng chữ đầu tôi đọc được trên bản báo cáo người công an thẩm vấn tôi đặt trên bàn, rất tiếc là mắt tôi kém, tôi lại đọc ngược giòng chữ nên không đọc được nhiều hơn.
Xin cho tôi nói thêm một chuyện có vẻ như không liên hệ gì đến “Vụ gián điệp rởm 1986”. Đó là chuyện sau khi Saigon bị đổi tên là Hồ Chí Minh thì 2 tiếng Thành phố luôn luôn đi trước 3 tiếng HCM. Thế rồi 2 tiếng “Thành phố” tức là “Thành phố HCM…”. Trong khi ấy Cần Thơ, Đà Lạt cũng là thành phố nhưng không gọi là thành phố mà chỉ trống trơn Cần Thơ, Đà Lạt.
Đồng bào miền Nam thường dễ dãi, không ưa rườm rà mầu mỡ riêu cua, nên hay gọi tắt. Năm xưa ta thường nói mà chẳng ai mất lòng những câu như “Mấy thằng Sègòong, bọn Đà Lạt”. Nhưng nay nếu nói “Mấy thằng HCM, bọn HCM cà chớn” thì phạm húy. Thành ra thiên hạ gọi vắn tắt là “Thành phố”…
Một buổi sáng Trác, Tự và tôi đứng xớ rớ chờ xe chở ra tòa. Sáng ấy chỉ có 3 anh em tôi từ Chí Hòa ra tòa nên công an áp giải dùng chiếc xe Jeep. Hôm nào đông thân chủ họ dùng xe vận tải. Trên xe anh lái xe hỏi anh Cai Tù áp giải tù :
– Trưa về hay chiều về đây ?
– Chiều — Cai Tù áp giải trả lời, nói thêm — Chiều mà mai còn di nữa.
Công an Chá xế ngạc nhiên :
– Cái gì ? Có 3 ngoe mà xử những 2 ngày sao ?
Cai Tù áp giải trả lời ngọt : 8 mạng tất cả. Một mạng tạnh rồi. 4 mạng ở Phan Đăng Lưu…
“Một mạng tạnh rồi…” “Tạnh”, nguyên văn lời Cai Tù sáng ấy. “Tạnh” không phải là do tôi bịa ra. Người làm chứng cho tôi là Khuất Duy Trác.
Công an Chá xế nghiêng mặt về phía sau :
– Mấy em này văn nghệ chi đó, phải không ?
Công an thành Hồ, kể cả Công an Chá xế, cũng loáng thoáng biết vụ văn nghệ sĩ ra tòa vì 2 tờ báo mạnh nhất ở thành Hồ là tờ Công An và Tuổi Trẻ, đang mở chiến dịch mạ lỵ chúng tôi ồn ào và đe dọa. Họ đã viết về chúng tôi nhiều bài từ 2 năm trước. Nay chúng tôi ra tòa, họ hâm nóng trở lại vụ án. Họ dàn dựng một vụ xử thật nặng nề để răn đe kẻ khác, “Bọn chúng phải ra trước Tòa Án Thành Phố HCM để trả lời về những tội trạng của chúng…” Đó là một trong những lời nói đầu loạt bài chửi rủa chúng tôi.
Nhưng năm 1986, họ không xử được bọn Biệt Kích Cầm Bút. Ra tòa chúng tôi mới biết tòa đình xử. Vì Cường và Sĩ, Ý, Nhạn ở số 4 Phan Đăng Lưu. Nhà tù này thuộc thành phố. Chỉ cần Sở Công an Thành phố chi một cú điện thoại là những anh Cai Tù Phan Đăng Lưu biết tòa không xử và không mất công đưa tù ra tòa. Nhưng với nhà tù Chí Hòa thì phải có giấy tờ đàng hoàng. Vì vậy sáng hôm ấy Trác, Tự và tôi được xe Jeep đưa từ Chí Hòa ra tòa án, được gặp vợ, con, cháu, em, chị, thoải mái trong suốt một buổi sáng. Chị Oanh, vợ Cường, mắt đỏ lên khi nhìn vợ chồng, bố con, ông cháu chúng tôi ngồi quấn quít với nhau.
Một công dân chỉ sau khi bị tòa án phán quyết có tội, mới bị coi là có tội. Đấy là nguyên tắc luật pháp của tất cả những xã hội, bị những người CS gọi là “thối nát, sa đọa, vô pháp luật…”, nhưng XHCN văn minh, tiến bộ không công nhận nguyên tắc ấy. Lênin từng viết trên giấy trắng mực…đỏ : “Việc chia chính quyền ra làm 3 ngành, lập pháp, hành pháp, tư pháp là trò bịp bợm của bọn tư sản. Quyền hành phải được tập trung vào một mối, và phải do giai cấp vô sản hành xử…”
Những người CSVN không có qua một sáng kiến gì cả. Tất cả những thủ đoạn họ làm, đều do họ học mót của CS Nga, Tàu. Việc bắt người, điều tra, kết tội đều do một người, hay do vài người quyết định, thực hiện. Đảng viên CS đều có tính cách y hệt nhau. 3 đảng viên hay 10 đảng viên thì ý kiến cũng chỉ là một. Vì vậy những người CS ở kh¡p các nước bị đảng CS cai trị đều có một hành động giống nhau : khi công an của họ bắt giam một người nào đó, người bị bắt đã bị coi là có tội. Công an thay tòa án, công an kết tội công dân, trước khi tòa án của chính họ xét xử. Việc ra tòa dưới chế độ CS, chỉ là một màn kịch vô duyên. Tất cả những diễn viên bất đắc dĩ, cùng nhà đạo diễn đều biết mình vô duyên, nhưng cứ trơ mặt, trán bóng đóng kịch.
Khi còn sống ở thành Hồ, nghe tin loan trên những làn sóng điện VOA, BBC, tôi vẫn thắc mắc về việc những người đấu tranh cho dân chủ trên thế giới, những người bảo vệ quyền lợi của những người tù chính trị ở VN, “những tù nhân của lương tâm”, vẫn lên tiếng đòi nhà cầm quyền CS, phải đưa những người bị CS bắt giam vì bất đồng chính kiến ra trước tòa. Việc người tù như anh em chúng tôi, được đưa ra Tòa án Nhân dân Thành phố HCM — Tòa an chuyên xử nhân dân — xét xử năm 1986 không phải là việc có lợi cho anh em chúng tôi. CS có cái gọi là Ủy Ban Luận Tội — thành viên của ủy ban này gồm các cán bộ công an, Viện kiểm sát và Tòa án. 3 cơ sở nhưng chỉ có một đảng viên quyết định. Ủy ban này đã luận tội, đã định mức án cho người tù. Bọn Chánh án VC chỉ là những anh chị thi hành quyết định của Ủy Ban Luận Tội mà thôi.
Nhảy múa trên xiềng xích của người khác
Đại hội Đảng CS kỳ 6, năm 1986, đưa Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư. Linh tuyên bố thì hành chính sách đổi mới, cởi trói cho văn nghệ, v.v.. Trước Linh, Trường Chinh cũng lép nhép nói đến chyện phải đổi mới.
Những anh em Công an Thành Hồ, những anh viết 2 tờ báo Công an, Tuổi Trẻ bị tẽn tò, vì không xử được bọn Biệt Kích Cầm Bút. Các anh đã la lối om sòm, đã lớn tiếng tố cáo chúng tôi là “gián điệp”, các anh đã nhảy múa, ca hát trên xiềng xích của chúng tôi, đón chờ cái chết của chúng tôi. Nhưng rồi…êm ru bà rù. Chìm xuồng nặng. Mấy ảnh tự động chấm dứt loạt bài viết đả kích, nhục mạ chúng tôi trên báo. Mới hôm trước các anh la là “gián điệp”, hôm sau mấy ảnh im luôn.
Trở về phòng giam Chí Hòa, chúng tôi lại ngày ngày gò lưng đánh cờ, lại bắt chước ông Trần Văn Hương mần thơ… Giữa, hay cuối năm 1987, tôi bàng hoàng khi được tin Dương Hùng Cường đã chết ở số 4 Phan Đăng Lưu.
Sống 4 năm trong tù, riêng tôi, ý tưởng chết đôi khi cũng đến ám ảnh tôi. Nhưng tôi gạt nó đi. Tôi vẫn nghĩ anh em tù chết, mình tù như anh em, cũng có thể chết như anh em. Cùng lúc ấy tôi lại nghĩ tôi không chết trong tù, tôi sẽ trở về với vợ con tôi, với cuộc sống. Thường lệ, cứ mỗi tháng lại có một chuyến đưa tù nhân từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Chí Hòa. Chúng tôi lại được nghe kể về trường hợp “Dê Húc Càn” Dương Hùng Cường qua đời trong biệt giam.
Cường và Doãn Quốc Sĩ bị đưa vào nằm biệt giam khi 2 anh trở lại số 4 Phan Đăng Lưu. Một lần nữa Cường lại trở vào khu C1. Anh em nói tối hôm trước họ, ở những phòng tập thể, còn nghe tiếng Cường đang hát ở cửa gió Biệt Giam. 6 giờ sáng hôm sau, Cai Tù đi 1 vòng điểm số. Không thấy Dương Hùng Cường đứng đưa mặt ra ô cửa gió vào phòng biệt giam. Người tù nằm ngửa trên sàn xi-măng. Gọi không dậy. Mở cửa vào, người tù đã chết trong đêm qua.
Dương Hùng Cường, sĩ quan Quân Lực VNCH, đã đi cải tạo 3 năm. Trở về, anh không sốt sắng với việc xin trở vào sổ. Gia dình anh sống ở khu gần Cơ sở Trung tâm Nữ Quân nhân của Quân ta xưa, đường Lý Thường Kiệt. Chị Cường — chị Vương Thị Oanh — là cô giáo, nguyên nữ sinh Trưng Vương. Anh chị có 5 con gái. Đến năm 1975, chị mới có bầu cháu thứ 6. Anh chị rất mong có mụn con trai. Anh xách túi lên đường “đi cải tạo” trước khi con anh chào đời. Con út của anh chị là con trai. Anh đặt tên con là “Phụng Hoàng” với ngụ ý “thờ phụng màu vàng”.
Cường có bệnh ở tai. Anh phải dùng thuốc Ampiciline thường xuyên. Trước ngày bị bắt, tháng 5/1984, mắt bên trái của anh đã bắt đầu thấy nhức vì tai làm độc.
Thi thể Dương Hùng Cường được đưa từ số 4 Phan Đăng Lưu về nhà xác Chí Hòa. Vợ con anh được gọi đến nhà xác Chí Hòa nhìn mặt anh, chứng kiến tẩm liệm anh. Công an CS tối kỵ việc cho thân nhân lãnh xác tù về nhà làm đám ma. Chúng cung cấp cho Dương Hùng Cường quan tài, xe chở lên chôn ở một nghĩa trang bên Lái Thiêu.
Biệt Kích Cầm Bút kiêm Gián Điệp…
Đầu năm 1988 — hơn 2 năm sau ngày chúng tôi bị đưa ra tòa năm 1986 với tội “gián điệp” — nhóm Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi lại trở ra tòa.
Lần này họ đã đổi tội “gián điệp” họ gán cho chúng tôi ra thành tội “tuyên truyền phản cách mạng”. Án phạt của tội gián điệp từ tối thiểu là 12 năm tù đến tối đa là tử hình. Án phạt áp dụng cho tội “tuyên truyền phản cách mạng” là tối thiểu 2 năm đến tối đa là 12 năm.
8 anh em chúng tôi bị bắt cùng một đêm, bị khép cùng một tội, bị tập trung cùng một tổ chức. Sau 4 năm tù, 2 trong 8 anh em chúng tôi đã chết trong tù.
Bản cáo trạng kể tội bọn Biệt Kích Cầm Bút đọc ở tòa án HCM năm 1988 không còn ghi đến các anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường.
4 năm trước, an em chúng tôi bị bắt là 8 người. Trong 4 năm tù tội, 2 người trong chúng tôi đã chết. Tôi biết khi người ta chết thì dù người ta ở đâu, ở chỗ nào cũng có thể chết. Nhưng 2 anh bạn chúng tôi, anh Nguyễn Hoạt bị áp huyết cao, anh Dương Hùng Cường bị bạo bịnh chết trong phòng biệt giam. Nếu 2 anh không bị tù, nếu 2 anh ở ngoài có thuốc, được chạy chữa, được cứu cấp, 2 anh đã có thể không chết. Hôm nay chỉ có 6 anh em chúng tôi đứng ở đây. Nhưng thực ra chúng tôi là 8 người. Đứng bên trái tôi đây là anh Dương Hùng Cường từ trần trong nhà tù mang tên một anh CSVN (Phan Đăng Lưu).
Một trong những đặc điểm của nhà số 4 Phan Đăng Lưu là những cửa sắt phòng tù đều có 2 khóa. Khóa trên, khóa dưới. Đặc điểm “phòng giam đôi khóa” ấy của số 4 Phan Đăng Lưu được nói đến trong bài thơ tôi mượn để gởi đến hương hồn Dương Hùng Cường. Bài thơ này không phải do tôi làm. Tác giả là một người tù đã làm, khi người bạn của ông chết trong tù số 4 Phan Đăng Lưu
Thôi thế còn ai dám quấy rầy
Mấy thằng chấp pháp cũng khoanh tay
Ăng-ten lép nhép, thây cha nó
Quảng giáo hăm he, kệ mẹ bây
Vĩnh biệt phòng giam đôi khóa sắt
Tiêu dao cực lạc, chín từng mây
Lê-nin, Các-Mác bao giờ gặp
Sẵn gậy ông phan chúng mấy cây
Dương Hùng Cường…Dương Hùng Cường…Chúng ta cùng đi chuyến xe từ Bà Chiểu sang Chí Hòa một sáng tháng 5/1985. Thấm thoát đã 10 năm rồi đấy. Chúng ta trao đổi với nhau vài câu nói, vài tiếng cười, vài ánh mắt trên chuyến xe ấy. Rồi thôi. Ngàn năm xa cách. Hôm nay ngồi bình yên trên đất Virginia — Virginia đất của tình yêu, đất dành cho những người yêu nhau — Virginia is for Lovers — tôi nhớ lại hình ảnh Cường trong chiếc áo pull xanh, quần kaki, túi quần áo đặt dưới chân, đứng trong hành lang C1, chờ Cai Tù mở cửa phòng biệt giam.
Dương Hùng Cường…Tôi đã gọi tên Cường một lần ở giữa lòng Saigon bị chiếm đóng của chúng ta.

Tháng Bảy vào thu mưa lạnh bay …

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt sương khô.
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô rụng vàng…
Quê hương ta miền Nam mưa nắng hai mùa nhưng vào tháng bảy vẫn có những ngày mưa ngâu đất trời u ám. Hôm nay yên bình sống và viết ở Rừng Phong xứ Mỹ, tôi bùi ngùi hồi tưởng những tháng bảy cô hồn những năm 1976, 1977 thật buồn và tuyệt vọng tôi sống gần như đã chết giữa lòng Sài Gòn đầy bóng cờ đỏ, sao vàng, nón cối, giép râu…
Quân Bắc Việt Cộng xâm lăng ngơ ngáo kéo vào Sài Gòn của chúng ta những ngày cuối cùng của mùa xuân năm 1975. Mùa hạ rồi mùa thu năm ấy qua đi khi chúng ta vẫn còn bàng hoàng vì cuộc đổi đời trời long, đất ngả nghiêng. Gặp nhau trên hè phố đầy bóng tối ông bạn tôi nói:
– Có những buổi sáng tao phây phây ra khỏi nhà, cứ như là không có chuyện gì khác cả. Chợt tao chạm mặt thằng bộ đội nó đi ngờ ngờ, tao giựt mình tỉnh lại: Tao mới nhớ… Việt Cộng nó vào Sài Gòn rồi!
Mùa thu năm 1976 đến, ta mới thấm đòn. Sau cơn ngất ngư tối tăm mặt mũi một năm trời sau ta mới thấm thía tình trạng bại trận, mất nước, nhục nhã, mất nhân phẩm, mất tất cả của chúng ta. Tất cả những người công dân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bại trận đều buồn, đều tuyệt vọng. 20 triệu công dân Việt Nam Cộng Hòa buồn phiền, một vài trăm ngàn tên Việt Cộng tất tểnh mừng vui không đáng gì để chúng ta nói đến.
Đêm buồn Ngã Ba Ông Tạ năm 1977 tôi mần thơ:
Anh bước ra, không thấy phố, không thấy nhà…
Không thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ…
Chỉ thấy hồn bay, dù không thấy gió
Thấy mẹ già trong cửa héo hon.
Anh thấy em, môi nhạt màu son
Gốc cây đói đời buồn đứng đợi,
Thấy chúng ta trong lòng ngục tối
Còn vu vơ kêu gọi thiên đường…
***
Như đa số những người viết tiểu thuyết cùng thời với tôi, những năm tôi mười sáu, mười bẩy đến ngoài hai mươi tuổi, tôi có làm thơ. Thế rồi tôi thấy thơ tôi không hay, tôi không phải là thi sĩ, và dòng đời cuốn tôi đi, tôi sống, tôi yêu, tôi làm việc, tôi vui chơi, tôi không làm thơ nữa. Sau 1975 không khác gì 20 triệu công dân quốc gia Việt Nam Cộng Hòa tôi buồn, tôi khổ, tôi tiếc, tôi thương, tim tôi đau nhói và tôi làm thơ.
Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp, người đông.
Nhà em, nhà anh cách hai thước ngõ,
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông.
Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
Như người tù nhìn trời qua chấn song.
Em đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ
Như người chinh phụ ôm con đợi trông.
Anh đứng trông mây, em đứng trông chồng
Vắng chồng con bế, con bồng em mang.
Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ!
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
Đìu hiu cuối ngõ cùng đường…
Bên anh tuyệt vọng, đoạn trường bên em.
Ngày lại ngày, đêm lại đêm
Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha.
Buồn từ trong cửa hồn ta
Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.
Ta đang sống, ta đang mê?
Hay ta đang chết não nề, em ơi!
Mùa hạ đã tàn nhưng Virginia, Đất Tình Nhân, vẫn còn nắng nóng. Hôm nay Ngày Rằm Tháng Bẩy, tôi muốn viết về những người bạn văn nghệ sĩ của tôi đã sống, đã chết trong lòng thành phố Sài Gòn thân thương kể từ sau Ngày 30 Tháng Tư oan nghiệt.
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió,
Cho nắm xương tàn được nở hương.
Có bao nhiêu chiến sĩ ta đã anh dũng chết trong Ngày 30 Tháng Tư? Ta không biết và ta sẽ không bao giờ được biết. Xin tôn vinh các vị đã chết vì Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết cảm khái này xin các vị cho phép tôi chỉ nói đến những người bạn văn, bạn báo của tôi đã chết từ sau ngày quốc gia của chúng ta bị xâm chiếm.
Văn nghệ sĩ chết trước nhất khi ta mất nước là anh Chu Tử Chu Văn Bình. Anh Chu Tử không chết sau ngày 30 Tháng Tư mà là trong ngày 30 Tháng Tư. Trên con tầu đi từ bến Sài Gòn ra biển ngày hôm ấy anh chết vì đạn thù bắn theo tầu. Xác anh nằm lại trong lòng biển đông.
Cuối năm 76 anh Vũ Hoàng Chương “về ngôi.” Tháng ba 1976 bọn Cộng Sản Hà Nội mở chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn. Anh Chương ở trong số những người bị bắt ngay đêm đầu tiên. Chừng sáu tháng sau chúng cho anh về. Lúc này anh chị Chương về ở một căn nhà nhỏ vùng Khánh Hội, gần nhà chị Đinh Hùng. Anh Chương về được năm, sáu ngày thì qua đời. Anh em chúng tôi tên nằm trong tù, tên còn ở ngoài thì ngày đêm chờ đợi công an Việt Cộng đến còng tay đưa đi. Gần như chẳng ai biết anh Chương được về. Nhiều người biết tin anh mất rất lâu sau ngày anh mất. Khi ấy tôi chưa bị bắt. Họa sĩ Văn Thanh nói với tôi:
– Nghe tin ông ấy về tôi đến thăm, mang theo hộp sữa biếu ông. Ông ấy nói: “Ai không đến thăm tôi cũng được, Văn Thanh không đến là không được…”
Năm 1990 ở tù về lần thứ hai tôi được tin Văn Thanh đã chết. Chị Đinh Hùng đã qua đời. Hiện chị Chương còn sống ở Sài Gòn.
Buổi chiều, trong tiệm cà phê bánh mì Hòa Mã đường Cao Thắng tôi nghe Văn Thanh báo tin anh Chương đã chết, tôi đạp xe về nhà ở Ngã Ba Ông Tạ. Tôi nhớ một buổi tối chừng ba, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư, tôi gặp Hoài Bắc Phạm Đình Chương trên đường này, chúng tôi ghếch xe đạp lên vỉa hè đứng nói chuyện với nhau. Hoài Bắc kể:
– Trần Dần nhắn người vào nói với Vũ Hoàng Chương: “Thơ của anh, và thơ của anh Hùng không bao giờ mất được.”
Anh Hùng đây là Đinh Hùng. Và đúng như lời Trần Dần, Thơ Vũ Hoàng Chương không bao giờ mất được. Hai mươi năm sau những tập Thơ Mây, Thơ Say, Hồi Ký Ta đã làm cho đời ta của Vũ Hoàng Chương ngang nhiên xuất hiện và chiếm những chỗ quan trọng trên những giá sách Thành Hồ.
Buổi tối nghe tin anh Chương mất, trên đường về Ngã Ba Ông Tạ tôi làm bài
“Đọc Thơ Vũ Hoàng Chương
Một mảnh hồng-tiên trĩu ngón tay…
Hương mùa thu mất ngậm ngùi bay.
Anh vẫn Hoàng Chương vàng với ngọc
Trần ai nào lấm được trời mây.
Người về ngôi cũ, thơ trầm nhạc,
Tàn lửa hồng hoang, khói Mái Tây.
Chín ngục A Tỳ ma sửa áo,
Mười tầng địa ngục quỷ cung tay.
Cười vang một tiếng ta tinh đẩu,
Sáu cửa luân hồi nhẹ cánh bay!
Văn nghệ sĩ chết thứ hai ở thành Hồ là Hoàng Vĩnh Lộc. Anh bị bắt trong đợt khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn tháng ba 1976. Khoảng một năm sau được thả về, anh qua đời trong căn nhà trong hẻm Chi Lăng. Tôi đến chào anh lần cuối khi anh đã nằm trong quan tài. Buổi chiều gần tối xa xưa mà rất gần ấy trời mưa. Hôm nay ngồi viết ở Rừng Phong xứ Mỹ tôi như còn nghe thấy tiếng mưa rơi lộp độp trên tấm bạt che cho khách ngồi trên miếng đất nhỏ trước nhà anh.
Tiếp đến là Minh Đăng Khánh. Cũng bị bắt và cùng về một lượt với Hoàng Vĩnh Lộc, Khánh bị bại liệt nửa người, đi đứng khó khăn, ngã nằm xuống là không một mình tự đứng lên được. Cực khổ trong ba năm Khánh được giải thoát.
Trọng Nguyên, người viết tiểu thuyết trạc tuổi tôi, nhiều năm cùng làm việc với tôi trong tòa soạn Nhật báo Sài Gòn Mới, chết vì bị ung thư phổi.
Huy Cường, chết vì rượu say ngồi sau xe Honda bạn chở. Buổi tối trên đường về Cầu Sơn, Cường ngồi sau, xe đụng, Cường té đập đầu xuống đường.
Anh Trần Việt Sơn qua đời khoảng năm 1983. Anh bị bắt và bị giam khoảng một năm.
Thê thảm nhất là anh Nguyễn Mạnh Côn chết ở Trại Cải Tạo Xuyên Mộc. Anh Côn bị bắt tháng ba 1976. Tôi vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu sau anh. Năm 1977 tôi chỉ nhìn thấy anh vài lần khi tôi nằm Biệt Giam – Sà lim số 20 Khu B, Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, anh ở Phòng Tập Thể số 1 cùng Khu B. Rồi anh bị đưa lên Trại Xuyên Mộc, Bà Rịa. Năm 1980 khi từ nhà tù trở về lần thứ nhất tôi được tin anh đã mất ở Xuyên Mộc. Nghe nói khi ở tù được ba năm, anh Côn tự cho là bản án tù của anh đã mãn, anh tuyệt thực đòi bọn Việt Cộng phải trả tự do cho anh. Bắt chước bọn Nga cộng quỷ quái, bọn Tầu cộng ác ôn, bọn Việt Cộng côn đồ đàn áp những người tù dám công khai chống đối chúng thật tàn nhẫn và thẳng tay. Chúng lạnh lùng giết người tù này để những người tù khác sợ, không dám làm theo. Anh Côn không ăn, chúng không cho anh uống nước luôn. Anh Côn là người chết tức tưởi, khổ sở, bi thương nhất trong số anh em tôi đã chết sau năm 1975. Thân xác anh nằm lại vùng rừng già Xuyên Mộc.
Năm 1986 anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong nhà tù Chí Hòa. Anh bị cao áp huyết. Phòng giam quá đông người nên quá ồn ào, rối tinh rối mù như trong ổ kiến. Những ông già bị tù cao áp huyết thường không chịu nổi cảnh loạn xạ bát nháo từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm trong phòng giam chật ních người, các ông thường lặng lẽ ra đi vào lúc nửa đêm.
Năm 1987 Dương Hùng Cường Dê Húc Càn chết trong sà-lim khu B, Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Là sĩ quan anh đã đi cải tạo ba năm. Được về năm 1989 anh bị bắt lại trong cùng một đêm với tôi – Đêm rạng ngày 2 tháng năm, 1984 – Anh bị khép vào cái bọn công an Thành Hồ gọi là “Tổ chức gián điệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh,” tên văn nghệ, văn gừng của tổ chức này là “Bọn Biệt Kích cầm bút.” Nằm sà-lim một mình, lên cơn bệnh, anh chết trong đêm. Cường nằm ở một nghĩa trang vắng vẻ trên Lái Thiêu.
Những người đã chết: Các ông đàn anh tôi: Tam Lang, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Bằng, Chu Tử, Trần Việt Sơn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hồ Hữu Tường, Hoàng Vĩnh Lộc, Vũ Đức Duy, Thiếu Lang; các bạn tôi: Minh Đăng Khánh, Trọng Nguyên, Hoàng An, Hoàng Thắng, Hoàng Trúc Ly, Huy Cường, Thái Dương, Trần Việt Hoài, Xuyên Sơn, Cát Hữu, Lê Thanh, Mai Anh, Trịnh Viết Thành, Lan Đài, Y Vân, Trọng Khương, Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang, tác giả Bố Già, Hoàng Trọng Miên, Hồ Điệp mất tích trên biển, Minh Vồ Con Ong, Lý Phật Sơn, v.v… Còn bao nhiêu anh em tôi đã chết mà tôi không biết, không nhớ, không thể kể hết!
Cũng là văn nghệ sĩ, cũng bị kẹt lại Sài Gòn sau Ngày 30 Tháng Tư, cũng bị bọn kẻ thù coi là có tội và sẵn sàng hành hạ, một số người đã chết trong khổ cực, tù đầy, lãng quên, một số người chạy thoát ra nước ngoài tiếp tục cuộc sống văn nghệ sĩ và chết già trong hào quang nhà văn lớn, trong sự thương tiếc của người đời. Vũ Hoàng Chương chết trong vắng lặng, nghèo nàn. Đám ma anh Chương không có lấy hai văn nghệ sĩ đi đưa. Tôi chắc số thân nhân đưa tiễn anh không quá mười người. Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Mai Thảo, Nguyên Sa – đi khỏi cõi đời này với biết bao hương hoa, bao nhiêu bài báo vinh danh, bao nhiêu người đưa tiễn! Cùng tù ở Xuyên Mộc như anh Nguyễn Mạnh Côn và Đằng Giao, Duyên Anh ra khỏi tù nằm 1982, vượt biên đi thoát cuối năm 1983, tiếp tục sáng tác rộn ràng ở hải ngoại, tiểu thuyết Đồi Fanta được điện ảnh Pháp thực hiện thành phim, nhiều tác phẩm được dịch ra ngữ, Đằng Giao về sống bình yên ở Thành Hồ; anh Côn chết trong khổ cực!
Em ơi… Nhiều khi anh tự hỏi tại sao không phải là Hoàng Hải Thủy chết lạnh, chết cứng trong sà-lim Khu C Một Phan Đăng Lưu mà lại là Dương Hùng Cường! Về nhiều mặt anh yếu hơn Cường nhiều lắm. Chẳng hạn như về tính vui vẻ, lạc quan trong tù. Có những chú tù đã ở chung phòng với Cường khi sang phòng anh chê anh:
– Ông không giống ông Dương Hùng Cường chút nào. Ông Cường ông ấy vui vẻ cười đùa, chuyện trò với anh em. Lúc nằm biệt giam ông ấy đứng ở cửa gió ca hát suốt ngày; đâu có rầu rĩ bí xị như ông!
Hôm nay Ngày Rằm Tháng Bẩy xá tội vong nhân, ngày cháo lá đa cúng cô hồn các đẳng, bình yên ở Rừng Phong xứ Mẽo, quê người Mẽo, anh viết về những cái chết trong tù của các văn nghệ sĩ, trong số có Dương Hùng Cường. Nếu năm ấy anh chết và hôm nay Cường sống trên đất Xê Kỳ – ở Santa Ana, Houston, hay Seattle – có thể giờ này Cường đang ngồi viết tưởng niệm anh.

 

Đọc ở sao trời


Chúng tôi gọi đùa Thái Thủy, bạn chúng tôi là Thi Sĩ Lươn Om vì những năm trước 1963 anh làm bài thơ tình trong đó có câu: “Hạnh phúc như con lươn trườn khỏi bàn tay người bắt vụng về…” Thái Thủy là tác giả bài thơ phổ nhạc “Gửi Mẹ” — không nhớ do Nhạc Sĩ Đan Phú hay Đan Thọ phổ nhạc — được hát nhiều những năm 1956, 1958, những năm sau ngày Đất Nước Ta bị chia đôi ở sông Bến Hải: “mẹ ơi… Thôi đừng khóc nữa… Cho lòng già nặng sầu thương…” Năm 1954 Thái Thủy giã từ Hà Nội vào Sài Gòn, anh có bà mẹ già ở lại miền Bắc. Năm 1975 bà cụ còn sống, Thái Thủy bị Công An Thành Hồ bắt đi tù mút chỉ cà tha từ Tháng Ba 1976 đến 1988 mới được về. Chúng tôi đùa anh: “Năm 54 Thái Thủy đi bà mẹ anh khóc, năm 75 Việt Cộng theo chân Thái Thủy vào Sài Gòn, Thái Thủy khóc. Lần này bà mẹ khuyên anh: ‘Con ơi… Thôi đừng khóc nữa…'”
Thái Thủy đi tị nạn sang Hoa Kỳ năm 1997. Đến Cali anh còn gập Mai Thảo và Nguyên Sa. Sống ở xứ người chưa được một năm anh bị tai nạn xe cộ đứt ruột, gẫy xương sườn, phải chịu đựng cả nửa năm trời cái lỗ rốn thứ hai ở bụng. tháng Tư 1999 anh nói với chúng tôi ở xa Cali:
– Tao vừa đến nhà Nguyên Sa dự lễ giỗ đầu nó.
Ngày giỗ của Nguyên Sa làm tôi nhớ đến Mai Thảo. Mai Thảo, Nguyên Sa qua đời đã được một năm. Nghe nói anh em văn nghệ Cali có tổ chức một Giải Văn Học Mai Thảo. Dù không có vợ con Mai Thảo cũng không mất giỗ, anh có nhiều thân nhân ở Hoa Kỳ. Anh cháu con bà chị ruột Mai Thảo, anh Nguyễn Đ.C, hiện ở San Jose, Cali, là người rất thương cậu Quí. Mai Thảo và tôi có họ với nhau. Bà nội tôi là em ruột ông nội của Mai Thảo. Ngày xưa xa lắm, những năm 1940, tôi có được về chơi làng Thổ Khối, làng bà nội tôi, cạnh làng Bát Tràng, phủ Gia Lâm. Ông thân Mai Thảo và ông thân tôi vẫn thường gập nhau ở Sài Gòn.
Tháng Ba năm 1976 bọn cộng sản Bắc Việt — thời đó do hai tên Việt Cộng cuồng tín khát máu ác ôn nhất là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ cầm đầu — mở chiến dịch bắt bỏ tù những văn nghệ sĩ, ký giả quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bại trận, gọi giản dị là văn nghệ sĩ Sài Gòn. Đây là một phần trong tổng chiến dịch càn quét, khủng bố để cho chìm suồng luôn bọn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tháng Sáu 1976 những anh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Tấn Mẫm, thanh Nghị, Lâm Văn Tết, Nguyễn Hữu Thọ bị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ cho ngồi chơi sơi nước ráo trọi. Buổi sáng sớm anh bạn đi xe đạp đến đập cửa nhà tôi:
– Đêm qua nó bắt anh Côn, Đằng Giao, Duyên Anh, Nhã Ca… Chưa biết còn những ai bị bắt… Ông đi trốn hay cứ ở nhà?
Trong một đêm bọn Công An Thành Hồ tung ra năm, bẩy toán đi bắt người. Nhiều lắm là mỗi toán bắt được hai người trong một đêm. Anh em vừa bị bắt trong đêm, sáng hôm sau chúng tôi biết ngay. Người nọ loan tin dữ cho người kia. Chúng tôi không sợ hãi lắm cũng không ngạc nhiên nhiều trước chuyện bị Việt Cộng bắt. Gần một năm rồi, anh em sĩ quan đi tù hết, không ai biết các sĩ quan ta, các dân biểu, thượng nghị sĩ, các vị công chức cao cấp của ta đang bị giam giữ ở đâu, sống chết ra sao. Việt Cộng bắt người dài dài và đều đều không ngừng nghỉ, bọn văn nghệ sĩ chúng tôi có bị Việt Cộng bắt cũng phải thôi. Việt Cộng không bắt chúng tôi mới là chuyện lạ.
Chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn kéo dài suốt trong Tháng Ba 1976. Tôi kể lại tên những người bị bắt theo trí nhớ của tôi: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Trần Việt Sơn, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Lê Xuyên Chú Tư Cầu, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Cao Sơn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Đằng Giao, Chu Vị Thủy, Minh Đăng Khánh, Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Vồ Nguyễn Văn Minh, Hoàng Anh Tuấn, Duyên Anh, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Hồ Nam, Võ Đình, Ninh Chữ, Xuyên Sơn, Hồ Văn Đồng, Thái Thủy, Mặc Thu, Sao Biển, Doãn Bình, Anh Quân, Trịnh Viết Thành, Hồng Dương, Chóe Nguyễn Hải Chí, Lý Đại Nguyên, v.v… Các anh Như Phong, Nguyễn Tú, Uyên Thao, Văn Chi, Tú Kếu Trần Đức Uyển đã bị bắt từ trước.
Mai Thảo ở trong danh sách những văn nghệ sĩ bị bắt vào Tháng Ba 76. Bọn Công An Thành Hồ rất muốn bắt Mai Thảo, nhưng chúng bắt không được Mai Thảo vì Mai Thảo không có số ở tù. Bọn công an cộng sản muốn bắt ai là chúng bắt được người đó. Chẳng phải là chúng tài giỏi gì, chỉ vì chúng học cách kiểm soát nhân dân của bọn Nga Cộng, Tầu Cộng. Và chúng tỏ ra cực ky tàn ác với nhân dân nên nhân dân nản chí không ai còn có tinh thần chống đối chúng, dù chỉ là chống đối tiêu cực, như đi trốn để chúng không bắt được mình chẳng hạn. Alexandre Solzhennytsin viết trong The Gulag Archipelago — Quần đảo Ngục Tù:
– Bọn cộng sản làm nhân dân tuyệt vọng đến nỗi không ai nghĩ đến chuyện bỏ trốn — sợ trốn không thoát, không biết trốn ở đâu, trước sau cũng bị bắt — dù biết mình sắp bị bắt, người ta cứ ngồi chờ chúng đến bắt. Nhưng bọn công an cộng sản không phải là thần thánh gì, vẫn có những người chúng bắt không được. Tôi biết một sinh viên đã nhẩy qua cửa sổ chạy luôn khi bọn mật vụ đến bắt anh. Anh trốn và sống tương đối tự do mấy chục năm cho đến năm nay tôi gập lại anh. Có sao đâu!
Solzhennytsin còn nói:
– Nhân dân tuyệt vọng nên trở thành ù lì, không ai nghĩ đến chuyện chống đối. Như thời bọn mật vụ mở chiến dịch bắt người ở Leningrad. Chúng chuyên bắt người ban đêm, bỏ xe ở ngoài đường phố vắng. Chỉ cần nhân dân lén ra phá cửa xe của chúng, cho chúng không dùng được xe, cũng có thể làm cho nhiều người không bị chúng bắt trong chiến dịch ấy.
Mai Thảo đã trốn và Mai Thảo đã thoát. Trước 30 Tháng Tư anh ở một phòng trong nhà Chiều Tím, cạnh Phở 79 đường Võ Tánh. Ông anh của anh đi được trước 30 Tháng Tư, để lại căn nhà đường Phan Đình Phùng, đoạn trước cửa trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh. Sau 30 Tháng Tư, một ông anh của Mai Thảo về sống trong căn nhà này. Bỏ căn phòng ở nhà Chiều Tím, Mai Thảo về sống một phòng trong căn nhà đường Phan Đình Phùng. Có đêm tôi về đấy ngủ với Mai Thảo.
Không vợ con nên Mai Thảo không có gì để quyến luyến. Bọn Công An Thành Hồ thiếu kinh nghiệm trong chiến dịch bắt bớ này. Lẽ ra chúng phải đến bắt Mai Thảo trước tiên. Nhưng trong đêm thứ nhất tung quân đi bắt người ấy chúng đã không bắt ngay Mai Thảo. Sáng hôm sau được tin dữ Mai Thảo lững thững ra khỏi nhà, anh không cần mang theo cả quần áo. Bọn Công An Thành Hồ mất dấu anh luôn. Anh vẫn sống ở Sài Gòn, vẫn đi đây, đi đó, đến gần hai năm sau anh mới vượt biên mà bọn công an thành Hồ vẫn không bắt được anh. Mai Thảo đi ra khỏi nước khoảng Tháng Hai, Tháng Ba năm 1978.
Tôi gập Mai Thảo lần đầu năm 1956 khi tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong ra đời. Mai Thảo giữ mục Điểm Thơ trong VNTP những số đầu. Tôi viết Vũ Nữ Sài Gòn và Tạ Quang Khôi viết truyện dài Mưa Gió Miền Nam cũng trên VNTP từ số 1.
Đến cuối năm 1975 đường Phan Đình Phùng tắt điện tối om. Ba chúng tôi, Mai Thảo, Hoài Bắc và tôi, trên ba xe đạp, tình cờ gập nhau tụm lại bên vỉa hè nói chuyện. Bỗng có tiếng người la:
– Mai Thảo, Hoài Bắc, Hoàng Hải Thủy…
Đoàn Khê, tức Khê Vinh, Thăng Long Xích Thố, đến trên chiếc xe đạp mini. Chúng tôi hỏi anh những người đá banh Hà Nội vào có đến thăm anh không, Khê Vinh nói bô bô:
– Chúng nó phải đến gập tôi chứ! Không sao được. Về bóng tròn tôi là ông Hồ của chúng nó!
Những mùa thu lá bay không cùng nhau ăn gà xé phay qua đi… Hôm nay ba anh Mai Thảo, Hoài Bắc, Đoàn Khê đều không còn ở cõi đời này. Qua bao nhiêu tai họa hôm nay tôi ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, Tháng Sáu hè về, nắng vàng rực rỡ, tưởng nhớ những ngày xưa và những bạn hữu thân sơ đã cùng tôi sống những ngày…
Tháng Ba 1976 một số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bắt, tôi ở trong số những văn nghệ sĩ chưa bị bắt. Tháng Năm 1976 tôi đi dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Văn Nghệ Sĩ. Những ngày, những đêm mòn mỏi kéo dài. Tôi nhớ một lần gập nhau Mai Thảo nói:
– Tao chỉ mong tối đến để tao được ngủ cho quên…
Cuối năm 1976 có người đến căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi:
– Tôi là cháu ông Mai Thảo. Ông cậu tôi có thư gửi ông.
Mai Thảo viết cho tôi: “Tao tưởng mày bị đi cải tạo nên hôm nay mới liên lạc với mày. Người đưa thư là cháu tao. Mày có thể tin được hắn. Cho tao mượn tiểu thuyết. Tao là kẻ thù của mật trời… Ở trong nhà kín suốt tháng… Chỉ đọc truyện thôi…” Tôi có nhiều truyện detective tiếng Pháp. Mỗi lần tôi đưa anh cháu của Mai Thảo cả hai chục quyển. Sau chừng hai ba lần đến nhà lấy sách, tôi hỏi thăm Mai Thảo sống ra sao, anh cháu nói thỉnh thoảng anh vẫn chở ông cậu anh trên xe Vespa đi chơi đây đó trong thành phố. Tôi nói vợ chồng tôi muốn hôm nào anh đưa Mai Thảo đến ở chơi với chúng tôi một ngày.
Một sáng Mai Thảo đến nhà tôi với anh cháu. Mai Thảo để râu, đội mũ phớt. Hai cậu cháu ăn với vợ chồng tôi bữa cơm trưa. Đấy là lần cuối cùng tôi gập Mai Thảo ở Sài Gòn.
Chừng ba tháng sau bọn Công An Thành Hồ đưa xe bông đến nhà rước tôi đi. Đây là lần đầu tôi bị bắt. Người thẩm vấn tôi ở số 4 Phan Đăng Lưu là anh Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung, tức họa sĩ ớt nhật báo Tin Điển. Ba trung biết Mai Thảo có đến nhà tôi nên muốn tôi khai ra chỗ ở của Mai Thảo, tôi nói với hắn:
– Tôi không biết Mai Thảo ở đâu. Nó không nói nơi nó ở mà tôi cũng không hỏi. Tôi không hỏi là bởi vì tôi sợ nếu tôi biết chỗ nó ở, khi tôi bị bắt, các anh sẽ đòi tôi phải khai ra. Khi đó nếu tôi khai ra nó sẽ khổ, tôi sẽ ân hận mà nếu tôi không khai thì tôi sợ tôi khổ. Nhưng đó là ý nghĩ của tôi trước khi tôi bị bắt kia. Nay tôi đã bị bắt vào đây rồi tôi nghĩ khác. Chỉ khi nào tôi không bị bắt mà tôi khai để Mai Thảo bị bắt tôi mới ân hận, còn khi tôi đã bị bắt rồi tôi thấy nếu tôi biết, tôi khai cũng chẳng sao. Mai Thảo có bị bắt thì cũng chỉ khổ như tôi mà thôi.
Ba Trung biết Mai Thảo có liên lạc với Hoài Bắc. Trong một cuộc thẩm vấn tôi Ba Trung xé cái bao giấy thuốc lá Mai, bảo tôi:
– Anh viết cái thư gửi Hoài Bắc. Anh viết như thế này: “Người ta biết chỗ ở của MT, bạn ta rồi. Bảo nó đi nơi khác ngay…”
Tôi biết thủ đoạn của Ba Trung. Trong tù đôi khi có những người tù được thả mang lén những lá thư viết vội kiểu này ra ngoài. Ba Trung sẽ cho một tên đàn am — bọn trẻ mới vào ngành công an có tên chung là bọn trinh sát — mang thư tôi đến đưa cho Hoài Bắc, với lời nói:
– Tôi mới ở trong tù ra. Tôi ở chung phòng với ông Hát Hát Tê. Ông ấy nhờ tôi mang ra thư này gửi ông…
Nhận thư tôi Hoài Bắc sẽ lật đật lên ngựa sắt phi đến chỗ Mai Thảo ở để báo tin, bọn công an rình bên ngoài sẽ đi theo, chúng sẽ ập vào nhà đó bắt Mai Thảo. Tôi nghĩ là Hoài Bắc cũng không biết chỗ ở của Mai Thảo như tôi. Mẹo lừa này của Ba Trung sẽ vô ích. Trước khi cầm bút viết tôi đọc ba Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp làm cho lá thư của tôi không gây tai họa cho các bạn tôi. rồi tôi viết:
– “HB. Người ta biết chỗ ở của MT rồi. Mày đến bảo nó đi nơi khác ngay. Tao. HHT.”
Tôi cố ý viết “mày tao” với Hoài Bắc. Anh không “mày tao” với tôi. Tôi hy vọng nhận được thư này Hoài Bắc sẽ nghi thư không phải do tôi viết.
Rồi lại những đêm dài dằng dặc trong xà-lim u tối… Mười hai tháng hai ngày nằm xà-lim tôi mới được sang phòng tập thể. Cuối năm 1978 gập người bạn mới bị bắt vào phòng, cho biết sau ngày tôi bị bắt Mai Thảo, Hoài Bắc, Lê Thiệp, Nguyễn Hữu Hiệu… đều đã đi thoát. Tôi nhẹ người.
Ngày 10 tháng 11 năm 1994 đôi cánh sắt United Airlines đưa vợ chồng tôi đến Virginia. Cùng ngày hôm ấy Mai Thảo và Kiều Chinh cũng đến Virginia. Mai Thảo đến chơi, Kiều Chinh đến đọc diễn văn — Đài Tưởng Niệm Việt Nam. Tôi gập lại Mai Thảo.
Rồi tôi gập lại Mai Thảo khi vợ chồng tôi sang thăm Quận Cam, Cali Tháng 12, 1994. Tôi đến phòng Mai Thảo ở sau tiệm ăn Song Long. Căn phòng nhỏ, một bàn, một ghế, một giường. Và đấy là lần cuối tôi gập Mai Thảo. Khi tôi đến Hoa Kỳ, Hoài Bắc đã qua đời, tôi không có dịp hỏi anh: “Năm 77 tôi ở Phan Đăng Lưu, tôi có gửi ông cái thư, ông có nhận được không?”
Hoài Bắc, Mai Thảo, Nguyên Sa, Đoàn Khê Vinh… nay đều không còn nữa.

Chỉ còn tôi tưởng nhớ hình ảnh, nét mặt, tiếng cười, giọng nói của các anh.

Bài Mới Nhất
Search