T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 234)

Hàn Tín điểm binh

Bài toán Hàn Tín điểm binh của Hoàng Xuân Hãn.

Tục truyền rằng (*), ngày xưa, Hàn Tín danh tướng của Lưu Bang (Hán Cao Tổ) điểm binh theo cách sau:  bảo lính xếp hàng ba, hàng năm, hàng bẩy rồi ghi các số lẻ tương ứng sẽ suy ra số lính bằng cách như thế này đây:

Nhân số lẻ hàng ba cho 70, số lẻ hàng năm cho 21, nhân số lẻ hàng bẩy cho 15. Cộng các kết quả ấy lại. Thêm số đó với một bội số thich hợp của 105 sẽ được số lính

Nếu ký hiệu số lính là S, số lẻ xếp hàng 3, hàng 5, hàng 7 tương ứng là a, b, c.

thì S = 70.a + 21.b + 15.c + 105.k

(k là số nguyên chọn thích hợp với số lính của một đại đội, một tiểu đoàn hay trung đoàn…)

***

Quy tắc trên được tóm tắt trong bốn câu thơ của Trình Đại Vỹ đời nhà Minh như sau:  

 Tam nhân đồng hành thất thập hy

 Ngũ thụ mai hoa trấp nhất chi.

 Thất tử đoàn viên chính bán nguyệt

 Trừ bách linh ngũ tiện đắc tri

 Dịch

 Ba người cùng đi ít bẩy mươi

 Năm cõi mai hoa hăm mốt cành

 Bẩy gã xum vầy vừa nửa tháng.

 Trừ trăm linh năm biết số thành.

 (bài thơ chữ Hán do Hoàng Xuân Hãn

 sưu tầm và dịch)

(*) Theo  Hoàng Xuân Hãn bài toán này chép ở sách Tôn Tử toán kinh, từ thời Hậu Hán. Bài toán có nhiều tên khác nhau qua triều đại. Đến đời Minh, Trình Đại Vỹ mới gọi là “Hàn Tín điểm binh”.

(Nguồn: Trần Đình Viện)

Khắc lậu canh tàn

Lậu: Thấm ra ngoài – Canh: Thời gian một phần năm của đêm.

Khắc lậu canh tàn chỉ khoảng thời gian nửa đêm về sáng.Nói đến

sự trằn trọc lo âu, suốt đêm không ngủ được.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Dặm Tàu, dặm Ta 

Hài văn lần bước dặm xanh, 
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.

(Truyện Kiều) 

Thử tra cứu Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, sẽ thấy từ dặm được cắt nghĩa vắn gọn: “Đơn vị đo lường dài 135 trượng”. Vậy mỗi trượng dài bao nhiêu? Từ điển không ghi. 

Từ điển Hán Việt cũng do Đào Duy Anh biên soạn cho biết:“Mười thước là một trượng”. Thước đây thuộc hệ đo lường nào, bởi “thước ta” khác “thước Tàu” và không giống “thước Tây” (mét).

Biết rằng Truyện Kiều do Nguyễn Du – thi hào của nước ta – viết, song bối cảnh lại xảy ra tít tận Trung Hoa vào “năm Gia Tĩnh triều Minh”, tức giai đoạn 1522-1566 Tây lịch, thời vua Minh Thế Tông. Bởi thế, chưa thể xác định được Tố Như tiên sinh dùng dặm ta hay dặm Tàu. 

(Chữ “dặm” kia cũng có ba bảy đường – Phanxipăng)

Khen người thì tốt, giột người thì xấu

Giột: Chê bai.

Nếu có phải phê bình ai thì cũng nên ăn nói khéo léo, dùng lời nhẹ nhàng để khỏi làm mất lòng người ta.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Bồ Đào Tửu

Bồ Đào Tửu ở Tây An, Thiểm Tây, và Vũ Uy, Cam Túc.

  (Bát tiên say rượu)

Chữ nghĩa làng văn
Kỳ trước Nguyễn Tuân được nêu ra, xin đề cập với Xuân Diệu có những câu thơ thế này:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
(‘Xuân không mùa’)
“Vài ba sương mỏng thắm” là thế nào? Rồi lại còn “năm bảy sắc yêu yêu”, sắc yêu yêu là cái sắc ra làm sao? là cái sắc quái quỉ gì vậy? Đó là một từ ngữ, một lối nói riêng của vùng Hà Tĩnh hay Bình Định chăng? Chắc không phải thế đâu. Đang ngon trớn, đang nói dồn nói dập, thi sĩ cứ phóng bừa tới vậy thôi. Thành thử nhiều lúc chữ xô đẩy chữ, lời chen lấn lời. Bất kể từ ngữ ông dùng có chính xác hay không chính xác.

Một phong cách, nó quan trọng là thế.

(Võ Phiến – Văn phong, nhân cách)

Chữ nghĩa làng văn

Tú Xương Trần Tế Xương (1870-1907) để lại toàn thơ nôm, khoảng non trăm rưởi bài. Đó là một điều độc đáo và có ý nghĩa như cao điểm của phong trào trí thức Việt Nam làm thơ tiếng Việt.

Phong trào nói trên bắt đầu mạnh mẽ với việc diễn nôm Chinh phụ ngâm khúc vào khoảng giữa thế kỷ 18, nhưng trong suốt hàng thế kỷ tiếp theo các nho sĩ ta vẫn vừa làm thơ tiếng Việt vừa làm thơ tiếng Tàu.

Phải đợi đến Tú Xương, ta mới lần đầu tiên thấy một người trí thức Việt Nam tránh hẳn việc sáng tác bằng tiếng Tàu.

(Tú Xương – Thu Tứ)

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Theo ý tôi (Tchekov), những đoạn miêu tả thiên nhiên cần luôn luôn ngắn gọn và phải xuất hiện cho đúng lúc. Những câu đại loại “Vầng mặt trời sắp lặn đùa nghịch mãi trong lớp sóng đang trở nên sẫm lại, trông như một lớp vàng đỏ thắm…” nói chúng nên quăng bớt đi. Trong việc miêu tả thiên nhiên, cần biết chọn lấy những chi tiết có vẻ bé nhỏ, nhưng gộp chúng nó lại sao cho sau khi đọc, có thể hình dung ra cả bức tranh.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao (2) 

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ”, là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. Như câu ca dao này:

AnhHươu đi chợ Đồng Nai

Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt Bò

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt)

Chữ nghĩa làng văn

Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên

Câu thơ trên của Nguyễn Du trong bài Khất thực:

Chống gươm ngạo nghễ thét trời xanh,
Ba chục năm trong bùn hôi tanh.
Chữ nghĩa ích gì cho cuộc sống,
Nào ngờ đói rách người thương tâm.
(Thơ chữ Hán, Nhất Uyên dịch thơ)
(Nguyễn Du ra Bắc 1796 – Phạm Trọng Chánh)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Tang họ nhà mình

(Đã là con nuôi người khác, để tang bên họ của mình):

Ông bà sinh ra cha thì 9 tháng.

Cha mẹ sinh ra mình thì 1 năm có gậy.

Bác trai bác gái, chú, thím và cô là anh chị em ruột với cha thì đều 9 tháng. Cô đã giá thì 5 tháng.

Anh chị em ruột thì 9 tháng, chị dâu, em dâu thì 3 tháng, chị em đã xuất giá thì 5 tháng.

Ông bà sinh ra mẹ thì 3 tháng.

Xét trong lễ nói rằng: Con gái đã xuất giá thì các tang có giáng, song đi lấy chồng, hoặc phải chồng rẫy bỏ, hoặc chồng chết, con lại chẳng có, lại  trở về nhà cũng như chưa lấy chồng, tang chẳng có giáng Nếu đương để tang cha mẹ được một năm mà chồng rẫy bỏ thì phải tang cha mẹ 3 năm, hoặc để tang cha mẹ được 1 năm đã trừ phục đoạn thì chẳng được để lại 3 năm, dù phải chồng dẫy trước, sau mới để tang cha mẹ chưa đủ 1 năm mà chồng mới gọi về thì chẳng nên về vội phải nên để trọn 3 năm.

Chữ nghĩa làng văn

Thế nào là nhà văn?

Nhà văn là thượng đế. Vì nhà văn là người cho nhân vật của mình sống là sống, chết là chết…

Câu đối Tết

Chấp trò đời,

râu chửa để dài thì vỗ bụng xoa cằm vui Tết đã.

Nhìn cuộc thế,

bút thường mài sắc cứ rung đùi uống rượu viết thơ chơi.

Văn hóa cà phê (1)

La Pagode

Quán cà phê tôi cho là “cổ kính” nhất. Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì”, tôi đã biết La Pagode. Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng. Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ chiều đến tối mịt. Phía trong có một bàn đánh “tin” dành cho khách giải trí chứ không có mục đích cờ bạc kiếm tiền. Ông Hoàng Hải, anh ruột của cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương, có thể kể là một “nhà vô địch”  về môn giải trí này. Chúng tôi chỉ cần mua một chục cái jeton, như đồng xu, bỏ vào khe là chơi triền miên. Cứ sắp hết lại kêu ông Hoàng Hải “cứu giá”, bonus lại đổ xuống hàng đống jeton tha hồ chơi.

Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết. Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau, để… nói dóc, “bình loạn” vài cái tin văn nghệ, thời sự chính trị cho vui thôi. Cả ba nhà hàng này với những cái “loa ngầm, loa không ai kiểm chứng” nên có thời người ta gọi những tin tức ấy là “radio catinat” (đường Tự Do, thời Pháp được đặt tên là đường Catinat). Tuy nhiên cũng có những nguồn tin rất chính xác bên cạnh những nguồn tin chẳng bao giờ là sự thật. Nó cứ nhập nhằng như thế nên “radio Catinat” chưa chắc đã là “láo toét” như nhiều người kết tội nó.

Vậy tạm gọi Pagode dành cho giới viết lách gặp nhau, xả hơi.

(Văn Quang – “Văn hóa không tên” của Sài Gòn xưa)

Mằn

Mằn: tìm kiếm vật gì

(mằn , tằn mằn)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Nhận xét tản mạn về Tchekov

Anh hãy quan sát kỹ cuộc sống, quan sát kỹ mọi người. Sau đó, có khi đang đi chơi bên bờ biển Yalta chẳng hạn, bất thình lình cái lò so của truyện chợt bật ra trong đầu óc và thế là một truyện ngắn đã có sẵn. Anh hỏi cần viết thế nào, để có một truyện hay. Trong truyện đó, không có cái gì được thừa cũng y như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả phải đâu vào đấy, không cái gì được thừa. Truyện ngắn cũng vậy.

(Sổ tay truyện ngắn – Vương Trí Nhàn)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Hồ Trường

Ông bảng Mỗ còn lẩy nhiều vần kỳ thú, tiếc rằng chúng tôi chỉ chép được vài câu. Có lần ông đi dự tiệc do một người bạn cũ mời, bạn này mới đến trọng nhậm chức tổng đốc tỉnh Thanh nên tổ chức một bữa rượu mừng. Bạn vốn chân cử nhân, lúc thiếu thời có gia nhập một đảng cách mạng. Đi phiêu lưu bên Tàu một dạo, ông từng làm ra bài “Hồ Trường” lâm ly khẳng khái, mà mỗi khi có tửu hứng, nghệ sĩ Trương Đình Thi lại lấy dao bào nhà ả đào làm gươm, vừa múa vừa hét, bi tráng như kẻ sĩ nước Yên nước Triệu khi xưa: Hồ Trường
Trượng phu đã không hay xé gan bẻ cột (1) phù cương thường,
Sao lại tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương?
Trời Nam nghìn dặm thẳm;
Mây nước một màu sương.
Học không thành, công chẳng lập,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc; trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất mang mang, ai là tri kỷ?
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ Trường! Hồ Trường! ta biết biết rót về đâu?
Rót về Đông Phương, nước bể Đông chẩy xiết, sinh cuồng lạn.
Rót về Tây Phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan;
Rót về Bắc Phương, ngọn bắc phong vi vút, đá chạy cát dương;
Rót về Nam Phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết lòng ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây!
Sau ít năm giang hồ ông về đầu thú, phản thày là cụ Sào Nam, tố giác bạn trong số đó có Đặng Văn Phương tức Đặng Đình Thanh, người Cần Thơ từng du học ở Đông Kinh, tại Đồng Văn thư viện (ông nầy sau bị đầy Côn Đảo mang số tù 193) do đó ông cử nhân cách mạng được bổ làm quan, chẳng bao lâu lên chức tổng đốc.

Tiệc rượu họp toàn bạn cũ, thơ phú tất nhiên là nhiều, song khi về, ai cũng chỉ còn nhớ có mấy câu Kiều mà ông Bảng đã lẩy:
Kể từ lạc bước bước ra đi
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rầy xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?

Mấy câu “gọn thon lỏn” này đã làm cho mặt chủ nhân bỗng thành xám ngắt!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

(…của hai ông bà già)

Tôi kể bà nghe…
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau lạ lắm thay
Thời chúng mình, cái nắm tay cũng làm cả làng dị nghị,
Chúng nó nhận lời hôm trước, hôm sau đưa nhau vào nhà nghỉ,
Làm cái chuyện động trời!

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search