T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Đồng sàng dị mộng

Doi Cho - hình -edit

Đợi Chờ – Tranh: Thanh Châu

         Dẫn nhập:

 Một hôm Bồ Tùng Linh dạo chơi bên khe núi, chợt nghe tiếng cười khẽ trong bụi lau đang trổ cờ phất phơ dưới ánh hoàng hôn. Một nàng con gái yểu điệu thướt tha thơm nức xạ hương thoắt bước ra khêu gợi lạ thường. Bồ mê đắm quên trời đất. Nửa đêm thức dậy dưới trăng thấy ôm trong lòng một con cáo, Bồ dựng tóc gáy, lạnh buốt cả mình mẩy, nằm chết ngất dưới mưa sương. Vơ vẩn một hồi, Bồ xuống núi về nhà quyết định ngồi viết Liêu trai chí dị IV với tựa đề Đồng sàng dị mộng.

 Chẳng hẳn là nói láo mà chơi, nghe láo chơi mặc dù bốn câu thơ trên là của họ Bồ mở đầu truyện chứ chẳng phải là của cụ Tản Đà. Qua dàn dưa lún phún hạt mưa rơi thì chuyện được mắt thấy tai nghe, nhưng khi nghe hết tình huống thấy kết cấu làm như không có thật. Mặc dù tựa đề Đồng sàng dị mộng có chút hơi hám liêu trai chí dị, nhưng không hẳn…ma kể mấy lời mà là người thật hẳn hoi. Thế nhưng chẳng người viết nào muốn tiết lộ trước cốt truyện, hay tình tiết ấy với bạn đọc.

 Ngay cả phần kết luận cũng được dấu kín, đại thể như sau:

Nhiều năm sau, lưu lạc về nam, một đêm đang ngồi viết trước đèn, thoáng có bóng người đẩy cửa vào ngồi xuống cạnh Bồ, nói: “Thôi làm người luôn cho rồi”. Hỏi: “Sao được?”. Người ấy cười: “Sao không? Chính ta cũng là người đây”.

 Và chuyện đầu đuôi xuôi ngược như thế này đây, thưa bạn đọc…

***

       Tôi có người tình bên trời Âu, cũng dễ hiểu là hai đứa ở cái tuổi dềnh dàng và như định mạng đã an bài sẵn cho cuộc tình nổi trôi nặng về thân xác nên ngắn ngủi và không có hậu…Mọi sự khởi đầu từ cái ngày trở lại khu Latin với nhiều ký ức thời đi học, nào là vườn Luxembourg với ghế đá công viên, đại lộ St Mitchel với những quán cà phê ngoài trời, sông Seine với những quán sách, nghệ nhân cùng gíá vẽ…Gần nửa khuya tôi đang ngồi trong quán cà phê để…mùa thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ, rưng rưng rượu đỏ tràn ly, thì vừa lúc thằng bạn đời gọi điện thoại ơi ới như gọi đò sang sông: “Muốn gặp người xưa chăng?”.

Gặp thì gặp, tình cũ không hẹn mà tới, tưởng ai hóa ra cô hàng xóm ngày nào trước 75. Những kỷ niệm cũ xì, cũ rích lại được thể rủ nhau lũ lượt kéo về đã thấy xuân về với gió đông, với trên mầu má gái chưa chồng… Ngày ấy cô chưa chồng và là người tình Sài Gòn đâu đường cuối ngõ của tôi, hai đứa tôi vẫn thường trốn nhà hẹn hò ở một nơi chốn thật xa vắng. Con đường tình ta đi lúc Lái Thiêu, dấu ấn là dưới cây tàng sầu riêng, sầu chung lủng lẳng, thủ thỉ mai này hai đứa. Khi thì suối Lồ Ồ, gặp cái vũng chỉ to bằng hai, ba cái chiếu, ngồi bệt xuống nước mới ngang bụng để rồi nhìn nhau mà chẳng nói, có nói cũng khôn cùng. Đúng ra tôi chỉ thóang bắt gặp bờ vai trần, bờ ngực no tròn nhấp nhô đong đưa như trái cấm với những đòi hỏi thầm kín, thèm khát nhức nhối. Đâu đó, cơ thể tôi ngứa ngáy, suốt một buổi trưa hè âm ỉ. Trên đường về người tôi nóng hừng hực, nhưng vẫn còn cảm nhận thấy hai bên đường, cỏ non hiu hắt, sau lưng tôi, tay cô ôm chặt ngang bụng và mùi lúa mới rào rạt như mùi tóc con gái.

***

Và bây giờ tôi trở lại với cô hàng xóm ngày xưa ở cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc …để chẳng có gì nghi hoặc. Chả là có một dạo cô cũng có chồng, hai vợ chồng bỏ nhau, cô trở lại ngườì tình một cõi của riêng tôi lúc này. Hàng năm cứ vào mùa lá rụng tôi bay qua bên ấy, nhớ thì đi, không nhớ cũng cứ đi vì tay chân tay nó cứ dài ra. Riết rồi sao thiên di dọn vào ở chung với sao đào hoa trong căn phòng ngủ thiếu ánh sáng. Như người chồng đi xa trở về, đôi dép nằm đợi dướI gầm giường, bộ quần áo ngủ chờ sẵn trong ngăn kéo. Những lần gần gũi nhau bình thường của chuyện vợ chồng, nhưng chỉ có điều giống con đà điểu sợ nắng chúi đầu xuống đụn cát, cô ẩn mình trong bóng đêm, dấu mặt trong khuya tối tắt hết đèn và thì thầm “Em sợ, em không muốn ai nhìn thấy thân thể em. Ngay cả ông chồng cũ của em cũng vậy…”. Nghe cũng lạ, nhưng tôi không có thì giờ để lạ lẫm vì cả hai gặp nhau như hai con ễnh ương gặp mưa, mưa gió bão bùng nhưng ân cần và trọn vẹn ở cái tuổi già chưa hẳn là già, nhưng chắc chắn chẳng còn trẻ nữa. Tình yêu gần cuối đời bùng cháy mãnh liệt dồn dập đến chóng mặt, cũng khao khát, day dứt này kia, kia nọ…

Chót chét nghĩ rằng ở cái tuổi chẳng còn gì để nghi hoặc, nhưng chuyện bên lề con đường tình ta đi lúc này không hẳn là như vậy. Chuyện là đến với cô hàng xóm hôm nay có cái bất tiện là chốn riêng tư của cô ở trên căn gác lửng, muốn làm công việc vệ sinh phải mò ra cầu thang, nhìn xuống là cái bếp. Ở đấy, mấy lần trước, thường thì mỗi ngày hai cụ thân sinh cô châu đầu đối ẩm đợi sáng. Chuyến này tôi gặp một bà khách lạ. Từ hành lang trống, tôi thấy dáng bà đang ở cái tuổi lá vàng xào xạc và cả ba đang cúi đầu rù rì bên ấm trà Tầu. Tôi hỏi, cô cho hay là bà mới từ Hà Nội qua chơi. Qua những gì bà kể lể với hai cụ thân sinh mà cô hóng chuyện được, sau đấy cô râm ran với tôi. Để tôi cảm thấy gần gũi với bà hơn, vì bà có lối dàn trải những hồi ức từ sâu thẳm của quá khứ, những con đường phủ đầy dấu ấn, mỗi viên gạch như một giọt thời gian…

Vô hình chung, không gian và ngoại cảnh cũng vậy, căn gác lửng này đây ở Paris nào có khác gì căn gác xép trước kia ở Hà Nội. Đóng cửa cái phòng ngủ lại, bóng tối nào cũng giống nhau. Ừ thì như ông chồng cũ cô hàng xóm, ông ta chẳng biết gì về cô ngoài bóng đêm. Tôi cũng vậy, cũng vẫn chưa biết gì nhiều về…đàn bà qua câu chuyện của bà khách người Hà Nội đây.

        Chuyện kể của bà khách viết ra giấy thì địa danh, tên họ được mờ nhân ảnh đôi chút để giữ lễ với người vắng mặt. Vì bây giờ, tôi không biết cụ bà đang ở nơi nao hay là cánh hạc đã bay về trời trong một ngày ít nắng nhiều mây.

***

Và chuyện theo bà kể thì lẫm đẫm như sau…

…Hai bác hỏi em chuyện Hà Nội ư? Dạ thưa với hai bác là Hà Nội thuở trước không còn nữa, bây giờ tiêu điều và xám xịt theo thời gian, ai nấy toàn quần đen, áo cháo lòng hoặc không là mầu gì hết, họ đi chân đất, đầu đội nón cối đạp xe đạp cũ kỹ. Hà Nội trống trơn nên không bao giờ bị kẹt xe hết, vì đâu còn xe cộ gì ngoài vài chục xe du lịch nhỏ của cán bộ nhà nước.

Ăn cơm mới nói chuyện cũ rõ ra hai bác đã biết đấy, nhà em vẫn ở phố Hàng Gai. Những phố hẹp và khuất khúc với những nhà hình ống thụt ra, thụt vào, những mái nhà tường thấp đi xuống từng bực như cầu thang. Giữa nhà có mảnh sân vuông lộ thiên, có bể nước mưa và trong nhà trên tường có đôi câu đối chữ nho, những cửa sổ kín đáo. Nhà tam đại đồng đường ấy mà, thưa hai bác. Từ thời ông bà ngoại em cơ, nói cho ngay là cửa hàng bán những đồ tứ bảo thư tịch giống hàng xén có quả tráp sơn đen, chồng giấy bản và ống bút nho và bên kia nhà ông cụ tú, có tiếng trẻ học vang vang, có cậu học trò xinh trai, đầu để chỏm trái đào đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ.

Qua đến thời đẻ em chuyển qua hàng sách, nằm ngang với căn phố nhà em là Hàng Trống là nơi có một số nhà in, nhà xuất bản. Nên tiệm sách của đẻ em mới có những truyện cổ như truyện Trương Chi, truyện Tống Trân Quốc Hoa. Đẻ em làm đại lý phân phối sách cho mấy nhà xuất bản, cả ngày xếp sách, gói báo gửi chỗ này chỗ nọ. Vào thời đẻ em cơ ngơi cũng phất lên một tí là nhờ sách báo mới ra như Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy…Nhà chỉ có hai mẹ con, ngoài giờ học hay cuối tuần em trông cửa hàng cho đẻ em chạy ngoài.

Đến tuổi ấy, em vẫn chưa biết yêu là gì, trái tim chưa khi nào rung động, chưa hề thầm thương nhớ trộm ai. Nhìn thấy con trai như nhìn bức vách, có ai tán tỉnh chỉ cười mủm mỉm, chẳng biết đỏ mặt. Đẻ em bảo như thế là gà tồ biết chửa. Và chuyện hồn bướm mơ tiên là gặp lúc mây chiều gió sớm em đã gặp anh ấy ở ngay trong tiệm sách của đẻ em. Anh ấy là cháu họ xa ông Bạch Thái Bưởi, cũng không ai ngoài cậu học trò xinh trai, đầu để chỏm trái đào đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ của cụ tú hàng xóm năm nào. Đến khi anh học “sơ-gông” ở “lít-xê”, đang học “phi-lô” và “mát” thì cụ tú mất, anh biến mất theo, rồi hiện ra trước mắt em vào một ngày không nắng cũng chẳng mưa.

Anh hay đứng xem sách trước quầy hàng, tạng người nhỏ nhắn, tóc chải mượt, ăn vận chững chạc, thường thì mặc quần áo tây cả bộ, mầu nào sắc ấy, tứ thời bát tiết với cái mũ bê-rê, mùa đông mưa phùn gío bấc, thêm cái áo “măng-tô” cùng cái khăn “phu-la” choàng cổ. Anh ấy đến vào cuối tuần lúc báo hàng tuần mới ra. Em bắt đầu để ý anh ấy từ cách ăn mặc đến giọng nói. Mà nói năng nhỏ nhẹ, thưa với gửi, dạ với vâng, em nghe thật mát gan mát ruột.

Em nhìn riết rồi thành một thói quen như nhìn…một bức vách, có mát lòng ấm dạ thật đấy nhưng tim chẳng thấy rung động gì sất cả. Hay là em gà tồ như đẻ em chì chiết: “Cha bố cô nhá, cứ lười chẩy thây ra, cô liệu thần hồn mà lấy chồng sơm sớm cho chúng tao nhờ. Rồi nặn cho chúng tao thằng cu. Có cái đoạn ngăn ngắn ấy mới mở mày mở mặt ra với họ Bùi bố cô”. Ấy đấy, đẻ em cứ ngờ em kén chọn vào cái thời phi cao đẳng bất thành phu phụ ấy mà, nào có gì đâu, anh ấy chỉ đi dậy học vậy thôi. Hai bác gật gù cho rằng nhà giáo thì hiền như đất thó rồi. Hai bác cứ nói quá chứ, chứ chẳng qua anh ấy hiền như bóng, như bác trai đây, thưa hai bác.

Để rồi cái kim để trong bọc lâu ngày cũng lòi ra…

Một hôm anh tới sớm hơn mọi ngày, miệng phì phèo điếu thuốc lá Cotab nên trông phong lưu công tử ra phết. Đến quầy, anh lớ ngớ hỏi em Nguyễn Bính ở đâu? Chả nhẽ em trả lời là ông ấy đang ở Sài Gòn và đang làm thơ. Nên em chỉ tờ Hà Nội Tân Văn, vừa có thơ mới trong miền Nam gửi ra. Anh ấy chẳng nói chẳng rằng đứng hí hoáy ghi chép. Thấy lạ, anh ấy về rồi, em tò mò mở ra xem trộm anh ấy viết gì thì em điếng người vì anh ấy để lại tờ giấy với hai câu thơ hai người sống giữa cô đơn, nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Người gì lạ thật, nào em có buồn hồi nào đâu. Thọat đầu em cứ ngỡ là anh ấy đùa cho vui. Riêng em thì đùa hóa thật rồi xiêu vẹo theo anh ấy lúc nào cũng chẳng hay. Các cụ vẫn dậy đừng đùa với ái tình là thế đấy, thưa hai bác. Giời ạ, phải giây phải gió thế nào chẳng biết nữa, thế là em bỗng nhiên đâm ra…cô đơn và nhớ anh ấy đến đứt gan đứt ruột nhưng phải đợi đến tuần sau. Tuần sau như cái đồng hồ treo tường, đúng giờ là anh ấy có mặt. Lần này em làm mặt…người dưng nước lã, đi ngang quây sách, anh chỉ gật đầu nhẹ chào em. Thưa hai bác, hôm nay ông giời đi vắng hay sao ấy, đàn ông con giai gì mà lại bôi nước hoa Cô-tông, cô tót nữa mới chướng và lại cắm đầu vào thơ thẩn như mọi khi, làm như báu lắm đấy.

Là con gái mới lớn, nói dối phải tội chứ, chứ dạo ấy em cũng theo trào lưu thơ thẩn với Xuân Diệu, Nguyễn Bính với tôi buồn không hiểu tại sao buồn rồi cứ chui vào chăn tỉ tê thầm thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng. Chẳng phải đợi lâu, tuần sau anh ấy đến. Ấy vậy mà nói chả ai tin, như có ma đưa lối qủy dẫn đường ấy hai bác ạ, em vừa nhắc đến Xuân Diệu y như rằng anh chúi đầu với nhà thơ mới này và để lại cho em hai câu thơ…chết người yêu là chết trong lòng một tí, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Nửa đêm về sáng em nằm co người như con cuốn chiếu, giữa đêm khuya, em lâm râm rằng biết anh ấy muốn gì ở em. Em cũng chả dấu lòng là em cần gì từ anh ấy. Ấy là ái tình. Để rồi em lại nhớ đến câu thơ tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề rồi tấm tức khóc vùi. Gì mà chưa nói yêu nhau mà đã nghĩ đến chuyện…xa nhau.

***

Trở lại chuyện hai đứa em, cuối tháng đẻ em vẫn đi xa hai, ba ngày chạy hàng xách và trang trải công nợ, và lại về ngay. Để rồi chuyện gì đến thì phải đến…Hôm ấy đẻ em đi vắng, em cứ mong anh và tự hỏi sao anh lại tới trễ hơn mọi khi, đúng vào cái lúc đồng hồ gõ kính coong báo hiệu giờ đóng cửa nghỉ trưa… Anh ấy xăm xăm bước vào và đột ngột ẩy cánh cửa làm em hơi dội ra sau đến…ngả nghiêng. Em bụng bảo dạ người gì mà đoảng đến thế cơ chứ…Tiếp đến em vô tình ngã vào vòng tay anh ấy một cách tự nhiên như…bị trúng gió. Tất cả chỉ vì cái cánh cửa. Chỉ cần có thế, anh đỡ em và ôm lấy em khít khìn khịt. Anh ấy ôm em sát sạt làm em cứ tối tăm mắt mũi lại. Tim gan em rung lên nhịp đập bồi hồi của xúc cảm ngây thơ non trẻ. Và rồi chẳng hiểu nghĩ thế nào anh ấy hôn vội lên trán em. Có vậy thôi mà người em mềm như dưa, nhũn như bún, trong em dấy lên một nỗi niềm khôn tả.

Thế nhưng bụng dạ em cứ tức anh ách, em nhủ thầm khi không đốc chứng hôn người ta, sau đấy chẳng chịu hở miệng nói năng tiếng nào. Sau cái chuyện…không đâu ấy, em say anh ấy như điếu đổ. Cuối tuần hai đứa em vẫn ngồi bíu díu bên nhau nói chuyện cho mãi tới chập choạng tối, anh ấy nói chuyện giống nhà văn, nhà báo, khiến người ngợm em cứ như bị nhúng nước. Đọng lại trong ký ức tới tận bây giờ là đôi mắt to tròn, hàng lông mi lại dài như mắt con gái, lại ươn ướt chớp chớp liên hồi mới…khổ thân em không cơ chứ. Em thèm được ngồi sát bên anh, nghe anh rù rì hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực, hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài. Để rồi, ăn quen nhịn không quen cùng những ánh mắt nôn nao, nụ hôn mê muội và rồi việc gì đến cũng phải đến.

Mùa đông đã qua rồi, vẫn chưa có gì xẩy ra…Vào một buổi chớm xuân, đến giờ trưa thoáng thấy bóng anh cọc cạch xe đạp tới…Em len lén mở cửa. Anh dắt xe vào nhà, thấy phố xá vắng tanh vắng ngắt chắc chẳng ai để ý. Em giúp anh ấy kéo cái “ghi-đông” xe vào nhà. Bỗng có một cơn gió ập tới, cánh cửa bung ra làm em chới với, thêm một lần em ngả nghiêng theo gió, thêm một lần vì cái cánh cửa súi bẩy…Trời sui đất khiến làm sao ấy, một tay anh ấy đỡ em, tay kia vô tình chạm vào ngực em. Bàn tay lại nằm yên một chỗ làm em chưng hửng đến ngỡ ngàng. Em lại nhát như cáy, vội nhìn chung quanh không có ai. Gió lùa tóc, tóc mơn man da mặt làm em ngất ngây đến mê hoặc. Những suy nghĩ miên man tắc nghẹn vì bàn tay động đậy. Em cuống quýt, em ngây ra vì chưa khi nào em có cảm giác đụng chạm lạ lùng đến như vậy. Em đỏ bừng mặt vì xấu hổ, nhưng thích thích. Cả người em chơi vơi theo những ngón tay chập chờn. Em ứ hơi như mắc nghẹn, em thở dồn dập vì sợ. Sợ anh ấy giở quẻ, người gì đâu mà mau mắn cả mồm miệng lẫn chân tay, ấy vậy mà em ú ớ gọi tên anh ấy.

Ngặt một nỗi em như mắc phải cơn nghiện quái quỷ không thể dừng lại được nữa rồi. Mà cũng chẳng thể diễn tả nổi, chả là đã từ lâu em hư trông thấy, từ khi yêu anh ấy, em nhen nhúm ước gì anh là chồng em, sớm sớm chiều chiều được công khai sống bên nhau, để không phải lén lút như thế này. Em chỉ sợ lát nữa khi anh ấy rời khỏi cánh cửa, nỗi trống trải lại dội về với em trong căn nhà trống. Nhưng lần này vừa lúc anh nắm lấy tay em dắt đi…Trong em cứ lao xao này kia nên cứ nấn ná mãi nơi hành lang có cái sân bếp trống trải, cái bể nước mưa u ám, cái mái hiên xám xịt, nghe tiếng chim sẻ ríu rít sau vòm cây xanh ngắt nhà cụ tú, có cậu bé để chỏm…của ngày xưa.

Và hình như em đang líu ríu đếm những bước chân chim của mình trên từng bậc cầu thang hẹp. Ngày nắng đẹp lung linh qua khoảnh sân lộ thiên, cả hai đang lơ lửng ở trên cao, giữa trời và đất, trưa vắng tĩnh mịch. Những ánh sáng mờ ảo từ căn buồng ngủ hắt từng vệt dịu dàng qua cửa sổ xuống từng bực cầu thang như mời gọi. Thực sự em muốn nói với anh ấy rằng: “Anh biết không? Em đợi anh từ lâu lắm rồi”. Ngay cả câu nói bình thường ấy, em cũng không thể, rốt cuộc em không làm được gì cả ngoài tình yêu đầy đặn em đang có và đang đợi anh ấy dắt em đi về một nơi chốn xa lạ…

Đến cái tuổi này kể chuyện cho hai bác nghe thì cũng phải kể thật. Chuyện đầu trở xuống cuống trở lên là…là…chính em dẫn dắt anh ấy đến một nơi chốn chẳng có gì xa lạ. Ấy là căn phòng ngủ của em. Cho đến lúc anh ấy dìu em ngồi xuống giường thế mới chết em không cơ chứ. Em cứ nghĩ quẩn đâu đó cũng không ngoài hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực, hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài không thôi. Như vừa rồi thưa với hai bác, rồi thì cái gì đến nó phải đến…Cho đến khi tay anh ấy đưa lên cổ áo em, em điếng người vì chả hiểu anh ấy định giở quẻ gì. Rồi thì từng chiếc cúc được tháo bỏ một cách ngoan ngoãn. Anh vẫn im lặng, bất thình lình anh ấy vật em ra và đè nghiến lên người em. Chả hiểu sao, em buông suôi nằm xuống và miên man…

Em đã nằm gọn trong vòng tay anh ấy, mắt nhắm nghiền, em rướn mình hôn anh, nụ hôn nóng bóng cuồng nhiệt nhất và chưa từng. Anh sẽ, đã và mãi mãi thuộc về em, em tự cởi bỏ mọi ràng buộc. Bây giờ hoặc không bao giờ…Anh ấy thì thào qua tai em: “Chiều anh tí nghe”. Nghe xong là em gật đầu, cũng vừa lúc áo em rơi ra, quần em trễ xuống. Người em run bắn lên, em cảm thấy thân thể anh ấy run lẩy bẩy trên người em. Một thoáng, em rùng mình, mắt em kinh hoàng như cặp mắt của con nai tơ sắp bị đem đi thịt. Bỗng em giật thót mình vì có tiếng động trên trần nhà vọng xuống. Chắc là chuột. Không lẽ lại là người xuất hiện. Hay là ma. Anh trấn tĩnh em bằng cách ghì siết lấy em chặt cứng. Cả người anh ấy bao phủ lên người em ngập bóng tối. Bỗng em vùng vẫy…

Chợt em dẫy dụa…và nấc lên: “Không, không được đâu anh ơi!”.

***

Ấy vậy mà chuyện tình của em với anh ấy cũng lẵng nhẵng được gần hai năm, biết bao lần anh buông lơi gái lớn ai không phải lấy chồng, can gì mà khóc nín đi không. Mà nào em có khóc gì đâu, gì chứ góp gạo thổi cơm chung thì em đã đợi từ lâu rồi. Đợi đến đầu năm em đưa anh ấy ra mắt đẻ em. Đẻ em gọi bà cô tới cho ra ngô ra khoai. Anh ấy về rồi. Cá chuối đắm vì con, đẻ em thở hắt ra với bà cô “Ối dào, đúng là đồ cám hấp…Con dại cái mang, nó ngu cho nó chết” để em chả hiểu gì sất cả. Quay sang em, đẻ em trì triết: “Trứng đòi khôn hơn rận, ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi, còn để người khác ngu với chứ”. Bà cô em được thể nhấm nhẳng: “Cái con này rõ dại chửa, cái ngữ văn chương thi sĩ mặt tai tái, môi mỏng ấy thì cứ ôm vào mà húp cháo”. Vẫn chửa xong, bà hóng mỏ đế thêm: “ Tổ cha chúng mày, rồi cứ chống mắt lên mà xem, cứ đói rã họng đến gộc tre cũng chẳng có mà ăn” lại làm em càng rối rắm thêm.

Quên không kể cho hai bác nghe anh ấy đang ôm mộng văn chương, thậm chí có thơ, văn đăng báo Khai Hóa của ông Bạch Thái Bưởi. Gần đến đám cười, anh ấy cứ thừ người ra em cứ ngỡ chuyện chữ nghĩa. Em gặng hỏi, anh ấy ấp úng mãi mới nói ra là lấy nhau rồi hai đứa…ngủ riêng. Ngu quá hóa đần, em ngớ ra và hiểu là ngủ riêng tức là không…nằm chung. Hỏi riết róng thêm, chần chừ mãi anh ấy mới úp ú mở mở cho biết bị bệnh…bất lực. Em như trên trời rớt xuống và chỉ biết ấm ức khóc. Anh ấy dỗ dành mãi em cũng đành chịu vì em yêu anh ấy quá mất rồi. Lúc ấy em chỉ nghĩ làm con gái họ Bùi thì khổ, như bà cô em chẳng hạn, kén cá chọn canh mãi rồi ra cũng chăn đơn, chăn kép với hai đời chồng. Già kén kẹn hom cho lắm cũng chả són ra mụn con nào thì có sao đâu. Rồi chả hiểu nghĩ sao, em gật đầu…cho xong chuyện. Rồi tính sau. Hai bác thấy em nghĩ như vậy cũng hợp nhẽ chứ?

***

Thề có ngọn bóng ngọn đèn, thưa với hai bác là đêm tân hôn em chẳng có cảm giác gì. Em ngơ ngơ nằm cạnh chú rể đang nhìn đăm đăm vào mặt mình, tay mân mê ngực em. Anh ấy vuốt ve, cởi bỏ từng lớp quần áo vướng víu. Trong bóng đêm, em nghe rõ tiếng thở nồng ấm từ đôi môi ẩm ướt đang áp chặt bờ ngực em. Được một lát, em chẳng thể che dấu qua tiếng thở gấp gáp của em và anh ấy cùng nhau trộn lẫn tận cùng của ham muốn. Bất thình lình anh chồm dậy ngấu nghiến hôn em khắp người rồi trườn lên em. Có lẽ vì phấn chấn quá sức, chẳng kịp cởi áo quần, anh nhịp nhàng nhấp nhô suông trên người em đến cả nhăm phút. Đột nhiên em thấy lưng anh ấy nhẫy mồ hôi như người toát dương. Bỗng anh dừng lại rồi thoát nhanh ra khỏi người em.

Rôi thôi…Chỉ có vậy, thưa hai bác.

Em ê chề quay đi nhìn vào bóng đêm khát khao cho bằng được cuộc đổi đời. Qua ô cửa loang loáng trăng non, những cơn gió lạc mùa qua chấn song tạo nên những âm hưởng u uẩn và tha thiết. Hai đứa em ôm hôn nhau lại và bắt đầu lại trong….vô vọng.

Chắc là nhà em xấu hổ, mà đàn ông khi xấu hổ, nhìn chẳng khác gì cái tầu lá chuối héo. “Cái tàu lá chuối héo” vẫn để nguyên quần áo trên người và nằm vật ra…đốt thuốc.

***

Mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi, chuyện quay quắt của vợ chồng em qua mau theo năm tháng. Cuộc sống hàng ngày riết rồi thành nề nếp, nhà em đi dậy học tối về là miệt mài ngồi viết miết tới tối khuya. Gặp ngày trái nắng trở trời, anh ấy cũng mò vào với em ngủ chung. Anh nhẹ nhàng vào phòng em. Tắt đèn. Vén màn, và buông màn cũng rất nhanh. Rồi anh vào phía trong. Nằm xuống và quay mặt vào tường. Em có cảm giác ê chề. Em muốn thở dài nhưng cố nén. Hai vợ chồng em sau đấy gần như không nói chuyện với nhau. Những giọt nước mắt, những cử chỉ thay cho lời lẽ. Những âu yếm vuốt ve, những tiếng thì thầm vô nghĩa. Trong cuộc sống vợ chồng có những giây phút không thể kể lại được, có những chuyện sống để bụng chết mang theo cho đến ngày gặp lại hai bác…

Bác gái nhướng mày hỏi em bộ cả ngày nằm chay bên nhau chắc, còn chuyện gì nữa nhẩy? Ừ thì vẫn chuyện để bụng chết mang theo là từ dạo ấy, em đã quen dần kể từ đêm tân hôn, bắt đầu bằng vào những ngón chân. Anh ấy bắt đầu những khám phá mới lạ của riêng nhà em. Em chấp nhận nhưng là những chấp nhận đầy gượng gạo. Vậy mà em luôn luôn rùng mình khi anh mơn man điểm đó. Những ngón chân nhỏ nhắn mà mỗi lần môi nhà em chạm vào, nó lại rùng lên từng tế bào sau cảm giác tê cứng mãnh liệt. Lúc này, em biết thế nào là hòa nhập, mặc dù hai thân thể chưa một lần khắng khít, nếu có cũng chỉ úp thìa cọ xát là hết đất. Dù vậy, em có những thăng hoa, có còn hơn không. Và anh ấy cũng thế…

Gần như bao giờ cũng vậy, bàn chân của em là khúc giao thoa tình tự chẳng khi nào gẫy khúc của anh ấy. Nhà em luôn luôn hỏi: “Em thấy thế nào?”. Và em chẳng cần phải nói gì thêm, chỈ cần run lên bắt nhịp đều đặn theo đầu lưỡi, đôi môi của nhà em. Anh biết em mãn nguyện, anh tự hào vì bắt gặp mắt em long lanh, để như muốn nhỏ to rằng anh là người đàn ông đúng nghĩa của một người đàn ông trong những lúc…”yêu” nhau. Nhưng anh không hiểu cho rằng mắt em long lanh, vì em ngóng đợi anh ở…trong em. Em muốn anh ấy đi xa hơn nữa, chẳng hẳn chỉ là những nụ hôn suông.

Xong, anh ngửa mặt lên trần nhà và hút thuốc. Anh luôn luôn hút thuốc trên giường. Với em, anh ấy “yêu” vợ rồi hút thuốc không là một chuyện lạ. Nhưng anh “yêu” theo cách riêng của anh thì em không thể cắt nghĩa nhiều hơn, xin hai bác thứ lỗi cho.

***

Mỗi khi có bạn bè đến chơi, nhà em mừng lắm. Khi có tiền nhuận bút anh ấy trích ra một khoản để khao bạn, bạn nhà em lạt mềm buộc chặt là mấy cô giáo đồng nghiệp. Vì ngại em vất vả, một phần có một dạo nhà em cũng bấn lắm, nên có tí tiền là anh ấy tất tưởi chạy ra cửa hàng quơ cào mấy mẹt bánh đúc, rặt những quà vặt cho đàn bà con gái. Thưa với hai bác là nhà em chả phải là phường được chim bẻ ná, được cá quăng tôm nên em vào buồng để nhà em tiếp bạn tự nhiên. Xong bữa, nhà em dọn dẹp lấy, lui cui rửa bát rửa chén, nghĩ mà thương. Một lần, em mò ra vừa lúc nhà em tiễn bạn về. Anh ấy đón em bằng nụ hôn biết ơn nồng nàn nhưng thấy mặt em ráo hoảnh nên hỏi: ”Em buồn phải không”. Em trả lời buông suôi: “Hình như thế”. Nhà em tiếp: “Kể nghe nào”. Kể thế nào được, thưa với hai bác là thề không chẻ đũa, chẻ tiền là đàn bà có chồng mà không ghen thì có đi đầu xuống đất. Nói có đèn giời soi xét, chả phải đàn ông thấy gái như ếch vồ hoa mướp ấy mà…Mà nói cho ngay, em rối cả mắt với mấy cô giáo trẻ, đám này thì em chừa ra, ăn nói thì bồ bã, chả ra sốt tiết gì sất cả. Thế nên nghe nhà em hỏi, em làm ngơ trả lời: “Chút nữa nhá, bây giờ em phải đi tắm”.

Em chạy nhanh vào nhà tắm, cởi áo và nhìn mình trong gương. Thân thể em chẳng đến nỗi nào, eo em thon thả đến mức em nghĩ đến chuyện nếu mình có mang. Nhưng thay vì cảm giác thanh thản, sao em lại có cảm giác ngột ngạt. Em nhắm nghiền mắt và dội nước lên người. Em đang hình dung đến chuyện sinh nở. Bao năm rồi, không có con cái nên như khoắng vào nỗi đau đến day dứt. Như bác gái biết đấy, bất cứ người đàn bà nào cũng muốn có đứa con để được ôm vào lòng, vỗ về trò chuyện. Biết thưa thốt gì đây để hai bác hiểu dùm cho, trước kia em chẳng mảy may tin với người đàn ông bất lực như nhà em lại kéo theo cả nỗi bất hạnh cho mình. Em lại nhớ đến câu nói của đẻ em, cố nặn cho ra thằng cu, có cái đoạn ngăn ngắn ấy mới nở mày nở mặt ra được. Ngay cả “cái đoạn ngăn ngắn kia”, cho đến giờ này, em chưa một lần nhìn thấy tận mắt, huống chi mầy mò sờ mó đến. Hai bác chả tin em cũng đành chịu.

Chưa hết, vào những lúc nửa đêm về sáng, em đã phải chùm chăn, ôm gối để ôm chặt những dằn vặt. Em có thể vượt qua tất cả. Bởi vì cuộc sống dù sao cũng chỉ là một chiếc bóng, lúc hắt bên này lúc hắt bên kia, biết đâu mà lường…Em hiểu mình bị thôi thúc, ai cũng vậy, với chu kỳ mỗi tháng, ai đấy mỗi có những ấm ức riêng tư, trước sau họ cũng có những đầy rẫy xúc cảm như em. Nó chẳng lạ gì thưa hai bác, người ngợm em như được nâng lên từ một vùng đất khô căn đầy cỏ lác, người nóng ran như có cả trăm con kiến vừa bò vừa đốt khắp tứ chi. Như có ngọn lửa đang ngùn ngụt bốc lên, nó đùng đùng đốt cháy từng phân vuông da thịt. Em chả biết làm gì hơn là…đi tắm là vậy.

Chuyện của em là như vậy đấy, thưa hai bác.

Từ khi làm vợ, em thấy chồng mình hờ hững như người xa lạ. Em cũng chẳng ý thức việc mình có chồng, ngay cả khi được anh ấy lột trần từng lớp quần áo trên cơ thể em. Những lúc ấy, em chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt, dấu những giọt nước mắt trong lòng, vón lại từng cục nấc nghẹn ứ nơi cuống phổi mà không phát ra thành tiếng.

Một chiều sẫm tối đi dạy về, anh nằm gối đầu lên đùi em. Hai vợ chồng em miên man theo dòng suy nghĩ của riêng mình. Tay anh áp vào má em dịu dàng, hơi ấm tỏa ra khiến em ngất ngây. Anh bắt đầu mơn trớn tóc em, những sợi tóc đen nhánh buồn tênh. Những lọn tóc mà nhà em từng vò nhàu nó trong bao đêm, bằng tay, bằng miệng. Em đang nửa nằm ngửa, nửa ngồi trên sàn nhà, nửa dựa lưng vào thành giường, tự dưng mắt em dừng lại lâu hơn ở những ngón tay thon thả của anh. Lâu ngày thành quen, mỗi lần “yêu” anh, em thường ngậm chúng thật lâu, những ngón tay đã nhiều lần đưa em vào hoan lạc. Em luôn luôn được thỏa mãn và ngược lại anh ấy cũng vậy. Nhưng lẽ nào chỉ thế thôi ư. Tình yêu của hai vợ chồng không ngoài những ngón tay, ngón chân. Chúng như một hạt mầm tràn căng nhựa sống, nhưng chẳng thể nẩy mầm phôi thai thành quả chín? Em ngậm tăm với những ngậm nhấm những vò xé, dằng co.

Vì lỗi ở anh ấy chứ không phải ở em.

Bỗng dưng nhà em hỏi: “Nói cho anh nghe em muốn gì?”. “Một đứa con”. “Hả! một tí nhau?” Anh hơi sững sờ. Em gật đầu: “Vâng, em muốn anh đi bác sĩ”. “Em nói gì?”. Nhà em lắc đầu. Em nhoài người ra, lạnh nhạt kéo lại vạt áo buông lơi, đi vào nhà tắm. Để lại đằng sau khuôn mặt nặng như chiếu ướt của nhà em. Em đếm từng cái băng vệ sinh cho những tháng sắp đến. Khi soi gương với bộ dạng và tình huống trớ trêu ấy, em mới nhận ra là mình đang chìm đi, như một người tự dìm vào cái bể nươc mưa có cả trăm con lăng quăng đang bơi lội tìm nhau, làm cái chuyện sinh con đẻ cái.

Mỗi người chịu đựng cảnh cô đơn theo cách riêng của mình. Cuộc sống giống như những hạt cát, cứ lọt qua những kẽ ngón tay, và thế rồi quãng đời em bắt đầu hiểu rằng ngày mai sẽ y hệt ngày hôm nay thôi. Còn cái ngày em vừa sống chẳng qua chỉ là cái cầu nối liền hai ngày khác cũng vô nghĩa như thế. Bắt đầu từ khi nào em sống với cảm giác cô đơn ấy? Em không biết! Chỉ biết một lần vào buồng anh ấy, nhìn tấm chăn được gấp lại gọn ghẽ một cách vuông vức cẩn thận đến độ báo hiệu là nhà em đã đi vắng rồi. Em căng mắt nhìn vết lõm còn mới tinh chẩy dài trên tấm chăn dầy làm nệm. Thân thể anh như còn phảng phất đâu đây. Em cúi người quờ tay xuống vuốt đi vuốt lại vết lõm ấy cho phẳng phiu rồi gục đầu xuống. Cứ thế, em đổ ập xuống trong sự trống trải, nỗi hoang mang lạnh lẽo. Em nhắm chặt mắt lại, tê dại bởi ý nghĩ về nhà em, từ hơi ấm tỏa ra từ thân thể của chồng mình. Em đã lẫn vào đêm khi nào em cũng chẳng buồn nhớ nữa. Mỗi ngày qua đi, lại mong đêm đến thật nhanh để không phải nhìn thấy chồng mình, để được trốn trong vỏ bọc của bóng tối.

***

Bác trai khoát tay…À, em hiểu rồi, bác muốn hỏi sao em không kiếm thuốc thang chạy chữa cho nhà em đây. Bác dậy thế cũng phải, cũng phải nhúc nhắc thôi bác ạ. Sau này em nghe hơi nồi chõ có anh cán bộ đi B về bị bệnh bất lực như nhà em. Túng thì phải tính, thế là bà vợ sắc siêu thuốc gồm ba vị thuốc là hà thủ ô, long diên hương và tiết chim se sẻ, nhưng tiền mất tật mang chả đi đến đâu. Tiếp đến, từ chuyện ngồi lê đôi mách qua bà ấy, em choáng người ra là “cái đoạn ngăn ngắn” của ông chồng bà ta chỉ bé bằng quả ớt, lại co ro củ rũ như con dế chũi gặp mưa, nó cứ trốn tuột vào trong hốc, trong hang. Em ớ ra, im thin thít như thịt nấu đông, vì nào có biết gì đâu, thưa hai bác.

Đã thưa với hai bác thì phải cho rõ chuyện chổi cùn rế rách, đằng nào cũng một lần. Chuyện là muốn nhử con dế chui ra ngọ nguậy cái đầu thì phải có sợi tóc…hoặc giả như muốn bắt con lương thì phải đan cái đó. Một buổi trưa em nghịch ngợm với nhà em, nhân khi anh ấy đang mải mê đọc báo ở trên giường. Em làm y hệt như ngày đầu anh ấy đẩy em xuống giường và đè nghiến lên em. Em nhẹ nhàng cởi bỏ quầm áo và bò lên người nhà em hôn lấy hôn để. Thoắt một cái em trườn xuống phía dưới.

Em đang đi tìm thằng bé của anh ấy nó trốn ở đâu. Em vục cả mặt vào nơi chốn chưa bao giờ chạm mặt. Vẫn chẳng thấy tăm hơi nó. Em ngồi lên người anh, cái đó trong người em chỉ đợi có thế, nó úp gọn lỏn lên con lươn nhỏ bé. Em nằm cọ sát nó để nhử nó chui ra. Nhà em rên nho nhỏ, cả hai đều bị khích động. Em có cảm giác sự thập thò của con dế hay con lươn. Thoáng như nó đang nằm bẹp dí một cách thảm hại dưới bãi cỏ của em. Nó như mềm oặt và không động đậy tí nào. Trong khi anh đang đờ đẫn quên trời quên đất và dường như quên cả những động thái của em. Thôi thì cũng một lần trong đời vì em đợi dịp này cũng đã lâu. Em bạo tay cởi giây rút quần anh ấy. Em loay hoay dạng đùi chồng em ra để đi tìm nó. Suy đi tính lại thì cơm mắm thắm về lâu, con dế trũi cũng được, mà túm được trái ớt cũng chả sao. Và em nghĩ vậy.

Và mặt em háo hức trông thấy, mắt em mở to nhìn xuống…

Ấy vậy mà chưa kịp tháo cởi để nhìn thấy tận mắt thì anh như tỉnh giấc mơ hoa. Nhà em bỗng thở dài đến thượt một cái và nhổm lên hất em ra…và lấy tờ báo để che phần dưới. Em điên tiết lên và lầu nhầu em đây không che thì thôi chứ thằng bé anh ấy có gì mà phải dấu dấu diếm diếm. Anh ấy bẽn lẽn rằng có bao giờ trần truồng đâu nên ngượng. Rồi nhà em vuốt ve tóc em, xoa lưng em, với khuôn mặt nhàu nát khổ sở. Và nhà em nói: “Anh đã làm mất niềm vui của cuộc đời em, nhưng số phận bắt anh phải chịu cảnh này. Em cũng chịu chung với anh thôi. Anh chẳng bù đắp được gì ngoài tình yêu của anh với em. Xin lỗi em”. Em ôm lấy nhà em mà khóc. Sau đấy hai vợ chồng em ôm nhau ngủ vùi và em có giấc mơ thật bình thường: Sống thì phải có hy vọng, nếu cánh cửa chịu mở ra. Mặc dù hết thầy, hết thuốc kể cả chuyện muốn con dế, con lươn chui ra ngọ nguậy thì đã có lối chữa mẹo: Ây là nhà em phải ăn một con thạch sùng. Mà đời nào anh ấy chịu nuốt tươi nguyên một con thạch sùng còn sống nhăn. Vì vậy em cứ như con vật vờ bên sông, sống không ra sống, chết không ra chết, thưa hai bác.

***

Ngoại trừ thằng bé của nhà em bị ốm…kinh niên thì anh là một người đàn ông lịch thiệp, lịch lãm. Thì như hai bác biết đấy, nhà em ba đời uống nước máy “phông-tên” Hà Nội mà. Một hôm đi đâu mua về một bó “tuy-líp” trắng mà chẳng có lý do gì sất. Nhìn nhà em tẩn mẩn cắm hoa, em cứ tấm tức mầu gì không chọn lại đi rước cái mầu trắng tang tóc mang về nhà cho súi quẩy. Bỗng dưng nhà em nói trống không là mai đi khám bệnh. Em cho là anh đi khám cái bệnh đàn ông ấy nên dấu em. Sáng hôm sau, anh ôm em và hôn nhẹ rồi buông ra bảo: “Thôi anh đi”. Sau này khi đã tĩnh trí, em băn khoăn tự hỏi không hiểu vì sao nhà em lại làm những chuyện khác thường trên? Hay là vì em thúc đẩy anh ấy đi gặp bác sĩ nên mới thành chuyện.

Nhà em rời nhà được mấy tiếng đồng hồ thì có tiếng gõ cửa gấp gáp. Em ra mở cửa mới tá hỏa tam tinh ra là họ đến báo cho biết nhà em bị chẹt xe và đang hấp hối trong phòng cấp cứu. Mặc cho mọi sự cố gắng của bệnh viện, cái chết vẫn như một cái gì không tránh khỏi càng ngày càng hiện rõ trên khuôn mặt đang mất dần đi sự sống của nhà em. Có một lúc nhà em có vẻ tỉnh táo lên, em nghĩ cứ thế này biết đâu anh ấy lại chẳng qua khỏi. Nhưng sau em hiểu ra, lúc sắp chết con người ta thường hay có dấu hiệu như thế, giống như ngọn đèn bùng lên lần cuối cùng trước khi tắt hẳn. Vẻ tỉnh táo ở anh ấy biến đi cũng nhanh chóng như khi ló dạng, nhà em như đã mất đi ý thức, cất tiếng nói: “Anh đi”. Thế rồi anh ấy hôn mê, và lặng lẽ bỏ em mà đi.

***

Nhà em mất em mới thấy mình hụt hẫng và thấm thía câu nói truyền miệng trong dòng họ rằng con gái họ Bùi số vất vả. Những long đong, những lận đận ấy đeo đuổi em tới tận giờ phút thay quần áo để làm lễ nhập quan cùng những nỗi đau…

Tất cả những nỗi đau của em nằm trong cái giây phút tẩm liệm. Em đã ngỡ ngàng và lặng người đi…Em muốn thưa với hai bác là nhà em, là…đàn bà như em vậy!.

Thạch trúc gia trang

        Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn:

Nguyễn Phan Thịnh, Phạm Huấn, Lê Huy Oanh,

Lê Hà Ngân, Dương Thu Hương, C.Matessc,

Nguyền Bá Thận, Túy Hà, Nhật Tuấn, Vũ Bằng,

Nguyễn Văn Tuấn, Cấn Vân Khánh, N.H.Th.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search