T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Trồng cây trên đá          

Đảo ở thành phố Camel
By The Sea tại California

Ảnh (Internet)

Không nhớ cắt tỉa bonsai từ khi nào, vì lâu lắm rồi…

        Mà chỉ nhớ ngày nào chân ướt chân ráo qua đây, ghé miền đất ấm tình nồng, lạc hoa lưu thủy tới thành phố ven biển…Trong cái tâm thái biển xa bãi vắng ở đảo tị nạn ngày này năm ấy, nhìn ra biển. Ngay trước mắt gã, một thân cây mọc ngay đơ trên hòn đảo chỉ có đá và đá. Cây cành chỉ hai, ba nhánh khẳng khiu, không ra dáng cây cảnh…bonsai.

       Vậy mà từ ngày đó hình ảnh thân cây đơn độc soi mình trên bóng nước…nước còn cau mặt với tang thương. Sau đấy nấp cửa thiền môn, cũng học đòi soi “kim cổ” với chữ nghĩa, rồi lây dây với phá chấp và buông xả để cỏ hoa lạc lối đến một ngày.

       Một ngày, gã lọ mọ trồng cây trên đá

       Vừa mầy mò, vừa có những cảm nghĩ vụn vặt về cây Nhật lùn, theo nghịch lý của thời gian từ màu xanh non qua mầu vàng úa. Thì bonsai, nếu có thể được, hãy hoang tưởng như một người tình câm với cỏ xót xa đưa cỏ xót xa người. Thủ thỉ tâm tình vui với cái vui của người tình cũ trong những ngày lập xuân đầy nắng ấm. Và cũng buồn với cái buồn khi những lúc trái nắng trở trời, gió đông hiu hắt. Gần nửa buổi, cây được o bế chắt chiu cho rễ bám vào đá.

      Hồi nhớ năm nào bắt gặp thân chơ vơ trên tảng đá, bên cạnh vũng nước. Bèn lay lắt đến một vũng tang thương nước lộn trời. Trong hỗn mang, vang vọng âm hưởng của ai đấy hỏi gã…đá biết thở dài xa xôi, như có ai đó hỏi gã…đá có ngậm ngùi chia phôi.

       Người xưa…”  đang len lén tìm về. Không phải… một mà…hai.

       Chuyện đâu còn có đó, hãy tạm gác đường xưa lối cũ qua một bên. Gã đặt cả khối đá và cây vào chậu gốm nâu. Trải thêm ít sỏi trên mặt đất. Hòan thành xong một tác phẩm, trong giây phút ngẫn ngẫn, nếu cần khóac cho cái áo nghệ thuật vị…nhân sinh cũng có sao đâu. Xong, bần thần ngắm và lụi đụi nhân sinh là ai? Tình chị duyên em lảng vảng đâu đây: Ngay trước mặt gã hai cụm cây mà gốc rễ, tàng cây hình tượng qua một bức họa chưa hòan tất. Hòn đá là một tác phẩm điêu khắc vẫn còn dở dang, dang dở…Từ Thức còn đang lên non tìm động hoa vàng, Tú Uyên vẫn còn mải mê tìm người đẹp trong tranh.

       Một trong hai cây si với sinh ký tử quy, có dưỡng có triệt, hữu hình hữu họai. Ít mùa sau ngậm ngùi chia phôi nay áo đã cuốn về thiên cổ, lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.

       Thôi thì đành vay mượn đôi dòng thơ của người họ Hàn:

Người đi một nửa hồn tôi chết

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ

       Cây trồng trên hòn đá tảng, ừ thì cứ hoang tưởng cây là rừng, đá là núi thu gọn vào mảnh đất con con để…tận thu tứ hải sơn hà. Hà là sông, hãy thêm một giòng sông trắng xóa trường giang phẳng lặng lờ. Cây trồng trên đá tha hóa với chữ nghĩa…gã là hòn đá tảng. Hay nói khác đi: Gã chính là hòn đá…vô ưu. Nếu tự cho mình là hòn đá vô ưu. Thì…

       Thì hãy một lần nhập thế, phá chấp để hóa thân, buông xả là sư ông Phạm Thiên Thư, trút bỏ bộ nâu sòng, xa rời tục lụy, với sắc sắc không không. Nay tóc bạc da mồi, ôm một cây si lá vàng nâu vào độ cuối thu, lạc lối chân ai về một…”ai khóac áo nâu sòng”.

Ai khóac áo nâu sòng

Ai chân trời biền biệt

Tên ai còn tha thiết

Trong tiếng chuông chiều đưa

        – Nói gì? Có gì để nói? Biết nói gì giữa hòn đá và tiếng chuông chiều đưa. Bình thường như xuân hạ thu đông có bốn mùa. 

       Ngòai ra gần đây, gã lụy chữ nghĩa với phim “Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân”. Bộ phim bắt đầu vào mùa xuân, ở nơi thâm sơn cùng cốc bao phủ bởi núi rừng, giữa hồ có một ngồi chùa nhỏ, ở đấy có sư ông và chú tiểu, ngày ngày sáng, trưa, chiều tối gõ mõ tụng kinh. Một ngày chú tiểu vì buồn chán lấy dây buộc hòn đá để con ếch kéo lê chật vật khó khăn, chú cười  thích thú mà không hề biết sư ông nhìn thấy. Sư ông đợi đến tối buộc hòn đá vào lưng chú để cho chú hiểu được những…vấn nạn trong cõi ngu lạc trường của chú sau này.

       Đúng như tựa đề của cuốn phim, chuyện đời của nhân vật trong phim cứ từng bước phù lãng nhân đổi thay qua từng dấu mốc thời gian như bốn mùa trong năm. Vì chán cảnh bốn mùa với ngày là lá tháng là mây nên chú sắp nhập thế tục. Ðó là thế giới chú sắp bước vào, chú tiểu khăn gói rời chùa, làm con bướm đuổi theo mùi hương. Trong bị cói, chú tiểu nhét thêm tượng Phật. Nằm trong bị cói tối mù u, chắc tượng Phật lẩm nhẩm nói thầm: “Chú tiểu ơi, chẳng sao đâu, chú đi như thế cũng tốt như ở, bình thường thôi, xuân hạ thu đông”. 

        Lấy ngắn nuôi dài, gã dều người ra khi mang thơ và phim ảnh vào đây. Thơ và cảnh là chuyện của phim. Bằng im lặng, cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói. Chẳng có gì để nói giữa sư ông và chú tiểu…Ngay tình mà nói, chuyện “Người xưa…” của gã khởi đi từ chuyện kể của bạn gã về cây cảnh và ông sư tại ngôi chùa ở thành phố gã đang ngụ cư. Bạn gã thấy sư mang ra sân khúc cây khô cằn hứng sương, rồi lại bê vào đặt bên cửa sổ hóng chút nắng ngày. Bạn gã tò mò hỏi sao sư không tìm cây khác tươi mát hơn. Từ vấn nạn của đời thường lẫn tục lụy. Sư trả lời như gửi gấm mảnh áo nâu sòng vào một nẻo không:

      Gió thông đưa kệ tan niềm tục

      Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời

      (Trần Nhân Tông và ni cô)

      –  Chuyện gì xẩy ra tất phải xẩy ra, ni cô hay ai cũng vậy thôi. Nói gì, có gì để nói. Chỉ là xuân hạ thu đông, có đám mây trắng lặng lờ qua mái chùa.

      Từ ni cô, gã lây dây đến chuyện của gã, nhưng ấy là chuyện sau.

      Chuyện bây giờ dây dưa đến bức tượng gã đang có ở nhà.

       Một lần đi săn đồ cổ với bạn gã vừa rồi, gã lũi cũi vác về được ông thiền sư. Tha hương ngộ cố tri, ông thiền sư Nhật về nhà gã, sau này ông là bạn đồng hành với gã trong những ngày tháng trống vắng. Tượng không có nét khắc thanh thóat của một bức tượng. Ngược lại…lại cục mịch: Thiền sư ngồi bó gối ôm đầu trong thế sám hối hay tĩnh tâm. Mặc dù là tượng điêu khắc nhưng ẩn tàng với chữ nghĩa ở chỗ, người thưởng ngoạn không nhìn thấy khuôn mặt, nhưng có thể nhìn thấy những khổ đau qua vừng trán khắc khổ. Bức tượng gỗ ấy được thể hiện với đường nét, vết khắc hằn rõ mồn một trên lưng thiền sư ẩn hiện một khuôn mặt nhẹ nhàng, đè nặng trên vai thiền sư là…Là khuôn mặt của…người tình cũ.

       Vô hình chung, ông thiền sư người Nhật là hình ảnh của gã, cả hai đều mang chung một dấu ấn. Đều đi chung trên chiếc thuyền cỏ lau của Bồ Đề Đạt Ma mà Tây Trúc thì xa vời vợi. Lên non tìm động hoa vàng lối mòn mất dấu và ông lạc nẻo đường trần, nên ngồi một chỗ, ôm đầu bó gối, ôm mối sầu vạn cổ chẳng nguôi ngoai.

       Còn lại gã dặm trường mê mải bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về…Và rồi gã cũng đành ngồi đây với nghìn trùng xa cách. Đang ở phiên chợ chiều, một chiều tóc trắng như vôi lúc nào không hay, tháng này qua năm khác, làm bạn với cỏ cây để ngẩn ngơ, ngơ ngẩn…Từ những vết hằn của người tình cũ trên lưng bức tượng thiền sư. Trên lưng gã cũng mang dáng dấp một hình bóng vạt áo nâu sòng trong cái tuổi tà tà bóng ngả về tây. Tây đây ắt hẳn là Tây trúc, để quên đi bản ngã vô thường, vô minh. Cũng chẳng thể thóat tục để rồi ôm đồm: tình cũ trong nhau có niết bàn, người xưa như thóang bóng từ bi. (Du Tử Lê).

       Trở lại với hai cây si trồng trên hòn đá năm nào, cũng trên dưới mười năm rồi chứ đâu có ít ỏi gì. Như một dấu tích, một thời để yêu, một thời để nhớ. Để rồi với xuân, hạ, thu, đông, sang xuân, vừa nâng niu cắt với tỉa, vừa nhỏ to với người xưa xuống tóc vì ai  khép cửa đời, vào thiền chỉ thấy nhớ và thương (Du Tử Lê). Sau đấy moi đất, rễ bám cứng vào hòn đá tảng. Hòn đá nay đã rêu xanh ẩm mốc, và to nhỏ tiếp với người đi qua đời tôi biết cùng ai nói câu tâm sự, đá ngủ bên thềm gọi chẳng thưa (Tô Thùy Yên).

       –  Ai mà biết chuyện gì giữa hòn đá và người tình cũ và mái chùa. Nói gì, có gì để mà nói. Bình thường chỉ là xuân hạ thu đông bốn mùa trôi qua.

       Gã tiểu sư nay là sư ông quay trở lại con đường mà ngày xưa chưa từng bước đi khi còn là chú tiểu chập chững biết đi. Từ ngày trở về chùa cũ, sư ông sớm chiều hai buổi tụng niệm. Từng mẩu nến khuya, tiếng mõ canh tàn hay trong chiều muộn đã từng phút giây đưa ông trở về ngôi chùa ấu thơ với những nỗi niềm thống hối không nguôi.

       Ấy là chuyện của “gã” tiểu sư trong Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân nằm ở khúc cuối

       ***                              

       Trở lại khúc đầu với chuyện của “gã” trong Trồng cây trên đá

       Lúc này gã chẳng còn nằm ở cái tuổi lãng đãng với thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mưa. Lang thang từ độ luân hồi, gã cũng lui cui vun cát bụi bên đường với ngày là lá tháng là mây…Qua ký ức chỗ còn chỗ mất, lờ mờ như khói, lãng đãng như sương vẫn còn phảng phất trong trí nhớ như sương khói bây giờ của gã…

       Ngày tháng đặp đổi, thoắt một cái hơn năm mươi năm, hay hơn nửa thế kỷ, thoáng như đang lềnh bềnh đâu đây với cái tuổi nhầng nhầng, “gã” trở lại là…“nó”.

       (….) Ngược về Hà Nội trước năm 54, ông cụ bà cụ nó thuê căn nhà chung với một gia đình có hai cô con gái trạc tuổi nó. Chiều chiều, hai chị em nhẩy dây, chơi ô quan ở sân gạch, hay chơi trò ú tim sau cây bàng cạnh bể nước mưa.

       Ở cái tuổi ấy, trí nhớ của nó có những chuyện đáng nhớ lại quên như tên của hai chị chẳng hạn. Mãi đến khi vào Nam, vào dịp Tết đầu tiên năm 1955, nó mới hay cô chị tên Hường khi bà mẹ sai: “Hường pha trà cho hai bác”. Cô chị vào bếp, bà nhìn nó, nhìn Hạnh: “Thằng Hùng, con Hạnh lớn thật, mới ngày nào…”. Nó vỡ ra nhẽ, các cụ móc ngoéo thông gia, thông điếu mai này hai đứa từ năm nào. Sau đó đứng ở góc nhà, nó nhìn trộm Hường, tóc kết bím, chiếc áo dài hụt hẫng ngang đầu gối. Ít lâu sau nó cũng nhổ giò nhổ cẳng trông thấy. Vậy mà nó chỉ biết theo đám bạn học đội trời đạp đất với quả bóng ở sân đá banh Hoa Lư, hoặc bì bõm ở sông Thị Nghè. Hay với súng cao su quanh mấy cây xoài trên đường Tự Đức, sau trường Nguyễn Trãi mà nó vừa trúng tuyển vào đệ thất. Nhờ vậy ông cụ bà cụ mua cho chiếc xe đạp.

       Nhờ có xe đạp, những năm sau, nó có những dấu ấn nhớ đời…

       Một ngày đạp xe tới đầu ngõ trời lấm tấm mưa, Hường mở cửa, nhíu mày nửa trách móc, nửa thương…yêu. Sau đó lấy khăn, lược cho nó, hai bàn tay vô tình chạm nhau, Hường rụt về như điện giật. Trong nó có một cái gì xốn xang khó tả. Mưa bắt đầu nặng hột, bà mẹ giữ nó ở lại ăn cơm. Thỉnh thỏang đợi bà lơ đãng, Hường nhìn nó, liếc vào đĩa thức ăn, như ngầm ra dấu “Ăn đi…”. Vừa lúc có chuông cửa, khách tới, Hường nói vội: “Hùng gầy đấy, ăn nhiều  đi…”, âm hưởng thật nhẹ và ấm của hai chữ…”đấy” và…”đi”. Những trìu mến, chăm sóc khiến nó đờ đẫn cả người chẳng biết làm gì, mà chỉ biết cắm cúi…ăn lấy ăn để. 

       Hai chị em có nhiều khác biệt, Hường nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ khi nó tới. Hạnh mũm mĩm, vồ vập bá vai bá cổ khi gặp nó. Với Hạnh, có thể bà muốn gán ghép với nó vì con yêu con ghét. Nên sau này, ngòai tết nhất, thêm giỗ chạp, bà chỉ đưa Hạnh lên nhà nó, khiến họ hàng hang hốc có lời ong tiếng ve về…cái nốt ruồi. Sau này nó làm quen với bói toán mới biết nốt ruồi dưới mí mắt ám quẻ cho thương phu trích lệ để có ngày phòng không đơn chiếc. Vì vậy năm 1989 vợ nó mất, nó cũng có ý đi tìm Hạnh, mặc dù Hạnh chỉ là cái bóng nhập nhòa với nó. Nhưng với nó có những tiếc nuối không nguôi với bóng dáng…“có da có thịt” trong những khi tối lửa tắt đèn, để nửa đêm về sáng nó có giấc mơ hoang với người đi qua đời tôi.

       Giữa nó và Hường, nếu có thể được vay mượn chữ nghiã gọi là tình đầu của cái tuổi tập làm ngừời lớn…hút trộm thuốc là của ông cụ. Cứ vậy, theo khói thuốc lá cứ mơ hồ, lơ lửng theo khói bay đi, cứ ngu ngơ theo năm tháng qua ánh mắt, nụ cười thầm gửi. Thời gian lấp lửng ấy, một lần nó “dúi” vào tay Hường món quà nhỏ mà nó vụng về gói ghém cả buổi. Hường ngập ngừng, mắt chớp chớp, niềm vui thoáng qua ánh mắt. Tuần lễ kế tiếp tới nhà, khi về Hường tần ngần cũng…dúi vào tay nó cái phong bì và nói thật nhanh: “Mang về đi…”. Nó ngỡ thư xanh mực tím, về đến nhà vội vàng mở ra hoá ra là một cái khăn tay, góc thêu hai chữ “H”.

       Khỏang thời gian chập chọang ấy, nó nhớ vào năm 1960, đang học lớp đệ tứ. Nói cho ngay, Hường hơn nó hai tuổi, con gái bao giờ cũng nhậy cảm hơn con trai. Còn nó một ngày như mọi bữa chẳng có gì khác lạ ngoài những vấn vương, vương vấn như mọi ngày.

       Bẵng đi một thời gian. Cuối tuần, nó vừa mới tới đầu ngõ, vừa lúc bà mẹ bương bả đi ra, tay xách nách mang với hương đèn, hoa qủa.

       Thấy nó bà nói ngay:

       – Bác lên chùa…

       Rồi bà ngập ngừng:

       – Hôm nay em nó xuống tóc…

       Nó lặng người một lúc lâu, bà quay quả gọi xe xích lô, bất chợt lúc ấy nó đòi đi theo. Bà thoái thác tuần sau, vì phải hỏi Hường trước đã. Cả một tuần dài ngóng từng ngày, đợi từng đêm với những xáo động như nó hình dung đến ngày lên chùa tuần tới. Nó gặp Hường ngồi ở chính điện, áo nâu sòng, tay lần tràng hạt,…ngước mắt nhìn lên,  nó nhìn xuống…

        Tuần sau, vừa gặp nó, bà nói ngay:

        – Em nó nhắn: Anh Hùng quên em nó đi và về tìm đọc…

        Rồi bà ngần ngừ tiếp…

        Qua bao nhiêu năm tháng, câu nói ngần ngừ tiếp của bà là…(…)

        Là của Hường, chỉ bốn chữ gửi gấm không thôi nằm trong ngõ ngách thâm u của ký ức, đã đeo đuổi ông năm mươi năm. 50 năm thì ngắn, nhưng nửa thế kỷ lại quá dài để…“nó” hóa kiếp thành “ông” hồi nào không hay. Như hôm nay chẳng hạn, khi viết những dòng chữ này.

       Ông cúi xuống viết bốn chữ dặn dò của người xưa: Về tìm đọc…

       – Hồn bướm mơ tiên

       Và phải đợi đến tuổi tứ thập nhi bất hoặc, chẳng có gì huyễn hoặc về người xưa. Sau, qua bà cụ ông, ông mới hay biết Hường xuống tóc vì bà mẹ ép lấy một anh giáo trong xóm.

      Khươm mươi trước ông bòn mót truyện ngắn Xuân, Hạ, Thu, Đông, dựa dẫm vào truyện dài Hồn bướm mơ tiên của nhà văn Khái Hưng: “Ông Ngọc đi thăm ông bác là sư ông trụ trì ở chùa Long Vân, Đông Triều, xuống xe ca ông gặp ni cô giả trai tên Lan”. Truyện có đọan ni cô Lan tưởng tượng cảnh lá rụng: “Bên bờ suối có mấy cây thông già, lá tàn lụi rụng theo dòng nước trôi đi…”. Cảm hứng từ chuyện vua Trần Nhân Tông gặp ni cô, nhà văn vay mượn câu thơ Gió thông đưa kệ tan niềm tục – Hồn bướm mơ tiên lẫ sự đời. Với tục lụy, Khái Hưng để nhân vật Ngọc…theo nước trôi đi. Trong truyện ngắn của ông, nhân vật Ngọc còn trẻ, ông ở cái tuổi tàn lụi, nên ông lội dòng nước ngược về thăm quê nhà, từ Hà Nội vào Sài Gòn đi tìm người xưa như đi tìm lá diêu bông. Vì ngày ấy ông nghe phong phanh người xưa tu ở chùa Dược Sư dành cho sư nữ. Chùa nghe nói đâu đó ở Xóm Gà thuộc Gò Vấp bên kia cầu Sắt.

       Chuyến xe lửa đưa ông về quá khứ đi tìm thời gian đã mất ngừng lại sân ga Vinh. Ông đứng dưới cột đèn đốt điếu thuốc, chợt bên kia Quốc lộ 1 có ngôi chùa cổ vang vọng tiếng chuông chiều như tiếng chuông thức tỉnh nên ông lại…thôi.

      Với “thôi” là hết chuyện…Chuyện người xưa xuống tóc vì ai  khép cửa đời, vào thiền chỉ thấy nhớ và thương  (Du Tử Lê).được xem như…theo nước trôi đi. Nhưng trong trí nhớ mù sương với hai quên một nhớ: Ông nhớ pháp danh người xưa như thóang bóng từ bi. (Du Tử Lê) chữ đầu là “Diệu”, chữ sau là “H…”. Với chữ “H”, ông ẩn dụ là…tên ông. Như “cái khăn tay, góc thêu hai chữ “H” quấn quýt vào nhau” ngày nào năm ấy, để ông bương bả qua bao nhiêu hệ lụy như chú tiểu sư trong “Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân”.

       –  Nói gì? Có gì để nói? Biết nói gì với ni cô áo nâu sòng. Bình thường như xuân hạ thu đông có con bướm trắng lặng lờ qua mái chùa. 

      Cả bộ phim “Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân”.….là hình ảnh cánh cửa mở ra khép vào, là bối cảnh cho các mùa. Cảnh mây trời vẩn đục che lấp mặt trời khi chú tiểu sư dứt áo ra đi đuổi theo con bướm trắng như báo trước những vấn nạn nhiều sóng gió.

       Trở về Hà Nội năm ấy, từ bên ngoài cổng gỗ của căn nhà số 123, phố Bà Triệu. Ông đứng lẩn đẩn một hồi lâu. Cánh cửa này khép vào, cánh cửa kia mở ra…Từ cánh cửa mở ra, ông nhìn vào bên trong với bất tri hà xứ thị hương nhân qua khoảng trống, gần bức tường vôi vàng loang lổ là bể nước mưa cạnh mảnh sân gạch vuông. Như đoạn phim câm quay chậm, cả một chuỗi ký ức không lớp lang thoáng hiện về. Trong một khoảnh khắc, ông thấp thoáng bắt gặp hình bóng hai chị em đang nhẩy dây hay chơi ô quan. Ông lặng lờ đốt điếu thuốc để đốt lò hương cũ cho người xưa đuôi tóc thắt bím. Bởi ông chỉ là người thế tục, với bọt trong bể khổ, bèo là bến mê nên sau này ngập trong tục lụy: đêm đêm tôi nhớ khuôn mặt cũ, và thấy trong kinh đủ bóng hình (Du Tử Lê).

       Và cũng chẳng quên hoài cố nhân đến cô em.

       Người đi qua đời ông với những ngày tháng ngắn ngủi, cùng một vài ký ức lấp lửng nằm ngủ quên trong tâm khảm. Bây giờ không biết cô em lưu lạc ở phương nao.

       Trong một cơn gió thỏang, người đi qua đời ông hiện về.

       Gần hết điếu thuốc, nhìn cánh cửa đóng khép vào im ắng, ông hồi tưởng…Năm 54, người đi qua đời ông nấp sau cây bàng chơi trò ú tim. Nay cây bàng chĩu cành, vắt ngang qua mái âm dương gợi nhớ những năm tháng của lá giao mùa, lá lià cành theo gió bay xa…lá rơi tường bắc lá sang đông, hồng bay mấy lá năm hồ hết, thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông. Bất chợt cùng những cảm hoài mang mang, ông gửi gió cho mây ngàn bay cùng Quang Dũng:

Ơi, con đường xưa

Những mùa trút lá

Cành bàng mồ côi

Cổng cũ rêu phong

Ý đợi người…

       –  Ai mà biết chuyện gì giữa cổng cũ rêu phong và những mùa trút lá. Nói gì, có gì để mà nói. Bình thường chỉ là bốn mùa trôi qua.

       Từ tựa đề của phim “Xuân, hạ, thu, đông…” và chấm dứt với “…rồi lại Xuân”, tạo thành một vòng tròn khép kín, thể hiện sự tuần hoàn trọn vẹn của con tạo. Nhưng không phải mùa xuân nào cũng là…mùa xuân

       Với con tạo xoay vần phải đợi đến ngày bác Chí, anh trai của bà mẹ, mới qua Mỹ, từ tiểu bang miền tây qua thăm ông cụ ông. Bác cũng là người chủ hôn đám cưới của ông năm 1970. Bác kéo ông ra ngoài vườn sau, thân mật khoác vai, nói nhỏ vừa đủ ông nghe: “Bác biết chuyện cháu”. Và ngập ngừng: “Bác muốn cho cháu biết một tin…Ngay sau 75, vì quẩn trí, cả hai mẹ con…con Hạnh đều tự tử…chết. Chết hết cả rồi…”.

       Ông bàng hoàng nhìn ra vườn, đất trời mang mang, hàng cây nghiêng ngả, u ẩn chiều tiễn biệt trong một cõi đi về qua âm vọng của một dòng nhạc…người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu, (…). Người đi qua đời tôi vàng xưa đầy dấu chân, đường xưa đầy lá úa…”.

Và ai qua đời tôi

Chiều âm vang ngàn sóng

Hồn lưng miền rét mướt

Trên lối về nghĩa trang

       (Thanh Tâm Tuyền?)

       Chấm dứt “…rồi lại xuân”, chẳng phải mùa xuân nào cũng nhẹ nhàng…Ông liêu xiêu lúc này thấy mình cột đá vào mình nên oằn người với hòn đá trên lưng.

       Như chú tiểu xưa kia lấy dây buộc hòn đá bắt con ếch kéo lê, chẳng may con ếch vô tội chết. Ngày ấy, chú đã biết khóc khi không kịp cứu sống con ếch, ấy là lòng từ bi vốn có sẵn với ngộ tánh của chú. Nhưng ngày trở thành gã tiểu sư, gã bỏ chùa đi, theo bước phù lãng nhân qua những năm tháng đổi thay theo bốn mùa. Trải qua bao nhiêu sóng gió với hệ lụy để biết yêu, biết ghét, gã tự thấy đã cột đá vào không biết bao nhiêu người, vì gã mà oằn lưng với những hòn đá nặng chết người, làm khổ biết bao nhiêu người. Bởi gã khổ thì người khác cũng khổ, nghe chừng như chuyện khổ cũng tất nhiên, nói gì, có gì để nói, chỉ là xuân hạ thu đông. Mãn giấc bướm, đi gần hết cuộc đời, quay về chùa cũ, Câu chuyện đó, gã đã quá biết rồi, cho nên có gì xảy ra chắc gã sẽ thản nhiên, chẳng nói một lời, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông trôi qua trên mái chùa của gã. 

       Bây giờ gã trở thành sư ông nên tự phạt mình, để thấm thía tận cùng những gì vướng víu, đè nặng. Như ngày nao sư phụ đợi đến tối, đợi ông ngủ, buộc hòn đá vào lưng ông để hiểu được những…vấn nạn trong cõi ngu lạc trường sau này. Ở khúc kết cuốn phim, sư ông kéo lê hòn đá lớn như ngày nào con ếch kéo hòn đá của quá khứ. Bây giờ sư ông là hành giả vác tượng lên ngàn, theo từng bước chân nặng nhọc của sư ông qua những ngõ mòn sỏi đá. Dòng nhạc trong phim điểm nhẹ như tiếng kinh nương gửi gió rừng len vào từng khe đá, thớ gỗ, lan tỏa, phủ đầy một cõi huyền âm, một cõi trong chốn không, đánh thức mọi mê lầm đang ngái ngủ. Trên tay sư ông ôm bức tượng Quan Âm, cung kính an vị bức tượng lên mỏm đá trên đỉnh núi và cúi đầu chiêu niệm trả giá cho những nghiệp chướng vừa trải qua.

       Vậy là sư ông đã trở về. Có điều lần trở về có hơi muộn màng, vì sư phụ không còn nữa. Nhớ lại lời sư phụ dậy, ông lặng lẽ pha mực. Rồi khẽ khàng đọc lại từng chữ trong bài Bát nhã Tâm kinh trên khuôn sân bằng gỗ của ngôi cổ am: Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị…bài kinh Bát nhã. Ông thầm nghĩ mọi chuyện xảy ra như chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nói nhiều, tất nhiên là như thế. Trừ bài Bát nhã này với năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư dứt trừ hết khổ ách, chân thật không hư. Tâm kinh nhắc chữ “có” cho ai mê muội về…không, nhắc chữ “không” cho ai mê muội về…. Cứ thử mê muội rồi thấm Bát nhã nên ông dùng búa, đục khắc lại từng chữ đại tự mà ông vừa phóng bút trên nền gỗ của sân chùa: “có chẳng khác không, không chẳng khác có…”. Nói gì nữa, có gì để nói ?

       Chẳng có gì để nói, trong tĩnh lặng quanh quẩn trong sân chùa có con rùa lặng lẽ nhìn ông như chia sẻ và cùng vui buồn nổi trôi theo ông. Sư phụ đấy chăng? Ông không tìm thấy sư phụ đâu mà chỉ thấy con rùa lễnh đễnh theo ông vào Phật điện lúc nào không biết nữa…Trong khi ông quỳ trước vong linh của sư phụ khấn vái, con rùa bò ngang mặt ông và bàn Phật.

       Chuyện viết về ai đó trước khi có hiện tại đều có quá khứ, quá khứ nhiều lúc muốn cởi bỏ nó không phải là dễ. Như chuyện con ốc sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày, cứ day dứt nó mãi. Cứ mỗi một ngày, trả một ngày cho quá khứ, quá khứ vì thế chồng chất nặng nề như…hòn đá trên lưng con ốc. Một hôm nó nhất định mang quá khứ đi chôn, vì chỉ vậy mới có được những nhẹ nhàng thanh thản. Khi con ốc chở quá khứ đến mé đường, bên kia là nghĩa địa, nó thấy băng qua đường không phải là dễ. Dòng xe không chừa một khỏang trống chậm như nó có thể vượt qua, nó sẽ bị xe nghiền nát trước khi nqua ghĩa địa để đào cái hố. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng, nó thầm nhủ suốt quãng đời còn lại, đành lẩn quẩn ôm quá khứ của riêng mình và chờ…chết.

      Ông ngẫn ngẫn để lấy ngắn nuôi dài, ông bòn mót phim “Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân” vào truyện Trồng cây trên đá không ngòai.…hòn đá.

       Kết nối chuyện “ông sư mang ra sân khúc cây khô cằn hứng sương, rồi lại bê vào đặt bên cửa sổ hóng chút nắng ngày” lay lắt qua một ông già ở cái tuổi thất thập cổ lai hi…Sáng trưa chiều tối khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, ông còm cõi đi ra đi vào đã đi đã đến cuối trời, đã về như vẫn muôn đời đã đi (Bùi Giáng). Ông câm lặng, không nói gì với cây si còn lại với hòn đá, bởi im lặng cũng là đối thoại, vì ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau.

       Ông nhìn hòn đá vô ưu và vô ngôn…

       Nhìn đá, ta định chừng đá ngủ

      Phải chăng đá giú mộng trong lòng

      Tại đây, đá sống lâu đời nhất

      Đá rõ điều ta muốn rõ không

      (Tô Thùy Yên)

      Sỏi đá cũng biết, nói gì thì nói, chỉ là xuân hạ thu đông…

       Trúc gia trang

       Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                                            

Phụ chú:

Trồng cây trên đá cảm tác từ phim “Spring, Summer, Fall, Winter and Spring” của

đạo diễn Kim Ki Duk, Đại Hàn. (diễn dịch Tọai Khanh, Cao Huy Thuần)

Xem tiếp truyện ngắn Xuân, Hạ, Thu, Đông.

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search