T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Vướng nghiệp

     

      Mê Cung – Tranh: Thanh Châu

Trong cái nghiệp viết, khó nhai nhất là viết “Tựa”. Nếu nhờ người khác viết dùm “Thay lời tựa”. Số ruồi…Gặp người được gọi là viết “nháp”, họ viết thần sầu hơn tác giả mới đổ nợ. Nhưng lại có chuyện trái khoáy như Tô Hoài, ông đọc truyện có ai đấy viết tựa dùm, nhà văn um thủm với bạn: “Ông này hình như chưa đọc chuyện của tác giả thì phải”. Bởi đọc sách truyện có nỗi búi bấn của người viết nháp, vì truyện hay đọc háu là xong. Chuyện nhạt đọc mờ người. Nếu vớ phải truyện vừa dài, vừa dở thì bán tử bất hoại, nôm là từ chết đến bị thương. Là người viết “nháp” để hưởng cà phê, thuốc lá, anh bạn bồ bã với ngộ chữ tôi vậy, thưa bạn đọc.

       Nếu tác giả tự viết “Tựa” còn trần ai khoai củ hơn nữa với bạn đọc. Nhất là dạng “hồi ký, hồi ức” hay “biên khảo, biên sử”. Bởi dưới bài biên khảo, tác giả làm như vô tình để hai chữ rất khiêm nhượng “tiến sĩ”, hay “bác sĩ” mặc dù học vị của họ chả dính dáng gì đến bài viết. Với hồi ký, một số tác giả làm như lơ đễnh ẩn dấu ở dòng chữ nào đó, họ tự “đội mình lên đầu mà vái” rất…khiêm cung. Với nhà văn viết sách, ngộ chữ tôi cho ăn gan giời trứng trâu cũng chả dám bắc kiềng lên lưng ai mà đun vì trong “Tựa” chém chết có đôi nhời dẫn giải “Tại sao tôi viết? Tôi viết cho ai?”. Với từng ấy “cái tôi” bự sự, nhà văn diễn tả nỗi niềm đam mê văn chương tới tận cùng nỗi thao thiết của mình. Tận cùng của cái nghiệp viết là cái khổ nạn ra mắt sách.

        Bằng ấy những quá đọa trong cõi chữ vì vậy lạy thánh mớ bái bạn đọc chứ…chứ Đôi lời bộc bạch này…dài dòng lắm. Vì chưng truyện ngắn như thơ, phải chẻ chữ chặt câu, nên ngộ chữ tôi học theo ông A. France: “Tôi không có thì giờ viết truyện ngắn…ngắn hơn”. Với bất ngôn nhi dụ tức không nói ra cũng hiểu được, bạn đọc cũng hiểu là ngộ chữ tôi lạc nẻo đường trần, cỏ hoa lạc lối trong chốn làng văn xóm chữ nên có nhiều khúc hơi rối, hơi ngúc ngắc. Qua đường xưa lối cũ bài viết của ngộ chữ tôi không thể thiếu vắng dăm đoạn khó hiểu một cách vừa phải. Bởi những ngẫu sự ấy, ngộ chữ tôi mọt sách ăn giấy qua cái bàn gõ, thì…

Thì “Đôi lời bộc bạch” bỗng không vướng mắc thành bài tạp bút có tên: Vướng nghiệp.

      vướng nghiệp chữ nên đành đục chữ đẽo câu về cái nghiệp “văn rượu” của mình, thế nên ngộ chữ tôi đong chữ như đong thóc, rồi sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ thế này đây…

(…) Về gốc gác của ngộ chữ tôi, cứ qua truyện ngắn Cây gậy tre rút đất thì ngộ chữ tôi là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết mình là ai. Ngộ chữ tôi làm quan ba mươi tư năm, lui về đất Hiu Tân mà ở ẩn, nhà ba phòng, chốn tây viên có ao sen, dăm bụi trúc. Tuổi mới chớm già, chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, văn phú. Bởi chưng: Trời đất sinh ra rượu với văn – Không văn không rượu sống như thừa. (…)

Như đã bộc bạch, trong “Tựa” chém chết có đôi nhời phân bua “Tại sao viết? Viết cho ai?”. Ngộ chữ tôi không tránh được chuyện ruồi bu này! Với tại sao viết, có đầu có đũa thì đã từ lâu, vì vướng nghiệp chữ, nên cũng muốn viết một tạp bút để lưu danh thiên cổ hay di xú vạn niên về văn hoá “Ra mắt sách” và trường phái “Văn chương ai điếu”, thưa bạn đọc.

Còn viết cho ai thì… Thì lý do củ chuối thế này đây:

Năm tám, chín tuổi ngộ chữ tôi trốn học, bởi thượng thiên vô lộ, nhập địa vô môn là lên giời xuống đất không xong, lạng quạng thế quái nào chả biết nữa nhè chui đầu vào Văn Miếu để làm thân với cửa Khổng sân Trình. Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối, rất ngay tình với bạn đọc dường như sách truyện ngộ chữ tôi đọc đầu tiên để khai tâm, khai chữ theo Nho gia là…Là ngày đầu tiên nhập môn, thầy đồ “mổ bụng” chú ấm sinh để nhét chữ vào bụng chú những “thiên, tích, thông, minh, thánh, phù, công, dụng” trong Tam tự kinh. Ngày ấy ngộ chữ tôi khai tâm, nhét chữ vào bụng thư kinh…Vàng và máu của Thế Lữ.

Bạn đọc im như con chim! Ngộ chữ tôi…ngộ ra rồi: Ý đồ bạn đọc sắm nắm ngộ chữ tôi chỉ “bịa” chứ khỉ gì nữa. Nếu như ngộ chữ tôi có bông phèng cũng chả bằng một nhà văn tâm sự ngắn dài qua chữ nghĩa với bạn đọc về cuộc đời viết văn của ông:

Tám, chín tuổi ở Hà Nội, ông đã đọc tứ đại kỳ thư của Tàu như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Thủy hử của Thi Nại Am và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần. Chuyện cấm giả lịnh giả thị, là ai cấm người mang bị nói khoác là chuyện của ông. Nhưng ở dưới bài văn ngoài tên họ, ông còn cẩn thận viết thêm bốn chữ: Nhà văn Hà Nội. Cũng vì cái tôi nhà văn to đùng của ông gây cảm hứng cho ngộ chữ tôi căng óc nặn chữ vặn óc véo câu về cái danh của nhà văn ở khúc sau, thưa bạn đọc.

Bạn đọc vẫn lạnh lùng con thạch sùng! Ừ thì đây với nhà văn Trần Doãn Nho:

(…) Đó là lúc cậu bắt đầu thích đọc, tập làm văn, cậu bắt chước những câu kéo hay ho trong sách. Cậu có thể thêm thắt những điều không có hoặc có khi chẳng hề có. Chữ giúp cậu biến không thành có, biến có thành không. Tóm lại, bịa. Bịa, nói trắng ra là nói láo. Nhưng bịa chuyện của ai đó, có lớp có lang, có câu kéo thì nghe ra…chẳng bịa tí nào. Chẳng là, ngay từ lúc còn bé tí, khi chưa biết viết biết đọc, cậu đã sống trong không khí của chuyện bịa rồi như cô Tấm cô Cám,  Thạch Sanh Lý Thông…Chuyện mang cậu vào một thế giới hoàn toàn khác, hư thực nhập nhằng. Để sau này cậu là nhà văn viết truyện hư cấu. (…)

Nghe thủng xong chuyện của nhà văn họ Trần, bạn đọc như xẩm sờ voi dậy rằng “cậu Hùng” chạy trời không khỏi nắng hậu sự sẽ lên cơn đồng thiếp với…“hư cấu”, đồng cô bóng cậu với…“hoang tưởng”. Bạn đọc búng lưỡi cái tách: Nghiệp rồi. Vướng nghiệp rồi.

Ừ thì chạy trời không khỏi số vì giầy dép còn có số nữa là…là bằng vào…

Năm 54, mười tuổi đeo tàu há mồm vào Nam…

“Cậu” cũng vác ông nhà văn họ Trần theo với “tập làm văn, “cậu” bắt chước những câu kéo hay ho trong sách. “Cậu” có thể thêm thắt những điều không có hoặc có khi chẳng hề có. Số là nhà “cậu” ở đường Cống Quỳnh có tiệm cho thuê truyện, dường như có túc duyên với chữ nghĩa, “cậu” ngấu nghiến Giai thoại trạng Quỳnh nên con đường lạc vào văn học sử không khá giả lắm. Năm trung học đệ nhất cấp, trường làm bích báo treo tường, nhờ gốc gác đọc “Vàng và máu” nên lân la làm quen với Thế Lữ với Hổ nhớ rừng. “Cậu” bèn làm thơ bích báo. Thằng khốn khổ, khốn nạn nào đó vì ghen tài “cậu” quẹt mấy chữ ngay bên cạnh “tác phẩm” đầu đời của “cậu”. Mà cái thằng dốt đặc cán mai này chả biết chữ “đạo văn”, “đạo thơ” nên nó quại nguyên con, nguyên câu: “Ăn cắp thơ…bà Huyện Thanh Quan”. Thế là mộng làm thì sĩ của “cậu” đành treo gác bút. “Cậu” chỉ tiếc hùi hụi hậu vận nếu thi tài không ngang hàng thi bá Vũ Hoàng Chương thì cũng ngang tầm thi bá Đinh Hùng chứ đâu có đùa.

Thế nhưng trong cái rủi có cái may,…may mà nhờ đọc Trạng Quỳnh nên nói dối như cuội, nhờ đó ngộ chữ tôi tới cái tuổi nhầng nhầng đã có bồ nhí. Thề trước bóng đèn hột vịt, chả hiểu sao cuỗm được cái tú kép. Thế là ngộ chữ tôi xuất dương tầm sư học đạo. Trong va li nhét hai tập cổ thư để viết thư tình: Ấy là Thơ Nguyên Sa chui rúc trong đầu ngọ nguậy thế này đây…

Paris có gì lạ không em
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen.

        Và Đời phi công của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với mỗi chương là một lá thư tình bắt đầu với tên người tình của ông: Phượng. Đến tay ngộ chữ tôi bèn hư cấu thành: Phượng em hay Phượng yêu. Đúng là bị giời đầy, ngộ chữ tôi số ăn mày bị gậy phải mang nên có 4 (bốn) cô Phượng khác nhau. Ngày ấy Ga Lyon đèn vàng cầm tay em muốn khóc vì chưa có máy phô-tô-cop-py, vì vậy ngộ chữ tôi phải viết bốn cái thư giống in hịt nhau chỉ khác…cái tên. Và chép tay muốn…khóc luôn với trời mùa đông Paris, chưa bao giờ buồn thế!.

        Năm 75 đứt phim, đu tàu hải quân qua Mỹ…

       Ngộ chữ tôi thêm một lần cõng theo ông nhà văn họ Trần tên Nho…

(…) Thế mới hay, chữ không còn viết mực, viết máy, viết chì để viết mà là “đả tự”, là đánh (máy), là gõ (bàn phím), là sao chép và dán (copy & paste). Từ chữ thủ công lên đến chữ công nghiệp. Từ chữ thực đến chữ…ảo. Ảo hay thực thì chúng cũng đều có thể tạo ra chuyện.

Chữ nghĩa mang ít sáng tạo đầu tiên trong đời tôi là …viết thư tình. Bị một cô hàng xóm ám ảnh, tôi sử dụng số vốn chữ ít ỏi của mình để bịa tình. Tôi bỏ món tình chữ vào cái hộp. Nàng mở hộp, lấy món tình ra và… đọc. Đọc nhiều lần quá, nàng (có lẽ) cảm động bèn gửi biếu lại tôi món tình nàng, cũng bằng …chữ. Cuối cùng, bịa mà thành thực. Nàng yêu tôi. Ba chữ. (…)

       Bỏ nước ra đi…Ra đi gặp vịt thì lùa, gặp duyên thì kết, gặp chùa thì tu như…vướng nghiệp với chữ. Chuyện nhè vào cái tuổi tam thập nhi lập, thiên hạ sự lập nghiệp thì ngộ chữ tôi lập thân “tối dạ” thị văn chương khi gặp bạn cũ trường xưa nên nhập hồn nhập vía vào chữ nghĩa. Rất thật với bạn đọc đứa nào nói láo đội nồi cơm là để…“khoe chữ”. Xuôi theo dòng đời, thế là “văn chương” tự cổ như danh tướng, bất hữu nhân gian kiến bạch đầu theo ngộ chữ tôi cho đến bạc đầu: Đầu tiên là kỳ óc ra viết truyện tình, viết hùng hục như trâu húc mả hết Tình đầu, tới gõ chữ lộp bộp như gà mổ mo đến Tình giữa và ngơ ngác như bò đội nón tới Tình cuối.

Bạn đọc ngất ngây con gà tây vì đi Tây è cổ gánh vác tới bốn cuộc tình cùng một lúc không thấy nặng sao. Sau 75, bám tầu Mỹ qua đây khuân thêm tình này tình kia! Bịa chăng! Ừ thì đành thề thốt rằng “ngoa ngữ” của bạn cũ trường xưa dưới đây không hẳn là…bịa tạc.

(…) Từ những ngày đầu, lúc đám bạn học cũ mới tìm lại được nhau, họ Phí hào hứng gửi những “Tình đầu…”, “Tình giữa…” “Tình cuối…” cũng đáng để ý vì gợi được sự tò mò của bạn cũ…Nhưng so với bây giờ thì những bài văn lúc đầu này chỉ như là những bài “tập làm văn…lớp 5 tiểu học”. Đề tài này hình như không gây được nhiều chú ý của bạn bè vì họ Phí không dụng công phu nhiều và chỉ viết như một cách “ghi nhớ kỷ niệm xưa”, dĩ nhiên họ Phí là kẻ “nòi tình”, chuyện kể lại là “kỷ niệm ..sống thực” của chính tác giả, với một chút mắm muối gia vị cho có vẻ “văn chương…lãng mạn”. Những chuyện tình yêu này được viết bằng lối văn “hoài niệm” nên lời văn trong sáng và hợp lý theo thứ tự thời gian …Rồi đến những bài viết về chủ đề “cuộc chiến” hay những chuyện có liên hệ đến “cuộc chiến đã phai tàn”…thì (…)

Thì bạn đọc ngẫn ngẫn rằng ông Tô Hoài kể chuyện người viết tựa dùm chả chịu đọc tác phẩm cứ viết bừa nên nghe chả tin được! Ừ thì những chuyện cóc cáy này thiếu giống. Như:

(…) Trong một lần ra mắt sách, ông Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng câm và ông Vũ Thư Hiên so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân. Nếu tôi (Đặng Trần Huân) không lầm thì hình như Kim Lân chỉ có một tác phẩm khá hay có tên là Vợ nhặt. Bây giờ ông Vũ Thư Hiên ca tụng Kim Lân với truyện Thằng câm: Truyện này Kim Lân…chưa viết!. (…)

Thế mới kinh chứ! Vì vậy mới có chuyện ra mắt sách, thưa bạn đọc.

***

       Đùng một cái 75 đứt phim, đu tàu Mỹ qua đây “ngụ cư”, trong khi ngộ chữ tôi đánh vật với cơm áo gạo tiền thì thiên hạ sự tiêu pha chữ nghĩa cùng Những trận chiến cũ. Những mất mát đau thương. Những đất khách bơ vơ, Những hình bóng xưa, v..v…Họ là những nhà văn lưu vong góp nhóp với “Tại sao viết? Viết cho ai?” qua mỗi ngữ cảnh, mỗi cảm khái khác nhau…

(…) Tôi là nhà văn sống và viết. Tôi tìm chất liệu ở con người thật của tôi. Khi tôi ở trong quân đội, tôi viết về người lính, khi tôi đào ngũ, tôi viết về kẻ đào ngũ, khi tôi trở lại đơn vị bị giáng lon, thì viết về tâm trạng của người lao công chiến trường… Khi tôi ở trong trại cải tạo, tôi viết về sự thật cảnh tôi vồ chụp lấy thau cơm của bạn tù vì quá đói. (…) – (Trần Hoài Thư)

       Qua người cầm bút đứng bên lề cuộc chiến….

(…) Điên sầu có lẽ là động cơ để viết. Viết cho giết hết mọi hoang liêu? Mới đầu hăm hở viết. Trút tâm sự nhớ nước nhớ nhà vào trang giấy! Thấy đơ đỡ… buồn. Bèn viết nữa. Ngày nọ qua tháng kia, nỗi buồn vẫn còn nguyên đó. Đọc lại văn, càng thêm ngao ngán. Bởi vì văn chương không chỉ là nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, điều cuối cùng vẫn là ý hướng muốn sống và muốn viết. Tôi tự hỏi “Sống để làm gì?”. Câu hỏi ấy bám lấy tôi cho đến một hôm bật ra tiếng trả lời: “Sống để viết”. Có lẽ, với tôi, bây giờ là câu tôi vừa ý nhất. (…) – (Tường Vũ Anh Thi)

Cùng chuyện người chuyện ta…

Thêm một cái “đoàng” nữa nhè vào một ngày…ngày qua tháng lại, nắng trưa mưa tối, ngộ chữ tôi tôi quáng quàng chuyện viết lách ở cái tuổi hơi trễ nải. Vào lúc người khác đã bẻ bút, thong dong cùng ngày trời tháng Bụt thì ngộ chữ tôi lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc. Thoạt đầu trộm nghĩ chả phải là nhà văn, nên chả cùm nụm cùm nựu với câu hỏi “Tại sao viết? Viết cho ai?”. Thú thực, ngộ chữ tôi cảm thấy thích viết vậy thôi. Như đã thưa thốt ngộ chữ tôi viết thư tình rồi quen tay và viết cho bạn cũ trường xưa riết róng thành cái nghiệp.

Để thai nghén và đang bụng mang dạ chửa bài tạp bút Vướng nghiệp này đây.

Nếu như bạn đọc ngất ngư con lạc đà và hỏi thật không? Nói cho ngay, ngộ chữ tôi lấy cái thật để làm cái giả, với chữ là nghĩa hiện thực giả hư cấu thật. Như gặp bạn bè trong lúc tửu lạc vong bần, rồi góp nhặt sỏi đá qua chuyện kể lể, hiểu chả là như thị ngã văn. Lại nữa, có một dạo ngộ chữ tôi cỏ hoa lạc lối dẵm lên con lộ chữ nghĩa của những người đi trước, và i xì như cái đèn cù xoay quanh những trận chiến cũ (bạn bè kể lại), những mất mát đau thương (vợ mất), những đất khách bơ vơ (gà trống nuôi con), những hình bóng xưa (đang ở Sài Gòn).

Như bạn cũ trường xưa đã hòm hõm những bài viết về cuộc chiến đã phai tàn, ngộ chữ tôi đục chữ đẽo câu dựa hơi thằng bạn lính ở ngoài trận địa (ngộ chữ tôi ở trong…thành phố):

(…) Người mặc áo có gắn phù hiệu của tiểu đoàn 5 không bị thằng Việt Cộng này bắn nhưng bị thằng Việt Cộng khác bắn. Người mặc áo có gắn phù hiệu tiểu đoàn 3 bị bắn bởi thằng Việt Cộng không bắn người mặc áo của tiểu đoàn 4. Chúng tôi lột hết bảng tên và phù hiệu tiểu đoàn. Cuộc bắn giết thưa dần rồi chấm dứt. Để rồi chấm dứt như trong Vài mẩu chuyện mà thằng gãy súng đã buông bút. Vì: Chiến tranh đã hết rồi mà. (,,,)

Với những mất mát đau thương thì gọt chữ đẽo câu về quê nhà (về Sài Gòn lấy vợ…trẻ):

(,,,) Một nhẽ khác nữa là trào lưu văn học hôm nay, có hội chứng cho rằng người viết ngòai nước như bật ra khỏi cái gốc, cái rễ của cây đa bến cũ, con đò xưa, nên đánh mất bản sắc, chữ nghĩa đầy rẫy những tha hóa vong thân. Vì vậy tôi đành khăn gói gió đưa về quê nhà, nghe tận tai, nhìn tận mắt, hiểu theo nghĩa là mục sở thị chứ chẳng phải là dệt chuyện”. (,,,)

Hoặc giả với biên khảo,…biên chép, chạy trời không khỏi nắng câu kết bao giờ cũng chẻ câu vót chữ cho nhọn hoắt (ngại bạn đọc chửi cho rỗ mặt):

(…) Người sưu tầm sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ để có bài sưu khảo này. Nhưng cái sẩy nẩy cái ung là sàng lúa ra thóc, lại sẩy thóc ra trấu với những nguồn trích lục cứ “hục hặc” nhau mà người sưu tầm thiên bất đáo, địa bất chi. Thế nên trăm sự nhờ bạn đọc thông thiên địa nhân viết nho, thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự trông giỏ bỏ thóc dùm. Xin ghi lòng tác dạ với muôn vàn cảm tạ – Nay cẩn thư. (…)

Sàng chữ sẩy câu đổ vào bồ chữ, thế là ngộ chữ tôi có…Một chút dối già.

       Bỗng dưng bạn đọc hoắng huýt rằng “giối già” chứ chẳng phải…dối già. Lý sự này ngộ chữ tôi lựng bựng theo cụ Trần Dần: “Chữ là nghĩa”. Ngộ chữ tôi…ngộ ra chữ cột với nghĩa. Mà nghĩa thì giời ạ, mông lung, bất định. Lắm khi chữ một đàng nghĩa một nẻo chả biết đâu mà lần. Bèn lần mò ăn mày chữ nghĩa trong Chữ nghĩa làng văn của cụ Ngộ Không. Cứ theo cụ mọt sách mọt chữ thì giối, biến thể ngữ âm của trối. Mà “trối già” là làm việc gì được coi như là lần cuối trong đời. Còn “dối già” là làm việc gì để nhân sinh quý thích chí trong tuổi già.

Vậy mà bạn đọc già như quả cà chả chịu hỏi bút danh ta đây gì sất, bèn dón chuyện rằng muốn có bút danh ngon cơm: Ta đây phải theo người thơ Nghiêu Minh lặn lội vào chùa hỏi sư, hỏi Phật Vào chùa ta hỏi Phật – Phật nhắm mắt lặng thinh. Cho đên một ngày thiên địa tù mù…

Ta lang thang vào tiệm

Gọi chai bia ngồi đồng

Chợt nhìn ông thổ địa

Cười nhìn ta: Ngộ Không

Nhưng không ngon như ăn óc chó vì bút danh dây mơ rễ má đến cái tuổi thân chết tiệt với Tôn Ngộ Không. Theo Ôta Tatsuo, chữ “Không” trong Ngộ Không lấy từ câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” của Bát Nhã Tâm Kinh để giới răn đe tính…háo sắc. Nghe không…xong!.

Đành bám víu vào Isobe Akira cho biết trên thực tế có ông sư hiệu Ngộ Không, người đời Huyền Tông đi lấy kinh ở Tây Phương cực lạc, cực khổ khác gì con khỉ Tôn Hành Giả. Bởi nhẽ đó từ ông sư hiệu Ngộ Không. Ngộ chữ tôi…ngộ chứng ra mình là…thiền sư. Quá đã!

Ôi thôi gì mà óc ách từ thiền thật đến thiền giả nên bạn bè hỏi bút danh nghĩa lý gì đành bí rị: Ngộ Không là…không ngộ. (ra ý ngộ đây tiếng Bắc là…hâm hâm, tiếng Nam là…mát mát).

Bút danh được hặm hụi chữ thư pháp trên bìa sách để in ấn Một chút dối già. Vì không là hàn nho mãi tự nên gửi bạn bè như một món qùa chữ nghĩa. Đủng đoảng thế quái nào một bạn văn đưa lên mạng lưới bài văn thuộc dạng ngự sử văn đàn với tựa đề: Từ chàng in sách.

(Về người bạn văn này với trường phái “Văn chương ai điếu”, xem Một chút dối già – Tập 5)

Ý đồ bạn văn là khọm rồi,…ra mắt với đời đi chứ trước khi về với ông bà. Nghe phát khiếp! Vì ra mắt sách như ra mắt cô dâu với khăn đống áo dài, nẩy sinh tập tục áo thụng vái nhau cộp cộp như con bửa củi. Bởi nhẽ ấy, phán quan Đặng Trần Huân phang ngang bửa củi:

(…) Việc “ra mắt sách” đưa đẩy người viết xa rời thực tế. Trường hợp điển hình là nhà văn Hồ Trường An khi viết tựa cho tác phẩm của một nhà văn nữ, ca tụng tác phẩm chưa đủ, ông còn ca tụng cả nhan sắc của tác giả mặc dù ông chưa gặp mà chỉ nhìn qua ảnh. Ông viết:

“Ở bìa sau quyển sách có in tấm ảnh màu của chị…Có lẽ đem thơ của cụ Nguyễn Du khi mô tả Thúy Vân: “Vân xem trang trọng khác vời – Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Thì đúng diện mạo chị…ngay. Khuôn mặt chị tròn nét mày hơi dầy và đậm nhưng tỉa gọt thanh nhã. Thúy Vân có thêm Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trên tấm ảnh kia, nụ cười của tác giả…tươi ơi là tươi, phô bày đôi hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn: Đoá hoa cuời”. (….)

Cười không nổi, bèn lẫn đẫn chuyện ra mắt thơ ở thành phố Hút-tân.

Ông nhà thơ Hút-tân đăng đàn giới thiệu thơ và người thơ ngục tù Nguyễn Chí Thiện thì ít mà ông nói văng mạng về thơ và “cái tôi” của ông thì nhiều. Chuyện một ngày như mọi bữa tập tục ra mắt sách do nhà văn Duy Lam kể lại: Lần đầu tiên ông tham dự giới thiệu sách của bạn văn ông. Sau khi MC giới thiệu “thân thế sự nghiệp” bạn ông, ông ngỡ ngàng vì bạn ông trở nên…một người xa lạ. Từ đó, ông cạch đến già không bén mảng đến…ra mắt sách nữa.

Gần đây có “hội chứng” mấy ông chủ trì hội thoại trên TV, đài phát thanh nhẩy bổ vào văn đàn ra mắt sách làm MC. Khổ nỗi lại giống chuyện người viết tựa dùm không đọc tác phẩm của tác giả. Thế nên họ lang thang lếch thếch với văn hoá ra mắt sách một hồi với nhà không số phố không tên rồi…lạc đường vào văn hoá phố, văn hóa phường hồi nào không hay.

Bèn hình dung đến một ngày không có mây sao có mưa, một MC “trân trọng” giới thiệu tác giả là “một tôi” xong. Xong xuôi rồi xin một tràng pháo tay thật to, “một tôi” mặt đực ra như ngỗng đực chả biết “một tôi” là ai. Và hoang tưởng tiếp đến phần tiệc trà, gặp “quan khách” ai nấy đều chào hỏi “một tôi” là: Nhà văn. Ấy là không tưởng thôi, thảng như có thật, ngộ chữ tôi lại ngỡ mình là nhà văn thật thì bỏ bu. Và chắc như gạch nung sau đấy mắc chứng hoang tưởng văn mình vợ người (sau đó không đọc văn của ai khác). Thêm bệnh giời bò,…bò đi đâu gặp ai đó chỉ đợi hỏi có “tác phẩm” mới nào chưa? Để nổ bậy, nổ như kho đạn Gò Vấp. Vì đâu phải có một hai tác phẩm là…nhà văn, nhà thơ. Thế mới rõ khỉ. Thế nên ai đấy đã bòn vót…

(…) Một tác giả có nhiều tác phẩm xuất bản chưa chắc là tác giả nổi tiếng. Ngược lại, một tác giả không có tác phẩm xuất bản cũng chưa chắc là tác giả tầm thường. Một ví dụ là thơ Vũ Hữu Định. Ai lại không nhớ những câu thơ như Em Pleiku má đỏ môi hồng…(…)

Tác giả và tác phẩm bòn gio đãi sạn xong, ngộ chữ tôi lang thang như thành hoàng làng khó để rình rình…lang thang qua trường phái “Văn chương ai điếu”. Với ai điếu chết kèn trống, sống dầu đèn thì ra mắt sách cũng có kèn trống đầy đủ lễ bộ nên tốn kém cũng bộn. Mọi nhẽ chỉ thiên hạ sự mua danh ba vạn bán “văn” ba đồng vì cái danh: Nhà văn.

Bởi vì con người ta sống trên đời, vô danh thì dễ, thưa bạn đọc.

Nghe vậy bạn đọc giục giặc “Nhà văn là ai? Họ viết cho ai?”. Nói cho ngay, ngộ chữ tôi ăn mày chữ nghĩa của ai đó …

(…) Những nhà văn, sở dĩ là nhà văn, bởi vì họ biết cách trình bầy thế nào để những điều hết sức dễ hiểu thành…khó hiểu. (…)

Còn nhà văn viết cho ai ư? Theo ngộ chữ tôi đùm đậu: có nhà văn viết cho nhân sinh hôm nay. Thì có nhà văn viết cho mai hậu (khi rày người đọc một thước hai thước hết rồi), viết cho đám hậu bối (hậu sinh không rành tiếng Việt). Nói cho lắm tắm cởi truồng hay là hãy vay mượn nhời nhẽ của người ngự sử văn đàn Saint Beuve đã nhận dạng: Họ viết cho…cái tên của họ.  

Bạn đọc lại chết kèn trống, sống dầu đèn với: Nhà văn là ai? Vì bạn đọc tịt mít rằng muốn là nhà văn thành danh phải…chết trước đã. Với chết chóc thì: Nhà văn là…thượng đế!.

Vì nếu bạn đọc là “nhân vật” trong tác phẩm của nhà văn. Sướng nhá. Nhưng vì nhà văn là thượng đế nên buồn tình cho bạn đọc (nhân vật chính) chết tức tưởi ngay ở…chương đầu.

       Bạn đọc sợ chưa! Vì vậy mới có trường phái văn chương ai điếu, thưa bạn đọc.

***

Trước 75, ở miền Nam không có tập tục văn hoá “Ra mắt sách”. Qua đất tạm dung, một sớm một chiều có thêm văn chương lão hoá, kéo theo một số nhà văn hải ngoại rơi rụng dần, với tre già măng mọc…mọc lên một nữ nhà văn trẻ măng xuất thân,…xuất thần từ trường phái “Văn chương ai điếu”. Bạn văn nghiệp dư bộc bạch: “…tôi làm liều viết chơi một bài điếu văn” qua bài phiếm Một chốn để về và đầu trở xuống cuống trỏ lên thề này đây…

(…) Mấy năm trước khi tôi còn là tay mơ chưa quen biết ai thì nhờ vào cáo phó mà biết một vì sao vừa chợt tắt. Một lúc nào đó tôi làm liều viết chơi một bài điếu văn, không ngờ rất được thưởng thức. Kể từ đó, dần dần người lạ mách người quen mà tôi được nhờ viết điếu văn dài dài, bi zi nét ngày một khá. Ai không quen biết tôi tra tiểu sử liệt kê tất cả mọi chi tiết thành đạt của người ấy, tất cả những lời khen đã từng được trao ra. Với người tôi thích hay có quen biết thì tôi đổi giọng nỉ non ngậm ngùi thương tiếc.(…) Bây giờ tôi xông cả vào lãnh vực giới thiệu văn thơ. Kinh nghiệm điếu văn giúp tôi viết được cả năm bảy trang giấy mà không cần rõ nghĩa, bởi tôi cũng đâu thực biết văn chương là gì. Tôi rất hài lòng về thành tích của mình, bởi viết lách mà được nhiều mối như vậy thì rõ ràng là chữ nghĩa của tôi phải rất có chiều sâu và trọng lượng. Tôi cũng nghĩ mình rất quan trọng, bởi một tên tuổi mất đi mà thiếu sự tiếc thương cần mẫn thì nó eo sèo nhân thế lắm, thế giới chữ nghĩa này làm sao có thể thiếu được tôi (…).

Nếu như ra mắt sách sinh sau đẻ muộn thì văn chương ai điếu, theo ngộ chữ tôi tầm chương trích cú xuất hiện từ thời Tản Đà, khi cụ về trời bán văn, ông Nguyễn Tuân đã viết Chén rượu vĩnh biệt để tiễn biệt cụ. Đến nay văn phái ai điếu đông như quân Nguyên qua một số người chỉ đợi nhà văn, nhà thơ nào có danh phận, họ làm đám ma khô (vì chết ở xa) mâm cao cỗ đầy với ơn bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi và họ làm văn tế ruồi đại loại như…phở:

(…) Nhà thơ Hà Thượng Nhân viết bài khen bài Bát phở đầu đời của Nguyễn Tử Đóa như sau: “Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thẳm sâu”. (…)

Vì ông Bạch, ông Đỗ sơi phở nên hai cụ Nguyễn Tuân, Vũ Bằng chạy te. Nên văn phái ai điếu không thiếu những hỉ, nộ, ái, ố vì một người mới hai tấm ngắn bốn tấm dài, chưa kịp cái quan định luận đã có người dựng quan tài dậy gõ…gõ như Trang Tử…gõ bồn. Thêm chuyện khi sinh tiền người làm thơ và người viết phiếm chửi người vắng như mắng người chết, nhưng khi người viết phiếm về với cõi thì người làm thơ…làm thơ ô hô ai tai như cha chết mẹ chết.

Ấy là trong chốn trường văn trận bút, văn chương ai điếu có chuyện mà ngộ chữ tôi không đủ chữ nghĩa để dàn trải những ngậm ngùi bên bờ tử sinh với sinh lão tử bệnh…

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trong đỏan văn viết về Nguyễn Tất Nhiên nhân cái chết của nhà thơ năm 1992, đã mở đầu như sau: Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày. Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa. . . “. Gặp buổi mưa chiều gió sớm một môn sinh gặp lại ông thầy cũ Nguyễn Xuân Hoàng khi ông đang bên bờ tử sinh và ông sẽ không rơi vào quên lãng. Vì với người môn sinh ngoài tình nghĩa giáo khoa thư. Còn cái tình chữ nghĩa, người môn sinh biết rằng mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi qua một kiếp phù sinh nên đang trăn trở cho…một ngày.

       Bạn đọc bối rối nhìn trời nhìn đất và bơ bải làm nhà văn có khó khăn lắm chăng?

Ừ thì để là nhà văn không khó lắm. Tất nhiên nhà văn phải biết cách…chấm câu. (Phùng Nguyễn). Nếu chữ là yếu tố của câu. Câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ đắt. Câu, chữ, quánh, nén, tạo ra một thế giới đơn giản, rất ít lời, lại nhiều việc. Hơi chữ bốc lên hăng hăng và cay không kém gì mùi ớt (hiểm).thì những câu mới tạo nên một bài văn có văn phong.

(…) Văn phong của Du Tử Lê và Mai Thảo có nét chung là cầu kỳ, trau chuốt. Cái khác nhau là trong lúc Du Tử Lê tiết chế, chọn lọc thì Mai Thảo phóng túng. Những con chữ óng chuốt, mượt mà được Mai Thảo thả rong trên trang giấy. Đọc Mai Thảo, tôi tưởng như chữ đẩy mình trôi, trôi mãi trôi hoài, không biết sẽ đến đâu. (…) – (Trần Doãn Nho)

Theo Mai Thảo: “Nhà văn nên biết chút ít chữ Hán. Nếu viết văn không có chữ Hán giống như ngồi ghế không có cái dựa lưng”. Ngộ chữ tôi với bất khả ngôn truyền, nôm là không nói ra được bấy lâu nay…Nay với Mai Thảo, dậu đổ bìm leo qua cuộc phỏng vấn giữa hai nhà văn

(…) Trong truyện có những câu: “tốt số hơn bố giàu” hay “bắc bếp nấu ăn, nằm lăn đánh bạc”. Có phải nhà văn Lê Minh Hà ảnh hưởng tiếng ru ca dao tục ngữ của mẹ và bà?

– Bà nội tôi không biết chữ, nhưng nói mười câu là phải ba bốn câu ca dao tục ngữ. Và những bà lão nhà quê mà tôi có dịp hóng chuyện. Họ là một kho từ ngữ ca dao đầy biến ảo.

Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm, chỉn chu. Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả không?

– Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà, các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Và nói chung, nhiều chữ tôi dùng hiện vẫn được sử dụng hàng ngày ở VN. Vậy thì đâu có cần chú thích. Vì đó là ngôn ngữ văn học không phải là ngôn ngữ thống kê học.

Nếu người đọc không nắm bắt được thì có thể là tôi đã không chọn từ đúng rồi. (…)

Từ hai nhà văn Hà Nội trên, ngộ chữ học mót chữ của ông Tô Hoài…

(…) Ông rất chú ý học chữ và chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì học được. Ông phân biệt cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”. (…) – (Nguyễn Đăng Mạnh)

Mượn lược thầy tu thì nhà văn phải biết chơi chữ như các cụ ta xưa chơi câu đối, thả thơ (chọn chữ). Với ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu nôm là chữ dùng không làm thiên hạ giật mình thì chết không…nhắm mắt. Nhà văn tìm được chữ “cấu” vào hồn thi lạc bất khả ngôn, là sướng tê người không nói được. Như nhà văn Võ Phiến “lực đực” dưới đây, thưa bạn đọc…

(…) Tôi đang xun xoe khám phá ra địa phương tính trong cái mới thì chợt nghe bên tai một tiếng cười nghịch ngợm, ngang tàng, của Trần Dần. Bài Thằng thịt của ông viết năm 1962:

Vũm vĩm, đưa đảy

Một cột thịt lực đực vọt đứng

thồn thỗn ao thịt

      Vũm vĩm, lực đực, thồn thỗn, e khó bề gặp được trong tự điển. Lời giải đáp chưa thấy, nhưng hiểu đại khái, cảm xúc mơ hồ. Không hiểu. Nhưng nghe thấy hay hay lực đực….

Xưa nay, trong quá trình tiến hóa vẫn có cái được giữ lại, lại có những cái bị đào thải, dần dần mất dạng. Đến nay đã có bao nhiêu thứ tiếng nói xấu số tàn rụi, chết đi, rồi mất tích? Tử ngữ la liệt. Ngôn ngữ vẫn còn táo bạo, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con tới tấp những thồn thỗn kháu khỉnh…vũm vĩm! Thích nhá! (…)

***

Nằm gác đầu lên gối sách bấy lâu, vắt tay lên trán tự thấy mình nhuốm màu mực tầu giấy bản qua nhân sinh đầy rẫy những cửa tiên công xây đắp đỉnh chung với những bèo trôi xốc nổi. Một chiều ngộ chữ tôi…ngộ ra vèo trông lá rụng đầy sân, công danh phù thế có ngần ấy thôi nên cảm khái công danh phù thế chẳng qua là hư ảo của thế tục, chỉ là giấc mộng đầu hôm cuối bãi…nên ngộ chữ tôi viết cho nhân sinh quý thích chí, cứ ngay đơ là viết để dối già…

Một ngày bạn hỏi viết văn hả? Nghiệp rồi! Từ ngày ấy ngộ ra hai chữ: Vướng nghiệp.

Thế nhưng “chữ” không ngon sơi như nhà văn Trần Doãn Nho vật lộn với chữ nghĩa…

(…) Sau này, nghiện văn, tôi sa đà với chữ. Không từng con chữ một, mà là từng loạt chữ, nói cho văn hoa là …sáng tác. Lúc đầu, tôi cố cố đẻ chữ, chế chữ, vặn vẹo câu kéo với mục đích chuyên chở chữ nghĩa. Mà chở nặng quá, chữ không bay được lên trời, không bơi được ra biển lớn. Không…văn chương. Thôi thì hãy đùa chơi với chữ. Nghiệm lại, những áng văn hay thường bịa nhiều hơn thực. Cái hay khó tách lìa khỏi cái bịa! Nói bịa, nghe bôi bác.

Xin nói lại: Hư cấu.

Hư cấu chẳng là bịa sao, nhưng nghe đã hơn nhiều! Vì sao? Có lẽ vì chúng là…chữ.

Chữ đuổi bắt nhau, vật lộn nhau ngay trước mắt nhưng ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi chữ (…)

Ấy vậy mà vẫn không thoát nợ với chữ, với nhà văn Phùng Nguyễn…

(…) Chữ không là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy hay biết nhảy múa. (…)

Ấy đấy khởi đầu ngọ nguậy viết thư tình, viết truyện tình. Đến cái tuổi quy khứ lai từ, những người tình lần lượt rủ rê nhau trốn vào quá vãng. Thất tình, ngộ chữ tôi tỏ tình với chữ nghĩa. Bây giờ ngộ chữ tôi chỉ còn “người tình chữ nghĩa”. Trăm tội ở nhà văn Henry Lewis Mencken súi dại: “Viết văn cũng như làm tình”. Bởi lý do thồn thỗn ấy vào một ngày mây đơ đơ nắng ong ong, ngộ chữ tôi làm một đám cưới rất thương tâm với…người tình chữ nghĩa.

(…) Tôi mê muội chữ nghĩa đến độ nhìn cái gì tôi cũng thấy ra hình chữ. Ngay cả vợ tôi cũng xuất hiện dưới mắt tôi như một con chữ ngọ nguậy. Con chữ ấy nói chuyện với tôi, cơm nước cho tôi, săn sóc tôi, vuốt ve tôi, hờn giận tôi. Con chữ ấy quằn quại và lâu lâu lại rên lên khe khẽ dưới bụng tôi. Ðến khi con chữ ấy bỏ tôi ra đi, ngồi một mình trong căn nhà lặng ngắt, tôi mới thấy, thấp thoáng từ xa, thật xa, hình ảnh thật, bằng xương bằng thịt…

Lần đầu, tôi làm tình với chữ nghĩa. (…)

Ngày tháng như quạ bay ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, chợt hãi hùng hoàng hôn trờ tới: Ngộ chữ tôi hoá thân thành…lão. Đến niệm khúc cuối đây, lão mang nỗi ám ảnh khôn nguôi: Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.(Nguyễn Hưng Quốc). Cho đến ngày vợ lão vào chùa quy y ăn chay niệm Bụt, nhằm vào lão hong hanh ở cái tuổi bóng ngả đường chiều. Lão mới ngộ chứng ra: Nhà văn là gì. Nhà văn là “làm sương cho sáo”, nôm là làm sao cho sướng, bằng cách thủ dâm với chữ nghĩa. (James Joyce)

***

Từ ngày hoá thân thành lão…Lão nhập hồn nhập vía cùng ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, trong cõi mụ mị lão gõ chữ như mõ sớm chuông chiều từng dấu phẩy, dấu chấm, để cho ngòi bút đẩy đưa như bèo dạt nổi trôi về…một bến cô liêu.

Lão mường tượng mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, lão ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút dối già để tìm thời gian đánh mất. Cho đến lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, nắng quái chiều hôm chụp xuống cái tuổi lá xanh lá vàng. Lão nhẹ dần theo mây khói với ngày qua tháng lại, không còn biết mình đang ngồi đây hay mây đang bay trên trời cao trong những ngày nhạt nắng…

Nay xin thưa.

 

Thạch trúc gia trang

    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng         

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search