T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Những trang thư viết tay

clip_image002

Một trang thư viết tay

anh cầm thư em nhớ nhà ghê lắm
bởi thư không chứa hết một quê nhà
nét chữ nhỏ cứ trồi lên trụt xuống
như nỗi niềm dằn xóc những ngày xa

(Thơ Hòang Lộc)

1.

Những ngày cuối năm Tây tình hình kinh tế ở nước Mỹ cũng như thế giới không thấy gì hứa hẹn tốt đẹp cho một năm mới sắp đến. Đã vậy, sở Bưu Điện Hoa Kỳ – nơi tôi làm việc – lại còn thông báo một cái tin tệ hại nhất trong gần 40 năm từ ngày cơ quan liên bang này được họat động độc lập và hòan tòan tự túc về tài chánh (có nghĩa là không nhận tiền từ ngân quỹ quốc gia). Năm tài chính 2010 (tính đến cuối tháng 9), Bưu Điện Hoa Kỳ lỗ 8.5 tỉ Mỹ kim. Đó là một con số không nhỏ cho một công ty thương mại với số lượng nhân viên gần 6 trăm ngàn người trên tòan liên bang. Nguyên nhân chính là luợng thư từ bưu kiện bị giảm sút trầm trọng, vừa vì kinh tế suy thóai, vừa vì sự cạnh tranh của điện thư, điện thọai. Tôi làm việc ở phòng thống kê, nên được biết khá rõ lượng thư lưu hành hàng ngày, ít nhất là trong phạm vi địa phương.

Hôm nay vào sở, như thường lệ, tôi pha ly cà phê đầu ngày làm việc, kèm theo đó là bình trà để dùng cho suốt 8 tiếng đồng hồ sắp tới rồi mở máy computer cùng với các thủ tục an ninh network rườm rà. Trên màn hình hiện ra con số thống kê mới nhất về lượng thư gởi trong mùa Holiday được cập nhật liên tục bởi văn phòng thống kê trung ương của hãng. Thiệp Giáng Sinh giảm đáng kể so với cùng thời kỳ năm ngóai. Đã sang tuần lễ bận rộn nhất của tháng 12. Ai muốn gởi thiệp chúc nhau nhân dịp mùa lễ hội thì chắc cũng đã viết và gởi rồi. Vẫn biết những tấm thiệp chỉ mang một nội dung và ý nghĩa có tính cách ước lệ, nhưng ít nhất, trong một năm, đây là dịp duy nhất (?) người ta viết cho nhau bằng . . . chữ viết tay. Điện thọai và điện thư đã thay thế cho những nhu cầu giao tế, thông tin, liên lạc rồi. Dịp duy nhất trong năm cầm cây viết lên (lọai trừ việc cầm viết để ký biu ký bọng ra một bên), người ta cũng đã muốn buông xuôi.

Tôi bâng khuâng nhấm nháp ly cà phê đang nguội dần. Chẳng phải vì tương lai bấp bênh của hãng trước lượng thư từ ngày càng giảm sút. Dù sao thì cơ quan Bưu Điện vẫn chưa thể ra khỏi đời sống thường ngày của người dân Mỹ. Những mớ junk mail vẫn phải nằm trong hộp thư gia đình mỗi ngày, dù chỉ để cho gia chủ tiện tay vất vào thùng rác bên cạnh. Cả thế kỷ nay, người Mỹ đã quen lệ mở hộp thư mỗi ngày (trừ ngày chủ nhật và ngày lễ). Không có gì trong hộp thư, dù chỉ mảnh giấy quảng cáo, luôn làm cho gia chủ thất vọng. Bưu Điện Hoa Kỳ đang vận động Quốc Hội để chỉ mang thư đến cho khách hàng 5 ngày một tuần, thay vì 6 ngày như bấy lâu nay, mục đích nhằm giảm chi phí chuyển thư trước tình hình lỗ lã không tránh khỏi. Nỗ lực ấy kéo dài đã mấy năm, Quốc Hội Mỹ vẫn chưa dám phê chuẩn, vì cử tri (qua đại diện của họ là những dân biểu, nghị sĩ) phản đối dữ dội. Người ta không viết thư, nhưng lại mong thư. Nghĩ cũng lạ cho một thói quen đã thành thâm căn cố đế. Ở thế kỷ trước, cạnh tranh với bưu điện là điện thọai (cả địa phương, lẫn đường dài xuyên bang và quốc tế) với cái giá phải chăng ai cũng có thể trả được. Ở thế kỷ này, trầm trọng hơn nữa là sự cạnh tranh của điện thư (e-mail). Thư từ cá nhân gởi bằng thư viết tay theo lối thông thường kể từ khi lòai người có chữ viết đã hầu như biến mất hẳn (ít nhất là trong nội địa nước Mỹ). Chỉ còn những tấm thiệp chúc nhau trong mùa lễ hội mà thôi.

Cái bâng khuâng của tôi, trong không khí cuối năm đầy những cảm hòai, là về một thời chưa xa lắm trong quá khứ. Cái thời từng bức thư nắn nót, hồi hộp gởi đi, hồi hộp đợi hồi âm, xen lẫn trong đó là hình ảnh đáng yêu của người đưa thư quen thuộc mỗi lần đi ngang qua nhà là tim cứ đập lọan lên, không biết ông có ghé lại nhà mình không. Tất nhiên, không phải ngày nào ông đưa thư cũng ghé lại. Và tâm trạng của cả ngày hôm đó là một nỗi buồn lê thê, trăm ngàn ý nghĩ rối như tơ vò, để rồi sáng hôm sau lại tràn trề một nỗi hy vọng mới. Và ánh mắt lại ngó mong ra đầu đường chờ bóng dáng người đưa thư.

Cái thời như thế hết thật rồi sao?

Bâng khuâng tự hỏi mình, mà trí nhớ của tôi cứ đi lang thang về mấy năm quân trường, mỗi buổi trưa trước giờ cơm, hồi hộp đợi anh SVSQ trực xướng tên mình ra nhận thư (thư nhà, thư bồ, mandat lãnh tiền). Hôm nào có thư, bữa cơm hôm đó ngon lạ thường. Đêm hôm đó, thế nào cũng lôi ra những tờ giấy màu xanh hy vọng, phía góc trên bên trái có in sẵn phù hiệu trường và hàng chữ: KBC 4648 ngày . . . tháng . . . Năm. Rồi nắn nót những hàng chữ. Những quyển sách lý luận chính trị dầy cộm nằm dạt qua một bên, nhường chỗ cho những tấm hình cũ đã sờn góc phai màu vì giở ra giở vào nhiều lần. Cây bút cắn trên môi. Khói thuốc mù mịt. Đôi mắt đăm chiêu nhìn khói thuốc như cố tưởng tượng trong đó hình ảnh cô gái tóc dài, tà áo trắng thướt tha đang nhẹ bước trên đường đi học về. Miệng cứ ư ử: em tan trường về. đường mưa nho nhỏ. Anh theo ngọ về. tóc dài tà áo vờn bay.

Ôi những trang thư, viết và nhận, làm nên một phần đời.

Giờ hết thật rồi sao? Những trang thư viết tay, những bức thư tình gởi qua đường Bưu Điện, những tấm Bưu Thiếp nhỏ nhắn đầy ý nghĩa.

Tôi không mong nó còn hiện hữu cho mình (già rồi tám!), nhưng cứ băn khoăn liệu thế hệ hôm nay sống làm sao được nếu thiếu những thứ ấy (xưa rồi diễm!)!

Con người ở đâu, ở thời nào cũng cần thư tín, thứ phương tiện liên lạc khi phải sống xa cách nhau. Chỉ tiếc rằng, những hình thức hiện đại tuy nhanh chóng nhưng lại làm mất đi cảm giác mong ngóng thư hồi âm, cảm giác đợi tin của những kẻ yêu nhau.

Và, theo tôi – sự mất mát lớn nhất – là những kẻ yêu nhau đã không còn vật kỷ niệm nữa. Thí dụ một bức thư thoang thỏang hơi tay, thoang thỏang mùi thân thể, thoang thỏang mùi tóc, thoang thỏang mùi hơi thở – của người mình yêu.

clip_image003

Những lá thư tù ngày nào

Lại nhớ về những năm tháng tù đày, cứ vài ba tháng một lần trại phát thư của thân nhân gởi vào (từ bao giờ không biết). Mỗi lần như thế, lại được dịp viết thư hồi âm. Những lá thư hồi âm nắn nót một danh sách dài dằng dặc những thuốc lá, thuốc lào, bột Bích Chi, mì vụn, đường thẻ . . . kèm theo những lời “động viên” gia đình nên đi kinh tế mới để xây dựng đất nước. Viết xong, trao cho cán bộ coi tù, mà không chắc thư có được gởi đi hay không, bao giờ gởi đi và bao giờ lại đến lượt nhận thư của người nhà.

Ôi những trang thư tù, nặng nề những nỗi buồn, nặng nề những đói khát, thèm thuồng, nặng nề những nỗi nhục nhằn. Giờ cũng hết thật rồi. Có nhớ là nhớ đến trang giấy rẻ tiền, mạnh tay một chút là rách. Hoặc cây bút muốn ra mực thì ra không muốn thì thôi. Và tâm tình gia đình nặng trĩu, chỗ dựa duy nhất của người tù. Thế nên, hàng chữ cũng nắn nót và ân cần. Càng phải ân cần và nắn nót hơn nữa khi chung quanh đời sống đã không còn những nắn nót ân cần.

2.

Mười mấy năm trước, khi mới được tuyển vào Bưu Điện, công việc của tôi là lọc thư (bằng tay). Hằng đêm, ngồi bên hàng chồng thư có địa chỉ viết tay, hoặc viết sai mã số bưu điện (Zip Code), hoặc sai địa chỉ nhà, tôi mò mẫm đặt từng bức thư vào đúng hộp thư sẽ được chuyển đi. Đêm hôm khuya khoắt, công việc buồn tẻ, tôi – cũng như những người bạn đồng sở – luôn kè kè bên mình cái máy nghe nhạc (CD Player), hoặc cái máy radio di động. Khỏang thời gian đó cũng là khỏang thời gian tôi nhận ra “cái tuyệt vời” của những bản nhạc “sến”. Những “Tâm sự của em” do nữ ca sĩ Giao Linh hát, những “Giọt lệ đài trang” do nam ca sĩ Chế linh hát, tôi nghe và cảm như chưa bao giờ được nghe và cảm như thế. Nghe từ đêm này qua đêm nọ, có khi 8 tiếng, có khi 10 tiếng làm việc một shift, thì nhạc đâu cho đủ nếu không nghe những bản nhạc “quê hương” ấy. Từ đó, tôi bớt khe khắt với những thứ mà trước đây tôi vốn không trân trọng cho lắm.

Nhạc sến bên tai, thứ nhạc đem đến cho người ta cái cảm xúc ngay tức thì (dù sau đó sẽ quên nhanh), những bức thư  (có địa chỉ) viết tay trước mặt (có nghĩa là thư tín cá nhân, chứ không phải thư đòi tiền, thư gởi ngân phiếu hay các lọai thư tín về công việc khác), những giờ khắc làm việc của tôi đi nhanh như tên bắn. Tôi thích nhất là lọc những bức bưu thiếp (postcard). Chúng đến từ khắp nơi trên thế giới, xứ Kenya ở châu Phi, Bulgaria ở châu Âu, Mongolia ở châu Á v..v..Một mặt (của tấm bưu thiếp) là hình ảnh đặc thù của một thành phố, một biểu trưng nào đó của xứ sở người gởi (hoặc nơi mà người gởi đang ghé thăm), mặt bên kia là những hàng chữ viết tay, khi nắn nót, khi nguệch ngọac, khi đơn giản vài hàng thăm hỏi, khi li chi những hàng chữ nhỏ xíu như cố gói ghém những tâm tình của người gởi. Nếu viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp thì tôi còn võ vẽ vừa đánh vần vừa đóan nghĩa, còn nếu không thì tôi chỉ nhìn hình và mơ một ngày mình sẽ đặt chân đến đó. Ngộ nghĩnh nhất là những tấm bưu thiếp gởi đi từ tiểu bang Florida, xứ nắng ấm hầu như quanh năm và có những bãi biển nổi tiếng như Miami Beach, Dayton Beach v.v.. Có tấm đưa hình ảnh một bà nặng ước chừng 300 cân Anh, mặc phong phanh chiếc áo ngực nhỏ xíu và chiếc quần vừa bằng cái lá nho. Hoặc những cô gái có thân hình tuyệt mỹ, quay lưng lại để anh thợ chụp hình chụp những cái mông vừa to vừa nhấp nhánh nước biển.

Thỉnh thỏang tôi cầm trên tay những lá thư gởi từ Việt Nam. Rất dễ nhận dạng xuất xứ của những bức thư này. Không cần nhìn địa chỉ người gởi, chỉ thóang qua phẩm chất của chiếc phong bì, nét chữ viết tay rất đặc thù nắn nót, tôi biết ngay chúng đến từ Việt Nam. Nhiều khi tôi ngồi thừ ra ngắm đi ngắm lại bức thư đến từ miền quê hương xa tít tắp, đọc đi đọc lại địa chỉ nơi người gởi sinh sống, tôi hình dung ra thành phố, con đường (nếu tôi đã sống qua). Lúc ấy mà bên tai lại văng vẳng một điệu dân ca đến từ chiếc máy nghe nhạc kè kè bên hông thì . . . cảm khái biết chừng nào.

Nhiều năm sau này, tôi – sống lâu lên lão làng – đã được chuyển đi làm một công việc khác, không trực tiếp lọc thư (bằng tay) nữa. Căn phòng làm việc cũ của tôi, nay cũng chỉ lưa thưa vài ba người, những người yếu sức khỏe được đặc biệt cho làm công việc nhẹ. Lượng thư cũng không còn tràn ngập như trước, một phần vì ảnh hưởng của điện thư và kinh tế suy thóai như đã nói ở trên, một phần vì máy móc ngày một tinh vi, có thể đọc được những lọai địa chỉ dưới nhiều hình thức chứ không giới hạn như dạo tôi mới vào làm.

Thỉnh thỏang, những khi nhàn rỗi, tôi thường hay lân là về căn phòng làm việc cũ, hỏi thăm bạn đồng sở. Nhưng mục đích chính của tôi là được cầm lại trên tay những tấm bưu thiếp, những lá thư cá nhân có địa chỉ viết tay và ngửi mùi mực nhè nhẹ tóat ra từ những bức thư.

clip_image005

Một bì thư tù (Mỹ) điển hình

Những tấm bưu thiếp bây giờ cũng thưa thớt. Những bức thư viết tay thì hầu như rất hiếm khi thấy. Có thấy chăng, là những bức thư gởi ra từ những nhà tù (tội phạm). Những bức thư lọai này rất đặc biệt. Phần lớn được viết bằng bút chì. Ngòai phong bì, thường được trang điểm bằng những hình vẽ đủ lọai (và rất sắc sảo), nhiều nhất là khuôn mặt một cô gái và bờ môi cong. Ở chỗ dán lại mặt sau của phong bì, là hình một cặp môi (rất thèm khát). Dạo trước, khi còn làm việc ở phòng này, nhiều khi tôi thở dài, vì thư lọai này bị trả về cho người gởi (Return to Sender) chiếm tỉ lệ khá lớn. Lý do thường là: người nhận không còn ở địa chỉ cũ, đi đâu không biết, hoặc người nhận từ chối. Tôi đã từng ở tù (gần 9 năm). Tôi đã từng gởi thư đi (cho nàng) và ngày đêm mong ngóng thư hồi âm. Tôi đã từng thất vọng não nề khi hồi âm vẫn biền biệt phương nào. Chỉ khác một điều, những anh chàng tù tội ở Mỹ, chỉ sau khi gởi thư đi chừng độ hai tuần là anh ta sẽ biết thư đã đến tay người nhận (nếu không nhận được thư của mình bị trả về), nếu không thì qua thư bị trả về, anh ta biết “người ấy” đã dọn ra khỏi căn nhà xưa, hoặc một đi không trở lại, hoặc vẫn còn ở đó nhưng “chúng ta chỉ còn là hai kẻ lạ mặt” v.. v.. Nhờ vậy, anh ta không phải ôm mãi một “niềm hy vọng đầy tuyệt vọng” như tôi. Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Ngày xưa trong tù, tôi (và các bạn đồng cảnh) phải dùng phần lớn thì giờ đối phó với cái đói triền miên từ năm này qua năm nọ, nên nỗi nhớ (nhà, người thân yêu) cũng đỡ hành hạ. Còn những anh chàng tù ở xứ Mỹ này, chẳng những ăn no còn ăn ngon, còn có TV xem, sách vở đọc, thậm chí có người còn tốt nghiệp đại học (hàm thụ) trong thời gian ở tù. Các cụ tổ Việt Nam chẳng đã từng nói: Đói tán ăn, No tán đ(ịt) đó sao. Thành ra tiếng thở dài của tôi trở nên rất “nhân bản”.

3.

Mải nghĩ về những bức thư quá khứ, tôi sực nhớ đến những tấm thiệp đã viết xong nhưng quên chưa dán tem để gởi đi. Phần địa chỉ, thay vì in trên những labels có keo sẵn, tôi đã nắn nót viết bằng tay. Tên người thân. Tên bằng hữu. Trên mặt giấy rất tốt và cây viết cũng rất “xịn”. Để bù lại ngày xưa chăng?

Và tôi vẫn cứ nắn nót. Vẫn ân cần. Chốc nữa đây, tôi sẽ đem những tấm thiệp ấy ra tận khu đóng dấu tem, và sẽ chính tay mình cầm con dấu đóng vào phong bì, chính tay mình đặt chúng ngay ngắn trên dàn máy đọc, rồi đứng thật nghiêm trang “tiễn” những phong thư ấy lên đường đến với thân nhân, bằng hữu, như tôi đã từng làm từ nhiều năm nay.

Nắn nót và ân cần. Với nhau. Trong những ngày lễ hội ngọt ngào trước mặt.

T.Vấn

Mùa Lễ Hội 2010

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search