T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Những chuyện vặt năm qua

chờ

Chờ – Tranh: Mai Tâm

1.

Tan hãng. Thường thì những người phải đón con nhỏ ở nhà trẻ, trường học, là những người phải về ngay cho đỡ bị kẹt xe. Những người không có việc gì phải về nhà vội thì nhẩn nha làm điếu thuốc, tán gẫu với đồng nghiệp một lát rồi về. Thậm chí có vài người không hút thuốc nhưng cũng thích tán gẫu ngoài bãi đậu xe nên cũng ở lại một lát cho vui trước khi về…

Đôi khi. Nhìn hoạt cảnh chiều ở bãi đậu xe của hãng xưởng, người ta cũng hiểu ra được phần nào nỗi buồn viễn xứ của người đi làm hãng. Vì trong hãng mà nói chuyện nhiều thì bị đuổi việc, nhưng về nhà không có gì vui. Ở nhà, mỗi thế hệ mỗi sở thích khác nhau, người cùng thời thì lại thường đồng sàng dị mộng nên người ta mới tranh thủ tán gẫu ngoài bãi đậu xe một lát để giữ gìn tiếng Việt nơi xứ người…

Đến một hôm có chuyện khác thường là xe thằng Nhân không chịu nổ máy. Dĩ nhiên anh em xúm lại giúp nó một tay. Nhưng nếu chỉ là chuyện bình điện xe nó chết rồi thì chuyện câu bình đâu có khó. Ngặt xe thằng Nhân không bị chết bình điện mà vẫn không chịu nổ máy, nên anh em thử hết cách đoán mò của người này thì thử sang cách suy diễn của người khác. Cứ như thế cả tiếng đồng hồ…

Rồi bỗng ai cũng buông tay, há họng. Cả đám đàn ông Việt nam, con nhỏ Mỹ trắng nhưng thích vọc xe, thằng Mễ đẹp trai như tài tử xi nê, nhưng đẹp hơn phong độ là tính nhiệt tình của nó. Thấy ai gặp khó, bất cứ việc gì nó cũng giúp một tay. Cả đám thợ sửa xe không chuyên buông tay không vì họ bó tay với cái xe của thằng Nhân. Cả đám há họng là vì con Diễm. Thì ra nó ở lại trong hãng để thay quần áo, trang điểm cả tiếng đồng hồ.

Cánh đàn ông liền trêu ghẹo Diễm: Đi hẹn hò phải không? Sao Diễm đành lòng khi tụi anh đây cũng đâu có tệ, nhất là với em.

Diễm vốn hay cười, tính ưa mắc cỡ. Nên Diễm rối chân ngay, loạng choạng với những lời trêu ghẹo chứ không phải đôi giày cao gót. May sao thằng Mễ nhanh tay, nó đỡ được Diễm suýt ngã. Thế là nó cho Diễm mượn một cánh tay dư giả cơ bắp của nó. Nó đưa Diễm ra tới tận xe của Diễm. Mở cửa xe cho Diễm ngồi vào xe đâu đó an toàn. Nó đóng cửa xe cho Diễm rồi mới quay lại chỗ anh em đang sửa xe cho thằng Nhân.

Con nhỏ Mỹ trắng khen nó: Hôm nay mày giỏi lắm amigo (anh bạn), rất đàn ông. Nhưng cánh Việt nam lại chửi nó hơi bị ngu là sao không xin đi theo Diễm. Diễm lên đồ đẹp hết sảy luôn. Diễm lại chưa chồng thì mày sợ gì? Mày cũng đẹp trai ngang với nó đẹp gái chứ thua kém gì đâu?

Amigo không giận những câu bông đùa. Nó làm với người Việt lâu năm rồi nên hiểu biết về người Việt đã nhiều. Nhưng nó giận người trêu ghẹo nó quá đáng! “Hay mày sợ cái xe cùi của mày mà theo Diễm thì chỉ có hửi khói Lexus. Muốn mượn BMW của tao không?”

Tội nghiệp nó dằn lòng vì mặt mày đã đỏ tiá như con gà chọi. Amigo trả lời một câu rất đàn ông: “Tao có vợ rồi. Tao mới có con. Tao yêu gia đình tao lắm! Bạn làm chung thì tao giúp Diễm khi nó cần thôi mà. Cô ấy nói cô ấy đi đám cưới của bạn cô ấy. Cô ấy mặc áo dài Việt nam nên phải mang giày cao gót, nên hơi khó đi…”

Đám Việt nam của tôi cứ nhất định chửi nó ngu. Nó mà hiểu được những câu mất dạy của tiếng Việt thì không chừng có án mạng. Làm tôi cũng thấy mình thấp thoáng trong cái ngu chung với những người cùng màu da tiếng nói ở nơi đi làm. Nhưng ngu hơn là không hiểu nổi tại sao những người đồng hương của tôi lại chửi Amigo một cách nghiêm trọng thế chứ? Người nói câu, “tụi anh đây cũng đâu có tệ, nhất là với em…” Chẳng lẽ ông ấy đã quên là cả thằng Mễ với con Diễm đều còn nhỏ tuổi hơn con của ông ở nhà! Chẳng lẽ cả thời đại bây giờ là thấy gái đẹp thì bất chấp hoàn cảnh. Câu cửa miệng, “anh đang cô đơn” sao dễ nói vậy trời? Để rồi khi bị lột mặt nạ thì cười khì, “Ít nhất anh cũng độc thân tại chỗ, chứ, anh thực tình với em mà!” Dường như người ta hết biết xấu hổ là gì! Đó là chưa nói đến mấy ông, tiền về hưu không đủ trả tiền cấp dưỡng cho con chưa tới tuổi vị thành niên nhưng đã ly dị vợ liên tục để chạy theo gái trẻ du sinh, nên các ông mới phải đi làm, phải nhuộm râu, chân mày, chứ nhuộm tóc thì đã mấy chục năm. Thời đại thuốc cường dương bổ thận hoàn, rượu Minh Mạng – nhất dạ lục giao sanh ngũ tử… bày bán chung với rau củ, tôm cá trong chợ, nên ngoài đời mới lắm kẻ đá cá lăn dưa…

Nhưng hôm sau tôi lại càng khó hiểu hơn nữa khi nghe con nhỏ Linh trò chuyện…

“Chiều hôm qua, anh ở lại sửa xe cho thằng Nhân phải không? Anh có thấy con Diễm mặc áo dài không? Đẹp bá cháy luôn phải không…?”

“Ừ, anh có thấy. Đẹp lắm! Nhưng con Diễm nó đẹp tự nhiên sẵn rồi. Thêm lụa là, vàng vòng, kim cương nữa thì hỏi sao không đẹp!”

“Hèn gì bà Cindy trên văn phòng, sáng nay bả hỏi em có thấy con Diễm mặc áo dài Việt nam hồi chiều hôm qua không? Em nói không thấy thì bà ấy tả cho em nghe là nó đẹp lộng lẫy như Nữ hoàng. Bà ấy hỏi em: Em nghĩ bà ấy có thể mặc áo dài Việt nam được không? Nếu thấy được thì chỉ cho bà ấy chỗ mua, cố vấn cho bà ấy về đồ trang sức phù hợp với áo dài… Em nói: bà cao hơn tôi cả cái đầu, da bà trắng tươi, người bà lại gầy, thì chắc chắn là bà mặc áo dài Việt nam sẽ rất là đẹp…”

“Thôi đi nhỏ ơi! Anh đang bận thấy mồ tổ anh. Không nghe đài CBL (chuyện bà Linh) đâu!”

“Ai da. Cái anh già này! Chuyện em mắc cười là vầy nè. Em hỏi con Diễm. Mày đi đám cưới thôi mà làm gì lên đồ, vòng vàng, kim cương tới náo động cả hãng chiều hôm qua vậy? Nó trả lời ngộ lắm anh. Nó nói: Em đâu có muốn đâu chị Linh. Nhưng tại đám cưới nhỏ bạn em chiều hôm qua. Em biết là em sẽ gặp lại con nhỏ tình địch của em. Nên em cho hai đứa nó biết mặt luôn một dịp!

Vậy là sao anh?”

“Em có chồng, có hai đứa con rồi…”

“Mà cũng còn ngu…”

“Là tự em nói đó nha!”

“Nói nghe coi anh già?”

“Có gì đâu khó hiểu. Thời đại này người ta không có thời giờ cho sự lắng đọng tâm tư, để thành tâm cầu nguyện cho đôi uyên ương được trăm năm bền lâu từ khi nhận thiệp mời đám cưới. Nên người ta đi dự đám cưới không có một chút gì áy náy lương tâm trong lời chúc mừng, chúc phúc giả dối cho người bạn là cô dâu, hay chú rể trong ngày cưới. Người ta đi dự đám cưới với nhiều lý do không liên can gì tới đám cưới mà họ đi dự!”

“À! Em hiểu rồi!”

“…”

Nói chuyện với nhỏ Linh xong, tôi hiểu ra những điều chiều hôm qua chưa rõ. Cuộc sống bây giờ được đánh giá là văn minh. Mục đích của con người là đạt tới văn minh hơn. Nên thằng Mễ bị coi là ngu, là lạc hậu hơn đám Việt nam văn minh hơn qua câu trả lời của nó, “tao có vợ rồi…” Như vậy thì “văn minh hơn” là gì đây? Không lẽ là một sự xuống cấp về nhân cách và đạo đức đã được bình thường hoá trong cuộc sống ngày một văn minh hơn. Vậy là văn minh đã đi lạc, hay con người đã lạc mất văn minh?

Con nhỏ Diễm đẹp tự nhiên đã dư sức hớp hồn thanh niên trang lứa với nó. Vậy mà còn dốc thêm toàn lực phụ trợ từ văn minh là kim cương, vàng vòng , lụa là trong khả năng có thể để nhất định hạ gục, đè bẹp tình địch về nhan sắc trước đám đông; đâm thằng bồ cũ một nhát tiếc nuối lút cán để trả thù!

Rồi đêm về, nằm trên cái giuờng quen vì Diễm chưa lấy chồng. Diễm hả hê trong bụng hay buồn ăn năn? Văn minh đó sao? Văn minh hơn văn minh thời cha mẹ, ông bà mình là sự trợ lực của mỹ phẩm, trang sức, lụa là ngày nay làm cho nhan sắc tự nhiên thêm lộng lẫy. Về mặt con người thì người văn minh hơn là tự biết làm cho mình hoàn thiện, hoàn mỹ hơn trong mắt mọi người, tăng sức chinh phục người mình thích, thì chấp nhận được. Nhưng Diễm đã cố gắng quá sức với dung nhan trời cho đã hơn người… chỉ vì người mình ghét!

Diễm đã văn minh hơn hay chưa bao giờ văn minh? Còn người bạn là cô dâu hôm ấy nghĩ sao khi biết Diễm đến dự đám cưới mình không hề có lời, có lòng nguyện cầu bình an, hạnh phúc cho một người bạn trong ngày trọng đại là bước sang một chương mới của cuộc đời. Văn minh hơn trong tình bạn thế sao? Văn minh hội nhập là thằng Mễ hôm đó về nhà, ăn tối, rồi lên giường, không kể chuyện Adam với Eva cho vợ nghe, mà kể cho vợ nó nghe về những người Việt nam đã chửi nó… ngu!

2.

Một người bạn làm chung, anh ta khá giả nhờ xưa từng làm hãng lớn, có nghiệp đoàn nên lương cao, nhiều phúc lợi. Rồi hãng lớn thuyền không qua được lớn sóng nên anh mới phải làm chung với tôi ở hãng này. Anh kể: Nghỉ hãng lớn, anh được hãng cho số tiền cũng lớn vì anh làm lâu năm. Thế là anh sang một cái tiệm nail cho vợ làm chủ, khỏi đi làm ăn chia với người khác nữa. Vợ anh lên luôn từ dạo đó. Chị nhà làm ăn khá tới mua thêm được hai căn nhà để cho thuê…

Thế nhưng anh tâm sự với tôi nỗi lo lắng về chuyện vợ chồng anh. “Tôi bắt đầu lo nhiều về bà xã tôi rồi ông ơi! Năm ngoái bả muốn mua chiếc xe Infiniti mắc tiền cho bằng chị bằng em. Tôi thấy vợ mình cũng cực khổ mới có nên cũng đáng được hưởng sự hưởng thụ trong khả năng cho phép. Dù cái xe Lexus bả đang lái mới mua năm trước đó. Nhưng tôi cũng mua chiếc Infiniti cho bà xã vui. Cái xe Lexus của bả mới một năm cũ, chạy có mười hai ngàn dặm. Tôi đưa vô đổi chiếc Infiniti bị lỗ hết mấy chục ngàn… Mà nghĩ cho cùng, bà xã tôi chỉ vì thấy mấy người có tiệm nail lái Infiniti chứ không đi Lexus nữa. Nhưng năm nay bả lại đòi đổi Mercedes chứ không chơi Infiniti nữa, vì chủ tiệm nail bây giờ lái xe Mercedes không hà anh! Hỏi ông làm sao tôi không lo?!”

“…”

Tôi nghĩ hoài không thông với cụm từ “bằng chị bằng em”. Tại sao không theo sở thích của mình mà phải theo sở thích của người khác bằng túi tiền của mình. Gỉa sử như người không có xe để đi làm, đi chợ. May mắn được người bạn bán rẻ cho, hay cho không chiếc xe cũ mèm cũng cảm ơn hết lời! Rồi không bao giờ than vãn cái xe cũ quá, xấu quá, lái không thoải mái… Nhưng khi có điều kiện hơn, anh ta sẽ tự mua cho mình một chiếc xe mà anh ta thoải mái nhất với nó thì mới là khôn ngoan. Không cần thiết phải lái cái xe bằng chị bằng em mà mình không thoải mái, thậm chí không thích.

Không hiểu nổi văn minh kiểu gì với cụm từ “bằng chị bằng em”. Làm sao bằng nhau được khi mỗi người có sở thích khác nhau. Tại sao mình phải sống với (theo) sở thích của người khác bằng đồng tiền cực khổ kiếm ra của chính mình?! Như vậy là con người văn minh lên hay văn minh đã bỏ con người lại thời đại không tự chủ nên sống bằng quan niệm: bằng chị bằng em…?

3.

Lại con Linh thì thầm, “Anh già khú đế ơi! Cuối năm nay em chết chắc rồi, vì làm thì hãng không có việc để làm thêm giờ. Mà em cà thẻ hôm thứ Sáu đen tớ mẻ luôn! Bây giờ cái đầu em muốn điên luôn cũng không biết tính làm sao? Em nói ra để ông xã em trả dùm thì ổng bắt em đi trả đồ vì em mua toàn những thứ nhà có rồi. Nhưng em không nói thì phải tự trả tiền lời thẻ nhựa tới hai chục phần trăm! Không ai hiểu cho em: Cái áo hai trăm đồng mà em mua có bốn chục, đôi giày bốn trăm còn có trăm hai… Em cứ nghĩ vài chục, một trăm đâu có nhiều. Nhưng cái bill về tới ba ngàn mấy. Chóng mặt, tối mắt em luôn! Đừng làm phiền vỗ vai khi em ngủ gục. Là em nhức đầu quá sức đó thôi!”

Tôi biết nói gì hơn hài hước cho qua chuyện, “Thì sao em không mua một chiếc giày thôi, chỉ có sáu chục thay vì một đôi tới trăm hai. Rồi em đem về nhà một chiếc giày mới, hay một đôi giày mới cũng vậy thôi hà! Vì khi nó trộn chung vô hàng trăm đôi giày của em với con gái em thì em cũng không tìm ra nó nổi khi cần, vì từ khi trộn vô cửa hàng giày ở nhà em thì em đã không nhớ tới nó rồi! Tại sao em phải nợ nần tới điên đầu?! Tại sao em đã nợ ngập đầu còn phải ra tiền đi chợ mua món ngon, về nhà mất công nấu nướng để mời anh sang nhà nhậu với chồng em để khuyên nó thương em… rất là khùng! Anh không làm chuyện dại đó đâu, khỏi năn nỉ!”

Lên mặt đàn anh nhưng tôi cũng điên đầu với thời đại mua sắm mất lý trí của qúy bà, mà cả qúy ông cũng quay cuồng mua sắm trong dịp lễ. Cứ thích thì mua trước đi đã. Có đáng không, mục đích, nhu cầu… những điều quan trọng trong cuộc sống văn minh thì bị gạt sang một bên cho cuộc sống văn minh hơn là thích thì cứ nhắm mắt lại mua trước tính sau, như con đà điểu vùi đầu xuống cát còn cái thân giao cho cọp, beo, sư tử là mấy ông trùm thẻ nhựa…

4.

Tới con nhỏ Diễm tôi mới hãi hùng! Mùa đông năm nay không lạnh mà tôi lạnh gáy khi nghe nó kể lể. “Má con chửi con quá chú ơi! Anh chị của mày biết nghe lời má thì mày thấy đó! Không chịu khó học thì làm sao có bằng cấp, thu nhập khá, không ngại lập gia đình… Còn mày chỉ giỏi làm cho má lo…

Chắc con lấy chồng mẹ nó đi cho rồi, cho má con hết soi mói đời tư của con.”

Biết nói gì với Diễm đây?

“Ù thì… Diễm nghĩ coi! Diễm chưa tới ba mươi tuổi đầu, và xinh đẹp như Diễm, gia đình lại khá giả… Diễm có chấp nhận lấy chồng là một người công nhân trong hãng này không? Chú thấy trước tên của Diễm phải có kèm theo vài chữ gì đó mới tương xứng, giả như bà bác sĩ Diễm, hay bà luật sư Diễm. Dù chỉ là vợ của ông bác sĩ hay ông luật sư thôi! Nhưng chú chia buồn với Diễm là thằng đàn ông đã phải học thấy cha thấy mẹ nó để có cái bằng bác sĩ, hay luật sư. Chú không nghĩ nó lấy vợ chỉ lận lưng được mỗi cái bằng trung học. Con gái đẹp là một điều rất quan trọng, nhưng chỉ so với con gái kém đẹp hơn thôi con! Còn chuyện lập gia đình thì đàn ông chọn vợ khác hơn chọn bạn gái thời cặp kè nhiều lắm! Cháu cũng thấy chồng là luật sư, vợ là bác sĩ, hay giáo sư… ít nhất cũng phải có chữ sư chữ sĩ đi kèm tên họ mới xong cho đôi lứa xứng đôi. Cháu hiểu không?”

Thấy nó buồn quá nên tôi an ủi, “Cháu chỉ còn một cách, không quá muộn khi cháu chưa hề già là đi học lại đi. Cháu có hậu thuẫn gia đình hỗ trợ tối đa… Cháu đừng đần độn với suy nghĩ, lấy chồng mẹ nó cho rồi cho mẹ cháu hết chửi. Cháu lấy chồng trên căn bản là gì? Hạnh phúc, tương lai của bản thân cháu mới đúng. Mẹ chửi. Là mẹ nào không chửi vì mong con nên thân. Ngốc quá!”

“…”

5.

Đến ẻm mới ghê! Sao gọi là ẻm. Vì ẻm râu ria như Mỹ. Kể ra ẻm là một người con lai Việt-Mỹ thuộc loại cao ráo, đẹp trai. Nhưng ẻm dẹo quá mạng. Quần xanh áo đỏ chân giày tím/ cái mũ lông chim nữa mới phê… Rồi ẻm lượn mùa lễ như máy bay đầm già đi rải truyền đơn, “ai cho tôi tình yêu…”

Ẻm tham khảo tôi. “Anh nghĩ là em chuyển giới thì em có đẹp không?”

Trời đất ơi! Ở đời này có gì khó hơn là nói chuyện với một người mà mình không thể nào xác định được trạng thái của người đối thoại lúc thì là đàn ông, hồi rất đàn bà…! Nên tôi xin xăm thôi! “Đó là chuyện hoàn toàn thuộc về tự do cá nhân của em. Em hoàn toàn nên tự quyết định là hay nhất! Anh chỉ nhắc em một điều là anh không quan tâm tới chuyện đó nên không tìm hiểu, không rành. Anh chỉ nghĩ được là: Nhiều cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra, thậm chí em phải uống thuốc trước phẫu thuật nhiều tuần, tháng, hay tính năm gì đó! Anh không rành. Chỉ biết phải uống thuốc để kích thích nội tiết nữ mà đè bẹp nội tiết nam bẩm sinh trong người em. Rồi nhiều cuộc phẫu thuật diễn ra. Rồi lại uống thuốc triền miên sau đó… Điều nên nghĩ trước hết là thu nhập của em có kham nổi không? Phải tính tới mức rõ ràng là trong thời gian làm phẫu thuật, em, chắc là không đi làm nổi đâu! Anh nghĩ là em sẽ tốn lớn tiền lắm và cả vài năm không đi làm được, không có thu nhập đó!”

“Anh nói chắc đúng! Nhưng anh làm em nản quá hà! Em không nghĩ sâu xa như anh, em chỉ ngại mình là người Việt, rồi không biết người Việt có chấp nhận em không?”

Sao nghe đau lòng quá nên tôi nói với ẻm, “Sự cản trở thì không ai có quyền cản trở em hết! Nhưng sự tẩy chay thì em nên nghĩ đến quan niệm của người Việt vẫn còn nặng tư tưởng, tư duy về việc thân thể là do cha mẹ tạo ra. Nên mỗi người đều phải biết qúy trọng, giữ gìn, không được làm tổn hại. Như vậy nó đã đi ngược lại quan niệm của giải phẫu thẩm mỹ là làm cho khác đi. Người ta sẽ lờ đi chuyện giải phẫu thẩm mỹ là làm cho đẹp hơn. Mà chụp nón cối ngay cho việc phẫu thuật thẩm mỹ là tự ý hủy hoại thân thể mà cha mẹ đã ban cho.

Sao em không nghĩ em là một tặng phẩm mà thượng đế đã ban cho cộng đồng nhân loại này. Em sống với một tâm hồn đẹp không đẹp hơn vẻ đẹp chuyển giới nhờ dao kéo và thuốc điều tiết hóc môn trọn đời sao?”

“…”

Nó cảm ơn tôi. Tôi cũng cảm ơn nó nhiều lắm! Xài chữ “ẻm” để nói đến sự khác thường của giới tính thôi, nhưng đâu có ai dám nói người đồng tính là người không tốt! Dùng chữ “nó” như một người em thấy ấm áp hơn. Nó cảm ơn tôi. Tôi cũng cảm ơn nó nhiều lắm! Bởi thực sự đời sống cơm áo gạo tiền bây giờ, đâu mấy ai có thời giờ để suy nghĩ về tự do, sở thích cá nhân làm sao dung hoà với cộng đồng mình sống? Dù biết trong đời sống không thiếu những người phát xuất từ sự thiển cận, lòng ganh đua mù loà, không cam tâm để người khác hơn mình nên phẫu thuật tèm lem đến khó coi. Những người chỉ nghĩ đến việc có tiền mua tiên cũng được nên bộ dạng thay đổi đến đau lòng mẹ cha.

Xã hội văn minh lên từng phút, từng giờ nên văn hoá đột qụy. Nhiều loại văn hoá trái chiều xuất hiện và thịnh hành như: Văn hoá điện thoại cầm tay mắc tiền nhất, lại thường nằm trong tay những người không có nhu cầu. Thậm chí không biết xài hết chức năng của cái điện thoại tối tân nhất! Vì họ không có cái gì nhất để ít nhất với đời nên đành mua cái điện thoại mắc nhất để biểu hiện mình, chứ không phải nhu cầu. Văn hoá mua sắm không còn vì nhu cầu mà là bộ mặt. Không lẽ mùa đại hạ giá cuối năm mà nhà không mua sắm gì thì sợ người khác cười mình bủn sỉn, trùm sò. Văn hoá “bằng chị bằng em” là tự đánh mất mình một cách oan uổng. Văn hoá nhất là vô văn hoá chỉ vì sợ mình không bằng người khác, vì không muốn thấy người khác hạnh phúc, thoải mái hơn mình thì tìm cách dìm nó xuống… Cái văn minh hơn thuộc về văn hoá thích người khác khổ đau, bất hạnh, nên mình khổ hạnh nhất mà sinh ra những liên tiếp đấu tranh, ganh đua, gạt sang một bên lẽ phải, sự chân chính. Thì điểm đến của văn minh thiển cận mà nhiều người cứ tin là văn minh hơn, là đâu? Là sự hủy diệt.

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search