T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Sống khó hay dễ?

clip_image002

(gởi những người bạn tù Vĩnh Quang ở San Jose, CA và anh TVH)

Sống là sống với, chứ không đơn giản là sự hiện hữu của một sinh vật.

(Sách Người)

Sống ở đời dễ hay khó? Biết trả lời thế nào để thuyết phục được chính mình?

Dễ ư? thế còn bao nhiêu những khổ đau hệ lụy chờ chực hai bên đường dẫn ta đi từ bụng mẹ đến huyệt mộ cô đơn?

Khó ư? thế còn bao nhiêu những mảnh đời đẹp đẽ ngoài kia đang nở những nụ hoa rực rỡ cho mình, cho đời, một cách tự nhiên, một cách như cuộc đời vốn nó phải thế?

Sống ở đời này dễ hay khó? Câu hỏi tưởng chừng như rất dễ trả lời ấy cứ bám chặt lấy đầu óc tôi như con đỉa đói năm nào giữa những mảnh ruộng bậc thang miền Trung Du Bắc Việt, bám chặt vào cổ chân khẳng khiu của những thằng tù nửa sống nửa chết, nửa làm người nửa làm thú ăn bất cứ thứ gì có thể ngọ nguậy được để sinh tồn.

. . . Người tù TVH – tên của anh có ý nghĩa tương tự như một ngàn năm Văn Hiến – đứng thẳng người trên bờ ruộng, mặc cho chiếc áo rách với hàng trăm mảnh vá không đủ sức che được cơn gió bấc quái ác của mùa đông Bắc Việt, rồi cúi tấm thân gầy gò, dùng cả hai cánh tay trơ xương dứt mạnh con đỉa ra khỏi cổ chân mình, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến . Máu của chính anh –những giọt máu hiếm hoi còn sót lại đã bị con đỉa hút không thương tiếc – chảy trào ra hai bên mép, làm nổi bật hàm răng đã trống trải theo những năm tháng lưu đầy . Anh cần lấy lại những giọt máu ấy để sống còn cho đến ngày nào không biết, nhưng trước hết anh phải sống còn . . .

Những năm tháng ấy dậy tôi rằng cuộc đời vốn nó phải như thế. Đừng bận tâm tra vấn những ý nghĩa cao hơn cuộc đời. Sống là ăn uống thở ngủ. Là cho đi phải lấy lại. Là mắt trả mắt, răng đền răng.

Cuộc sống tự nó rất đơn giản và dễ dàng, chỉ có con người làm cho nó trở nên phức tạp và khó sống mà thôi? Mặc cho những rối ren hỗn loạn của hôm nay, ngày mai, trên mặt đất loài người này vẫn sẽ có những con người được sinh ra, những con người chết đi và cuộc sống vẫn sẽ như dòng sông nước chảy, liên lỉ từ thế hệ này đến thế hệ khác, cho đến ngày cuối cùng của nhân loại – nếu quả thật có một ngày như thế !

Đã có lúc, nhớ đến người bạn tù năm xưa với hành động đưa con đỉa lên miệng cắn để lấy lại những giọt máu hiếm hoi của mình, tôi cũng muốn thu hết sức mạnh trong cái dày đặc của đêm khuya, rứt con đỉa độc ác khát óc người ra khỏi cái đầu đầy ắp những tư tưởng nửa mê nửa tỉnh của mình. Quả thật, ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống bị phức tạp hóa bởi chính con người, cuộc sống đã không làm cho người ta nhẵn nhụi đi, mà lại xói vào những góc cạnh khiến cho người ta trở nên độc ác với nhau hơn, làm cho cuộc sống trở nên khó chịu đựng hơn.

Ngày xưa, khi còn ở quê nhà, miếng cơm manh áo là cuộc vật lộn hàng ngày, hàng giờ. Ăn hôm nay nhưng không biết ngày mai có còn cái mà ăn hay không. Cuộc sống được tính bằng từng bữa ăn , tuy đạm bạc, nhưng miễn no lòng. Vậy mà tôi có cảm tưởng ngày xưa dễ sống hơn bây giờ. Khi cùng đói nghèo, khi cùng hoạn nạn với nhau, con người ta dễ dàng chia sẻ với nhau sự thiếu thốn, sự đau khổ và nhất là, ít hành hạ nhau hơn.

Giờ đây, chốn quê người, cuộc sống cũng vẫn là cuộc vật lộn, nhưng không đến nỗi chỉ là vật lộn với những nhu cầu sơ đẳng của con người. Ở một nghĩa nào đó, cuộc sống của chúng ta đã được thăng hoa. Những ưu tư hàng ngày vẫn có, đôi khi còn nặng nề hơn, nhưng là ưu tư về những điều cao hơn mặt đất con người. Vậy mà, tôi có cảm tưởng như cuộc sống bỗng trở nên khó khăn hơn, không khí chung quanh dường như khó thở hơn. Nhịp sống ở nơi đây vội vã hơn, đó là điều hiển nhiên. Nhưng sự vội vã ấy không thể là lý do thuyết phục để biện minh cho những gai góc của cuộc sống mà chúng ta đang – một cách hết sức vô thức – gởi đến cho nhau, kể cả giữa những người thân thuộc nhất.

Máu là thành tố căn bản nhất để cho một sinh vật sống còn về vật lý. Khi trong cơ thể một sinh vật không còn máu nữa, hay khi máu đã bị hủy hoại để không làm tròn chức năng của mình là giữ sự sống cho cơ thể, khi ấy, người ta gọi đó là cái chết. Cái chết vật lý. Tương tự như vậy khi trong tâm hồn một con người, những thành tố đặc trưng cấu tạo nên tính cách con người bị cạn kiệt hay bị hủy hoại để không làm tròn chức năng của mình là làm cho một con người trở nên một con người nữa, khi ấy, người ta cũng gọi đó là cái chết. Cái chết tâm linh.

Đã nhiều lần đối diện với chính mình trong giờ phút lặng lẽ của đêm khuya, sau một ngày chộn rộn với đủ mọi thứ ồn ào của cuộc sống, có lúc tôi giật mình nhìn thấy con đỉa khát óc người, khát lòng người đang hiện diện đâu đó một cách rất tinh ma quỷ quái.

Những lúc ấy, tôi thèm cái can đảm của người bạn tù năm xưa trong hành động rứt con đỉa ra khỏi thân mình và đưa nó lên miệng hút lại cái nó đã hút của mình.

Bản năng sinh tồn để duy trì một sự sống vật lý bao giờ cũng tiềm ẩn và rất nhiều khi trở nên vô cùng mạnh mẽ. Mặt khác, để duy trì sự sống tâm linh, con người ta có một bản năng sinh tồn khác rất không ổn định, giống hệt như công phu Nhất Dương Chỉ của nhân vật Đoàn Dự trong truyện kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.Thứ công phu khi thì mạnh như vũ bão, khi thì yếu ớt không một chút sinh khí.

Vì thế, đôi khi mặc dù biết rất đích xác con đỉa khát lòng người đang cần mẫn hút no nê lương tri nhân loại, nhưng sự kháng cự – của tôi – có lúc rất yếu ớt, chiếu lệ.

Đôi khi, giận dữ với chính mình, tôi tự hỏi, Đó có phải là biểu hiện của tuổi gìa, tuổi chỉ biết ngóai cổ lại nhìn về phía sau và chỉ muốn trầm mình trong những hòai niệm buồn nhiều hơn vui, thua thiệt nhiều hơn thành tựu?

Hay chẳng qua chỉ vì đã sống gần hết một đời ngườI, tôi nghiệm rằng, mọi vọng động cá nhân đều không thóat khỏi vòng kiềm tỏa của định mệnh, thường rất khắc nghiệt và không công bằng ?

Và từ đó, tôi mang cái não trạng phó mặc mọi sự cho dòng đời ?

Như vậy thì, sống khó hay là dễ ?

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search