T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH : Nhật Ký Tình Ảo của một Ông Già của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Thị Mầu bị đóng đinh – Tranh : Trần Thanh Châu

Lời bàn của Kim Quỷ Thán :

Thi Trung Hữu Quỷ. Có nghĩa là trong chữ nghĩa có Ma. Ông Ngộ Không bảo vậy. Đọc ông Ngộ bao lâu nay, không cần ông mách nước thi trung hữu quỷ tôi cũng đã “ngộ” được điều đó. Đến “ Nhật ký tình ảo của một ông già . . . “ này thì con Ma trong chữ nghĩa của ông Ngộ biến dạng đến độ tôi phải giật mình : Con Ma đang từ một ông gìa sính chữ, miệng khề khà điếu thuốc lào, tay mở toang từng cánh cửa đời với sự điệu nghệ của một người từng “ ngộ “ hốt nhiên trở thành một gã trai si tình, thuộc lòng thơ các thi sĩ tình yêu như thứ vốn liếng cần thiết để bước vào đường tình. Mà người tình đầu sông cuối bãi, đầu bãi cuối sông của ông cũng “ Ma “ không kém. Nàng vừa chính chuyên vừa lẳng lơ như những con Hồ Ly Tinh của Bồ Tùng Linh.

Chữ nghĩa như chữ nghĩa của ông Ngộ khiến người ta ( tôi ) nghi ngờ cả sự hiện hữu của nó. Chữ nghĩa là chữ nghĩa ( chữ và nghĩa ) hay chỉ là chiếc đũa phù phép trên bàn tay ma quỷ của ông Ngộ. Như phù phép của ông trong “ Nhật ký 7 ngày tình ảo của một ông gìa “ có chỗ làm tôi kinh sợ:

Và chúng, năm ngón tay bị câu thơ “hãy vì ta, dứt áo” xúi bẩy. Nên chúng bận bịu mày mò…một nút áo ngực…hai nút áo…ba nút…

Và thoáng như có tiếng chuông chùa vọng lại từ một nơi xa …

Ô hay , sao lại thế ? Sao lại có tiếng chuông chùa khi ngón tay đang lần cởi đến nút áo thứ ba ? độc ác thế hả ông ?

Tại sao không hồn nhiên nhiên hồn như :

Cái cúc áo thứ ba được tháo gỡ đủ cho hai bàn tay lùa vào…Hai bàn tay ông đang bận bịu với hai cục u u. Những cái cúc còn lại được giải thoát vội vàng. Bởi ông hay người. Ông vặn óc nghĩ không ra và ghi xuống trang nhật ký viết dở dang: “…Trong giấc ngủ, người nhích người thêm một chút nữa về phía ông. Sát vào ông thêm một chút nữa như hai chiếc lá ướt dính vào nhau… ‘’.

Những cái cúc còn lại được giải thoát vội vàng . Bởi ông hay người ? Chỉ có 4 chữ thôi “ Bởi ông hay người “ đủ chứng minh trong chữ nghĩa của ông Ngộ có con ma thật đáng kinh, đáng kính !

Con ma trong chữ nghĩa ông Ngộ như người tình đầu sông cuối bãi, đầu bãi cuối sông. Nó tha thiết nũng nịu đến “ làm thiu “ cả da thịt khiến mỗi lần đọc ông, người cứ mụ ra, đầu óc điên đảo.

Nhưng ác nỗi, không buông trang sách ông Ngộ xuống được. Ma quỷ thật !

Chẳng trách gì, có những người đàn bà ngộ (độc) chữ “ cố gắng một cách tuyệt vọng “ trong thế giới ảo hàng đêm. Để ông Ngộ có chất liệu mà viết nên “ Nhật ký tình ảo của một ông già “.

T.Vấn

 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nhật ký tình ảo của một ông già…

 

…ngày…tháng…năm…

Nằm trên giường thao thức, loáy ngoáy thế nào chẳng biết nữa, ông bật ra ý nghĩ viết nhật ký không ngày tháng về chuyện người tình cuối sông. Nói cho ngay, ông chưa từng xoay xỏa với nhật ký nên bắt đầu lại từ đầu bằng vào mấy ngày đã qua…Thôi thì giấy bút đây, hãy trang trải với: Hỡi người tình đâu đó – Một lần gặp trong đời – Mắt môi đã biểu tỏ – Nói chi, dẫu một lời!” . Ông nghĩ một ngày nào đấy, người tình đâu đó đọc được với những ngỡ ngàng chẳng thể tránh. Rồi gặp nhau giữa phố chợ, người tình cuối sông nhìn ông và ngó…lơ. Thì cũng đành tạ lỗi thôi…Vì đã là nhật ký thì phải viết cho trọn vẹn, cho đày đặn như cái tình của ông. Chẳng là hơn một lần, ông đã vắng xa, xa vắng với người Này người tình cuối sông – Nước rong đầy rồi đó – Hãy giương buồm thong dong – Đừng vì ta neo ụ”.

Thôi thì cũng đành một lần…neo ụ với những trang nhật ký của một ông già.

 

***

Giữa trưa, ông để hồn đi hoang về một nơi chốn chỉ có…cái giường. Nếu ông nhớ không lầm nhà văn Hery Miller đã cho rằng: “Cái giường không phải để ngủ. Mà là để nói chuyện. Vì ở trên giường, người ta dễ thành thật với nhau nhất”. Bây giờ đây, ông tưởng tượng người đang nằm bên cạnh ông. Trên giường. Người tình cuối sông gối đầu lên cánh tay ông…và cứ ngủ, không cần nghe ông thì thầm…

Như biết đấy, ông đến với người không vội vã, chẳng hấp tấp. Làm gì phải nháo nhào đâm sầm vào nhau khi mặt trời đất còn nhá nhem khi người tình cuối sông chưa thấy mặt ông. Như người sợ bị lửa…tam muội đốt cháy qua điện thư:

“…Nửa muốn trốn chạy, nửa muốn tới gần, lại thêm lạnh cẳng vì càng gần càng sợ bị lửa…tam muội đốt cháy. Chừ đọc thư với những lời mật ngọt đúng điệu xứ Bắc, em vừa vui vừa…thất kinh. Không cách chi chạy lui được nữa rồi, khi ông nhìn em như thấu suốt hết tâm can. Em đang run đây ông, nghĩ tới một ngày nào đó thấy ông trước mặt.., thật không biết làm sao!…”.

A! Người bạn văn chương đây rồi, cũng chẳng có gì thúc giục hay đòi hỏi. Có gì mà thôi thúc ở cái tuổi nắng quái chiều hôm này. Ông chậm chạp đến với người, nghe ngóng những âm vọng của những ngày mới lớn. Giống bất cứ ai khác, là ông, là người tình văn chương, hay người tình cuối sông cùng ngu ngơ tình đầu, họ đến với nhau vì khuôn mặt, giọng nói. Vì nét ngây thơ và sự trong trắng quyến rũ, sau đấy họ lấy nhau, sinh con, tạo sự nghiệp…là cũng xong một đời người…là hết. Vậy thôi.

Ấy là chuyện của quá khứ, mây vẫn trôi, ngày vẫn qua đi. Bây giờ bương bả hơn nửa đời người, ông lại đến với người tình cuối sông…Như đã bèo bọt ở trên, bằng những bước chân lặng lẽ cùng những đắn đo, ngại ngùng. Không nói nhưng người hiểu dùm ông chẳng còn trẻ nữa, hiểu theo nghĩa là ông không còn lọng cọng như những ngày mới lớn. Nhiễu sự này, ai mà chẳng hay, nên chữ nghĩa cũng vô ích…

Nghí ngoáy với chữ nghĩa thì ông chẳng quên chuyện cũ ngày nào năm ấy với…một người khác nữa cũng trước là…bạn văn chương, sau là…bạn tình và chót đời là…người tình đầu bãi. Chuyện là cũng qua một bài viết rồi quen nhau, gần gủi nhau. Người tình đầu bãi đã có chồng, rất nhạy cảm trước mọi hoàn cảnh và mơ mộng trong tình yêu đã thủ thỉ với ông: “Có khi chung thủy cũng là một cố gắng tuyệt vọng”. Người tình đầu bãi là một người đàn bà có tâm hồn và biết liều lĩnh như nhà văn nữ Trần Thị NgH., lại biết ngoại tình nên rù rì tiếp: “Ngoại tình là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng“. Rồi nhỏ to: “Nếu gian díu với đàn ông có vợ là tội lỗi thì đó là một thứ tội lỗi rất quyến rũ”. Vào một ngày không mưa thì nắng, cũng không cần cố gắng lắm, người tình đầu bãi bỏ đi, để ông trong hoang lạnh qua mấy mùa thu chết.

Thế nên hậu sự với người bạn chữ nghĩa hôm nay, Ông bước chậm chạp và âm thầm đến với người. Mỗi bước đi là là một nỗi đau, nghe thì văn vẻ nhưng thực ra là ông bị…đau chân. Cớ sự này, chữ nghĩa gọi là…bệnh già ấy mà.

…ngày…tháng…năm…

Người tình cuối sông hãy ngủ ngoan, trước khi vào chuyện, hãy để ông hôn nhẹ lên trán một nụ hôn chan chứa những trìu mến. Người vẫn thiêm thiếp ngủ…Ông nhẩm chừng một nhẽ người đang nhủ thầm chuyện gì sau những “thì thầm, thầm thì” tiếp nối. Rõ ra chỉ là chuyện con đường tình ta đi về một nơi chốn không một bóng người. Nhưng có một chiếc giường và chúng mình hai đứa.

Ừ thì hãy trở lại từ đầu bằng vào những ngày đêm thả rong…

Khởi đầu người tình văn chương đến với ông qua cái tình chữ nghĩa, sau đó cả hai lậm dần vào nhau. Một lần người âm u: “…Nhưng cũng cám ơn ông đã gửi bài “Cái Bóng” vừa rồi, một cách tự giới thiệu mình. Cho dù cái “gã thiền giả” dở dở ương ương này có hù dọa người ta, thì bên trong cái ngộ ngộ đó là trí tưởng tượng phong phú. Huống chi “gã” lại còn…thiền đủ thứ, coi mọi sự như qua thì gã là người…vô hại. Có phải “gã” nhìn mọi sự như nước chảy mây trôi? Nghi ngờ lắm ! Có lẽ “gã ” và Phạm Thiên Thư cùng…một trường phái Thiền, cõng thiếu nữ qua sông, bỏ xuống nhưng không thể phơi phới phất áo ra đi. Hoa mai vẫn mãi mãi hồng thắm, như động hoa vàng mãi mãi vàng hoa. Thì ít ra cũng còn chút gì để làm nguồn cảm hứng, để làm hoa góp mật cho đời có những áng văn, để…ngẩn ngơ ngơ ngẩn cho ra vẻ…thiền chứ!…”

Ông cũng đangngẩn ngơ ngơ ngẩn với chuyên chở của chữ nghĩa với hoa mai vẫn mãi mãi hồng thắm, như động hoa vàng mãi mãi vàng hoa. Ấy là chưa kể người bạn văn chương ngoài nấp bóng, ẩn tuổi ông còn đang mò mẫm làm quen với ông:


Đây cũng là chút chít chắt…(chiu) thứ thiệt của ông tằng tổ tổ tổ Ngộ Không đây. Và hình dung cũng “cổ quái” tương tự…lão khọm đã gánh dùm phiến đá trên vai thầy thiền để thầy chợt ngộ. Khỉ cái mà già quá cỡ thì gọi là gì? Khỉ khọm? Có lẽ chỉ vậy thôi. Nếu có bản lai diện mục đặt tên, chắc gã sư ông sẽ phán là “Ngộ Tất”. Cái gì cũng ngộ tất tần tật nên mọi thứ đều…không giống ai cả. Nhưng đây…sẽ không mò đến ngồi cạnh, kéo đầu gã sư ông xuống tìm chấy rận đâu nha. Tìm gì?! Chỉ có Trời mới biết…

Mà làm sao mon men lại gần(?) để khều khều “như muốn làm quen” được!”.

Chỉ trời mới biết có mấy ai chịu hiểu cho rằng tha nhân sa đà với một mảng văn chương đều là kẻ lạc đường. Bởi vì chỉ những con đường lạc mới dẫn đến chỗ hẹn hò với chữ nghĩa. Có ai đọc văn chương để thấy chữ đâu! Để thấy cái không thấy đằng sau chữ nghĩa. Cái không thấy đó, có thể mỗi người bắt gặp, cũng chỉ thấy cái đó là thực, là không, chữ nghĩa là không. Riêng ông, trong cái không ông tìm thấy cái có: Ông vừa tìm thấy sau một mảng văn chương là một chuyện tình đầu sông cuối bãi. Vậy là ông đã có người tình cuối sông. Người bấy lâu nay ẩn núp sau chữ nghĩa. Đường đời muôn vạn nẻo, ông đang là kẻ lạc đường thì đúng hơn. Đôi khi ông chẳng biết mình sẽ đi về đâu. Nhưng với người ấy, người tình cuối sông… thuyền vừa nhổ neo, cứ để mọi sự đẩy đưa, thuyền trôi theo lái đưa đẩy với nước chẩy theo dòng.

Ông quay sang ngắm người tình cuối sông trong giấc miên trường “Hãy đi, như đã trú – Ngõ hẹp, phố tồi tàn – Không đèn, xe ngựa chạy – Ai đoái hoài dung nhan”. Dung nhan người tình cuối sông sinh động hơn nhìn qua ảnh chụp trên mạng lưới. Ấy là khuôn mặt vừa có những nét trần tục, vừa mang nét không trần thế. Người đang nằm nghiêng, khuôn mặt người tình cuối sông hướng về ông. Tí toáy với chữ nghĩa thì dáng dấp ấy không gợi dục mà gợi cảm, mặc dù chưa một lần thấy trọn vẹn thân thể người tình. Ở cái tuổi tan hoang, với đối tượng, ông chẳng dại gì chui đầu vào cái thòng lọng “còn con gái trẻ đẹp” trong chuyện tình ảo đang…mọc như nấm sau cơn mưa.

Ấy vậy mà cái tình cuối mùa láo nháo đến với ông chẳng thiếu vắng những giao động, những thấp thỏm, những đợi chờ. Ngó ra vườn nhìn trời ngắm mây. Ông lẩn mẩn đi tìm cái đích thực ông muốn đến ở người. Cái mũi ngay trước mặt mà không thấy. Hóa ra nào có khác gì những ông già bà cả, cuối đời đi chùa để mua cái vé đi tắt lên niết bàn mãi ở đâu đâu. Riêng con đường tình ta đi với người tình cuối sông, trải rộng, thênh thang những vô định, những vô ưu. Chẳng là như nhà Phật đã dậy, niết bàn nào tìm đâu xa hay phải đợi hai tấm, bốn tấm vàng tâm mới thấy. Thôi thì cũng đành thì thầm với người rằng niết bàn đang nằm trên giường với ông đây.

Một ngày ông đưa người tình cuối sông vào hạ: “Này người tình dưới phố – Đại lộ đã lên đèn – Hãy thoa son đánh phấn – Đừng vì ta cài then – Hãy đi, như đã ở”. Người ỉ ôi ngay: “….Á à, ông nói oan cho em quá nhe. Em chỉ làm bộ mời ông ăn phở, xem ông ra sao thôi mờ ! Ai lại xúi dại ông bỏ cái truyền thống tốt đẹp ăn cơm từ ngàn xưa (cho đến ngàn sau) mà ăn cái món phở tuy ngon, đẹp mắt nhưng không thể ăn ngày hai bữa năm này qua tháng nọ…”

A! Truyện ngắn ”Tình gác chân mây” mà ông lỡ gửi đến người với ẩn dụ tình cho không biếu không nào đó cũng…xuýt hay. Cái hay là người tình chữ nghĩa đã nắm bắt tuốt tuồn tuột được gia cang nhà ông: “…Nếu có chuyện ấy xảy ra, thế nào bà nhà cũng nga mặt lên trời mà não nuột than rằng :”Trời đã sinh cơm sao còn sinh phở !”. Ông mà ở trong trường hợp này, tự nhiên em thấy…xấu hổ. Hổng biết sao mà càng nghe ông dặn đừng lạnh cẳng lạnh chân, em càng hồn phi phách tán, hồn bất phụ thể, thể càng lung lay, lay hoài tim muốn rụng. Để em bám chân vào đất cho vững…”.

…ngày…tháng…năm…

Người cựa mình, tóc lùa ra khỏi bờ vai, một mảng da ngập hơi hướng của một người đàn bà chín muồi. Nếu người có hỏi ông “chín muồi” là gì, ông chẳng biết trả lời sao cho thỏa. Và chỉ biết rằng người đây như trái mọng trên cây giữa trời. Trong khi ông đứng dưới đất trông lên, chẳng biết khi nào trái chín rẽ rơi rụng vào tay. Cây dài bóng xế ngẩn ngơ, hồn em đã chín mấy mùa thương đau? Thôi thì người tình cuối sông cứ ngủ với mộng bình thường, quên đi những năm dài “Một dòng sông cạn khô – Hồn đau đâu tắm mát – Một cõi đời quạnh cô – Hãy đi, như đã ngụ”. Người hãy bỏ lại đằng sau những trái sầu rụng rơi để cho ông hôn nơi có khoảng da mọng như trái chín.

Mới sáng sớm, ông vật vờ với người tình cuối sông vì người mời gọi: “…Sáng sớm đã có người nhắc nhở mình dậy, sướng thiệt. Em đang có cà phê đây, ông có muốn nhấp …chung với em không hí Để em ẹo qua ẹo lại cho khoan khoái con người cái đã, viết gì tính sau hí. Ồ, mà có thật ông khoác áo nâu sòng không đấy? Tiếc nhỉ ! Nghe em xúi khôn cởi áo ra đi. Thiền tại tâm mà! Mong lắm thay!…”

Người tình cuối sông nhắc nhở ông: “…Ông nhớ làm đúng những điều đã viết trong thư nhé, nhưng đừng bắt nạt, đe nẹt, ăn hiếp em nghe. Ăn, thì được. “Hiếp”, xin …đừng hí. Vì ông vừa…cởi áo nâu sòng. Em tin và yêu ông, ông yêu của em…”

Ở một cái tuổi nào đó…ông lan man rằng người ta đến với nhau vì hụt hẫng, thiếu vắng. Thì ông đến với người vì những con chữ ngúc nga, ngúc ngắc đầy nhục cảm, ngập nhiễu loạn. Thi trung hữu quỷ, tạm hiểu là trong chữ nghĩa có…ma. Ma đưa lối quỷ dẫn đường người tình văn chương đến với ông. Ông kể lể với người về những…”buông thả” đã qua. Những gì hiện ra trong đầu ông là hình ảnh những người đàn bà trong ký ức. Những gì ông nhớ lại chẳng dính dáng gì đến khoảng thời gian dài hay ngắn với người cũ, với những phóng khoáng, phóng túng của họ. Những gì ông vung vãi, rơi rớt trên họ. Rất may, chỉ một vài lần nắng không ấm đầu, mưa không ướt đất là trôi tuột hết. Những hỗn loạn, hỗn mang của người tình cuối sông lúc này lại không dễ gì tống khứ ra được, cứ bám cứng không rời. Người tình cuối sông khác hẳn họ mà ông đã từng.

Ấy là người tình cuối sông là gái Huế mà ông lọng cọng với “mô, tê, răng, rứa”. Huế có dòng sông Hương. Ông bị cuốn hút mùi hương từ người thật lạ lẫm. Mà cũng lạ như một lần người eo xèo: “Bây giờ thì em ôm chầm lấy ông, không cho ông bận gì cả, được không? Ông ngủ đi, ngủ ngon đi nhé. Cứ tiếc với em một cái hôn hoài hà!”. Để ông rối trí với chữ “bận” của người tình chữ nghĩa. Nào có bận gì đâu, vì ông đang thong dong với ngày trời tháng Bụt mà. Dường như tâm hồn người đang bị nhiễu thì phải.

…ngày…tháng…năm…

Ông thì thầm sau nụ hôn vội…Người hãy nằm ngủ ngoan như con gà nấp bóng, người không nói. Nhưng làm như thể muốn nói với ông qua điện thư mới hôm nào đây: “…Giờ này em vẫn chưa ngủ được! Chả là vì có nhiều đêm mất ngủ, nên lâu lâu cơ thể đòi bù đắp chỗ…thiếu hụt… Hãy nắm lấy tay em. Tối nay em cứ trằn trọc. Khi thì vui, lúc lại buồn theo những tản bút của ông. Bây giờ em có thể ngủ ngoan được rồi, như con mèo ngái ngủ trong tay ông, thỉnh thoảng khẽ cựa quậy để nhắc nhở ông ôm em sát vào lòng hơn một chút. Hôn ông nhé, em yên tâm nằm ép sát vào người ông…”

Thêm nữa, người thổ lộ rằng người đến với ông như có nghiệp duyên. Ấy là chữ nghĩa lang thang của người. Và ông cứ lếch thếch với “có” và “không” của duyên nghiệp với thân xác ở đâu tới? Tính ở đâu thành? Tính không có thì đâu có thân xác? Thân xác và tính không có thì nghiệp duyên từ đâu mà có? Với chữ nghĩa lỗ mỗ của ông thì tính và thân xác là một. Ấy vậy mà thân xác ông chưa hề thấy. Nhưng tính thì lồ lộ…

Mà đã là duyên nghiệp thì cũng là lẽ thường tình của đất trời. Hình như cuộc sống đến một lúc nào đó phải chấp nhận những gì…”thường tình” và hãy coi nó như bình thường của đời thường. Ông lọ mọ thêm: Hãy chấp nhận những gì mà người đang có hay sẽ có. Hoặc không. Để chịu đựng qua cơn bão tình, để làm sao biết tìm nơi trú ẩn dưới cơn mưa tình tự. Người tình cuối sông nhắm mắt làm như…ngó lơ, nhíu mày ra điều không…chịu hiểu. Ừ thì cũng chỉ là chuyện bình thường thôi và ông nghĩ thế.

Người tình cuối sông đang trong giấc nồng. Ông bắt gặp môi cười mỉm chi như thể nghe được tiếng rù rì của ông. Nhưng người đâu có hay rằng “Này người tình đầu núi – Cỏ đã mướt đồi nương – Đâu cành khô sưởi ấm – Cho cuộc tình trăm năm”. Vì vậy ông đã phải cất công ngồi ở quán vắng chiều hôm đúng 28 năm hay 10220 ngày (không kể cả đêm) mới gặp được người tình trăm năm. Hay nói một cách khác theo xác suất của một nhà toán học, nếu ông ngồi ở trạm Métro và đếm đến 1 triệu 700 ngàn người…lẻ 1 mới bắt gặp người tình trăm năm trong đám đông, giữa đám đông và người có nhìn thấy ông không. Ừ nhỉ, khi con người đi hết cái vòng đời một trăm năm thì có khác gì được sinh ra một lần thứ hai để bắt đầu một vòng đời mới.

Ông lắc đầu, rằng có hơi trễ tràng với Nhật ký của một ông già. Ông ngán ngẩm vì đời sống điện toán quá vội vã, ông đuổi theo tình ảo trên mạng lưới muốn hụt hơi. Ấy vậy mà đã mấy ngày trôi qua, ông vẫn lụi đụi chạy sau thời gian…

Và khởi đầu bằng vào một vòng đời mới. Nếu ơn trên cho ông sống đến cái tuổi thất thập cổ lai hy. Ông sẽ bám víu vào người tình cuối sông đến mãn đời, mãn kiếp như cây tầm gửi. Ấy là chưa tính: Ừ thì với cái tuổi già, không có chuyện làm cho qua ngày hay để dựa dẫm theo năm tháng thì…càng ngày càng già đi. Vì vậy ông cần có một cái gì để bám chứ. Và rằng, mọi người quá sai lầm khi cho là đã già thì không còn yêu ai được nữa, mà họ không hề biết chính vì ngừng yêu thương nên họ mới già đi! Với tâm trạng phất phơ của một người đã đi hết chứ không phải tận hưởng hết cuộc đời. Cứ theo ý nghĩ bèo giạt nổi trôi của ông thì không bao giờ được nói hai chữ…chán đời, mà phải sống làm sao cho đời…chán mình. Lại nữa, ai chẳng biết đời là bể khổ…qua được bể khổ là cũng vừa đúng lúc…qua đời đấy thôi.

Với triết lý “đời là bể khổ” và cây tầm gửi “bám víu” vừa khai thông, khai ngộ, thì cũng vừa lúc ông tìm được người tình đầu tiên và cuối cùng (hay cuối đời) của mình…Với người tình trăm năm qua câu thơ trần thế bách niên khai nhãn mộng, hiểu theo nghĩa là cõi trần thế trăm năm chỉ là giấc mơ. Váng vất với giấc mơ của đời người, ông tan trọn vẹn vào đêm giữa ban ngày và đang chơi vơi, ông đang cỏ hoa lạc lối đây. Để rồi một ngày nắng không ấm đầu, mưa không ướt đất, chợt để hồn trốn mây nấp gió với giấc mơ hoang mòn mỏi với tình ở mãi đâu đâu không hẹn mà đến…Vì chẳng bao giờ cạn yêu, ấy vậy mà ông vừa gặp người tình trăm năm, ông đã lao đao, choáng ngợp mỗi khi hình dung đến khuôn mặt đầy cảm tính của người tình cuối sông.

Nói cho ngay, nằm ở cái tuổi tóc muối tiêu mà muối nhiều hơn tiêu thì ai chẳng cần có những dựa dẫm này kia, kia nọ. Ông đang chòng chành trên bến nước trong một ngày ít nắng nhiều mây. Ông đang đợi người tình cuối sông đưa cái sào ra để bám víu. Trở lại với người tình trăm năm và ông. Một ở đầu, một ở cuối thế kỷ. Không còn là đôi đũa lệch nữa mà là cây sào dài để nhảy từ bờ cõi tử sang bờ cõi sinh. Năm ngón tay ông như sinh trưởng và…dài ra. Khúc cuối của bài thơ “Này người tình” của người thơ Đạm Thạch lại hiện về ám chướng ông: Hỡi người tình muôn nơi – Đừng vì ta bận bịu – Hãy vì ta, dứt áo – Nói thêm, ta nghẹn lời! Và chúng, năm ngón tay bị câu thơ “hãy vì ta, dứt áo” xúi bẩy. Nên chúng bận bịu mày mò…một nút áo ngực…hai nút áo…ba nút…

Và thoáng như có tiếng chuông chùa vọng lại từ một nơi xa vọng về…

…ngày…tháng…năm…

Mắt ông vướng mắc vào nghiêp chướng sở cuồng…cái cúc áo nằm lệch lạc trên ngực người tình cuối sông. Cái cúc áo ngực được nhẹ nhàng tháo ra…Và thoáng như có tiếng chuông chùa từ đâu đó vang vọng. Nói cho đúng ra âm hưởng chữ nghĩa dăm khoẻn qua một bài viết Cái Bóng mà mới đây ông gửi cho người để dò dẫm:

“…Tiếng “..u..u..u…” bên vành tai lão cất tiếng thì thầm: “Ới lão ơi. Nói chuyện được không? Ngó lão…thiền sư quá”. Lão sững người. Âm vọng rù rì tiếp: “Tội nghiệp thiền sư. Đang tuổi yêu lại khóac áo nhà chùa tập đời chay tịnh”. Cái bóng nheo mắt có đuôi hấp háy: “Tội gì không để tóc. Ăn mặn. Làm người trần cho sướng cái thân”. Qua ánh đèn mù u cái bóng thoắt đẹp. Thoắt man dại. Diễn tả thế nào cho đúng đây. Lão chỉ thấy cái bóng rất…”ma”. Lão lắp bắp hỏi: “Tên…tên…gì…”. Có tiếng cười khúc khích: “Cứ gọi ông cái tên nào mà thiền sư thích”. Bụt chỉ là cái tên. Lão nhai văn nhá chữ với một chuyện người đi tìm Bụt. Hóa ra Bụt ngay ở ngay trước cửa nhà. Mở cửa là gặp nào tìm đâu xa. Mãi hậu kiếp lão mới đốn ngộ. Chợt cái bóng giọng chùng thấp, âm vọng dư thừa đam mê bí ẩn: “Phúc bất tận hưởng. Thiền sư chọn điểm. Ông chọn giờ…”

Tất cả chỉ là một truyện ngắn của ông đi tìm một người tình không tưởng về tự trăm năm mấy năm trước. Bây giờ ông mới gặp và người tình về tự trăm năm hiện đang cận kề bên ông. Mà đã hư cấu, hoang tưởng thì hiện tại với thực thể, thực tế ông có những chập chờn, e dè rằng người tình cuối sông đang nằm đây như không…có thật.

Có hay không chuyện đâu vẫn có đó. Ừ thì người tình cuối sông cứ nằm đấy. Bất động. Người trong giấc đông miên hay giả vờ ngủ, đôi mắt khép nhẹ, hững hờ, chung quanh bao la là mây trời. Môi người mấp máy như…Nói cho đúng ra sau khi bài viết được gửi đi. Lúc này, môi người động đậy như muốn nói với ông: “…Ông là của em rồi đấy, mà vẫn còn nguyên cảm giác xao động êm ả mỗi khi nghĩ tới ông. Vẫn cảm giác xa xôi mà gần gũi, như không như có, để mỗi khi nghĩ tới ông, em lại mỉm cười vì thấy thật ngộ, không tìm mà “gặp” được ông. Không còn sự trống vắng mơ hồ nữa, mà là nỗi nhớ làm ngây ngất cõi lòng và rung động thân thể. Sau một ngày xa vắng, giờ này em lại quay cuồng bên ông đây .Hãy mở chăn ra, nằm nghiêng qua và ôm em vào lòng…Ông có nghe em thì thầm…

Ô, hãy khoan cúi xuống gần mặt em, để em cảm thấy làn sóng rung động lan tỏa khắp người, để em nửa muốn nhắm mắt lại khi ông sát gần em hơn, nửa muốn đẩy ông ra một chút vì…vì..như thế có vội vàng quá không nhỉ !? ..Thôi đừng nghĩ thêm nữa, hình như…muốn….muốn….”.

Ngón tay người động đậy, môi người vừa mấp máy. Mặc dù lời câm, nhưng mắt nói vô cùng, mặc dù người tình cuối sông đang thiếp ngủ. Chỉ thiếu…cái gật đầu, để ông hiểu ngầm là đã đến lúc người cho phép ông cởi áo. Cái cúc rời khỏi khuy. Dường như ông đang tìm lại được những ảo ảnh của thời hoa niên, của sinh lực, của cuộc phiêu lãng ắt hẳn là cuối cùng. Trong khi ấy, người mông lung rằng người đang nằm cạnh một người đàn ông xa lạ. Xa mà gần. Giống như ông…Người cũng có những chập choạng, e chừng người đang nằm bên người đàn ông của định mệnh đã sắp sẵn, mà dám như…”giống như ngủ với một ông Bụt vô hình” lắm ạ.

Không nói gì, không nghe gì. Nhưng người lại nói lên mọi điều, nghe được mọi điều, trước một người đàn ông ẩn mình sau ông Bụt còn đủ sức lực làm chuyện đàn ông với đàn bà. Chỉ khác một nhẽ, lòng ham muốn tình dục thì như bất cứ ai, rộng vô hạn và sâu không đáy. Thế rồi, chung quanh những ngày nắng quái chiều hôm, những cô gái trẻ đẹp không ngừng ra đời đỏ da thắm thịt. Những bóng xế chiều hôm ấy, niềm khao khát không nguôi về giấc mộng không thành. Những hụt hẫng cùng năm tháng chưa sống mà đã qua đi. Như người hé lộ mới đây: “…Đêm nay, em lên giường một mình, em quấn mền thật chặt cho khỏi trống trải, nhất định phải đọc cả trăm lần A Di Đà Phật để tên ai, hình bóng ai khỏi len vào đầu làm em chảy nước mắt. Thôi không nghĩ đến nữa…Không nghĩ đến nữa nhưng lại muốn hé lộ: Chỉ còn một chỗ duy nhất để chứa cái quý nhất, mà …hình như đã có người chiếm giữ! Nếu vậy…nếu vậy…ông ơi, em vừa… lạnh cẳng mà cũng vừa nóng cả người lên nè. Em muốn xách dép chạy ù tới bên ông, để thấy ông bằng xương bằng thịt…Thôi ngưng lại, lại lủi thủi đi về  đường xa lăng lắc ,vì…đâu là Trúc gia trang? Nói chi nữa…có nói cũng khôn cùng…”

…ngày…tháng…năm…

Cái cúc áo thứ hai được buông thả bằng những ngón tay. Ông đang khai phá trên thân thể người tình, và tay nói thay cho người. Vì tay có ngôn ngữ riêng của nó, người chẳng phải nói. Vẫn có một khoảng cách mênh mông vời vợi. Hai thân thể gần nhau nồng nàn, mà khoảng cách hai thân xác là vải vóc cọ vào nhau xột xoạt. Khuôn mặt người tình cuối sông mông lung xa vắng, da thịt người đầy hoang tưởng vắng xa. Chữ là nghĩa. Bên tai, ông thì thầm : Chữ nghĩa của người là…vô ngôn. Bỗng người tình cuối sông thở hắt ra như muốn nói: “Đừng trải phơi ra như vậy. Mất đi chất thiền sư”…”. Cái đầu ông chắt bóp rằng cũng có thể ông là một thiền sư cũng nên. Hoặc giả ông là một gã thiền…giả bên cạnh một nữ thí chủ đang lâm nạn. Là ai cũng được, giả hay thật, nhưng không phải là người đàn ông đang đói khát dục tình. Một khi dục tình ngủ yên thì tình yêu lại thức. Tình yêu thực ra là anh em sinh đôi của tình dục đấy. Vậy đó, thế đấy.

Ừ thì như đã nói “…Và rằng, mọi người quá sai lầm khi cho là đã già thì không còn yêu ai được nữa, mà không hề biết chính vì ngừng yêu đương nên họ mới già đi…”.

Nhưng ai đấy đâu có hay mà chính ông cũng không biết: Ông cứ ngỡ là ở cái tuổi vắng gió đìu hiu thì chẳng còn thể yêu thêm hay yêu lại được nữa. Vì tuổi trẻ đã phung phí, vương vãi tít mù ở đằng sau, đã khuất nẻo với nghìn trùng xa cách. Ấy vậy mà một ngày không nắng cũng chẳng mưa, người đây bất ngờ xuất hiện trên mạng lưới. Người con gái Huế ẩn hiện qua cây sầu đông, để ông hoài cảm từ người tình cuối sông với hồng bay mấy lá năm hồ hết, thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông. Trông ai chưa biết, để rồi thời gian như quạ bay, ông có mặt trong cuộc tình ảo đúng lúc với mơ khách đường xa, khách đường xa. Qua hình ảnh, người tình cuối sông đã mang tình yêu mờ nhân ảnh đến với ông. Ở tuổi này, ông không nghĩ là ông sa đà mãnh liệt đến không ngờ, và bộc phá như chưa từng. Cái tình ảo cuối mùa bất chợt tới với ông cùng những bần thần…

Ừ thì biết diễn tả thế nào đây khi…“bần thần” là trạng thái của tình yêu say đắm. Thì cũng giống như khi…tự đái vào chân mình vậy, mọi người cho là rồ. Nhưng chỉ có bản thân mình thấy ấm.

Bởi vì hơn một lần người làm nũng đến thiu cả thịt da ông: “…Em nhắm mắt lại…, thỉnh thoảng khẽ cựa mình để ông biết em vẫn thức cùng ông. Ông mỏi cánh tay không? Vì được ngủ trong vòng tay ông êm ấm quá, được ông vuốt tóc, nâng niu, cảm nhận những thiết tha trong mỗi lời ông thầm thì. Nhưng chừ nhắc lại câu ấy, em vẫn còn thấy… gió luồn qua chân chứ chưa hết lạnh. Vì em sợ…mình không đáp ứng đúng như ông muốn, ẵm bồng, hôn hít, trò chuyện, nựng nịu, thương yêu, giận tức, bực bội…đủ mọi thứ trên đời coi có…đạt quá mà…thành chánh quả hay chăng? Nếu ông vẫn còn cảm thấy như thiếu như vắng một điều gì đó, thì vẫn còn nửa đạo nửa đời. Vậy hãy…lấp đầy …khoảng trống đi ông, thử khoác áo trần tục tung hê một lần nữa xem sao…”

Ừ thì nhật ký bẩy ngày tình ảo cũng sắp đi đến cuối đường để có gặp gỡ. Trông ngóng hẹn hò với những ngày sắp đến. Ông lại lất phất với cây sầu đông xứ Huế như vận vào đàn bà con gái đơn côi, rằng không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng. Hoặc giả như phất phơ với đàn bà con gái thức được nửa đêm về tối, chứ ai thức nửa đêm về sáng. Từ đấy, bụng dạ ông nhìn thấy một điều tình yêu không phải là chiếm đoạt (ở ông). Tình yêu cũng không phải hiến dâng (nơi người). Gần nhau thể xác là cuộc gặp gỡ của hai mảnh đời khởi sự trên một con đường từ hai đầu, đầu sông cuối bãi trong phiên chợ chiều qua những năm tháng liêu xiêu. Và người tình cuối sông liêu xiêu theo: “…Tối qua nghe ông thì thầm bên gối, với vòng tay cùng thân thể ghì siết, giấc ngủ đến với em mang hơi hướm nồng nàn của ông. Ông yêu thương, có ông, em hạnh phúc biết bao, cho dù em chỉ là một người quá “bình thường “, thì em đây, ông hãy nhận… Hãy ôm em; áo em mỏng mảnh, ông lùa tay vào đi…..với tất cả…”

Hai nút áo được thả lỏng…Hồn ma nát thần tính, bất giác ông nhìn quanh quẩn, không gian bốn bề ma mị. Ông chợt hoang tưởng đến cảnh giới này nào có khác gì chuyện liễu trai mà ông là thư sinh…khọm. Đôi vai nữ lang hơi nhô lên, có cái gì ma quái tròn trịa nhú theo. Ông hình tượng ra…hiểu theo nghĩa chỉ là hư cấu. Ông thoáng nhìn thấy bầu ngực nửa đàn bà, nửa con gái trắng như cùi bưởi, nhỏ bằng trái cam. Ông kéo chăn lên để che đậy và hôn nhẹ bờ vai trần. Ông cảm nhận được hương thơm da thịt của sông Hương Núi Ngự. Người co giật theo bờ môi tham lam, thèm muốn của ông. Tay dang ra dưới tấm chăn ôm choàng lấy ông. Ông ôm lấy người…Hai thân thể cọ xát, có những phần thịt dư thừa chạm vào nhau, những đụng chạm vô tình tìm đến với nhau…Và khi không thân thể ông như nghe được tiếng thở ra như tiếng thở dài…

Trong giấc ngủ, người tình cuối sông là một người đàn bà mang dáng dấp của một cô gái. Người tình cuối sông đang đắm chìm với một mảng dĩ vãng nhấp nhô, ký ức qua một nỗi buồn lạnh lẽo bể dâu. Người tình cuối sông đang nằm đó miên man, đôi mắt chan chứa nỗi u sầu, giờ hờ hững khép mở về một vùng u tịch của hiện tại với nỗi lẻ loi vắng bóng của mình. Cô gái của ngày trước hay lúc này đang là đàn bà, đang nằm đây cũng vậy. Cô đang tìm về một khoảng thời gian đã mất. Cô đang hòa nhập vào thời gian còn lại và thèm muốn những vỗ về, những mặn nồng. Tất cả đã ẩn mình từ lâu trong ngõ ngách của tâm khảm, tâm thức mà cô đâu có hay. Viết thì viết vậy, nhưng người không hay lại là ông, vì cô vừa buông xả: “…Bữa ni bậu vắng tiếng , em đợi những lời ân cần đằm thắm ấm áp của bậu hoài mà không thấy. Bậu có sao không? Có ăn uống ngủ nghỉ được không? Bậu đừng làm đau giường đau chiếu nữa, hãy khép mi lại và…kéo gỗ đi, cho khỏe. Hôn bậu thật dài nè, chắc cỡ một phút. Bây giờ thì em ôm chầm lấy bậu, không cho bậu bận gì cả, được không? Chịu nổi không?…”

Người tình cuối sông đang lao xao bấn loạn với thân xác. Ông lại vất vưởng với “thân xác ở đâu tới?” của mấy ông thiền sư ở trên. Mà mấy ông thiền sư nào có biết gì về tình dục để dậy khôn tha nhân. Cứ theo ông hiểu ấy là tiếng thầm thì tự tiềm thức của bản thân người. Tâm hồn người đang lao xao vô định, ông chợt u hoài đến người tình đầu bãi và người tình cuối sông của ông đều đi chung con thuyền cỏ lau về một bến giác. Cả hai đều có những trúc trắc đời sống vợ chồng với những ông chồng trong quá khứ. Bắt nguồn từ chuyện đời thường với không tình yêu thì chẳng thể có tình dục. Để rồi cả hai đều bị bệnh lãnh cảm. Theo ý nghĩ nổi trôi của ông thì hai người tình của quá khứ và hiện tại chẳng thể tồn tại nếu cứ giấu mình mãi trong bọc kén. Vì vậy người tình cuối sông và người tình đầu bãi của ông có những xào xạc thân xác trần trụi cùng chữ nghĩa nghí ngoáy bấn loạn là thế. Thế nhưng những chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của người cô đơn lúc này. Ông chợt quan hoài đến chính ông: Chính những chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của ngay ông nữa là. Là nếu nói dễ hiểu hơn…thì chỉ có…trời hiểu. Họa may ra những người tình chữ nghĩa của ông hiểu thôi. Thôi thì thêm một lần vay mượn người thơ Mai Thảo trong một cõi đi về: Thế giới có triệu điều không hiểu – Càng hiểu không ra lúc cuối đời – Chẳng sao khi đã nằm trong đất – Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi. Và ông thở ra như tiếng thở dài…

…ngày…tháng…năm…

Cái cúc áo thứ ba được tháo gỡ đủ cho hai bàn tay lùa vào…Hai bàn tay ông đang bận bịu với hai cục u u. Những cái cúc còn lại được giải thoát vội vàng. Bởi ông hay người. Ông vặn óc nghĩ không ra và ghi xuống trang nhật ký viết dở dang: “…Trong giấc ngủ, người nhích người thêm một chút nữa về phía ông. Sát vào ông thêm một chút nữa như hai chiếc lá ướt dính vào nhau… ‘’. Người như cảm thông những gửi gấm, rúc đầu vào cánh tay ông đầy gợi tình trong giấc hòe. Hai phần trời cho người đàn bà u u lên để phân biệt với đàn ông vẫn nằm gọn trong bàn tay ông. Ông râm ran rằng tình yêu giúp ông vượt lên những suy nghĩ… tầm thường và đưa ông tới những suy nghĩ…tầm bậy. Vì ông trộm cho rằng tình yêu chỉ là…phù du, sờ mó được u u mới là…vĩnh cửu.

Trong bóng tối nhập nhòa, chữ nghĩa cũng bằng thừa, ông chỉ u ơ hình tượng có bấy nhiêu. Thế nhưng người tình cuối sông của ông nhậy cảm hơn: “…Em phải đóng “ấn tín” lên bậu bằng “của em” để chắc ăn bậu không…ma, không nhúc nhích chỗ nào khác mới được. Mấy đêm rày nằm bên nhau, mình vẫn mơ mơ hồ hồ đâu đó vòng ngoài không thôi. Không vội vã, không thúc dục, dù máu cứ chảy rần rật trong huyết quản. Dù có lúc em đã rướn người nhích gần bậu thêm chút nữa, ép sát vào bậu “như hai chiếc lá ướt dính vào nhau “. Câu này của ông thật tuyệt, gợi tình và gợi cả ý gắn bó. Đúng như trước kia em muốn diễn tả bằng hôn ông với tất cả…ý tình ” .

Ông như thế đấy, người như thế đó. Làm thế nào để hiểu được rằng chính những người thừa mứa dục tình lại là những người hiểu rõ và thèm khát tình yêu nhất. Và ông thở ra như tiếng thở dài…Người như nghe ra tiếng thở dài của ông và ôm ông thật nồng nàn. Ông nhắm mắt tận hưởng cảm giác ngây ngất, lan tỏa trong ông. Mà dường như người đang ú ớ trong giấc mơ hoa? Có lẽ đấy không phải là một giấc mơ đâu. Mà là những tiếng nói của vô thức, thói quen chống đối của bản năng mỗi khi một người đàn ông đến với một người đàn bà. Với đàn bà thì cội rễ của đàn ông là hay quên, nhất là quên những người đàn bà vừa kề vai tay ấp mặn nồng. Chỉ sau một đêm thôi đã không còn muốn nhận ra nhau huống gì đến ba vạn sáu ngàn đêm. Nhưng đàn bà như người đây thì lại khác. Chỉ một phút giây mà còn chưa quên được nói gì đến cả một đêm.

Cứ theo thiển nghĩ ông thì mỗi bản nhạc, mỗi bản văn đều có dòng sinh mệnh của riêng nó. Riêng nhật ký bẩy ngày tình ảo của một ông già…là ông đây thì không biết ngừng ở chỗ nào. Vì nó thiếu một dấu ấn để đời. Chợt gửi gió cho mây ngàn bay đến những u mê, u ám nơi người tình cuối sông: ” Vậy mà chỉ đọc những câu, chữ âu yếm của bậu nhẹ nhàng diễn tả trong thư, em đã thấy… khác lạ trong người. Thiền giả gì đâu mà viết cứ như…Bồ tùng Linh! Ma đầy mình. Đọc mà rợn cả thịt da là vậy.

Bây giờ thì em ôm chầm lấy bậu, không cho bậu bận gì cả… “, khi viết câu này em không khỏi mỉm cười một mình. Vì bậu đâu có biết chữ “bận” theo nghĩa của người Trung là “mặc” (áo,quần). Em ôm bậu nè, không cho bậu mặc gì cả nè, được không? Bậu nằm xuống đi (hay…ngồi cũng được ), để em…vốc hí. Tay em muốn di chuyển đi đâu tùy ý hí, vì…đó là tay em mà. Em thoa bóp dần xuống cổ, cúi xuống hôn, xuống nữa, nữa, nữa… Bậu có lạnh không mà rùng mình trân người lên vậy…?”.

Ừ thì ông hiểu ‘’bận’’ không phải là…ngày trời tháng Bụt như ông nghĩ. Thế nhưng bươn trải cho mấy, ma cho lắm, thế mà ông chịu hiểu ‘’vôc’’ là gì cho. Ấy là chưa kể ông hiểu lộn câu thì thầm của người và ông cúi xuống ân cần đặt một nụ hôn ở một nơi chốn…mà ông Mai Thảo đã ẩn dụ : Đặt hôn vào chỗ không thể đặt – Vậy mà đặt được chẳng làm sao – Mười năm gặp lại trên hè phố – Cười tủm còn thương chỗ đặt nào…

Nói cho cùng, ông nắm bắt được dường như người đây cũng đang…cười tủm còn thương chỗ đặt nào. Ông có thể nhận bắt được những run rẫy ông đặt môi lên từng phân vuông da thịt. Ở mỗi nơi run rẩy mỗi cách khác nhau. Dù ai đấy ngủ hay giả vờ ngủ thì thịt da tươi mát của người vẫn thức, vẫn nghe được tiếng gọi từ thịt da ông. Lúc này, tình yêu và tình dục đúng là hai em song sinh ngoan ngoản dễ thương, chúng nâng đỡ nhau và tiếp sức nhau để làm nên cái được gọi là ham muốn được…yêu. Hơn một lần, người tình cuối sông gần như cùng cảm nhận với ông: “…Tất cả ham muốn ấy được gợi lên, chỉ do những giòng chữ ông viết những nhớ thương. Vậy mà em cảm nhận được ý tình dào dạt. Chỉ bấy nhiêu thôi, mãnh lực chữ nghĩa của ông đủ để em muốn…”lăn lóc” với ông rồi. Như em hay nói, chỉ có tình yêu mới đánh thức dậy được một cõi lòng giá lạnh và các giác quan hờ hững bấy lâu…”.

Thêm một lần, chữ nghĩa mẫn cảm của người tình cuối sông đến thiu cả da thịt ông:

“…Trời đêm nay se lạnh, da thịt ông nồng ấm mời gọi…Em nhắm mắt lại tận hưởng ngây ngất. Rồi he hé mắt nhìn ông, vừa lúc ông cũng nghiêng xuống mỉm cười. Nụ cười như muốn nói em hư lắm, thôi không văn chương gì nữa, em chỉ muốn…ngủ với ông thôi….

Và mình rúc vào tay nhau…Chăn gối nệm giường như bị sóng dồi gió dập, xô lệch, nát nhàu…Ôi, ông có nghe em hổn hển, ngắt quãng. Em…”yêu” ông hết sức lực của em. Em trao tặng ông tất cả… với vòng tay ghì siết mỗi lúc một mạnh hơn cho đến khi toàn thân rung động, rồi bập bềnh trôi nổi trong cảm xúc hoang sơ mãnh liệt dâng trào…”.

Không gian bốn bề vẫn ma mị, trong mộng mị ông nào có nghe…, có hay tay ông choàng qua bờ vai nửa kín nửa hở và kéo người phía mình. Vừa ôm người ông vừa lan man rằng tận cùng với ông phải chăng chẳng phải là tình dục. Với tình dục lúc này chỉ là những nét chấm phá của bức tranh thủy mặc, những nét thăng hoa của tình yêu trong phiên chợ chiều ở đầu sông cuối bãi. Để rồi một ngày nào đó không nắng cũng chẳng mưa, ông có nên tìm đến với người tình cuối sông trong một ngày nhạt nắng chăng?.

Bất chợt ông bắt gặp chính ông lại…thở ra, lại như…tiếng thở dài.

Nên hay chăng chưa biết, lúc này đây ông đang lọ mọ là gần như ông không hiểu…ông thì phải. Thêm nữa, chẳng hiểu cớ sự gì ông sâu đậm với người tình cuối sông đến như vậy. Vì giọng Huế lót ngót như chim hót. Hay vì người tình văn chương của ông với chữ nghĩa trơ trụi xoắn tít xoắn mù hơn cả Trần Thị NgH. Trước 75, nhà văn nữ Trần Thị NgH viết trong truyện ngắn “Nhà có cửa khóa trái” như sau: “…Tưởng tượng một người đàn ông đứng tuổi, đứng đắn. Một người đàn ông sắp sửa 40 tuổi, có vợ, có địa vị. Không lý tưởng sao, tuyệt vời nữa. Một hôm chàng nói: ‘’Em dám bỏ trốn với anh không?’’. Tôi nhìn chàng nghi ngờ: ‘’Chưa có cuộc ngoại tình nào thành công cả’’. Chàng hỏi: ‘’Ngoại tình là gì?’’. Tôi ngần ngừ : ‘’Là một cố gắng tuyệt vọng!…’’

Chuyện là người tình cuối sông đã có chồng con, nay chồng một nơi con một nẻo và đang ở cái tuổi chín muồi. Đêm đêm người vẫn “Tôi nhìn tôi trên vách”, thế nên người đây có chẻ hoe trắng phớ với ngôn từ thì cũng là nhẽ bình thường. Như một lần người tỉ tê: “Có ông, em hạnh phúc biết bao. Ông thương yêu ơi, cho dù em chỉ là một người “bình thường “. Chỉ chéo ngoe một nỗi ông lại “không bình thường” cho mấy. Ông đang chập choạng ở cái tuổi chuối chín cây, nửa đêm về sáng cứ u u minh minh với: Nghe hơi gió chuyển mùa sang – Tuổi già cám cảnh đôi hàng rụng rơi. Hồn ma bóng quế của người tình đầu bãi xưa cũ khi không hiện về hú họa ông: “Có khi chung thủy là một cố gắng không tuyệt vọng”. Và lầm rầm tiếp: “Ngoại tình là yêu một lần nữa nhưng cần phải cố gắng“. Và thêm một tiếng thở ra như một tiếng thở dài cho…một cố gắng tuyệt vọng.

Như có tiếng chuông chùa vọng lại từ nơi rất gần, từ thân xác người tình cuối sông vọng về…Trên giường, bên ông, ai đấy khép chân lại. Cả thân xác người đây ngập đầy khêu gợi thiết tha. Người âm ỉ bằng tiếng nói bản năng gịuc giã trong cơn mê tình:

– Nằm xuống đi.

Ông hồi nhớ người đã thổ lộ “Bậu nằm xuống đi (hay…ngồi cũng được ). Tại sao lại “ngồi”, ông chịu chết nghĩ không ra. Ông râm ran từ vô thức “trên” hay “dưới” đây. Qua khuôn mặt vừa có những nét trần tục, vừa mang nét không trần thế, người nhíu mày:

– Trên với dưới, mệt quá !

Và bờ môi người động đậy:

– Trên sướng chết đi, đâu có bị…đè…nặng !

Khóe mắt người đẩy đưa:

Hay là dưới thành trên?

Ừ thì ông đang nằm trên giường chứ còn ở đâu nữa. Cái đầu ông đang lầng quầng về một ông nhà văn Tây phương nào đó đã vờ vĩnh: “Cái giường không phải để ngủ. Mà là để nói chuyện. Vì ở trên giường, người ta dễ thành thật với nhau nhất”. Và lặng ngắm người tình cuối sông của ông là…người đàn bà ngủ mê. Khi không ông thở ra, như…

clip_image004

Thạc trúc gia trang

Lập đông, Nhâm Thìn niên

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Phụ chú:

Mặc dù bài viết được gợi ý từ “Les belles endormies”

(Người đẹp ngủ mê) của Yasunari Kawabata, và

“Memoria de mis putas tristes(Hồi ức về những cô

gái điếm buồn của tôi) của G. Marquez. Nhưng với

“Nhật ký bẩy đêm tình ảo của một ông già” thì hình

thái cũng như chi tiết, ngôn từ hoàn toàn khác hẳn.

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search