T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Xin trân trọng quá khứ để xứng đáng là người sống sót

clip_image001Quanh quẩn chân đi đường quạnh vắng

Loay hoay trong lớp bụi phong trần

Ta tìm một mái am tịnh ẩn

Gối đầu cho ấm chút tro than

                                                                                 ( Ngọc Phi)

Tôi tưởng mình đã có thể quên được quá khứ, nhất là thứ quá khứ nhìn lại, nghĩ lại chỉ thấy quặn đau. Tôi tưởng khi gặp lại những người bạn tù năm xưa, chúng tôi sẽ chỉ có những câu chuyện hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện tại, về sự trưởng thành của của những đứa con, về tương lai gần trước mặt sẽ là thời gian cuối đời rảnh rỗi . Và nếu những câu chuyện cũ có được nhắc lại, cũng chỉ như chút ngậm ngùi về khoảnh đời đã mất, dẫu cho đó là những khoảnh đời đẹp nhất.

Nhưng không hẳn như tôi đã miên man suy nghĩ trên con đường xuyên bang hối hả hướng về thành phố Dallas trong một ngày đầu tháng 10 vừa qua.

Căn hội trường rộng rãi chật ních người. Họ từ khắp nơi đổ về. Họ cùng có với nhau một mẫu số chung: sống sót qua một cuộc chiến tranh, sống sót qua một cuộc tù đày. Trong số họ, không có ai còn trẻ. Tất cả đang ở giai đoạn dọn mình cho hành trình trở về nơi từ đó họ đến với cuộc đời này. Một đời người sắp hoàn tất, với những long đong nhọc nhằn cùng vận nước nổi trôi. Một thế hệ sắp đi vào lịch sử, với những dấu ấn oan nghiệt mà các thế hệ đời sau không dễ dàng gì thấu hiểu. Và có thể, họ sẽ không bao giờ hiểu được.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

Nhìn những con người trước mặt mình, tôi nhớ đến cũng một nơi rộng lớn như thế này, cũng những con người như thế này, nhưng ở một nơi xa lạ giữa rừng già Việt Bắc, mấy chục năm về trước. Ngày ấy, mái tóc họ còn màu xanh. Thân xác họ tuy có gầy gò ốm yếu vì đói rét và lao động cực khổ nhưng trên khuôn mặt vẫn đôi mắt sáng rực của tuổi trẻ. Ngày ấy, cái vô vọng của một viễn ảnh không có ngày về vẫn không đủ sức đánh gục họ. Họ vẫn hiên ngang ngửng đầu, vẫn dũng cảm chiến đấu với cái khắc nghiệt của thời tiết, với sự độc ác của kẻ thù.

Thời gian qua đi. Họ đã sống sót. Đã trở về. Và đã mang chung một thân phận lưu lạc xứ người. Khi những bài tù ca mấy mươi năm về trước được cất lên cũng bởi những người tù năm xưa, tôi đọc được trong mắt cử tọa những nỗi xúc động mà tôi tin rằng 18 năm nay họ đã không có được. Trong nỗi xúc động ấy, một quá khứ tưởng quên lãng đã đội mồ sống dậy. Những hình ảnh rõ nét như vừa mới xẩy ra hôm qua. Những âm thanh rộn ràng như vẫn còn vang dội giữa những dẫy trại im lặng trong màn đêm đen như mực của rừng núi âm u. Những con người với khuôn mặt đăm chiêu như nét đăm chiêu của hôm qua về số phận của mình, của gia đình, của đất nước trong nhà tù lớn ngoài kia.

Những bài hát cũ đã dứt. Nhưng âm vang cứ như phảng phất giữa thinh không. Những hình ảnh cũ vẫn cứ như còn quanh quẩn, cùng với oan hồn những người bạn đã chẳng may không trở về được với gia đình. Mấy mươi năm của hành trình khổ nạn, không phải chỉ của một nhóm người mà hầu như cả một dân tộc, đâu dễ gì một sớm một chiều đi vào quên lãng.

Những người tù khổ sai năm xưa, nay tụ họp với nhau, đâu phải chỉ là hưởng niềm vui hội ngộ. Quá khứ có xót xa, nhưng vẫn phải nhắc lại để an ủi vong linh những người không may mắn sống sót, để cảnh cáo những thế hệ tương lai đừng bao giờ tái diễn những oan nghiệt vượt sức chịu đựng của dân tộc, và để những ngày cuối đời của người sống sót hưởng được sự bình an trong tâm hồn.

Và chưa bao giờ tôi trân trọng quá khứ như giây phút cùng với những người sống sót sau cuộc hành trình khổ nạn nhìn lại quá khứ thế hệ mình. Giọt nước mắt của hôm qua, với tôi, luôn có tác dụng làm dịu lại nỗi buồn hôm nay.

Tôi vẫn hằng tin rằng, khi người ta đã từng trải qua những khoảnh đời bấp bênh giữa sống và chết, hẳn người ta sẽ nhìn thấy rõ hơn cái vô thường của kiếp người, cái hư ảo của những tranh chấp được thua, và trên hết, cái chân giá trị của tình cảm con người cho nhau trong những khi hoạn nạn.

Quá khứ đau thương của một thế hệ Việt Nam, qua những câu chuyện được kể lại của người sống sót, đã chứng minh rằng chỉ có tình thương giữa con người với con người mới đưa người ta thoát khỏi được những hoạn nạn. Nhắc lại quá khứ, cũng là nhắc nhau ngày hôm nay hãy đối xử với nhau sao cho xứng đáng với sự sống sót của mình. Một sự sống sót, mà, ngoài tính cách an bài của số phận, còn nhờ vào những tấm lòng biết sống vì người khác, những tấm lòng độ lượng lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình.

Lãng quên quá khứ, đồng nghĩa với sự vô ơn. Nén nhang tưởng niệm trước bàn thờ những oan hồn uổng tử của một thời điêu linh, không chỉ cầu mong sự siêu thoát cho người chết, mà còn là lời cầu nguyện cho sự siêu thoát của chính mình, của chính tâm hồn mình vẫn còn đang bị bủa vây bởi bao hư ảo, hư danh của đời thường, của bao tranh chấp hơn thua mà quên hẳn đi mới ngày hôm qua mình còn là kẻ vất vưởng giữa một bên là cửa tử, một bên là cửa sinh.

Mỗi ngày qua đi, là một bước đến gần huyệt mộ. Rồi đây, rất nhiều người của thế hệ chúng tôi sẽ trở thành chính quá khứ. Thời gian còn lại chẳng có bao nhiêu. Những hư ảo hư danh được thua rồi cũng sẽ tan nhanh như bong bóng xà phòng với những ai còn còn bị bủa vây bởi chúng. E rằng, khi ấy đã quá muộn để tìm lấy sự bình an quý báu cuối đời.

Cũng chẳng may, không có mấy người đủ tỉnh táo đưa tầm mắt lên cao hơn những thứ bủa vây mình để nhận ra điều giản dị ấy!

Những ngày đầu tháng 10 ở Dallas, trong niềm vui gặp lại những bạn tù cũ của một thời chia nhau điếu thuốc, thỏi đường, củ khoai, của một thời chia nhau lo âu, thất vọng, chán chường, tôi còn được dịp nhìn rõ hơn quá khứ của mình, của bạn bè mình, của một thế hệ sinh ra vào thời đại nhiễu nhương nhất trong lịch sử đất nước.

Tôi rời Dallas với tâm hồn thật bình an. Mọi xáo động trước đó như những hạt bụi của một cơn  gió trái mùa mà vòng tay thân ái của bằng hữu đã giúp nhau phủi sạch.

Gặp lại được nhau lần nữa hay không, chúng tôi cũng đã mãn nguyện. Xin cám ơn những người đã góp sức góp tay tạo nên cơ hội gặp gỡ này.

T.Vấn

Dallas-Wichita

Tháng 10-2008

Phụ lục: Một bài thơ của Ngọc Phi. Đọc để suy ngẫm về một nỗi đau còn lớn hơn tất cả những vụn vặt của “cơn gió trái mùa” gom lại.

T.Vấn

Bỏ lại giang hà, một tiếng kêu

thơ: Ngọc Phi

clip_image003

Ta đứng nghe lòng sao héo úa

Ngòai kia lãng đãng bóng mây chiều

Người xưa chống gậy vô rừng trúc

Bỏ lại sau đời tiếng nhạn kêu

.

Vó ngựa dập dồn chân núi xa

Vọng về tàu cũ đã hoang vu

Sông nước đợi chờ ai khuất nẻo

Người đi, đi biệt tựa sương mù

.

Còn đó khung trời xưa chết lịm

Những linh hồn cũ đội khăn tang

Còn đó suối nguồn vừa réo gọi

Nghe như lệ chảy xuống cung đàn

.

Ôi thôi ta chỉ là gỗ mục

Làm sao thắp được lửa nhân gian

Sưởi ấm trái tim đời khô khốc

Vùi trong cát bụi của thời gian

.

Hai tiếng quê nhà tan giấc mộng

Giật mình, chinh chiến đã xanh rêu

Ta bước theo người nương gậy trúc

Bỏ lại giang hà, một tiếng kêu

Ngọc Phi

©T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search